Vậy là hai chứng nhân/ứng viên hụt vào danh vị ‘trưởng nam của Ông’ đã được dàn xếp cho khỏi có mặt ở tang lễ của Ông, cũng như từ đây về sau, biến khỏi làng chài Bích Điệp…
1.
Cũng vào tháng 9 âm lịch như hiện tại nhưng lui về quá khứ hơn 100 năm trước, bão tố cũng hoành hành dữ dội ở vùng biển tỉnh Khánh, miền trung Trung Việt. Riêng đối với một làng chài nằm trên hòn Bích Điệp ngoài khơi xa, trận bão cuối tháng 9 ta dù sao cũng được xem là “nhẹ tay” bởi chỉ có một ghe cá chìm, vài bạn (1) kéo lưới mất tích – đặc biệt là tàu cá của ông Bảy, chủ phường cá Bích Điệp, đã lọt vào tâm bão, tưởng chết mười mươi nhưng lại thoát, ông chủ cùng cả chục bạn đều bình an vô sự.
Dân làng chài Bích Điệp từng đã thấy và biết ông chủ phường cá làng mình giàu có, làm ăn luôn may mắn từ lâu rồi, nay bàn luận, lý giải về chuyện ông thoát chết trong trận bão và cả về những đợt lưới bội thu gần đây của ông, bà con chỉ nêu lên duy nhất vai trò độ trì huyển hoặc của Ông Nam Hải, được thờ trong cái miếu mới được xây chưa lâu trên bãi cát theo lịnh ông chủ Bảy.
Không rõ ông Bảy tiếp nhận dư luận này như thế nào nhưng đúng ra, đây là một lối giải thích đầy thâm ý của ‘bọn dân đen’, ẩn chứa định kiến đầy khinh bạc.
Theo ‘bọn dân đen’, gần đây ông Bảy trúng nhiều cá, làm ăn phát đạt thêm là nhờ hồn Ông được thờ trong miếu độ trì. Nhưng có người lại vặn hỏi, trước ngày xây miếu, ông Bảy cũng giàu rồi thì là nhờ ai hay nhờ điều gì? Tuồng như không ai trong làng thèm bỏ công tìm hiểu để lý giải điều này. Cứ như số tài sản ông Bảy thừa kế từ cha mình (vốn là một đại phú gia trong nghề lưới đăng của cả tỉnh Khánh) nếu có phát triển thêm được chút nào thì chỉ là do ngẫu nhiên, tình cờ - ác khẩu mà nói thì là do chó dắt, tức không hề do điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nào khác, chẳng hạn như: tài kinh doanh, mạng số, phúc đức tổ tiên…có thể có nơi ông Bảy, nghĩa là trước sau gì ông Bảy cũng chỉ là một trọc phú quê mùa, vô danh tiểu tốt, tài làm ăn chẳng có gì đáng nói.
Bên cạnh các yếu tố trên, run rủi nhân thân của ông chủ phường cá Bích Điệp lại dung chứa một lợi thế siêu nhiên: ông Bảy đang là trưởng nam của Ông Nam Hải thờ trong ngôi miếu. Bởi theo một tục lệ lâu đời của ngư dân, người đầu tiên thấy Ông lụy (2), tức xác cá voi từ ngoài khơi trôi dạt vào bãi biển thì sẽ được coi là trưởng nam của Ông quá cố. Vào tháng trước, đã có một “Ông lụy” như thế cho làng chài Bích Điệp …
2.
Vào một buổi rạng đông, một mụ ngư dân nghèo khổ mạt hạng, vợ một gã bạn chài nát rượu làm mướn trong phường cá Bích Điệp, đang tha thẩn trên bãi biền vắng lặng, lượm lặt sò ốc hay thứ gì đó do sóng biển đánh dạt vào, tình cờ mụ thấy xác cá voi. Lập tức mụ vội vàng chạy u về nhà gọi chồng. Vừa thoáng thấy cái đống to lù lù nằm dài trên cát, gã bạn chài lại vội vã đi báo cho ông chủ Bảy. Vậy mà sau đó, nghi thức thiêu xác, hốt cốt vừa xong, bắt đầu lễ tang thì ông chủ Bảy lại bước ra nhận danh vị trưởng nam Ông Nam Hải.
Ông Bảy còn nhớ rõ là lúc đó, thi thể của “cha” mình là xác một con cá voi dứa, một nhánh cá voi mà ông chưa từng được thấy rõ hình dạng. Con cá dài và cao ngang ngang một chiếc xe GMC nhà binh, có những mảng sọc trắng xám trên lưng. Đứng trước xác con cá, mà nếu quên đi địa vị, tư thế cao đạo của mình, cứ để cho óc hiếu kỳ thúc đẩy, ông Bảy đã có thể leo luôn lên thân con cá, bắt đầu từ chỗ thấp nhất là cái đuôi to bằng một nửa chiếc thuyền thúng câu mực, đang choãi ra trên mặt cát. Chỉ sau ba ngày đêm nghi ngút khói nhang, khối hình hài của con cá voi nằm trên cát đã xộp đi hẳn như bị bốc hơi, hoàn toàn mất đi dáng vẻ hộ pháp đáng nể trọng của loài cá thượng đẳng.
