Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
867
123.366.623
 
Ám ảnh một lời nguyện
Nguyên Minh

 

Suốt hai tháng nay, cả Sài Gòn cũng như toàn quốc đang thực hiện cách ly trong chiến dịch phòng chống dịch Covina đang hoành hành khắp thế giới. Mọi sinh hoạt hằng ngày trong gia đình tôi đều thay đổi.

Trước đó trong bữa cơm chiều, Hà đứa con gái đầu tôi nhắc lại: Theo lời tiên tri của ai đó mà cả Sài Gòn đều lo sợ, chuẩn bị lương thực cho những ngày thành phố sẽ chìm trong cơn đại hồng thủy sẽ tiêu diệt nhân loại. Các con đều hối thúc vợ tôi mua cho nhiều nhu yếu phẩm. Riêng tôi vẫn ung dung bên tách cà phê, nhìn khói thuốc đang lảng vảng trước mặt, hình ảnh thị xã nhỏ nơi gia đình tôi đã sinh sống, lúc bấy giờ trước tháng 4 năm 1975, chiến sự làm dân chúng hoang mang, mọi gia đình lo tàng trữ lương thực. Riêng tôi không nghĩ tới. Lê Văn Ngăn người bạn văn chương đã trú ngụ ở nhà tôi cả tháng trường lại mang về một bao khoai mì lát khô như góp phần lánh nạn.

Gần 50 năm qua rồi thời chiến tranh. Giới nghiêm. Còi hụ báo động. Súng nổ rền tai. Bây giờ. Thời bình. Giới nghiêm thành cách ly. Không có tiếng súng nhưng người chết như rạ. Không trừ một biên giới quốc gia. Mọi sinh hoạt đều ngưng trệ.

 

Sài Gòn vừa được bãi bỏ lệnh cách ly. Tôi mừng như trứng nước, liền gọi cho vô chồng An – Lệ và Hữu hẹn đến uống cà phê tại quán Cái Chùa trong xóm nhà tôi. Hơn hai tháng vắng mặt nhau giờ tôi ngồi trầm ngâm nghe những người bạn thao thao kể chuyện. Không như mọi lần bàn tính về Tập san Quán Văn số tới hoặc những chuyến cả đoàn chuẩn bị đi xa. Lần này cả ba người kể cho tôi nghe vô vàn chuyện lạ đời về những nhân vật kỳ bí vừa xuất hiện từ những hang cùng ngõ hẹp trên đất nước này. Hầu hết những nhân vật ấy xuất thân là những người có một đời sống trước kia khó khăn, hay một số mắc bệnh ngặt nghèo, có kẻ bị tật nguyền từ thuở nhỏ hoặc bị tai nạn làm mất đi một phần thân thể. Có người lại mắc bệnh tâm thần nhẹ. Tất cả họ cùng nhau dù mỗi việc làm giúp người, cách biệt khác nhau. Có người bỏ cả sự nghiệp kinh doanh giàu có lên núi vào rừng tìm cây thuốc nam về lập nhà thương để cứu người nghèo khổ mà không nhận thù lao. Có người mà hàng xóm gắn biệt danh Ba Khùng vì ông ta đôi lúc không bình thường lại tìm những kẻ bị tâm thần quay quần vui đùa ca hát. Cùng nắm tay nhau cất giọng ca khàn ngọng nghịu Từ bắc vô nam nối lại…

 

Gương măt người kể chuyện thay đổi theo từng biến chuyển từ những sự kiện mà những nhân vật này xử thế. Khi vui thì nở nụ cười. Chuyện buồn đôi mắt ứa lệ. Chuyện bí hiểm thì lắc đầu. Tôi như kẻ bị thôi miên. Ngồi nghe Hữu kể mà tôi như một con mồi bị mắc màng nhện. Cứng đơ. Lệ như nhận ra tôi đang lạc vào một cõi nào đó nên vỗ vào vai tôi. Hình như tôi đang tìm kiếm một khuôn mặt nào đó một trong những nhân vật mà Hữu đang kể.

