( Câu chuyện trong một ngôi nhà không mái)
Tôi từng được gặp nhà báo Dương Đức Quảng đôi ba lần tại Hãng phim K5- "sân chơi" của những nhà điện ảnh từng trải qua chiến trường Liên khu V. Tôi không phải là dân chiến trường cũ, còn dải đất liên khu V mới chỉ được đặt chân tới sau năm 1975, song vẫn được K5 film trân trọng mời hợp tác. Và thông qua những nhà điện ảnh của một chiến trường vào loại ác liệt nhất thời chống Mỹ đó, như Huỳnh Bá La Vuông, Ngô Tạo Kim, Tạ Thôi, Nguyễn Hữu Thanh, tôi kính trọng nhà báo Dương Đức Quảng một cách "kính nhi viễn chi". Tôi không hề biết ông có làm thơ, cho tới lúc, nhờ gặp bạn cũ Châu La Việt ở Hà Nội, tôi mới được gặp ông lần nữa, và được ông tặng tập thơ còn thơm mực in: "Đôi điều với con"( Nxb Hội nhà văn, tháng 12/ 2013). Thú thực là tôi không tin những quan chức (dù ở ngành báo chí và đã về hưu nhiều năm như ông) có thể làm thơ vượt khỏi loại thơ kỷ niệm, thơ thù tạc hiện đã được in ra quá nhiều...
Nhưng rồi tôi đã phải nghĩ khác! Tôi đọc một mạch từ đầu, tới những dòng nhận xét của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ở cuối cuốn sách mà tôi thấy tâm đắc: "Ông không hề có ý định đóng góp điều gì đó cho nền thi ca của chúng ta... Những câu thơ ấy đóng góp cho sự tồn giữ và phát triển nhân cách con người trong thế giới hiện đại". Tựa như một gợi ý chợt làm lóe lên một thôi thúc, tôi vội giở tìm lại bài thơ "Gửi Xuyên Hòa" và dừng rất lâu trước bài thơ lục bát giản dị:
Gửi Xuyên Hòa
Vượt đường xong, đã nửa đêm
Gặp ngôi nhà nhỏ vào xin ngủ nhờ
Lại gần trong ánh trăng mờ
Ngôi nhà không mái đứng trơ giữa đồng
Xa xa pháo giặc ì ầm
Lẫn trong tiếng hỏi từ hầm vọng ra
Đúng rồi đây đất Xuyên Hòa
Êm êm tiếng mẹ như là tiếng ru:
"Khuya rồi con đã cơm chưa
Hồi hôm không phục sao giờ mới sang?
Vừa qua chúng nó lại càn
Nhà lại bị đốt chưa làm được, con!
Bốn bề vườn tược trống trơn
May mà còn được cái sườn nhà đây
Con về, gặp bữa không may
Nếu mưa, lấy tạm áo này mà che..."
Con nhìn bóng mẹ trong khuya
Lui cui nhóm lửa, đêm hè trăng ngân
Gió lay cánh võng tần ngần
Ngôi nhà không mái, trăng gần trăng xa
Con đi để lại Xuyên Hòa
Bóng con, bóng mẹ, ngôi nhà đêm nay
Quảng Đà, 12/1971
Ở phần sau cuốn sách "Đôi điều với con", nhà thơ Ngô Thế Oanh đã đồng cảm "thật thấm thía với những gì DĐQ đã viết" trong bài thơ này, bởi ông một người cũng từng ở chiến trường Quảng Đà, từng tới đất Xuyên Hòa. Còn tôi thì lại thích thú với bài thơ bởi chợt như được xem một cuốn phim nhỏ độc đáo, hay chính xác hơn là một trường đoạn phim (séquant) đạt hiệu quả nội dung nghệ thuật cao, gây ấn tượng mạnh.
Cảnh mở đầu là toàn cảnh rộng lia theo vài người lính có vẻ mệt mỏi sau một chặng đường dài đang lặng lẽ đi trong đêm trăng, họ bước vào một thôn xóm, cây cối bị đạn bom phạt ngổn ngang, dọc đường làng là những ngôi nhà đổ sụp hoặc chỉ còn trơ khung mái tre in hằn vết đen trên nền trời, vẫn còn lom đom lửa cháy, có tấm rui đến lúc này mới rơi hẳn xuống kéo theo muôn tàn lửa bay... Điều này chứng tỏ thôn xóm vừa bị bị tàn sát, sau khi cuộc phục kích của địch bất thành. Nhưng phía trước chợt hiện lên một ngôi nhà nhỏ chơ vơ dường như vẫn còn nguyên vẹn. Họ vội vã bước về phía đó tìm chỗ nghỉ đêm...
