Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
667
123.366.210
 
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 12)
Lê Ký Thương
 

Lê Ký Thương dịch từ bản tiếng Anh:
A PERSONAL MATTER  của John Nathan
NXB CHARLESE - TUTTLE COMPANY JAPAN -1994 

 

12

Vào lúc Điểu kéo vừa xong mui xe màu đen lên thì một cơn gió quay tít quanh con đường như một chú gà hoảng hốt ngửi thấy mùi xúc xích và tỏi cháy. Những lát tỏi khô cắt mỏng trộn trong bơ, thêm xúc xích và nước vừa đủ để hấp: đó là món ăn mà ông Delchef đã dạy anh, Điểu tự hỏi không biết điều gì xảy ra với ông Delchef. Có lẽ giờ này ông ta đã bị bắt đi khỏi cô gái Nhật nhỏ bé, xanh xao kia và đã quay lại tòa công sứ. Trong cái ổ chuột ở tận cùng hẻm cụt ấy, ông ta có cố gắng kháng cự mãnh liệt không nhỉ? Liệu cô bạn tình của ông có kêu khóc bằng thứ tiếng Nhật mà chính ông Delchef cũng như những nhân viên tòa công sứ không thể nào hiểu nổi khi họ đến mang ông ta đi? Cuối cùng, sự chọn lựa duy nhất của họ có thể làm cam chịu mà thôi.
Điểu chăm chăm nhìn chiếc xe thể thao. Với chiếc mui đen trên bộ khung đỏ chói của nó, chiếc xe trông giống như thịt của một vết thương bị xé toạc và xung quanh là những vảy. Sự kinh tởm dậy lên trong lòng Điểu. Bầu trời tối lại, không khí ẩm ướt và trương phình lên, một cơn gió đang ào ào thổi đến. Mưa tràn  ngập không gian như sương mù và một cơ gió mạnh cuốn nó đi thật xa rồi bất ngờ quay ngược trở lại. Điểu nhìn lên những tàn cây sum suê đang rung chuyển phía trên mui xe và thấy cơn mưa dữ dội rửa sạch vẻ u sầu của chúng thành một màu xanh thật sống động . Đó là màu xanh, màu xanh của ngọn đèn giao thông cho phép anh tiếp tục cuộc hành trình trên giao lộ đường cao tốc. Anh trầm ngâm nghĩ có lẽ anh sẽ thấy màu xanh đầy sinh khí này vào giờ phút lâm chung. Điểu cảm thấy như anh sắp bị bàn tay của một tên phá thai mờ ám dẫn vào cõi chết. Chính anh chứ không phải thằng bé.
Cái nôi và áo quần thằng bé đặt trên bậc thềm trước nhà, Điểu nhặt lên rồi nhét vào chỗ trống phía sau ghế ngồi của tài xế. Đồ lót, vớ, những cái áo liền quần bằng len, cả một chiếc mũ tí tẹo: đó là những thứ mà Himiko đã mất rất nhiều thì giờ để chọn lựa.Điểu đã phải chờ cả tiếng đồng hồ, đến độ anh phải tự hỏi liệu Himiko có bỏ rơi anh không. Anh không thể hiểu tại sao nàng có thể phung phí thời gian đến như vậy để cẩn thận chọn lựa quần áo cho một đứa trẻ sắp chết: sự nhạy cảm của phụ nữ luôn luôn kỳ lạ.
“Anh Điểu, bữa ăn trưa chuẩn bị xong rồi”. Từ cửa sổ phòng ngủ Himiko gọi ra.
Điểu thấy Himiko đang đứng trong bếp ăn xúc xích. Anh tò mò nhìn vào chiếc chảo chiên rồi thụt lùi lại, giật nẩy người vì mùi tỏi. Quay về phía Himiko đang chăm chăm nhìn anh một cách tò mò, anh yếu ớt lắc đầu. “Nếu anh không thèm ăn, tại sao anh không đi tắm đi?” Giọng nàng sặc mùi tỏi.
“Có lẽ thế”, Điểu nhẹ nhõm nói. Mồ hôi trên người anh đã làm đông đặc bụi đất.
Điểu thận trọng rụt đôi vai khi tắm. Chuyện tắm nước nóng thường làm cho anh tỉnh táo, nhưng lúc này anh chỉ cảm thấy đau nhói trong tim, Điểu nhắm chặt đôi mắt dưới những tia nước ấm, ngã đầu ra sau, lần này với ý thức, và cố dùng mặt dưới của hai ngón tay cái gãi sau tai. Một phút sau, Himiko nhảy đến bên cạnh anh, tóc nàng che kín trong chiếc mũ tắm vinyl có hình dáng giống như quả dưa hấu và bắt đầu kỳ cọ thân thể bằng bánh xả phòng. Vì thế Điểu ngưng chơi trò gãi tai và rời khỏi phòng tắm. Trong lúc đang lau khô người, Điểu nghe tiếng uỵch của một vật gì đó to lớn và nặng nề đụng mặt đất bên ngoài. Khi anh đến cửa sổ phòng ngủ, anh thấy bánh xe trước phía phải đã biến mất! Không kịp lau khô người, Điểu vội mặc quần áo vào và ra ngoài xem xét chiếc xe. Anh nhận ra những bước chân đang chạy trốn xuống con đường hẹp, nhưng thay vì đuổi theo, anh lại đứng lại kiểm  tra sự hư hại. Không có dấu vết bánh xe. Đèn pha bên tay phải đã bị vỡ. Một kẻ nào đó đã kích chiếc MG lên, tháo bánh ra, rồi đứng trên đòn bẩy  để lật nghiêng chiếc xe xuống đất gây ra cú va mạnh đến độ làm đen pha bị vỡ. Bên dưới xe, cái kích nằm giống như một cánh tay gãy.
