1
Năm 1975, sau biến cố lịch sử gây biết bao thảm cảnh tan đàn xẻ nghé, tôi mất đứa em gái đang làm y tá ở Cam Ranh, mới 25 tuổi!. Theo lời kể của người thân trong gia đình em tôi ở trọ: buổi trưa em đi làm về, than nhức đầu, tưởng là trời mùa hè nóng bức, mệt. Sau đó, người chị trong nhà cũng là y tá chích cho mũi thuốc khỏe, chuyền serum… và em lẳng lặng ra đi không một lời trăn trối.
Năm 1978, một biến cố đau thương khác lại xảy đến với gia đình tôi: nửa đêm cha tôi mở cửa ra ngoài đi tiểu theo thói quen. Cha vừa bước ra ngạch cửa, bỗng nhiên tôi nghe tiếng ú ớ. Linh tính báo trước chuyện chẳng lành, tôi vội chạy tới và đỡ cha nằm xuống giường. Lúc này, cả nhà tôi đều thức dậy. Miệng cha trào nước bọt liên tục. Mẹ và đứa em gái kề tôi thay phiên giặt khăn và lau nước bọt cho cha, trong khi tôi hối hả chạy xuống nhà chú họ cách đó hõn trãm thước báo cho chú biết tin chẳng lành. (Từ ngày sức khỏe cha suy giảm, yếu chân run tay, mỗi lần nhà có việc cần, cha nhờ chú đến giúp).
Cha bắt đầu giựt tay giựt chân. Chú và tôi cùng đằng tứ chi của cha xuống giường mà không được, càng lúc cha càng giựt mạnh. Hai chú cháu “vật lộn” với cha khoảng nửa tiếng thì cha nằm yên và thở phì phò. Mỗi lần cha thở ra, nước bọt lại trào… Tôi biết hiện tượng này “không xong” đối với cha. Những ngýời lớn tuổi đang ngủ, thậm chí kể cả thanh niên nam nữ, nửa đêm thức giấc mở cửa ra gió, không khí trong nhà ấm và không khí ngoài trời lạnh thường bị tai biến mạch máu não, dân gian gọi là “trúng gió”. Nhẹ thì méo miệng, nặng thì bị liệt nửa người ...
Trời vừa bảnh mắt, những người thân và chòm xóm hay tin cha “trúng gió” nặng, lục đục kéo tới thăm. Đứa em trai của tôi đi Thanh niên Xung phong ở tận Bến Khế, xa nhà hơn 40 cây số, tôi phải lo tìm phương tiện tới tận nơi báo và xin phép đơn vị cho em về. Lúc bấy giờ, thiệt sự tôi rất bối rối không biết tìm phương tiện gì. Nhưng may, có người mách xuống nhà chú Sáu, em họ của cha, cách nhà tôi khoảng hơn trăm mét, mượn chiếc honda. Tôi ba chân bốn cẳng chạy xuống nhà gặp chú. Chú nói xe hết xăng, vả lại xe để lâu ngày không đi, sợ đạp không nổ! Tôi đành nói lời cám ơn và tiu nghỉu ra về...
Trên đường về, tôi chợt nhớ ra người bạn thân ở trên Thành – Hoàng, có chiếc honda 79. Sau 75, Hoàng “mất dạy”, làm nghề in ronéo. Thỉnh thoảng Hoàng ghé thăm tôi. Tôi đạp xe lên Thành, rất may là gặp Hoàng, kể rõ sự tình, Hoàng nhiệt tình chở tôi đi đổ đầy bình xăng và giao chìa khóa xe cho tôi.
Ðường từ Thành lên Bến Khế là con đường mòn có từ xưa, ngoằn ngoèo lên đèo xuống dốc. Sau 75, chính quyền mới lùa dân đi kinh tế mới Đất Sét, ủi rộng đường. Mỗi ngày chỉ có hai chuyến xe đò ngược xuôi – sáng sớm đi, xế trưa về, bến xe tại Đất Sét. Từ Đất Sét lên Bến Khế, doanh trại TNXP khoảng chục cây số nữa. Dọc đường, tôi thầm khấn Phật Bà Quán Thế Âm phù hộ độ trì cho tôi đi tới nơi… Ðến doanh trại TNXP đúng ngọ. Trời nắng nóng đổ lửa. Gặp giờ ăn trưa. Tôi báo tin buồn cho đứa em. Nó xin phép đơn vị, xếp vội ba-lô xong rồi anh em lên đường.
