Bạc Đầu Râu nói:
-Con giỏi lắm Vương Đình Huệ, bây giờ con đi nghỉ cho hết ngày hôm nay, mai con chấp hành hình phạt như luật tục của trường đã định!
Vương Đình Huệ nhìn thầy hiệu trưởng, hôm nay trên tay ông có một cái vòng bằng đá mã nảo mà Huệ chưa thấy bao giờ. Vương Đình Huệ định hỏi thầy hiệu trưởng nhưng sực nhớ đến sự thỏa thuận của anh và thầy trước khi đi lấy trầm kỳ, Huệ đáp:
-Thưa Bạc, con sẽ thực hiện hình phạt của thầy, bây giờ con xin hỏi thầy một chuyện được không?
Ông thầy hiền hậu nhìn đứa học trò cưng bằng một cái nhìn trìu mến:
-Con nói đi, đó là chuyện gì?
-Thưa thầy, đó là chuyện trầm kỳ của ba người phục vụ. Con thiết nghĩ Bạc chỉ cần một lượng vừa đủ để chế giải dược giúp cô Nghỉ trở lại vóc dáng bình thường, còn là là của ba người Lạch có đúng không ạ?
Bạc Đầu Râu cười đáp:
-Con nói đúng, tuy ta cũng cần kỳ nam trong một số trường hợp nhưng đây là của bọn chúng, ta không thể sở hữu hay chiếm đoạt được dù khả năng ta có thể làm được điều đó! Nhưng ý của con không phải là chuyện này, đúng không?
Vương Đình Huệ gật đầu:
-Thưa Bạc, đúng là như vậy. Số là anh Trương Đại Quá muốn xin ba người Lạch một đoạn kỳ nam, anh có nói chuyện với ông K’Rè nhưng ông ấy một mực bảo rằng Trương Đại Quá là già làng của bọn họ nên toàn quyền quyết định. Anh Trương có hỏi ý con nhưng con thấy khó nghĩ nên xin ý kiến Bạc phải như thế nào?
Bạc Đầu Râu trầm ngâm một chút rồi nói:
-Số trầm kỳ này là của tổ tiên ba người Lạch để lại cho con cháu nên dù có là già làng đi chăng nữa cũng không thể một mình quyết định. Việc này theo phong tục người Cil, Lạch hay Sre đều phải lấy ý kiến của lũ làng! Hiện giờ bon Cây ngo đỏ chỉ có ba người ở học viện này nên con phải hỏi ý kiến cả ba mới không vi phạm luật tục. Vả chăng, ta nghĩ với khúc kỳ nam chỉ bằng nắm tay, ba người Lạch chắc sẽ đồng ý cho Trương Đại Quá thôi!
Ngừng một chút Bạc Đầu Râu nói tiếp:
-Vì sao mà Trương Đại Quá lại muốn có đoạn kỳ nam ấy, con có biết không?
Việc này Vương Đình Huệ đã hỏi qua Trương Đại Quá trên đường trở về học viện, Trương Đại Quá ngần ngừ một lúc rồi mới trả lời:
-Không hiểu vì sao ta không nỡ rời xa đoạn kỳ nam có khắc hình cô gái ấy dù chỉ là một lúc thôi. Em thấy đấy, hiện đoạn kỳ nam này nằm trong gùi của ta, ta sẳn sàng làm tất cả để không ai chiếm đoạt được đoạn kỳ nam này!
Gương mặt Trương Đại Quá lộ vẻ kiên định, lúc này nếu mà có kẻ rắp tâm chiếm đoạt đoạn kỳ nam có lẽ Trương Đại Quá sẽ bảo vệ bằng bất cứ giá nào! Vương Đình Huệ nhìn Trương Đại Quá, lần đầu tiên anh thấy Trương lộ vẻ quyết tâm như thế, đó là sự thể hiện của một quá trình suy nghĩ thấu đáo chứ không phải là trong một lúc bồng bột. Điều này khiến Vương Đình Huệ ngạc nhiên, anh không hiểu Trương Đại Quá suy nghĩ chuyện này trong bao lâu bởi sự kiện khúc kỳ nam chỉ mới xuất hiện mấy ngày nay, bắt đầu từ gốc cây cổ thụ khi ông Dê A Vê phát hiện ra chỗ cất kỳ nam.