“Có kẻ trộm mất một bánh xe rồi”, Điểu nói lớn với Himiko. Lúc này nàng vẫn còn trong phòng tắm. “Một chiếc đèn pha bị vỡ. Anh hy vọng em có phụ tùng thay thế chứ!”.
“Phía sau mái hiên ấy”.
“Nhưng ai ăn cắp mất bánh xe?”.
“Anh nhớ cậu nhỏ bên kia cửa sổ tối hôm đó chứ? Chính nó chứ không ai khác. Nó trốn gần đâu đó với cái bánh xe và em đánh cuộc với anh là nó đang nhìn chừng chúng ta... - Himiko đáp lại như chẳng có chuyện gì phải ầm ĩ - ... và chạy khỏi đây, em cá là thằng bé sẽ phát khóc lên trong bụi, nó sẽ quê ghê lắm đấy. Hãy thử xem”.
“Thế cũng tốt nếu chiếc xe chạy được. Để anh xem có sửa được không”.
Điểu thay bánh xe, bùn đất và dầu mỡ dính đầy hai tay. Công việc làm anh đổ mồ hôi nhiều hơn trước khi anh tắm. Khi làm xong, anh thận trọng khởi động máy, ổn cả. Họ phải chậm một chút nhưng chắc chắn mọi việc sẽ kết thúc trước khi trời tối, họ chẳng cần đèn trước xe. Điểu cảm thấy thích tắm lại nhưng Himiko đã sửa soạn xong, ngoài tra, lúc này anh cũng đâm ra bực tức đến nỗi ngay cả chuyện trì hoãn dù mảy may cũng không thể chịu được. Họ ra khỏi nhà. Khi xe chạy có ai đó sau lưng họ ném đá vào xe.

“Em cũng vào chứ?” Điểu khẩn khoản khi Himiko không có động tác rời khỏi xe. Hai người cùng vội vã bước xuống dãy hành làng dài đi đến khu chăm sóc đặc biệt, Điểu ôm chặt cái nôi còn Himiko ôm quần áo thằng bé. Điểu nhận biết tâm trạng căng thẳng đặc biệt của mình và thái độ lạnh nhạt của những bệnh nhân mà họ gặp trong dãy hành lang. Nó chính là ảnh hưởng của cơn mưa đập vào ngọn gió dã man rồi bất ngờ thoát lui tuồng như đuổi bắt, và của cú sấm ì ầm từ xa. Khi Điểu bước xuống hành lang với cái nôi trong tay, anh suy tính cách đề cập tốt nhất với các cô y tá về chuyện đưa thằng bé ra khỏi bệnh viện, càng lúc anh càng thấy khiếp sợ. Nhưng khi anh bước vào khu chăm sóc thì mọi người đã biết rằng anh sẽ đem đứa bé đi cùng với anh, Điểu nhẹ người. Dù vậy, anh vẫn giữ bộ mặt lúng túng và nhìn xuống sàn nhà, trả lời một cách hết sức ngắn gọn những câu hỏi thuần về thủ tục, Điểu sợ những cô y tá trẻ tò mò mở miệng hỏi tại sao anh mang thằng bé đi mà không giải phẫu hoặc anh định mang nó đi đâu.
“Anh hãy cầm tấm phiếu này đến văn phòng và trả những khoản tiền cần thiết”, cô y tá nói. “Trong lúc ấy tôi sẽ gọi bác sĩ trực”.
Điểu lấy tấm phiếu lớn. Một tấm phiếu màu hồng ti tiện.
“Tôi có mang một ít áo quần cho thằng bé...”
“Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ cần đến. Tôi sẽ lấy ngay bây giờ”. Khi lên tiếng, đôi mắt cô y tá lộ rõ vẻ bực mình. Lập tức, Điểu đưa hết áo quần của thằng bé. Cô y tá dò xét từng cái một, chỉ ném lại cho anh cái mũ. Điểu lúng túng cuộn tròn nó lại nhét vào túi. Rồi anh bực tức quay lại phía Himiko, nàng chẳng để ý gì cả.
“Gì thế anh?”
“Chẳng có gì. Anh phải đến văn phòng một chút”.
“Em đi với”, Himiko vội vàng nói, như sợ bị bỏ rơi. Suốt cuộc thương lượng với các y tá, hai người đứng vặn vẹo thế nào mà những đứa trẻ nằm bên kia bức vách kính ngăn không thể lọt vào tầm nhìn của họ được.
Khi cô gái ở ô cửa phòng tiếp tân nhận tấm phiếu màu hồng, cô ta hỏi giấy tờ của Điểu và nói: “Tôi biết anh sẽ từ giã chúng tôi – xin chúc mừng!”.
Điểu chẳng xác nhận mà cũng chẳng chối bỏ, chỉ gật đầu.
“Anh đặt tên cho con anh là gì chưa?” Cô gái hỏi tiếp.
“Chúng tôi… chưa quyết định”.
“Hiện thời thì cháu được ghi đơn giản là đứa con trai đầu lòng của anh, nhưng nếu chúng tôi có một cái tên trong hồ sơ của cháu thì hay hơn nhiều”.
Một cái tên! Điểu nghĩ. Lúc này cũng như khi ở trong phòng bệnh của vợ anh, ý nghĩ của anh như cuộn tơ vò. Ban cho con quái vật một cái tên và từ khoảnh khắc đó nó có vẻ là người hơn, có thể nó bắt đầu tự khẳng định là một con người. Sự khác biệt giữa cái chết trong lúc con quái vật không tên và cái chết sau khi Điểu cho nó một cái tên, đối với anh sẽ có nghĩa là sự khác biệt về bản chất hiện hữu của con người.
