Đinh Xăng Hiền (1940 -1989)
Đã trên 30 năm từ ngày anh rời cõi tạm (1989 - 2020) mà mỗi lần đọc thơ anh, tôi lại nghe như bên tai có tiếng xào xạc của lá rừng vọng về từ quê anh - vùng cao Sơn Hà, Quảng Ngãi hòa cũng tiếng suối chảy, tiếng cồng chiêng vang dội một góc rừng. Hiển hiện trong tôi dáng một người đàn ông H’re nhỏ bé đang cùng con cọp rình chung một mục-tiêu-mồi là cô sơn nữ đang khỏa thân giữa dòng suối mát. Đó là cái sự “rình” trong Cơn Khát mồi giữa một Con Người bên này bờ và một Con Thú bên kia bờ suối vắng:
Tôi và cọp cùng rình ngắm
Hai tên
Đứng nấp hai bên bờ suối.
Người thì rình-mồi-tình trong Cơn Khát tình yêu còn thú lại rình-mồi-ăn trong Cơn Khát thịt: Tôi rình ngắm/ Vì bộ ngực nõn chuối/ Đôi vú như hai trái thị chín/ Còn con cọp rình ngắm/ Hương vị mồi thịt lạ/ Từ tấm thân ngọc ngà (Cọp và tôi). Cả “hai tên” rình mồi đều chứa đựng trong mình Dục Vọng khác nhau. Ai sẽ thắng ai? Theo quy luật phổ biến của tư duy, cái kết có hậu, nhất định Người sẽ thắng Thú. Nhưng không! Dục vọng nào cũng là Dục vọng. Và Dục Vọng luôn luôn thất bại trước Cái Đẹp cho dù đó là Dục Vọng của Thú hay Người. Kết quả là, cả “hai tên” rình mồi đều phải chết trước sức mạnh vĩnh hằng của Cái Đẹp do tạo hóa ban tặng: Cả hai tên/ Tôi và cọp/ Đều chết cơn khát thèm/ Tim đập quá căng/ Đứt đường mạch máu/ Đứt máu của loài ốc sên/ Em!/ Cô gái trần/ Trời tặng em sắc đẹp/ Giết chết tôi và loài cọp (Cọp và tôi). Nghĩa là, với Đinh Xăng Hiền, Cái Đẹp mới chính là Cơn Khát Vĩnh Cửu của thi ca - là “nước cất của con người”:
Vì tôi và cọp cùng loài vật
Còn em nước cất của con người (Cọp và tôi).
Và anh đang rình để chộp cho thơ mình Cái Đẹp vĩnh cửu ấy. Một bài thơ, một giọng thơ lạ không thể trộn lẫn vào ai, và, chỉ có thể là… Đinh Xăng Hiền.
“Hạt tình” thơ của anh - một “đứa con sinh trong bếp H’re ám khói” được ủ ấp và nẩy mầm từ đời sống cơ cực của mẹ cha trong những ngày đói khát: Đắng lòng thương mẹ/ Đau nằm quanh bếp lửa/ Thương cha/ Bụng lép nằm ôm cột nhà/ Ăn củ bơm bay/ Chấm lá đắng (Hạt tình). Đó là một giọng thơ H’re độc đáo, thơ anh như chính cuộc đời anh. Ngôn ngữ thơ giản đơn như lời ăn tiếng nói của chính người H’re thường nói với nhau:
Chỉ nghe gió nói bắp bồng con
Lúa chín vàng bậc thang
Lúa chín tận cửa nhà sàn mới mọc (Tiếng sáo trên lũng cỏ).
Vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng quê hương, của những sơn nữ cũng được anh khắc họa rất tự nhiên. Tự nhiên đến mức nếu không phải Đinh Xăng Hiền cũng khó có nhà thơ nào đạt được đến cái tự nhiên như thế:
Rừng núi im đạn bom
Con chim ra ăn nhụy hoa.
Miệng đỏ như hoa hơlê mùa thu
Váy gấm xòe rực rỡ…
… Chim múa hát dựng lại rừng xanh
Mênh mông lúa vàng trên nương
(Hai con chim).
Nhưng là nhà thơ, anh vẫn luôn thường trực ý thức rằng, ngôn ngữ riêng phải cần được hòa vào dòng chung để phù hợp cùng nội dung phản ánh. Đến thăm một nông trường quế, giọng thơ anh liền tươi tắn cùng “một mầm non” đang “nở”, vui cũng những thửa “ruộng mới vỡ”, nhưng rõ ràng cái “góc trời sương ướp”, “rộng thêm đường nắng chạy” thì chỉ có thể là ngôn ngữ Đinh Xăng Hiền:
Mỗi lưng đèo nở một mầm non
Nông trường quế một góc trời sương ướp
Ruộng mới vỡ rộng thêm đường nắng chạy
(Hương quế).