Chuyện xảy ra ở bên kia quả địa cầu. Nước Mỹ. Chẳng xa lạ gì với tôi. Đó là gia đình chỉ có hai mẹ con sống trong một ngôi nhà khang trang bề thế. Người mẹ xưa kia, với tôi, một mối tình đầu đã vỡ tan. Sau hơn ba mươi năm qua chúng tôi gặp lại nhau tại Sài Gòn. Tiếp đó tôi qua Mỹ đến thăm nàng. Bấy giờ chúng tôi đã thành những người không còn trẻ, vết nhăn đã hiện trên khóe mắt nhưng lòng vẫn xúc động khi ngồi bên nhau, trên bàn món ăn là những món cơm chay. Tôi không lạ gì, nàng từ thuở thanh xuân ở quê nhà đã từng ở trọ trong một ngôi chùa nhỏ, không phải là ni cô nhưng lại ăn chay trường. Người tôi chú tâm là chàng thanh niên sống với mẹ, ăn chay trường nhưng không phải là người tu hành.

Lần đầu gặp tôi tại Sài Gòn trong một lần dẫn nhau dạo phố, nàng kể cho tôi về đứa con trai đầu tên Huy. Tôi có cảm tình ngay, xem như con trai của mình. Huy và mấy em tiếp theo, mồ côi cha từ năm 1976. Cha Huy chết trong trại cải tạo bởi cơn sốt rét rừng. Trước kia ông là một sĩ quan võ bị đã từng xông pha nơi chiến trường. Như mọi gia đình cùng cảnh ngộ mẹ con Huy sống lao đao vất vưởng, người đàn bà trẻ tuổi thành kẻ góa bụa thay chồng nuôi cả bày con thơ dại. Những năm 1980 Huy được mẹ vơ vét bao nhiêu tiền của để đưa cậu bé vượt biên sang Mỹ.

          Thời đó vượt biển được quy vào tội phản quốc. Và những gia đình có thân nhân dính vào quân đội hoặc công chức của chế độ miền Nam cộng hòa đều mang mặc cảm của người thua cuộc. Họ còn bị phân biệt lý lịch, ngay cả con cái họ gặp khó khăn trong việc học hành. Mẹ Huy hy sinh đời mình để Huy có một tương lai sáng sủa hơn. Bà không muốn con mình sống trong cảnh hận thù.

Ngày Huy rời gia đình để đến một nơi vùng biển với một gia đình tổ chức vượt biển, người mẹ chỉ ôm con vào lòng. Những ngày sau đó người mẹ chỉ biết cầu nguyện Trời phù hộ cho con mình được bình an, vượt qua sóng gió bão táp của đại dương bao la. Đến được một vùng đất tự do. Người mẹ cứ đợi tin vui từng ngày. Mỏi mòn. Thời đó thuyền nhân người Việt lén lút bỏ nước ra đi, tin buồn nhiều hơn tin vui. Bỏ xác dưới đại dương làm mồi cho cá mập. Hằng đêm Mẹ Huy đọc kinh cầu nguyện vì cả năm rồi vẫn bặt tin con. Người mẹ mở nở một nụ cười khi nhận được thư người bảo trợ cho con mình sống trên đất Mỹ.

Hai mẹ con Huy sống cách nhau nửa vòng trái đất. Tưởng rằng suốt đời họ sẽ xa nhau. Cuối cùng mẹ Huy cùng các em cũng được qua Mỹ dù đã mười hai năm sau hai mẹ con mới gặp lại. Bấy giờ Huy đã trưởng thành. Huy được đào tạo trong môi trường giáo dục nhân bản. Sau này Huy trở thành một bác sĩ. Huy lập gia đình với một người con gái phương Tây. Người mẹ về sống cùng một mái nhà vơi vợ chồng Huy.