“Ngay cả một cái tên tạm thời anh cũng không tìm ra được à?”. Cô gái hỏi một cách vui vẻ, mặc dù giọng nói của nàng không đi đôi với vẻ ngoan cố của nàng.
“Điểu, đặt tên cho cháu chẳng hại gì cả”. Himiko nóng nảy lên tiếng.
“Tôi sẽ gọi nó là Kikuhiko”, Điểu nói khi nhớ đến những lời của vợ anh, rồi anh viết tên đó ra cho cô gái.
Chuyện tiền bạc đã giải quyết, Điểu lấy lại gần toàn bộ số tiền mà anh đã gởi để đóng quỹ tạm. Đứa bé chỉ dùng sữa loãng và nước đường, vì ngay cả thuốc kháng sinh cũng bị từ chối, nên chuyện nằm bệnh viện của nó chẳng mấy tốn kém.
Điểu và Himiko quay xuống hành lang trở lại khu chăm sóc đặc biệt.
“Đây là món tiền mà anh rút ra từ tiền để dành cho chuyến du lịch sang châu Phi. Và trong phút giây anh quyết định sát hại thằng bé rồi đi châu Phi với em, nó lại quay về túi anh…”. Điểu nói như kẻ mất hồn, không biết chắc mình muốn nói gì.
“Và rồi chắc chắn chúng ta sẽ dùng món tiền này ở châu Phi”, Himiko nói một cách thoải mái. Nàng tiếp: “Anh Điểu, cái tên Kikuhiko đó… Em biết có một quán rượu dành cho những người đồng dâm nam tên là Kikuhiko, viết cùng những mẫu tự như thế. Tên của người chủ là Kikuhiko”.
“Cậu ta bao nhiêu tuổi?”
“Thật khó mà nói cho chính xác, có lẽ nhỏ hơn anh bốn năm tuổi gì đó”.
“Anh cá là hắn chính là tên Kikuhiko mà anh quen trước kia. Trong suốt thời kỳ chiếm đóng hắn có quan hệ tình cảm với một tùy viên văn hóa Mỹ và rồi hắn trốn khỏi Tokyo”.
“Thật là một sự ngẫu nhiên! Anh Điểu, sau này chúng ta đến đó chứ?”.
Sau này, Điểu nghĩ, sau khi bỏ rơi đứa con cho kẻ phá thai ám muội!
Điểu nhớ lại chuyện bỏ rơi người bạn trẻ Kikuhiko trong đêm khuya ở một tỉnh lỵ. Và bây giờ đứa con mà anh sắp sửa bỏ rơi cũng có tên Kikuhiko. Đúng là những cạm bẫy ranh ma ngay cả trong hành động của chuyện đặt tên. Trong một thoáng, Điểu cân nhắc đến chuyện quay trở lại để sửa tên thằng bé, nhưng ý định này tan biến ngay tức khắc vì tính yếu đuối của Điểu. Điểu bỏ đi chỉ để làm tăng thêm sự đau khổ cho chính mình. “Đêm nào đó chúng ta sẽ đến quán rượu của Kikuhiko”, anh nói. “Hẳn là sẽ thức suốt đêm”.
Đứa con của Điểu – Kikuhiko đang nằm trong nôi, mặc quần áo len dài mà Himiko đã chọn, được mang đến bên này tấm vách kính ngăn. Bên cạnh chiếc nôi là viên bác sĩ trực cố ý đợi Điểu, Điểu và Himiko đứng đối diện với viên bác sĩ bên kia chiếc nôi, Điểu cảm thấy Himiko bị chấn động khi nàng nhìn thấy thằng bé. Bây giờ thì nó to con hơn, đôi mắt mở ra trông giống những nếp gấp sâu dưới làm da đỏ hỏn và đang nhìn họ, nghiêng về một bên. Ngay cả khối u trên đầu thằng bé cũng có vẻ lớn hơn nhiều. Nó đỏ hơn khuôn mặt thằng bé, bóng lưỡng, sưng phù. Trong đôi mắt mở của nó, thằng bé có cái nhìn héo hon, cổ kính của những nhà tu khổ hạnh trong các bức tranh cuộn của phái Nam tông, nhưng rõ ràng nó thiếu chất người, có lẽ tỷ lệ phần trước đầu phải gánh chịu khối u vẫn còn làm cho nó hết sức khó chịu. Thằng bé đang lắc lư hai bàn tay nắm chặt, như thể nó muốn trốn khỏi cái nôi.
“Anh Điểu, nó chẳng giống anh”, Himiko thì thầm với giọng khàn đục.
“Nó chẳng giống bất cứ ai, ngay cả người cũng không!”.
“Tôi không muốn nói…”. Viên bác sĩ lên tiếng trách nhẹ.
Điểu liếc nhìn những đứa bé bên kia vách kính ngăn. Ngay lúc ấy tất cả bọn trẻ vặn mình trên giường, cùng lúc gây náo động. Điểu nghĩ rằng bọn chúng đang mách lẻo với nhau có một người bạn bị bắt đi. Điều gì sẽ xảy ra cho thằng bé đang tè trong lòng ấp với đôi mắt đầy suy tư kia? Và người cha ưa tranh đấu của đứa con không có gan, liệu ông ta có ở đây trong chiếc quần chẽn gối màu nâu và sợi thắt lưng da để bắt đầu một cuộc tranh luận khác?
“Anh làm đầy đủ thủ tục ở văn phòng rồi phải không?” Cô y tá hỏi.
“Đầy đủ cả rồi.”
“Giờ thì anh thích làm gì tùy ý!”
