Tháng 8/1984
Tôi đến Tuy-Hòa khi mặt trời đã đứng bóng, phố phường rực rỡ màu hoa phượng, thị xã yên vắng làm sao, cảnh sinh hoạt không xôn xao chút nào. Xe cộ, khách đi đường, hàng quán nơi nơi đều từ tốn, chỉ có giọng nói địa phương líu lo nơi nầy nơi kia. Tỉnh Phú-Yên nằm giữa hai đèo lớn, đèo Cả ở phía Nam, đèo Cù-Mông ở phía Bắc, trên đèo Cả có núi đá Bia, năm 1471, khi vua Lê-Thánh-Tôn tiến binh tới đây, đã cho đục trên núi đá Bia hai câu :
“ Chiêm-Thành quá thử, binh bại quốc vong
An-Nam quá thử, tướng chu binh chiết “
[ Chiêm-Thành qua đây, quân thua nước mất
An-Nam qua đây, tướng chết binh tan ]
Tuy-Hòa có núi Nhạn sông Đà, ngọn núi cao cao ở đầu cầu Đà-Rằng, trên có tháp Chàm hoang phế, rêu phong, con sông Đà rộng hơn cả ngàn mét, mùa nắng nước non đã biến mất, lòng sông là bãi cát phau phau, đó đây còn vài ao nước luyến tiếc chưa chịu bốc hơi dưới trời nắng chan chan. Tôi đi qua đường nọ đường kia mà chẳng định hướng đi đâu, đường nào cũng rợp màu hoa phượng, phượng vàng, phượng đỏ rực rỡ trong nắng, phượng bay, phượng rơi đầy bước trong nhạc khúc râm rang của ve sầu.. Tôi đi như một ý muốn và con đường Nguyễn-Huệ đã đưa tôi ra biển, cát vàng và cồn sóng đã xuất hiện, nắng gió, hương muối quyện lẩn vào nhau bay vù vù trước mắt, biển xa tắp từ phía bắc cho đến chân trời phía nam, không một bóng người, chỉ có năm bảy chiếc ghe nằm trơ mui trên cát. Một căn nhà tung mái còn lại mấy bức tường khô đứng chơ vơ trên cồn, có lẽ ngôi nhà nầy từ thời chiến tranh còn lại, tôi bước vào tìm chỗ nghỉ chân tránh nắng, để ba lô xuống giữa nền, nằm lắng nghe tiếng gió và sự lặng im, khoảnh khắc màu xanh của biển và lời ru của mẹ đưa tôi vào giấc ngủ rất mau.
Tuy-Hòa là quê ngoại của tôi, mẹ tôi ra đời ở vùng đất hiền hòa nầy, bà ngoại tôi mất lúc mẹ mới lên ba, thủa ấy dì tôi lấy chồng ở Huế, nhà chồng ở đường Chi-Lăng, thập niên 30 thế kỷ trước, dì tôi đem mẹ tôi ra Huế học ở trường Đồng-Khánh.
Ba tôi sinh ra ở biển, ba là cháu ngoại của Tuy-Biên Quận-Công, phủ Tuy-Biên hiện nay ở chợ Mai - Huế. Thủa nhỏ học chữ Hán với cụ Cả Tú, người ở làng Diên-Đại, những năm của thập niên 30, ba tôi lên Huế học trường Quốc-Học, nhà ở gần cầu Gia-Hội, và tình yêu đã đến với ba mẹ tôi trong những năm đi học ấy, khi cùng chung đường đến lớp, khi hai trường nằm cạnh nhau. Ba mẹ tôi học đến Đệ Tứ [ Quatrième Classique ] thì nghỉ học và kết hôn với nhau.
Năm 1996, kỷ niệm năm mươi năm kết hôn, ba tôi đã làm bài thơ chữ Hán :
KỶ NIỆM NGỦ THẬP NIÊN KẾT HÔN
[kim kể]
Ngũ thập niên tiền nam nữ si
phu thê giá đắc độ xuân thì
tạo gia kiến thất lao đao nhật
sinh tử tư lương khổ khổ tùy
sinh phùng chinh chiến bi bi lụy
thế ngộ nhân dân thảm thảm ly
cảm tạ thượng ân ban phúc lộc
gia đình thân thuộc thoát gian nguy.
