Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.086
123.138.702
 
Dịch và giới thiệu: Thơ và tranh của tác giả Đỗ Quý Dân
Đỗ Quý Dân

 

Tranh họa của Salvador Dali – Female figure with head of flowers/ Hình thể nữ với đầu hoa (1937)

*****

Pedro Salinas (1891 – 1951) là một nhà thơ Tây Ban Nha thuộc nhóm Thế Hệ 27 (Generación del 27), một nhóm thi sĩ có chủ trương đẩy mạnh thơ “avant garde” (tiên phong, cách tân). Đọc thơ ông, ta thấy những ưu tư về khác biệt giữa thể dạng bề ngoài (appearance) và nguyên thể (form), những ưu tư mà Jacques Derrida đã dùng làm cơ sở để phân biệt văn bản (text) và ý nghĩa (meaning) khi đề xướng thuyết “giải cấu trúc” (deconstruction). Con người chỉ có thể quan sát được thể dạng của sự vật chứ không bao giờ tiếp xúc được với nguyên thể (form) của sự vật theo định nghĩa của Plato.

Bài thơ dưới đây là một thí dụ tiêu biểu (đã dịch ra Anh ngữ, tôi có dịch vội ra Việt ngữ).

Bài thơ không đề, nhưng ở ngay chữ đầu, Salinas đã nói rõ mình viết về “cát”. Cát sạch, bốc lên tay lại vuột đi, không giữ được. Cái khả năng vuột đi của cát được thi sĩ ví von như sự đổi thay của một cô gái thích làm dáng, nhượng bộ, đáp ứng tình cảm một người rồi lại bỏ người đó để đi với người khác. Thi sĩ dùng hình ảnh của cát nằm dưới nắng trên bờ, lại bay đi trong gió, rồi nằm ngủ dưới lòng biển, đồng thời nhân cách hóa những hình ảnh đó để người đọc hình dung ra một cô gái thiếu chung thủy, chỉ đùa giỡn với đàn ông mà chẳng yêu ai cả. Cái cách nhân cách hóa đó làm cho người đọc quên đi sự hiện diện của … cát, mà chỉ còn thấy hình dáng một cô gái tung tăng, ngây thơ như nàng Esmeralda thủa trước, nhưng lại có khả năng làm điêu đứng đàn ông như những Điêu Thuyền, Đắc Kỷ. Và người đọc chợt có cảm tưởng như hiểu được nỗi niềm của thi sĩ, một kẻ đau khổ vì người tình đã bỏ theo kẻ khác!

Nhưng có phải thi sĩ thực sự muốn nói về một cô gái vô tâm, chỉ thích đùa nghịch không? Khi nhận xét kỹ hơn, ta sẽ thấy thi sĩ vẫn chỉ nói về cát, loại cát hay “đổi thay” (fickle sand) - vì cứ vuột đi mà không nằm yên trong tay của thi sĩ, và vẫn đề cập đến sóng, đến gió, đến mặt trời. Vậy không phải là thi sĩ thực sự muốn nói đến một người con gái trong đời mình. Thi sĩ chỉ ví von để đưa ra một ý niệm trừu tượng, với một ngụ ý sâu xa mà thi sĩ không đủ khả năng diễn tả bằng ngôn ngữ và hình ảnh trong thơ.

Phải chăng cái ngụ ý có tính cách trừu tượng kia, mà thi sĩ không đủ khả năng diễn tả, là cái nguyên thể, cái sự thật (truth) mà con người không với đến được? Chúng ta chỉ nhìn thấy được bề ngoài, dáng dấp của ý niệm kia. Cả cát và người con gái đều quan trọng với bài thơ và giúp người đọc và nhà thơ hiểu nhau, đối thoại với nhau. Nguyên thể của ý niệm trừu tượng phía sau không còn quan trọng nữa. Dáng dấp bề ngoài đã thay thế nguyên thể và mỗi người đọc có thể nhác thấy nó dưới một con mắt khác nhau.

Khi ta nhận xét về bài thơ như thế, ta sẽ thấy thi sĩ cố tình thổi phồng cách ví von của mình lên. Thi sĩ “than thở” về nỗi niềm của một người mất nắm cát trên tay như một người vừa mất người yêu cho kẻ khác! Nghe rất sáo, rất “cliché”. Chỉ để gây chú ý và buộc người đọc để ý và tìm hiểu cách suy nghĩ và sáng tạo của thi sĩ.

Ta bỗng chợt thấy giới hạn của nhà thơ. Nhà thơ chỉ dựa vào một hình ảnh chính - cát - để ta liên tưởng đến một hình ảnh khác - cô gái - có thể để nói đến cái “khó bắt được” của tình yêu và những hệ quả của nó. Hoặc có thể để nói lên một ý tưởng nào khác. Nhưng cái lãng mạn mà thi sĩ cố ý thổi phồng lên làm ta ngừng lại, không đào sâu hơn nữa, vì ta chợt thấy giới hạn của nhà thơ, hay đúng hơn, giới hạn của ngôn ngữ.