“Anh có chắc rằng không cần suy xét lại không?”. Viên bác sĩ ưu tư hỏi.
“Hoàn toàn chắc,” Điểu trả lời môt cách cứng rắn. “Xin cám ơn mọi việc”.
“Đừng cảm ơn tôi - Tôi chẳng làm gì cả.”
“Thôi được, xin chào bác sĩ.”
Viên bác sĩ đảo mắt và chừng như hối tiếc vì đã cao giọng với Điểu, lúc này anh ta nói với giọng nhẹ nhàng: “Xin chào, hãy bảo trọng nhé!”.
Khi Điểu bước ra khỏi khu chăm sóc, những bệnh nhân đang thơ thẩn trên hành lang quay lại như biết điều gì xả ra và tiến về phía thằng bé. Điểu trừng mắt, cặp lông mày vểnh ngược, bước thẳng về phía hàng lang, khom người xuống chiếc nôi như muốn bảo vệ đứa bé, Himiko vội vã theo sau. Mất tinh thần vì vẻ mặt giận dữ của Điểu, đám bệnh nhân dạt về phía hành lang mờ tối, vẫn đầy vẻ nghi ngại, nhưng có lẽ vì thằng bé, họ mỉm cười.
“Anh Điểu”, Himiko vừa nói vừa quay nhìn về phía sau, “ông bác sĩ đó hoặc một trong số các cô y tá dám báo cho cảnh sát biết lắm”.
“Họ làm gì mặc kệ”, Điểu nói một cách giận dữ. “Đừng quên rằng chính họ cũng góp phần giết thằng bé bằng cách cho uống sữa loãng với nước đường”.
Hai người tiến đến cổng chính và một đám bệnh nhân ngoại trú trông như đang giận dữ nhìn họ. Điểu không có gì để bảo vệ đứa bé khỏi sự tò mò quá mức của đám người này trừ đôi lông mày vểnh ngược của anh, Điểu cảm thấy mình như một cầu thủ đơn độc dẫn quả bóng đến cầu môn đang được cả đội đối phương trấn giữ. Anh do dự và chợt nhớ ra: “Có cái mũ trong túi quần của anh đấy. Em lôi ra dùm để che đầu thằng bé được không?”.
Điểu nhìn thấy cánh tay của Himiko run lên khi nàng làm theo yêu cầu của anh. Rồi hai người lao thẳng về phía những kẻ xa lạ đang đi ngược chiều với những nụ cười xấc xược. “Đứa bé đáng yêu thật, giống như một thiên thần!”. Một bà trung niên thốt lên và mặc dù Điểu cảm thấy mình giống như cái đích của trò bỡn cợt gớm ghiếc, anh cũng không chùn bước hoặc ngay cả chuyện ngẩng đầu lên cho đến khi thoát khỏi đám đông.
Bên ngoài trời lại mưa, một trận mưa như trút nước khác ngày hôm nay, Himiko cho xe chạy xuyên qua làn mưa, lùi lại nơi Điểu ôm chiếc nôi đứng đợi. Điểu trao chiếc nôi cho Himiko rồi leo lên xe và nhận lại đứa bé. Để giữ cho chiếc nôi an toàn trên đùi, anh phải ngồi thẳng người, cứng đờ như một pho tượng vua Ai Cập.
“Ổn chứ anh?”.
“Ừ”.
Chiếc xe lao về phía trước như bắt đầu một cuộc đua. Tai Điểu chạm vào thanh chống mui đau điếng.
“Mấy giờ rồi anh Điểu?”
Tay phải đỡ chiếc nôi, Điểu nhìn đồng hồ. Kim chỉ giờ dừng lại ở con số vô lý, đồng hồ đứng. Điểu đeo đồng hồ theo thói quen nhưng đã không xem giờ từ nhiều ngày nay, nó đứng hay chạy lúc nào anh cũng không biết. Anh cảm thấy như mình đang sống ngoài thời gian dành cho những con người có cuộc sống bình yên, không bị đau khổ vì đứa con quái dị.
“Đồng hồ anh bị đứng rồi”. Anh lên tiếng.
Himiko nhấn nút radio trên xe. Đang chương trình phát tin: xướng ngôn viên đang đề cập đến hậu quả của việc bắt đầu lại cuộc thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô. Liên minh chống Chiến tranh Hạt nhân của Nhật lên tiếng ủng hộ cuộc thử nghiệm của Liên Xô. Tuy nhiên có tình trạng chia rẽ bè phái trong Liên minh và có nhiều khả năng cuộc hội thảo thế giới sắp tới về việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân sẽ bế tắc vì bất đồng ý kiến. Đài đang phát băng nhạc viết về những nạn nhân Hiroshima chống đối lời tuyên bố của Liên minh. Có thế nào thực sự có được một thứ vũ khí hạt nhân trong sạch như thế? Điều gì  sẽ xảy ra nếu những cuộc thử nghiệm được các nhà khoa học Liên Xô thực hiện ở vùng Siberia hoang vu, có thực một quả bom hydrogen lại không gây hại cho người hay thú vật không?
Himiko đổi đài. Chương trình nhạc quen thuộc, một bản tango – không thể nào Điểu phân biệt được một điệu tango với một điệu nhạc khác. Bản nhạc như kéo dài vô tận: cuối cùng Himiko phải tắt radio. Họ đã thất bại trong việc xác định giờ giấc.
“Anh Điểu, hình như Liên minh Chống Chiến tranh Hạt nhân đã nắm hết vấn đề thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Liên Xô”, Himiko bâng quơ lên tiếng.
“Có lẽ như thế”, Điểu đáp lại.
