( Tưởng nhớ nhà văn, nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý)
Vài năm trước, trên đường lang thang vào khu thánh địa Champa Mỹ Sơn, dừng chân ở một quán nghèo, tôi được biết mình đang ở huyện Duy Xuyên… Bất chợt, mấy câu thơ cũ vụt hiện trong tâm trí tôi:
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi…( Dương Hương Ly)
Cái tên Dương Thị Xuân Quý (DTXQ), gắn liền với thiên truyện ngắn đặc sắc "Hoa rừng" tôi đã được biết đến từ thời cắp sách ở phổ thông trung học… Gần mười năm sau đó, là một anh giáo khổ từ Tây Bắc về nghỉ hè tại Hà Nội, tôi đến thăm vợ chồng hai nhà thơ Thi Nhị & Phan Thị Thanh Nhàn. Trong khi anh Nhị kể cho chị Nhàn nghe những chuyện vui ngày anh đi thực tế ở Sơn La và tình cờ gặp tôi ra sao, một cô bé khoảng 8-9 tuổi bước ra chào. Khi tôi hỏi, chị Nhàn bảo: “Em không biết à? Bé Ly, con chị Dương Thị Xuân Quý đấy!”... Tôi được biết thêm: chị Quý đã hy sinh tại mặt trận Quảng Đà chỉ sau một năm vào chiến trường… Đó là lần thứ hai tôi được “tiếp xúc” với nhà văn DTXQ… Tới lần thứ ba, ở chính nơi DTXQ nằm xuống, tên của chị đã gây cho tôi một nỗi xúc động khó tả…
Nhưng, chỉ đến khi được đọc toàn bộ di cảo của chị - cuốn "DTXQ - Nhật ký- Tác phẩm"*, trong tôi mới ào ạt biết bao cảm nghĩ về nhà văn có thân phận đặc biệt này! Và cũng lần đầu tiên, tôi được “ nhìn thấy” chị- không phải qua di ảnh, mà qua miêu tả của người bạn đời đã xót xa quan sát chị ở giữa mặt trận: “…Quý lúc thúc chạy theo cho kịp mấy bạn đồng hành, vẫn cái dáng lúi chúi tất tưởi quen thuộc- cái dáng của một số phận long đong” ( tr.440-sđd)
Thời gian thấm thoắt, bé Ly mà chị Quý rời xa khi mới 16 tháng tuổi giờ đã là một nhà báo chững chạc ở thành phố Hồ Chí Minh… Không hiểu sao, tôi chợt hình dung ra cảnh nữ nhà báo Bùi Hương Ly dẫn tôi đi thăm lại ngôi nhà nhỏ của cô ở quê ngoại- nơi người mẹ đã tạm biệt cô lần cuối để ra đi mãi mãi. Đôi mắt cô đẫm ướt vì thương nhớ, và tự hào…
Năm tháng qua đi, nhưng những gì mà chị để lại cho cuộc đời tựa một ánh sao băng- như hình ảnh một câu thơ của Tố Hữu mà chị chép trong nhật ký ngày đầu vượt Trường Sơn: “Ta đi làm ánh sao băng giữa đời”. Và ánh sao băng ấy, giữa những ngày tháng này, dường như càng toả sáng cô đơn hơn bao giờ hết… Nhưng có lẽ, càng cô đơn, chị càng hiển hiện lên trước tôi như một người phụ nữ mà “nhìn vào đôi mắt ấy, anh bỗng hiểu rằng trước mặt anh là một con người có thể lặng lẽ suốt đời đi đến mục đích đã tự khẳng định của mình, bất chấp tất cả, không gì ngăn trở được…” (Nguyên Ngọc- tr.9) Cái mục đích sống ấy là gì? Nhiều thế hệ đã và đang tìm kiếm, rồi chứng thực nó bằng cả tuổi xuân, hạnh phúc gia đình, bằng cả sinh mệnh của mình. Chồng chị- một nhà thơ, người vào chiến trường trước chị một năm, khi hồi tưởng về vợ đã nói hộ không ít người: “ Thế hệ chúng tôi còn có sự lựa chọn nào khác hơn là chọn niềm vui trong sự dấn thân vì đại nghĩa của dân tộc và con người?” ( tr.446)