Đêm ấy Trương Đại Quá ôm cái gùi mà anh chịu trách nhiệm vận chuyển về học viện Langbiang nằm ngủ. Có lẽ trong thâm tâm anh không muốn xa đoạn kỳ nam có khắc hình cô gái như lời anh nói với Vương Đình Huệ. Anh cũng căn dặn ba người Lạch cũng phải làm như mình trong khi ngủ để tránh bất trắc xảy ra trong đêm cuối cùng trước khi bọn họ về đến học viện. Vậy mà vẫn có chuyện xảy ra.
Ban đêm trong rừng bao giờ lửa cũng là một điều quan trọng và tất yếu. Đoàn của học viện Langbiang không là ngoại lệ, mặt trời vừa xuống núi Vương Đình Huệ đã ra lệnh cho những người phục vụ nổi lửa lên. Lửa mang đến hơi ấm, thức ăn nóng và nhất là sự tự tin của con người. Có lửa vào ban đêm ta có thể soi thấu vạn vật để dễ bề ứng phó với bất cứ sự kiện nào xảy ra, vì vậy ngoài đống lửa trại bao giờ người ta cũng làm thêm một số bó đuốc để sẳn sàng sử dụng khi cần. Đuốc có thể di động được, còn đống lửa trại thì không!
Bữa cơm chiều của họ gồm cơm nóng được ông K’Rè nấu trong một cái nồi đồng, cá suối do K’Quang câu ở con suối chạy qua thảo nguyên cỏ hồng nấu với rau dớn mọc nhiều ven bờ suối. Loại rau dớn này rất đặc biệt, khi ta nấu với cá suối hay thịt thú ta sẽ có được một nồi canh ngon lành, tất nhiên muốn vậy người đầu bếp phải biết thêm vào một vài loại gia vị, trong đó muối là không thể thiếu và đặc biệt là một ít tấm, nhờ thế nồi canh bao giờ cũng được người ăn “chiếu cố” tận tình! Còn nếu loài rau ấy mọc chỗ khác không thể ăn được bởi vì rất độc. Ông K’Rè là một người nấu ăn ngon nên bữa ăn của 5 người trôi qua trong vui vẻ và ngon miệng, đặc biệt K’Sa còn mời mọi người ăn tráng miệng bằng một nắm dâu rừng mọc nhiều hai bên bờ suối.
Ăn xong Vương Đình Huệ ra lệnh cho mọi người đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày mai lên đường. Anh phân công Trương Đại Quá và K’Sa trực từ tối đến nửa đêm, ông K’Rè và K’Quang trực nửa đêm đến sáng, còn Vương Đình Huệ trực “chỉ huy”, nghĩa là trong bất cứ thời khắc nào anh cũng đều có quyền kiểm tra người đang trực. Tất nhiên quyền lợi của Vương Đình Huệ là được quyết định giờ ngủ, nhưng điều đó không thể nào bù được trách nhiệm mà anh gánh chịu!
Đêm trong rừng bao giờ cũng mang vẻ thần bí một cách khó hiểu, đó là đối với người thường nhưng với đoàn của học viện Langbiang toàn những người lấy hoang dã làm nhà nên họ hiểu được phần lớn của cuộc sống trong bóng đêm. Chưa tới nửa đêm mà gà rừng đã gáy là điều bất thường, lúc ấy Trương Đại Quá và Vương Đình Huệ đều chưa ngủ. Trương Đại Quá vùng dậy, anh đi kiểm tra chung quanh xem có gì lạ xảy ra không, trước khi đi anh đánh thức ba người Lạch và ra dấu rằng nếu có biến cố gì cũng không được rời khỏi số trầm kỳ mà họ đang giữ. Trong rừng đêm không có gì lạ ngoài tiếng gà gáy không đúng thời điểm, Trương Đại Quá trở về chỗ cắm trại, anh biết không thể ngủ bởi nguy cơ ông Dê A Vê quanh quẩn chỗ bọn anh cắm trại đêm là rất cao. Quả nhiên khi gần sáng, mắt Trương Đại Quá díp lại anh không thể cưỡng được cơn buồn ngủ, anh chìm sâu vào giấc nồng. Đang ngon giấc tâm anh chợt động. Lập tức Trương Đại Quá mở mắt ra, một bóng đen đang thò tay vào cái gùi anh để bên cạnh, bóng đen cố lấy cái gùi chứa đầy kỳ nam bên trong. Trước khi nằm, Trương Đại Quá đã ràng miệng gùi cẩn thận bằng dây rừng, anh xỏ một tay vào quai gùi. Bóng đen đang cố gắng gỡ quai gùi khỏi người anh bằng những cử động hết sức nhẹ nhàng nhưng khi đến bàn tay Trương thì bị chặn lại. Ngay lúc bóng đen lấy con dao định cắt quai gùi thì Trương Đại Quá thức giấc. Trong khoảnh khắc anh hiểu tất cả, bằng khả năng cảm thụ của mình, Trương Đại Quá phóng ra một cú đá. Đó là chiêu thứ nhất trong liên hoàn bát cước của Ngọc Trản thần công. Chiêu này anh xử lúc đang nằm nên hiệu quả không như mong muốn nhưng dù sao mục tiêu anh là thân mình bóng đen chỉ chệch qua một gang tay, cú đá trúng ngay vào tay tên trộm! Hắn khẽ rên “hự” một tiếng, người lảo đảo nhưng ngay lập tức hắn lấy lại được thăng bằng và phóng mình vào bóng đêm biến mất!