Dịch :
KỶ NIỆM NĂM MƯƠI NĂM THÀNH HÔN
22-2-1946
22-2-1996
Năm mươi năm trước yêu từ đó
thành vợ chồng đang độ xuân xanh
tạo gia lập nghiệp khó khăn
sinh con thiếu gạo chạy ăn hằng ngày
thời chiến tranh tai bay vạ gió
khổ mọi người chịu nỗi xa nhau
nhờ trên phúc lộc ơn sâu
gia đình thân thuộc ở đâu cũng về.
Tôi giật mình thức giấc khi màu xanh trong mắt biến mất, ngỡ ngàng nhìn ra biển, bãi biển vẫn hoang vắng, sóng dập dồn, gió chiều từng cơn phừng phực. Tôi nhìn về hướng bắc, chợt thấy bóng người đang đi, khói nước mù xa tưởng chừng như Y đang bước trên sóng, tôi khoát ba lô đi xuống biển, biển man dại và dấu yêu. Trên cát đó đây rất nhiều vỏ sò, vỏ ốc, có cái trông như đỉnh tháp màu ngà, có cái hồng hào như ngón tay trẻ thơ, cái thì như chiếc quạt của nàng tiên tí hon nhiều màu nhiều sắc, bàn tay của biển thật kỳ diệu.
Tôi lạc đường
và gặp bàn tay của biển
đường của biển luôn luôn mở rộng
những cơn sóng xanh lấp lánh
dọc theo biển tôi đi
Ôi ! Bóng chiều tà cơn lắng dịu
Ôi ! Bình minh của ngất ngây
và con quái vật của bão giông
ôm lấy tôi vào lòng.
Eiman-Diltanius
Bóng người đi trên bãi biển đang đến gần, Y mặc áo màu xanh, quần đen xắn cao đầu gối, chân bước giữa những cơn sóng vỗ vào bờ, mái tóc dài bay theo gió, lả lướt bên nầy bên kia, xa trông như đôi cánh hải âu chập chờn, dáng Y đi thong dong vô định, tôi vừa lượm vỏ ốc vừa để ý đến người đi ngược hướng, khi khoảng cách không còn bao xa, Y dừng lại nhìn chăm vào tôi, tôi ngẩng đầu lên, rồi hai chúng tôi cùng la toáng :
Chúng tôi chạy đến ôm lấy nhau, thật không ngờ, Y nói trước :
* Cậu ! Cậu ở đâu mà lạc về đây ?
* Thế còn anh, ba năm qua ở chân trời góc bể nào ?
Y cười không đáp, sự tình quá đổi ngạc nhiên, xúc động.
Y kéo tôi ngồi trên cát, vồn vã nói :
* Ba năm qua cậu ở đâu ? Làm gì ?
* Đà-Lạt, Sài-Gòn, Huế, lẩn quẩn trong cuộc phiêu lưu. Còn anh ?
* Rời khỏi Bình-Điền trước cậu một năm, mình có lên Đà-Lạt tìm người cũ, nàng đã lấy chồng, sau đó mình ra bắc sống gần Cổ-Loa thành.
* Anh vẫn huyền hoặc với trường ca ?
* Không ! Đó là hiện thực, cậu chưa hành hương về nơi đền thiêng ấy để thấy sự nghiệp của An-Dương-Vương chỉ có năm mươi năm nhưng Cổ-Loa tồn tại đến ngày nay đã hơn hai ngàn ba trăm năm, vậy tôi hỏi cậu ý nghĩa tồn tại ấy là gì ?
Tôi suy nghĩ một lát, nhớ lại ba năm tôi chăn bò ở Bình-Điền, còn Y đến mùa bắp chín tới, từ sáng đến tôi Y cầm cây sào thật dài để xua đuổi lũ chim keo, lũ quạ . . . thích phá phách vườn bắp. Chúng tôi thường ngồi bên dòng suối giữa rừng sâu và thả hồn vào cuộc du hành vượt thời gian, tôi trả lời :
* Kiến trúc.