Lúc này, trời đang nắng gắt, đùng đùng kéo mây đen, báo hiệu mưa sắp đổ. Hai anh em không đem theo áo mưa, nhưng cả hai đều nghĩ mưa to gió lớn cũng đi. Mưa rừng dần nặng hạt. Càng lúc càng to. Vuốt mặt không kịp. Mưa nhào đất bazan thành bùn nhão. Bùn nhão dính chặt dè chắn bùn như có một sức mạnh vô hình ghì lại, chặt cứng, không thể nào rú mạnh ga chạy được, cuối cùng xe chết máy! Anh em tôi dựng xe, cạy bùn cho hết rồi dắt bộ đi dưới mưa. Mưa tối sầm trời, thỉnh thoảng một tia sáng vụt lóe lên kèm theo sau là tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả đất trời, như trời sắp sập đè bẹp chúng tôi. Chúng tôi vẫn đi, đi trong mưa. Có lẽ ông Trời bất thình lình nổi cơn thịnh nộ ai đó rồi cuối cùng cũng nguây ngoai. Chúng tôi thay nhau dắt xe đi bộ được nửa chặng đường bùn từ Bến Khế đến Đất Sét. Lúc này trời bắt đầu xửng mưa và chúng tôi cũng bắt đầu cảm thấy lạnh và mệt, nhưng động viên nhau không dừng lại nghỉ chân. Tình thế đang dầu sôi lửa bỏng mà. Bỗng đâu, xuất hiện một người đàn bà đứng tuổi, quần xăn tới đầu gối, hỏi “các con đi đâu mà đội mưa uớt như chuột lột dị?”. Tôi kể rõ sự tình. Bà nhanh nhẩu nói: “Các con đứng đây đợi một chút, giờ này có xe ủi của công trường sắp dìa, dì sẽ đón xin cho các con quá giang”. Chúng tôi cảm động, cám õn rối rít người đàn bà tốt bụng. Độ mười lăm phút sau, quả nhiên chiếc xe ủi trờ trờ xuất hiện. Bà ra dấu chận xe, sau ít phút trao đổi với bác tài, bà hối thúc anh em tôi phụ bác tài đưa chiếc honda lên càng xe, xong xuôi bà vẫy tay chào chúng tôi rồi lặng lẽ biến mất sau cánh rừng bạt ngàn…
Tôi ngồi trên càng xe ủi, hai tay ghì chặt chiếc honda cho khỏi rớt vì đường lầy lội và giằng xóc, rất nguy hiểm. Bác tài và em tôi ngồi trong cabin. Lúc này, tôi chỉ biết cầu nguyện Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát cho tai qua nạn khỏi. Xe bắt đầu leo lên dốc Đất Sét, chổng ngược lên trời, thần sắc tôi biến đâu mất, nhưng may còn thần hồn, tôi ngắm nghiền đôi mắt, tiếp tục thành tâm khấn nguyện… Đến khi xe qua khỏi dốc, tôi mới hoàn hồn biết mình đã thoát nạn tử thần, thầm cám ơn Trời thương Phật độ.
2
Mẹ tôi mừng vì anh em về tới nhà bình yên. Cha còn nằm trên giường thoi thóp thở. Cả nhà thay nhau thức canh và lau nước bọt cha. Đêm qua tôi thao thức tìm phương kế chạy chữa cho cha. Còn nước còn tát. Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm, đạp xe xuống Nha Trang gặp người bạn thân khác, cũng thuộc diện “mất dạy” như Hoàng, đang làm thợ sửa xe đạp ở đường Phương Sài. Bạn tên Thức, hồi đệ nhị cấp học cùng lớp với tôi ở trường Võ Tánh. Khi vào đại học, bạn học Văn khoa, ban Triết. Ra trường, được bổ về dạy trường Nữ Trung học Nha Trang. Trong thời điểm này, Nha Trang thành lập Trường Đông kinh Nghĩa thục do Bác sĩ Trần Lâm Cao làm hiệu trưởng, Thức tình nguyện dạy giờ ở trường này. Sở dĩ tôi nghĩ tới Thức, vì muốn nhờ Thức giới thiệu tôi với BS Cao, sau 75, vẫn tiếp tục làm việc ở BV tỉnh.
