Cây cổ thụ to đến hàng mấy chục người ôm tỏa bóng mát xuống quả đồi con. Dưới gốc cây, rễ chính rễ phụ đan xen vào nhau tạo thành nhiều hình thù kỳ dị. Bộ rễ cho ta biết sức sống của cây thật là mãnh liệt, chúng chia nhau hút chất dinh dưỡng từ đất để nuôi tán cây thành tầng tầng lớp lớp phủ rợp một khoảng đất rộng cỡ vài chục cái nhà dài. Màu của lá cây lúc nào cũng xanh, lá già xen lẫn lá non đua nhau hướng lên ánh nắng đang hào phóng nhả xuống mặt đất một màu vàng óng.
Ông Dê A Vê vừa nướng mấy con cá quả rừng trên bếp than hồng dưới tán cây vừa hỏi Tư Đực:
-Mày chưa kể hết chuyện trong rừng ma phải không?
Tư ngạc nhiên, nó đã đem hết mọi chuyện ra kể với ông Dê từ ngày hôm qua, nay nó nghe ông Dê hỏi lại như vậy khiến Tư bất ngờ:
-Cháu…à quên, tôi đã kể hết cho ông nghe từ ngày hôm qua rồi còn gì?
Ông Dê điềm đạm:
-Mày chưa kể hết…tao biết thế!
Ông Dê nói chắc như đinh đóng cột, Tư hỏi lại ông Dê:
-Thì chuyện cháu …à tôi cứu con bạch hổ đến chuyện tôi săn được con nai bị lũ khỉ rừng phá đám ăn trộm mất phần lớn đến chuyện làm nhà, câu cá…tôi đều nói rồi mà!
Thật ra, trong học viện Langbiang chỉ cần nói ba tiếng “đã kể hết” là xong nhưng Tư Đực không giống như anh em nhà K’RaJan, dù sao nó cũng là người miền xuôi, không phải ai là người miền xuôi cũng nói nhiều nhưng chí ít họ cũng nhiều lời hơn so với anh em mạn ngược. Ông Dê ngước lên nhìn Tư khẳng định:
-Mày còn bỏ sót chuyện đi khám phá chân núi Chư Gru!
Không để cho Tư kịp ngạc nhiên, ông Dê tiếp:
-Bộ mày tưởng chỉ có ông Mat của học viện Langbiang mới biết thuật Tri Tâm thôi sao?
Nói xong ông Dê nhìn Tư Đực cười nhạo, ánh mắt tinh quái của ông Dê như nhìn thấu qua tâm hồn của Tư Đực. Thật ra Tư Đực có ý định giấu ông Dê chuyện nó vô tình đi lạc vào một cụm rừng già, khi thoát ra được nó thất thần mất mấy ngày và một nỗi sợ hãi mơ hồ thường trực nơi thâm tâm nó. Khi ông Dê từ chối cách xưng hô chú cháu của Tư, Tư đáp trả bằng một thái độ cứng cỏi, nếu kể với ông Dê rằng Tư…sợ thì còn ra làm sao nữa? Tư muốn bằng vai phải lứa với ông Dê, dù gì Tư là đứa chọn giải pháp chịu kỷ luật sống ở rừng ma dù tội của Tư không lớn cho biết rằng nó là đứa không vừa đâu, thái độ của Tư dùng là để đáp lại thái độ lãnh đạm của ông Dê! Tư cười gượng:
-Thật ra có chút xíu tôi chưa kể với ông bởi cái đó không thành chuyện!
Dê A Vê trợn mắt:
-Tao bảo không được là không được, mày phải biết điều này!
Tư cười gượng:
-Kể thì kể…nhưng tôi không muốn ông đánh giá tôi nhát gan, được chứ?
Dê A Vê cười to:
-Nhát gan…hà hà…ai mà chẳng có lúc nhát gan, ngay cả tao đây sống một mình mà nhiều lúc cũng thấy sợ sức mạnh của Giàng thì cái chuyện mày sợ chả là gì cả!
Bất ngờ ông Dê ngưng nói, ông trợn mắt nhìn Tư quát:
-Nói!
Thật tâm Tư ráng chống cự cái nhìn đầy áp lực của ông Dê, dù sao nó cũng chỉ là một cậu thiếu niên có lỳ lợm đến mấy cũng không thể không khuất phục trước một ông già nhiều tuổi, ông Dê hơn hẳn nó bất cứ phương diện nào, Tư nhỏ giọng:
-Hôm đó….