* À ! Cậu còn nhớ, tinh thần kiến trúc là nguyên lý sinh tồn, cơ thể cậu là hình hài của kiến trúc, thiên nhiên kia là cái đẹp của kiến trúc, trời xanh kia là huyền diệu của kiến trúc. Và biển ? À ! Biển theo Thomas Mann : “ Biển không phải là cảnh, biển là sự trải nghiệm của vĩnh hắng, của hư vô và sự chết : Một giấc mộng siêu hình.” Biển là kho tàng của kiến trúc, tình yêu và nổi đau là hai cực của tinh thần ấy, Thomas Mann đã thấy cái biểu tượng của biển, nhưng vấn đề hiện sinh của biển với con người thì sao ? Tôi đáp :
* Theo tôi biển là mẹ của muôn loài, biển sẽ thức tỉnh con người khỏi bị diệt vong.
* Ừ ! Nhưng còn yếu chỉ của Đại-Dương với con người ?
Tôi trầm ngâm chưa biết trả lời sao ! Tôi chưa nghe yếu chỉ của Đại Dương với con người. Y nói tiếp :
* Mọi sinh linh trong vô tận là bằng hữu, vực sâu cũng là núi cao, sang hèn là hai cực của con người, con người phải tự thân huyền diệu chính mình, vũ trụ là bằng hữu, huyết tộc là bằng hữu, tinh thần bằng hữu ở khắp nơi, bằng hữu ở trong muối.
Y đưa mắt nhìn ra biền, những cơn sóng như đoàn ngựa trắng phi nước đại vào bờ, tiếng sóng ầm vang thẳm sâu rồi loang xa, tôi nhìn Y, đôi mắt Y như đang bay bổng trên sóng dõi theo ý tưởng nào đó, Y không nhìn tôi nói tiếp :
* Nổi hiểm nguy của con người là xúc phạm tinh thần bằng hữu, xúc phạm luật của muối, một ngày kia con người sẽ phải trả giá cho lầm lỗi nầy.
Y đưa tay chỉ những cơn sóng bạc đầu :
* Kìa ! Đó là đoàn quân muối, cậu thử tưởng tượng đi, nếu đoàn quân kia biến thành những cơn sóng thần thì Phú-Yên, Tuy-Hòa nầy có còn không ? Ngày ấy tôi sợ sẽ không còn xa nếu con người cứ tiếp tục đi từ sai lầm nầy đến sai lầm khác với Bà Mẹ Thiên Nhiên.
Chợt những tiếng kêu ơi ới vang lên ở bãi xa, chúng tôi nhìn về hướng nam nơi có những chiếc ghe nằm trên bãi. Một đoàn người quan gánh trên vai từ rặng liễu xa kia nối chân nhau chạy về hướng chúng tôi. Y cùng tôi đứng dậy, nghĩ tưởng là dân chài đang gánh cá, nhưng không, đoàn người kia dàn trải ra trên bãi biển, thoáng chốc biển đang hoang vắng, bỗng xôn xao tiếng cười tiếng nói, những lều bạt đủ màu được dựng lên, rồi lửa khói theo gió bốc cao trong các lều bạt ấy. Phải vậy chứ ! Chẳng lẽ người Tuy-Hòa không biết tận hưởng không gian trong lành nầy sao !
Chúng tôi đi đến căn lều mới dựng xong, có người nữ mặc bà ba đang quạt lửa. Tôi lên tiếng :
* Chào chị, có rượu ngon không ?
Người phụ nữ nghiêng đầu, nụ cười nở trên khuôn mặt nắng hồng đầy sức sống đáp :
* Mời hai anh, rượu ngon không thiếu.
Chị ta liền tay trải chiếu, mau mắn bày ly tách, đồ nhắm. Nhìn dĩa kim chi, xị rượu, mấy con khô mực được bàn tay có ánh mặt trời nướng trên than hồng là thấy lòng hưng phấn rồi. Chúng tôi cởi giày xếp bàn ngồi xuống chiếu, người thiếu phụ bắt chuyện :
* Hai anh từ đâu đến ? Chắc không phải người ở đây !
Sơn-Bạt đáp :
* Bạn tôi từ nam ra, còn tôi từ bắc vào, nhờ có chị nên chúng tôi mới gặp nhau đấy ! Chị bán đến mấy giờ ? Chúng tôi ngủ luôn đây có được không ?
* Công-An cho bán đến bảy giờ tối, lúc nầy người ta trốn ra nước ngoài nhiều lắm, hai anh ngủ ở đây thì rắc rối đó.
