Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.065
123.138.085
 
Đọc sách:”Trò chuyện với thiên thần”
Trần Văn Chánh

 

 Tác giả Trương Văn Dân

 Nhà Xuất Bản Tổng Hợp- tp HCM. 6-2020

 

Sách vừa do NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành khoảng giữa Quý II năm 2020, trong lúc đại dịch Corona đang diễn ra gây đe dọa sinh mạng của con người trên toàn thế giới. Dưới tên sách chính Trò chuyện với thiên thần còn có cái tên phụ: Những tai họa của thế giới và giấc mơ Việt Nam. Tôi chưa hiểu vì sao tác giả Trương Văn Dân xếp sách của mình vào thể loại tiểu thuyết (có ghi rõ hai chữ “tiểu thuyết” dưới tên sách), trong khi thật ra nó không giống một cuốn tiểu thuyết nào khác cả, vì từ đầu chí cuối chỉ toàn thấy nghị luận việc đời. Nhưng nó cũng không phải loại tiểu thuyết luận đề, như tiểu thuyết xã hội của nhóm Tự Lực Văn Đoàn hay tiểu thuyết triết lý của Jean Paul Sartre, Albert Camus chẳng hạn, vì bên trong không có nhiều nhân vật và các lời đối thoại, không có những tình tiết kịch tính.

Vậy có thể gọi đây là một thể loại tiểu thuyết đặc biệt chỉ riêng có ở nhà văn Trương Văn Dân?

Dường như vậy. Trong đề mục số 10 (trang 67), “Một cuộc phỏng vấn bất ngờ”, vấn đề thể loại được tác giả chia sẻ: “Khi người bạn hỏi đây có phải là tiểu thuyết hay không, ba [tức tác giả tự xưng với đứa con tưởng tượng sắp ra đời - TVC] không biết phải trả lời sao. Vì mình viết những gì lóe lên trong óc, theo sự xếp đặt chủ quan, chứ khi cầm bút đâu có nghĩ là mình sẽ viết theo thể loại nào, tiểu thuyết hay tân tiểu thuyết, hiện thực, luận đề, hư cấu hay phi hư cấu, hiện đại hay hậu hiện đại? Ba cũng không quan tâm là trước đây hay sau này có ai viết như thế để chuyển tải suy nghĩ của mình không… Còn như nếu phải trả lời là tiểu thuyết hay không… thì ba xin trả lời rằng đây là một… cuộc trò chuyện. Trò chuyện với thiên thần. Một cuộc trò chuyện về sự hiện hữu pha lẫn với hiện thực của một đứa bé sắp chào đời và bối cảnh xã hội của đất nước và thế giới có liên quan đến nó” (tr. 68)    

 

Tác giả là người ham mê đọc sách, trải nghiệm thực tế nhiều, khi thì đóng vai người cha, khi thì đóng vai người mẹ, trao đổi, tâm tình thân mật với “thiên thần” tức với đứa con tưởng tượng sắp ra đời của hai vợ chồng, nhưng thật ra là để trao đổi với những người đồng thời, về những suy tư thấm sâu của mình liên quan đủ mọi vấn đề trong cuộc sống hiện thực của một thế giới văn minh ầm ầm lao tới phía trước nhưng đầy bất toàn với biết bao nỗi lo âu, đe dọa, cám dỗ, mà con người luôn bị bám chặt, rất khó kiểm soát và  không dễ thoát ra được, vì thường chỉ biết vô tình nhắm mắt chạy theo các tham vọng hoặc tập quán bầy đàn mà không còn làm chủ cuộc sống, làm chủ tình cảm, từ đó cũng đánh mất luôn bản thân mình.

 

Sách tản mạn thể hiện những mảnh suy tư riêng trước hiện thực đa tạp dễ gây bối rối của cuộc sống hiện đại toàn cầu hóa đầu thế kỷ XXI như một lời cảnh báo, nhắc nhở, gợi ý “phản tư”, “phản tỉnh”, cân nhắc lại mọi vấn đề gặp phải hàng ngày theo các chiều cạnh tinh tế khác nhau để có được cuộc sống tỉnh giác, tích cực, an bình và hạnh phúc.