Trong thế giới loài người này, thời gian đang trôi qua, thứ thời gian duy nhất của nhân loại, và số phận đã tóm lấy toàn thể thế giới là thứ số phận đang dẫn dắt lũ quỷ dữ. Mặt khác, Điểu chỉ có thể chịu trách nhiệm với đứa bé đang nằm trong chiếc nôi trên lòng anh, với con quái vật điều khiển số phận của riêng anh.
“Anh Điểu này, anh có nghĩ rằng có người muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân, không phải vị họ bám theo lợi ích kinh tế hoặc chính trị của việc chế tạo vũ khí nguyên tử, mà đơn giản chỉ vì họ muốn như thế không? Em muốn nói rằng nếu đa số chúng ta tin mà không có lý do đặc biệt nào rằng hành tinh này phải được trường tồn và hy vọng rằng nó sẽ trường tồn, thì cũng có những kẻ có tâm hồn đen tối tin tưởng mà không có lý do rõ ràng, rằng loài người phải bị hủy diệt. Ở miền Bắc Âu có một loài thú nhỏ như chuột, tên gọi là lemmut, thỉnh thoảng người ta phát hiện ra chúng tự sát tập thể. Anh Điểu, em tự hỏi, không biết trên trái đất này, ở một nơi nào đó cũng có những con người giống như loài lemmut ấy không nhỉ?”.
“Những con người mang lốt lemmut với tâm hồn đen tối ư? Liên Hiệp quốc có quyền thực hiện chương trình theo dõi họ”.
Dù đồng tình, Điểu cũng không muốn tham gia vào cuộc vận động chống lại những người giống loài lemmut có tâm hồn đen tối. Thực ra, anh đang ý thức được sự hiện diện của loài lemmut có trái tim đen đang thì thầm trong lòng mình.
“Nóng quá phải không anh?” Himiko lên tiếng, việc thay đổi đề tài một cách sống sượng của nàng như muốn nói cuộc đối thoại sa đà của họ không gây hứng thú cho nàng.
“Ừ, nóng thật”.
Cái nóng từ bộ máy dưới sàn xe bốc lên, và vì mui xe đóng kín nên dần dần họ cảm thấy như bị nhốt trong lò nướng. Nhưng nếu họ mở một góc mui ra thì rõ ràng  gió sẽ tạt mưa vào, Điểu đăm chiêu nhìn cái chốt cài, đó là  một loại mui quá mức lỗi thời.
“Anh chả làm được gì đâu, anh Điểu”. Himiko dò xét thấy sự thất vọng của Điểu. “Mình hãy dừng đâu đó một lát để mở cửa nhé”.
Điểu trông thấy một chú chim sẻ ướt sũng đang nằm chết trên đường ngay trước mũi xe. Chiếc xe trờ tới sát con chim chết và vì không thấy được nó nên Himiko bẻ thật mạnh tay lái sang một bên khiến bánh xe sụp ngay một ổ gà nằm dưới vũng nước bùn vàng xỉn. Điểu đập cả hai tay vào bảng đồng hồ báo nhưng vẫn không bỏ lơi chiếc nôi. Anh buồn bã nghĩ: khi tới được dưỡng đường của viên bác sĩ phá thai, có lẽ người mình đã đầy thương tích.
“Xin lỗi anh”, Himiko nói. Hẳn nàng cũng bị va đập vì qua giọng nói nàng có vẻ bị đau. Cả hai đều tránh nhắc đến con chim sẻ chết.
“Chẳng có gì quan trọng”. Đặt lại chiếc nôi vào lòng, lần đầu tiên Điểu cúi xuống nhìn thằng bé kể từ khi anh leo lên xe. Khuôn mặt đứa bé đỏ bừng lên như giận dữ, nhưng dường như nó đang thở thoi thóp. Bị nghẹt thở rồi! Điểu hoảng hốt lay chiếc nôi. Đột nhiên, thằng bé há rộng miệng như muốn ngoặm vào những ngón tay của Điểu, khóc ré lên bằng cái giọng to đến khó tưởng tượng nổi.
U-oa…u-oa…u-oa… thằng bé cứ liên tiếp gào lên, mặt nhăn lại và những giọt nước mắt lớn, trong suốt từ đôi mắt nhắm nghiền chảy dài xuống. Khi đã qua cơn hốt hoảng, Điểu lấy tay bụm đôi môi hồng đang gào la của thằng bé và cố kềm chế nỗi hoang mang khác bùng lên. Oe…oe…oe…thằng bé tiếp tục gào u-oa…u-oa…u-oa…khiến chiếc mũ có hình những chú dê con trùm cục bướu trên đầu nó đung đưa.
“Anh luôn luôn cảm thấy tiếng gào của thằng bé mang đầy ý nghĩa nhỉ”. Himiko cất cao giọng cho át tiếng khóc của thằng bé. “Với tất cả những gì chúng ta biết, có thể là nó chứa đựng đầy đủ ý nghĩa tiếng nói của con người”.
Thằng bé vẫn gào u-oa…u-oa…u-oa….
Điểu nói một cách bực dọc: “May mà chúng ta không có khả năng hiểu hết”.