Ngôi nhà nhỏ mà nhà văn DTXQ trở về lần cuối để chia tay đứa con gái nhỏ 16 tháng tuổi nằm gần bờ đê làng Phú Thị (huyện Văn Giang- Hưng Yên). Đó là một làng quê có dòng sông Hồng bồi đắp phù sa tạo nên những doi cát trắng phau, những bãi mật trù phú, có đền Đa Hoà danh tiếng thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung- đôi trai tài gái sắc trong thiên tình sử huyền thoại vào loại hay nhất của nước Nam ta. Bên cây đàn tỳ bà không còn dây nghi ngút khói hương của thần Hộ đền- quan án sát thi sĩ Chu Mạnh Trinh, tôi như nghe được tâm tình, niềm khát khao thanh bình thầm kín của bao thế hệ người VN qua những thăng trầm máu lửa dầu sôi của lịch sử dân tộc… Văn Giang cũng là quê hương của nhà cách mạng lớn Tô Hiệu hy sinh lúc ngoài ba mươi tuổi đời trong ngục đá của thực dân Pháp!
Từ ngôi đền thiêng, tôi đi vào làng của "ông nghè Phú Thị" Chu Mạnh Trinh, tìm đến một dòng họ nổi tiếng cống hiến nhiều trí thức lớn cho đất nước - dòng họ Dương. Ngôi nhà thờ họ "Văn nhã hãng" được xây hơn trăm năm còn nguyên vẹn bàn thờ, bài vị cùng các hoành phi câu đối giàu sức giáo dục nền nếp gia phong và tư chất làm người: "Tìm đức cho đời" - "Dìu dắt hiếu đễ làm người" - "Vâng mệnh nổi gió nhân" - "Trăm dặm biển thấm nhuần" - "Nơi nguồn sâu chảy ra dòng trung hiếu. Cành tươi tốt hoàn toàn nhờ cậy vào rễ hiếu nghĩa”… Đây còn là nơi thờ cụ Dương Trọng Phổ - ông nội DTXQ, người từ rất sớm đã vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn. Thân phụ DTXQ là cụ Dương Tụ Quán, một nhà giáo tận tâm, có những học trò nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng… Từ dạy học , cụ Quán chuyển sang làm báo, chủ trương tờ “ Văn học tạp chí”, rồi tạp chí “ Tri tân”. Bác ruột DTXQ là ông cử Dương Bá Trạc, một trí thức Duy tân yêu nước chống Pháp, bị đày ra đảo Côn Lôn. Một người bác ruột nữa của DTXQ là học giả Dương Quảng Hàm với nhiều tác phẩm nổi danh, tiêu biểu nhất là “VN văn học sử yếu”. Những người anh, người chị con bác ruột của DTXQ đều là các trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi: Nhà giáo nhân dân-GS.Dương Ngọc Bái, GS. Dương Thị Cương, hoạ sĩ Dương Cẩm Chương, hoạ sĩ Dương Bích Liên, v.v. Truyền thống văn hoá, nghĩa khí và tâm linh cao quý của cả dòng họ đáng kính trọng ấy dường như được đúc kết trong hai câu đối do cụ Dương Bá Trạc viết bằng chữ Hán trên hai cột trụ ở khu nghĩa địa gia đình:
Tìm huyệt sẵn để chôn nhất định có sinh, thời có hoá
Đậy quan tài rồi mới biết, nghìn năm mai cốt chẳng mai danh ( Dịch nghĩa)
