Tôi trở lại Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vào một ngày cuối năm. Trời lạnh. Gió run rẩy khắp nơi. Những bông hoa núi mùa đông ánh ỏi những ngọn lửa hồng cheo neo sườn đá. Những con đường bám vào vách núi mờ ảo trong sương. Những đỉnh núi cao ngất ngư trong mây khói. Những thung lũng thẫm xanh ẩn hiện ảo huyền. Những vòm đào, mận trơ cành lấm tấm những nụ hoa đang thắc thỏm ngóng xuân. Những bóng người mơ hồ nhân ảnh giữa thiên nhiên kỳ vĩ huyền hoặc. Những ngày cuối năm chính là thời điểm Cao nguyên đá Đồng Văn đẹp đến nao lòng.
Tôi đã đến Cao nguyên đá Đồng Văn nhiều lần. Hầu như các chuyến đi đều rơi vào dịp áp tết. Đó là chúng tôi đi chúc tết đồng bào và chiến sỹ nơi biên cương Tổ quốc. Khi đó hoa đào, hoa mận và muôn loài hoa rừng đã bừng nở chuẩn bị đón xuân. Lòng người cũng đã bắt đầu rạo rực nồng nàn. Nhưng trời vẫn còn lạnh lắm. Cái lạnh của núi đá vừa sâu sắc vừa dai dẳng bền vững.
Ở Hà Nội, nhiều cơ quan đã chọn cho mình những địa chỉ tình cảm. Chọn một chốn đi về. Do nhiều cơ duyên nên cơ quan tôi đã chọn Bộ Tự lệnh Biên phòng và Hà Giang. Và, ở Cao nguyên đá Đồng Văn nơi biên cương có cả người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và cả các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp giáp tết cơ quan lại chuẩn bị một ít quà tết lên chúc tết đồngg bào và chiến sĩ nơi biên cương địa đầu Tổ quốc.
Tôi tham gia hầu như các chuyến đi. Nói thật đây không phải đi du lịch mà lại đi vào mùa đông khắc nghiệt nơi núi cao gập ghềnh cheo neo thường là mưa rét nên chuyến đi nào cũng thật gian truân vất vả. Quà mang đi phần nhiều là hiện vật nên phải vận chuyển, mang vác. Đến đâu cũng vội vội vàng vàng tặng quà, giao lưu rồi lại di chuyển. Không dám lưu lại sợ gây phiền hà các cơ quan, đoàn thể, đồng bào và chiến sĩ. Vì vậy, những chuyến đi ấy thường ngắn ngày, chật kín lịch và di chuyển liên tục. Những người tham gia đoàn công tác ấy nếu không có sức khỏe và tấm lòng thì rất dễ nản.
Tôi không sao quên được những lần lên tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mèo Vạc. Những ánh mắt đồng bào nhìn mình vừa vô cùng thân thiện vừa thăm thẳm vời xa. Thật khó mà đọc được suy nghĩ và tình cảm của họ. Những con người sống trên đá, nơi núi cao rừng thẳm, nơi hoang sơ nghèo khó, nơi biết bao sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Họ là những con người thuộc những dân tộc vùng cao. Họ là ai. Mỗi tộc người có một nguồn gốc, một bản sắc văn hóa, một lối sống, một cảm thức nhân sinh riêng biệt. Hiểu được một dân tộc, một cộng đồng đâu phải dễ. Sau mỗi lần tặng quà tôi luôn bị ám ảnh bởi những suy nghĩ ấy.
Những người đến nhận quà là những người thật nghèo đã được lựa chọn. Nghèo nhưng các bà mế, những người đàn ông, những người đàn bà đều mặc những bộ quần áo dân tộc vô cùng lộng lẫy, rực rỡ. Nghèo nhưng trông gương mặt họ luôn ánh lên niềm vui tươi ham sống. Chúng tôi tặng họ quần áo, giầy dép và chăn màn, bánh kẹo tết. Thực tình không biết họ có dùng không nhưng thấy ai ai cũng vui khi nhận quà. Nhìn đồng bào vui vẻ mình lại cảm thấy ấm lòng, cảm thấy công sức của mình không uổng mà hình như có ích lợi với đồng bào nơi núi rừng biên giới.
Mình không sao quên được những chuyến tặng quà và giao lưu cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng Mèo Vạc, Đồng Văn. Mình đã không ít lần đến đồn biên phòng Phó Bảng - dưới chân Cột cờ Lũng Cú. Gặp gỡ những chiến sĩ cả năm trời chưa được về thăm nhà. Quanh năm suốt tháng tuần tra trên những sườn núi dốc hoang vu không bóng người. Thế mà lâu rồi đã có lần mình nâng chén cùng các chiến sĩ. Sau đợt ấy mình đã viết bài thơ “Hoa mộc miên biên giới” - một bài thơ được nhiều bạn đọc yêu mến và được đưa vào làm tài liệu trong nhà trường. Trong bài thơ ấy có hai câu: “dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén/ người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông”. Ngọn lửa ấy đâu phải do rượu mà chính là tình cảm của người hậu phương và người giữ gìn biên cương.