Chiếc xe lao đi, mang theo tiếng la khóc của thằng bé. Tiếng khóc the thé giống như tiếng gáy của hàng ngàn con dế, có khi lại giống như cả Điểu lẫn Himiko hòa nhập vào thân xác của một con dế đơn độc và đang cùng gáy với nó. Chẳng mấy chốc cái nóng và tiếng gào của thằng bé bao trùm trong xe không thể chịu nổi nữa, Himiko đành tấp xe vào lề và mở toang cả hai cánh cửa. Không khí nóng bức, ẩm ướt trong xe thoát ra ngoài giống như một người bệnh vừa ợ hơi. Hơi lạnh và ướt ùa vào cùng với những giọt mưa. Người Điểu và Himiko mới đẫm mồ hôi, giờ đây lại run lên vì lạnh. Một hạt mưa nhỏ còn rơi cả vào trong nôi đang đặt trong lòng Điểu, nước bám trên đôi má đỏ lửng của thằng bé từng hạt nhỏ hơn cả những giọt nước mắt. Tiếng khóc của thằng bé lúc này nhẹ nhàng hơn – a…a…a… kèm theo những cơn ho làm rung cả cơ thể của nó. Rõ ràng là tiếng ho không bình thường, Điểu tự hỏi liệu thằng bé có bị bệnh đường hô hấp chăng. Cuối cùng anh cũng tìm cách che cho nó khỏi bị mưa bằng cách xoay chiếc nôi tránh cửa xe.
“ Anh Điểu này, bỗng dưng mang thằng bé ra ngoài trời lạnh như thế này khi nó vừa từ lồng ấp ra, e nguy hiểm đấy. Nó có thể bị viêm phổi mất!”.
“Anh biết”, Điểu nói với vẻ mệt mỏi, nặng nề cổ hữu.
“Em không biết phải làm sao đây”.
“Em có nghĩ phải làm cái quỉ quái gì cho thằng bé khỏi khóc vào lúc như thế này không?”. Chưa bao giờ Điểu lại cảm thấy mình hoàn toàn thiếu kinh nghiệm như thế.
“Em thường thấy người ta cho chúng bú”. Himiko ngưng một lúc như sợ hãi, rồi nàng vội nói thêm “Ta phải mang theo ít sữa anh ạ”.
“Sữa loãng ư? Hay nước đường?” Chính sự mệt mỏi đã làm cho Điểu thêm nghi ngờ.
“Để em chạy chạy vào hiệu thuốc tây. Có thể họ có bán loại đồ chơi, anh gọi nó là gì nhỉ? Anh biết không, loại có hình như cái núm vú ấy?”.
Và Himiko lao ra ngoài mưa, Điểu vừa đu đưa chiếc nôi vừa nhìn theo người tình của mình vội vã chạy trên đôi giày đế bằng. Không có người phụ nữ Nhật nào lại được học hành tốt hơn Himiko, nhưng sự giáo dục ấy đã mục rửa trên kệ chén dĩa. Nàng chẳng có những kiến thức thường tình về cuộc sống hàng ngày như đa số những phụ nữ bình thường khác. Có thể vì nàng chưa bao giờ có con. Điểu nhớ lại Himiko thời học năm đầu tiên ở trường đại học, nàng là cô gái sống động nhất trong nhóm sinh viên năm thứ nhất, và anh cảm thấy thương hại cho một Himiko đang nhảy qua vũng nước bùn như một con chó vụng về. Có ai trên cõi đời này tiên đoán được một tương lai như thế này của cô sinh viên trẻ trung, thông thái và đầy tự tin năm xưa? Nhiều chiếc xe tải đường dài rầm rập chạy qua như một đàn tê giác, làm rung cả chiếc xe lẫn Điểu và thằng bé. Điểu nghe như trong tiếng rì rầm của đoàn xe có tiếng kêu gọi khẩn cấp, mặc dù ý nghĩa của nó không rõ ràng. Đó là một ảo tưởng, nhưng anh đã nghe nó rất rõ trong vòng một phút đồng hồ.
Himiko cúi đầu nương theo những cơn gió mạnh mang theo mưa khi nàng cố gắng quay lại chỗ chiếc xe, mặt nàng nhăn lại một cách lộ liễu, chứng tỏ nàng đã nổi đóa. Nàng không chạy nữa: Điểu đọc thấy trên cơ thể đẫy đà của nàng một sự mệt mỏi rã rời giống như của anh. Nhưng khi đến nơi nàng lại nói một cách vui vẻ, giọng nàng át cả tiếng của thằng bé lúc này lại gào khóc như trước. “Họ gọi những đồ chơi này là những vú giả, có vậy mà làm em điên đầu nghĩ mãi. Đây, em đã mua hai loại”.
Việc lục lọi ra được từ “núm vú giả” trong ký ức xa xưa dường như giúp cho Himiko lấy lại được sự tự tin. Nhưng cái vật cao su màu vàng giống như hạt đậu lớn nằm trong lòng bàn tay nàng có vẻ là một thứ phiền hà đối với đứa trẻ sơ sinh kia.
“Cái màu xanh này để dùng khi trẻ mọc răng, chỉ dành cho những đứa lớn tháng. Còn cái này có lẽ là thứ bác sĩ nói mua”. Nói xong, Himiko đặt núm vú giả vào chiếc miệng hồng hào đang gào lên của thằng bé.
Tại sao em lại phải mua thêm cái dung khi mọc răng nhỉ? Điểu muốn hỏi. Rồi anh thấy thằng bé không nút được núm vú giả dành cho trẻ con. Dấu hiệu duy nhất cho thấy nó đang ngậm núm vú là gương mặt hơi nhăn của nó, dường như nó đang cố gắng dung lưỡi để đẩy núm vú ra.
“Không ổn rồi. Có lẽ vì nó còn bé quá”, Himiko nói một cách tội nghiệp sau khi cố thử độ một phút. Nàng lại đánh mất sự tự tin lần nữa.
Điểu che giấu hoài nghi.
“Nhưng em chẳng biết làm cách nào cho thằng bé nín”.
“Thế thì chúng ta phải tiếp tục thế này vậy – lại lên đường thôi”. Điểu đóng cửa xe.
