Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.142.953
 
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 2)
Lê Ký Thương

 

 

Lê Ký Thương  dịch từ A Persional Matter của Nhà văn Nhựt Bản Oe Kazenburo.

 

2

 

Bên dưới tấm bản đồ Đông Phi đầy những vệt bùn, máu và mật người dính trên tường, Điểu nằm cuộn tròn như một  con mọt gỗ bị đe dọa. Anh đang ngủ trong phòng của hai vợ chồng. Chiếc nôi mây có mui trắng, vẫn còn bọc trong bao nhựa, thu mình giữa hai chiếc giường như con sâu khổng lồ. Điểu đang mơ, rên rỉ chống lại cơn giá lạnh của buổi sớm tinh mơ.

 

Anh đang đứng trên một cao nguyên nằm ở phía đông bờ hồ Chad, phía tây nước Nigeria. Anh có thể chờ đợi điều gì ở một nơi như thế này? Thình lình một con lợn bướu sa mạc khổng lồ nhìn thấy anh. Con vật ác độc tấn công, cát bụi tung lên mù trời. Nhưng như thế là tốt! Điểu đã đến châu Phi với một cuộc phiêu lưu, chạm trán những bộ lạc mới và những hiểm họa chết người, với cái nhìn thoáng qua bên kia chân trời tĩnh lặng và cuộc sống hang ngày thường xuyên vỡ mộng. Nhưng anh không có vũ khí để chiến đấu với con lợn bướu sa mạc này. Tôi đến châu Phi không trang bị và không qua một cuộc huấn luyện nào, anh nghĩ, và nỗi sợ hãi khích động anh. Trong lúc ấy con lợn bướu sa mạc đang quỵ xuống. Điểu nhớ đến cái dao xếp anh thường giấu trong quần khi còn là một đứa trẻ bụi đời ở tỉnh lỵ. Nhưng anh đã vất cái quần đó lâu rồi. Thật buồn cười, anh không thể nhớ tiếng Nhật gọi con lợn bướu sa mạc là gì. Phacochoere! Anh nghe tiếng một nhóm người, bỏ anh và tháo chạy đến một khu vực an toàn, la lên: Hãy coi chừng! Chạy đi! Con phacochoere! Con vật điên tiết đã có mặt ở một bụi cây rậm, thấp cách đó vài thước: Điểu không còn cơ hội thoát thân. Và rồi, về hướng bắc, anh phát hiện ra một khu vực được bao bọc bởi một vệt màu xanh không ngay hàng  thẳng lối. Có thể đó là một hàng dây thép. Nếu anh chạy tới được phía sau hàng dây thép đó, có thể anh sẽ an toàn. Những người đã bỏ rơi anh từ hướng đó đang la lớn. Điểu bắt đầu chạy. Quá muộn rồi! Con phacochoere gần đuổi kịp anh. Tôi đã đến châu Phi không được trang bị và không qua một cuộc huấn luyện nào, tôi không thể trốn thoát. Điểu thất vọng, nhưng nỗi sợ hãi thôi thúc anh. Vô số cặp mắt của những kẻ an toàn sau cái đường xanh xiên xẹo nhìn Điểu đang chạy như bay về phía họ. Những chiếc răng kinh tởm của con phacochoere gần táp trúng mắt cá Điểu…

 

Chuông điện thoại đang reo, Điểu thức giấc. Rạng sáng, vẫn còn mưa. Đôi bàn chân trần của Điểu dẫm phải cái sàn nhà ẩm ướt, anh nhảy lò cò đến chiếc máy điện thoại như một con thỏ. Anh nhấc ống nghe và giọng một người đàn ông hỏi tên anh mà không có lấy một lời chào hỏi vang lên. “Làm ơn đến bệnh viện ngay. Đứa bé bất bình thường, bác sĩ sẽ giải thích sau”.

Trong phút chốc, Điểu bị lâm vào một tình thế không biết xoay xở ra sao. Anh ước muốn quay về lối cũ để đến cao nguyên Nigeria liếm chút dư vị của giấc mơ, cho dù đó là giấc mơ về một con nhím biển quái ác, mọc tua tủa những gai nhọn sợ hãi. Nhưng anh tự kiềm chế, và bằng một giọng nói hết sức khách quan mà đáng lẽ nó phải thốt ra từ một người xa lạ có trái tim sắt đá, anh hỏi: “Người mẹ không sao chứ?” Điểu có cảm giác anh đã nghe mình hỏi câu này cả ngàn lần bằng một giọng giống nhau.

            “Vợ anh khỏe. Mong anh đến càng nhanh càng tốt”.