Y hỏi nửa đùa nửa thật, chị ta thật thà trả lời, tôi nói :
* Lát nữa mình vào bến xe ngủ, lo gì !
Tôi rót rượu vào hai ly, nhìn Y :
* Nầy ! Chúc mừng ngày hạnh ngộ của chúng ta.
Chúng tôi uống cạn, nghe hơi nóng chạy từ cổ xuống ngực, món kim chi cay nồng, mực nướng được bàn tay thiếu phụ xé ra thơm phức, bãi biển bây giờ sinh động hẳn lên, người tắm biển càng về chiều càng đông. Bạn tôi đề nghị :
* T. Cậu nhớ bài thơ nào về biển không ?
* Thơ về biển thì nhiều, A. Pouchkine [Nga] có bài “ Ca Nhân Huyền Bí “ Victor-Hugo [Pháp] có bài “Những Người Đi Biển “ nhưng mình thích bài “ Biển “ của Jorge-Luise-Borge “ nhà thơ Achentina, bài nầy nội tâm hơn.
* Cậu đọc đi !
Tôi nhìn ra biển bắt đầu đọc :
Trước khi thần thoại và tình yêu . . .
được dệt nên bằng mộng tưởng
trước khi thời gian biến thành chuổi tiền năm tháng
biển đã hiện sinh hằng hữu hằng tồn
biển là ai ?
Là hiện thể xa xưa hung dữ ?
Từng gậm nhậm cát vàng mặt đất
biển duy nhất cũng là bao biển khác
là vực sâu, là huy hoàng, là gió, là rủi may ?
ai nhìn biển một lần và mãi mãi
nỗi ngỡ ngàng hình tượng nguyên sơ
những chiều đẹp trăng lên lửa reo lửa hát
biển là ai ? Và tôi là ai ?
Biết được chăng ngày tôi hấp hối ?
Y gật gật đầu rồi nói :
* Biển mãi mãi bí ẩn với con người, này cậu có biết câu chuyện về Urashima-Taro không nhỉ ?
Không đợi tôi trả lời Y nói tiếp :
* Urashima-Taro là chuyện thần tiên của Nhật, ý nghĩa cũng như Từ-Thức lạc Thiên-Thai, người Nhật là con cháu của Thái-Dương Thần Nữ, đất nước của họ là vô vàn hòn đảo lớn nhỏ, bốn bề là biển, Thiên-Thai của họ không nằm ở trên mây, trên núi mà nằm giữa lòng Đại-Dương, người Nhật thấm nhuần câu chuyện nầy như một khát vọng với thế giới biển hiện diện khắp nơi. Truyện kể rằng : “ Urashima-Taro là chàng trai đánh cá, một hôm chàng bắt gặp lũ trẻ tinh nghịch hành hạ một con rùa biển, chàng động lòng đến xua đuổi bọn nhỏ để cứu con rùa, con rùa nọ là hiện thân của vì tiên nữ Otohime ở Thủy-Tinh Cung. Cảm kích lòng tốt của chàng trai đánh cá, nàng bèn đưa chàng về lâu đài Thủy-Tinh ở dưới Đại-Dương. Taro như lạc vào cõi mơ, kiến trúc kỳ diệu của thủy cung làm chàng mê mẩn, chung quanh là thế giới kỳ ảo của san hô và những sinh vật biển lạ lùng, nhưng trên hết là sắc đêp của Otohime, chàng đã quên hết thế giới trần cảnh trên làn nước xanh kia để đắm chìm trong tình yêu của tiên nữ. Ba năm trôi qua, chàng cảm thấy buồn cho cuộc sống hưởng thụ nầy và đâm ra nhớ quê hương, cha mẹ. Lòng trần chưa dứt, chàng năn nỉ Otohime cho về thăm chốn xưa, hứa rằng sẽ quay lại. Tiên nữ biết duyên trời đã hết đành gạt nước mắt tiễn chàng đi, nàng tặng cho Taro một chiếc hộp bằng ngọc, dặn rằng đừng có mở ra mới mong có ngày đoàn viên. Khi Taro trở lại làng xưa thì hỡi ôi ! Chàng không còn nhìn thấy một bóng hình thân yêu nào nữa, cha mẹ, anh em, làng xóm đã biến mất. Ba năm chàng ở Thủy-Tinh Cung là bảy trăm năm trên trần. Chàng cô đơn lang thang trên biển mong tìm đường về với Otohime, nỗi nhớ khôn nguôi, chàng đành mở hộp ngọc ra thì một luồng khói trắng bốc lên, phút chốc Taro biến thành một ông lão già nua, râu tóc bạc phơ, Taro lần từng bước trên bãi biển với nỗi tuyệt vọng không cùng . . .”