Nhìn theo con mắt “giải cấu trúc” (deconstructivist/ deconstructionist) thì sự phân biệt trên không là vấn đề. Ta thấy văn bản của thơ chẳng còn quan trọng nữa. Thế cho nên nhà thơ có quyền sáo, có quyền thổi phồng những cách ví von, có quyền… sến. Phải để thi ngôn tự hủy, tự giải thể, ý nghĩa của thơ, và quan trọng hơn hết, là ý nghĩa của sáng tạo, mới hiện ra. Khuyết điểm của thi ngôn, của ẩn dụ, và khuyết điểm của chính thi sĩ cần thiết để ta thấy được giá trị của sáng tạo. Sáng tạo ở đây có nghĩa là nỗ lực hòa giải hai tính chất đối nghịch của bài thơ: cái bất toàn của thi ngôn, của ẩn dụ, của ví von và ý nghĩa lý tưởng của bài thơ. Người đọc không nhất thiết phải thấy một hình ảnh mới lạ, một cảm giác chưa từng có. Chỉ cần chứng kiến nỗ lực của nhà thơ lúc đối diện với Nàng Thơ. Đó là yếu tố quan trọng khi ta đã chấp nhận xét đoán và tìm hiểu sự việc qua thể dạng bề ngoài và tìm lấy “nguyên thể” của sự việc theo con mắt của riêng mình.

Không có nghĩa là tác phẩm nào cũng cho ta thấy được nỗ lực sáng tạo khi bị ta “giải cấu trúc”. Ta chỉ “giải thể”, phá cấu trúc một tác phẩm khi tác phẩm đó tượng trưng cho nhiều tư tưởng khác nhau, những tư tưởng đó đưa đến một sự tranh chấp ở “nội tâm” của tác phẩm. Ta không đi tìm đáp số, mà chỉ đi tìm cái ranh giới giữa những vùng đối nghịch, cái ranh giới vừa phân chia vừa tiếp nối của những vùng khác nhau, để thấy được sự sáng tạo của nghệ sĩ.

Ta phải phá đi một tập thể đa dạng để thấy được một góc cạnh của sự thật đơn dạng. Chỉ một góc cạnh. Dưới con mắt của riêng mình.


* * * * *

Untitled

Sand: sleeping on the beach today
and tomorrow caressed
in the bosom of the sea
the sun’s today, water’s prize tomorrow.

Softly you yield
to the hand that presses you
and go away with the first
counting wind that appears.

Pure and fickle sand,
changing and clear beloved,
I wanted you for my own,
and held you against my chest and soul.

But you escaped with the waves, the wind, the sun,
and I remained without a beloved,
my face turned to the wind which robbed her,
and my eyes to the far-off sea in which she had
green loves in green shelter.

Pedro Salinas

*****

Không đề

Cát: đang ngủ yên trên bãi biển hôm nay
và ngày mai sẽ được vuốt ve
trong lòng của biển
hôm nay thuộc mặt trời, mai phần thưởng của nước.

Em dịu dàng nhượng bộ
bàn tay đang áp vào em
rồi vừa đi với kẻ đến trước
vừa đếm gió đang hiện ra.

Này cát sạch, cát không chung thủy
luôn đổi thay dù rất được yêu
tôi đã muốn có em cho riêng tôi,
ôm em vào ngực và linh hồn tôi.

Nhưng em đã bỏ đi với sóng, gió, mặt trời,
và tôi đã ở lại không người yêu dấu,
mặt tôi hướng về ngọn gió đã cướp lấy nàng,
và mắt tôi nhìn về phương xa nơi nàng có
những mối tình xanh nương náu vùng xanh.

Pedro Salinas

ĐQD dịch

 

 

 

 

 

 

 

Đỗ Quý Dân
Số lần đọc: 851
Ngày đăng: 02.12.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Bước chậm bên dòng Hương Giang” Nghe và nhìn thấy… - Võ Quê
“Văn Học Miền Nam 1954-1975” - Nguyễn Vy Khanh
Lục Bát Huy Tưởng - Nguyễn Vy Khanh
Nhà sử học Trần Huy Liệu trong tôi - Nguyễn Anh Tuấn
Phồn sinh - Nguyễn Linh Khiếu
Nhà văn nữ - nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới trong phê bình văn học miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Sonnet 97 Shakespeare (Kể Như Đông Đã Về) - Thái Huy Long
“Tơ Bông” và những bữa tiệc thi ca của Nguyễn Hồng Sơn - Nguyễn Tiến Nên
Gương mặt thơ mới ở Thị Xã Ba Đồn - Nguyễn Tiến Nên
Chữ "mình" trong tiếng Việt - Ngô Nguyên Dũng