“Đồng hồ ở hiệu thuốc mới chỉ 4 giờ. Em nghĩ chúng ta có thể đến dưỡng đường lúc 5 giờ”. Himiko rồ máy xe, mặt nàng lộ vẻ khó chịu. Nàng cũng đang cảm thấy quá sức bực bội.
“Nó không thể khóc suốt một tiếng đồng hồ được đâu”. Điểu lên tiếng.
5 giờ 30: thằng bé la khóc mệt quá đã ngủ, nhưng họ chưa đến nơi được. Suốt gần một tiếng đồng hồ họ vẫn đi quanh quẩn trong cùng một thung lũng lòng chảo. Họ lái xe lên xuống các ngọn đồi, nhiều lần ngang qua một con sông quanh co, đục ngầu, lần mò xuống những ngõ cụt rồi lại leo lên những đường dốc đứng trên thung lũng, dẫn đến hết hướng bắc lại về hướng nam, Himiko nhớ đã có lần lái xe đến thẳng cổng dưỡng đường, và khi xe leo lên đỉnh dốc nàng đã có thể nhận ra được khu vực lân cận. Nhưng khi xe họ chạy xuống thung lũng đông đúc dân cư với những con đường nhỏ hẹp như mê lộ thì họ không biết chắc mình đang chạy về hướng nào. Cuối cùng khi Himiko quay xe vào một con đường mà nàng nghĩ mình nhớ ra, họ gặp phải chiếc xe tải nhất quyết không chịu nhường đường, thế là họ phải lùi xe hàng trăm thước. Khi chiếc xe tải đã đi qua, họ cố quay lại, thì hóa ra họ đã lạc sang một góc phố khác. Con đường ở góc kế tiếp đó là đường một chiều: không thể nào quay xe lại được.
Điểu vẫn im lặng và Himiko cũng vậy. Cả hai đều ngại, không dám nói điều gì, sợ làm tổn thương đến người kia. Ngay cả một câu vô tư như: Anh chắc chắn là mình đã đi qua góc này đến hai lần rồi, có vẻ cũng đầy nguy hiểm như có thể gây ra sự đổ vỡ giữa hai người. Họ chạy ngang qua một trạm cảnh sát. Một nhân viên cảnh sát đang ngồi trong cổng dẫn vào một ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, và mỗi lần xì xào bàn tán họ ngại sẽ lôi kéo sự chú ý của viên cảnh sát. Họ không nghĩ đến chuyện hỏi đường với viên cảnh sát, họ cũng không dám hỏi thăm địa chỉ từ bất cứ một đứa trẻ địa phương nào. Một chiếc xe thể thao đang chở một đứa trẻ với cục bướu trên đầu đang đi tìm một dưỡng đường có tiếng tăm đáng ngờ - một tiếng đồn như thế chắc chắn sẽ gây phiền toái. Thực tế, viên bác sĩ đã lo xa đến nỗi lưu ý Himiko qua điện thoại rằng đừng ngừng bất cứ nơi đâu, dù để mua thuốc lá. Và thế là họ tiếp tục cuộc hành trình có vẻ như bất tận quanh vùng. Dần dần nỗi hoang mang xâm chiếm lấy Điểu: có lẽ họ sẽ phải lái xe suốt đêm và chẳng bao giờ  đến được cái dưỡng đường đang tìm, có lẽ một dưỡng đường sát hại trẻ sơ sinh không bao giờ tồn tại ở nơi chốn này. Không phải Điểu chỉ cảm thấy hoang mang mà còn buồn ngủ khủng khiếp. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh ngủ quên và cái nôi trong lòng sẽ rơi xuống sàn? Nếu chỗ da trên cục bướu quả thực là lớp màn cứng phủ kín bộ não, nó sẽ thủng ngay tức khắc. Thằng bé sẽ rơi xuống vũng nước bùn thấm trên sàn xe khoảng giữa hộp số và cái cần phanh, nó sẽ thở không nổi và sẽ chết – nhưng đó là một cái chết quá khủng khiếp, Điểu cố hết sức để tỉnh táo. Dù vậy, anh vẫn chìm vào bóng tối vô thức trong chốc lát và được gọi dậy bằng cái giọng khẩn thiết của Himiko: “Lạy Chúa, dậy đi anh Điểu!”.
Chiếc nôi tuột khỏi long Điểu. Anh giật mình chụp lấy nó cả hai tay.
“Anh Điểu, em cũng buồn ngủ lắm rồi. Em đang có một cảm giác đáng sợ là mình có thể lao vào một cái gì đó”.
Lúc này mùi hương thoang thoảng của buổi chiều tối trùm xuống thung lũng. Gió đã lặng, nhưng mưa còn rơi và đôi chỗ chuyển thành sương mù làm hạn chế tầm nhìn của họ. Himiko bật đèn xe, chỉ sáng một đèn: sự ghen tuông của anh chàng si tình ngây ngô của nàng đã bắt đầu có hiệu quả. Khi chiếc xe tiến gần đến chỗ cây rẽ quạt sóng đôi phía trước trạm cảnh sát, một viên cảnh sát trẻ tuổi có lẽ là gốc nông dân chậm rãi tiến ra giữa đường và vẫy họ ngừng lại.
Trước cặp mắt của viên cảnh sát, cái vẻ xanh xao, dơ dấy và đáng ngờ của Himiko và Điểu hiện ra, vì thế anh ta cúi rạp người, nhìn chăm bẩm vào xe.