            Điểu chạy vội lại phòng ngủ, giống như con cua đang tìm hang ẩn núp. Anh nhắm nghiền đôi mắt và cố vùi mình trong hơi ấm của chiếc giường, như để chối bỏ thực tế mà anh muốn xua đuổi ngay lập tức. Nhưng chuyện đâu vẫn hoàn đó, Điểu lắc đầu cam chịu và nhặt áo quần mà anh đã vất bên cạnh giường lên. Cả thân thể anh đau nhừ khi anh tập trung nhớ lại cuộc ẩu đả đêm rồi. Sức mạnh của anh đủ để chiến đấu và anh hãnh diện vì nó biết bao! Anh cố giữ lại cái cảm giác hãnh diện đó, nhưng dĩ nhiên là không thể được. Điểu cài nút áo, nhìn lên tấm bản đồ Tây Phi. Cao nguyên mà anh thấy trong giấc mơ là nơi có tên Deifa. Ngay phía trên đó có một bức vẽ con lợn lòi có bướu trong tư thế tấn công – một con lợn lòi có bướu! Con phacochoere là lợn lòi có bướu. Và đường kẻ màu xanh da trời ngoằn ngoèo trên bản đồ có nghĩa là một khu dành riêng cho loài thú săn mồi. Như thế thì anh cũng không thể nào an toàn nếu chạy đến được cái hang rào xiên xẹo trong giấc mơ.

 

Điểu lại lắc đầu, vừa đi vừa mặc chiếc áo khoác khi rời phòng ngủ, rồi nhón gót bước xuống cầu thang. Bà già chủ nhà của anh sống ở tầng một. Nếu bà thức dậy và bước ra hành lang, Điểu sẽ phải trả lời những câu hỏi tò mò và đầy thiện chí như cối xay cùn của bà. Nhưng anh có thể nói gì kia chứ? Anh chỉ vỏn vẹn nghe được lời tuyên bố trên điện thoại: thằng bé bất bình thường! Điểu sờ soạng tìm đôi giày của mình dưới nền hành lang bằng đất, mở cửa trước một cách yên lặng và bước ra ngoài trời sớm tinh mơ.

Chiếc xe đạp nằm ngả một bên trên nền sỏi dười bờ dậu. Điểu dựng nó lên ngay ngắn và dùng tay áo khoác chùi chiếc yên da thói rữa ướt sũng nước mưa. Chiếc yên xe chưa kịp khô, Điểu nhảy lên đạp tán loạn như một con ngựa điên, phóng qua những bờ dậu ra tới con đường tráng nhựa. Một chặp sau, anh cảm thấy hai cái mông của mình lạnh và ẩm ướt. Trời lại mưa, gió thổi nước mưa tạt thẳng vào mặt anh. Anh mở rộng đôi mắt, quan sát những ổ gà trên đường: những giọt nước mưa lại bắn vào tròng mắt. Đạp đến con đường rộng và sáng sủa hơn, Điểu quẹo trái. Lúc này gió đẩy cơn mưa quất vào bên phải anh nên dễ đi hơn. Điểu gò người theo gió để giữ thăng bằng chiếc xe. Hai bánh xe đang chạy khuẩy tung làn nước trên con đường nhựa và rải đều thành một làn sương mịn. Khi Điểu nhìn nước từ bánh xe bắn tung tóe ra cùng lúc người anh chao nghiêng trong gió, anh bắt đầu cảm thấy hoa mắt. Anh nhìn lên: chẳng thấy một bóng người trên con đường sáng sớm. Bao quanh con đường là những cây rẻ quạt âm u, dày đặc, vô số lá, lá nào cũng thấm đầy nước mưa. Những thân cây đen xì chống đỡ biển lá xanh mênh mông. Nếu những biển lá này cùng đổ xuống tức thì, Điểu và chiếc xe của anh sẽ bị chết đuối trong giòng nước lụt thơm mùi lá sống, Điểu cảm thấy mình bị rừng cây đe dọa. Trên đầu anh, những chiếc lá kết chum trên những cành cây cao chót vót đang than vãn trong gió, Điểu nhìn lên, qua rừng cây, anh thấy một khoảng trời hẹp ở phía đông. Phía sau mảng trời xám xịt rỏ ra một vệt màu đỏ mờ nhạt của ánh mặt trời. Bầu trời giữa vòm cây có vẻ như hổ thẹn, bị những đám mây trông giống những con chó lông xù chạy bừa lên. Ba con chim ác là bay như tên bắn trước mặt Điểu, kêu lanh lảnh giống lũ mèo hoang và gần đâm bổ vào người anh. Anh nhìn thấy những giọt nước ống ánh màu bạc, li ti như những con rận tụ lại trên những chiếc đuôi màu xanh nhạt của chúng, Điểu để ý thấy lúc này anh dễ hốt hoảng, cả thị giác lẫn thính giác và khứu giác  của anh trở nên nhạy bén thật sự. Anh chợt nảy ra ý nghĩ mơ hồ rằng đây là một điềm xấu: những sự việc giống như vậy đã xảy ra trong suốt những tuần lễ anh chìm đắm trong cơn say.