Người Nhật hầu hết đều biết truyền thuyết nầy, và đó là ước mơ của họ nhìn về thế giới biển bao quanh, nếu con người tiếp tục phạm vào luật của muối thì một ngày kia nhân loại cũng như ông già ấy quay lại với biển thì đã muộn, sự sống đã đến bên bờ thảm họa.
* Y ngừng câu chuyện bằng câu kết như vậy. Tôi hỏi :
* Vậy anh so sánh nỗi lòng của Taro với sai lầm của con người có sự tương quan ?
* Không ! Hai ý nghĩa khác nhau, Taro thể hiện đạo lý của con người. Taro sai lầm ở chỗ thiếu trí tuệ để hiểu thế giới thời gian và phi thời gian, còn sự sai lầm của con người không thể biện minh được.
* Thế giới phi thời gian có hiện hữu ?
* Trong vũ trụ mọi cái đều có thể và mọi cái đều có thật trong ý nghĩa huyền thoại, chúng ta đang sống trong thời gian vật lý, trong thời gian động và không thể tưởng tượng được có dòng thời gian khác nhưng Albert Einstien đã chứng minh rằng thời gian biến đổi bằng tốc độ ánh sáng.
* Vậy ngoài thời gian động, thời gian của tốc độ ánh sáng còn thời gian nào khác không ?
* Thời gian tĩnh, thời gian vượt ra ngoài vòng sinh tử, chàng trai Taro và tiên nữ Otohime đã sống trong thời gian ấy, thời gian tĩnh đang hiển hiện ở lòng Đại-Dương, thời gian tĩnh là cánh cửa mở ra sự huyền bí của vũ trụ.
Mặt trời đã xuống ở đồi tây, rực hồng cả một phương trời, gió chiều vi vút trên bãi thùy dương, sóng đập vào bờ ầm vang, mạnh mẽ, dữ dội. Những người tắm biển đã lên bờ, kẻ thì chạy nhảy, người thì vào trong các lều bạt gọi đồ ăn thức uống. Vầng trăng vành vạnh đang hiện dần ở hướng đông, bãi biển giờ đây như bữa tiệc lớn của trời trăng, mây nước. Đêm nay rằm Trung Thu, tết của nhi đồng.
Người thiếu phụ nãy giớ bận rộn với những người khách ở các manh chiếu khác, bước đến hỏi chúng tôi :
* Hai anh có thêm rượu đồ nhắm không ?
* Chị cho một xị nữa.
Thiếu phụ vừa rót rươu vừa nói :
* Hai anh uống nhanh cho để em còn dọn về, lát nữa công-an đến đuổi bây giờ.
Chúng tôi nhìn biển, nhìn vầng trăng mà thầm tiếc, giá như hai đứa đêm nay được nằm trên cát, ngắm chị Hằng mở yến tiệc trên trời, hít thở hương đêm của biển thì cảnh thần tiên cũng tự do đến thế là cùng.
Chúng tôi là hai người sau cùng rời khỏi bãi biển khi ánh trăng biến thành muôn con cá vàng tung tăng trên sóng, tôi thấy từ những chiếc ghe nằm ấp năm bảy bóng đen xuất hiện, họ là toán lính biên phòng đi tuần đêm, tôi nắm tay Sơn-Bạt rời khỏi cồn cát đi vào thành phố.
Có tiếng xe bò lọc cọc sau lưng, trên xe là một ông già cầm cương và cậu bé, đợi xe bò đến gần tôi buông miệng hỏi :
* Cụ ơi ! Cho hai cháu vào bến xe được không cụ ?
Ông già đội nón cười rung rinh cả hàm râu, giật cương cho cặp bò dừng lại nói :
* Ừ ! Hai cậu lên xe đi.
