Bây giờ trời sắp trưa, Bảy Vinh tay cầm cần câu, tay mang giỏ cá trở về từ dòng suối quả bầu tròn. Hôm nay như thường lệ, Bảy Vinh câu được khá nhiều cá, dường như từ ngày Bảy được Trương Đại Quá truyền cho nghề câu, ngày nào Bảy cũng có cá cho bọn trẻ học viện Langbiang ăn. Vì số lượng cá dù sao cũng có hạn nên bọn trẻ chia nhau ra ăn số cá do Bảy câu được. Hôm nay anh em nhà K’RaJan Đích và khoảng tám đứa khác được ăn cơm với cá. Số cá trắng này cô Nghỉ nấu với măng rừng, cô Nghỉ đã ủ chua sẳn số măng này từ lâu, cô để dành trong mấy cái ghè gốm màu xám khi cần mới mang ra nấu. Loại canh này chua chua ngọt ngọt vì khi nấu cô cho vài đốt mía lau vào – đó chính là bí quyết của cô, món canh măng chua nấu cá kích thích vị giác bọn trẻ khiến chúng ăn rất được cơm. Khi ăn hết lượng cơm chúng được chia mà ngày nay ta gọi là hết suất, chúng còn muốn ăn thêm nữa. Nhưng luật tục của học viện đã quy định rõ ràng chúng không có phần cơm thêm, ngay cả hai anh em nhà K’RaJan cũng chỉ có được một phần bởi chúng cũng chỉ được tính là một người, nên dù muốn ăn nữa cũng không được. Hàng ngày cô Nghỉ chỉ lấy đúng số gạo đã được dự tính và chỉ nấu đúng số gạo ấy, cô là một người rất công bằng nên không bao giờ cô vi phạm luật tục đã định.
Trương Đại Quá lúc mới vào làm phục vụ học viện Langbiang anh không biết luật tục này. Sau chuyến đi tìm trầm kỳ trở về cô Nghỉ mới giải thích cho anh hiểu mọi điều để anh có thể tránh được những điều cấm, cô giải thích như thế. Anh nghĩ “cũng phải thôi, lương thực do các bon làng xa gần cung cấp cho học viện, sau khi đào tạo xong, học viện sẽ cung cấp cho các bon số Cau Gru (thầy cúng) mà họ yêu cầu nên chúng chỉ được ăn đúng số lượng được tính trước mà thôi”. Nhìn những gương mặt háu đói, Trương Đại Quá cảm thấy đau lòng. Phải nói rằng bọn trẻ học viện đã không có gia đình, chúng phải quên và không được nhắc đến hai tiếng ấy, nay lại không được ăn đầy đủ khiến anh động lòng. Cũng may từng con trăng học viện cho làm thịt vài con heo thả rong ngoài bãi để tự tìm thúc ăn, chính tay cô Nghỉ chia cho học viên phần sườn để chúng muốn làm món gì thì làm theo sở thích.
Ngay hôm sau Trương Đại Quá đi khảo sát vùng đất dưới chân đồi, anh thấy có thể khai hoang để làm lúa nước như bon Gung của người Sre. Trở về học viện, Trương Đại Quá tìm đến phòng của Bạc Đầu Râu. Bạc đang suy nghĩ về một vấn đề gì có vẻ lung lắm, thấy Trương Đại Quá đang đứng trước cửa phòng, ông không lộ vẻ gì, có lẽ ông chìm vào dòng tư tưởng của mình. Trương Đại Quá hắng giọng, lúc này Bạc Đầu Râu mới ngước đầu lên, thấy anh đang tần ngần nửa muốn bước vào nửa muốn bỏ đi, ông cười:
-Mi vào đây, có chuyện gì cần nói phải không?
Lâu nay Bạc không còn ấn tượng xấu với anh nữa sau buổi nói chuyện giữa hai người, Trương Đại Quá đã kể rõ với ông tất cả mọi chuyện xảy ra với mình và đã được Bạc Đầu Râu thông cảm. Một khi đã tường tận, ông gọi ngay K’RaJan Loen lên phòng hiệu trưởng. Bạc Đầu Râu không tỏ vẻ gì để cho Loen lo ngại, ông chỉ phân công cho cô sẽ phải giúp ông lo chuyện bào chế thuốc chữa bệnh. Ông là một thầy thuốc, nay có thêm một người giúp phơi phóng, sơ chế và bảo quản dược liệu sẽ khiến công việc của ông thuận lợi hơn nhiều. Ông nói với Loen:
-Con giúp ta việc này, con vẫn ngủ ở cái nhà sàn bên hàng cây ngo đỏ cạnh buồng con Nghỉ, hàng ngày con đến phòng dược liệu làm việc thôi. Chuyện giúp con Nghỉ nấu ăn đã có bọn trẻ thay nhau làm!
