Từ cổ chí kim công ơn mẹ cha luôn là nguồn cảm xúc thiêng liêng cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong thơ ca thì đây là một không gian rộng lớn để các thi sĩ chấp bút bằng những tình cảm chân thành dạt dào nhất nói lên tiếng lòng mình với đấng sanh thành.
Và hôm nay do một chút duyên văn học mà trên tay tôi có được cuốn TÌNH NGHĨA MẸ CHA vào những ngày đầu của mùa đông xứ Huế. TÌNH NGHĨA MẸ CHA - đó là một tuyển tập thơ do NXB Nhân Ảnh ở Hoa Kì ấn hành vào năm 2020 được nhóm chủ biên Luân Hoán, Lê Hân Nguyễn Thành kì công sưu tầm và biên soạn từ nhiều tác giả trong và ngoài nước.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp cận tuyển tập thơ này là tranh bìa của hoạ sĩ Lê Phổ với bức tranh một gia đình hạnh phúc, tình thương con vô bờ bến của cha mẹ được thể hiện qua cử chỉ và ánh mắt chan chứa những yêu thương.
Tôi đã đọc bài thơ Mất Mẹ của nhà thơ Xuân Tâm rất lâu rồi nhưng giờ đọc lại sao tôi vẫn nghe lòng mình rưng rưng niềm thương và xúc động đến khổ thơ cuối cùng: "Hoàng hôn phủ trên mộ/ Chuông chùa nhẹ rơi rơi/ Tôi thấy tôi mất mẹ/ Là mất cả bầu trời". Bài thơ Mất Mẹ được nhà thơ Luân Hoán chọn để mở đầu trang thơ đã dẫn dắt tôi lạc vào một vườn thơ với nhiều thể loại, nhiều cách thể hiện niềm biết ơn sâu sắc đối với mẹ cha.
Trong tập thơ này các tác giả không chỉ đề cao đấng sanh thành mà tình nghĩa ấy còn được mở rộng ra một vai trò mới của người mẹ, người con khi "Mẹ đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi" (Mẹ Của Anh). Vâng, tôi thích bài thơ ấy cũng như nể phục và công nhận sự chắt lọc kĩ càng trong việc biên soạn của nhóm chủ biên TÌNH NGHĨA MẸ CHA. Đó là một nét văn hoá truyền thống về những mối tương quan của mỗi gia đình Việt Nam nay được nhóm chủ biên đưa vào đã nói lên rằng cho dù người Việt Nam sinh sống, làm việc ở bất kì nơi nào thì hồn cốt của dân tộc vẫn luôn luôn ăn sâu vào mỗi tế bào của con người.
Khác với những quan niệm của một số nước, con cái khi đủ tuổi trưởng thành thường có ý thức tự lập rất cao nên vẫn thường ra ngoài sinh sống, nhưng ở Việt Nam thì hầu như vẫn duy trì quan niệm các thế hệ thường chung sống trong một mái nhà, nhiều gia đình vẫn còn "tứ đại đồng đường" nên chuyện mẹ chồng nàng dâu cũng là một đề tài người ta hay đề cập đến.
Tập thơ TÌNH NGHĨA MẸ CHA còn là một điều khá thú vị với tôi vì bên cạnh những bài thơ được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau thì phần giới thiệu tác giả trong mỗi bài thơ, chùm thơ là một việc làm rất có ý nghĩa, và qua đó đã thấy được rằng nhóm chủ biên đã rất tôn trọng những tác giả và tác phẩm. Điều này sẽ giúp cho người yêu thơ có thêm thông tin về tác giả mà có thể trong một chừng mực nào đó độc giả chưa từng biết đến.
Đọc tập thơ TÌNH NGHĨA MẸ CHA, tôi không dám có ý và cũng biết không thể nào có thể viết lên hết những cảm nhận của mình về từng bài thơ, từng tác giả tôi đã được biết hoặc chưa biết, nhưng qua 533 trang sách này những bài thơ đã như dòng sữa mẹ ngọt ngào từ từ thấm đẫm, tuôn chảy vào tâm hồn tôi những mạch tình lai láng, những mạch tình của một người đã từng được làm con và bây giờ được làm mẹ.
Nhớ ngày xưa tôi đã từng đôi lần giận mẹ, đôi lần đã dại khờ nghĩ rằng hay mình không phải là con của mẹ khi nhận những làn roi tê buốt mẹ đã quất ê mông. Thậm chí có lần bị mẹ đánh, tôi còn giận dỗi chạy sang nhà ngoại trốn lì ở đó, lòng thơ trẻ đầy oán giận và sân si nghĩ rằng phải để mẹ đi tìm mình như vậy mới biết mẹ có thương mình, có sợ mất mình không. Giờ đây, khi trở thành người mẹ tôi mới thấm thía nỗi đau buốt trong tim mình khi một đôi lần không kềm chế được cảm xúc để hiểu rằng xưa mẹ đánh ta đau một mà tim mẹ còn đau hơn ta vạn lần nên giờ đây mỗi lần nhắc chuyện ngày xưa tôi không muốn dùng từ "bị đánh đòn" mà thay bằng từ "được đánh đòn" là thế.
Để mỗi mùa xuân qua trong muôn ngàn háo hức bỗng chạnh lòng khi bất chợt nhận ra bụi thời gian đã dần dần buông phủ lên mái tóc mẹ cha. Rồi một ngày, chỉ còn mình con đơn độc lang thang cất tiếng gọi lẻ loi vọng sang bên kia núi, đáp lại lời khản giọng của con chỉ còn những yêu thương của ba mẹ là gia tài cho con để cố gắng "làm người"! TÌNH NGHĨA MẸ CHA đã cho tôi đi từ những niềm vui, hạnh phúc đến những nỗi đau, nuối tiếc, là tiếng lòng thiết tha của những người đã diễm phúc còn cha mẹ hoặc đã không còn nữa. Nhưng đọng lại trong tôi tất cả là cha mẹ vẫn luôn là hình ảnh bất tuyệt sống mãi trong lòng những hiếu tử cho dù còn hay mất.
Với TÌNH NGHĨA MẸ CHA tôi không muốn đọc nhanh dù cuốn sách rất dày. Bởi lẽ tôi muốn mình trầm mình vào những khoảng lặng ấy, để trân trọng nhiều hơn hiện tại này tôi đang có được diễm phúc cài lên ngực áo mình đoá hoa hồng mỗi độ Vu Lan về và se lòng khi bắt gặp ánh mắt ai len lén quay lưng giấu những giọt nước mắt tủi thân của mình khi cài những đoá hoa hồng màu trắng đơn côi. Và phàm ai đã được sinh ra làm một con người thì tình cảm mẹ cha luôn là thứ tình cảm được tôn vinh và ngợi ca ở cung bậc cao nhất. Tình cảm ấy vượt lên tất cả những sự cách biệt giữa các dân tộc, thân phận, tôn giáo...
Và tập thơ TÌNH NGHĨA MẸ CHA đã làm được điều ấy qua sự kết nối giữa các tác giả trong và ngoài nước, qua đó khẳng định rằng mối nhân duyên văn học và tình cảm của những nhà thơ - những người làm con, làm cha, làm mẹ đã vượt lên trên tất cả, đã và đang xích lại gần nhau hơn. Chỉ còn lại những gì đẹp nhất, đó là: Tình Nghĩa Mẹ Cha!