Về “Thành phố cửa sông” trong những ngày tháng gian nan, phố chưa ra phố, lúc đó chỉ mới là thị xã Quảng Ngãi, còn nghèo nàn đơn sơ, “bụi bặm rách nát”, anh vẫn nghe giữa lòng đậm vị phù sa của dòng sông Trà vô tư dâng hiến:
Dòng sông
Cõng cả bóng mình phố nhỏ
Mình đầy bụi bặm rách nát
Đậm hương vị phù sa cay ngọt
(Thành phố cửa sông).
Sau hòa bình cho đến lúc lìa đời, anh làm việc mười mấy năm trường tại thành phố biển Quy Nhơn (Trung tâm hành chính của tỉnh Nghĩa Bình thời Quảng Ngãi sáp nhập cũng Bình Định), thơ anh lập tức hòa vào cùng biển bao la, cho dù xét theo triết lý Âm Dương thì Núi và Biển là một cặp đối lập:
Tai quen nghe nhạc suối róc rách
Quen nghe tiếng chim hót gọi bạn tình
Mắt quen ngắm mây ngừng đỉnh núi
Lần đầu tiên tôi vào Quy Nhơn
Ơi thành phố đang tắm mình nắng xuân
Như tiếng mẹ hát ru đêm rằm
(Thành phố biển).
và:
Biển như bể chàm
Đầu bịt vòng khăn trắng
(Hát với biển).
Một khái quát về biển khá bất ngờ mà có lẽ chỉ con mắt người thơ của núi rừng mới nhìn ra như thế. Và như thế, thơ anh giản đơn mà không hề đơn giản.
Tình yêu trong thơ anh cũng là một nét đặc trưng khó pha lẫn thông qua lối ví von, liên tưởng khá độc đáo của những chùm ngôn ngữ đẫm chất sử thi Đăm San:
Yêu cho cạn tình
Thương cho chín rụng con tim
(Mắt xanh).
Anh ưng mắt đen của em
Anh đến lũng tìm
Yêu em lúc mặt trời chưa mọc
Tìm em từng tia sáng sao khuya
(Bài hát Đăk Mang).
Cái từ “ưng” ấy chính là cách nói thay cho chữ “yêu” (Ưng nhau = Yêu nhau) quá sáo mòn đậm chất ngôn ngữ miền Trung nói chung và của người H’re nói riêng.
Sự lôi cuốn của tình yêu thể xác cũng được anh mô tả, chắc, gọn nhưng đầy sức gợi cảm, gợi hình thông qua sự mạnh mẽ của hàng loạt động từ:
Lửa liếm ngực trần em
Ngực rên cọ ngực
Anh và em rủ nhau khóc
Hưởng lại sự thật vị đời.
Bốn câu thơ có 21 từ mà có đến 6 động từ (liếm, rên, cọ, rủ, khóc, hưởng) thì quả là một bức tranh tình yêu đầy sinh động, tạo nên một sức hút rất Đinh Xăng Hiền.
Đinh Xăng Hiền sinh năm 1940, tập kết ra Bắc rồi trở vào Nam chiến đấu đến ngày hòa bình. Sống thời bình chưa trọn 15 năm, anh đã vội giã biệt cuộc đời (1989) ngay khi đất nước vừa chuyển mình đổi mới. Chỉ vẻn vẹn gần 50 năm sống và làm thơ, nhưng Đinh Xăng Hiền đã trọn vẹn dấn thân cho cả cách mạng và thơ ca trái tim trong sạch của chính mình. Bình sinh, anh là một người “giản đơn yên lặng”. Nhà thơ Thanh Thảo - người bạn thơ gần gũi của anh thì khẳng định: “Người hiền cầm dao cũng hiền”(1), còn nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn - người bạn vong niên của anh, nhận xét như rìu chém thân cây rằng: “Đinh Xăng Hiền là mẫu người nhứt sinh trung trực”(2). Chính sự trung trực (tất nhiên phải trung thực) ấy mà khi viết về đề tài chiến tranh, cách mạng; bằng cách nói riêng mình, anh vẫn viết rất tự nhiên, không hề lên gân cho dù thơ được viết trong thời chiến hay cả thời bình vào những năm cuối đời. Với tuổi thọ ngắn ngủi của mình, suốt gần 20 năm thời bình, giữa thời bao cấp đói nghèo và khốn khó, anh vẫn không một chút băn khoăn về con đường mình đã chọn:
Bốn mươi
Tim tôi còn trăn trở
Muốn lộn ra ngoài
Mọc cánh giáp lá cà quân thù
Và tập làm thơ
Ngợi ca
Những người cộng sản
(Ánh lửa và đứa con).