Bằng một lượng kiến thức và kinh nghiệm từng trải sâu rộng, rất nhiều vấn đề đã được tác giả đề cập, mô tả, nhận xét rồi phân tích, lựa chọn thái độ, từ vai trò của người phụ nữ, trách nhiệm làm cha, làm mẹ, làm con, việc học hành thi cử, cho đến các vấn đề xa hơn về bạo lực, chiến tranh, đạo đức xuống cấp, óc thực dụng chạy theo các giá trị vật chất, nạn khủng hoảng môi sinh, sự toàn cầu hóa kinh tế, cuộc cách mạng sinh học và tin học…

 

Tác giả không trốn chạy hoặc phủ nhận thực tại cuộc sống văn minh và sự phát triển tất yếu khách quan thần tốc kỳ diệu của nền khoa học-kỹ thuật hiện đại trong giai đoạn đầu thiên niên kỷ thứ ba, nhưng lại rất băn khoăn trăn trở về nó trên những tác động không thể tránh khỏi mà hàng ngày nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, từ đó gợi ý lựa chọn một lối sống chủ động phù hợp để đạt được hạnh phúc đích thực, không để bị cuốn trôi hay hòa tan một cách vô ý thức theo dòng sống cuồng nhiệt của nền văn minh hiện đại, vốn thiên trọng về máy móc và các phương tiện vật chất hơn là tâm linh, tình cảm.

 

Đây là một cuốn sách luận bàn về nhân sinh quan và thế giới quan với một tinh thần lạc quan tin tưởng ở thế giới loài người. Một vài vấn đề có tính siêu hình như lý do nào con người được sinh ra, ý nghĩa cuộc đời, vấn đề định mệnh hay số phận, họa phúc, sự sống chết và rủi ro, tính cách ngẫu nhiên vô thường của thế giới,… đều được mang ra phân tích mổ xẻ, như một cách tìm hướng giải đáp cho những thắc mắc thông thường của đời người, nhưng vẫn không dám khẳng định sở kiến của mình là chân lý. Trong sự lờ mờ của chân lý tuyệt đối như vậy mà ai cũng phải bối rối khi đứng trước hàng loạt câu hỏi không có câu trả lời chắc chắn, vì biết rõ một con người/ một sinh mệnh vốn dĩ bị/ được sinh ra quẳng vào cuộc đời một cách không chủ động, tác giả chấp nhận thực tại và dường như đã chọn hẳn thái độ sống hiện sinh, thay vì chối bỏ nó: “Trong đời người có cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Phải đón nhận và nhiều khi phải chấp nhận, vì chung quy cũng do mình. tự mình tạo nghiệp… Đời quá ngắn nên cần sống bình an với chính mình! Hãy sống với một tấm lòng tốt với mọi người, với thiên nhiên, với muôn loài. Có thể gọi cách sống hết mình trong từng ngày là ý nghĩa của đời sống. Trọn vẹn trong từng ngày vì tương lai không ai biết được, còn quá khứ thì đã qua, không thể lấy lại. Vì vậy chỉ có hiện tại. Trân trọng từng ngày đang sống… Cảm nhận khoảnh khắc nào cũng là duy nhất, theo ba là một điều quan trọng” (tr. 31). Ý chung, thể hiện trong suốt quyển sách, mục tiêu tối hậu của cuộc sống là hạnh phúc, có được trong một đời sống yên vui thanh thản và chia sẻ những mối đồng cảm của mình với người khác. “Mục đích của đời người là đi tìm hạnh phúc và hưởng hạnh phúc chứ đâu phải sản xuất ra nhiều và bán được bao nhiêu” (tr. 351). Mức thu nhập tiền bạc vì vậy không chắc có thể mang lại cho con người hạnh phúc, và vì thế sự làm việc cật lực trối chết để thăng tiến thu nhập và địa vị xã hội cũng không phải là lối sống khôn ngoan đáng được theo đuổi, như trong trường hợp tiêu biểu nước Nhật, ở đó khá phổ biến hiện tượng “karoshi”, có nghĩa là chết do làm việc quá sức. “Trong xã hội siêu tiêu dùng, karoshi phát sinh ở Nhật nhưng đang lan rộng tới các nước và vùng lãnh thổ như Nam Hàn, Đài Loan và Trung Quốc. Số người chết do làm việc quá sức có thể là hàng ngàn người mỗi năm… Trong nhịp sống mới, áp lực của người trẻ giống như một vận động viên điền kinh không tìm được vạch chiến thắng” (tr. 18). Còn ở Việt Nam hiện nay thì tình trạng cũng đang có xu hướng gần gần như vậy.

