Hơn sáu năm về trước chị lấy anh. Cũng vào một ngày lạnh lẽo khi mùa đông đương tới và tháng cuối năm cần một bàn tay ấm để lồng vào một bàn tay. Khi ấy thứ giữ lửa ấm nồng trong trái tim chị là chiếc nhẫn cầu hôn mà anh đã trao trong đêm đông buốt lanh, đôi tai ửng đỏ chẳng biết vì ngượng hay vì lạnh của anh làm chị cảm thấy thật có lòng. Thế nhưng giờ, cũng là chiếc nhẫn ấy nay sao bỗng dung như chiếc gông cùm trói ngược lấy tay chị khiến chị cảm thấy nặng nề mỗi khi đeo và để giờ đây chị như được giải thoát khi nó được ngay ngắn trên tờ đơn ly hôn chị để lại trên bàn trước khi rời xa anh.
Sáu năm về trước chị lấy chồng. Chồng chị là một giáo viên dạy tin học ở một ngôi trường nhỏ. Hai người quen nhau chỉ vỏn vẹn vài tháng nhưng vì thời gian không buông tha cho người con gái lỡ thì nên chỉ sau vài tháng tìm hiểu, biết đối phương có lòng chị đã nguyện ý theo anh. Anh khi theo đuổi chị là một người đàn ông vô cùng yêu thương chị, lúc mới yêu hai người vì công việc xa nhau hàng cây số, dù chỉ mỗi cuối tuần cả hai sắp xếp gặp nhau vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ anh cũng chấp nhận đi một quãng đường xa chỉ để gặp được chị. Nếu chị là một người cá tính và quyết đoán thì anh lại có phần nhu nhược hơn, thường không phản đối và thuận theo ý chị. Nếu chị là một người luôn cầu tiến và muốn vượt lên số phận thì anh lại chọn cho mình một lối sống an phận, an nhàn với thực tại. Ngày đó, chị không cho rằng đó là khoảng cách, hoặc khi người ta yêu nhau thì lửa yêu đốt cháy hết mọi trở ngăn.
Khác biệt tính cách trở thành hố sâu qua lớn, nhưng chị luôn tự đặt cho mình một giới hạn không thể vượt qua đó là rời xa anh. Vì anh là sự lựa chọn của chị, và khi chị đã lấy anh chị chấp nhận hi sinh quãng đời còn lại của mình. Nhưng chị không biết được rằng những mâu thuẫn nhỏ tưởng chừng có thể bỏ qua lại trở thành những vết dao cứa vào tim chị và để lại những vết thương sâu hoắm để rồi mỗi khi đông về, nó che mờ kí ức hạnh phúc xưa mà trở nên nhức nhối.
Anh luôn nói muốn trở thành chỗ dựa cho chị nhưng trong khi suốt hơn sáu năm anh vẫn chỉ dậm chân tại chỗ với công việc của mình thì chị dần thăng tiến trở thành tổ trưởng tổ sản xuât. Ban đầu chị cho rằng đặc thù công việc của cả hai khác nhau nên không thể so sánh được cho tới khi gia đình cần một khoản tiền lớn để xoay xở vì một biến cố. Trong khi chị dốc hết tiền để dành thì anh mới chỉ dấm dúi được cho chị một ít, chị mới chợt nhận ra, thời gian qua không hẳn là anh tiêu xài hoang phí nhưng anh là người không có kế hoạch nên những đồng tiền anh làm ra không này thì cũng kia tiêu xài vào những điều mà anh thậm chí không hề nhớ. Quãng thời gian sau đó một mình chị gồng mình đi làm trả nợ những khoản vay, thậm chí chị giấu anh nhận làm thêm hai ba công việc đến tối mịt mới về thì khi về đã thấy anh đóng cửa ngủ tự lúc nào, thậm chí sáng hôm sau anh còn vô tư kể với chị:
-
Anh vừa xin cắt bớt một ít tiết dạy, chứ dạy nhiều thấy nhọc người quá.
Nghe những câu đó chị thấy rất thất vọng, anh dường như không biết cố gắng, không
Biết hi sinh, trong khi chị còn thậm chí không có thời gian để nghỉ ngơi, anh lại xin đi làm chỉ vỏn vẹn ba ngày trong tuần để dành nhiều thời gian ở nhà cho việc ngủ. Khi chị bàn với anh về việc muốn mở một sạp hàng nhỏ để buôn bán, có chút vốn làm ăn, nhất là khi tuổi tác hai người ngày càng lớn không thể làm công việc tay chân mãi được thì anh gạt phắt ngay vì cho rằng việc đó tốn thời gian của anh. Phải cho đến khi chị khuyên mãi anh mới bực tức tối nào cũng ra khỏi nhà với danh nghĩa “khảo sát thị trường” mở quán nhưng kì thực là anh đến quán café quen thuộc mỗi tối ngồi hút thuốc, tán gẫu với lũ bạn. Vi chị vốn thông minh và có chút kiến thức kinh doanh nên dê dàng nhận ra lời nói dối của anh nhưng lại làm anh tự ái, cho rằng “đàn bà không hiểu chuyện”, nhân cơ hội đó gạt phắt luôn ý kiến của chị.
Anh không cầu tiến, chị đã cho rằng có khi do công việc của anh vốn an nhàn, nó dễ thành nếp sống. Nhưng anh thậm chí là một người coi trọng bản thân hơn cả gia đình. Anh có một vết thẹo nhỏ trên chân, di chứng việc té xe từ hồi còn nhỏ, mảnh thẹo bé con con nhưng anh lại luôn lấy nó làm lí do cho mỗi lần mắng chị, mỗi lần anh không muốn giúp chị hoặc khi chị khuyên anh nên nhận thêm việc gì đó làm vì kinh tế gia đình đương khó khăn. Câu cửa miệng của anh lúc nào cũng là :” Cũng chưa đến mức chết đói sao cứ phải vật vã lên”.
Mùa đông năm ấy chị giấu anh đi bán máu vì nhà chỉ còn vài hạt gạo cuối cùng. Về tới nhà đã thấy anh sốt cao, hỏi ra mới biết hôm qua sau khi đi uống bia với đám bạn về anh tắm đêm nên giờ lên sốt. Đứng trước giường bệnh của anh chị chợt nhận ra dường như anh không còn xứng đáng để cho chị hi sinh nữa. Hơn sáu năm qua, vêt sẹo nhỏ trên chân anh sao bằng vết sẹo dài nơi bụng mà chị đã mổ sinh những đứa con của anh? Công việc được anh rút bớt đi có bao giờ anh nghĩ đã được bù lại vì chị nhận thêm hai ba công việc? Anh là trụ cột trong nhà nhưng chưa bao giờ chị có thời gian ngơi nghỉ trong khi anh lê la quán xá để giờ đổ bệnh. Nhưng việc quan trọng nhất chị nhận ra đó là khi một người đàn ông chỉ cố gắng sống thoải mái cho bản thân mình thì mãi mãi không thể nào là người đàn ông của gia đình được.
Cầm lá đơn ly hôn của chị anh nhất quyết không kí, chị chỉ mỉm cười buông lại một câu:
-
Đàn ông tốt biến phụ nữ thành đứa trẻ, đàn ông tồi biến phụ nữ thành đàn ông.
Anh hơi sững người nhưng trong mắt anh có gì đó như ngộ ra, kể cả lúc ra đi chị vẫn
Mang trong mình một trái tim vững chãi. Vì chị luôn là người quyết định, vì anh luôn ỷ lại vào chị mà không bao giờ biết được rằng chị là một người phụ nữ, chị cũng cần được chở che.