Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.268
123.156.412
 
Giận cá chém thớt
Trương Hoàng Minh

Sáng ngày hai mươi tháng chạp, trời mát lạnh, nắng ui ui. Hôm nay sáu Thân nhổ củ sắn bán tết. Công sắn trúng lớn, khoảng bảy tám tấn, giá một ngàn bảy một ký. Từ ngày sang miếng đất này, ông trồng thứ gì cũng trúng, chẳng những trúng mùa mà còn trúng giá. Người ta nói ông có tay"canh điền" nên đất cũ đãi người mới. Nhiều người tới hỏi ông có bí quyết gì không, ông cười nói :"Có gì đâu, tui cũng làm như mấy anh vậy thôi". Dĩ nhiên là họ không tin, bảo ông dấu nghề, rình mò học lóm, làm theo y như vậy nhưng kết quả vẫn không bằng ông. Cuối cùng thì họ đổ thừa do ông có thời"làm chơi ăn thiệt"  Ông Tư "đùi" bèn lật sách tử vi xem tuổi tác, cung mạng sáu Thân thật kỹ rồi xổ nho : "Mạng lý hữu thời chung tu hữu; mạng lý vô thời mạc cưỡng cầu, nghĩa là người có thời trước sau gì cũng có, người vô thời dù cầu khẩn cũng không. Thằng Thân tuổi Nhâm thân, nam Nhâm nữ Quí có số giàu sang". Từ đó không còn  ai thắc mắc nữa.

 

 Nhà ít người nên sáu Thân kêu thêm người làm phụ. Đàn ông con trai thì nhổ và vác còn đàn bà con gái thì cắt dây và lựa củ lớn ra củ lớn, củ vụn ra củ vụn. Thằng Tài đưa mắt nhìn về đám đàn bà con gái đang kéo nhau ra rẫy có ý tìm kiếm Ngọc Mai, cô gái láng giềng mà cũng là người yêu của nó. Không có. Nó khẽ thở dài. Một nỗi buồn nhẹ như mây, hiu hiu như gió len lỏi vào hồn nó làm cho con tim nó lạnh như bầu trời mùa đông…

 

Ngọc Mai là con gái thứ ba của vợ chồng hai Hớn, em thằng Phúc, chị con Ngọc Lan và thằng Hậu. Sáng hôm qua, hai Hớn bị bệnh đột ngột, Ngọc Mai và mẹ phải đưa cha đến trung tâm y tế huyện khám nên hôm nay không thể đi làm cho sáu Thân được. Vợ chồng hai Hớn chỉ thuộc loại coi được thôi nhưng sanh bốn đứa con đứa nào cũng đẹp. Nhất là Ngọc Mai, mặt hoa da phấn, mũi cao, mắt đen, chân mày đậm, lông mi dài và cong vút. Ngoại hình thon thả, đều đặn cả ba vòng. Năm học lớp mười hai cô có dự cuộc thi "Nam nữ thanh niên thanh lịch" do huyện đoàn và nhà trường kết hợp tổ chức được thầy cô và các bạn khen nức nở :"Nếu được trang diện đúng mốt, Ngọc Mai sẽ không thua những người mẫu thời trang, những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh Hồng Kông, Hàn Quốc".

 

 Năm nay Ngọc Mai mười chín tuổi, cái độ tuổi mà bất cứ cô gái nào cũng thường đứng hàng giờ trước gương ngắm nghía nhan sắc của mình với những ước mơ đẹp. Thật tiếc cho Ngọc Mai đầu thai lộn chỗ, sanh ra trong một vùng quê nghèo và trong một gia đình cũng không khá giả lắm nên số phận khá hẩm hiu. Muốn học tiếp Đại học thì không đủ điều kiện, mà dù có đi nữa cũng chưa chắc thi đậu!. Lên thành phố tìm việc làm  lương bổng chỉ đủ nuôi thân chứ không giúp được cho gia đình. Còn làm mướn ở quê nhà được đồng nào chắc đồng nấy. Vả lại, ở nông thôn nhu cầu tương đối ít, dễ tiện tặn hơn nên cô chấp nhận số phận như một tất nhiên.