Vương Đình Huệ không hổ là người chỉ huy, anh chứng kiến toàn bộ diễn biến khi bóng đen định trộm chỗ kỳ nam do Trương Đại Quá chịu trách nhiệm bảo quản. Cũng như Trương Đại Quá, anh chợp mắt hồi nào không biết, anh chỉ chợt thức đúng lúc Trương Đại Quá tung ra cú đá vào bóng đen. Vương Đình Huệ khen:
-Thằng ăn trộm trúng cú đá của anh chắc là đã bị thương, lần đầu tôi chứng kiến võ công của anh, cũng khá lợi hại!
Trương Đại Quá trả lời:
-Võ công của gia phái chỉ để bảo vệ mình và tấn công kẻ địch khi kẻ địch có ý đồ bất chính, ta được cha mình dạy rằng không được ỷ vào võ công để ức hiếp người. Cú đá vừa rồi chỉ là phản ứng tức thời khi kẻ trộm định trộm số kỳ nam do ta bảo quản, ta cũng không muốn hắn bị trọng thương và chỉ muốn rằng qua chuyện này giúp hắn tỉnh ngộ, đừng lấy những gì không thuộc của mình! Em biết không, người Lạch rất ghét chuyện ăn cắp, ở các bon làng của đồng bào không bao giờ có chuyện này xảy ra, đây là thuần phong mỹ tục của người Lạch!
Ngừng một chút Trương Đại Quá nói tiếp:
-Thật lạ, ta thức từ đầu đêm tới giờ nên không cưỡng lại được cơn buồn ngủ nên ta chỉ chợp mắt trong một sát na. Khi kẻ trộm định cắt cái quai gùi, bỗng một tiếng nói vang lên trong tâm ta “mau dậy!”. Ta thức giấc đúng lúc đó và lập tức tung ra một cú đá như em thấy đó….
Trương Đại Quá định nói tiếp nhưng Vương Đình Huệ ngắt lời:
-Đó là cú thứ nhất trong tám cú đá tiếp theo nhau chứ gì!
Trương Đại Quá ngạc nhiên quá đổi, anh định hỏi nhưng sực nhớ đến chuyện thằng lùn này dùng thuật ẩn thân khi anh định tung liên hoàn bát cước trong hầm giam của học viện Langbiang nên gật đầu cười:
-Em nó đúng, đó là liên hoàn bát cước!
Vương Đình Huệ nhìn Trương Đại Quá một lúc, bất ngờ anh hỏi:
-Tôi hỏi thật vì sao anh lại có cảm giác không nỡ rời xa đoạn kỳ nam có khắc hình cô gái? Tôi nghĩ không chỉ đơn thuần chỉ là cảm xúc, phải vậy không?
Trương Đại Quá trầm ngâm một hồi, anh nhìn vào đống lửa trại lúc này được K’Quang khơi, ngọn lửa bập bùng cháy soi rõ gương mặt đăm chiêu của Trương Đại Quá, hình như trong lúc này, trước câu hỏi bất ngờ của Vương Đình Huệ đã khơi dậy trong anh một nỗi niềm thương cảm. Anh trả lời:
-Thật lòng ta cũng không biết nói sao cho em hiểu bởi những điều khó hiểu cứ diễn ra với ta mấy ngày nay. Em đã hỏi chuyện này, ta cũng không muốn giấu em làm gì, giờ đây ta là một thành viên trong học viện Langbiang, dù chỉ là tôi tớ! Nhưng biết đâu sau này vị trí của ta sẽ thay đổi nhưng ta không cầu xin em hay những vị thầy của em đâu nhé!
