Bên bếp lửa bập bùng xua tan cái lạnh trong rừng, một cảnh tượng lạ lùng đang diễn ra: một thằng lùn đang chăm chú nghe một người con gái đẹp kể chuyện, thỉnh thoảng người con gái lấy tay gạt nước mắt đang rơi lả chả trên gương mặt xinh đẹp khiến cho cảnh tượng càng trở nên kỳ bí!
Nàng bắt đầu câu chuyện, tất nhiên theo cách hiểu từ trái tim đến tim bất kể không gian, thời gian và cách diễn đạt bởi sự thấu cảm của vô ngôn:
“Nàng là một người con gái của bon Kon Ó, bon làng nàng nằm cạnh con suối Đạ Dâng mà dân làng thường gọi cái tên là Giọt nước mắt của mẹ. Từ hồi còn rất nhỏ, nàng đã biết được cái tên con suối này và cũng không thắc mắc gì vì sao lại gọi như vậy. Một hôm già làng tổ chức hội cồng chiêng ăn mừng lúa mới, lúa đã tuốt về cất trong một nhà kho đầu bon, trên rẫy con chim chỉ còn mót những hạt lúa bị rơi vãi ít ỏi, đó cũng là phần của lũ làng để lại cho chúng. Một dãy chóe ủ rượu cần được những bà chủ nhà vào rừng sâu tìm lá làm men từ mùa năm trước đã sẳn sàng.
Gìa làng bon Kon Ó đồng thời là một Cau Gru (thầy cúng) của bon là một bà lão dái tai đã đứt, sau khi cắt tiết con gà trống, bà bôi tiết gà vào những chiếc lá và cành cây cắm chung quanh nơi dâng lễ cúng Giàng rồi nâng con gà giờ là một vật hiến sinh lên trán “Ớ Giàng…”. Bà bắt đầu nghi thức cúng Giàng trong sự im lặng thành kính của các thành viên của bon Kon Ó. Một tràng tiếng khấn của bà Hơ Biang như xuất phát từ trong trong trái tim của người bon Kon Ó đến với Ndu, Giàng và các vị thần rừng, thần núi và thần rẫy. Bà cầu cho dân bon làng được nhiều lúa, dệt được đủ vải để lũ con gái làm ùi, bọn con trai đóng khố, lũ làng săn được con min con hoẵng, đổi được nhiều chóe nhiều cồng chiêng để lũ làng vui vẻ sống bên nhau.
Trong tiếng cồng và chiêng dân làng nhảy múa và uống rượu cần mừng lúa mới về đầy kho, con người và con vật nuôi không còn lo bị đói. Nàng tham gia với lũ con trai, con gái bên đống lửa đang rừng rực cháy nhưng thoáng ngạc nhiên khi bắt gặp ánh mắt lạ lùng của K’ Kinh.
“Nó không phải là người Lạch chúng ta, nó là con của người dưới xuôi”. Nàng nhớ từ hồi còn nhỏ đã được nghe bọn con trai con gái trong bon nói với nhau như vậy. Đúng như vậy, K’Kinh theo bà Ka Nhiên về bon từ hồi nó nhỏ xíu, dặt dẹo trên tay người đàn bà chồng chết. Bọn trẻ không vì thế mà không cho K’Kinh chơi cùng mà chính K’Kinh tự mình chơi riêng một chỗ. Lớn lên K’Kinh cũng theo lũ con trai lên rừng đi săn con thú, xuống suối bắt con cá trắng nhưng K’Kinh ít nói, lũ làng cũng không để ý đến điều này coi đó là tự nhiên thôi.
Hôm nay trong lễ mừng lúa mới, K’Kinh cứ làm như vô tình đứng cạnh nàng, đôi mắt K’Kinh nhìn nàng lạ lẫm. Nàng có chút ngạc nhiên bởi đôi mắt ấy nhưng vẫn vô tư múa hát với cộng đồng. K’Kinh đối với nàng không có gì đặc biệt, ngược lại nàng còn không thích vẻ mặt không biết cười của K’Kinh.
Sau lễ mừng lúa mới một con trăng, hôm ấy nàng đi rẫy về, người nóng nực muốn ra con suối Giọt nước mắt của mẹ, nơi dành riêng cho con gái trong bon tắm. Luật tục của bon Kon Ó quy định rằng con gái có bến tắm riêng với lũ làng, không ai được đến bến tắm này nhất là lúc bọn con gái đang tắm, đó là điều cấm. Ai vi phạm theo luật tục, phải bị phạt vạ và lễ vật phải nạp với bon là 1 con trâu trắng, 5 con lợn sáu gang tay và 10 con dê! Vì vậy bọn con gái trong bon tự nhiên cởi hết ùi và váy, vứt trên bờ lội xuống suối tắm mỗi chiều. Người Lạch cho rằng khi còn con gái là thời gian đẹp nhất của đời một người phụ nữ, con gái có thể để trần lộ phần ngực ra bởi “đẹp thì khoe, còn xấu thì che lại”. Nhưng phần hạ thể của đàn bà con gái lại là chuyện khác, bao giờ họ phải quấn cái váy, coi đó là chỗ không thể để người khác – nhất là bọn đàn ông con trai nhìn thấy!
