Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.079
123.138.413
 
Bàn thêm về cái “Kết phim” và cái “Đuôi phim”
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Trong đợt “LHP châu Âu tại VN” cuối tháng 11 vừa diễn ra ở Thủ đô Hà Nội, có một hiện tượng văn hóa hiếm thấy: khi màn chữ phim bắt đầu hiện lên, sau những tiếng vỗ tay, phần đông người xem ngồi lại cho đến dòng chữ cuối.

 

Đó là thói quen văn minh khi xem phim rạp; nhưng đồng thời cũng bởi một lý do rất quan trọng thuộc về nội dung - nghệ thuật phim mà lâu nay ít người xem phim chú ý đến. Và có không ít nhà văn, nhà báo khi viết về điện ảnh đã không phân biệt cho người đọc hiểu rõ về cái Kết phim và cái Đuôi phim, bởi có lẽ chính họ còn lơ mơ về hai khái niệm này.

 

    "Cái đuôi phim", ở trong nghề điện ảnh thường gọi générique - tức là màn chữ phim cuối (Màn chữ đầu phim phim cũng gọi là générique). Thông thường nhất, cái đuôi phim chỉ là một màn hình tối, chữ chạy trên nền nhạc. Nhưng cũng có khi, những người làm phim quay lại cảnh làm phim rồi cho xuống cái "đuôi phim". Điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... hay làm chuyện này. Thậm chí, nhiều hãng phim lớn của Mỹ sau khi (hoặc trong khi) phát hành bộ phim vừa sản xuất còn làm phim tài liệu riêng kể về chuyện hậu trường làm phim ra sao để thu hút sự tò mò của khán giả (để kinh doanh), và rút ra những bài học trong trường quay cho các thành phần làm phim. Và chúng hay được trích ra để cho vào phần đuôi phim có chữ chạy. Còn trong cái "đuôi phim" ở ta, sau chữ của thành phần đoàn làm phim thì dằng dặc lời cảm ơn, kèm theo nỗi khổ tâm không thể nói ra của người làm phim từng phải cầy cục nhờ vả, xin mượn quá nhiều; có đạo diễn lại cố tình cho ẩn hiện cảnh bận rộn của trường quay, với ray, cần trục, đèn đóm... ( Xin nói thêm là trường quay của ta đâu có thể gọi là trường quay đàng hoàng, theo đúng nghĩa, mà chỉ là chụp giật, ăn đong !!!)

 

    Còn cái Kết phim là một bộ phận cấu thành của cấu trúc truyện phim, mà theo sự tổng kết của các nhà kịch học và các nhà lý luận biên kịch về cấu trúc Ba hồi, ở cái kết thì cao trào xung đột được đẩy tới đỉnh điểm rồi rơi xuống, mọi cái nút được thắt ở hồi Một được gỡ ra nhanh chóng. Sau đó, mọi hình ảnh & lời thoại đều thừa, và chữ phim xuất hiện càng sớm càng tốt, còn chữ phim chỉ dành cho nhà nghiên cứu hoặc người tò mò!

   

    Nhưng cũng nhiều khi, cái Đuôi phim được nhà làm phim gắn với kết cấu của phim khá chặt chẽ, nó là phần không thể thiếu được của cái Kết phim. Như trong bộ phim đoạt giải Oscar phim xuất sắc nhất "12 Years a Slave" (12 năm nô lệ) của đạo diễn Steve McQueen, chuyển thể theo một cuốn hồi ký, sau khi nhân vật chính Solomon Northup, một người da đen tự do bị bắt cóc và bán làm nô lệ được giải thoát, thì những dòng chữ thuyết minh trên nền đen kể về xuất xứ của câu chuyện, cũng như đoạn đời tiếp theo của nhân vật lại rất quan trọng đối với người xem: đây là một câu chuyện có thực về tình trạng mua bán nô lệ ở Nam Mỹ, và chính nó đã gợi cảm hứng sâu sắc cho những người làm phim!

 

Chúng tôi cần dừng lâu hơn ở bộ phim đen trắng Áo chiếu từ mấy chục năm trước tại Hà Nội (ở rạp Tháng Tám và một vài rạp một thời còn có màn lụa trắng mỏng và màn nhung đỏ ngay trước màn hình chiếu phim) - đó là phim "Bản giao hưởng dang dở" (nguyên tác: La symphony inachevée) kể về cuộc đời nhạc sĩ thiên tài Áo Franz Schubert.

