Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
742
123.366.332
 
Tái sinh – Biển vẫn hát cùng anh
Hoàng Thị Thu Thủy

 

   (Đọc tập thơ TÁI SINH của Nguyễn Tiến Nên

          NXB Hội nhà văn 2020)

    

     Từ cây bút viết báo, viết ký, viết về văn hóa quê hương Cảnh Dương - Quảng Bình, nhà văn Nguyễn Tiến Nên đã có hai tác phẩm thơ Bến (2018), Hơn cả tình yêu (2020). Cùng đó là Xuân đường thi (2019 - in chung), lần này anh lại tiếp tục xuất bản tập thơ Tái sinh. Đọc tập thơ Tái sinh tôi nhận ra, khi ngôn ngữ cất lời hóa vần thơ sẽ là nơi mà cái tôi thi nhân gửi gắm tâm hồn mình và tìm sự đồng điệu tâm hồn cùng độc giả. Những vần thơ trong Tái sinh được viết trên những nẻo đường nhà thơ đi qua, trong cảm xúc từ những cảm nhận về thiên nhiên và con người, là những suy tư từ cuộc đời dâu bể… Anh giải bày về niềm tin cùng thơ ca với cái nhìn rất thật: thế kỷ trước/ anh đâu dám mơ làm chủ một phần mềm/ ngu ngơ trước chat game/ dọc ngang ngoài phố/ vài chục năm trước/ anh còn vểnh tai bởi nickname password/ nói gì tới iphone smartphone/ sành điệu vuốt ve/ thuở ấy anh chưa từng nghĩ mình sẽ làm thơ/ lóng ngóng trắc bằng/ ngữ ngôn thực luận/ mơ ước một câu thơ neo vào lòng biển/ đóng cuốn vở thật dày mang theo lúc ra khơi/ ở tuổi cổ lai hy/ anh trở thành chủ nhân bàn phím/ những destop laptop/ oshin tận tụy/ vẫn không dễ dàng có một câu thơ/ như ý/ nhưng anh tin khi hóa thành loài nhạn trắng/ biển sẽ hát cùng anh (Tin). Tôi biết có nhà thơ quan niệm, thơ ca là quý phái, nên cảm nhận thơ ca cũng như cảm nhận cái đẹp phải bước qua cái “mơ mơ hồ hồ” để hiểu hết ý tứ của một câu thơ, một bài thơ hay; tôi cũng biết có nhiều người đọc lên câu thơ thấy hay mà vẫn không biết vì sao hay, xem như là nghịch lý, nhưng đó mới là thơ. Cho nên, nhà thơ Nguyễn Tiến Nên dẫu biết vẫn không dễ dàng có một câu thơ/ như ý, nhưng anh vẫn viết, viết khi rong ruổi dặm dài qua mỗi địa danh, mỗi chứng tích, để rồi khi ngoái lại Tái sinh đã khá dày dặn với số lượng trên 60 bài.

      Ra mắt trong thời điểm lũ bão ở miền Trung dồn dập, Tái sinh như thức tỉnh tình yêu cuộc sống trong mỗi con người: hạt mưa ấy nằm đâu trong cơn lũ/ ngọn gió ấy nằm đâu trong bão dữ/ biển xanh nhường kia/ vẫn giấu mặt tử thần/ thương một thời những cặp mắt bồ quân/ hau háu xét dò/ ngậm đũa/ người lớn cay mắt nhìn nhau... (Thương); anh ngồi tính sổ với tháng Mười/ đâu có nợ nần gì nhau sao mặt mày dằn dữ/ đâu có bội bạc gì nhau sao ạt ào/ cuồng nộ/ lấy của đời bao nước mắt/ làm sông (Nước mắt tháng Mười). Mỗi bài thơ như là những bản “tốc kí tâm trạng” trong thời khắc cả tỉnh Quảng Bình đang chìm trong cơn “đại hồng thủy” - một đại họa chưa từng xảy ra, lúc này thơ ca kiêm luôn cả tính phóng sự, báo chí; âu đó cũng là nét riêng của thơ Nguyễn Tiến Nên.