Đúng lúc nàng không một mảnh vải che thân, nàng lồ lộ một thân hình tuyệt mỹ của người con gái đang xuân với những đường cong gợi cảm thu hút hết mắt nhìn của các đứa con trai, nàng phát hiện bên kia suối đôi mắt rực lửa của K’Kinh. Nàng lấy tay che hạ bộ, mặt nóng bừng, nàng la lớn:
-Ớ Giàng…không được, mày xấu lắm K’Kinh!
K’Kinh giả điếc như không nghe nàng la, hắn biết việc hắn xem lén nàng tắm suối đã bị lộ nên không ngần ngại xuất hiện sau một lùm cây dại. Mặt hắn ngây ra ngắm nàng, nàng ùa vội vào dòng nước và hét lớn:
-Dừng lại, K’Kinh…tao sẽ báo với già làng mày đến coi tao tắm!
Câu nói của nàng đối với hắn giống như sấm nổ, hắn bừng tỉnh. Hắn biến sắc mặt khi nghĩ nếu nàng báo với già làng rằng hắn xem lén nàng tắm suối chắc chắn hắn sẽ bị phạt vạ và số trâu, lợn và dê bon làng phạt vạ hắn là rất lớn. K’Kinh nói:
-Đừng…đừng Liêng Hot Niêng, đừng báo với bà Hơ Biang…tôi yêu em mà!
Nàng giận dữ quát:
-Mày về đi, K’Kinh! Tao không tha cho mày đâu!
K’Kinh không về như yêu cầu của nàng, hắn van xin:
-Tôi yêu em…tôi yêu em Liêng Hot Niêng ơi, em “bắt” tôi làm chồng nhé!
Nàng hét:
-Không bao giờ, K’Kinh, mày về đi!
Không hiểu vì lo sợ nàng hay sao mà mắt K’Kinh sáng lên một tia sáng lạ rồi hắn quay về. Liêng Hot Niêng nghĩ ngợi lung lắm, nếu nàng báo với già làng Hơ Biang chắc chắc thằng K’ Kinh phải ra khỏi bon tự tìm chỗ ở cho đến khi tìm đủ số súc vật nộp phạt vạ mới có thể về sống lại ở bon Kon Ó. Hễ già làng nhân danh Giàng phán quyết, điều đó là bất di bất dịch không thể thay đổi được. Đối với người Lạch việc bị đuổi ra khỏi bon là một điều sĩ nhục nhưng việc tìm ra một con trâu trắng lại là một điều khó khăn vô cùng. Bà Hơ Biang từng kể với lũ con trai con gái rằng tuy bà sống qua cả trăm mùa rẫy nhưng chỉ một lần thấy con trâu trắng mà thôi. Trâu là súc vật gần gũi với người Lạch, một năm trâu chỉ giúp cho người một lần trong mùa trỉa hạt. Rẫy được chặt hết cây và để khô rồi đốt trước khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Khi những giọt nước từ trời làm ướt đất, dân làng chuẩn bị mùa trỉa hạt. Trước khi trỉa, trâu được lùa qua đám rẫy để làm cho mặt đất trở nên mềm, xốp giúp cho cây lúa dễ phát triển. Sau đó bầy trâu được thả tự do trong rừng, tự tìm lấy cỏ ăn, đến mùa sinh sản thì chủ tìm đến để nhận trâu nhà mình. Trâu thường có lông đen, rất to lớn với đôi sừng cong vút nên dù sống trong rừng thành bầy đàn, thú dữ như hổ cũng không dám coi thường. Hổ thường chỉ tấn công những con nghé non chưa có kinh nghiệm tách đàn theo một đám cỏ non.
Việc tìm cho ra một con trâu trắng như bon làng đòi phạt vạ là điều gần như không thể. Một khi chưa nạp đủ số gia súc phạt vạ theo yêu cầu của già làng thì không được vào bon ở, đồng nghĩa với chuyện phải sống một mình ngoài thiên nhiên. Trừ những người được đào tạo đặc biệt trong học viện Langbiang có những phương thuật, những kỹ năng sống ngoài hoang dã được học viện dạy dỗ đàng hoàng thì mới có thể tồn tại một mình được, người thường cầm chắc cái chết sẽ đến sớm!
