Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.130
123.141.327
 
Những vấn nạn thế giới với “Trò Chuyện Với Thiên Thần” của Trương Văn Dân
Phương Tôn

 “Đạo đức không thể phát triển trên nền tảng ích kỷ” - Albert Schweitzer

                                                

           Tiểu thuyết- Tác giả Trương Văn Dân

           Nhà Xuât Bản Tổng Hợp- tp HCM. 6-2020          

 

Tôi quen với TVD đã lâu, đủ thâm tình để có thể nói với nhau những chuyện "trên trời dưới biển", từ những biến chuyển, khủng hoảng lãnh đạo bên trời Mỹ cho đến những chuyện đùa "đen tối" như biển sâu nhưng dù vậy, đến nay, cá nhân tôi vẫn chưa hiểu nhân sinh quan của anh như thế nào dù tin chắc anh là một người đàn ông tử tế.

 

Cho mãi đến khi nhận được cuốn sách "Trò Chuyện Với Thiên Thần" mà anh là tác giả, gửi tặng. Sách đến trong thời gian bầu cử sôi động tại Mỹ mà tôi rất quan tâm. Trong những đêm thức trắng theo dõi chuyển biến bầu cử, những lần vào lúc bốn năm giờ sáng phải đứng dậy bật máy để .. chạy cho bớt hồi hộp, bớt lo sợ cái ác sẽ vẫn tiếp tục ngự trị trong vòng bốn năm tới, nên sau khi đọc được hai chục trang sách, tôi quyết định gập sách lại, đợi đến một lúc nào đó cho tâm thật tĩnh rồi hãy đọc sau.

 

Vì những lời anh viết, chỉ trong một vài chục trang giấy tôi đã nhận ra, đây không phải là loại tiểu thuyết, như tên gọi cuốn sách dễ gây lầm tưởng, để có thể đọc "bên cạnh", đọc giải trí, đọc xong rồi... quên mà đó lại là những lời gây động não cho người đọc. Phải tập trung khi đọc mới mong thấm sâu, cảm nhận những gì anh mong muốn chuyển tải. "Trò Chuyện Với Thiên Thần" của TVD cũng vì vậy đã chiếm hầu hết thì giờ của tôi trong một tuần lễ lấy ngày nghỉ thường niên.

 

Trong "Trò Chuyện Với Thiên Thần" TVD mượn lời, khi của một người cha khi thì của một người mẹ để tâm tình, nhắc nhủ với đứa con chưa được tượng hình trong 75 đề mục khác nhau. (tất cả các đề mục đều được ghi dấu theo từng số trang ở phần mục lục để người đọc dễ dàng tìm kiếm - Đây là một trong những điểm đặc sắc mang đậm tính logic của người có chuyên môn về khoa học). Tác giả đề cập đến đủ mọi vấn nạn nan giải trong cuộc sống trên thế giới hiện nay. Với tôi, đáng chú ý nhất khi anh nhấn mạnh đến mối quan hệ xã hội, giữa người với người, giữa những thành viên trong gia đình với nhau trong một thế giới đầy nhiễu nhương bất công hiện nay. Mượn lời dặn dò đứa con để nói cho chính mình, cho người đọc, phải biết sống có trách nhiệm và có nhiều tình người hơn. Chung sống, đoàn kết, chia sẻ là điều phải học ngay từ thuở bé, biết định hình sự chung sống để ít bị tổn hại hơn thí dụ như với một đại dịch Corona hiện nay. Vì cái gì hại một người thì hại tất cả, nó gây nguy hiểm cho tất cả mọi người. Nó làm nổi bật sự phụ thuộc lẫn nhau và tính dễ bị tổn thương do bất bình đẳng trong xã hội hiện nay của chúng ta: Những người nắm giữ đòn bẩy quyền lực trong tay luôn luôn có lợi thế hơn so với những người dân thuộc hạng nghèo khổ, là những người thiệt thòi. Có thể nói, họ chỉ là những người bị ném cho vi rút ăn.

 

Trong thế giới hiện đại của thế kỷ 21, các kỹ năng, mà con người phải học hỏi và tự trang bị, mang tính quyết định cho một "cuộc sống hạnh phúc" bao gồm các kỹ năng như lập kế hoạch hành động, kiểm soát xung động, khả năng chịu đựng thất vọng, nhưng cũng có tinh thần trách nhiệm, sự đồng cảm, khả năng tự đánh giá và cởi mở với những trải nghiệm và mối quan hệ mới cũng là những điều, trong một góc cạnh nào đó là thông điệp mà TVD trong "Trò Chuyện Với Thiên Thần" muốn chuyển tải.

 

Một đề tài thời sự gây chú ý với tôi, khi tác giả đề cập đến những bất ổn chính trị trên thế giới, là vấn đề không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt cảnh báo về “Chủ nghĩa dân túy" (populism), dân túy cực đoan và những tổ chức tân quốc xã sẵn sàng dùng bạo lực đang phát triển tại Mỹ và đang dần lan tràn ra khắp thế giới. Họ là những người nhân danh người dân nhưng lại phớt lờ nhân quyền, không những từ chối mà lại còn trù dập người di dân tỵ nan, dùng chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh bạo lực quân sự, phát triển kinh tế bất chấp nợ công, dẫn đến khủng hoảng quốc gia.