…Hôm đó khi Tư Đực làm xong ngôi nhà trên cây để trú mưa trú nắng và có chỗ nằm ấp áp khi đêm về, nó vui chân đi men theo con suối uốn khúc đang hát trong rừng với một điệu nhạc từ ngàn đời vẫn không thay đổi. Tư vừa đi vừa nghĩ đến chuyện kéo dài thêm một con trăng sống trong rừng ma để tự phạt mình không biết có đúng luật tục trong học viện Langbiang hay không? Nó không chắc lắm với quyết định của mình bởi chưa hề nghe ai nói tự mình ra hình phạt cho mình cả. Thật ra ngay khi bắt đầu vào học viện, các đứa nhỏ đều biết một quy định là luật tự giác, ai cũng phải tự giác với bất cứ chuyện gì xảy ra trong phạm vi học viện, nói như ngôn ngữ hiện đại là tinh thần trách nhiệm của học viên phải đạt cao hết cỡ. Bạc Đầu Râu nhìn lũ học trò đang sợ sệt nhìn mình:
-Có lẽ bây giờ các con chưa thể nhận ra luật tục này…ta có nói các con cũng chưa thể hiểu hết, thôi thì tới đâu ta uốn nắn tới đó rồi các con sẽ nhận ra thôi!
Và ông hiệu trưởng có ngay cơ hội rèn luyện học trò của mình vào buổi chiều hôm đó. Số là anh em nhà K’RaJan ăn xong vất cái chén rếch xuống đất chả thèm thu dọn và rửa ráy gì cả. Chúng mải chơi với với con bọ ngựa chúng vừa bắt được. Thằng Đa hỏi anh:
-Đây là cái gì?
Nó chỉ vào cặp càng của con bọ ngựa, Đích giải thích:
-Đây là vũ khí của loài bọ ngựa, khi gặp kẻ thù nó dùng thứ này để tấn công đối thủ….
Đích định tiếp tục giải thích thêm cho thằng em biết nhưng Đa đã cướp lời:
-Cặp càng đó còn dùng để gắp đồ ăn nữa…
Nó định nói tiếp điều gì đó nhưng ngay lúc ấy Bạc Đầu Râu đi ngang qua bọn trẻ, ông nhìn thấy cái bát rếch chỏng chơ trên mặt đất còn hai thằng nhóc thì đang tranh luận với nhau điều gì đó, ông nghiêm mặt:
-Các con đang làm gì đó?
Không đợi hai cậu học trò nhỏ trả lời ông quát to:
-Tại sao giờ ăn qua lâu rồi mà còn chưa rửa bát? Ta đã dạy các con luật tự giác rồi mà! Ăn xong là phải rửa bát cho vào chạn giúp cô Nghỉ, các con không thực hiện là cớ làm sao?
K’RaJan Đích nhìn em, K’RaJan Đa cũng ngước mắt nhìn anh, sau đó cả hai thằng nhìn lại ông thầy:
-Thưa Bạc, không phải chúng con không rửa chén mà chính là chưa quyết định ai là người phải làm chuyện này?
Bạc Đầu Râu ngạc nhiên:
-Con nói lại cho rõ xem?
-Nghĩa là hai chúng con chỉ có một phần ăn, khi ăn thì sẽ thay phiên nhau bốc nhưng rửa chén thì chỉ một người làm là đủ, chúng con quyết định đứa nào không trả lời được câu hỏi của đứa kia thì phải rửa chỗ chén bẩn này!
Bạc Đầu Râu hỏi:
-Vậy đã có kết quả chưa?
-Thưa Bạc, chưa ạ!
Bạc Đầu Râu ngẫm nghĩ một chút rồi phán:
-Ta quyết định như vầy, cách hai anh em con làm cũng rất hay và phù hợp với luật công bằng trong học viện nhưng chờ đến khi hai con phân được thắng thua thì không biết đến bao giờ. Vậy ta quyết thay cho hai anh em con: bữa ăn này K’RaJan Đích rửa chén, bữa sau đến lượt K’RaJan Đa và cứ thế tiếp tục. Các con không đợi ta nhắc lần nữa biết chưa, tự giác là tự mình phải làm ngay công việc trong trách nhiệm của mình không đợi ai nhắc nhở. Ai cũng làm tốt công việc của mình thì cộng đồng mới ổn định và Giàng mới ưng cái bụng!
Nhỏ giọng một chút ông nói tiếp:
-Anh em con phải thông cảm cho học viện, hai anh em con là song sinh, Giàng đã để cho hai con đến đây thì các con chỉ được tính là một mà thôi, luật tục truyền lại chuyện này rất rõ ràng, ta không thể du di được dù rất thương các con ăn uống thiếu thốn!
Nói xong thầy hiệu trưởng quay ngoắc đi như cố giấu nỗi thương cảm lộ ra ngoài mặt của thầy. Nhưng thật ra Bạc Đầu Râu không muốn cho bọn trẻ thấy nỗi khổ tâm của thầy hiệu trưởng: dù là hiệu trưởng của học viện Langbiang nhưng thầy cũng không thể vượt qua luật tục có từ ngàn xưa để lại cho dù thầy thấy rõ ràng điều đó là hết sức vô lý! Sức mạnh của luật tục như là một gánh nặng trên vai gầy guộc của ông thầy.
Tư Đực ngồi gần chỗ anh em nhà K’RaJan, nó chứng kiến từ đầu đên cuối câu chuyện tự giác, nay vừa đi vừa nhớ lại chuyện này, nó củng cố niềm tin rằng mình quyết định tự phạt mình thêm một tuần trăng nữa sống trong rừng ma là một quyết định đúng cho dù Tư chưa thể định nghĩ được thái độ này được gọi là sự tự tin.
Tư Đực bước vào một khoảng rừng rậm. Khoảng rừng này khác hẳn cánh rừng Tư vừa vượt qua, cỏ cây tốt một cách đáng ngạc nhiên như thể vùng đất này có một loại khoáng chất kích thích cây tăng trưởng vô hạn định. Dù sao với tầm vóc nhỏ thó của mình cho dù Tư Đực có bề ngang khá lý tưởng, cơ thể nó biểu lộ sự vững chắc trong bất cứ công việc nào, Tư vén khéo lách vào khoảng rừng một cách nhanh chóng. Mắt Tư như hoa lên khi trước mặt nó xuất hiện một trảng trống, ở giữa trảng là một bức tượng màu đen to lớn dị thường. Gương mặt bức tượng được tạt bằng những nhát phẳng, không thể hiện rõ lắm mắt mũi miệng nhưng Tư chợt rùng mình khi phát hiện ra một cặp mắt nghiêm trang nhìn nó bằng một tia nhìn trách móc khi nó vô tình nhìn vào khoảng giữa hai hàng lông mày! Một nỗi sợ hãi mơ hồ xuất hiện trong Tư, mồ hôi Tư xuất ra dầm dề cho dù buổi sáng hôm đó trời không nóng lắm. Tư muốn lùi một bước nhưng đôi chân nó mềm nhũn không chịu tuân theo sự chỉ huy của cái đầu, ngược lại đôi chân Tư chụm xuống, đầu gối nó chạm mặt đất ẩm ướt.
Bỗng nhiên Tư thấy mắt mình sụp xuống cho dù chỉ trong khoảnh khắc trước đây thôi Tư không hề cảm thấy buồn ngủ một chút nào. Như bị điều khiển bởi một sức mạnh siêu nhiên, Tư gục đầu vào lòng bàn tay đặt trên mặt đất còn thân hình Tư trong tư thế quỳ. Trong tiềm thức, Tư thấy pho tượng bỗng lay động thân hình và vươn vai đứng dậy thành…người! Tư sợ hãi không dám nhìn vào “người” đối diện, nó nhắm tịt mắt lại nhưng tầm vóc hùng vĩ của một người đàn ông vẫn hiển hiện trong tâm. Ông Đen – Tư tự đặt cho người nó thấy trong tâm, giơ đôi tay to lớn lên trời rồi hú một tràn dài lay động một cõi rừng. Chim chóc nghe tiếng hú xớn xác bay vù lên khỏi những cành cây, cây rừng rì rào ngả nghiêng như bị một cơn lốc xoáy thổi qua!
-Ớ Giàng….
Ông Đen bắt đầu một nghi thức gì đó mà Tư không biết, dù mắt nó nhắm nhưng tâm thức nó vẫn nhìn rõ hoạt cảnh đang diễn ra chung quanh. Bỗng nhiên từ tít ngoài xa một tràn tiếng động lạ tai y như tiếng động nó đã nghe đêm đầu tiên ở rừng ma, tiếng động lấn át hết thảy mọi thứ đang có trong cõi rừng đặc biệt này. Không biết bằng một sức mạnh nào Tư Đực cố hết sức mở mắt ra và nó thành công. Ngay lập tức nó ước gì mình đừng làm việc đó bởi trước mặt Tư là…một cái đầu mãng xà đang le cái lưỡi đỏ lòm về phía Tư, cái lưỡi thò ra thụt vào một cách nhanh chóng đầy hăm dọa! Tư chìm vào hôn mê không biết gì nữa cả ngay sau đó.
Tư Đực tỉnh dậy, người nó sốt hầm hập, miệng khô khốc và mình mẫy đau nhức toàn thân. Nó phát hiện ra mình…chưa chết, Tư đang nằm bên bờ con suối trước cửa rừng già. Cố hết sức Tư ngồi dậy và lê lết rời càng xa càng tốt chốn khủng khiếp kia. Nó về đến nhà của mình vào chiều muộn, toàn thân rũ rượi không ra hồn người. Tư biết bây giờ nó phải chiến thắng được cơn sốt hay bị cơn sốt quật ngã, đó là quy luật muôn đời của tự nhiên Tư nhận biết một cách vô minh như vốn thế. Tư cố gắng nhóm bếp lửa, cũng may lớp than dẽ cau Tư vùi trong tro còn một cục than hồng, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để đốt cả một cánh rừng thì một bếp lửa chỉ là điều nhỏ nhặt. Lửa khiến cho Tư tỉnh táo lại một chút trong đêm trường tịch mịch.
Luật Tự mình quy định học viên của học viện Langbiang không được phép nhờ ai giúp dù chỉ là chuyện nhỏ nên trong quá trình học bọn trẻ cố gắng hiểu biết càng nhiều càng tốt, ngược lại các ông thầy cũng không giấu học trò bất cứ chuyện gì. Phương thuật tự trị bệnh Tư đã học qua từ Mat nhưng nó chưa có cơ hội thực hành, trong hoàn cảnh đơn thân giữa rừng ma, Tư buộc phải tự trị bệnh cho mình. Cố hết sức Tư ngồi lên và làm những động tác như Mat dạy, miệng nó thì thì thầm những câu mật chú bí hiểm đầy trúc trắc. Được cái Tư có trí nhớ hơn người nên dù khó Tư vẫn đọc trơn tru những câu chữ xa lạ kia. Tư chìm vào giấc ngủ nặng nhọc hồi nào không rõ….
Sáng hôm sau cơn sốt có giảm nhưng vẫn chưa chịu lui hẳn, Tư biết bây giờ chính là lúc dùng sức mạnh của biệt dược để mau chóng vượt qua cơn bệnh này. Tư lết ra cánh rừng trước cửa nhà tìm các loại cây thuốc thông dụng mọc rất sẳn mọi lúc mọi nơi và cố hạ cho bằng được một cây giang to để làm nồi nấu thuốc. Cuối cùng thì cơn bệnh cũng lui nhưng nỗi sợ hãi trong Tư thì càng ngày càng tăng chứ không có giảm.
-Mày biết cánh rừng đó gọi là gì không, là chân núi Chư Gru, nơi an nghỉ của Gru Lớn! Dê A Vê nói sau khi nghe Tư Đực kể xong.
Ông Dê tiếp:
-Và mày được chọn…tốt xấu chưa biết ra sao?
Tư Đực hết sức ngạc nhiên:
-Ai chọn tôi và chọn để làm gì?
Bỗng nhiên ông Dê nỗi nóng:
-Ai cho mày hỏi, tao nói gì mặc tao không liên quan gì đến thằng lùn nhà mày!
Tư Đưc tím mặt. Nó là một thằng nhỏ lùn nhưng nó không thích ai bảo nó là thằng nhỏ lùn, đó là một cách nhạo báng nó, Tư cho rằng thế. Lần này ông Dê chạm vào nỗi đau của Tư khiến Tư không còn tự chủ được bản thân:
-Ới Giàng…tao sẽ liều chết với mày!
Tư Đực tóm lấy cây xà gạc, nó chém một cách cực nhanh vào phía nhượng chân của ông Dê. Bỗng nhiên ông Dê biến mất, Tư tức giận nhìn quanh tìm kiếm ông Dê nhưng vô ích, ngoài đàn khỉ đông tới cả trăm con đang chí chóe trên cây đại thụ chẳng có ai hiện diện với tư cách là một sinh vật giống người.
Một tràn cười của ông Dê A Vê nổi lên, ông nói tiếp sau tràn cười vang vọng:
-Tao xin lỗi mày Tư Đực ạ, bởi tao không biết đó là điều cấm kỵ của mày!
Tiếng nói của ông Dê A Vê lại tiếp tục:
-Đó là rừng cấm Chư Gru, bức tượng mà mày thấy là tác phẩm dâng lên Giàng trong lễ bỏ mã của Gru Lớn. Tượng đó cao gấp ba lần tượng nhà mồ bình thường được làm bằng cây hắc mộc. Loại cây này rất mềm khi mới đốn hạ nhưng càng để lâu nó cứng rắn hơn đá không sợ bất cứ loại lửa nào. Bây giờ mày ăn cá nướng đi rồi ngủ một giấc, tao đi có chút chuyện lo cho mày….
Không gian im ắng trở lại sau câu nói của ông Dê, Tư Đực từ từ bỏ cây xà gạc xuống, nó đang mải nghĩ những điều ông Dê nói. Tư Đực biết tượng nhà mồ thông thường cao khoảng hai sãi tay (mỗi sãi chừng 1,6 m – tác giả chú thích), một phần ba chôn dưới đất. Tượng được người thân của người chết tạc bằng rìu và xà gạc, thường tượng làm bằng cây cà chít và nó có thể tồn tại đến vài chục năm!
-Hóa ra Gru Lớn là một người con của tộc Ê Đê hay Jarai…Tư lẩm bẩm một mình!
CHƯƠNG 23
DƯỚI GỐC CÂY CỔ THỤ (2)