Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.116
123.144.863
 
"Hoa Cỏ Lau" _ Hành Trình Hoa Của Nhà Thơ Trương Vạn Thành
Vũ Tuyết Nhung

 

Trước tôi cứ lẩn thẩn với ý nghĩ thơ của doanh nhân có lẽ là khô khan và tuyên truyền lắm. Cho đến khi được nhà thơ Trương Vạn Thành tặng tập thơ” Hoa Cỏ Lau “thì tôi mới biết mình nhầm. Vì anh không những là một doanh nhân khá thành công nơi thương trường mà còn là một thi sỹ  rất lãng mạn trên thi đàn. Thơ anh đã được nhiều báo và tạp chí trong nước chọn đăng, đặc biệt là báo Văn Nghệ đã giới thiệu nhiều chùm thơ của anh đến bạn đọc. Vốn là người có một trái tim nóng của thi nhân và cái đầu lạnh của doanh nhân nên thơ anh thường hàm súc, đa nghĩa và nhân văn. Mới đọc qua tựa đề tôi nghĩ đây có lẽ là một tập thơ ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước tác giả đã gặp khi đi du lịch. Nhưng thơ anh đâu đơn giản thế:

 

“ Vừa hoa vàng bỡ ngỡ

Đã lạc vào trắng phau

...

Người xưa ở nơi nào

Đã tàn hơi tiếng gọi”

( Hoa Cỏ Lau)

Thông qua hình ảnh thiên nhiên để chiêm nghiệm sự đời và xót xa cho những cuộc chia ly người đi không bao giờ trở lại. Vậy là anh xem hoa chứ không say hoa. Khi đã có được một cuộc sống bao người ngưỡng mộ mà anh vẫn rung cảm trước sự tàn rụng của những bông lau hoang dã giản đơn, lẻ loi chốn ít người lui tới ấy ”Vừa hoa vàng bỡ ngỡ/ Đã lạc vào trắng phau” khiến tôi rất ngạc nhiên và cảm mến. Phải là một người có tâm sáng và hoà đồng, sâu sắc , chan chứa yêu thương mới cảm nhận được tinh tế như vậy. Gặp rồi xa, người và ta đều nằm trong quy luật sinh tồn vong tử của tạo hoá. Cái cảm giác xa xót hoài niệm thương nhớ xen lẫn nuối tiếc ấy thường làm con người ngậm ngùi yếu đuối. Nhưng thi nhân không vậy. Anh nhận ra sự  nhanh tàn để nhắc mình sống chậm lại, tìm về những niềm vui giản dị mà cuộc sống luôn hào phóng ban cho  con người nhưng không phải ai cũng trân trọng.

Đó là được ngồi “ Uống Rượu Trên Đỉnh Thác Suối Tranh” cùng bạn bè, ngắm” Chiếc Lá Vàng Rơi” khi” “ Gió bấc Chiều Đông” về; nghe một” Tiếng Rao Của Người Bán Cháo”; lúc đứng “ Trước Biển Chiều Nay”, “ Trên Đảo Hòn Mê”. Là cảm giác đứng ở “ Hồ Lắc”, xem “ Mai Vàng Nở Muộn”,  đọc một “ Câu Kiều”, “ Khi Đàn Sếu Bay Qua”. ..

Thi nhân vốn là người đa cảm, giàu lòng trắc ẩn nên dù cuộc sống đang êm lặng an vui:

 

“ Bên nhau, kẻ Bắc người Nam

Quây tròn một vòng tâm đắc

...

Lưng trần ta là cánh hoa

Nở giữa đài cao thác trắng

Đất trời thu vào miệng chén”

( Uống Rượu Trên Đỉnh Thác Suối Tranh)

....

“ Bến En

Thuyền ta nhẹ lướt

Như trôi vào giấc mơ...”

(Bến En)

..,

“ Thẩn tha ta dạo gót chiều vàng

Nghe chầm chậm hương đời dịu ngọt

Em mơ màng, sóng ru khúc tình lang”

( Tạm biệt Quy Nhơn)

Anh vẫn chạnh lòng nghĩ đến những số phận kém may mắn hơn mình:

“Chàng ca sỹ mù ôm đàn hát...

Tiếng ca não nuột

Chuyện tình trong nước mắt”

( Chàng Ca Sỹ Mù Chim Hoạ Mi Và Tiếng Chuông Chùa)

...

“ Bán đá mua khoai

Nuôi con

Ngày rộng tháng dài

Miếng cơm manh áo đè nặng…”

( Người Nằm Trên Núi Vân Hoàn)

 

“ Chở nồi cháo nóng trên chiếc xe đạp cà tàng

Liêu xiêu những vòng tròn qua ngõ phố...

Mót từng hạt thóc còn xót lại

Những mùa màng nóng hổi trên tay”

( Tiếng Rao Của Người Bán Cháo)

..,

“ Thương lũ trẻ Cò Cái, Trung Lý

Búp măng non sao lắm thiệt thòi

Trường lớp phong pheo, cơm rau muối

Cách sông, cách núi, cách cả trời”

( Gọi Đò Trong Đêm bến Cò Cài)

Và thương những vùng đất, những con người chịu thiệt thòi thương tổn bởi chiến tranh:

“Chiến trường xưa, điểm cao chết chóc

Đá thành vôi, không cây mọc

Đài tưởng niệm khói hương

Xa xót”

( Cả Tiếng Người Xưa Đương hát)

 

Rồi lại ngậm ngùi chiêm nghiệm:

về thơ và nhân cách người viết:

“ Những mặt nạ y nguyên mặt người

Uốn éo nói cười

Trái tim chính nhân quặn thắt

...

Ai bảo siêu thực không là thực?

Ai bảo mặt nạ không mặt người?”

( Chuyện nhà thơ trẻ)

Về quy luật luân hồi nhân quả âm dương, rồi quằn quại với cả những nỗi đau của thế giới vô hình:

“ Có tiếng người gào trong lòng đất

Địa ngục trần gian trăm năm tội ác

...

Dòng người tù xích xiềng lê bước

Tôi mãi nhìn theo... trong cơn mơ”

( Đêm ở nghĩa trang Hàng Dương)

Hàn Mặc Tử đã viết” Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý”. Thơ sẽ không là thơ nếu không chia sẻ được nỗi đau của con người, qua đó truyền tải những thông điệp nhân văn. Thi nhân sẽ không thể tồn tại trong lòng người đọc nếu bàng quan vô cảm trước nỗi đau của nhân gian, không làm cho người đọc thấy được một phần cuộc đời của họ và những người họ thân, họ biết, cảm nhận nhịp đời đang sôi, nhựa sống căng tràn trong từng thi phẩm. Và “Hoa Cỏ Lau” của nhà thơ Trương Vạn Thành đã làm được điều ấy. Nỗi đau nỗi nhớ  ẩn trong từng cảnh sắc, ẩn trên những chặng đường mà anh đã đi qua. Anh nghẹn ngào tri ân người mẹ đã khuất:

“...hình bóng mẹ

Liêu xiêu áo vá nâu sờn

Xoè trên cát mười ngón chân trần...

Đất quê

Bỏng rát trưa hè

Giá buốt đêm đông

...

Mưa phùn, mẹ gánh lá khô

Bờ đê xóm bể gió ù ù xoay...”

Rồi nhớ về người yêu với nỗi chờ mong khắc khoải, cô đơn khi hai người tạm chia tay và viết nên những câu thơ rất ấn tượng:

“Ai người  đập hũ tìm hương

Rượu tình như sữa còn vương mảnh sành

Đêm trầm nát cả năm canh..,”

( Trước Biển Chiều Nay)

“ Giơ hai tay lên trời

Xin làm tướng bại trận

Tù binh suốt đời của em”

( Xin Làm Tù Binh)

Tình yêu tiếp sức cho anh vượt qua những đêm dài thăm thẳm của nhân gian:

“ Tôi như ngọn đèn dầu

Thắp trong căn phòng nhỏ

Từng tối em khêu lên

Những ánh vàng soi tỏ”

( Ngọn Đèn Dầu)

“ Cả khi

đêm tối sóng cồn

Thuyền anh chòng chành nghiêng ngả

May nhờ chiếc la bàn em trao..,

Anh trở về bình yên”

( Tình khúc mùa thu)

Anh yêu”em” trân thành trọn vẹn, dâng hiến đến tận cùng:

“ Em ơi nếu có ngày

Bấc đèn kia tàn lụi

Sẽ bừng lên lần cuối

Hôn tràn lên mắt môi”

(Ngọn Đèn Dầu)

 

Vì vậy nên khi “em”  phải lên trên bàn mổ thì:

“ Anh nghe tiếng dao cắt, kim châm

...