 

Ngọc Mai chẳng những đẹp người mà còn đẹp nết. Làm lụng giỏi giang, ăn nói dịu dàng, tính tình hoà nhã. Năm ngoái, cô cùng chín thí sinh khác lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Thôn nữ giỏi giang duyên dáng" mà bà con nông dân gọi nôm na là "Hoa hậu miệt vườn" gồm ba nội dung : Nét đẹp lao động, Khéo tay hay làm và Trí tuệ dân gian. Ở nội dung thứ nhất, các thí sinh phải thể hiện thành thạo, nhuần nhuyễn các động tác sạ lúa, cắt lúa, vãi phân, phun thuốc trừ sâu…Ở nội dung thứ hai các thí sinh phải nấu một món ăn dân gian nào đó. Còn ở nội dung thứ ba các thí sinh phải bốc thăm và trả lời những câu hỏi về văn hoá xã hội được ghi trước trong thăm. Ngọc Mai đã đoạt giải nhất cả ba nội dung. Đặc biệt, món "Ốc bươu xào chuối khế" của cô là món ăn hoàn toàn dân dã vừa mới lạ vừa ngon khiến ban giám khảo rất hài lòng. Đối với câu cổ ngữ :"Nhàn cư vi bất thiện" cô đã đem quê cô ra làm điển hình rồi nói đại khái rằng lao động nông nghiệp là lao động nhàn rỗi nhất trong các loại lao động hiện nay. Thời gian ở không của nông dân gần bằng phân nửa thời gian lao động nên người ta thường "giải trí" bằng các cuộc nhậu nhẹt, đá gà, cờ bạc…Khi say xỉn thì quậy quạng, lúc thua thiếu hết tiền thì sanh ra trộm cắp, cướp giật…Ngọc Mai còn nổi bật hơn nữa trong cuộc liên hoan tại địa phương sau khi đoạt giải. Có một thanh niên yêu cầu cô cho biết thế nào là một cái đẹp thật sự, hoàn hảo. Cô trả lời rất tự tin :"Thưa anh, cái đẹp có hai phần, phần hình thức và phần nội dung, trong đó phần nội dung quan trọng hơn. Cho nên, một cái đẹp thật sự, hoàn hảo phải có sự kết hợp hài hoà giữa cái đẹp hình thức và cái đẹp nội dung. Nếu thiếu cái đẹp nội dung thì cái đẹp hình thức sẽ trở thành giả tạo". Ông Tư "đùi" vuốt râu cười khoái chí rồi bất ngờ đứng lên xổ nho :"Thơ xưa có câu sắc bất ba đào dị nịch nhân nghĩa là sắc đẹp không có sóng nhưng vẫn có thể làm cho người ta chết hụt (đuối). Ý kiến của bây về câu thơ đó như thế nào? Liệu sắc đẹp của bây có làm cho người ta chết hụt không ? Ông già hỏi thiệt ác. Mọi người đều cười ồ khiến Ngọc Mai mắc cỡ đỏ mặt  nhưng cô vẫn đứng lên bình tỉnh trả lời :"Thưa ông, tục ngữ ta có câu cái nết đánh chết cái đẹp mà cái nết chính là cái đẹp nội dung. Do có cái nết, cái đẹp nội dung kềm chế nên cái đẹp hình thức không thể dìm chết người ta được ạ. Còn con thì…thì…đâu phải là người con gái đẹp, con cũng không biết lội (bơi), sợ chưa dìm được người ta đã bị người ta dìm chết trước rồi". Mọi người đều vỗ tay tán thưởng, một phần vì câu trả lời khá hay và dí dỏm, một phần vì nét thẹn thùng và khiêm tốn rất dễ thương của cô.