Người Tuy-Hòa hiền từ, thành phố bao lớn kia, dù thời thế bể dâu nhưng lòng người thật thà, mộc mạc vẫn không thay đổi, chung quanh họ là núi và biển, dòng sông, ruộng vườn và những lũy tre xanh. Thiên nhiên là nhà tâm học bao la, tiếc thay nền tảng giáo dục ấy đã mất dần đi giữa thời đại trí học thực dụng.
Hai chúng tôi leo lên thùng xe phía sau, bạn tôi hỏi :
* Cụ chở gì mà về tối vậy ?
Cụ già quay đầu lui, vẫn nụ cười rộng mở :
* Chở cát cho người ta làm nhà, hai cậu ra biển chơi vào à ?
* Dạ !
Cặp bò bước mau hơn người đi bộ một chút, bánh xe lọc cọc trên đường phố có ánh đèn khi tắt khi đỏ, cụ già chẳng có gì vội vã, thong dong, chậm rãi cũng là sự nghỉ ngơi.
Hai chúng tôi đang lơ mơ với men rượu thì cụ hỏi :
* Hai cậu xuống đâu ?
* Dạ ! Cụ cho chúng cháu xuống ở bến xe, thế nhà cụ ở đâu ?
* Nhà ông ở ngoài quốc lộ, chưa tới đâu.
Đôi bò dừng lại trước bến xe, chúng tôi xách ba-lô nhảy xuống, tôi móc túi lấy gói thuốc.
* Mời cụ hút điếu thuốc, cám ơn cụ nhiều.
Cụ già đưa tay lấy liền, tôi quẹt diêm cho cụ châm thuốc, cụ hít một hơi dài, vẫn nụ cười và bộ râu rung rinh :
* Hai cậu đi nhé !
* Dạ ! Chào cụ.
Vào bến xe, chúng tôi nhìn quanh không thấy có bản hiệu nhà trọ nào hết, tôi hỏi thị nữ ngồi bán thuốc lá bên đường, thị nữ đáp :
* Ở đây không có nhà trọ đâu, trong kia người ta cho thuê ghế bố, hai anh vào đó mà hỏi.
Chúng tôi đi vào mấy căn nhà quanh bến, khách lưu đêm không mấy người, đó đây vài vị nằm sải tay chân, ngủ ghế bố giữa trời trăng sao mà hay.
Ngã lưng xuống ghế bố giữa trời, Y hỏi tôi :
* Ngày mai cậu tính sao ?
* Ngày mai mình đi thăm mộ ông bà ngoại, rồi ra Qui-Nhơn chơi với nhà thơ Lê-Văn-Ngăn vài hôm, thế còn anh ?
* Vậy à ! Ngày mai tớ xuôi nam, tùy duyên đưa tới đâu hay đó.
* Sống như anh vậy mà hay, trôi theo dòng biến dịch, cuộc đời vô định.
* Còn cậu ? Cuộc đời chắc hữu định !
Tôi phá lên cười, ừ ! Đời Y và tôi có gì khác nhỉ ? Hai kẻ lang thang đồng bệnh, cuộc đời có trăm sông nghìn suối nhưng biển cả liên hoàn chỉ là một, tình bằng hữu là một, không cao không thấp, không già không trẻ.
Đêm Tuy-Hòa êm như một lời ru, chợt tôi nghe đâu đây tiếng hát của con trẻ vang lên :
“ Đêm Trung Thu em xách đèn đi chơi ! Em xách đèn đi khắp phố phường . . .” Chúng tôi cùng ngồi dậy, ngoài bến xe năm ba con trẻ xách lồng đèn vừa đi vừa hát hồn nhiên như chị Hằng. Ừ ! Cuộc sống có cơ cầu đến đâu thì con trẻ vẫn là những dòng suối ngây thơ, có ai ngăn được trăng sao trên những nhà tù, bởi trăng sao nói với con người rằng, “ Hãy nhân thiện với chính mình, nhân thiện với trời xanh mới mong tìm lại được tự do của con trẻ. “
Tôi gọi Y, muốn chia xẻ những ý nghĩ của mình, thì thấy mái tóc Y buông xõa phía sau, ánh trăng bàng bạc chiếu lên khuôn mặt Y làm nổi bật bô râu quai hàm, Y đã ngủ, vầng trán cao có những đường cày như cánh đồng hoang mà người nông dân chưa màng gieo hạt.