Chính vì vậy, nhìn cuộc sống đổi thay (dù đổi thay rất nhỏ trong thời bao cấp ấy) đối với đồng bào miền cao của mình, anh vẫn lẩy ra được những hình ảnh sống động của ngọn cờ cách mạng phấp phới giữa buôn làng:
Giữa sân làng
Tiếng hát ru - điệu múa alác
Chật đàng đẫy lũng
Cờ đỏ sao vàng cùng gió núi
Đuổi bóng tối hết đêm
(Làng nhỏ) .
Lúc sinh thời, anh đã tâm sự: trong đời hoạt động cách mạng của mình, anh chỉ có hai lần khóc. Lần thứ nhất là khi giữa bom đạn Trường Sơn, nghe tin Bác mất:
Tôi khóc lần thứ nhất
Giữa Trường Sơn đạn nổ bom rền
Trái đất như con quay xoáy tròn
Ông mặt trời đau trong cơn sấm chớp.
Bác Hồ mất
Ông mặt trời của người nghèo đã tắt.
Vâng! Bác là “Ông mặt trời”: “Ông mặt trời của Người nghèo đã tắt”. Một so sánh thơ đầy hình tượng và sâu xa về ý nghĩa. Và lần khóc thứ hai chính là ngày anh được trao thẻ Đảng:
Tôi khóc lần thứ hai
Khi tôi cầm thẻ Đảng
Mà ở đó, hình ảnh Bác Hồ cười như ông mặt trời tỏa rạng. Và anh tin rằng: Bác đã ra đi nhưng tư tưởng của Người, của Đảng do Người sáng lập vẫn muôn đời sống mãi:
Run run tôi lật từng trang
Thấy Bác cười trong lồng ngực mặt trời
Ơi ôi! Bác vẫn sống!
Mọi nơi khắp núi non
Lòng tôi dậy cơn lũ
Đau và lo trong tình yêu suy nghĩ
Và anh nguyện nhủ lòng, yêu Bác phải trở thành một người Cộng sản chân chính để xứng đáng với niềm tin của Bác:
Là người Cộng sản
Bác ơi, cháu nguyện
Làm hạt mưa trong mát đất
Làm hạt phù sa đầu nguồn
Làm giọt nắng mùa xuân
(Hai lần khóc).
Trong chiến tranh, anh yêu cuộc sống thanh bình, căm ghét kẻ thù xâm lược bao nhiêu thì trong thời bình, anh chỉ yêu sự thật và ghét nhất là những kẻ giả dối, mà anh gọi là “loài sói mặt người”; những kẻ đan tâm “vùi dập” tình yêu chân chính và cuộc sống trung thực:
Ai cũng thích sống lâu
Ai cũng muốn giàu có
Ai cũng ước được yêu
Tôi cũng giống mọi người
Nhưng nếu tình yêu bị vùi dập
Trộm cắp
Tôi chọn cái chết
Đập bể mặt
Loài sói mặt người
Gọi sự thật trở về
Thế gian con người
(Chọn).
Đây là một sự lựa chọn dữ dội trong thời bình.
Đinh Xăng Hiền! Vậy là anh đã chọn và đã mãn nguyện dừng lại đời mình dù mới chỉ tròn 49 mùa xuân.
*
Anh ra đi chỉ để lại cho đời vẻn vẹn một tập thơ mỏng, có tên “Giản đơn yên lặng”. Nhưng thơ anh mỏng mà không hề mỏng, giản đơn mà không đơn giản, “im lặng mà không im lặng”. Vì đó là cái im lặng của tư thế rình mồi - bình tĩnh, căng thẳng và hồi hộp.
Và vì thế, với tư cách một người-đi-săn-thơ, anh luôn rình và đã chộp được những con-mồi-thơ trong tư thế giản đơn của một người chiến thắng.
Làng Yên Phú, Đợt 2 Covid, tháng 7/2020.
(1) Theo Phạm Đương, “Thơ Đinh Xăng Hiền - Im lặng mà không im lặng”, Báo Bình Định.com.vn, 16/9/2004
(2) Theo Văn Trọng Hùng, “Đinh Xăng Hiền - Nhất sinh trung trực”, Báo Bình Định.com.vn, 27/9/2004