Tôi đạp xe về nhà báo tin mừng cho mẹ. Mẹ ở nhà coi nhà. Tôi cùng ba đứa em lo kêu xe lam chở cha xuống bịnh viện. Vừa tới cổng bịnh viện, đã thấy Thức đợi sẵn, hướng dẫn chúng tôi cho xe chạy thẳng tới phòng cấp cứu Khoa Thần kinh nội do BS Cao phụ trách. BS Cao rất nhiệt tình, khám sơ bộ rồi hỏi cặn kẽ tình trạng của cha, xong ông nói cho cha nằm đó nửa tiếng rồi ông trở lại. Tôi nhìn quanh phòng, chỉ có một giường cha nằm, sạch sẽ và thoáng đãng. Nhờ quen biết mà cha được ưu tiên như vậy. Tôi thầm cám ơn Thức.
Đúng hẹn BS Cao trở lại. Lần này, ông mang theo ống kim tiêm lớn để rút tủy của cha làm xét nghiệm. Bốn anh em phụ cô y tá đỡ cha nằm sấp cho bác sĩ chích kim tiêm vô giữa sống để rút tủy. Tôi lo lắng hỏi BS Cao tình trạnh của cha. BS Cao không trả lời câu hỏi của tôi mà nói: “Tôi sẽ cho xuất kho loại thuốc quí nhất còn sót lại ở khoa để điều trị cho bác”. Lúc này, tôi nửa mừng nửa lo. Mừng vì bác sĩ đã tận tình cứu chữa cho cha. Lo vì số phận của cha sắp đến giờ lâm chung! Kế đó BS Cao ngoắc tôi ra ngoài nói nhỏ: “Tình trạng của bác hiện giờ chỉ còn 10 phần trãm giành lại sự sống. Nhưng còn nước còn tát”…
Tôi hy vọng có một phép mầu nào ðó cho cha tai qua nạn khỏi. Tôi gục đầu trên giường bịnh thầm niệm “Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát” nhiều lần, trong khi hai em tôi thay nhau giặt khãn và lau nước bọt từ miệng cha trào ra liên tục mỗi khi cha thở ra. Cô y tá thì cách hai tiếng tiêm cho cha một mũi thuốc. Ðêm đến, ba anh em thay phiên nhau canh cha và ngủ ngoài hiên trước cửa phòng cấp cứu.
Sáng sớm hôm sau, trời vừa bảnh mắt, tôi cử đứa em trai ở lại bịnh viện, tôi và đứa em gái về nhà tắm rửa thay đồ. Khoảng 9 giờ, tôi xuống lại bịnh viện thì thấy đứa em đang đứng chờ ngoài cổng. Em vừa thấy tôi, môi mấp máy nói: “Cha chết rồi, bác sĩ biểu người nhà làm thủ tục rồi đưa xác về”. Tôi đã tiên liệu việc này, nên không bị sốc như hồi nãm 1972, mùa Hè đỏ lửa. Lúc đó tôi đang theo học khóa Audio Specialist ở Fort Monmout Hoa Kỳ, sắp mãn khóa thì nhận được tin điện từ quê nhà cho biết cha tôi bị tai biến... Tôi ước sao mình có đôi cánh bay về nhà ngay chớ không còn cơ hội nào khác. Vì vào thời điểm này, lính VNCH và lính Bắc Việt đang giành nhau từng tấc đất ở Thành cổ Quảng Trị, nếu không về nước sớm thì e có khi không gặp được những người thân yêu ruột thịt.
Làm thủ tục xong, tôi thuê xe lam chở cha về. Hai bốn tiếng đồng hồ cha nằm bịnh viện, như một cuộc dạo chơi ngắn ngủi, giờ đây cha trở về mái nhà xưa, mái nhà mà cha gắn bó trong 68 năm ròng. Cha bận bộ pyjama trắng, nằm xuôi tay xuôi chân như đang ngủ. Gương mặt cha chịu đựng khắc khổ ngày nào, bây giờ bỗng nhiên trở nên hồng hào phúc hậu như có một phép mầu. Mọi người tới thăm, ai cũng đều ngạc nhiên nhận xét như vậy.
Tôi cầu nguyện cho cha trút bỏ gánh nặng của cuộc đời này, sớm vãng sanh cực lạc.
3
Ngày cha mất nhà không còn hột gạo
Chỉ còn mỗi sào ruộng vườn sau đang ngậm sữa
Mẹ chạy tìm người bán lúa non
Anh em con đã tới tuổi trưởng thành
Sau 75 không nghề không ngổng
Bây giờ trắng tay! Nhìn cha... Bất lực...
Nhưng con tin sẽ có người tới giúp.
“Ăn ở có đức lấy sức mà ăn”
Lời cha dạy nãm xưa, con còn ghi mãi trong tâm.
Nha Trang tháng 8-1998