Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
877
123.366.653
 
Sắc thu làng quê Việt trong thơ Nguyễn Khuyến
Trần Thanh Xem

 

 

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ cổ điển lớn của Việt Nam. Sáng tác của ông diễn ra trên nhiều đề tài với những nội dung cảm xúc đa dạng. Trong đó có một đề tài nổi bật là miêu tả cảnh sắc thiên nhiên làng quê, sinh hoạt của con người thôn quê. Từ nhiều bài thơ cúa Nguyễn Khuyến hiện lên hình ảnh những làng quê đồng bằng Bắc Bộ yên ả, thơ mộng mà ông từng thiết tha gắn bó. Chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến đã chứng tỏ sinh động về điều này. Đây cũng là những sáng tác vào loại đặc sắc về mùa thu trong thơ ca Việt Nam ta từ xưa đến nay.

Viết chùm ba bài thơ về mùa thu, Nguyễn Khuyến đã chứng tỏ nguồn cảm hứng dồi dào với mùa thu, với quê hương. Chính cảm hứng ấy với tài năng của thi nhân đã tạo nên giá trị đặc sắc của những bài thơ này. Lịch sử thi ca thế giới từng để lại không ít vần thơ về mùa thu nhưng hiếm có những trường hợp nổi tiếng như chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Đó là ba bài thơ: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh.

 

Mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến miêu tả, cảm nhận mùa thu ở một không gian, thời gian không giống nhau nhưng tất cả đều là những cảnh vật rất thật của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ở đây, không hề có những ước lệ vốn đã thành quen thuộc trong thơ cổ. Một bầu trời xanh ngắt, ao thu trong veo, một cần trúc hắt hiu trong gió, một ngõ xóm quanh co, mấy gian nhà tranh mái rạ, một hàng giậu phất phơ bóng khói ban chiều... Đó đều là những cảnh rất thân thuộc của làng quê Việt Nam. Nó yên ả thanh bình như vốn có tự ngàn đời chứ chưa hề động gót giày của quân xâm lược Pháp. Nó gợi trong ta cái tình quê, hồn quê sâu thẳm. Nguyễn Khuyến đã cảm nhận những vẻ đẹp ấy của làng quê bằng tâm hồn bình dị mà thanh cao, hồn hậu và vô cùng tinh tế.

 

Với bài thơ Thu vịnh, bài thơ không tả mùa thu từ một nơi, trong một lúc mà là bức tranh tổng hợp khá hoàn chỉnh về mùa thu. Ở đây hầu như có đủ những hình ảnh đặc trưng cho mùa thu ở thôn quê Việt Nam (bầu trời cao xanh, cần trúc mảnh mai, gió thu nhẹ, mặt nước biếc phu sương khói, ánh trăng trong, chùm hoa trước giậu...). Chỉ bằng mấy nét chấm phá, nhà thơ đã gợi được cái hồn thu. Cảm nhận của Nguyễn Khuyến thật tinh tế được thể hiện rõ qua cách dùng từ:

“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu

Nước biếc trông như tầng khói phủ

Song thưa để mặc bóng trăng vào”

Cảnh mùa thu trong Thu vịnh thật thanh khiết, tĩnh lặng. Từ đường nét đến màu sắc, từ âm thanh đến vận động... cái gì ở đây cũng dịu, cũng nhẹ. Đó cũng là đặc điểm tâm hồn Nguyễn Khuyến. Ông không hợp với những gì ồn ào, xô bồ, rực rỡ. Tâm hồn ông dễ xúc động với những vẻ đẹp thanh tao, uyển chuyển, những sắc màu sáng trong, dịu mát. Tâm hồn ấy cùng thường phả vào cảnh vật một chút hắt hiu, buồn rầu.

Không khí làng quê mùa thu ở Thu vịnh im ắng và phảng phất nỗi u hoài. Không gian và thời gian trở nên mông lung, không xác định trong tâm trạng bâng khuâng buồn của thi nhân:

“Mấy chùm trước giận hoa năm ngoái

Một tiếng trên không ngỗng nước nào”

Thế giới thiên nhiên này gợi lên cảm giác yên tĩnh trong trẻo. Trước những biến động ngang trái của cuộc đời, Nguyễn Khuyến muốn được mãi mãi ở trong vẻ đẹp thanh tĩnh của làng quê.

Trong bài thơ Thu điếu, bài thơ cảm nhận mùa thu từ một không gian xinh xắn, thơ mộng, từ điểm nhìn của một người câu cá.