Tập thơ tập hợp nhiều bài thơ ghi lại tâm trạng của thi nhân khi anh đi và đến những nơi, những địa danh bằng cái nhìn từng trải, cái nhìn mang xúc cảm thơ ca, đó là những bài: Bến K15; Bên cầu Thạch Hãn; Những chân hương cũ; Rau má ơi!; Cho em vào đời; Trước tượng đài Vua Quang Trung; Nhớ Cát Bà; Nỗi nhớ tàu bay… Tôi đã từng giật mình trước hình ảnh những em bé vùng cao trên trang thơ của anh, dường như tứ thơ đã hình thành trong cái nhìn tâm cảm, và cũng nhờ thơ anh tôi biết thêm một vùng đất, nơi đó trẻ em còn ngơ ngác, dường như văn minh chưa chạm đến đây: những ánh mắt vô hồn/ cái nhìn lấm lét/ cánh tay khạo khờ/ rụt rè đưa lên/ để làm gì - chẳng hiểu/ khô khan nụ cười/ hiếm hoi tiếng hát/ em bé Bản Troi/ gieo vào tôi/ con sóng/ neo vào tôi/ những dấu chấm hỏi... (Em bé Bản Troi).

      Có lúc ta bắt gặp tứ thơ khá bất ngờ ở những nơi mà nhà thơ chỉ một thoáng dừng chân: từ làng chài/ chuyển nước dời non/ đẩy lùi ngọn sóng/ sinh nở/ sinh tồn.../ tôi ém vào hành lý/ một thoáng Singapore! (Một thoáng Singapore) - chỉ một thoáng thôi mà con người làng chài, người thơ làng chài như muốn thu vào tầm mắt, thu vào nỗi nhớ cảm xúc choáng ngợp trước một đất nước có nền văn minh gần như bậc nhất ở vùng Đông Nam Á.

Anh đã từng say sưa nghiên cứu về truyền thống học hành khoa bảng, truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa để ra cuốn sách Cảnh Dương - tình đất - tình người (Nxb Thuận Hóa, 2020), nên anh đã có những vần thơ thật gan ruột với chính mảnh đất mình đang sống: Ai gom nắng sau cánh rừng/ trang điểm cặp má chiều bừng đỏ/ tôi với đá vẫn dùng dằng lần lữa/ biển Lý Hòa rờ rỡ trước mắt tôi/ Ngọn nồm về se sẽ vuốt ve/ dây muống biển mon men tình tự/ triều dìu dặt điệu “van” êm nhẹ/ đá mộng du/ hào phóng/ phăm phăm/ Bao lứa đôi vào độ tròn trăng/ vùi nụ hôn ngọt ngào trong hoa sóng/ đàn nhạn si tình say giỡn bóng/ Đá Nhảy chiều vừa “thế” vừa “tiên”/ Ân ái cùng em dẫu bấy nhiêu/ thêm mê đắm những/ thăng trầm/ mòi mặn/ Xin gửi hồn tôi/ vào bến bờ/ cánh chim/ cỏ cây/ gió nắng/ bức tranh muôn đời/ đằm thắm tình em… (Bức tranh chiều Đá Nhảy). Âu đây cũng là cái tình, cái tài của thi nhân khi sử dụng tứ thơ và thi ảnh để hoàn thiện bức tranh phong cảnh hữu tình về Đá Nhảy - một tuyệt tác điêu khắc của biển. Viết về biển, thơ anh phóng khoáng tự nhiên như chính tâm hồn của người con mang nặng tình đất, tình người Cảnh Dương: Sóng vẫn vồ vập hôn/ dềnh dàng ve vuốt/ lối tỏ tình/ dữ dội đắm say/ Bản tình ca thời gian/ chát nồng của máu/ mòi mặn xa khơi/ đắng đót bao đời… (Bản tình ca thời gian). Bài thơ ẩn chứa cảm xúc trữ tình lãng mạn của cái tôi thi nhân, và đó cũng là cảm xúc thơ khá nhuần nhị, mượt mà. Có những bài thơ được anh viết ra thật tự nhiên, thể thơ mới và hay: tháng năm/ vừa rít ngang hè/ tôi bồi hồi/ kéo chăn che/ nửa lòng/ thương sao/ cánh én bao đồng/ nỉ non chi/ suốt ngày không/ bạn bầu/ xoan đà phủ tím ngõ dâu/ gạo tưng tức vỏ/ nhỉ nhàu con tim/ tôi xin khăn gói đi tìm/ tháng năm cho những/ bóng hình/ cút côi... (Tháng năm).