Những chuyến tặng quà và thăm hỏi bao giờ cũng chỉ là những chuyến đi gặp gỡ và giao lưu. Tất cả chỉ là những khoảnh khắc tay bắt mặt mừng. Hay thì đúng là hay rồi nhưng vẫn chỉ là bề nổi, hời hợt chứ chưa thực sự có điều kiện để hiểu biết nhiều hơn về đời sống của đồng bào và chiến sĩ nơi đây.
Lần này trở lại Cao nguyên đá Đồng Văn tôi không đi trong đoàn công tác đi tặng quà mà đi với tư cách một người nghiên cứu. Nói nghiên cứu thì có vẻ khoe khoang thực ra chỉ là đi tìm hiểu một số khía cạnh đời sống của đồng bào ở Công viên địa chất toàn cầu. Dĩ nhiên là không có các cuộc họp, các cuộc gặp gỡ, các cuộc chiêu đãi, giao lưu tay bắt mặt mừng. Chúng tôi chỉ qua huyện để xin phép rồi đi tới các thôn bản, các khu chợ, các ngôi nhà, các nếp phố để gặp gỡ đồng bào, chiến sĩ trò chuyện về đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội và muôn mặt đời thường. Ở đâu chúng tôi cũng được đồng bào và chiến sĩ hồ hởi đón chào, nhiệt tình giúp đỡ. Những con người mới gặp thì cảm thấy rất lầm lì xa cách nhưng nói chuyện rồi thì lại thấy thân thiện, chân tình biết bao.
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, không chỉ những vấn đề to lớn như an ninh quốc gia, bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, khai thác tài nguyên… lâu nay đã được chúng ta đặc biệt quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc; bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống đã xuất hiện và ngày càng có những tác động ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội và phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đó là những vấn đề đói nghèo, an ninh lương thực, nguồn vốn, tiếp cận thị trường, việc làm, thu nhập, giao thông và thủy lợi; Những vấn đề bệnh dịch, suy dinh dưỡng, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, bất bình đẳng giới, bạo lực, an toàn tính mạng, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới; Những vấn đề an ninh thông tin, truyền thông phi chính thức, chia rẽ dân tộc, ly khai, xung đột tôn giáo, truyền đạo trái phép, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, “biễn biến hòa bình”, bạo loạn; Những vấn đề phân hóa xã hội, bình đẳng xã hội, kỳ thị cộng đồng, bản sắc văn hóa dân tộc, hệ lụy du lịch, nghiện hút, trộm cắp, tội phạm xuyên biên giới, buôn bán ma túy xuyên quốc gia; Những vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, nạn phá rừng, hạn hán, lở đất, lũ quét, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt các nguồn năng lượng, tranh chấp nhiên liệu; Những vấn đề cư trú, di cư tự do, hôn nhân cận huyết, tảo hôn, hôn nhân qua biên giới…
Những vấn đề cứ tưởng quen thuộc, thông thường hàng ngày nhưng lại khi âm thầm, khi mạnh mẽ tác động, chi phối đời sống của đồng bào và từ đó tạo ra những nguy cơ ảnh hưởng đến ổn định xã hội, an ninh quốc gia. Trong cách tiếp cận mới chúng ta chợt nhận ra phía sau một đời sống nghèo đói, khắc nghiệt và rực rỡ bản sắc tộc người có một hệ thống những quan hệ ngầm của đời sống vùng dân tộc thiểu số đó là sự xuất hiện của các hiện tượng an ninh phi truyền thống. Những hiện tượng xã hội này thường âm thầm lặng lẽ nhưng bao giờ cũng có xu hướng chuyển hóa thành những vấn đề cốt yếu của an ninh truyền thống, an ninh quốc gia.
Từ những gặp gỡ với đồng bào ta sẽ nhận ra rằng sự hiện diện của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên cương Tổ quốc trên cao nguyên đá vô cũng kỳ vĩ nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt là một hiện thực thần kỳ. Đó là những chứng nhân của lịch sử, những chủ nhân của đất đai nơi biên giới xa xăm. Sự định cư sinh sống gắn cuộc đời mình với đá của đồng bào ở đây hơn cả một đời sống thông thường - đó là một đời sống thiêng liêng những cột mốc sống nơi biên cương Tổ quốc.
Trong những ngày ở Cao nguyên đá Đồng Văn tôi luôn được nghe tiếng chim họa mi hót vàng lừng những đỉnh núi cao dựng đứng. Đồng bào kể rằng không biết từ bao giờ mỗi đỉnh núi cao là vương quốc của một chú họa mi trống. Những chú họa mi chủ nhân của Công viên địa chất toàn cầu bao giờ cũng cất tiếng hát vang lừng cùng chập trùng núi đá bất tận. Thực là: “tiếng chim chuông vàng vang dội cao nguyên/ ngẩng lên ngăn ngắt trời xanh/ ngẩng lên tua tủa đá sắc/ thăm thẳm Nho Quế sợi chỉ bạc bảng lảng lênh láng mờ sương… họa mi hót tình yêu bến bờ trời/ họa mi hót tình yêu bến bờ đá/ họa mi hót tình yêu bến bờ sương/ họa mi hót tình yêu bến bờ người/ cổng trời cửa người vời vợi Đồng Văn đá ngổn ngang tua tủa cao nguyên”./.