Hết đứng lại ngồi

Nghĩ khôn nghĩ dại”

Chữ Đời, chữ Hiếu, Chữ Tình đan xen dàn trải quấn quýt xuyên sâu suốt tác phẩm, cũng chính là nỗi lòng hiện tại của tác giả. Nếu ban

ngày, thi nhân cứ như người du mục dắt chữ đi qua những triền đồi cảm xúc, bất chợt ngân lên những cung bậc khác nhau tuỳ vào địa hình cảm nhận; thì khi

đêm về bật dậy xoáy lòng, khiến anh:

“Tôi nằm co theo hình dấu hỏi

Đầu mông lung trăm điều nghĩ ngợi

...

Phân số cuộc đời”

( Khi Đàn Sếu Bay Qua)

“ Hồn ta như bãi cát nhầu

Trăm ngàn con sóng bạc đầu”

( Ơi Biển Chiều Đông)

Trăm mối tơ vương, ngàn đường cười khóc ấy đã tạo nên một Trương Vạn Thành vững vàng thương trường, đa cảm thi bút.

Tiếng lòng hoà cùng hồn thơ ấy đã thăng hoa nên những câu thơ theo tôi là sâu sắc, tài hoa, đáng nhớ:

“ Sủi tăm, này chén đoạn trường

Cạn đi, rồi để mơ màng cùng xuân”

( Chén Rượu Tất Niên)

...

“ Ươm ngày mai trong lặng thầm bóng tối

Rồi thu mình cho ngày mới bừng lên”

( Ngợi Ca Bóng Đêm)

...

“ Nỗi đau hoá đá

Bập bùng lửa cháy khôn nguôi”

( Đèn Trời)

...

“ Dòng người tù xích xiềng lê bước

Tôi mãi nhìn theo trong cơn mơ”

(Đêm Ở Nghĩa Trang Hàng Dương)

...

“ Ai bảo siêu thực không là thực,

Ai bảo mặt nạ không mặt người?”

( Chuyện Nhà Thơ Trẻ)

...

 

“ Lòng dẫu như sen hạ cửa thiền

 

...

Tây hồ những dáng như sen ấy

Ai bảo nam mô...mắt nhắm nghiền?

 

Đọc xong tập “ Hoa Cỏ Lau” tôi có cảm giác đang cùng tác giả hành trình đến xứ sở của các loài hoa. Mỗi bài thơ là một bông hoa. Vườn hoa thơ đa sắc, đa ngôn. Càng đọc càng khám phá thêm những điều thú vị. Để rồi ra về còn vấn vương hương sắc. Những nỗi niềm tác giả nhen hương gửi vào con chữ ấy đã đưa “ Hoa Cỏ Lau” vào lòng người đọc giữa vườn văn chương trăm ngàn hoa sắc. Xin chúc mừng tác giả!

 

 

 

Vũ Tuyết Nhung
Số lần đọc: 926
Ngày đăng: 24.12.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Đinh Xăng Hiền “Sự im lặng của kẻ rình mồi - Mai Bá Ấn
Nhặt lá mà thương duyên phận mình.Tập thơ tình của một người lính - Hoàng Thị Bích Hà
Bình thơ Van Em của Nguyễn Hàn Chung - Trần Hạ Vi
Vài cảm nhận khi đọc “Thăm bạn” của Đồng Thị Chúc - Đặng Xuân Xuyến
Bàn thêm về cái “Kết phim” và cái “Đuôi phim” - Nguyễn Anh Tuấn
Nhận định về thơ Bùi Hoàng Linh - Hoàng Thị Bích Hà
Cảm nhận ngắn về bài thơ “NÓI VỚI MẸ - MÙA XUÂN” - Đặng Xuân Xuyến
Đọc “ Lỡ chuyến đò chiều” của tác giả Hồ Bê - Hoàng Thị Bích Hà
Thi Sỹ Huy Tưởng Phương Huyền Mộng - Tâm Nhiên
Những vấn nạn thế giới với “Trò Chuyện Với Thiên Thần” của Trương Văn Dân - Phương Tôn