Trong bối cảnh một thế giới hiện đại đầy biến động mà Việt Nam cũng không thể đứng ngoài, khi nói đến “giấc mơ Việt Nam” ở đề mục số 75, tác giả viết: “Có thể trong những lần trò chuyện ba có cái nhìn bi quan, đưa ra những hình ảnh không đẹp… nhưng chưa bao giờ góc nhìn đó có mang theo ý nghĩa tuyệt vọng. Bởi ba luôn hi vọng và nhìn tương lai một cách lạc quan, nghĩ nước ta vẫn còn có dư điều kiện để nắm giữ vai trò một cường quốc nếu chấp nhận cải cách. Xây dựng được nền giáo dục nhân bản, khai phóng và tự do. Xem con người như cứu cánh chứ không phải là phương tiện” (tr. 531).        

   

Sách dày 376 trang, đề tài rộng, với tất cả 75 đề mục, mỗi đề mục luận bàn lan man về một chủ đề, làm thành một cuốn sách triết lý thực tiễn về đời sống. Nếu chỉ nhìn qua tên gọi các đề mục được đặt theo một kiểu đôi khi rất “văn chương”, người đọc khó đoán ra ở đoạn tiếp theo sắp nói gì, nên đọc đoạn trước vẫn còn thắc mắc muốn theo dõi tiếp đoạn sau, theo tôi, đây cũng là một chỗ thành công của tác giả. Tôi định trích thêm vài đoạn nữa để giới thiệu nội dung sách cho được đầy đủ hơn, nhưng cảm thấy hơi lúng túng, vì dường như đoạn nào cũng cần đọc, đều đều như nhau, chi bằng để cho người đọc tiếp cận thẳng với tác phẩm, sẽ có thể hay hơn và thú vị hơn?  

     

Có thể coi sách này là một “bách khoa thư” tản mạn về cuộc sống thực tế của con người hiện đại, chứa đựng đủ các vấn đề liên quan văn hóa-giáo dục, triết học, tôn giáo, đạo đức, kinh tế, chính trị, khoa học-kỹ thuật… Nhiều đề tài phức tạp đã được diễn đạt bằng lối văn tương đối bác học nhưng sáng sủa dễ hiểu, với giọng văn ôn tồn bình thản đi cùng nhiều thí dụ minh họa sinh động lấy ra từ sách vở đông tây kim cổ cũng như từ thực tế đời sống, nên nghe như tiếng nói thì thầm của cha mẹ tâm tình cởi mở với con cái, hoặc đôi khi như một thầy giáo giảng bài, một đạo sư giảng đạo…

 

 

   29.7.2020

 

 

Nguồn: https://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/tran-van-chanh-doc-tro-chuyen-voi-thien-than/?fbclid=IwAR2tidnOVfCoGUIn6U8E8bS-HudOCvJh2bPALhFp79q9m-V2S9Mp3XOKwbM

http://www.vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/279-doc-sach/1933-tro-truyen-voi-thien-than

 

 

 

Trần Văn Chánh
Số lần đọc: 1024
Ngày đăng: 27.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Hát trên quê hương tôi” Giai điệu đẹp và thơ - Võ Quê
Nghìn năm mai cốt chẳng mai danh - Nguyễn Anh Tuấn
Chữ Quốc Ngữ dưới mắt một nhà cai trị Pháp cuối thế kỷ XIX - Thiếu Khanh
Cái nhìn tham chiếu về văn học Việt Nam đổi mới của TS. Phan Tuấn Anh - Hoàng Thị Thu Thủy
Ý thức mới trong văn học nghệ thuật - Võ Công Liêm
Dấu ấn trong tác phẩm Mang Viên Long - Trần Trung Sáng
Tâm ca, cái Tôi nhận diện của Phạm Duy - Phan Trang Hy
Nhà văn Lan Khai trong tâm thức con trai Nguyễn Lan Phương - Trần Hoài Anh
Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai và tác phẩm “The Mountains Sing” - Đào Như
Ánh sáng vô tận Phật - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả