Bây giờ, xin mời bạn đọc: Mõ Sinh Ngữ.
Chuyện Người Làm Mõ Tụng Kinh.
Làm mõ không phải dễ. Cứ gõ kêu lóc cóc là xong. Mõ tụng kinh của các bậc thượng thừa lúc nào cũng im lặng, nhưng khi kêu lên thì hồn xác nhập một. Mắt thứ ba mở ra. Tai siêu nhiên nghe thấu niềm vui trong tiếng khóc. Lòng trống vắng, tĩnh lặng, đến nổi một hạt bụi bay cũng gây nên tiếng động.
Mõ của người chưa đắc đạo thì như ông Hàn Dũ, đời nhà Đường bên Trung Hoa, đã viết: “Mọi vật hễ không được cái thế quân bình thì kêu lên” (*). Tâm tư của người nghệ sĩ giống như loại mõ này.
Xưa kia, ở xứ Quảng có người bỏ quê đi xa học nghề làm mõ với các sư phụ nổi tiếng khắp miền bắc trung nam. Học đến tuổi trung niên, trở về quê hành nghề. Ông lên rừng, lặn lội năm này tháng nọ. Sau cùng, tìm được một cây trung thụ gỗ tốt, cưa một nhánh, mang về làm mõ. Làm xong, gõ lên, mõ kêu tiếng đục như người khan giọng cố hát lên cao. Bị chê cười, ông đóng cửa luyện thêm nghề. Năm năm sau, tìm lại cây trung thụ, cưa một nhánh, mang về làm mõ. Làm xong, gõ lên, mõ kêu tiếng du dương, khiến người tụng và người nghe đều buồn ngủ. Đã buồn ngủ thì khó thu nhận lời kinh. Bị chê cười, ông đóng cửa luyện thêm nghề. Mười năm sau, tìm lại cây trung thụ, cưa một nhánh, mang về làm mõ. Làm xong, gõ lên, mõ kêu tiếng sắc sảo lại khô khan. Tai nghe khó chịu. Không ai mua mõ. Thất bại, ông đóng cửa luyện thêm nghề. Đến tuổi già, tìm lại cây trung thụ nay đã thành cổ thụ, cưa một nhánh, mang về làm mõ. Làm xong, gõ lên, hồn xác nhập một, mắt thứ ba mở lớn. Tai siêu nhiên lắng nghe. Chưa kịp mang ra phục vụ người đời, thì ngã bệnh thương hàn mà mất. Con cháu của ông, không người nào thích theo nghề làm mõ tụng kinh nên bí quyết làm mõ cũng thất lạc.
Vì vậy, đọc thơ Hoa Diên Vĩ Hoang Dại bằng tiếng Việt mà thấy không hay, không phải vì thơ Louise Gluck không giá trị, mà vì tài làm mõ chưa đạt. Xin hẹn lần tới.
, Houston, tháng Giêng 2021.
(*) Trích Bài Tựa “Tiễn Mạnh Đông Dã.” của Hàn Dũ.