Nhà thơ Nguyễn Tấn Hải
Trong những người làm thơ ở Quảng Ngãi, Nguyễn Tấn Hải là người có nhiều biệt danh nhất. Đó là “gã thất tình” (Nhưng ở đời, ai cũng thất tình chứ chỉ đâu riêng gã?). Đó là “gã thương hồ” (Đã làm thơ ai chẳng có thói thích lang thang, xê dịch, phiêu bồng chứ cũng phải đâu riêng gã?). Đó là “gã nhà quê” (Nhưng người làm thơ ở Quảng Ngãi có anh nào mà không từ gốc rạ chui lên?). Có rất nhiều lý lẻ để biện minh, nhưng có minh oan gì thì những biệt anh ấy cũng chỉ dành riêng cho gã. Và nghiễm nhiên, được gọi lâu ngày thành quen, dần dần trở thành “thương hiệu”.
Sinh năm 1955 nơi làng quê Đức Chánh, Nguyễn Tấn Hải sớm rời quê ra phố học (1968). Những ngày trọ học phổ thông ở Trường Trần Quốc Tuấn, với tâm trạng của người quê ra phố, anh xuất hiện khá sớm trên thi đàn từ những năm trước 1975 với tập thơ đầu tay mà bản thân tên gọi đã đầy chất mụ mị của những giấc chiêm bao say đắm: “Dấu chân cỏ mục thơm hoài chiêm bao” (1973). Trong đó, ta thấy có một “gã nhà quê thất tình” cứ ẩn ẩn hiện hiện trong suốt tập thơ:
Em là em của người ta
Ta là ta của con ma thất tình (Rót đầy tàn phai).
Và trong những ngày tháng chiến tranh ly loạn ấy, thơ tình của cậu học trò phổ thông kia đã nhuốm đọng vị buồn. Thật cô đơn cho một con người, khi muốn qua sông tình, mà chẳng thấy bóng đò duyên; khi tình chưa rót mật yêu thương đã nghe tàn phai rót đầy trong buổi chiều em ghé bến:
Qua sông không bóng đò đưa
Biết ai đổ chén rượu thừa mà say
Chiều xưa em ghé qua đây
Chưa yêu thương đã rót đầy tàn phai (Rót đầy tàn phai).
Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 1975, những mộng mơ tuổi học trò đành khép lại, anh trở thành chú bộ đội trong đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên sau ngày giải phóng. Bốn năm quân ngũ (1976-1980) dẫu phải chấp hành kỷ luật nghiêm và trải nhiều khó khăn, gian khổ; nhưng cái bản chất lãng mạn của một người thơ vẫn cháy bỏng trong lòng người lính. Chú bộ đội Nguyễn Tấn Hải vẫn tiếp nối “gu” thơ bay bổng, nhẹ nhàng của cậu học trò phổ thông ngày trước, chỉ có điều khác là hồn thơ đã bớt đi hương vị “tàn phai”, đã níu được đôi cánh mộng mơ xưa hạ gần với cuộc đời hiện thực:
Nắng chiều nay có về qua cửa lớp
Cô giáo trông lên đôi mắt thật hiền
Hạnh phúc em con đường me lá lợp
Hai buổi đi về trên bục giảng thân quen
Hạnh phúc em từ những dấu chân chim
Trang giấy trắng giọt mồ hôi bổi hổi
Hạnh phúc anh từ dáng hình đồng đội
Màu áo xanh thấm bụi cây rừng
Lá thư tình dăm đứa bóc xem chung (Tình ca).
Rời quân ngũ với màu da sạm nắng và một mớ thơ tình, Nguyễn Tấn Hải bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh rày đây mai đó. “Gã thất tình” hay thơ, ham lang thang, mê xê dịch trở thành “gã thương hồ” lang bạt với đủ mọi nghề kiếm sống để lãng du qua mọi miền thành thị, thôn quê:
Anh là gã thương hồ lang bạt
Trở về đây với tiếng hót chim vườn (Gã thương hồ).
Về rồi lại đi, anh cứ như “một tên khùng” bị “nỗi buồn” với quá lắm sắc màu mọc mời, phỉnh dụ:
Bỏ đi như một tên khùng
Nỗi buồn khoác áo hồng nhung gọi mời (Thất tình 25).
Nhưng… dường như, “máu thương hồ” và “gia tài thơ” ấy không đủ sức trả “nợ áo cơm”, anh chia tay “gã thương hồ” với những “cuộc thất tình” triền miên để trở về với “gã nhà quê” bản thể. Gọi là gã-nhà-quê-bản-thể vì anh đúng là một nhà thơ nông dân thứ thiệt. Thuộc lòng từng giống lúa, khoai, ngô; thuộc luôn cả những loại thuốc trừ sâu cực độc. Đức Chánh, Mộ Đức, Quảng Ngãi là nơi anh sinh ra và cũng là nơi hộ khẩu thường trú của anh trong hiện tại - một xã thuần nông tiêu biểu của quê hương xứ lúa. “Gã nhà quê” canh tác ngay trên những cánh đồng lúa bát ngát, nên thơ anh cũng canh tân chữ-nghĩa-thơ ngay trên mênh mông đồng cỏ ấy. Và với anh, nơi ấy chính là cái “ngõ cỏ bờ xưa”, trở thành một “cái địa chỉ không bao giờ thất lạc” dù có trải qua muôn cuộc bể dâu:
Chút vui buồn còn lại trong thơ
cái địa chỉ không bao giờ thất lạc
Em ở đâu có nghe dòng sông hát
bờ xưa ngõ cỏ xa lòng (Bờ xưa).