 

Thanh niên trong xóm tranh nhau chinh phục Ngọc Mai, trong đó Tài có điều kiện hơn do cô thường làm mướn cho gia đình cậu nên quan hệ tình cảm giữa hai đứa ngày càng gần gũi, gắn bó. Tuy nhiên, do mới bước chân vào ngưỡng cửa tình yêu, lại khá nhút nhát thành ra Tài chưa dám thố lộ với Ngọc Mai. Chỉ có một lần vào lúc chạng vạng tối, hai đứa bất ngờ gặp nhau giữa khoảng đường vắng, bốn mắt chạm nhau bật ra bốn tia chớp cực mạnh đánh trúng tình yêu nó mới nổ bùng như ngọn núi lửa. Ngọc Mai dựa đầu vào bộ ngực nở nang của Tài, cậu xiết chặc người yêu trong vòng tay rắn chắc, thì thầm tâm sự, ước hẹn tương lai. Vợ chồng sáu Thân cũng có ý định cưới Ngọc Mai cho Tài.

 

Trái với Ngọc Mai, vợ hai Hớn là người  đàn bà tham lam ích kỷ lại hay khoe khoang, nói chảnh. Hãnh diện với sắc đẹp của con, bà ta đi đến đâu cũng nổ bôm bốp rằng Ngọc Mai sẽ có một tương lai sáng rực, sẽ có chồng giàu sang, quyền thế. Để thực hiện ước mơ và hy vọng, bà gõ cửa hết cơ quan nầy đến cơ quan khác, nhờ vả hết người nầy đến người nọ nhưng tất cả đều không có chỗ cho cô gái không phải thầy cũng không phải thợ của bà. Đến khi thấy ước mơ và hy vọng khó thực hiện thành công và thấy những gia đình có con gái gả cho người Đài Loan trở nên khá giàu thì bà quyết định đổi thay số phận bằng con đường nầy.

 

Nhân dịp cô Liên, con gái út Cẩm, về nước thăm quê hương, cha mẹ bà liền đến nhờ cô giới thiệu cho Ngọc Mai một tấm chồng Đài Loan. Liên vui vẻ nhận lời và hỏi bà :"Thím muốn có rể kỹ sư, bác sĩ hay nhà doanh nghiệp?".Bà trơ trẻn :"Thứ nào cũng được miễn đừng nghèo rớt mồng tơi thì thôi, tuỳ bây chọn chớ thím có ở bển đâu mà biết" Liên bật cười :"Thím giao cho con chọn không sợ con gả nó cho ông già lết bánh sao? Nói chơi với thím vậy chớ ở bển bác sĩ, kỹ sư thiếu gì. Nội trong giòng họ của ba chồng con còn có cả chục. Mà nè, thím phải đưa hình của Ngọc Mai cho họ coi mắt mới được". Ối! Tưởng chuyện gì khó chớ chuyện đưa hình thì dễ ợt. Bà hí hửng về lấy tấm hình đẹp nhất của Ngọc Mai đưa cho Liên và không quên ghi rành rẽ địa chỉ liên hệ phía sau. Mặt khác, bà đốc thúc Ngọc Mai lên thành phố kiếm mối chào hàng. Cô không chịu đi, bà chữi :"Con gái người ta khôn ngoan lanh lợi, bước một bước là lên bà nầy bà nọ, bước một bước là có nhà cao cửa rộng, xuống ngựa lên xe. Còn con gái nhà nầy là đồ âm trì địa ngục, ăn sung mặc sướng không muốn chỉ muốn cạp đất mà ăn." Ngọc Mai là đứa con có hiếu, cha mẹ rầy cửa trước lòn cửa sau chứ không dám trả lời nửa tiếng nhưng  mẹ cô lại cho đó là thái độ ngang bướng, cứng đầu. Dọ biết cô yêu Tài bà càng tức lồng lộn :"Cha con nó thuộc loại giàu bông bí, sớm nở tối tàn, nhà cửa không bằng cái chuồng heo của chín  Hưng, năm Nghĩa, út Cẩm. Còn người Đài Loan dù hèn cũng thể, Lọng che sương dù sườn cũng lọng ; ô bịch vàng dù trọng cũng ô, mày nhắm vô đó ăn được cái gì hay cũng chỉ móc củ cỏ thúi móng tay thôi, con quỉ sứ ?".