Những lần tôi qua Mỹ đến thăm chỉ thấy hai mẹ con hỏi ra mới biết Huy đã ly dị vợ rồi, cô nàng đã về nước Pháp. Khi Huy biết mẹ mình và tôi đã từng có một thời gian yêu nhau thắm thiết nhưng duyên không thành, rồi mỗi người đều có gia đình khác, một hạnh phúc khác. Phần tôi đã yên bề gia thất. Còn mẹ Huy từ ngày chồng chết vẫn chưa tái giá dù nàng có nhiều người đàn ông khác theo đuổi. Chúng tôi gặp lại nhau đã hai mươi năm rồi tình cảm đối với nhau vẫn trong sáng như thời mới yêu nhau. Hạnh phúc riêng của người này là niềm vui của người kia. Giữa vợ tôi và mẹ Huy xem nhau như hai người bạn thân tình. Các con tôi rất thương mến mẹ Huy. Ngược lại tôi xem Huy như con trai mình. Tôi yên tâm cuối đời vẫn thấy được người xưa an cư nơi xứ lạ quê người. Tôi thường theo dõi đời sống nàng.

Từ San José Phan gọi điện báo cho tôi biết Huy đã bán ngôi nhà, lấy tiền về Việt Nam. Tôi đâm hoảng không biết lý do và lo lắng vô cùng những ngày sắp tới mẹ Huy sống ra sao. Tôi giận Huy vô cùng. Tôi hình dung trong trí tưởng đôi mắt nàng ngấn lệ nuốt nỗi sầu đau đớn trước sự việc quá bất ngờ này.

Tuần lễ sau, Lữ gọi điện mời tôi đến dự buổi cơm chay đãi mẹ con Huy mới về Việt Nam. Tôi từ chối. Tôi không đủ can đảm để chứng kiến sự việc kỳ lạ này. Nỗi đau của người yêu xưa hay sự thất vọng về lối hành xử của đứa con trai mà bà đã hết lòng thương yêu đã làm tôi thất vọng.

Tôi cho Lữ biết tâm sự này khi Lữ trách tôi là vô tâm. Từ lâu Lữ hiểu tình cảm tôi đối với nàng tha thiết đến mức độ nào, Lữ tưởng khi báo tin nàng về tôi sẽ đến gặp ngay. Khi Lữ cho tôi biết anh cũng ngạc nhiên vô cùng trước cuộc chia tay giữa hai mẹ con này trên mảnh đất Việt Nam. Người Mẹ luôn nở nụ cười rạng rỡ như đang hãnh diện về sự trở về quê cha đất tổ của con mình. Còn Huy ung dung, thảnh thơi như đang đi trên con đường hạnh phúc.

Chính sự ngược lại điều tôi tưởng đã làm tôi hồi tâm. Tôi tự trách mình hồ đồ. Tôi tìm đến thì Mẹ Huy đã về Mỹ. Còn Huy, cả Lữ và tôi đều bặt tăm.

*

Có những sự việc xảy ra trong đời mình, cứ tưởng nó sẽ qua đi và mất hút trong trí nhớ. Bỗng nhiên từ một sự kiện khác làm bùng dậy, nối kết nhau xáo trộn thời gian thành một chuỗi hình ảnh liên tiếp như một cuộn phim. Nụ cười như mãn nguyện của nàng đã làm tôi nhớ lại, từ những năm trước khi hai chúng tôi ngồi bên nhau, tâm sự với nhau về những người thân yêu của gia đình mình. Nàng kể cho tôi nghe về sự kỳ diệu lạ lùng đã cứu sống Huy trong chuyến vượt biển.

Biển cả mênh mông. Tưởng rằng mình sẽ được đi trên con tàu lớn như người tổ chức hứa hẹn tương xứng với lệ phí mỗi người cả mười cây vàng. Ai ngờ chỉ là tàu đánh cá cũ kỹ nhưng tiến thoái lưỡng nan. Thôi đành theo mệnh trời. Sinh mệnh của mấy mươi người nằm la liệt vì say sóng, nhưng rồi cũng gắng gượng được trở lại bình thường sau khi uống vài viên thuốc mà người lái tàu dự phòng mang theo.

Tưởng rằng chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ thuyền ra khơi sẽ đưa những mọi người lên chiếc tàu lớn đang đợi ở một địa điểm đã định. Nhưng kế hoạch đã vỡ, con tàu biệt tăm. Chiếc thuyền lại mất phương hướng. Người tài công trước kia là một sĩ quan hải quân chỉ phụ tá cho một thuyền trưởng của một hạm đỉnh. Vợ con anh đã di tản qua Mỹ trên chiến hạm của đơn vị anh trước ngày 30 tháng tư. Bây giờ, bằng mọi thách thức anh phải đưa con tàu nhỏ bé này vượt biển đến bất kỳ một đất nước nào,

Ngoài dự tính, con tàu đã hết nhiên liệu. Thức ăn mọi người mang theo thường là lương khô và nước ngọt cũng đã cạn kiệt. Sức khỏe nhất là đối với lũ trẻ cũng bắt đầu suy yếu, chúng không chịu nổi gió biển gào thét và những cơn mưa bất chợt rét lạnh.

Tai ương ập đến. Ban đầu là cái chết của một cô bé gái lên mười tuổi mang cơn bệnh tim bẩm sinh. Người thiếu phụ ôm xác con vào lòng. Tóc rối bù. Đôi mắt thất thần. Miệng lẩm bẩm hát ru, những lời rối bù. Huy không quên được hình ảnh đau thương ấy mỗi lần Huy kể lại cho mẹ nghe. Hình ảnh kinh hoàng nhất là cảnh vất xác con bé xuống biển như vất một hòn đá vô tri. Hai người đàn ông nắm lấy hai cánh tay và hai bàn chân bé nhỏ, đua đưa miệng hô to một hai ba, xác con bé tung lên và  quăng xa rồi rớt xuống biển, một tiếng động vang lên, một bọt nước trắng xóa văng lên. Hình ảnh này cứ ám ảnh mãi tâm hồn Huy Đứa bé gái đó là cô bạn thân cùng hàng xóm, chúng thường chơi trò quăng những hòn đá nhỏ xíu lên mặt nước của một con suối. Tiếng trẻ thơ cùng reo lên một hai ba để khởi động cuộc chơi. Ở xứ người, mỗi lần nghe bọn trẻ con trong trường học hô to một hai ba bằng tiếng Anh cũng làm tim Huy đập mạnh như muốn vỡ tan. Có phải vì cô bé đó không chịu nổi phong sương bảo táp bởi cơn bệnh tim, trước khi lìa đời Huy đã ôm chặt lấy cô bé mà sau này lớn lên Huy quyết tâm vào học ngành y.

Con tàu nhỏ này lênh đênh trên lòng biển cả bao la, mất cả phương hướng. Nhiên liệu tiêu sạch. Lương thực và nước ngọt mang theo cũng hết. Sức lực thuyền nhân đã cạn kiệt chỉ chờ cái chết đến như đứa bé gái trước đó, bỗng có tiếng của người lái tàu báo hiệu phía xa một chiếc tàu đang tiến gần, mọi người bừng dậy, nhưng chỉ một phút chốc họ đâm hoảng sợ nhất là đám phụ nữ khi con tàu mang cái cờ màu đen có cái sọ người vừa sáp vào mạn thuyền. Bọn hải tặc, mặt mày đen đúa, mình trần trụi, giơ bộ ngực xâm hình con hổ, tay lăm le khẩu súng ngắn. Một tên đầu đảng cầm súng đưa lên trời bắn giương oai. Người đàn bà vừa mất con cũng là cô ruột của Huy còn chưa qua cơn đau khổ sợ hãi ôm chặt lấy Huy khi tên đó tiến đến với vẻ mặt hung tợn. Hắn nhe hàm răng trắng có viền vàng. Hai bàn tay thô bạo nắm lấy đôi vai mảnh khảnh đang run rẩy ra khỏi người Huy. Thằng bé sợ hãi, nhưng vừa nhớ đến lời mẹ dạy. Huy đưa bàn tay bé bỏng nắm chặt tượng Phật Bà Quan Âm. Huy nguyện cầu. Như lời Mẹ dặn. 

 

Ngày đó, trước khi giao con cho người bảo hộ, Hiền chỉ bỏ vào túi áo con một tượng Phật Bà Quan Âm bằng sứ nhỏ xíu được gói trong một trang giấy học trò. Nàng ôm con vào lòng mà nói nhỏ dặn con khi nào gặp nạn con hãy nắm thật chặt bức tượng nhỏ trong lòng bàn tay. Tượng Phật Bà làm bằng cẩm thạch nhỏ nhắn xỏ vào một sợi dây chuyền bằng bạc là quà tặng của mẹ Hiền cho đứa con gái, như một bùa hộ mệnh. Trong những ngày di tản khỏi thị xã nơi gia đình Hiền sinh sống thoát cảnh chiến trường đẫm máu, cũng như mọi người dân khác bỏ nhà bỏ của kéo nhau tìm đến một tỉnh lỵ khác còn im tiếng súng. Suốt cả ngày đêm Hiền lẽo đẽo theo sau dòng người như đàn kiến vượt qua mọi cản trở. Thân gái dặm trường lại dắt thêm đứa con trai mới 5 tuổi. Cảnh hoảng loạn mọi người xô đẩy nhau khi có một tràng súng nổ từ phía trước. Đứa con trai buông tay mẹ chìm trong dòng người kéo đi. Hiền với đôi chân rướm máu nhưng cố lết rồi ngồi dưới một gốc cây bên vệ đường. Hiền đưa tay lên ngực nắm lấy pho tượng theo như lời dặn của mẹ nàng mà niệm Phật cầu nguyện phù hộ cho nàng tìm được con. Suốt cả một đêm trong khu rừng Hiền khi chợt mắt, miệng lâm râm cầu Phật, Gần sáng Hiền thiếp đi một chập, mở mắt thấy trước mặt thằng con trai đang cười mừng rỡ. Người đàn ông tả tơi trong bộ đồ trận giao lại đứa bé cho Hiền, dặn dò đôi ba câu, chỉ hướng cho mẹ con nàng ra khỏi khu rừng mất an ninh này. Hình ảnh người lính này làm Hiền lo lắng đến số phận của chồng mình đang chiến đấu ở mặt trận Xuân Lộc. Hiền tiếp tục niệm Phật cầu mong cho chồng giữ toàn mạng sống. Chồng Hiền nhiếu lần thoát chết ngoài chiến địa. Đại dương bao la và đầy nguy hiểm, Hiên giao tượng Phật nhỏ này lại cho đứa con như một bùa hộ mệnh.

 

 Chỉ trong tích tắc. Không hiểu sao Huy hét lên một tiếng kêu ghê rợn. Bọn hải tặc lao nhao nhảy qua tàu chuồn mất. Chính khoảnh khắc đó người đàn bà từ đâu  đến nhập vào hồn Huy. Chính bà ấy đưa tiếng hét thất thanh của Huy bay xa làm cho một chiếc tàu lớn đang di chuyển ngoài khơi tìm đến cứu nạn.

Ngày mẹ con Hiền gặp nhau trên đất Mỹ, Hiền mới nghe con trai mình kể lại chuyến vượt biên đầy bí hiểm. Nó vượt qua mọi lý trí suy luận. Bấy giờ Huy đã thành một chàng thanh niên dáng người cao ráo có đôi mắt màu xanh vầng trán rộng đang theo học ngành y tại trường đại học California. Những lần ngồi bên mẹ Huy thường hỏi mẹ về Phật Bà Quan Âm, Hiền nói như một ni cô đang thuyết pháp. Thuở còn cắp sách đến trường Hiền đã từng trú ngụ ở một ngôi chùa nữ trong thị xã, hằng đêm Hiền nghe kinh cùng tiếng gõ mõ đều đều của những ni cô trước bàn thờ to lớn bệ vệ bức tượng thếp vàng Phật Bà Quan Âm. Khi hai mẹ con sống cùng chung một mái nhà việc đầu tiên là Hiền lập một bàn thờ Phật Bà Quan Âm, tìm chưa có tượng Phật chỉ có một bức tranh vẽ Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen, vẻ mặt hiền từ thánh thiện, trên đầu có vầng hào quang. Khi Huy cho mẹ biết về người đàn bà xuất hiện trong tâm tưởng của Huy trong lần cứu nạn chiếc tàu qua cơn nguy biến khác hẳn với hình ảnh Phật Bà Quan Âm. Huy cố gắng diễn tả khuôn mặt dáng người đó với mẹ mình với giọng nói đầy xúc động. Người đàn bà đó, khoác trên mình một chiếc áo màu vàng nhũ có đóng dấu hoa văn như trống đồng. Đôi mắt có đuôi. Lông mày cong và mảnh. Bàn tay năm ngón thon. Toát lên một cảm giác ấm áp khi bà ôm chặt lấy Huy. Bà vỗ về Huy. Trước khi bà biến mất, bên tai Huy vẫn văng vẳng tiếng nói trách móc đến một ai đó: Sao ông để con cháu mình bị đày đọa thảm khốc như thế này, Giận chồng nhưng ta phải cứu con cháu mình.