Ta có thể nói rằng: nếu địa chỉ nhà anh là những cánh đồng làng thì địa chỉ của thơ anh cũng khởi nguyên từ cánh đồng thơ ấy. Và tình yêu của anh, dù có dang dở trái ngang cũng lắng lòng từ “gốc rạ” mà trổi lên những vọng “âm buồn”:
Ngày em đi con đường đất nghiêng nghiêng
Lòng anh cũng úa mềm như cỏ dại
Gã nhà quê ngẩn ngơ nhìn gốc rạ
Con ếch kêu tha thiết một âm buồn (Mùa xuân thương nhớ).
Vậy là rõ rồi. Chính anh đã tự nhận mình là “gã nhà quê” chứ hoàn toàn không phải là “biệt danh” vô cớ bạn bè tự gán cho anh vì cái nước da sạm nắng đồng và mái tóc dài quăn tít bay bay như rạ rơm quê cuốn trong chiều gió...
Hình như những tháng năm gian truân làm lính và một đoạn đời lang bạt thương hồ, đã giúp anh đủ tỉnh táo để phân biệt những giả - chân, sớm xua đi những tình yêu ảo tưởng:
Có một thời anh ngồi nghe em nói
Những hoang đường mộng mị trăm năm
Có một thời anh sửa soạn quê lòng
Mà chí lớn chìm trong đôi mắt đẹp
Thôi từ giã những vầng trăng đã khép
Những tình yêu biền biệt xa mờ (Gã thương hồ).
Say thơ, say tình, anh đã đi qua những cuộc tình đầy lãng mạn trong tất cả những “ngu ngơ”, “khờ dại” của tuổi mộng mơ:
Ngày xưa có gã lưng gù
Yêu nàng công chúa ngồi thu dáng chờ
Thì đừng bảo anh ngu ngơ
Yêu đương ai cũng dại khờ như nhau (Thất tình 17).
Để từ đó, anh đem đến cho người đọc những cặp Lục bát tình yêu nhiều cung bậc:
Em đi ta giữ được nào
Đìu hiu phố thị nghẹn ngào phồn hoa (Thất tình 22).
Yêu nguời chưa nói mà xa
Thần tiên rồi cũng bỏ nhà đi hoang (Thất tình 23).
Và cũng để từ đó, anh sớm nhận chân ra những “gian dối” tình người ngay trên nụ môi hôn, những nghi-ngờ-tình ngay trong lúc vẫy tay luyến lưu đưa tiễn:
Tay nghi ngờ vẫy tiễn đưa
Môi gian dối đổ lệ thừa xuống mi (Thất tình 12).
Và chính nơi đồng làng quê kiểng, anh đã tìm ra tình yêu và hạnh phúc của chính mình. Anh thật sự “đắm đuối”, “si mê”, “say sưa”, “ngây ngất” với “tiếng hót chim vườn” cùng “đụn rạ ngát hương”, với lời quê “mộc mạc” cùng những “giai điệu quê mùa”. Anh canh tác ngay trên cánh đồng làng và sáng tác ngay trên cánh đồng thơ mà từ lâu nó đã thấm vào máu thịt đời anh, trở thành mạch chảy trong chính lưu của chất giọng thơ anh:
Trở về đây với đụn rạ ngát hương
Bờ tre cũ chiều ươm tia nắng nhạt
Anh đắm đuối trong lời em mộc mạc
Anh si mê trong giai điệu quê mùa
Cứ dại khờ cho anh được say sưa
Được ngây ngất như thuở vừa mới lớn (Gã thương hồ).
Lúc này, có cảm giác, những năm tháng tuổi học trò mơ mộng cùng những tháng ngày gian truân đời lính và cả những từng trải khi lang thang làm kiếp thương hồ đã được anh “sửa soạn” gom lại để sẵn sàng cho giờ hôn lễ với “cái địa chỉ không bao giờ thất lạc” là “ngõ cỏ bờ xưa” để tiếp tục say mê, đắm đuối:
Quà cưới cho em là chiếc hôn nồng
Anh sửa soạn suốt một thời lang bạt
Để đắm đuối trong lời em mộc mạc
Để say mê trong giai điệu quê mùa (Gã thương hồ).