 

Nền dân chủ thực sự bị đe dọa khi những người theo chủ nghĩa dân túy phản đối nguyên tắc đối xử bình đẳng với mọi công dân và quyền tham gia của họ. Làm thế nào để có hòa bình thế giới thực sự khi ngày càng có nhiều những nhà nước vì quyền lợi riêng của đất nước mình mà nhắm mắt làm ngơ trước những khổ đau của người nghèo khốn khổ trên thế giới hiện nay? Không chỉ riêng những nhà nước đang dùng người tỵ nạn như những con tin để mặc cả quyền lợi chính trị kinh tế, không chỉ riêng những chính phủ đang tìm cách từ chối thâu nhận người tỵ nạn mà ngay cả cá nhân những người đang sợ phải chia sẻ cái bánh vật chất dư thừa với những người thật sự thiếu thốn đóng một vai trò quan trọng trong sự bất ổn trên thế giới. Thật chua xót khi nhìn vào khuôn mặt những đứa bé con bị chết vì đói lạnh, vì thiếu thuốc men, bị quên lãng trong những trại tị nạn tồi tệ nhất, rồi nghĩ đến cảnh người ta có thể dễ dàng bật khóc khi nghe thấy nhà thờ Notre Dame ở Paris bị cháy.

 

Không riêng những người đang tiến dần đến biên giới mà ngay những người da màu đang hiện diện trên đất Mỹ cũng là nạn nhân của chủ nghĩa dân túy độc hại này. Họ đang bị phân biệt, khinh miệt, mạng sống rẻ rúng một cách kỳ lạ. Sự điên rồ đang thống trị thật không sai chút nào. Người dân Mỹ gồm cả da trắng lẫn da màu, đang phẫn nộ đổ ra đường phố khắp nước Mỹ để, chống lại bạo lực cảnh sát, chống lại những hành động kỳ thị phân biệt chủng tộc. Người da đen, da màu xuống đường để đòi công lý cho chính mình. Người Mỹ da đen có quyền giận dữ. Họ tức giận hệ thống điều hành, tức giận giới thượng lưu, tức giận hệ thống chính trị, với những người đang ngồi trong Tòa Bạch Ốc. Họ có mọi quyền để xuống đường và hét lên sự tức giận này. Và họ có mọi quyền để chống lại sự phân biệt đối xử. Tự do và Công lý, không từ trên trời rơi xuống. Người ta phải chiến đấu vì nó.

 

Cố tạo cho mình đẳng cấp cao quý bằng cách thốt lên những lời mang đầy tình nghĩa nhưng mặt khác lại cổ võ hoan hô xây tường biên giới cho thật cao để ngăn chặn người tỵ nạn. Những cái tạo dáng con người có văn hóa diêm dúa ấy như nhổ nước bọt vào hai chữ “Tình Người”.

Không thể nào có một thế giới an lạc như những lời cầu nguyện hướng đến Chúa Phật một khi vẫn còn những đứa bé con chết vì đói lạnh hàng ngày trên thế giới do chủ trương dân túy mà ra. Phải mong rằng, rồi sẽ có lại một nước Mỹ như là một cơ quan quản lý toàn cầu và là cường quốc hàng đầu của phương Tây, đứng lên không chỉ vì lợi ích của chính mình mà còn vì các giá trị của chính phương Tây, thể hiện sự hùng mạnh khi lãnh đạo thế giới bằng những giá trị của mình. Muốn vậy, Mỹ cần các đồng minh, liên minh và các tổ chức quốc tế để, và dùng ngoại giao, đối thoại chứ không phải quân sự để giải quyết những tranh chấp trên thế giới.

 

Qua "Trò Chuyện Với Thiên Thần" người đọc sẽ dễ dàng nhận ra một thế giới quan rộng mở nhân bản, qua những diễn giải về thế giới, về cuộc đời, cuộc sống không bằng huyền thoại hoang tưởng hay những nguyên tắc đạo đức giáo điều mà ngược lại, bằng những kiến thức khoa học, bằng văn hóa, phong tục và đạo đức, bằng truyền thống dân tộc, tôn giáo theo nguyên tắc với những chuẩn mực nhất định nhưng đầy bác ái của tác giả cho thấy anh đứng về phía những người thất thế, yếu kém để đòi hỏi một thế giới phải biết chia sẻ, phải công bằng hơn. Những quan điểm cấp tiến của tác giả xem ra không khác tư tưởng của những nhà trí thức được gọi là "thiên tả" hiện nay tại châu Âu!

Nhưng tôi lại hâm mộ quan điểm của anh.

 

11-2020

https://khoahocnet.com/2020/12/01/phuong-ton-nhung-van-nan-the-gioi-voi-tro-chuyen-voi-thien-than-cua-truong-van-dan/?fbclid=IwAR0sBJ1mebu9jTWiWIEx1jv1blc0Y3thj1yPwrqJndF6wy4YbVCpXkjlZWg

 

Phương Tôn
Số lần đọc: 915
Ngày đăng: 04.12.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi lắng nghe âm thanh vọng đến - Từ Sâm
Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại năm 2020 - Trần Trung Sáng
Thơ Điên Bùi Giáng - Trần Yên Hòa
Trò chuyện với thiên thần và một phút tự do - Huỳnh Ngọc Nga
Vài cảm nhận về 2 bài thơ tình của cậu học trò lớp 12 - Đặng Xuân Xuyến
Cảm nhận khi đọc truyện ngắn “Cô Sướng cưới vợ” - Vũ Thị Hương Mai
Thơ là phúng dụ, phúng dụ là thơ - Đỗ Quyên
Sắc thu làng quê Việt trong thơ Nguyễn Khuyến - Trần Thanh Xem
Phạm Ngọc Thái với bài thơ tượng trưng điển hình - Trần Đức
“Trò chuyện với thiên thần” - Mai Thanh Tân