Giật mình Hiền lẩm bẩm: Chẳng lẽ là bà Âu Cơ, Huy thắc mắc và nhờ mẹ giải thích. Hiền kể lại Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ mà thuở bé nàng đã thuộc lòng từ một cuốn sách sử thời tiểu học.

Tưởng rằng Huy bị ám ảnh về nỗi kinh hoàng của một chuyến vượt biển thời thơ ấu cùng việc thoát nạn và được cứu sống đưa Huy qua một đất nước khác một cách bí hiểm mà bao nhiêu năm Huy không giải thích được. Đã 40 qua bây giờ Huy là đàn ông 50 tuổi, một bác sĩ về tim mạch nổi tiếng trong một đất nước giàu mạnh nhất thế giới, bỗng dưng Huy bán hết gia tài, nhà cửa để trở về quê cha đất tổ, Hiền thắc mắc. Huy hỏi lại: - Mẹ ơi, mình nợ cái gì, của ai thì mình không trả được không. Người mẹ nói dứt khoát: - Nợ thì phải trả. Bất cứ lúc nào

Huy cầm tay mẹ: Bây giờ con trả nợ đây.

- Nợ ai

- Nợ bà Âu Cơ

- Lúc nào

         - Bốn mươi năm trước. trong chuyến vượt biển. Con có một lời nguyện.

Người Mẹ, một người đàn bà đã trên 70 tuổi đưa bàn tay lên vuốt tóc con mình nói nhỏ: Hạnh phúc cho ai đã làm thực hiện được ước nguyện của mình. Cả hai mẹ con đều nở một nụ cười thỏa mãn rạng rỡ.

Những ngày đầu Xuân, trời Sài Gòn lạnh hơn mọi khi, lời chúc mừng đầu tiên cùng lời cám ơn đến với mọi người, tôi đặc biệt dành cho mẹ con Hiền nhất là Huy.

Chính sự trở về quê cha đất tổ của Huy đã làm tôi thay đổi lối nhìn về một truyền thuyết mà từ thuở ấu thơ đến tuổi xế chiều vẫn làm tôi ray rứt. Cái chia tay mỗi người mỗi ngả, dắt thêm đàn con 50 người. Lạc Long Quân xuống biển. Âu Cơ lên rừng. Vợ chồng chia lìa. Anh em 100 người chia đôi, quên bẵng mình cùng một bọc trăm trứng sinh ra. Những cuộc nội chiến xuyên suốt bao nhiêu thời kỳ lịch sử. Những con sông làm ranh giới chia đôi đất nước. Sông Gianh thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Sông Bến Hải ngăn cách hai chế độ. Lịch sử cứ lập đi lập lại. Nỗi đau mất mát triền miên.

Bấy giờ tôi giật mình mới khám phá ra hình như người viết sử ngày xưa đã bỏ mất đoạn kết về truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ.

Chỉ sau một thời gian cả hai người đều dắt đàn con về trên thảo nguyên. Trăm đứa con ôm nhau sau bao năm xa cách. Chiến tranh không bao giờ trở lại.

 

 

 

 

Nguyên Minh
Số lần đọc: 871
Ngày đăng: 13.04.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kế hoạch kinh doanh - Lê Hứa Huyền Trân
Cái rào tuổi thơ - Quang Nguyễn
Ông lão 80 trên lồng cu - Nguyễn Lệ Uyên
Món quà Xuân - Nguyễn Đại Duẫn
Chân mây xa vời (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Chuyện bên đống lửa sưởi - Vinh Anh
Định kiến - Lê Hứa Huyền Trân
Chân mây xa vời - Đỗ Nguyễn
Xập xòe én liệng - Nguyễn Đức Tùng
Nhớ một mái hiên - Lê Hứa Huyền Trân