Vậy là vào buổi hừng đông định mạng ấy, chị đàn bà nghèo khó đã lánh ra phía sau, nhường lại cho chồng mình vai trò người đầu tiên nhìn thấy xác cá voi. Đã là ngư dân, gã bạn dư biết tục lệ của ngư dân đối với người đầu tiên nhìn thấy Ông lụy, nhưng gã lại chạy đi báo trực tiếp với ông chủ Bảy. Gã làm việc này chỉ với ý định là để cho chủ mình ra xem mà xử lý sự việc, chứ gã không hề có ý nhường lại cho ông chủ - người thứ ba theo thứ tự những người nhìn thấy xác Ông – cái danh dự lớn lao mà cộng đồng ngư dân sẽ tôn vinh.
Bất công, cay đắng hơn cho gã bạn chài, chính ông chủ Bảy cũng lẵng lặng không nói ra sự thật để trả lại công bằng cho kẻ tôi tớ của mình. Tại lễ tang, ông chủ thản nhiên quấn đầu rơm mủ bạc, thể hiện vai con trưởng để tang “cha”. Các danh xưng, chức vị này, khác đúng là thứ ông nhà giàu sẵn sàng bỏ công bỏ của tìm kiếm để tô vẻ thêm cho số tài sản vật chất khổng lồ đã có. Nhưng đến cái danh vị “trưởng nam” của Ông mà ông Bảy có được thì đầy gian trá bởi mấy lão chức việc đã trấn lột từ một ngư dân nghèo khổ rồi đem dâng cho ông chủ như một trò nịnh bợ, lấy lòng.
3.
Sự việc còn tác tệ hơn khi nhìn theo quan điểm siêu hình.
Hẳn là có một ban bệ thần linh nào đó, đã ngồi họp trên chín từng mây - hay ngược lại, có thể là ở mấy vạn dặm dưới đáy biển – gọi là tuân theo mệnh Trời mà thảo ra quyết định thiêng liêng chọn vợ/chồng gã bạn chài làm con trưởng của Ông Nam Hải, khiến khi hồn vị thần Biển này được lịnh triệu hồi, xác Ông chỉ trôi dạt đến đúng vị trí đã được chư thần sắp đặt, nghĩa là phải xuất hiện ngay trước mắt cặp vợ chồng kia. Nhưng chính bọn phàm nhân đã làm sai lệch mệnh Trời bằng liên tiếp hai hành động nghịch đạo, phá rối sự xếp đặt của chư thần. Một là gạt bỏ chị vợ gã bạn chài, tức phế hạ nữ giới – dù trên tiên giới cũng có tiên nữ– ra khỏi vị trí ứng viên con trưởng/trưởng nữ của Ông. Hai là gạt bỏ luôn gã bạn chài, tức ứng viên dự khuyết chấp-nhận-được theo ý chư thần, vì dù là trúng vô vợ hay chồng, gia đình này cũng xứng đáng được gia ơn, nâng đỡ cho đổi đời bởi họ đã quá khốn khó từ lâu lắm rồi.
Thiên mệnh còn bị sai lạc ở một điểm khác. Đó là về phần hậu vận của người đầu tiên trông thấy Ông lụy. Rằng trong suốt ba năm để tang Ông, trưởng nam sẽ phải chịu cảnh nghèo kiết xác, mãn tang Ông rồi người đó mới được giàu sang, phú quí, con cái đời sau cũng quyền quí, cao sang.
Nhưng chư thần và người phàm đều biết rõ, khi chức danh “trưởng nam” do bị cưỡng đoạt mà lọt vào tay ông Bảy, thì ông ta đã giàu có sẵn rồi. Mệnh Trời đã mất tác dụng thì còn có quyền năng nào đủ sức treo lơ lửng của cải của ông Bảy trong ba năm tang khó, buộc ông phải nghèo đi chút đỉnh cho thấy, để rồi sau đó lại cho ông tiếp tục giàu lên?
4.
Ở cõi trần, ít ai có thể cẩn thận, chu đáo như ông chủ phường lưới Bích Điệp.Vào đêm trước ngày cử hành lễ tang Ông lụy, đồng thời xướng danh người trưởng nam của Ông, ông Bảy đã cho gọi gã bạn chài. Ông chủ đằng hắng, trao mấy đồng tiền cho tên làm công mà ông không hề nhớ tên tuổi của hắn:
“Được lắm. Vợ chồng bây tốt, biết mau chưn mau cẳng chạy phụ lo chuyện Ông lị ở làng mình. Đây, mấy đồng bạc thưởng bây, cho đi uống rượu, và nhớ đưa con vợ bây mua gạo, mắm. Bây làm cho tao lâu chưa?”.