 

Điểu cúi đầu, nhấn bàn đạp và tăng tốc độ. Cái cảm giác đến châu Phi nhưng không thực hiện được giấc mơ của anh lại hiện về. Nhưng anh đạp hết tốc lực. Vai anh quẹt vào cành cây rẻ quạt mềm yếu và cái đuôi xòe của nó bật mạnh ra sau cắt đứt tai anh. Dù vậy, Điểu vẫn không đạp chậm lại. Những giọt nước mưa rơi tới tấp như những viên đạn lướt qua lỗ tai đau nhói của anh. Điểu thắng kít xe trước cửa bệnh viện, tiếng thắng xe ken két giống như tiếng kêu của chính anh. Anh ướt như chuột lột: run rẩy. Khi anh vẩy nước ra khỏi người, anh có cảm giác như mình đã trải qua một con đường dài, thật dài, không thể tưởng tượng được.

 

Điểu dừng lại trước phòng kham để thở, rồi chăm chú nhìn vào trong và nói với những người không rõ mặt đang chờ đợi anh trong ánh sáng lờ mờ.

            “Tôi là cha đứa bé,” anh nói giọng khàn khan, tự hỏi tại sao họ đang ngồi trong phòng tối. Rồi anh nhận ra mẹ vợ mình, khuôn mặt của bà khuất mất một nửa trong tay áo kimono thử như bà đang dằn cơn nôn mửa. Điểu ngồi xuống chiếc ghế cạnh bà và cảm thấy quần áo mình dính chặt phía sau. Anh run lập cập, không dữ dội như trên đường đi, nhưng giống như một con gà mắc nước. Mắt anh đang tập trung để  nhìn rõ bóng tối trong phòng: lúc này anh nhận ra một nhóm ba bác sĩ im lặng nhìn anh một cách thận trọng bằng ánh mắt của quan tòa khi anh ngồi xuống ghế. Anh cảm thấy hình như họ có luật lệ riêng. Bản họa đồ giải phẫu in màu treo trên tường giống như lá quốc kỳ trong phòng xử án.

            “Tôi là cha đứa bé,” Điểu nóng nảy lập lại. Rõ ràng là giọng của anh chứng tỏ rằng anh cảm thấy mình bị đe dọa.

            “À, tốt” vị bác sĩ đứng giữa trả lời với tính cách hơi thủ thế một chút, thử như ông đã khám phá ra trong giọng nói của Điểu có vẻ tấn công. (Ông là giám đốc bệnh viện, Điểu đã thấy ông chùi rữa tay bên cạnh vợ anh). Điểu nhìn vị giám đốc, chờ ông ta lên tiếng. Thay vì bắt đầu giải thích, ông rút trong chiếc áo blu trắng nhăn nheo ra chiếc tẩu và nhồi đầy thuốc hút. Dáng người ông lùn, mập tròn như hột mít đến độ nó tạo cho ông cái vẻ phô trương không lấy gì đẹp mắt. Chiếc áo blu vấy bẩn banh ngực để lộ ra một chòm lông giống như lưng con lạc đà. Không chỉ râu trên mép và má rậm rì mà còn mọc lởm chởm xuống tận cuống họng. Sáng nay, vị giám đốc không có thì giờ cạo râu: ông đã chiến đấu vì sự sống của đứa bé từ chiều hôm qua. Dĩ nhiên Điểu biết ơn, nhưng có một điều gì đó đáng nghi ngờ về vị bác sĩ trung niên râu tóc rậm rì này khiến anh phải thủ thế. Cứ như là tiềm ẩn sâu trong làn da đầy lông kia một con vật gây chết người dựng cái đầu lông lá của nó lên và bị kiềm giữ lại.

 

Cuối cùng vị giám đốc lấy tẩu thuốc ra khỏi đôi môi dày và cầm gọn trong lòng bàn tay, bất ngờ ánh mắt của ông gặp tia nhìn của Điểu: “Anh muốn gặp quí tử của anh trước không?” Giọng nói của ông át cả căn phòng nhỏ hẹp.

            “Đứa bé chết rồi à?” Điểu đằng hắng hỏi. Trong giây lát, vị giám đốc nhìn vẻ nghi ngờ của Điểu về cái chết của đứa bé, nhưng ông xóa tan cái ý tưởng đó bằng một nụ cười hàng hai.

            “Chắc chắn là không”, ông nói “Nó cử động mạnh và khóc khỏe lắm”.

            Điểu nghe tiếng thở sâu lắng, nghiêm trang của bà mẹ vợ - nó giống như lời ám chỉ lộ liễu. Hoặc là bà đã kiệt sức hoặc là bà báo hiệu cho Điểu biết cái hố thẳm tai ương mà anh và vợ anh rơi vào. Không lý do này thì cũng lý do kia.

            “Bây giờ thì anh muốn gặp quí tử của anh không?”.