Ở Hà Nội, ngôi nhà 195 Hàng Bông- nơi DTXQ sống những năm tháng ấu thơ, cũng là Báo quán tạp chí Tri Tân, nơi qua lại của nhiều trí thức tên tuổi: Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Thiên,v.v từ năm 1941 đến 1945. Trứơc đó, các năm 1932-1934, đây cũng là trụ sở của tờ “Văn học tạp chí”…Dòng họ danh giá bởi tri thức, tài năng và tinh thần trượng nghĩa ấy đã sản sinh ra DTXQ và nuôi dưỡng cho tâm hồn, năng khiếu của nhà văn tương lai. Và chắc chắn rằng: truyền thống gia tộc đó cũng in hằn trong cá tính, tâm hồn, bản lĩnh DTXQ lòng tự tôn, tự trọng, không muốn mình là đối tượng để bất cứ ai thương hại, ban ơn, chiếu cố! Chị đã tự lực bất chấp khó khăn thử thách để khẳng định bản thân mình. Đặc biệt hơn cả, đó là khát vọng sáng tạo trong nghệ thuật ngôn từ, quyết chí trở thành một “thư ký thời đại”. Điều này thể hiện rõ nét trong rất nhiều trang nhật ký của chị, cũng như trong nhiều thiên truyện ký... Sự thật là chị đã lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ, giữa bom đạn và những thử thách luôn luôn vượt trội sức vóc cùng khả năng chịu đựng của chị: “Giữa hai cơn đau, em ngồi ghi chép...” ( D.H.L )
Nhà văn đã bộc lộ trong Nhật Ký bao niềm xúc động tuôn trào khi được ngụp lặn trong thực tế chiến tranh gian khổ, mà ở đó, chị bắt gặp biết bao tình người chân thật và cao cả. Chị đã viết về mảnh đất mơ ước của một đời cầm bút - mảnh đất Khu 5 ác liệt: “Thế đấy, mảnh đất mà mình đang sống nó giống hệt con người mình: vất vả, cực nhọc. Mình sung sướng có mặt ở đây đúng vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất của cuộc chiến đấu. Mình sung sướng được chịu đựng và vượt qua tất cả gian khổ vì đã gặp một mảnh đất đồng điệu với tâm hồn mình” (tr. 86 ). Trên đường vào tuyến sau, nhìn thấy một đám rau ven suối, chị đã nghĩ đến một em gái thầm lặng trồng nó cho các đoàn bộ đội hành quân qua, và nhà văn thốt lên: “Cô gái ơi, tôi sẽ đưa cô vào sáng tác của tôi nhé!” (tr. 45) Những dòng chị viết khi lần đầu tiên dầm chân xuống dòng sông Thu Bồn đầy rung động “…Thật kỳ lạ quá đỗi. Những lúc này mình thấy yêu đời quá và sự ra đi của mình nó lý thú quá. Dù sự ra đi ấy mình có phải trả một giá rất đắt, thậm chí có phải hy sinh, phải đau đớn…” (tr. 104). Trước khi ngã xuống tại chiến trường, DTXQ đã kịp hoàn thành những thiên truyện ký còn nóng hổi sự sống của bản thân mình, của đồng đội và đồng bào vùng tạm chiếm, và chị đã tìm cách gửi bản thảo ra miền Bắc như những bảo vật ( Tiếng hát trong hang đá, Hoa rừng, Niềm vui thầm lặng, Gương mặt thách thức )
Chính cuộc đời, tâm tư và những trang văn của DTXQ - cùng nhiều sự hy sinh của những nhà văn nhà báo chiến trường trong những năm tháng ấy đã góp phần tạo ra một quan niệm tuyệt đẹp, và có lẽ sẽ không bao giờ cũ về Hạnh Phúc. Người bạn đời, cũng là một đồng nghiệp, một đồng đội của chị ở chiến trường đã sinh động hoá điều này một cách thấm thía trong “Bài thơ về hạnh phúc” (DHL) sau khi chị hy sinh:
Em bối rối, em sững sờ đứng lặng
Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên
Thức dậy bao điều mới mẻ trong em
Thức dậy bao điều cao quý trong em
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc
Và em gọi đó là hạnh phúc
Là một người phụ nữ VN điển hình, lại mang ý thức rõ rệt về sứ mệnh của người cầm bút, DTXQ đã say sưa miêu tả người phụ nữ trong các trang sách của mình- như chính chị được hiện thân trong họ. Và họ đã thực sự là nguồn cảm hứng, là chất liệu dồi dào nhất, được chị dành cho những tình cảm đằm thắm nhất, những quan sát tinh tế nhất - trong tất cả những truyện ký khi viết ở miền Bắc cũng như khi ở miền Nam. Hơn bất kỳ một người phụ nữ nào khác trong thời kỳ đó, DTXQ - với tư cách là nhà văn, nhà báo - hiểu được cái nghị lực sống lắm khi não lòng của người phụ nữ ở hậu phương hay ở chiến trường, dù ở nơi Đất cằn khắc nghiệt hoặc ở chốn bom đạn hiểm nguy luôn cần đến những “Gương mặt thách thức” (tr. 285 và tr.387 ). Trong những hoàn cảnh riêng, vượt lên trên sự kỳ thị coi thường nữ giới, các nhân vật phụ nữ của chị bao giờ cũng toả sáng một nhân cách cao thượng, đậm đà nhân nghĩa VN (Không coi thường việc nhỏ, Đi nông trường, Chuyện cô Duyên, Đứng vững, Chỗ đứng, v.v). Và, những người phụ nữ ấy, ở nơi đối diện với sự sống chết trong gang tấc, phơi mặt với lửa đạn, đã bộc lộ rõ hơn bao giờ hết lẽ sống vì đại nghĩa, nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp mong manh tinh khiết và thầm kín thực đáng yêu: “ Trên đường hành quân ngàn dặm của chúng ta…có biết bao những bông hoa rừng mọc xuyên lên từ khe đá khắc khổ, lẩn khuất thầm lặng dưới những gốc cây rễ nổi xù xì. Những bông hoa nom rất đỗi mảnh mai nhưng chẳng có bão mưa nào làm vùi dập nổi.” ( Hoa rừng- tr.363) Các nhân vật nữ của DTXQ cũng là bản thân chị được phân thân, được nhào nặn bằng tâm hồn, nhân cách và trải nghiệm của chị! Những trang văn viết về phụ nữ của DTXQ bao giờ cũng long lanh, đẹp như thơ, và xứng đáng là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học VN hiện đại!
Là một người mẹ giàu tình cảm, DTXQ đã dành cho con gái nhỏ mà chị gửi lại hậu phương biết bao trang viết xúc động tâm can, đôi lúc xé lòng xé ruột- và chính điều đó càng làm nổi bật lên nghị lực phi thường và hành động cao quý vì nghĩa lớn của chị! Ba bài thơ của DTXQ còn lưu giữ lại được đều dành viết về con, cho con:
Ôi tiếng con bập bẹ
Biết gọi mẹ lần đầu
Lại là ngày tạm biệt
Ngày mẹ con xa nhau!