“Dạ, bẩm ông thợ (3), con làm được bốn năm rồi, từ hồi cụ lớn còn…”.
Ông chủ lập tức ngắt lời thằng bạn lưới, chỉ do vừa nghe nó vô tình nhắc tới cha của ông, một điều ông không thích chút nào:
“Thôi, thôi được rồi. Đám bạn bây đông quá nên tao không nhớ đứa nào. Thôi để tao biểu thằng thư ký chuyển bây qua phường Hòn Khô, có mấy chiếc ghe mới đóng mà chưa đủ bạn, công việc nhiều hơn nên mùa nào, chuyến nào bây cũng được theo ghe hết. Sống sẽ khá hơn ở đây con à. Vợ chồng bây chuẩn bị dọn qua bên đó sớm, nghe chưa hử?”.
Vậy là hai chứng nhân, hai ứng viên hụt vào danh vị trưởng nam của Ông đã được dàn xếp cho khỏi có mặt ở tang lễ của Ông, cũng như từ đây về sau, biến khỏi làng Bích Điệp...
5.
Có người cho rằng, trên cõi thần cũng có những thủ đoạn dàn xếp mờ ám, không khác cõi trần. Hiển nhiên đã có một thế lực mạnh mẽ, độc đoán nào đó, âm thầm dọn đường cho ông Bảy nhà giàu nắm được danh vị trưởng nam của Ông, và không chừng kiếp trước của ông Bảy có thể thuộc dòng con-ông-cháu-cha trên cõi thần, theo quan hệ với thế lực siêu hình cố cựu ngàn năm ấy. Có thể nói, do phải nể nang thế lực này, ngay cả ở cõi thần - nói gì là là cõi người, may ra chỉ có vài tiếng xì xào khe khẽ về những tình tiết tiền định – thật khó hiểu vì trái qui luật - của chư thần đã tạo cơ hội cho ân sủng từ-biển-trôi-vào lẵng lặng lọt vào tay ông chủ phường cá Bích Điệp.
Đó là chuyện thần quyền bị lủng đoạn trên cõi thần, còn ở cõi người, bọn phàm nhân chỉ chắc lưỡi, nhận xét “nước chảy chỗ trủng”. Câu tục ngữ nhân gian, dân dã đã quá chính xác cho trường hợp ông chủ Bảy. Đã nói là ông đã giàu sẵn từ lâu rồi. Mỉa mai hơn, dù cho quyết định thiêng liêng về chức phận “trưởng nam” của Ông Nam Hải có bị thi hành sai lạc thì hồ sơ trên cõi thần cũng đã xếp lại, cách nào đó thì của cải cũng tiếp tục chảy vào túi ông Bảy.
6.
Đầy vẻ tự mãn của một thí sinh đậu vớt – rất đáng bị đánh rớt nhưng có thế lực ngầm bảo trợ nên không thể nào rớt bảng - trong ngày lễ tang Ông, ông chủ Bảy lớn tiếng khuyến khích dân làng ráng trườn bò trên cát, chui qua dưới gầm cái quách gỗ to lớn không nắp to lớn, chứa bộ xương cá voi sau nghi thức hỏa thiêu. Lý do là theo tin tưởng từ truyền thống xa xưa, cứ chui dưới cốt Ông như vậy thì người ta sẽ được mạnh giỏi, sức khỏe khang cường.
Nhưng cái cách ông Bảy Ân ân cần, khuyến khích mọi người chui dưới cốt Ông lại có ý nghĩa khác, rằng: “Bây không thể nào được Ông độ cho giàu như ta đây thì hãy bằng lòng với sức khỏe mạnh giỏi đi, cũng do Ông độ vậy.”
Đó cũng là thâm ý của ông chủ Bảy, để cho người khác tức cả làng Bích Điệp cùng hồ hỡi, phấn khởi với ông mà quên đi chuyện này, chuyện nọ.
Tro cốt, cát biển, gió khơi, sóng cồn tiếp tục câm nín thiên thu, chẳng buồn tiết lộ cho thế gian chuyện gì…
(Tháng 9 âm lịch bão lũ)
(1) và (3): Thông thường, ngư dân gọi người làm công, làm mướn trên các ghe, tàu đánh cá là “bạn”, “bạn chài”; còn chủ nhân của ghe, tàu đánh cá hay chủ phường đánh cá, chủ sở lưới cá… lại được gọi là “ông thợ”, “bà thợ”.
(2) Ngư dân kính trọng gọi cá voi chết ngoài khơi là “Ông lụy” hay “Ông lị” theo âm giọng dân dã.