Là người viết báo, nghiên cứu về văn hóa, nên cái nhìn của anh về tha nhân luôn hướng thiện, dẫu lời thơ có thật thà, hình ảnh thơ chưa bóng bẩy, nhưng đó cũng là cách thể hiện tâm hồn với vẻ đẹp nhân văn bằng thơ: tôi cắt lớp chiêm bao/ nhưng chúng cố tình ghép lại/ chim sáo hồn nhiên/ ríu rít cõi mơ/ sau nếp gấp vô thức/ những kịch bản ngược/ tôi - niềm tin cố hữu/ ngày tích thiện/ đêm chuyển duyên lành/ giấc mơ đẹp/ tạo sinh niềm vui/ con suối bộn bề/ ung dung nhập hòa/ sông biển/ không đơn thuần mộng mị/ nơi trút bỏ ưu phiền/ thai nghén ước mơ/ thánh thiện (Mơ). Ngôn ngữ thơ anh trở nên sắc nhọn trong cái nhìn chuyển đổi từ thời gian, đến không gian và con người; lòng thánh thiện phút chốc giông bão khi chứng kiến những kẻ “đồ tể” đang tàn sát “rừng”: buổi sáng/ gã thợ săn/ chào tôi/ nụ cười mùi thịt nướng/ buổi trưa/ ánh mắt khác/ nhìn tôi/ bằng màu đỏ tiết canh/ buổi chiều/ phố chợ/ ngập ngụa/ nước mắt rừng.../ đêm/ ác mộng (Rừng). Thơ viết như dao chém đá, vạch mặt kẻ tội đồ, nhịp thơ gấp gãy như tiếng thở dốc của con người hướng thiện cảm thấy bất lực trước cái ác, cái phi nhân tính…

Lấy tên tập thơ là Tái sinh, nhà thơ như muốn gửi gắm vào đó những ước mơ, những hi vọng cho những tháng ngày sắp đến trước bước đi âm thầm và quyết liệt của thời gian, tứ của bài thơ Tái sinh cũng thật mới, hình như anh đã bắt đầu bước vào lằn ranh giữa hiện đại và hậu hiện đại: chính là nó/ dù hữu hình - vô hình cũng đích thị nó/ nó sống bất phân định tĩnh - động/ đồng hiện - bất đồng hiện/ nó ra đời sau tôi phù thủy hơn tôi thích làm sư phụ tôi/ tôi thấy mình như kí sinh cùng nó trên một con nộm/ khi nó dư dật thể xác dư dật mọi thứ/ tôi trở nên giàu có dèm pha và dị nghị/ khi nó ngày càng mởn mơ thì tôi càng nhom nheo còm cõi/ khi nó bị phỉ báng thì chính tôi cũng chịu trăm nỗi đau hành hạ/ tôi đã vô tình để nó sống tầm gửi khác nào ốc tha gỗ mục/ nó khoác lác rằng chính nó mới cực nhọc tha tôi/ tôi cố tình tống khứ kẻ bần tiện/ ai - tha - ai?/ tự biết.../ tôi ngộ ra khi không còn nó/ tôi từ kiếp nộm tái sinh (Tái sinh).

Như anh từng viết: ở tuổi cổ lai hy/ anh trở thành chủ nhân bàn phím (Tin), đến với văn chương hơi muộn so với tuổi đời, nhưng dẫu ở độ tuổi nào thì văn chương luôn mới mẻ, là điểm tựa tâm hồn cho con người vượt qua bão giông. Với thơ, cảm xúc cái tôi trữ tình luôn là niềm hưng phấn, nét tươi vui mỗi ngày, và đó cũng là lý do để có tập Tái sinh, tập thơ thứ ba của anh đến với độc giả, như nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh khi giới thiệu bài thơ Vịn của anh đã viết: Biết vịn vào đâu giữa đôi bờ hư thực, giữa mênh mông đất trời cho hồn thơ thanh thoát, Nguyễn Tiến Nên chỉ còn “vịn lấy chiều quê” để nghe “bóng đời mình rơi chậm” giữa buồn vui tràn trề...”([1]).

 

   Huế, 01/11/2020

                                                                                                       

                                                                                                           

 

 



([1]) Vịn (15/12/2018), http://cadn.com.vn/news/68_199642_vin.aspx

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 908
Ngày đăng: 03.05.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nén Tâm Hương Cảm Cựu, thương tiếc nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyễn Xuân Sanh – một trong những nhà thơ tượng trưng tiêu biểu của phong trào thơ mới - Chế Diễm Trâm
Trần Mộng Tú, mình em một ngôn ngữ - Nguyễn Đức Tùng
Cảm nhận bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” - Yến Nhi
Nguyễn An Bình – một đời nặng nợ với văn chương - Hoàng Thị Bích Hà
Ấn tượng với bộ phim “Bố già” của Trấn Thành - Hoàng Thị Bích Hà
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - rơi vào bẫy của tạo hóa - Nguyễn Linh Khiếu
Một số điều thắc mắc trong hai bài viết về chữ Quốc ngữ - Võ Xuân Quế
Đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ(*) - Phan Văn Thạnh
Bóng con, bóng mẹ - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả