Những năm 70 của thế kỷ trước nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên được tuổi trẻ học đường miền Nam biết đến với những ca khúc Thuyền em đi trong đêm, Tiếng chim rừng hát mừng sông núi, Cô gáo trẻ trên bản làng xa… qua những giai điệu đẹp, giàu tình tự quê nhà dấu yêu, cùng khát nguyện đất nước hòa bình, an lạc.
Từ mạch nguồn sáng tạo đó, nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên tiếp tục viết nhiều ca khúc và được một số ca sĩ thể hiện thành công góp phần làm phong phú, sinh động đời sống âm nhạc chung của cả nước. Việc mới đây Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tuyển tập ca khúc HÁT TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đã minh chứng cho điều ấy.
Cung cách làm việc của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên là âm thầm, lặng lẽ nhưng lại gặt hái nhiều hiệu quả đáng trân trọng như nhận xét của nhạc sĩ Tôn Thất Lập, người bạn đồng thời của ông: “Những ca khúc mới sau này của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đã mở ra hướng tìm kiếm để hòa nhập vào những hơi thở trẻ ngày nay”.
Một trong những nét nổi bật của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên trong sáng tác là anh thường đồng cảm sâu sắc với những tác phẩm thơ của các nhà thơ để phổ thành công những bài thơ về quê hương, về lòng hiếu hạnh, về tình yêu… mà tiêu biểu là các ca khúc Gửi Huế thân yêu, thơ Tạ Nghi Lễ; Bóng mẹ quê nhà, thơ Phạm Thanh Chương, Mẹ, thơ Nguyễn Hải Phương, Chợt nhớ quê xưa, thơ Hồ Đắc Thiếu Anh; Tháng Giêng Sài Gòn, thơ Kim Tuấn; Trăng bên sông, thơ Nguyễn Như Mây… Mối giao hòa đồng cảm giữa thơ ca và âm nhạc đã được Nguyễn Phú Yên tạo nên những ca khúc đẹp, thuần khiết, trữ tình để từ đó nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên lại có thêm một bộ phận công chúng mới yêu thích và hát những ca khúc của ông.
Được biết nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên sinh ra và lớn lên từ một miền quê có hồn văn hóa mang bản sắc dân tộc với nhiều lễ hội, các hình thức tín ngưỡng dân gian như đám chay, xuân tế, thu tế; với hát bội, ca Huế, với điệu thài mang âm hưởng lễ nhạc chốn cung đình… nên trong thời gian qua, tuy nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đang công tác và sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh xa xôi, nhưng ông cho biết nguồn cảm hứng sáng tác về Huế quê hương vẫn còn bền bỉ nung nấu trong tâm hồn ông trong từng cung bậc nhớ, và những ca khúc về Huế cũng được đưa vào trong tuyển tập ca khúc này: “Mẹ đã sinh con trên một bến đò. Nên suốt đời con dạt dào sóng vỗ. Từ đất quê xưa mưa dầm nắng đổ. Con lại ra đi bao dặm đất trời. Con vẫn thầm mong nghe giọng à ơi… Lòng nhớ thương hồi làng quê ngày ấy…” ( Ca khúc Ơi mẹ mến yêu!)
Điều đáng đặc biệt chú ý là toàn bộ 50 ca khúc trong tuyển tập HÁT TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đều đã thực hiện thành các video clip do nhiều ca sĩ trình bày và được tác giả ghi chú các đường link Youtube trong phần mục lục sách. Với phương thức xuất bản này, người đọc vừa có bản in để xem, vừa trực tiếp nghe các ca khúc, đồng cảm với tiếng lòng người nhạc sĩ: “Đường giục ta đi rồi gọi ta về vì quê hương bao la tươi đẹp mãi rung động lòng ta… Tim ta chan chứa niềm vui ngày nào còn ngược xuôi trên những con đường Tổ quốc xinh tươi!” (Ca khúc Hát trên quê hương tôi)