7 chuyên đề trong cuốn “Văn học Việt Nam đổi mới – từ những điểm nhìn tham chiếu” của TS. Phan Tuấn Anh thực sự gây hứng thú cho người đọc bởi cái nhìn khoa học thẳng thắn, trực diện vào thực tiễn văn học Việt Nam đương đại về: Lý luận phê bình (LLPB) Văn học Việt Nam đổi mới – cấu trúc tam tài; LLPB trẻ hiện nay – thế hệ F, thực trạng và những soái ca; Văn học trẻ Việt Nam giai đoạn đổi mới; Văn học dành cho độc giả trẻ Việt Nam – cách tân và đặc điểm tư duy hậu hiện đại; tiểu thuyết giai đoạn đổi mới về đề tài chiến tranh biên giới – từ diễn ngôn dân tộc đến diễn ngôn nghệ thuật; nghiên cứu liên ngành trong nghiên cứu văn học (hậu) hiện đại – từ thế giới đến Việt Nam; sự vận động hệ hình của thơ ca cố đô Huế trong giai đoạn đổi mới (1986 – 2016). Mỗi điểm nhìn tham chiếu là một chuyên luận dày dặn từ cơ sở lý luận đến cơ sở thực tiễn. Về phương diện lý luận, tài liệu cung cấp cho người đọc cái nhìn thấu đáo về bước chuyển mình giữa các loại hệ hình văn học, văn học hậu hiện đại. Về mặt thực tiễn: giới thiệu khá toàn diện những tác gia, tác phẩm có ảnh hưởng đến nền văn học Việt Nam đương đại. Hệ thống tài liệu được sử dụng trong cuốn sách có độ tin cậy cao, vừa khoa học, vừa hiện đại; thể hiện cái nhìn đa chiều, biện chứng; tư duy lý luận, tư duy khoa học hiện đại. Đây là một hành trình nghiên cứu không mệt mỏi của tác giả Phan Tuấn Anh về một chặng đường văn học có nhiều đổi mới, còn nhiều ngổn ngang và cũng còn nhiều điều cần bàn luận, đó là một sự dấn thân cho khoa học đáng trân trọng.
1. Cấu trúc tam tài trong lý luận phê bình văn học đổi mới, tác giả chia các chặng đường LLPB thành 3 điểm nhấn: 1975 – 1986 – hướng thiên; 1986 – 1999 – quy địa; 1999 – 2016 – trọng nhân. Tác giả khái lược khá trọn vẹn từng chặng đường văn chương và những đổi thay của LLPB trong mỗi chặng đường đó. Ưu điểm của người nghiên cứu là ở năng lực nắm bắt tư liệu và tìm ra những nét cơ bản của các tài liệu LLPB liên quan mỗi giai đoạn văn chương, thể hiện năng lực đọc và thẩm thấu từng điểm nổi trội của LLPB trên mỗi chặng đường cũng như những gương mặt tiêu biểu trong LLPB ở mỗi chặng đường với tên tuổi của những nhà nghiên cứu văn học: Trần Đình Sử, Trương Đăng Dung, Phương Lựu, Huỳnh Như Phương…
2. Lý luận phê bình trẻ hiện nay, tác giả đã sử dụng các thuật ngữ “thế hệ F, những soái ca”. Có thể khi sử dụng thuật ngữ “soái ca” người đọc “khó tính” sẽ chưa đồng thuận, tôi cho rằng, tác giả muốn định danh cho một thế hệ có nhiều người vượt trội trong nghiên cứu và bình phẩm văn chương, và cũng là cách nói của thế hệ F. Tác giả cũng là “soái ca”, bởi anh thuộc thế hệ 8x mà có cả bề dày các giải thưởng: 5 giải thưởng từ năm 2007 – 2015 về nghiên cứu khoa học, văn học nghệ thuật, tác phẩm xuất sắc… Tác giả cũng thuộc thế hệ F, nên sự am hiểu về công nghệ, mạng xã hội và ý nghĩa của những trang mạng LLPB đã được tác giả phân tích, nhận định, đánh giá mang tính khả thủ (tr.51). Người viết cũng chỉ ra những hạn chế và thuận lợi của văn học mạng, đặc biệt là phân tích khá kỹ về sự đối mặt của thế hệ F với “những con thủy quái khổng lồ Loch Ness”. Nghiên cứu về những hạn chế hoặc khó khăn của những nhà LLPB thế hệ F, tác giả đã đưa ra những lập luận, những con số thống kê khá thuyết phục về chương trình học, về công việc, và lối viết sự vụ khiến cho người nghiên cứu khó có thể có những công trình dài hơi, mang tính học thuật cao; theo tôi, còn liên quan đến vấn đề in ấn và xuất bản. Với lối viết nhìn điểm và diện, tác giả giới thiệu khá sắc sảo một số công trình của một số nhà LLPB hiện nay.
3. Văn học trẻ Việt Nam giai đoạn đổi mới, Phan Tuấn Anh đã có những lý giải và đóng góp mới của mình khi chỉ ra “ba bước chuyển hệ hình trong văn học Việt Nam và vai trò của các nhà văn trẻ”, “thơ trẻ Việt Nam – nhìn từ những cách tân theo hệ hình hậu hiện đại”. Phát huy thế mạnh của người nghiên cứu về văn học hậu hiện đại, lại là nhà thơ từng có giải thưởng về tác phẩm thơ; tác giả đã có những trang viết thật hay, thật thuyết phục khi phân tích, lý giải khá tường tận về các cách thức: thơ như là trò chơi ngôn ngữ; thơ như là sự phì đại ngôn ngữ; thơ như là sự cực hạn ngôn ngữ; (tr.106-121). Theo anh thì nhà văn trẻ bởi họ nhạy cảm với cái mới, hoặc nhờ phẳng hóa thế giới của công nghệ số mà hội nhập với hơi thở của nghệ thuật đương đại… Họ có điểm mạnh trong sáng tác, lại có điểm yếu trong tiếp cận với độc giả, điều này khá dễ hiểu, khi mà tác phẩm của họ viết ra khó có chỗ đứng trên thị trường in ấn.
Ở mục này, tôi thấy, ở bước chuyển hệ hình thứ nhất, lưu ý 3 thập niên đầu của thế kỷ XX. Bước ngoặt tư duy thơ theo hệ hình hậu hiện đại có cả những bậc lão thành có cả hành trình sáng tác với những cách tân không ngừng nghỉ. Tiêu chí xác định nhà văn trẻ, nhà phê bình trẻ, chắc sẽ có nhiều tranh luận tiếp theo. Theo tôi, dù sáng tác theo hệ hình nào mà hay thì vẫn dễ dàng đến với độc giả. Ví dụ, cuộc ra mắt sách về tiểu thuyết “Cô độc” của Uông Triều, hoặc là cuộc tranh luận về thơ tân hình thức (Vũ điệu không vần – Khế Iêm, Tiểu luận thơ), thì cuối cùng điểm đến vẫn là độc giả có tiếp nhận hay không.
4. Văn học dành cho độc giả trẻ Việt Nam… tác giả đã có những phân tích, đánh giá khá lý thú về các tác phẩm của nhà văn Cù Đình Tú và nhà văn Văn Thành Lê. Với tư duy lý thuyết hệ hình hậu hiện đại, với cách cảm thụ văn chương vừa mẫn cảm, vừa khoa học, anh đã chỉ ra được thành tựu và hạn chế của cả hai nhà văn với hai tác phẩm “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” và “Không biết đâu mà lần”. Phan Anh Tuấn đã có những trang viết đậm chất lý luận với các lý giải, thuật ngữ khá chính xác trong loại hình văn học hậu hiện đại. Anh phân tích các tác phẩm vừa có lý luận thi pháp, vừa có cái nhìn khoa học khi vận dụng lý thuyết hậu hiện đại. Lối phân tích thật hay trong từng luận đề, trong từng quan điểm. Chỉ ra được vị trí, đối tượng bạn đọc của hai tác phẩm: thiếu niên và thanh niên. Ở chương này còn thể hiện nhiệt huyết của người nghiên cứu về một nền văn học đích thực của Việt Nam dành cho thiếu nhi (đây là điểm mà chúng tôi vẫn trăn trở khi giảng dạy mảng văn học này ở trường Sư phạm). Chuyên đề này ngoài tính lý luận còn là định hướng chiến lược trong tiếp nhận văn bản đối với bạn đọc.
5. Tiểu thuyết giai đoạn đổi mới về đề tài chiến tranh biên giới… Tiểu thuyết về nhiều phương diện đã và đang báo trước sự phát triển tương lai của toàn bộ văn học. Khi nghiên cứu về thể loại này tác giả đã chỉ ra những điểm mới khá thú vị: những thập niên cuối của thế kỉ XX, số lượng tác phẩm tiểu thuyết chưa nhiều và cùng với sự chuyển biến về tình hình chính trị khu vực và thế giới thì sang thế kỷ XXI đã tăng số lượng tác phẩm viết về đề tài chiến tranh biên giới; những nhà văn thành danh với mảng đề tài này là những sĩ quan quân đội, nắm giữ các chức vụ lãnh đạo trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội; tuy là ở ngoại biên, nhưng đã tìm được sự khẳng định nhiều phía trong văn học nước nhà qua một số giải thưởng văn học trong những năm gần đây. Khi lý giải: Tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới như là diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc, người viết đã phân tích những ví dụ tiêu biểu trong các tác phẩm Hoang tâm, Xác phàm (Nguyễn Đình Tú), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh) để chỉ ra tội ác man rợ của bọn Khmer Đỏ đối với nhân dân ta và với cả nhân dân Campuchia. Tác giả đã chỉ ra hình tượng người lính được xây dựng trong các tiểu thuyết vẫn chưa vượt thoát khỏi ấn tượng sử thi và lãng mạn. Từ góc độ diễn ngôn nghệ thuật, cái nhìn tham chiếu của người viết để lại nhiều đóng góp về mặt học thuật qua các phạm trù mang tính lý luận thi pháp hậu hiện đại: diễn ngôn tính dục, diễn ngôn chấn thương, diễn ngôn huyền ảo, diễn ngôn đa thanh… Ví dụ, trong tiểu thuyết Xác phàm, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã không tránh né khi viết về đồng tính, chuyển giới; trong Mình và họ, hay Miền hoang nhà văn không ngần ngại khi viết về các chấn thương về tinh thần và thể xác, bởi vì đó mới là hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Cái huyền ảo trong Miền hoang tô đậm thêm cái hiện thực chiến tranh và nỗi đau tinh thần của người lính, cũng nhờ thế mà văn học gần gũi hơn với đời sống con người. Diễn ngôn đa thanh đã cách tân kết cấu tiểu thuyết theo hướng mê lộ và liên văn bản. Những phân tích, lý giải sắc sảo của nhà nghiên cứu cũng là định hướng mới cho tiếp nhận tác phẩm tiểu thuyết về đề tài chiến tranh biên giới.