Nói xong những lời tâm sự từ đáy lòng, Trương Đại Quá đem chuyện hóa thân thành Ka Sô Liêng trong những giấc mơ rất thực kể với Vương Đình Huệ, anh nói thêm:
-Ta nghĩ giữa ta và khúc kỳ nam có uyên nguyên sâu sa từ câu chuyện của Inrasara, con gái của Mẫu mẹ yêu một chàng trai trần tục là Ka Sô Liêng…bỗng dưng trong sâu thẳm trong tâm nhiều lúc ta nẫy sinh cảm giác gần gũi với đoạn kỳ nam có khắc hình cô gái, ta ôm trong lòng có cảm giác như ta ôm một người con gái bằng da bằng thịt, thật là điều khó hiểu!
“Thì ra là vậy” Vương Đình Huệ nghĩ, bất giác anh nhớ tới giấc mơ của mình, thì ra mình mơ một giấc mơ liên quan đến giấc mơ của Trương Đại Quá, đó là một điều khó hiểu. Nghĩ như vậy nên Vương Đình Huệ cười, nụ cười hiếm hoi của một học viên học viện Langbiang, những phần tử được cho là ưu tú nhất mà anh đang chỉ huy đám phục vụ này:
-Phải chăng anh từng chờ người con gái ấy ở thảo nguyên cỏ hồng và cỏ hồng chính là cỏ tương tư?
Trương Đại Quá tròn mắt ngạc nhiên nhìn Vương Đình Huệ:
-Quả đúng như vậy, đêm qua ta mơ thấy chờ nàng ở thảo nguyên cỏ hồng, nàng lén xuống trần tìm ta…Mẫu mẹ phát hiện và bắt nàng về giam trong cấm cung… vì sao em biết, phải chăng em dùng thuật tri tâm?
Trương Đại Quá nghi ngờ nhìn Vương Đình Huệ, Huệ đáp:
-Lần này thì anh đoán sai rồi, đêm qua tôi cũng mơ nhưng với tư cách là người chứng kiến câu chuyện của anh….
Nói xong Vương Đình Huệ kể tỉ mỉ giấc mơ của mình cho Trương Đại Quá nghe, cả hai đàm luận nhưng không tìm ra được cách giải thích hợp lý….
Bây giờ nghe Bạc Đầu Râu hỏi chuyện này, Vương Đình Huệ kể lại cho Bạc nghe toàn bộ câu chuyện liên quan đến người phục vụ Trương Đại Quá. Gật gù như để kiểm chứng, một lúc sau Bạc Đầu Râu nói:
-Giấc mơ của Trương Đại Quá đến từ tiềm thức của nó, đó chỉ là sự tái hiện của những chuyện xảy ra với nó từ tiền kiếp. Còn con, ta chưa tìm được cách giải thích hợp lý nhưng có một điều chắc chắn rằng con có liên quan đến câu chuyện của hai người bọn chúng!
Vương Đình Huệ nghe giải đáp của Bạc Đầu Râu, lời của ông thầy hiệu trưởng đã giải tỏa những thắc mắc trong lòng anh. Anh định về chỗ ngủ của mình, anh sẽ ngủ một giấc no đầy rồi chuẩn bị mọi thứ cho việc thực hiện chuyện tự chịu hình phạt như đã khẳng định với Bạc Đầu Râu! Đang dợm bước bỗng Vương Đình Huệ dừng lại, anh nhìn vào tay của Bạc Đầu Râu nói:
-Thầy à…con hỏi điều này thầy đừng giận, con thấy hôm nay thầy đeo cái vòng mã nảo trên tay lạ lắm, thầy cho con hỏi có phải cái vòng này là một loại phương thuật không?
Bạc Đầu Râu âu yếm nhìn người học trò cưng:
-Không phải đâu, sau này khi có điều kiện ta sẽ cho con biết có khi lại liên quan đến con cũng nên!
CHƯƠNG 34
TỘI ÁC