Chị hiểu rõ: “con đã phải chịu cái điều bất hạnh lớn nhất trong đời con là phải xa bố và mẹ quá sớm” (tr. 56) Và rất chân thực, rất con người, giữa gian khổ buổi vượt sông Sê-pôn, chị đã thấm thía: “Có đi mới thấy hết tất cả những sợi dây níu kéo người ta lại… Bây giờ mình mới thấy xa Ly khó làm sao” ( tr.44 ) Nhưng điều đáng quý nhất, đáng kính trọng nhất ở DTXQ là, ngay trong đỉnh điểm nỗi nhớ thương quặn thắt của người mẹ trẻ phải xa con, chị đã biết vượt lên chính mình để “Lúc nào mẹ cũng nghĩ về con với một niềm tự hào vô hạn” (tr.56 ) Người mẹ có tâm hồn cao cả ấy luôn mong: “Ly ơi, con hãy đẹp một cách thầm lặng như cây trúc kia” (trg.54 ) Và nhà giáo dục trong chị đã trăn trở khi gặp những em bé thông minh có tâm hồn quả cảm ở nơi giành giật giữa cái sống và cái chết: “phải làm việc thế nào cho những đứa con của ta đây?” (tr. 97) Hầu như trang Nhật ký nào của chị cũng ướt đầm giọt lệ nhớ con, đồng thời hé lộ cái cội nguồn sâu thẳm của nghị lực nằm trong tình mẫu tử từng được khái quát trong khổ thơ:
Bao mưa nắng dãi dầu
Con thân yêu có biết
Mẹ vượt qua được hết
Khi CÓ CON TRÊN ĐỜI
Nỗi nhớ ấy, kỳ diệu thay, lại là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp chị đứng vững và vượt qua biết bao thử thách khốc liệt.
Hôm nay, những dòng tâm sự của một đồng đội của chị ở chiến trường Khu 5 lại như càng trở nên thấm thía, tựa một lời kêu gọi: “Tôi không biết có gì lại dẫn dắt những người còn sống chúng tôi tới gần bản chất sự sống bằng cái chết của những người như chị” (nhà văn Thanh Quế- tr.460) Tâm sự ở di bút của DTXQ chắc sẽ còn ám ảnh chúng ta trong nhiều năm tháng về sau nữa: “Ta đi làm ánh sao băng giữa đời”…
Ánh sao băng DTXQ chắc chắn sẽ không bao giờ phải cô đơn, bởi chị đã sống một cuộc đời thật đẹp, đã viết nên những trang văn thật đẹp thấm đẫm sự sống của một dân tộc trong những năm tháng gian nan nhất… Nhà báo Nguyễn Thế Khoa- một đồng đội thế hệ sau của chị ở chiến trường Khu 5, khi làm chủ biên toàn tập di cảo "DTXQ - Nhật Ký - Tác Phẩm" đã vô tình thay mặt được nhiều cây bút của nền văn chương- báo chí đương đại khẳng định một cách công bằng: “Cuộc đời của DTXQ rất ngắn ngủi…Tác phẩm của chị cũng ít… Nhưng di sản tinh thần mà chị để lại cho chúng ta thì thật lớn lao, vĩnh cửu. Đó là một trong những nhân cách nghệ sĩ lớn nhất, một trong những người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc.”( tr.460)
Tôi bỗng chạnh nghĩ: chính niềm tin ngây thơ, trong trẻo và ngời sáng của một nữ văn sĩ trong giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời phải thử thách không ít qua máu và lửa ấy đã khiến “cái dáng của một số phận long đong” nhiều lúc phải nhạt nhoà đi…Nhưng không có nghĩa là nó đã biến mất. Hôm nay đây, sự “long đong vất vưởng” của chị mà chị không thể lường tới lại chính là sự thờ ơ, nguội lạnh, vị kỷ, lãng quên của nhiều người, là sự đổi trắng thay đen của không ít quan niệm về Giá trị… Chị có biết không: cuộc sống và những trăn trở sáng tạo văn chương của chị- bất chấp mọi biến thiên của lẽ đời, cho đến giờ vẫn còn là một bài học vô cùng thấm thía, xúc động - đặc biệt đối với các nhà văn nhà thơ, nhà báo trẻ trong cơn lốc xoáy thị trường. Và sẽ là một tội ác không thể dung thứ, nếu cố tình hoặc chỉ là vô tình phản bội lại những gì cao quý thiêng liêng mà vì chúng, biết bao người Việt Nam ưu tú- trong đó có DTXQ - đã ngã xuống…
_________________________________
* Dương Thị Xuân Quý - Nhật Ký - Tác Phẩm, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội 2007. Tạp chí Văn Hiến Việt Nam thực hiện
( Báo Văn nghệ )