-           Mở đầu bằng một cảnh thu bình dị rất riêng của làng, quê đồng bằng Bắc Bộ: ao thu. Một thế giới tĩnh lặng, trong suốt mà trong đó mọi vật hài hòa nhẹ nhõm:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Những chuyển động, âm thanh trong thế giới thu này thật nhẹ nhàng và chỉ càng gây ấn tượng về sự tĩnh lặng. Làn sóng biếc chỉ “gợn tí”. Lá vàng cũng “khẽ đưa vèo”  trong gió thu... Hai câu thực tả cảnh gần, hai câu luận tả canh cao, cảnh xa để hợp tạo thành bức tranh thu yên ả, đượm buồn. Chỉ ở mùa thu mới có “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” ấy. Cũng chỉ ở làng quê xứ Bắc đang độ thu mới có “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” ấy.

Trong bức tranh thu ở Thu điếu hiện lên hình ảnh con người đang ngồi câu cá nơi ao thu lạnh lẽo. Song con người này cũng chẳng hề đánh động thêm gì cho bức tranh. Trái lại, tư thế và tâm tưởng của con người chỉ tạo thêm ấn tượng về sự ngưng đọng mà thôi.

Và với bài thơ Thu ẩm, bài thơ là hình ảnh mùa thu được cảm nhận bằng tâm trạng của một người ngồi uống rượu. Lúc này, cảnh thu sẽ mang các ấn tượng nỗi niềm riêng - dường như cũng chập chờn, mờ ảo. Có lẽ vì thế mà bài thơ có nhiều từ lấp láy và dùng vần “oe”.

Thu ẩm không miêu tả riêng một cảnh thu ở một thời điểm nào mà là sự tổng hợp nhiều cảnh thu ở nhiều thời điểm. Bài thơ cũng không hề có một chữ “thu”. Vậy mà đọc lên ta nhận ra chính xác cảnh sắc thu quen thuộc của làng quê Việt Nam. Đây là một mái nhà tranh bình dị trong ngõ tối vào đêm sâu lập lòe những con đom đóm:

“Năm gian nhà cỏ thấp le te.

Ngõ tối đèm sâu đóm lập lòe"

Phải là “ngõ tối đêm sâu" thì mới có thể thấy “đóm lập lòe". Ngược lại, cái lập lòe của con đom đóm ấy lại càng khiến cho ngõ tối bỗng tối hơn, đêm sâu thành sâu hơn... Đây là cảnh của buổi sáng sớm (hay buổi chiều) với khói nhạt phất phơ nơi lưng giậu. Rồi lại cảnh đêm trăng với mặt ao lóng lánh:

"Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt

Làn áo lóng lánh, bóng trăng loe"

Lại một một bầu trời trong suốt ở buổi ban trưa hay ban chiều với màu xanh thăm thẳm: "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt". Bài thơ tạo trong ta ấn tượng “phi thời gian” nhưng cũng gợi rất sâu vào không khí tĩnh mịch, trong lành vô cùng thân thuộc của thôn quê Việt Nam.

Chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến đã tái hiện nên những cảnh sắc mùa thu rất đỗi đặc trưng và quen thuộc của mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi bài thơ có một cách diễn đạt, một cách cảm nhận riêng nhưng đều đã thể hiện được tình yêu nước thầm kín của nhà thơ.

Có thể thấy, từ chùm thơ thu của Nguyền Khuyến, ta bắt gặp những cảnh sắc không thể lẫn của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Những bức tranh thu ấy được vẽ nên bằng tấm lòng yêu mến quê hương mình, bằng tình yêu cuộc sống thanh cao, tĩnh lặng chốn thôn quê của cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Thành công của những bài thơ thu này cũng chứng tỏ tâm hồn tinh tế, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Khuyến. Chùm ba bài thơ: Thu vinh, Thu điếu, Thu ẩm đã đưa ông lên địa vị danh dự trong các thi nhân viết về mùa thu trong nền văn học nước nhà.

 

 

Trần Thanh Xem
Số lần đọc: 1717
Ngày đăng: 27.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phạm Ngọc Thái với bài thơ tượng trưng điển hình - Trần Đức
“Trò chuyện với thiên thần” - Mai Thanh Tân
Gập ghềnh khúc đau và nỗi ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai* - Trần Hoài Anh
Nói về thơ hay của ngàn năm văn hiến Thăng Long - Phạm Ngọc Thái
Thơ chọn Đặng Nguyệt Anh - Hoàng Thị Thu Thủy
Giáng Vân, những đóa sen của nàng rừng rực đỏ - Nguyễn Đức Tùng
Với bài thơ “ cho mùa hiếu hạnh” - Hoàng Thị Bích Hà
Dòng sông tình qua bao mùa mưa nắng - Nguyễn Thanh Huyền
Lại nói về nhân vật THÚY KIỀU - Phan Văn Thạnh
Trương Đăng Dung và cảm thức triết luận trong sáng tạo thi ca* - Trần Hoài Anh