 

Ngọc Mai rất đau khổ trước những lời nói độc địa của mẹ. Ông Tư "đùi" cảnh cáo: "Vợ thằng Hớn  bậy bạ quá! Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy, nó nói được chớ nuốt lại không được đâu". Đúng như lời ông, chẳng bao lâu lời nói đó đã lan ra khắp xóm. Hậu quả của nó vô cùng tệ hại, làm liên luỵ cả Ngọc Mai. Đi đến đâu cô cũng nhận được những ánh mắt, nụ cười mỉa mai, cay đắng. Đi đến đâu cô cũng lấm la lấm lét như một tội nhân. Vợ chồng sáu Thân chẳng những giận mẹ cô mà còn cấm Tài gặp gỡ cô, buộc cậu phải cắt đứt quan hệ với cô. Nhưng, sợi tơ tình mong manh như tơ nhện, khi vướn vào rồi thì khó mà gỡ ra. Cha mẹ đôi bên lại quá căng thẳng nên Tài cũng đau khổ không kém gì Ngọc Mai.

***

Giờ nghỉ trưa, tất cả đều về nhà sáu Thân ăn cơm. Ăn xong, ba bốn chị ra ngồi nói chuyện chơi dưới bóng cây nhãn trước sân. Thoáng thấy bà Hớn đi sấp sải ngoài đường, chị Hiền hỏi trổng :

-Ai in bà Hớn vậy ta?

-Bả chớ ai. Chị Diệp trả lời.

-Làm gì bả đi như ma vật ông vãi vậy hổng biết?

-Nghe nói ổng đau nhiều lắm. Tội nghiệp, tết nhứt đến nơi rồi!

-Ba tui thường nói đời người như hai cực âm dương, hết thịnh rồi suy, hết suy rồi thịnh nhưng tui thấy gia đình bả chỉ có suy chớ không có thịnh!.Ổng hiền như đất cục sao cứ gặp nạn liên miên, đúng là "nhân từ hiền hậu chết hoài; gian manh hung ác sống dai chật đời". Ý chị Hiền muốn  ám chỉ bà Hớn.

Dường như tai ương, bệnh tật được sắp sẵn để giáng xuống đầu ông Hớn. Năm kia, sau thời gian dài dành dụm, ông  mua được chiếc xe máy chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Chạy chưa được bao lâu, ông gây tai nạn chết người phải bán xe bán đất bồi thường cho nạn nhân. May nhờ gia đình nạn nhân thương tình tự thuận bãi nại, nếu không, ông còn ở tù vài năm. Gia đình sa sút, túng thiếu, ông  đi bốc vác kiếm sống. Một hôm ông vác phân từ dưới ghe lên nhập kho bị trợt đòn dài té vẹo cột sống. Bây giờ lại mang bệnh trầm kha, bác sĩ Hiệp nói :"Bệnh chú Hai khá nặng, tràn dịch màn phổi, thím nên đưa chú ấy lên bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị càng sớm càng tốt, ở trển mới có dụng cụ rút dịch".

Nhà không sẵn tiền, bà Hớn đi khắp xóm hỏi mượn đến xế trưa mới về, mặt mày quạu đeo. Bà để nón lá lên bàn, ngồi xuống ghế, đưa tay chống cằm, mắt ngó đăm đăm ra đường. Ngọc Lan từ dưới bếp đi lên hỏi :

-Bộ mượn tiền hổng được hả má?

-Không mầy ơi! Đi tới đâu người ta cũng nói hổng có tiền. Hàng xóm láng giềng gì thấy phát chán. Đợi tao gả chị ba mầy rồi tao sẽ làm cho họ sáng mắt ra.

Ngọc Lan nhìn ông Hớn nằm mê man trên giường nói với giọng lo lắng lẫn bực bội :

-Chuyện đó để chừng nào tới hãy hay, bây giờ làm sao lo cho ba đây nè?

-Tao cũng hổng biết phải làm sao. Tao đã chạy nát nước hết rồi chớ bộ mầy tưởng tao không lo cho ổng sao chớ?

Chợt thấy mấy con ruồi bu trên mặt ông Hớn, Ngọc Lan bước tới lấy khăn quơ đuổi. Nghe hơi gió mát, ông mở mắt đòi uống nước. Ngọc Lan nhanh nhẹn chạy đến lấy bình nước trà rót một ly đầy, bước lên giường đỡ ông ngồi tựa vào ngực em. Uống xong, em đỡ ông nằm xuống rồi chạy đi lấy cái quạt giấy ngồi quạt cho ông. Bà Hớn hỏi Ngọc Lan giọng hơi gay :"Chị ba mầy đâu rồi?". Ngọc Lan đáp :"Đi chợ!". "Chưa về sao?". "Chưa!". "Mầy biết nó đi chợ làm gì không?". "Không!". Bà quay qua lườm Ngọc Lan :

-Mầy ăn nói vặt một vặt hai với tao vậy hả mậy, con quỉ sứ.  Cha con bây đúng là đồ báo cô.

Ngọc Lan cúi nhìn cha rưng rưng nước mắt. Hơn nửa cuộc đời ba tôi đã tận tuỵ chăm lo cho vợ con từng miếng ăn giấc ngủ, từng manh quần tấm áo để rồi nhận được hậu quả như vầy đây sao hỡi ông trời già cay nghiệt!? Một căn bệnh ngặt nghèo thập tử nhất sanh chưa đủ sao còn phải nhận thêm những lời vô ơn bạc nghĩa đó nữa!?… Ngọc Lan tủi thân ôm mặt khóc mướt. Ông Hớn hé mắt nhìn con, khi nhắm lại trong hai khoé cũng trào ra hai giọt nước mắt. Bà Hớn đứng phắt dậy, ngoe ngoải bước đến đứng chống nạnh tựa cửa cái nhìn ra đường. Một đoàn xe ôm chở chín Hưng, cô Sang-con gái ông ta, cái TV 21 inh và bộ đồ chơi nhạc có đầy đủ ampli, loa thùng chạy vụt qua. Sự xuất hiện của đoàn xe nầy là cái phao cứu sinh đối với bà Hớn. Bà nghiêng đầu nhìn theo, mắt sáng lên, miệng lẩm bẩm :"Con Sang về hồi nào vậy ta? Phải biết nó về mình đấm đách nhờ vả cái đám cà chớn chi cho mệt". Bà bèn quay trở vào lấy nón lá bước ra đi.

 

Bà Hớn đi một hồi lâu Ngọc Lan mới xuống bếp làm công chuyện. Em không ngó vô buồng nên không thấy Ngọc Mai đi chợ về nãy giờ đang nằm dàu dàu ở trỏng. Cô vừa buồn vừa giận bà Hớn. Má quá cố chấp. Cho đến bây giờ mà má chưa chịu thức tỉnh, hỡ ra là óan trách, hờn giận bà con lối xóm chớ đâu biết rằng bà con lối xóm quay lưng ngoảnh mặt với bà là do cái tính hay khoe, nói chảnh, "chưa giàu mà lo ăn cướp" của bà gây ra. Ngọc Mai thở dài. Cái tính đó còn làm liên luỵ đến cô. Sáng nay cô đi chợ kiếm mượn tiền, thậm chí hỏi bạc ngày bạc tháng để chữa bệnh cho ông Hớn nhưng không nơi nào chịu cho, chịu dùm. Cô cũng buồn và giận bản thân mình  không giúp gì được cho gia đình trong lúc thắt ngặt nầy. Muốn nhờ cậy bạn bè thì tụi nó đã tứ tán hết rồi, đứa còn ở lại cũng èo uột như cô. Chỉ có Tài. Nhưng…má cô đã dán một lá bùa trừ bự bằng chiếc đệm trước cổng nhà sáu Thân nên loại "quỉ sứ" như cô không thể nào xâm nhập được. Còn đối với cô Liên, cô Sang thì chẳng thà cạp đất mà ăn chứ không thèm nhờ vả một xu. Ngọc Mai dứt khoát.