            Viên bác sĩ trẻ ở bên phải vị giám đốc đứng lên. Dáng người anh cao, gầy, có đôi mắt không mấy cân xứng với khuôn mặt của anh ta. Một mắt thì có vẻ bối rối, rụt rè, còn mắt kia thì lặng yên, Điểu chớm đứng lên cùng với viên bác sĩ và rồi lại ngồi phịch xuống chiếc ghế của anh trước khi nhận ra rằng con mắt xinh đẹp kia là mắt giả.

            “Anh làm ơn giải thích trước được không?” Giọng nói của Điểu càng lo lắng hơn: sự thay đổi đột ngột mà anh cảm thấy trong cách chọn chữ của vị giám đốc – quí tử! – vẫn còn vướng mắc trong tâm trí anh.

            “Có lẽ tốt hơn là anh nên gặp nó trước đã, đây là một điều hoàn toàn bất ngờ. Chính tôi cũng bất ngờ khi nó chào đời”. Thình lình, đôi chân mày rậm rì của vị giám đốc đỏ lên và ông ta bật ra tiếng cười rúc rich như trẻ con. Bây giờ thì Điểu biết rằng sự hiện diện đáng ngờ ẩn nấp dưới làn da lông lá kia chính là tiếng cười rúc rich này đây. Tiếng cười mà lúc nãy đã thoạt biểu lộ qua lớp vỏ của một nụ cười mơ hồ. Điểu giận dữ nhìn vị bác sĩ đang cười trước khi anh nhận ra rằng ông đang cười để che giấu sự bối rối. Ông đã lôi từ bụng vợ kẻ khác ra ra một giống quái vật chưa được phân loại. Có lẽ là một con quái vật đầu mèo, có một thân thể trương phù như quả bóng. Dù là một sinh vật đi chăng nữa, và chính vì vậy mà ông rúc rich cười. Thành tích của ông, không ăn nhập gì với thiên chức của một giám đốc bệnh viện và một bác sĩ sản khoa đầy kinh nghiệm, mà nó chính là một trò hề của ông lang vườn trên sân khấu hài. Vị bác sĩ đã một phen thất kinh hồn vía và bây giờ thì ông cam chịu ngượng ngùng.

 

Điểu đứng yên, chờ đợi vị giám đốc tỉnh người sau trận cười bí tỉ. Một con quái vật. Nhưng loại nào? “Quí tử”, vị giám đốc đã nói, còn Điểu thì nghe “quái vật”. Hai sự vật này quyện nhau thành một từ đã xé nát màng ngực của Điểu. Tự giới thiệu mình, anh nói: “Tôi là cha đứa bé”. Các bác sĩ co rúm người lại, bởi vì có một điều gì khác hoàn toàn đã vang vọng trong tai họ - tôi là cha của con quái vật.

Một cách nhanh chóng, vị giám đốc làm chủ được mình và lấy lại vẻ trang nghiêm buồn thảm. Nhưng trên đôi mi mắt và má vẫn còn đỏ ửng. Điểu quay mặt, chiến đấu với cơn lốc khẩn cấp của nỗi tức giận và sợ hãi đang dấy lên trong lòng, và cất tiếng hỏi: “Nó ra sao mà gọi là hoàn toàn bất ngờ?”

            “Anh muốn hỏi hình hài của nó như thế nào phải không? Nó có hai đầu! Anh biết tác phẩm của Josef Wagner có tên là “Under the Double Eagle” chứ? Dù sao chăng nữa, đây cũng là một cú sốc”. Vị giám đốc gần như muốn bật cười trở lại, nhưng ông đã tự kiểm soát mình đúng lúc.

            “Chắc là nó giống như anh em song sinh người Thái Lan phải không?” Điểu hỏi một cách e dè.

            “Không hẳn như thế: chỉ có một thân mình mà đến hai đầu. Anh muốn thấy quí tử đó không?”

            “Y học gọi là…” Điểu ấp a ấp úng.

            “Chúng tôi gọi nó là thoát vị não. Não bộ nhô ra từ một chỗ hỏng trong sọ. Từ khi thành lập bệnh viện này, lúc tôi lấy vợ, đến giờ đây là trường hợp đầu tiên tôi gặp. Cực kỳ hiếm. Tôi có thể nói với anh rằng tôi hết sức ngạc nhiên.

            Thoát vị não – Điểu cố hình dung ra một hình ảnh, một điều gì đó, nhưng không tài nào hình dung nổi. “Đối với một đứa bé bị thoát vị não có hy vọng phát triển bình thường không? Điểu choáng váng hỏi.

