Đỗ Quyên phiếm đàm
Tình hình dịch bệnh Covid-19 bên Canada như thế nào á?*)
Tuy chưa bị là một trong các trọng điểm của toàn cầu, nhưng diễn biến của sự kiện "khủng" coronavirus tại Canada đã mang đầy đủ sự hay cái dở khi phải ứng phó hiện tượng và hậu quả đúng như quy luật của một đại dịch thế kỷ tầm trái đất. Tin tức báo chí từ nước Nam ta cũng tương đối đủ và đúng mức về bệnh tình ở đây, dù đây chỉ là "nước nhỏ" trong mối quan tâm của Việt Nam.
Vài con số biết nói: Cho đến sáng sớm 31 tháng 12 năm 2020, ở Canada tổng số ca nhiễm là 572,982; tử vong 15,472; đang còn điều trị 72,927. Trong vài ngày này có khoảng 8,000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Với 38 triệu dân, xứ Lá phong hiện vẫn còn là hên khi đứng thứ 26 trong Top 30 các quốc gia và lãnh thổ bị coi là vùng dịch lớn mà Mỹ cầm cờ trắng tiên phong. Thượng tuần tháng này, tiếp theo Anh, Canada là nước thứ hai trên thế giới cho phép sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech. Cách đây đôi ngày, Canada đã tìm ra 4 ca đầu tiên nhiễm COVID-19 biến thể Anh. Kế hoạch cho thấy phải mất trọn năm tới 2021 mới hòng chích ngừa hết cho trăm họ bá tánh toàn xứ sở Đất lạnh tình nồng bao la; v.v...
Qua bài vở, tin tức tôi thấy có 3 yếu tố quyết định sự khống chế dịch bệnh Covid-19; đó là thể chế xã hội (trong đó có trình độ y khoa - y tế), văn hóa tập quán, diễn tiến cụ thể. Còn theo thứ tự nào lại tùy từng quốc gia, vùng miền. Thử chọn mẫu là Việt Nam từng được dư luận quốc tế xem là một trong ít quốc gia thành công hàng đầu chống chọi dịch (bằng Chiến lược 5 nguyên tắc - ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị) thì với Canada thể chế xã hội là số 1. Với một số nước châu Á đặc trưng như Singapore, Hàn Quốc, Nhật văn hóa tập quán đã tỏ ra hữu hiệu nhất. Hoa Kỳ - ôi cái xứ sở chi mà Kỳ cục Hoa cả mắt - tôi đoan quyết là còn đang chạy theo đuôi của diễn tiến cụ thể. Và với Việt Nam, ắt đã kết hợp 3 yếu tố theo bửu bối "dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà thể chế xã hội và ý thức dân chúng rất trùng phùng ở vụ này.
Việc ứng xử nạn dịch bất ngờ và kỳ quái thêm một dịp chứng tỏ Cà Ná Đà của chúng tui là một quốc gia hài hòa và hiền lành; nói nôm là biết điều. Ở đây hiếm thấy các phản ứng quá khích động hoặc quá thờ ơ, xét về phương diện chính phủ hay xã hội dân sự; kiểu như Mỹ hay một vài nước châu Âu điển hình (Anh, Ý, Đức, Pháp hay Thụy Điển). Tất nhiên vì cùng mô hình chính thể và xã hội phương Tây lấy ý thức tự do cá nhân làm nền tảng, xứ này có cách phòng chống dịch khác xa Việt Nam và nhiều nước phương Đông.
Các ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và xã hội ở Canada cũng đủ cung bậc. Ví dụ: Ontario là tỉnh bang nhớn nhứt cả nước (nên cũng là nơi cộng đồng người Việt xôm tụ nhất) vừa đã bị phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn tỉnh bang từ ngày 26/12 và dự tính đến 23/1/2021 lận. Đây là lần phong tỏa thứ hai tại đấy. Ông chính quyền yêu cầu con dân không rời khỏi nhà trừ lý do thiết yếu và chỉ đi ra ngoài vùng nếu rất cần thiết; bắt buộc hầu hết cơ sở thương nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa; các quán bar, nhà hàng chỉ được mở cửa cho khách mua mang đi... Bla bla bla... Tức là vùng Ontario đã gần như mất toi Giáng sinh và chắc là sẽ mất toi lễ Năm mới 2021. Thôi thế cũng còn hơn là mất toi sinh mạng mình rồi người thân, bạn hữu, đồng bào...
*
Với ĐQ tui thì sao nhể?
Sau khi bác sĩ Đào Huy Hào, 44 tuổi, giảng viên đại học Sherbrooke, vào giữa tháng 4 bị "hy sinh trong khi làm nhiệm vụ" như là vị thầy thuốc đầu tiên ở tỉnh bang Québec thiệt mạng do biến chứng Covid-19, tui chưa được biết có nhiều người Việt ở Canada đã bị thiệt mạng hay không. Nhưng bị nhiễm thì truyền thông cũng rả rích suốt năm gọi tên con cháu Vua Hùng quân ta.
Vài bạn bè tui ở đây cũng bị dính dấp ít nhiều và nay đều đã khỏi. Gia đình tui có người bị bệnh nền (mà mấy ai thời 4.0 giề rùi lại không vướng mắc bệnh nền nào đó?), nên "y lệnh như sơn" với các quy định chung. Có dạo suốt tháng trời cả nhà cứ lăn ta lăn tăn bởi từng phải lờ lớ lơ lời hẹn mặn nồng đến chơi của gia đình người bạn cực kỳ vô cùng thân thiết ở một tỉnh bang khác. Ơn đấng cao xanh và khẩu trang và thuốc rửa tay và cự ly 2 mét và vân vân và mây mây, hiện nay chúng tui bình an về sức khỏe, còn các khoản khác thì vỡn bị ảnh hưởng như phần lớn dân lành con đỏ.
Là người chuyên viết lách, lại đang ôm một đống các bản thảo tồn đọng, riêng ĐQ tui thấy cơn dịch giã là dịp may để tu tập tại gia, làm các việc khó nhất mà kẻ nào trót dính dịch văn chương trước sau cũng phải kinh qua.
*
Chúng ta đang suy tư gì về con người trong đại dịch ư?
Là câu hỏi chung chung nhưng thuộc đầu bảng các câu hỏi thời thượng. Kiểu như "Tồn tại hay không tồn tại" thuở mồ ma cụ Shakespeare.
Tất nhiên! Phản ứng tâm lý và diễn biến tư tưởng của con người với thảm họa có một chưa hai này là vô cùng mạnh mẽ và phân kỳ suốt năm qua. Mỗi cá thể, cộng đồng, từng dân tộc, quốc gia có phản ứng và diễn biến tâm tư có thể khác nhau mà phía nào cũng có tình có lý. Tôi để tâm theo dõi, ghi chép, ngẫm ngợi và cuối cùng là viết lách. Ngay khi dịch mới bùng phát, tôi luôn chia sẻ thông tin, ý kiến cùng bạn bè trong-ngoài Hình chữ S.
Như khá nhiều đồng nghiệp có thói quen tích tụ tư liệu ngay khi xảy ra các sự kiện lớn của đất nước, của toàn cầu, tôi thường từ nguồn này làm bài vở báo chí, viết truyện, và cả mần thơ nữa. Về tiểu thuyết, với 5 năm qua đã xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết tư liệu mang tên Trung-Việt Việt-Trung và Đẻ Sách; trong đó tư liệu không chỉ là văn liệu mà còn là thi pháp sáng tác. À, một chia sẻ thú vị: Vào các tháng có dư luận tranh cãi về nguồn gây bệnh coronavirus là nhân tạo từ Trung Quốc, tôi cứ thổn thức mỗi khi nhớ đến cái gọi là "bom dị bào" từng được mình phịa ra trong truyện Trung-Việt Việt-Trung? Giá để dành ý tưởng độc đó dí vô truyện nào đó về Cô Vy Tàu thì trúng đích biết mấy. Tiếc, tiếc đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo! Tiên sư Cô Vy luôn thể!
Thật lòng, với hồ sơ Covid-19 đang nặng chịch và lung tung beng thế vầy (mà chắc chắn sẽ còn nặng, còn lung tung beng nữa), tôi hoang mang chửa biết xài xể cái của nợ cho việc chữ nghĩa nào? Đôi đêm buồn tình khó ngủ, từng phác họa một trường ca song thấy chả thấy thơ ca gì sất, mần tới họa có là thơ thẩn. Dẹp! Trường ca ĐQ chào thua Cô Vy.
Nếu như được là một triết gia, chắc tôi sẽ đủ tầm tóm tắt, bao quát các suy tư cùng hành động của nhiều nhân vật trên thế giới về đại dịch - từ nhà triết học Edgar Morin ở Pháp đến GS-TS Nguyễn Thanh Long ở Việt Nam; hoặc sẽ dư tài rút ra triết lý riêng nào đó chăng?
Thử phiếm đàm qua 3 đề tài về con người đang hấp dẫn tôi hơn cả.
Một, về ý tưởng: Đại họa Covid-19 đã trở thành tác nhân dữ dội và hiệu quả, góp phần thay đổi tâm lý và tư tưởng nhân loại đầu thế kỷ 21 - trước nhất là ở Âu-Mỹ - về khái niệm tự do vốn được hiểu như là quyền tự do hành động, suy nghĩ ở cá nhân một ai đó nhưng không thể xâm phạm quyền tự do ở cá nhân khác.
Thì cái nhà ông tư tưởng gia số dách trong thời cải cách thế kỷ 19, John S. Mill đã bảo ở pho sách bất hủ Bàn Về Tự Do: "Làm sao mà bất kỳ hành vi nào từ một thành viên của một xã hội lại là một vấn đề dửng dưng với các thành viên khác? Không người nào là hoàn toàn biệt lập; và điều đó khiến một kẻ không thể làm bất cứ điều gì có hại lâu dài hoặc nghiêm trọng cho chính mình, mà không gây chút tổn hại nào tới những người thân cận.”
Hai, về sự vật: Cái khẩu trang. Riêng đối tượng này đang vụt trở thành đề tài nóng hổi của khoa học mà rõ nhất là y học dịch tễ, của văn hóa mà rõ nhất là sự khác biệt đông và tây bán cầu; của nghệ thuật mà rõ nhất là hội họa, âm nhạc; và của hầu hết các lãnh vực liên quan con người: khoảng cách giao tiếp, thời trang vẻ đẹp, giao thông công cộng...
Ba, về thân thể: Cái bàn tay. Ôi, một phần của thân thể giống người từng tốn bao nhiêu nghiên cứu và lưu tâm, từ khoa học đến nghệ thuật, từ vua chúa đến cùng đinh... Tiểu thuyết châm biếm Đẻ Sách của kẻ hèn này cũng "đầu tư" hẳn một chương mang tên "Người từ lòng bàn tay mà ra" chuyên bàn về tay. Trai gái nào yêu nhau yêu thơ thời bom đạn Mỹ mà không thuộc Lưu Quang Vũ ở các câu chỉ động tay mà rung tim: "Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình/ Điều chưa nói thì bàn tay đã nói/ Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại/ Còn bồi hồi trong những ngón tay ta." Ấy thế giờ xoẹt một cú Cô Vy Cô Veo bay vèo đến, thử động vào nhau xem sẽ biết... tay nhau!
Cả 3 đề tài trên đều mô tả tương tác giữa con người và con người mà Nàng Vai rớt Cô rô na xen giữa. Rõ dzô diên!
*
ĐQ ăn Tết năm nay có khác mọi năm không à?
Thưa, đương nhiên phải khác! Dù ai nói ngả nói nghiêng, ĐQ vẫn nghĩ như đại đa số người Việt ta: Dịch là giặc, không oong đơ gì sất! A, nghe thiên hạ làng Phây đồn thổi hình như mãi đến đầu mùa thu rồi, ngài Tí Điệu - tên yêu mà dân An Nam ở đây dành gọi Justin Trudeau, vị Thủ tướng trẻ măng bô giai của Ca Na Điên - vưng ngài Tí Điệu đã phải phát ra cái câu tỏ ý "Chống dịch như chống giặc". Chứ lại không? Người ta 4,000 năm văn hiến còn phải coi là Cô Vy là giặc, mình lịch sử lập quốc non choẹt (2020 - 1867 = 153 năm). Muỗi, dám coi thường sao?
Cũng may, bình thường ra ĐQ đã không quá trọng lễ tết. Nhà lại chả có trẻ con, các dịp này chỉ theo lệ, âu cũng để nghỉ ngơi xơi chơi cho khỏe...
ĐQ vừa đón Giáng sinh như thế, và dám chắc vẫn ăn tết tây tết ta na ná vậy, nếu tiện tay thuận máy thì trực tuyến họ hàng, thân hữu ở xa qua các cú tin nhắn, điện thoại, hay quý lắm là vidéo, clip nhì nhằng. Cỗ tết tống tiễn Chuột đón rước Trâu hẳn sẽ chỉ nhõn các thành viên y chang thường nhật.
Dưng mà ĐQ dự tính rồi... Hai đêm giao thừa tết tây tết ta, kiểu gì vẫn sẽ vác ly tí rượu chát ra sân sau ngó nghiêng trời tuyết rải mưa giăng mà vươn cổ ngân nga theo câu mòn đời dân Việt được cụ Tiên Điền cô đúc:
Trải qua một cuộc Cô Vy
Những điều trông thấy mà... lâm li lòng!
Canada, tinh sương ngày 31/12/2020
--------------
*) Cảm ơn các ký giả Phi Hà, Cẩm Lệ; các bác sĩ Kim Chi, Huan Tran, Tung Nguyen; nhà văn Lê Minh Hà cùng một số thân hữu ở Việt Nam, Canada, Mỹ, Đức, Hungary, Úc... đã chia sẻ thông tin, quan điểm, kinh nghiệm về vụ Cô Vy. Bài được viết theo gợi ý của Phi Hà.