Trải hồn thơ ngay trên đồng ruộng quê hương, anh đã thật sự nhận chân ra nét đẹp đầy sức quyến rũ của đồng quê, vị thơm ngào ngạt của “mùi sữa ngô non” nơi dọc “triền sông Vệ”:
Đêm cong mình trăng nõn run run
Giọt giọt rớt bên thềm đá cũ
Lục lạo ngôi nhà quá khứ
Bờ xưa ngõ cỏ xa lòng
Ta thèm em thèm mùi sữa ngô non
triền sông Vệ mùa thơm áo mới (Bờ xưa).
Hơn 60 năm chung thủy cùng thơ, “gã nhà quê” Nguyễn Tấn Hải đã dâng cho đời ba tập thơ dày dặn (Dấu chân cỏ mục thơm hoài chiêm bao - 1973, Thơ tình Nguyễn Tấn Hải - 2002 và Ngậm cọng rơm vàng - 2010). Dù trải qua bao gian lao, vất vả của một người nông dân làm thơ như anh từng tự thú:
Suốt đời tập tễnh làm thơ
Dạ dày lép kẹp bây giờ khổ con (Nằm lại bên em).
Nhưng nếu ai bảo cho anh chọn lại từ đầu, anh vẫn ngạo nghễ cười chọn cho mình danh hiệu: “Nhà thơ Nông dân” thứ thiệt để được thả hồn say đắm theo hương đồng gió nội và thỏa mộng của một con người xem tình yêu là đôi cánh của thi ca. Xin được giới thiệu chùm thơ của Nguyễn Tấn Hải cùng bạn đọc xa gần.
CHÙM THƠ NGUYỄN TẤN HẢI
Rót đầy tàn phai
Em là em của người ta
Ta là ta của con ma thất tình
Chim về nhả bóng cây xanh
Ta nằm đuối mộng bên cành hoa xưa
Qua sông không bóng đò đưa
Biết ai đổ chén rượu thừa mà say
Chiều xưa em ghé qua đây
Chưa yêu thương đã rót đầy tàn phai
Gã thương hồ
Anh là gã thương hồ lang bạt
Trở về đây với tiếng hót chim vườn
Trở về đây với đụn rạ ngát hương
Bờ tre cũ chiều ươm tia nắng nhạt
Anh đắm đuối trong lời em mộc mạc
Anh si mê trong giai điệu quê mùa
Cứ dại khờ cho anh được say sưa
Được ngây ngất như thuở vừa mới lớn
Đôi mắt em chưa một lần sóng gợn
Môi chưa thâm những gian dối con người
Tâm hồn em còn nguyên vẹn tinh khôi
Anh run rẩy trước một trời thanh sắc
Anh là gã suốt đời tất bật
Nên tình yêu cũng vội vã vô cùng
Có một thời anh ngồi vẽ chân dung
Rồi gục chết bên ngực trầm em gái
Có một thời anh ngồi nghe em nói
Những hoang đường mộng mị trăm năm
Có một thời anh sửa soạn quê lòng
Mà chí lớn chìm trong đôi mắt đẹp
Thôi từ giã những vầng trăng đã khép
Những tình yêu biền biệt xa mờ
Anh cầu mong em che chở cho thơ
Để thường nhật là những giờ hôn lễ
Khóc đi em vì đó là thông lệ
Như trước bàn thờ mình giả bộ trang nghiêm
Như trước bàn thờ mình giả bộ không quen
Cái gian dối thiêng liêng mà hạnh phúc
Trời từ đây nắng thôi vàng hiu hắt
Những đêm đông mưa thôi tạt xuống lòng
Quà cưới cho em là chiếc hôn nồng
Anh sửa soạn suốt một thời lang bạt
Để đắm đuối trong lời em mộc mạc
Để say mê trong giai điệu quê mùa.
Bờ xưa
Đêm cong mình trăng nõn run run
Giọt giọt rớt bên thềm đá cũ
Lục lạo ngôi nhà quá khứ
Bờ xưa ngõ cỏ xa lòng
Ta thèm em thèm mùi sữa ngô non
triền sông Vệ mùa thơm áo mới
Kỷ niệm như viên đạn ghim vào quá khứ
đêm đêm con nước xô bờ
Chút vui buồn còn lại trong thơ,
cái địa chỉ không bao giờ thất lạc
Em ở đâu có nghe dòng sông hát
Bờ xưa ngõ cỏ xa lòng.
Mùa xuân thương nhớ
Mùa xuân thả thương nhớ vào tôi
Bên khung cửa hoa tường vi nở rộ
Chân ở quê mà lòng gửi phố
Xóm nghèo ơi! em về chưa mà cải trổ hoa vàng
Mười năm hai mươi năm sao gió cứ miên man
Thổi giá buốt từ những mùa xưa cũ
Em lấy chồng xa
lấy chồng xa xứ
Kí ức đẹp và buồn kỉ niệm vẫn tươi nguyên
Ngày em đi con đường đất nghiêng nghiêng
Lòng anh cũng úa mềm như cỏ dại
Gã nhà quê ngẩn ngơ nhìn gốc rạ
Con ếch kêu tha thiết một âm buồn
Gió giao mùa thương nhớ một làn hương.