 

Sau khi cô người yêu buộc phải ngậm ngùi chia tay với Schubert vì gia đình phản đối quyết liệt, cô nói trong nước mắt: "Đừng buồn anh ạ, bởi một người như anh có cái mà những người khác không có, đó là sự bất tử..." Lời động viên đó hẳn không thể làm vợi nỗi buồn của chàng nhạc sĩ nghèo, anh ngơ ngác đi lang thang trên con đường đất chìm ngập trong biển lúa mỳ. Ngay sau đó, chồng hình chuyển cảnh sang người nhạc sĩ bước từng bước lên bậc thang Nhà thờ, và "Bản giao hưởng dang dở" nổi tiếng bắt đầu dâng lên, cùng với những dòng chữ phim cuối xuất hiện cho đến khi hết bản nhạc. Điều đáng buồn đáng trách nhất lúc này là: những người phụ trách rạp đã kéo màn phụ trắng trên màn ảnh khi chữ phim bắt đầu hiện, và người xem lục tục đứng dậy ồn ã ra về! Thực ra, đây là chỗ hay nhất, sâu lắng nhất của phim, khiến người xem sẽ phải lặng đi trong bao cảm xúc buồn thanh cao từ tận đáy tâm hồn người nghệ sĩ vĩ đại, và gợi ra bao liên tưởng phong phú về cuộc đời... Dường như người làm phim đã cố tình "trừng phạt" những khán giả nông nổi, hời hợt, kém cỏi về thị hiếu, thậm chí bất lịch sự nữa!

 

    Hầu hết những bộ phim có giá trị của điện ảnh thế giới đều có một cái kết giàu sức gợi mở, trong đó, cái mà chúng tôi tạm gọi thông tục là "đuôi phim" nhiều khi cũng gắn rất chặt chẽ với cái kết của kịch tính và với kết cấu của toàn bộ cuốn phim. "Bản giao hưởng dang dở" nói trên là một minh chứng hùng hồn!

 

    Nhưng phim thương mại (ở nước ta và ở nước ngoài) - số này áp đảo hơn cả, thì chỉ quan tâm đến cái kết "có hậu", "cả làng vui vẻ", kẻ xấu bị trừng trị còn người tốt hưởng hạnh phúc! Dĩ nhiên là loại phim này không cần đầu tư vào cái "đuôi phim" làm gì nữa, và nhà sản xuất cũng biết rõ là, với cái kết khiến người xem khóc cười hể hả sau khi thắt tim lại vì lo sợ cho nhân vật chính thì họ đã đạt tiêu chí thương mại! Còn phim điện ảnh hay phim truyền hình của ta, thì biết rõ khán giả mình cứ có chữ phim xuất hiện là hết chuyện, nên cũng chẳng dại gì làm theo kiểu phim "Bản giao hưởng dang dở"... Có lẽ chính vì thế mà phim nghệ thuật đích thực của ta vẫn còn là một mơ ước xa vời !

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1914
Ngày đăng: 09.12.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhận định về thơ Bùi Hoàng Linh - Hoàng Thị Bích Hà
Cảm nhận ngắn về bài thơ “NÓI VỚI MẸ - MÙA XUÂN” - Đặng Xuân Xuyến
Đọc “ Lỡ chuyến đò chiều” của tác giả Hồ Bê - Hoàng Thị Bích Hà
Thi Sỹ Huy Tưởng Phương Huyền Mộng - Tâm Nhiên
Những vấn nạn thế giới với “Trò Chuyện Với Thiên Thần” của Trương Văn Dân - Phương Tôn
Tôi lắng nghe âm thanh vọng đến - Từ Sâm
Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại năm 2020 - Trần Trung Sáng
Thơ Điên Bùi Giáng - Trần Yên Hòa
Trò chuyện với thiên thần và một phút tự do - Huỳnh Ngọc Nga
Vài cảm nhận về 2 bài thơ tình của cậu học trò lớp 12 - Đặng Xuân Xuyến
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)