            “Phát triển bình thường!” Giọng nói của vị giám đốc có vẻ như là giận. Chúng ta đang đề cập đến chứng thoát vị não! Anh phải cắt hộp sọ ra rồi ép não bộ trở lại, nhưng cả khi làm như thế thì may mắn lắm đứa bé cũng chỉ có một đời sống thực vật. Một cách chính xác nghĩa “bình thường” mà anh muốn nói là sao?” Vị giám đốc lắc lia cái đầu với những bác sĩ trẻ đứng cạnh ông, như mất tinh thần vì sự thiếu hiểu biết của Điểu. Viên bác sĩ có con mắt giả nhanh nhẹn gật đầu đồng ý, những bác sĩ khác cũng vậy, còn một vị lầm lì có cái trán vồ thì mặt mày tái mét, đờ ra. Cả hai quay nhìn Điểu bằng cặp mắt nghiêm khắc giống như những vị giáo sư chê một sinh viên vì trả lời tồi trong một cuộc thi vấn đáp.

            “Đứa bé có chết ngay không?” Điểu hỏi.

            “Không chết ngay đâu. Có lẽ ngày mai, cũng có thể lâu hơn. Nó là một đứa trẻ cực kỳ khỏe mạnh”, vị giám đốc nhận xét theo nghề nghiệp. “Bây giờ thì anh định làm gì?”.

Điểu giống như một con ngựa thồ lùn tịt bối rối, hổ thẹn đứng ngớ người ra. Anh có thể làm được cái chết tiệt gì kia chứ? Đầu tiên thì gã đẩy anh vào ngõ cụt rồi lại hỏi anh định làm gì. Thật giống như một tay chơi cờ ma giáo. Anh nên làm cái gì? Ngã gục? Than van?

            “Nếu anh muốn, tôi có thể chuyển đứa bé đến bệnh viện trường Đại học Quốc gia – nếu anh muốn!”. Lời gợi ý nghe như một câu đố mẹo. Điểu cố gắng hết sức để hiểu rõ ý nghĩa đáng ngờ của câu nói này, nhưng vô ích. Anh chỉ còn biết trả lời một cách thận trọng. “Nếu không còn cách nào khác…”.

            “Không còn cách nào,” Vị giám đốc nói. “Nhưng anh sẽ an tâm khi biết rằng mình đã làm bất cứ điều gì có thể làm được cho đứa bé”.

            “Chúng ta không thể để đứa bé ở lại đây được sao?”.

            Điểu cũng như ba vị bác sĩ trố mắt nhìn vào người vừa nêu ra vấn đề bất ngờ. Bà mẹ vợ của Điểu vẫn ngồi yên, cố nén nỗi đau khổ tận đáy lòng. Vị giám đốc dò xét bà giống như một người đang thẩm định giá cả. Thật là khó chịu khi ông nói với một thái độ rõ ràng là muốn tự bảo vệ mình: “Không thể được! Đừng quên, đây là trường hợp thoát vị não. Hoàn toàn không thể được!” Người đàn bà lắng nghe mà không nhúc nhích, tay áo kimono của bà vẫn che kín miệng.

            “Vậy thì chúng ta sẽ đưa nó đến bệnh viện khác”. Điểu tuyên bố. Vị giám đốc chộp lấy quyết định của Điểu và ngay lập tức, ông bắt đầu phô trương hình ảnh sáng giá về tài năng quản lý của mình. Khi hai người phụ tá của ông rời khỏi phòng theo lệnh để liên hệ với bệnh viện trường đại học và làm hợp đồng thuê xe cứu thương, vị giám đốc lại nhồi thuốc vào tẩu và nói với vẻ khuây khỏa, thử như ông đã trút được một gánh nặng khả thi: “Tôi sẽ cho người của chúng tôi đi theo xe cứu thương, như vậy anh có thể an tâm rằng chúng tôi đưa cháu đến đó một cách an toàn”.

            “Cám ơn ông nhiều”.

            “Tốt nhất là bà ngoại cháu nên ở lại đây với con gái. Sao anh không về nhà thay áo quần khô đi? Nửa tiếng đồng hồ nữa xe cứu thương mới tới đây được”.

            “Tôi sẽ về thay áo quần”, Điểu nói. Vị giám đốc rón rén bước đến bên anh và thì thầm một cách hết sức thân mật, như thể ông đang bắt đầu một trò đùa bẩn thỉu: “Dĩ nhiên, anh có thể không cho họ giải phẫu nếu anh muốn”.

Một đứa bé bất hạnh đáng thương! Điễu nghĩ.

Người đầu tiên mà con tôi gặp trong cái thế giới hiện hữu này là người có đôi má xệ đầy lông lá này.

Nhưng Điểu vẫn còn sửng sốt cái cảm giác giận dữ, đau khổ của anh, đã kết tinh trong giây phút, bây giờ tan vỡ.

Điểu cùng mẹ vợ và vị giám đốc đi lẩn trong nhóm người cách xa bàn tiếp tân, im lặng, tránh nhìn mặt nhau. Ngay lối vào, Điểu quay lại chào mọi người. Bà mẹ vợ nhìn trả lại ánh mắt chằm chằm của anh bằng đôi mắt giống như đôi mắt của vợ anh, như thể họ là hai chị em, và bà muốn nói một điều gì đó. Điểu chờ đợi. Nhưng bà chỉ im lặng nhìn anh, đôi mắt đen nháy của bà thu nhỏ lại cho đến khi chúng không còn một biểu lộ nào. Điểu có thể cảm nhận được sự bối rối của bà, và điều đó là rõ ràng, như thể bà đang đứng trần truồng trên một đường phố đông người. Nhưng điều gì làm cho bà quá lo âu đến nỗi đôi mắt thất thần và ngay cả da mặt cũng tái đi? Điểu tự nhìn chỗ khác trước khi bà đưa mắt nhìn xuống và hỏi bác sĩ: “Đứa bé trai hay gái?” Câu hỏi khiến cho vị giám đốc lâm vào thế bí, và ông lại thốt ra tiếng cười rúc rích ban nãy. Ông trả lời như một bác sĩ trẻ đang thực tập nội trú: “Để xem thử, tôi nhớ không rõ, nhưng tôi có cảm giác mình đã nhìn thấy một… chắc chắn tôi nhìn thấy một con chim!”. 

Điểu một mình bước ra ngoài lối xe chạy. Mưa đang tạnh và gió đã ngừng: những đám mây đang bay lơ lửng trên bầu trời trong sáng. Một buổi mai rực rỡ đã xuất đầu lộ diện từ tấm màn nhá nhem của bình minh, và không khí đượm mùi thơm của ngày đầu hạ đã làm thư giãn từng đường gân thớ thịt trong cơ thể của Điểu. Không khí mát dịu trong đêm đã rớt  lại trong bệnh viện, bây giờ ánh sáng ban mai phản chiếu trên lề đường ẩm ướt và trên những tàn cây giống như những cây kim thủy tinh dài óng ánh đâm thẳng vào đôi mắt ngái ngủ của Điểu. Điểu gò lưng trên chiếc xe đạp trong ánh sáng này giống như đứng lơ lửng trên mép một tấm ván nhào lộn. Anh cảm thấy mình bị tách ra khỏi mặt đất, hoàn toàn cô lập. Và anh tê cóng như một tảng đá, như một chú côn trùng yếu đuối dưới cái nọc độc của con bọ cạp.

Anh có thể đạp chiếc xe này hết tốc lực đến một vùng đất xa lạ và đắm mình trong rượu mạnh đến một trăm ngày - Điểu nghe một tiếng nói mơ hồ réo gọi. Và khi anh lắc lư đạp xuống đường, cuốn đi trong ánh sang ban mai, anh chờ đợi tiếng nói đó gọi lại. Nhưng chỉ có im lặng, Điểu như đang sống trong trạng thái hôn mê, bắt đầu nhấn bàn đạp một cách uể oải…

 

Khi Điểu quẹo sang đường vào bệnh viện, anh thấy một người đàn ông mặc blu trắng, trên tay bồng một vật gì trông giống như cái giỏ rơm vội vã bước xuống tam cấp, và chen qua đám đông để mở cửa sau chiếc xe cứu thương. Một phần con người mềm yếu trong Điểu đang muốn thoát khỏi thực tại, cố nắm bắt cảnh tượng kia như thể nó đang xảy ra ở một nơi thật xa và chẳng liên quan gì đến anh, đơn giản như anh là một người đi tản bộ vào buổi sáng sớm. Nhưng  Điểu chỉ có thể tiến tới trước, tranh đấu vượt qua vũng lầy làm cản trở mình, giống như một con chuột chũi đào bới vào bức tường bùn tưởng tượng.

 

Điểu bước xuống xe và khóa bánh trước bằng dây khóa thì nghe có tiếng nói gắt gỏng sau lưng anh: “Anh không thể để xe ở đây!” Điểu quay lại và bắt gặp đôi mắt đầy khiển trách của vị giám đốc đầy lông lá. Anh nâng chiếc xe đạp lên vai, bước đến một bụi cây. Những giọt nước mưa tụ trên khóm lá rơi xuống cổ và chảy xuống lưng anh. Thông thường thì anh phải cáu liền, nhưng bây giờ cũng chẳng buồn chắc lưỡi. Mặc dù lúc này, có chuyện gì xảy ra chăng nữa, anh cũng đành phải cam chịu mà không phản đối.

Điểu từ bụi cây bước ra, giày dính đầy bùn. Vị giám đốc có vẻ hối tiếc một chút vì đã làm một điều quá bất ngờ. Ông vòng cánh tay ngắn, đầy thịt ôm Điểu rồi đưa anh đến chiếc xe cứu thương và nói một cách thẳng thắng, như thể ông đang tiết lộ một điều huyền bí: “Nó là con trai! Tôi biết tôi đã trông thấy một dương vật!”.