***

Trước kia gia đình chín Hưng nghèo hơn gia đình hai Hớn. Sang khá đẹp. Năm mười tám tuổi cô lên thành phố kiếm chồng Đài Loan đổi thay số phận. Lần chào hàng đầu tiên cô mãn nguyện. Chồng cô lớn hơn cô một con giáp. Bù lại sự chênh lệch đó, ông ấy rất yêu thương cô, gia đình giàu, có cơ sở chế biến trà. Sang cũng khá khôn khéo trong cách ăn nết ở nên chẳng bao lâu được cha mẹ chồng tin tưởng giao cho một số công việc trong xưởng trà. Nhờ vậy cô mới có tiền dư gởi về cho cha mẹ. Gia đình chín Hưng trút bỏ lớp nghèo như con ve sầu lột xác, nhà cửa lộng lẫy, đầy đủ tiện nghi. Hàng xóm ngỡ ngàng. Những gia đình có con gái lấy chồng Đài Loan vô phước hơn ganh tị. Về nước lần nầy Sang đem về cho cha mẹ bốn ngàn đô-la Mỹ, hai ngàn Đài tệ, ba cây vàng 24 cara và nhiều quà tặng có giá trị của gia đình chồng. Hôm nay cô lại đổi cho cha mẹ dàn máy chơi nhạc hiện đại.

 

Bà Hớn đi xe ôm tới nhà chín Hưng. Xe dừng ngay trước cổng. Thấy trong nhà khá đông người đang quây quần ăn uống, hát ca bên dàn máy mới cáu bà chợt thấy ngại ngùng và có hơi mặc cảm. "Họ là phượng hoàng còn mình là se sẻ thì làm sao nhập bầy được. Về thôi!". Nhưng, bước được mấy bước thì hình ảnh đứa con gái bé bỏng ngồi quạt và khóc bên người chồng nằm mê man trên giường bệnh lại xuất hiện trước mắt bà, kéo bà quay trở lại nhà chín Hưng. Vợ chồng chín Hưng tiếp bà khá lạnh nhạt. Hay nói cách khác là trong mắt họ bà chỉ là một kẻ ăn mày bẩn thỉu. Sau khi biết bà đến mượn tiền, chín Hưng móc lò :

-Có rể Đài Loan cũng túng hụt nữa à? Sao không điện thoại cho nó gởi"đô" về xài?

Bà cười gượng gạo :

-Rể đâu mà rể. Sắp thôi chớ chưa có.

-Ủa, hoa hậu mà cũng ế chồng sao? Bà Hưng mai mỉa. Tui nghe con Liên đã làm mai cho nó đâu cả năm nay rồi mà?

 

-Má nhắc con Liên con mới nhớ. Sang chen vào. Hồi ở bển nó có điện cho con hay năm nay nó cũng về Việt Nam ăn tết. Chắc vài bữa nữa nó về tới à thím Hai, con thấy thím nên chờ nó về tốt hơn đó thím. Sang quay qua nói với vợ hai Hớn.

