Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.143.267
 
Khát vọng lớn của nhà thơ Trần Vàng Sao
Võ Quê

 

 

 

 


     Mùa thu năm nay, những người yêu thơ và mến mộ, quý trọng nhả thơ Trần Vàng Sao rất vui mừng khi hay tin Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phối hợp với Công ty Nhã Nam cho ra mắt độc giả tập thơ Bài thơ của một người yêu nước mình của nhà thơ Trần Vàng Sao với 32 thi phẩm, trong đó có một số bài lần đầu tiên được công bố.  Điều đáng trân trọng được ghi nhận là nhờ sự định hướng của nhà văn hóa Tôn Nữ Ngọc Trai, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà hiếu tử Nguyễn Đông Xuyên đã chăm chút gìn giữ các di cảo, bản thảo của thân sinh để công tâm góp phần thực hiện nội dung tập thơ này.

 

     Nhà thơ Trần Vàng Sao tham gia phong trào yêu nước của tuổi trẻ đô thị miền Nam từ những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, sau đó ông thoát ly lên rừng một thời gian rồi ra Bắc. Nhà thơ Trần Vàng Sao đã từng trải qua những ngày gian khổ từ núi rừng hiểm trở, ông đã có những đóng góp vào công ích chung bằng chính ngòi bút chân thật của chính mình. Những bài báo đấu tranh; những trang thơ viết vội, nồng cháy; những khúc diễn ca sôi nổi hào hùng… được xuất phát từ tâm hồn, trí huệ của một thời trai trẻ. Nhiều đồng đội ở chiến khu thuộc những câu lục bát tài hoa của ông và thơ Trần Vàng Sao đã tiếp truyền dũng khí cho những thế hệ đàn em.

 

     Bài thơ của một người yêu nước mình được ông sáng tác năm 1967 đã đi vào lòng dân 2 miền Nam Bắc đang khát vọng thống nhất đất nước mà nổi bật lên trong thi phẩm này là thống nhất được lòng dân:

đất nước hôm nay đã thấm hồn người
ve sắp kêu mùa hạ
nên không còn mấy thu
đất nước này còn chua xót
nên trông ngày thống nhất
cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
lòng vui hôm nay không thấy chật

     Khi khát vọng đất nước thống nhất của ông thành hiện thực, ông trở lại Huế quê nhà, trách nhiệm công dân, tình yêu quê hương, dũng khí của người nghệ sĩ trong Trần Vàng Sao lại ngời lên trên đầu ngọn bút. Những dòng chữ mực tím trên những trang vở học trò lại trăn trở trước những trầm luân của xã hội, của nhân tình thế thái; trước những phân hóa, bất công bạo hành, điên đảo tình người. Và nữa, sự mất mát tàn khốc một thời chiến tranh luôn đau đáu trong tâm thức ông với sự dằn xé, thao thức, tiếc thương về sự hy sinh quá lớn lao của đồng đội mình. Và chính từ những điều cốt lõi ấy mà anh cho ra đời các thi phẩm Người đàn ông 43 tuổi nói về mình (1984), Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa (1990), Gọi tìm xác đồng đội (2012).

 

     Lời tựa của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, thay mặt Nhà xuất Bản Hội Nhà Văn đã khái quát tương đối chuẩn xác về thơ và cuộc đời Trần Vàng Sao: “Thơ của Trần Vàng Sao là chính cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không hề theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào... Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, ánh mắt ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, đau ốm ông, giận dữ ông, dày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông… và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca. Bởi thế, thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông.”

 

 Huế 2.9.2020.

 

 

 

 

Võ Quê
Số lần đọc: 1292
Ngày đăng: 14.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn-học hải-ngoại 20 năm đầu thế kỷ XXI - Nguyễn Vy Khanh
Yếu tính của thi ca tân hình thức - Võ Công Liêm
NNND Thanh Hương “Giọng ca đồng điệu tài danh đã ra đi” - Võ Quê
Nhân sinh thất thập : “cổ lai hi” hay “nhi tòng tâm bất du củ” ? - Phan Văn Thạnh
Tấc lòng son của một người tha hương mang tội phản quốc cho đến chết - Nguyễn Anh Tuấn
Ngôi chùa thiêng lưu giữ “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du - Nguyễn Anh Tuấn
Từ tro tàn bóng chữ bay lên - Trương Văn Dân
Đọc lại hồi ký Nguyễn Huy Tưởng, nghĩ về bài học cho văn nghệ hôm nay - Cảnh Thụy
Huy Tưởng, lục bát - Nguyễn Đức Tùng
Đi tìm Dịch giả Trần Dần - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)