 

Viên bác sĩ có con mắt giả và một chuyên viên gây mê đang ngồi trong xe cứu thương, giữa bình dưỡng khí, cùng với cái giỏ. Tấm lưng của người gây mê che khuất bề mặt chiếc giỏ. Nhưng tiếng róc rách yếu ớt trong chiếc bình dưỡng khí truyền qua lọ nước thủy tinh giống như một tín hiệu bí mật. Điểu ngồi lắc lư trên băng ghế đối diện với họ, ở đó có một cái cáng cứu thương. Anh xoay người một cách khó khăn, nhìn qua cửa xe và ớn lạnh xương sống. Từ mỗi vuông cửa sổ trên tầng hai và ngay cả trên ban công, những khuôn mặt sạch sẽ, tươi mát của những người đàn bà có mang, chắc có lẽ vừa bước ra khỏi giường, rạng rỡ trong ánh nắng ban mai đang chăm chăm nhìn Điểu. Tất cả họ đều mặc áo ngủ bằng nylon mỏng manh, hoặc đỏ hoặc sẫm xanh. Đặc biệt,những chiếc áo ngủ của những người đứng trên ban công cuồn cuộn dưới mắt cá họ, giống như một số đông thiên thần đang nhảy múa trên không. Điểu đọc thấy nỗi âu lo, niềm hy vọng và cả hân hoan trên khuôn mặt họ, anh đưa mắt nhìn xuống. Chiếc xe cứu thương bắt đầu hụ còi, lắc lư lao về phía trước, Điểu trụ chắc hai chân xuống sàn để khỏi trượt ra khỏi chỗ ngồi và nghỉ: Tiếng còi báo động đó! Cho đến lúc này, nó vẫn luôn luôn là một vật thể chuyển động: nó từ một khoảng cách tiến đến gần, rít mạnh lên, rồi mất dần. Bây giờ tiếng còi nhập vào Điểu giống như một căn bệnh mà anh mang trong người: tiếng còi này không bao giờ dứt.

            “Mọi việc đều tốt đẹp”, viên bác sĩ có con mắt giả nói rồi quay lại nhìn Điểu. Thái độ của anh ta tỏ ra người có thẩm quyền, hòa nhã nhưng dứt khoát, khiến Điểu mềm người ra như con bún.

            “Cám ơn”, anh nói lắp bắp trong miệng. Tính thụ động của anh xóa tan ánh do dự trong con mắt thật của viên bác sĩ. Anh ta nắm vững chức năng của mình và nói một cách thẳng thắn: “Đây là một trường hợp hiếm, đúng thế, cũng là lần đầu tiên đối với tôi”. Viên bác sĩ gật đầu, rồi nhanh nhẹn bước sang cạnh Điểu và ngồi xuống trong khi chiếc xe vẫn lắc lư. Anh ta không có vẻ gì để ý đến cái cáng cứu thương dùng làm băng ghế bất tiện như thế nào.

            “Anh là một chuyên gia về não?” Điểu hỏi.

            “Ồ, không. Tôi là một bác sĩ sản khoa “. Viên bác sĩ không cần phải đính chính, chức năng là quan trọng hơn sự xúc phạm vì hiểu lầm. “Tại bệnh viện của chúng tôi không có những chuyên gia về não. Nhưng những triệu chứng thì hoàn toàn rõ: đó là chứng thoát vị não, đúng thế. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ biết rõ hơn nếu đã rút ra được một ít tủy sống từ cái bướu nhô ra khỏi sọ. Muốn làm được điều này, anh phải chọc thẳng vào não và như thế anh sẽ gặp rắc rối. Đó là lý do chúng tôi đưa đứa bé đến bệnh viện khác mà không đụng đến nó. Như tôi nói, tôi là một bác sĩ sản khoa, nhưng tôi xét thấy mình may mắn gặp một trường hợp thoát vị não - tôi hy vọng sẽ là một món quà giải phẫu để nghiên cứu. Anh sẽ đồng ý cho một cuộc giải phẫu, đúng thế không? Có lẽ là đau khổ cho anh khi nói về một cuộc giải phẫu vào thời điểm này, nhưng không sao, hãy xét vấn đề theo cách này nhé! Y học tiến bộ được là nhờ tích lũy kinh nghiệm, phải không nào? Tôi muốn nói cuộc giải phẫu mà chúng tôi thực hiện cho con anh có thể giúp chúng tôi những điều cần thiết để cứu sống những đứa bé khác mắc chứng thoát vị não sau này. Ngoài ra, nếu tôi có thể nói một cách thẳng thắn, tôi nghĩ đứa bé sẽ chết khỏe hơn, anh và vợ anh cũng nghĩ như thế. Vài người lạc quan đáng buồn cười về trường hợp này, nhưng dường như đối với tôi thì đứa bé chết càng nhanh càng tốt cho tất cả những người liên quan. Tôi không biết tại sao, có lẽ đó là sự khác biệt về thế hệ. Tôi sinh năm 1935. Còn anh sinh nằm nào?”.