Liêng Hot Niêng nửa muốn báo với già làng, nửa tội nghiệp cho K’Kinh sẽ phải chịu phạt vạ nên nàng lưỡng lự chưa quyết định. Tắm xong nàng một mình ngồi bên bờ suối để suy nghĩ kỹ chuyện này. Nàng rất hận K’Kinh, nàng xem K’Kinh giống như những thằng con trai khác trong bon Kon Ó, không có gì đặc biệt. Chắc chắn nàng sẽ không bắt K’Kinh làm chồng, không bao giờ! Nhưng hắn đã nhìn thấy phần hạ thể của nàng, chuyện này chỉ dành riêng cho người con trai mà nàng bắt làm chồng, luật tục đã đề ra rõ ràng như thế, nàng không thể vượt qua luật tục. Bây giờ phải làm sao?
Liêng Hot Niêng trở về nhà dài khi con trăng đầu tháng đang treo trên bầu trời đêm. Không ngờ giờ này cả bon còn thức. Chưa hết ngạc nhiên bởi cái nhìn lạ lẫm của mọi người trong bon nửa như e sợ, nửa như nghi ngờ thì bà Hơ Biang cho người gọi nàng tới:
-Liêng Hot Niêng, có người tố cáo mày là ó ma lai đó, đúng không?
Liêng Hot Niêng ớ người, câu hỏi của già làng giống như một lời tuyên án tử hình nếu nàng không chứng minh được mình không phải là ó ma lai. Liêng Hot Niêng cứng miệng, nàng không nói ra lời bởi sự khủng khiếp của câu hỏi của bà Hơ Biang. Đối với người dân bon Kon Ó, ó ma lai là một điều kinh khủng. Ó ma lai “thư” dân làng đến chết, đêm đêm ó ma lai sẽ rút đầu ra khỏi thân mình, với chùm lòng lê lết ó ma lai tìm phân của ai vô ý đi ngoài mà quên lấp để ăn. Ai bị ó ma lai ăn phân như vậy cũng sẽ biến thành ó ma lai. Ban ngày ó ma lai cũng sinh hoạt như người thường, chỉ có điều khác biệt là cổ nó có ba ngấn!
Bà Hơ Biang không để cho Liêng Hot Niêng kịp nói điều gì, bà bảo:
-Mày đưa cổ tao xem!
Không chờ nàng có cho hay không, bà chỉ vào cổ để trần của nàng:
-Thằng K’Kinh nói đúng, mày đúng là ó ma lai rồi!
Liêng Hot Niêng khóc như mưa như gió, nàng không nói được một câu vì nỗi oan quá lớn chẹn mất lời nàng khi chưa kịp ra khỏi miệng. Vài con mắt nhìn nàng với vẻ cảm thông nhưng ai nấy đều im lặng bởi ó ma lai là một nỗi kinh hoàng với dân làng. Bà Hơ Biang kết luận:
-Ta cho mày ngày mai phải tìm ra chứng cớ mày không phải là ó ma lai, nếu không thì sẽ xử mày theo luật tục!
Liêng Hot Niêng nức nở khóc, nàng cố lết về chỗ nằm của mình. Ngày mai nàng phải tìm ra chứng cứ mình không phải là ó ma lai như lời thằng K’Kinh bịa đặt nhưng nàng không biết phải làm sao cả. Nghĩ đến thằng K’Kinh, một nỗi hận vô hình xuất hiện trong tâm nàng, nàng không thể ngờ chỉ vì bị nàng bắt gặp nhìn trộm nàng tắm mà thằng K’Kinh lại bịa đặt ra chuyện nàng là ó ma lai!
Nửa đêm, mẹ lay nàng dậy:
-Liêng Hot Niêng à, mày biết rồi đó…ai bị gọi là ó ma lai thì trước sau gì cũng bị giết chết thôi. Mé pạp đã nghĩ kỹ rồi…đêm nay mày phải trốn thôi. Mày đến chỗ ta lấy nấm hương, nhớ chứ? Chừng nào trăng tròn mày phải đến bên gốc cây cổ thụ mà mé và mày núp mưa để lấy gạo muối.
Ngay đêm hôm đó Liêng Hot Niêng chạy trốn, trên lưng nàng là cái gùi vẫn theo nàng lên rẫy, cái xà gạc và vài món khác.
Nàng cất cái nhà sàn nhỏ trú mưa nắng, hàng ngày nàng len lỏi vào khắp vùng lấy rau, bắt cá để bớt cô đơn. Chính nỗi cô đơn đã thôi thúc nàng hát để vơi đi nỗi nhớ bon làng. Nàng hát một cách tự nhiên như nàng nghĩ trong lòng, tiếng hát bay xa, bay xa và đến tai Tư Đực!
Người con gái hát dưới trăng đã khiến chim muông ngừng tiếng hót, cơn gió thoảng qua bạt ngàn lau sậy cũng tạm dừng dường như để chia sẻ tâm sự cùng nàng.
Và tiếng hát của nàng đã khiến Nguyễn Văn Tư động lòng!
CHƯƠNG 32
GIẤC MƠ TRÊN THẢO NGUYÊN CỎ HỒNG