Trương Đại Quá không biết việc bố trí việc làm cho Loen của Bạc Đầu Râu, anh lại chưa bao giờ nghĩ ông Bạc là một người thầy thuốc. Lâu nay không thấy Loen, Trương Đại Quá dường như trở lại thành Trương Đại Quá của …ngày trước. Anh vẫn phục vụ tại bếp khi cô Nghỉ yêu cầu, khi bếp hết việc anh cùng ba người Lạch đi sửa sang các nhà dài, dọn cỏ rác hay những việc mà người phục vụ phải làm. Hàng ngày thỉnh thoảng cô Nghỉ bắt gặp Trương Đại Quá nhìn mình bằng ánh mắt si đắm như trước nên cơn ghen trong lòng cô Nghỉ tan biến như bọt nước. Tuy vậy tình cảm của cô Nghỉ dành cho Trương Đại Quá cũng không có gì là tiến triển, cô vẫn tử tế với anh nhưng bên trong lời nói là một điều bí ẩn. Điều ấy có nghĩa là cô Nghỉ chưa sẳn sàng tiến xa hơn với Trương Đại Quá, cô tạm dừng lại của mối quan hệ giữa người chủ và người phục vụ mà thôi, Trương Đại Quá nghĩ thầm như vậy.
Một hôm Trương Đại Quá tình cờ thấy K’RaJan Loen. Lập tức một dòng “điển” bao trùm lấy anh. Anh quên ngay tên mình và không có ý thức gì về chuyện đó. Anh chỉ mường tượng mình là một chàng thanh niên người Chăm mặc bộ quần áo trắng hay đi quanh quẩn ngôi tháp cổ màu gạch đỏ, chàng đang chờ nàng đến với dáng vẻ nôn nao trong lòng. Anh lao ngay về phía nàng, miệng anh la lớn:
-In…
Chỉ một tiếng “In” thôi rồi anh im bặt, anh chịu không thể nhớ tiếng tiếp theo là gì. Nàng biến mất khỏi tầm mắt anh vì nàng đã bước vào cánh cửa phòng dược liệu, đây là chốn sâm nghiêm cấm tất cả mọi người đến gần, ngay cả cô Nghỉ là người được thầy hiệu trưởng thương yêu cũng không là ngoại lệ. Ai vi phạm sẽ phải chịu phạt, mức độ tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể chứ không quy định trước. Ngay Mat cũng ngán chuyện này, có vẻ Mat không hài lòng nhưng biết sao được luật tục có tự ngàn xưa không ai có quyền phá bỏ!
Bỗng cô Nghỉ quát to:
-Anh Quá, dừng lại ngay!
Tiếng quát của cô Nghỉ khiến Trương Đại Quá bừng tỉnh, cơn mê về một người con trai chờ người con gái trước ngôi tháp cổ lập tức biến mất. Cô Nghỉ nhẹ nhàng:
-Anh giúp tôi đặt nồi nước sôi để thịt gà!
Trương Đại Quá thầm cám ơn cô Nghỉ, suýt chút nữa là anh phạm luật. Nghe cô Nghỉ bảo mình nấu nước sôi để cô làm gà, Trương Đại Quá hơi ngạc nhiên. Lâu nay bếp học viện Langbiang vẫn nấu ăn theo kiểu người Lạch, khi làm thịt gà người ta cắt tiết, nhổ lông bằng tay và thui qua lửa. Như thế miếng thịt sẽ chắc và độ ngọt giữ được đầy đủ khi ta chế biến thức ăn, nhất là món nướng. Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của anh, cô Nghỉ cười:
-Tôi làm thịt gà theo kiểu người Việt, có gì mà anh ngạc nhiên. Không phải anh cũng là người Việt sao?
Trương Đại Qua không nói gì, anh lặng lẽ đi vào bếp đặt nồi nước theo yêu cầu của cô chủ bếp. Xong việc anh đi ra ngoài với vẻ mặt đăm chiêu. Anh đang nhớ quê qua lời cô Nghỉ. Chỉ một câu ngắn thôi mà một trời ký ức sống dậy trong anh. Trương Đại Quá thở dài, nỗi nhớ khiến lòng anh chùng xuống!
Mải nghĩ những chuyện vừa qua, Trương Đại Quá chưa kịp trả lời thầy hiệu trưởng. Bạc Đầu Râu hơi ngạc nhiên nhưng ông vẫn không lộ ra ngoài mặt, ông gợi ý:
-Mi xem này, ta vừa chế thành công phương thuốc trị bệnh sốt. Bệnh này trong các bon người ta hay mắc phải và cho rằng đó là bệnh ma làm!
Trương Đại Quá cũng biết một ít y lý qua thời gian học với ông Vạn Sự Thông nhưng anh chưa có dịp thi thố qua thực tế. Nay nghe ông thầy hiệu trưởng bảo vừa mới chế được phương thuốc trị sốt, lòng đam mê bào chế thuốc trị bệnh trong lòng anh thức dậy nhưng sực nhớ đến lý do anh tìm Bạc, anh lễ phép trả lời:
-Tôi xin chúc mừng Bạc, tôi xin được hầu chuyện với thầy về phương thuốc này hôm khác, hôm nay tôi đề đạt với ông một chuyện khác.
Được Bạc Đầu Râu cho phép, Trương Đại Quá trình bày một cách cặn kẽ việc làm lúa nước để phần nào cung cấp lương thực cho học viện bớt lệ thuộc vào các bon trong khắp xứ. Khi anh nói xong, Bạc Đầu Râu dường như hơi ân hận qua giọng nói:
-Chuyện này giờ ta mới biết, hoá ra bọn trẻ ăn không đủ no. Như vậy đi, ngày mai mi chỉ huy đám học trò khai hoang trồng lúa cho kịp thời vụ. Ta chấp nhận đề xuất của mi.
Bạc Đầu Râu nhìn Trương Đại Quá bằng một cái nhìn biết ơn. Bản thân thầy hiệu trưởng với trách nhiệm cao cả của mình là làm sao để tất cả mọi chuyện chạy trơn tru lại không biết điều nhỏ nhặt như việc háu ăn của bọn trẻ, ông thấy mình có lỗi. Trồng lúa nước, một ý tưởng hay mà lâu nay Bạc Đầu Râu không nghĩ ra! Vả chăng trong lòng mình Bạc Đầu Râu coi việc cung cấp lương thực cho học viện là nghĩa vụ của các bon trong khắp xứ, thỉnh thoảng ông cho bọn họ vài đồng bằng bạc thật chẳng qua là một món quà để họ vui lòng hơn ý nghĩa chân chính của bạc là trừ gió!
Người Việt cho rằng gió không chỉ là gió thổi như ta thấy hiện tượng trong tự nhiên mà gió còn là tác nhân gây bệnh cho người! Dân gian gọi nôm na là “trúng gió” khi trong người thấy đầu váng mắt hoa, nôn nao khó thở….Đồng bạc thật trừ “gió” rất hay, khi nhiễm bệnh người ta luộc một quả trứng gà rồi nhét đồng bạc thật vào, sau đó bọc quả trứng còn nóng trong một cái khăn rồi lăn và đánh trên khắp lưng của bệnh nhân. “Gió” sẽ bị bạc thật hút ra khỏi cơ thể, ta có thể kiểm chứng bằng việc bẻ quả trứng ra xem, lòng đỏ trứng và nhất là tại vị trí đồng bạc được nhét vào sẽ trở thành đen xì. Cái đó chính là gió!
Nhưng người Lạch lại không nghĩ vậy, việc bị ma làm và việc cúng ma là của các Cau Gru hay thậm chí của Cau Gru Cơnang, người thường không được chen vào! Vì vậy tuy họ rất kính trọng Bạc Đầu Râu nhưng với món quà của ông họ thường mang về treo trên gác bếp và quên mất công hiệu của nó theo lời ông hiệu trưởng!
Ngay tối hôm đó, Trương Đại Quá chỉ huy ông K’Rè, K’Quang và K’Sa làm ngay mười cái xà bất (dụng cụ làm cỏ) và một lưỡi cày. Rèn xà bất là nghề của người Lạch nên họ làm rất quen tay, còn lưỡi cày lại là chuyện khác. Trương Đại Quá cố diễn tả để K’Quang hiểu nhưng ánh mắt K’Quang cho biết rằng mọi chuyện vẫn chưa thông. Cuối cùng Trương Đại Quá phải dùng tới việc mô tả bằng cách vẽ trên mặt đất hình dáng lưỡi cày, tuy tài vẽ của anh thuộc loại tồi nhưng nhờ đó mà K’Quang thực hiện được công cụ giúp giải phóng sức lực con người trong việc đồng áng.
Hôm sau, toàn bộ học viên được lệnh tham gia khai hoang ruộng lúa dưới sự chỉ huy của Trương Đại Quá. Ban đầu Mat và các ông thầy chưa có học trò tỏ vẻ không hài lòng bởi họ cho rằng dù sao Trương Đại Quá chỉ là một người phục vụ, việc của anh là phải nghe lệnh của các ông và thực hiện cho tốt! Ông thầy Râu dài còn nói thêm, lần này ông viện dẫn luật tục có từ ngàn xưa:
-Tên phục vụ đó chỉ huy chúng tôi là vi phạm luật tục có từ ngàn xưa truyền lại, không lẽ tôi lại phải làm việc dưới sự sai khiến của hắn sao? Không bao giờ!
Bạc Đầu Râu nghiêm khắc nhìn trợ thủ của mình, ông hỏi:
-Ta hỏi các ông, có ai trong số các ông biết được việc khai hoang để trồng lúa nước?
Câu hỏi của thầy hiệu trưởng khiến các ông thầy tắc tị, người này nhìn người kia dường như họ đẩy câu trả lời cho đối phương bởi họ chưa bao giờ nghĩ lúa có thể sống dưới nước huống chi là việc trồng lúa tại nơi này? Cuối cùng Bạc phải trả lời thay cho các vị:
-Các ông không biết, đúng không? Ta cũng chưa từng làm ruộng nước nhưng bản thân ta đã chứng kiến cánh đồng Gung trồng lúa dưới nước của người Sre, cơm người Sre ăn, rượu cần người Sre uống được làm từ loại lúa nước này. Ta đã thử và nói thật với các ông cơm, rượu của họ còn ngon hơn cơm gạo đồi trồng bằng cách chọc lỗ trỉa hạt như các bon quanh học viện vẫn làm!
Dường như để lời nói của mình thấm vào đầu các ông thầy, một lát sau Bạc Đầu Râu mới nói tiếp:
-Ta không bảo các ông làm việc dưới sự chỉ huy của tên phục vụ, các ông chỉ kiểm tra học viên làm theo yêu cầu của nó mà thôi! Sự có mặt của các ông bảo đảm cho công việc của học viên trôi chảy.
Gương mặt các ông thầy dãn ra trông thấy, dù xã hội còn đơn sơ nhưng sĩ diện là một cái gì đó tuy mơ hồ nhưng lại có thực và sĩ quan vẫn là sĩ quan như cách ngày sau người ta thường nói!
Công việc khai hoang tiến triển theo đúng dự kiến của Trương Đại Quá, cuối cùng khoảnh ruộng cũng được hoàn thành. Đích thân Bạc Đầu Râu cầm rổ giống lúa đã ngâm cho nẫy mầm sạ xuống ruộng đã được bừa kỹ và cũng chính ông tất tả đi xin lúa giống ở bon Gung trong khi các người ở học viện khai hoang ruộng lúa.
Đúng lúc nắm hạt giống cuối cùng vừa thoát khỏi tay Bạc, K’RaJan Loen xuất hiện. Nhanh như một ánh điện quang, Trương Đại Quá bỗng nhiên đổi sắc mặt, anh lao tới cô gái, miệng anh gào lên:
-Inrasara…Inrasara…cuối cùng em đã tới!
K’RaJan Loen cũng lao về phía anh, nàng gọi tên anh:
-Ka Sô Liêng…Ka Sô Liêng!
Họ ôm chầm lấy nhau, môi tìm môi, mắt trong mắt, tay trong tay…đám đông đối với họ lúc này chỉ giống như…cây cỏ!
Cuối cùng hai nửa con người cũng nhập vào nhau….
CHƯƠNG 46
ĐI TÌM CA SĨ