            “Cũng đâu vào khoảng đó”, Điểu trả lời, anh không thể nhanh chóng đổi năm sinh của mình ra dương lịch được. “Tôi tự hỏi không biết nó có đau đớn không?”.

            “Cái gì, thế hệ của chúng tôi à?”.

            “Đứa bé!”.

            “Điều đó còn tùy thuộc vào ý nghĩa của sự đau đớn mà anh muốn nói. Tôi muốn nói, đứa bé không thể thấy hoặc nghe hoặc ngửi phải không nào? Và tôi đánh cuộc hệ thần kinh cảm giác của nó cũng chẳng còn hoạt động nữa. Giống như vị giám đốc nói, anh nên nhớ, nó là một loại thực vật. Theo quan điểm của anh, thực vật biết đau đớn à?”.

Theo quan điểm của tôi, thực vật biết đau đớn à? Điểu im lặng tự hỏi. Tôi có bao giờ nghĩ rằng một bắp cải bị một con dê nhai tóp tép là đau đớn không?

            “Anh nghĩ một đứa bé có đời sống thực vật có thể đau đớn à?” Viên bác sĩ lập lại một cách hăm hở, đặt hết tin tưởng vào câu trả lời.

Điểu lắc đầu một cách ngoan ngoãn: như muốn nói vấn đề này vượt quá khả năng phán xét của anh. Và có một thời, khi anh không bao giờ chịu quy phục người nào mà anh mới gặp, thì ít nhất anh cũng có ít nhiều cảm giác kháng cự…

            “Dưỡng khí nuôi đứa bé không ổn rồi”, người gây mê cho biết. Viên bác sĩ đứng lên và quay lại kiểm tra ống cao su. Lần đầu tiên Điểu nhìn thấy con mình.

 Một đứa bé xấu xí với cái mặt nhỏ thó, đỏ au phủ đầy vết nhăn và lem luốc chất nhờn. Đôi mắt của nó nhắm nghiền như hai vỏ sò, hao ống cao su dẫn vào mũi, miệng nó bị xoắn lại, phát ra tiếng kêu không thành tiếng, để lộ ra cái màng nhầy bên trong long lanh như hồng ngọc. Điểu nhận ra mình đứng chồm nửa người ra khỏi băng ghế để nhìn cái đầu băng kín của đứa bé. Bên dưới lớp băng, cái sọ được che kín dưới đống bông gòn thấm máu, nhưng không giấu được một cái gì ở đó có hình dạng lớn và bất thường.

Điểu nhìn chỗ khác và ngồi xuống. Ép mặt vào vuông kính cửa sổ, anh nhìn thành phố lùi dần. Người đi trên đường, nghe còi báo động, nhìn đăm đăm vào chiếc xe cứu thương với vẻ tò mò và một sự trông đợi cực kỳ khó hiểu hiện rõ trên khuôn mặt của họ - chẳng khác nào cái nhìn của những thiên thần có mang lúc nãy. Họ tạo ấn tượng một sự chuyển động tạm ngắt không tự nhiên, giống như phim chiếu bị vướng trong máy. Họ đang nhìn thoáng qua một vết rạn vô cùng nhỏ trên mặt phẳng của cuộc sống hàng ngày và điều trông thấy làm họ tràn ngập nỗi sợ hãi ngây ngô.

Con trai tôi quấn băng trên đầu và nhà thơ Apollinaire cũng vậy khi ông bị thương ngoài mặt trận. Trên một mặt trận tăm tối và cô đơn mà tôi chưa bao giờ gặp, con trai tôi đã bị thương như Apollinaire và bây giờ nó đang kêu gào không ra tiếng…

Điểu bắt đầu khóc. Đầu quấn băng, như nhà thơ Apollinaire, cái hình ảnh đó đơn giản hóa những cảm xúc trong lò anh ngay tức khắc và điều khiển chúng. Anh cảm thấy mình biến thành một khối đông tình cảm, tuy nhiên vẫn cảm thấy mình được thừa nhận và có quyền biện hộ: anh còn phát hiện ra vị ngọt ngào trong những giọt nước mắt của mình.

Như Apollinaire, con trai tôi bị thương tại mặt trận tăm tối và cô đơn mà tôi chưa bao giờ gặp, và nó đến với cái đầu quấn băng. Tôi sẽ chọn nó như một người lính chết trận.

 

 Điểu tiếp tục khóc./

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 1143
Ngày đăng: 03.11.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 27: Sự cố bất ngờ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 26: Inrasara) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 25: Bảy con ve sầu) - Võ Anh Cương
Ạch liên Tây Hồ(*) - Trương Đình Phượng
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 1) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 24: Kỳ mỹ nữ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 23: Dưới gốc cây cổ thụ(2)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 22: Dưới gốc cây cổ thụ (1)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 21: Tao ngộ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm :Tiểu thuyết ( Chương 20 : Đêm trường ) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)