Biết Sang đuổi khéo mình, bà Hớn ngậm đắng nuốt cay ra về. Biết được nỗi nhục của mẹ và nhất là sự sống của cha chỉ tính bằng ngày nếu không được rút dịch kịp thời, Ngọc Mai không thể đặt tự ái lên trên sự an nguy của cha và danh dự của mẹ nên quyết định đến lạy lục van xin vợ chồng  sáu Thân giúp đỡ.

 

Chiều. Thấy Ngọc Mai từ ngoài cổng đi vào, vợ sáu Thân bước trái xuống nhà sau tránh mặt. Còn ông ấy thì nói cho ngay, tính nóng như Trương Phi nhưng hết giận thì thôi, ít khi để bụng. Ngọc Mai cũng đâu có lỗi nên ông vui vẻ tiếp cô. Cô xin lỗi vợ chồng ông về những lời nói của mẹ rồi vừa khóc vừa kể hết hoàn cảnh gia đình mình cho ông nghe. Những giọt nước mắt hiếu thảo và chân thành của cô đã làm xiêu lòng sáu Thân. Vợ ông vội bước ra giả bộ ngạc nhiên hỏi :

-Ủa, cô Mai tới có chuyện chi vậy ông?

Sáu Thân gãi đầu :

-Nó tới… hỏi mượn tiền về trị bịnh cho anh Hai. Anh ấy bịnh nhiều lắm.

Vợ sáu Thân ném cho Ngọc Mai ánh mắt bén như  dao :

-Xin lỗi, cái chuồng heo dơ dáy hôi hám nầy làm gì có tiền mà mượn hả cô. Mời cô đến nhà chín Hưng, năm Nghĩa, út Cẩm hỏi mượn chắc ăn hơn.

Nói xong bà kín đáo liếc nhìn chồng. Bà ta khéo thật. Bị khơi lại vết thương cũ, mặt sáu Thân đỏ lừ lên như người uống rượu. Ngọc Mai lau nước mắt, đứng dậy nói lời cám ơn rồi chào hai người ra về. Tài năn nỉ cha mẹ. Vợ sáu Thân nói một câu chẳng dính dáng vào đâu nhưng cũng nói lớn, cố ý cho Ngọc Mai nghe :

-Bộ có mình nó là con gái hay sao chớ. Muốn cưới vợ ra giêng tao cưới cho.

Tài buồn bã đi xuống bờ sông, đến ngồi trên bộ rễ to lớn của cây vú sữa cổ thụ, hết nhìn xuống sông rồi nhìn về hướng nhà Ngọc Mai. Cậu sanh ra và lớn lên bên bờ sông nầy, cuộc đời của cậu đã gắn liền với từng doi vịnh, từng bến nước và…tình yêu. Cậu làm sao quên được những kỷ niệm vui buồn về chúng. Nhưng…doi vịnh vẫn còn đây, bến nước vẫn còn đây, chỉ có tình yêu thì…Bất chợt,  tiếng hát của một đôi nam nữ ca sĩ  từ đâu đó vang lên điệu nhạc tình buồn "…Tình mình như vạt nắng, nắng mong manh chiều tàn. Cuộc đời như rừng hoang, bóng đêm là dĩ vãng. Người tình như ngọn sóng, sóng xa khơi mịt mùng. Làm hồn anh (em)  chờ mong, hỡi con tim dại khờ…". Tài gục mặt, ôm đầu khổ sở./

 

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 2966
Ngày đăng: 26.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tân kỳ đồ tể truyện - Nguyễn Đức Thiện
Bài tập về nhà - Phạm Khánh Liêm
Tửu địa - Phạm Lưu Vũ
Trả lại tôi mùa đông - Trần Kim Trắc
Ước mơ trong mỗi cuộc đời - Thảo Bích
Kẻ lạ ở trong nhà - Vũ Đình Giang
Lưới tình - Trương Hoàng Minh
Cái nhìn khắc khoải - Nguyễn Ngọc Tư
Những giọt nước mắt - Ngô Khắc Tài
Kiều Nương - Ngô Khắc Tài
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)