“Xin cho xem bằng lái!” Giọng viên cảnh nghe giống như giọng của một con người uể oải nhất thế giới. Thật ra anh chàng chỉ trạc tuổi đám sinh viên ở trường luyện thi của Điểu, nhưng anh ta biết rõ mình đang dọa họ và lấy làm thú vị về điều này. “Khi ông bà chạy ngang qua đây lần đầu, tôi thấy rõ xe ông bà chỉ có một đèn và tôi đã làm lơ. Nhưng nếu ông bà cứ chạy lòng vòng như thế này thì tức là ông bà bắt buộc chúng tôi chặn xe lại. Và giờ đây ông bà lại còn chạy tà tà với chiếc xe chỉ có một đèn – ông bà không thể chạy như thế được. Điều đó làm tổn hại đến uy tín của chúng tôi”.
“Tất nhiên”, Himiko nói, giọng không biểu lộ bất cứ một cảm xúc nào.
“Trong xe có một đứa bé hay cái gì vậy?” Thái độ của Himiko có vẻ làm cho viên cảnh sát cảm thấy bị xúc phạm. “Tốt hơn là mời ông bà để xe lại đây và mang đứa bé đi”.
Gương mặt thằng bé lúc này đỏ lên một cách kỳ dị, hơi thở trên nên dồn dập qua cái miệng há hốc và cả hai cánh mũi phập phồng. Trong một thoáng, Điểu quên mất viên cảnh sát đang nhìn soi mói vào xe mà chỉ lo lắng thằng bé có khó thở vì viêm phổi. Anh hoảng hốt áp cả hai tay vào trán thằng bé. Anh có cảm giác trán nó nóng như lửa đốt, một thứ nhiệt độ hoàn toàn không giống với người bình thường. Điểu vụt miệng la lớn.
“Cái gì thế?” Viên cảnh sát giật mình, hỏi lại bằng giọng trẻ con vốn có của mình.
“Thằng bé bị bệnh”, Himiko nói. “Vì vậy chúng tôi buộc lòng phải chở cháu đi mặc dù chúng tôi biết đèn xe bị vỡ”. Himiko chợp lấy cơ hội viên cảnh sát đang sửng sốt. “Nhưng chúng tôi bị lạc đường và bây giờ chẳng phải biết làm sao”.
“Ông bà muốn đi đâu? Tên vị bác sĩ là gì?”
Ngần ngừ một lúc, cuối cùng Himiko nói tên của dưỡng đường. Viên cảnh sát chỉ cho họ biết dưỡng đường nắm cuối con đường nhỏ, bên trái nơi họ vừa đậu xe. Rồi anh ta nói thêm để chứng tỏ mình không phải là kẻ dễ bị lừa: “Nhưng vì nó rất gần nên chẳng hại gì nếu ông bà xuống đi bộ, tốt hơn là ông bà nên làm thế”.
Himiko nổi điên, vung tay giật chiếc mũ len ra khỏi đầu thằng bé. Đó là một đòn phủ đầu viên cảnh sát trẻ.
“Nếu mang nó ra ngoài nó sẽ phải chết đó”.
Himiko bám sát địch thủ và đã áp đảo anh ta. Có phần rầu rỉ như hối tiếc đã giữ bằng lái xe, viên cảnh sát bèn trả lại cho Himiko. “Ông bà nhớ mang xe đi sửa ngay sau khi đưa thằng bé vào dưỡng đường đấy”. Anh ta nói một cách ngốc nghếch, đôi mắt vẫn dán chặt vào cái bướu trên đầu thằng bé. “Ồ - kinh thật! Có phải cái đó gọi là sốt màng não không?”.
Điểu và Himiko quay xe về hướng viên cảnh sát chỉ. Lúc đậu xe trước cửa dưỡng đường, Himiko đã kịp hoàn hồn và nói: “Hắn chẳng ghi số bằng lái cùng tên tuổi em gì cả - đúng là một con lừa!”.
Dưỡng đường có vẻ như được xây dựng bằng thạch cao. Họ mang chiếc nôi và thằng bé vào phòng đợi. Chẳng có dấu hiệu gì có y tá lẫn bệnh nhân ở đây, chỉ có người đàn ông với cái đầu tròn như quả trứng xuất hiện ngay lúc Himiko vừa gọi. Lần này ông ta không mặc chiếc
Hoàn toàn không biết Điểu, ông ta trách Himiko bằng giọng nhẹ nhàng, chăm chú dò xét thằng bé trong nôi như đang chọn mua cá từ người bán hàng rong.
“Em đến trễ quá, Himiko. Anh mới nghĩ có khi em đang đùa với anh chút chơi”.
Cảm tưởng về phòng đợi tiêu điều của dưỡng đường thật quá sức chịu đựng của Điểu: anh cảm thấy nổi gai ốc tức thì.
“Tụi em gặp vài rắc rối trên đường đến đây”, Himiko lạnh lùng nói.
“Anh sợ em làm điều gì ghê gớm trên đường đi đấy. Em biết không, có những kẻ cấp  tiến có lần họ đã quyết định rằng chẳng có gì khác biệt giữa việc để cho đứa bé yếu dần rồi chết với việc bóp cổ cho nó chết – như thế đó, em ạ”, viên bác sĩ vừa nói vừa nâng chiếc nôi lên, “dường như thằng bé chưa gặp rắc rối gì nhiều, con người nhỏ bé đáng thương này bị yếu vì viêm phổi đấy”.
Cũng như trước đó, giọng viên bác sĩ thật nhẹ nhàng.

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 817
Ngày đăng: 28.04.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vòng tay hư ảo (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (phần 1) - Đỗ Nguyễn
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 11) - Lê Ký Thương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 10) - Lê Ký Thương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 9) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 46: Đi tìm ca sĩ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : tiểu thuyết ( Chương 45: Hai nửa con người) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 8) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 44: Rebel, Kẻ quấy rối) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 43: Dẫu có lỗi lầm) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)