6. Nghiên cứu liên ngành trong nghiên cứu văn học (hậu) hiện đại… là một định hướng đúng trong học thuật. Tôi thực sự hứng thú khi đọc chương này, cái nhìn của người nghiên cứu vừa đa chiều, vừa trí tuệ; trong anh có cả hệ thống lý luận vững chắc bởi khả năng tổng hợp, khái quát nhiều lý thuyết, nhiều hệ hình phê bình văn học, đặc biệt là lý thuyết văn học hậu hiện đại để lý giải tính liên ngành trong học thuật, nghiên cứu. Đọc chương này, hẳn nhiều người giật mình, vì xưa nay mãi thâm canh trên một cánh đồng, ngỡ là mình siêu việt, có biết đâu rằng việc đó sẽ trở nên lạc hậu và kéo lùi xu hướng toàn cầu hóa của văn chương.
Từ cơ sở triết – mỹ học, (tr. 190), xu hướng toàn cầu hóa, phổ cập hóa tri thức thông qua quá trình lớn mạnh không ngừng của mạng internet và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đa phương tiện; xu hướng nghiên cứu chuyển sang hướng liên văn hóa, liên dân tộc và liên quốc gia. Người viết đã nhấn mạnh vai trò của văn học so sánh; với những nhận định về văn chương mang bản chất là một siêu hệ thống, nó là thành viên của tổng thể văn hóa (tr.200). Nền tảng thúc đẩy cho hướng tiếp cận liên ngành trong khoa nghiên cứu văn học là sự xuất hiện của lý luận văn học hậu hiện đại, triết học hậu hiện đại là triết học đa bội… Ở đề mục này tác giả đã thuyết phục người đọc bởi hệ thống lý luận sắc sảo cùng những tài liệu sử dụng làm dẫn chứng. Ở mục Nghiên cứu liên ngành khoa học xã hội trong nghiên cứu văn chương được khảo cứu trên các lĩnh vực: triết học, xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học. Ở mỗi mối quan hệ, người viết đã phân tích, lý giải và đi đến những kết luận sáng rõ, khoa học. Lấn sang địa hạt khoa học tự nhiên: vật lý học, y học và sinh học, khoa học môi trường, tác giả đã làm sáng rõ thêm đặc tính, đa bội, lai ghép của tư tưởng nghệ thuật hậu hiện đại.
7. Sự vận động hệ hình của thơ ca cố đô Huế… Điều khiến cho người đọc hứng thú ở điểm nhìn tham chiếu này là cái nhìn của người nghiên cứu thật sâu sắc về diện mạo văn học Huế từ 1945 đến nay, anh vừa có cái nhìn toàn diện về vị trí, sự thay đổi, bước thụt lùi của nền lý luận, phê bình, sáng tác ở Huế; vừa phân tích khá thấu đáo từng chặng đường văn chương ở Huế, sự thay đổi hệ hình sáng tác về thơ ở Huế, chân dung các nhà thơ cùng những đóng góp, cách tân của họ đều được giới thiệu gọn gàng, sắc nét, chặt chẽ, mang tính lý luận và thực tiễn cao. Một bản tổng kết xứng tầm của một Tiến sĩ tài năng với bề dày văn chương ở đất Cố đô. Đọc Đoản khúc của Phan Tuấn Anh bạn đọc sẽ nhận ra cảm thức thơ hậu hiện đại viết theo lối liên văn bản của anh.
Với “Văn học Việt Nam đổi mới – từ những điểm nhìn tham chiếu”, bạn đọc sẽ như được tiếp thêm lửa, bởi cái nhiệt tình, cái hăm hở của tác giả được viết ra trên nền tảng tư duy lý luận hiện đại, tư duy khoa học sắc sảo mang tính bao quát, tổng kết khá toàn diện về văn học Việt Nam đổi mới. Mỗi điểm nhìn tham chiếu là một điểm khai mở cho độc giả, để từ đó bạn đọc có thêm tri thức, hiểu biết và có cả bàn luận cùng tác giả.
Huế ngày 27/12/2019