Những cảnh tiếp theo: ở một toàn cảnh hẹp, theo mắt nhìn của một người lính trong đoàn là tác giả, ngôi nhà đã hiện rõ là một ngôi nhà không còn mái, tạo thành một "bầu trời vuông" (Thơ Nguyễn Duy). Từ xa, tiếng pháo giặc vẫn vọng tới, và ánh lửa phía đó thỉnh thoảng làm nổi bật thêm "cái sườn nhà" trơ trụi. Ở một cảnh trung sau đó, khi tác giả tới gần, có thể thấy rõ chất liệu tường rơm trát đất của "cái sườn nhà". Sau vài câu hỏi tưởng không còn hy vọng gì nữa của người lính vọng vào trong, lát sau, có "tiếng nói từ hầm vọng ra" lẫn "tiếng pháo giặc ì ầm"- tiếng nói của một người mẹ. Phản ứng của người lính lúc đó là mừng rỡ khôn tả, vì các anh vẫn nghĩ là đang lạc tới vùng đất chết sau trận càn. Câu thơ thốt lên "Đúng rồi đây đất Xuyên Hòa" cho thấy một tâm lý đặc biệt song thực dễ lý giải: giữa ngổn ngang sự chết chóc dường đã phá hủy cả hình dáng đất đai, sông ngòi, nhà cửa lẫn tên tuổi của địa danh, các anh lính trẻ chợt tìm lại được sự sống qua một tiếng người "đất Xuyên Hòa". Ta có thể hình dung một cận cảnh lia diễn tả những cặp mắt rưng rưng của mấy anh lính trẻ nhìn nhau, vừa ngạc nhiên vừa sung sướng đến nghẹn ngào khi gặp tiếng người trong khung cảnh đó, hơn nữa lại là "Êm êm tiếng mẹ như là tiếng ru"... Ở làng quê Việt nào cũng vậy, tiếng mẹ ru bao giờ cũng gợi lên sự mến thương, ấm áp đến nao lòng (Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày- Tố Hữu). Còn lời mẹ lúc này được off trên cảnh mái nhà trống trơn, sườn nhà cháy sém loang lổ mà ánh trăng dường làm nó càng trở nên kỳ dị, và trên cảnh những gương mặt mệt nhọc sạm mưa nắng nhưng đã được nụ cười rớm lệ làm sinh động hẳn lên. Những lời của người mẹ được diễn tả bằng thơ lục bát mộc mạc như lời nói thường ngày, có thể chuyển ngay thành thoại phim: "Khuya rồi, các con đã cơm chưa? Hồi hôm không có phục kích, vậy mà sao tận giờ mới sang? Vừa qua chúng nó lại càn dữ quá. Nhà lại bị đốt trụi mái, chưa kịp làm lại, con à! " Nói tới đây, trong một trung cảnh rộng máy theo, mẹ đã từ hầm trú ẩn bước hẳn ra ngoài nhà, chỉ tay xung quanh: "Vườn tược bốn bề đã trống trơn cả rồi, may còn được cái sườn nhà..." Mẹ một tay vẫy đón các anh vào trong cái sườn nhà trống, một tay cầm manh áo mưa: "Các con về, gặp bữa thực không may. Cứ ở tạm trỏng, nếu mưa thì lấy áo này mà che tạm... Mẹ đi thổi cơm nhá, chắc các con đói lắm rồi". Nói xong mẹ vội quay vào trước. Những lời mẹ nói có những thông tin tưởng đâu như chỉ là minh họa những gì mà các "cảnh phim" đã diễn tả, song thực ra, điều quan trọng không phải là mẹ nói những gì, ở đây, làm chúng ta xúc động sâu sắc chính là sự chăm sóc, che chở, quan tâm đầy tình yêu thương chân chất của người mẹ vùng tạm chiếm đối với những anh lính giải phóng mà mẹ coi như con, dù là người mẹ mới chỉ gặp một lần. Và điều này đã diễn ra thường xuyên, nội dung lời nói, nhất là cách nói mộc mạc, thân thiết, đượm lo âu của mẹ cho thấy rõ điều đó.
Tiếp theo, bằng một trung cảnh lia, ta thấy các anh lính đứng lặng nhìn theo. "Con nhìn bóng mẹ trong khuya/ Lui cui nhóm lửa, đêm hè trăng ngân". Cảnh bóng mẹ "lui cui" bên bếp lửa thổi cơm cho mấy anh lính khiến chúng ta chợt cay sè cánh mũi. Về chữ nghĩa, khó có thể thay thế được từ "lui cui" bằng từ nào khác để vừa diễn tả sự cô đơn vắng lặng trong ngôi nhà trống mái, vừa bộc lộ nỗi bùi ngùi, sự trìu mến thương cảm của tác giả-người lính trong cảnh ngộ đó. Và nó cũng có sức gợi rất trực cảm, cụ thể cho người làm phim về cách bố trí ánh sáng, góc máy quay, diễn xuất của diễn viên... Nếu là hình ảnh điện ảnh, cảnh mẹ "lui cui nhóm lửa" ấy chắc chắn mang một giá trị thẩm mỹ lớn, có sức tác động trực tiếp buộc người xem phải suy ngẫm và xúc động mãi về tấm lòng và sự hy sinh thầm lặng của mẹ.
Trong cái cảnh phim câm giữa mẹ và các con chỉ có tiếng nổ lép bép củi lửa kia, vầng trăng hè chứng kiến nỗi xúc động thầm lặng của những người lính và dường cũng ngân lên tiếng lòng con người, mà cảnh quay trăng không cần đến tiền cảnh lá dừa lúc đó (cây cối đã bị bom đạn phá hết còn đâu) cũng sẽ diễn tả được rất rõ tâm trạng của tác giả: "đêm hè trăng ngân..." Và với tâm trạng đó, tác giả nhìn cái gì cũng thấy chợt gần gũi, thân thương biết bao- kể cả khoảng trời nhỏ vốn trước đây là mái nhà: "Gió lay cánh võng tần ngần/ Ngôi nhà không mái, trăng gần trăng xa..."
Ở cuối trường đoạn phim này, ta thấy tác giả bỏ qua những cảnh sinh hoạt đêm đó, mẹ dọn cơm cho các con ra sao, nói với các con những gì, tác giả thao thức nhìn lên bầu trời hẹp thế nào... Những cảnh trên đã đủ để khắc họa nghĩa tình "quân dân cá nước"( khái niệm quen thuộc từ thời kháng chiến chống Pháp). Ta hình dung những người lính tạm biệt mẹ, rời xa ngôi nhà khi trăng sắp lặn, có một tiếng gà gáy sáng đơn độc. Ngôi nhà xa dần, bóng mẹ đứng tiễn và bóng những người con ra đi trải dài trên con đường lổn nhổn đất đá lẫn cành cây gãy, những rui mè cột gỗ cháy đen... Cái cảnh toàn rộng lia đó được quay từ một góc máy cao, trong tiếng nhạc nền trầm buồn cùng lời độc thoại nội tâm nghẹn ứ nước mắt của người lính-tác giả bộc lộ tình thương mẹ và sự thấm thía về lòng dân cao cả nơi vừa sống qua một "đêm nằm năm ở": "Con đi để lại Xuyên Hòa/ Bóng con, bóng mẹ, ngôi nhà đêm nay..." Không ai có thể quên nổi tâm tình đó trong một cảnh tượng như thế!
Bài thơ mặc nhiên gia nhập một cách xứng đáng vào kho tàng những tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện hình tượng người Mẹ Việt Nam; chỉ hơn hai chục câu lục bát mà có sức tác động tư tưởng tình cảm không kém, nếu không muốn nói là hơn- những tượng đài tốn kém hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng về Mẹ VN anh hùng! Và tôi tin những bài thơ như "Gửi Xuyên Hòa" có khả năng làm tan chảy sự vô tâm, vô cảm, sự lãng quên không cố ý của những người còn có lương tri đối với sự hy sinh lớn lao, thầm lặng của người Dân trong quá khứ đau thương, anh hùng...