*
Thơ và họa thuộc hai loại hình nghệ thuật khác nhau, thơ là nghệ thuật thời gian, họa là nghệ thuật không gian chúng có những đặc thù riêng về hình tượng cũng như ngôn ngữ thể hiện, tuy nhiên khi đều là con đẻ một tác giả có chung một thế giới quan, chung một tư tưởng triết học thì tất yếu không thể thoát khỏi những nét chung tương đồng về ý tưởng thẩm mỹ trong tác phẩm. Trường hợp thơ và họa Nguyễn Quang Thiều là một minh chứng. Trong nhiều bức tranh của Nguyễn Quang Thiều đều có những bài thơ liên đới hoặc là minh họa hoặc là khơi nguồn cảm hứng cho một suy cảm nào đấy bằng hình ảnh. Những khúc thơ hồi tưởng các tháng trong năm (hồi tưởng tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng tư…) đã tạo tiền đề cho nhiều bức tranh, ngược lại những bức tranh về người thổi sáo, về nhà thơ là những chân dung tự họa tâm hồn tác giả cả mặt tối lẫn sáng được mô phỏng từ thơ và những tác phẩm Thế gian, Cây đời, Bầy chim trong nghiã trang, Nhân chứng một cái chết…tất cả là những chân dung cuộc sống rút ra từ những ám thị thơ ca như lời thổ lộ của tác giả trên các trang fac! Bài viết này chúng tôi không nhằm biện minh cho những liên đới cụ thể từng tác phẩm mà muốn trừu xuất ra từ hai thể loại nghệ thuật không gian và thời gian tác giả có những nét chung về tư tưởng - thẩm mỹ từ đó hiểu rõ thêm sự độc đáo cũng như chiều sâu các ấn phẩm nghệ thuật của tác giả.
Thơ Nguyễn Quang Thiều ta đã khá quen thuộc, có cả một hội thảo quốc gia về tính hiện đại của nó. Trong sự phát triển của chủ đề nhân văn, thơ của Nguyễn Quang Thiều chứa đựng những thông điệp quan yếu, thân thuộc về đất nước, con người, về thiên nhiên và tạo vật mà mọi người từng gửi gắm. Cái cảm giác đó ta thấy cũng ngập tràn khi xem tranh Nguyễn Quang Thiều, trong tranh ông thường có mặt đầy đủ các nhân vật trong thế giới tự nhiên cũng như xã hội, nào cá, chim, đồ vật, từ cây sáo đến ngọn đèn, từ trang báo đến nấm mồ, từ con ngựa , bông hoa đến người thiếu phụ, từ chiếc bình gốm, cái bóng đèn, đến ông sư, con rắn…, tất cả chúng sinh, muôn loài kết hợp cùng nhau đan cài nỗi đau lẫn niềm vui, hy vọng, tô đậm cái thông điệp sự sống muôn màu vẻ . Mười mấy khúc điệu của người thổi sáo mù là mười mấy chân dung về thế giới hữu sinh đa sắc màu; bức tranh đôi chim trên cây thập tự là sự tái sinh sự sống trên cái chêt; bầy bướm và những bông hoa là khúc hoan ca về mùa xuân và tình yêu con người; những hổn độn sinh cảnh người vật trên dưới trước sau là biến tấu của thế gian muôn màu vẻ… Tiếp cận tranh của ông với lý thuyết đa nghĩa của hình tượng ta thấy chúng gợi lên cho người xem những vấn đề từng được nêu lên trong quá khứ như sự sống và cái chết, người nghệ sĩ và cuộc đời, tình yêu thiên nhiên và tạo vật, cái thiện và cái ác, sự khốn khó của kiếp người v.v…nhưng được tác giả trình bày và lý giải cách riêng.
Xem tranh Nguyễn Quang Thiều ta như vừa trải nghiệm một thế giới đa tầng đa phương bàng bạc một xúc cảm lớn về vũ trụ về nhân sinh chứa đựng nhiều phức điệu của cuộc đời và con người, thấy hiện hữu quanh ta một thế giới đa cực đan cài sự sống, cái chết, niềm vui, lẽ phải xen lẫn những nghịch lý và phi lý.
Nguyễn Quang Thiều không vẽ theo phong cách truyền thống của thị giác trực tiếp, ông vẽ bằng “cái nhìn bên trong”, nói như Picasso “ tôi vẽ theo tôi nghĩ cứ không phải như tôi thấy”. Vẽ như ông nghĩ nên có sự sắp đặt đa chiều về bố cục và biểu tượng về họa ảnh. Tất cả sự vật hiện lên trong tranh ông như trong kính vạn hoa bằng mắt thường thấy lộn xộn, bằng trực giác thấy xa lạ, nó đến từ nhiều phương và tỏa ra nhiều hướng, nhưng bằng cái nhìn bên trong, cái nhìn cuả sự suy cảm sẽ thấy nó trật tự , nó liên kết ý nghĩa về thông điệp mang tới. Cũng như trong thơ nhiều thi liệu đồng quê gần gũi, giản dị, trong họa các hình ảnh, đường nét , màu sắc rất mộc như các tranh dân gian vậy, chỉ có sự kết hợp sắp xếp mới lạ tạo nên tính đa nghĩa hiện đại mà sự nắm bắt ý nghiã của từng chủ thể tiếp nhận không nhất thiết giống nhau. Sự kết hợp màu săc, đường nét trong tranh ông tạo ấn tượng mạnh. Các chi tiết, hình ảnh đều có tính biểu tượng, nó cụ thể quen thuộc nhưng đằng sau là những suy cảm khái quát, mang dấu ấn những tình cảm, những hiện tượng phong phú của đời sống. Những chi tiết, những hình ảnh ngổn ngang nhưng lại tập trung diễn tả những xúc cảm cũng như dòng suy tưởng của tác giả. Trong tranh của ông mọi sinh vật đều có cảm giác sống động , biểu cảm. Đó là một thế giới đồng đẳng, tất cả mọi sinh linh trước ánh sáng của tư duy nghệ thuật đều nhất quán một tư cách nhân sinh, chung suy nghĩ, chung cảm giác vui buồn. Tiếp cận tranh Nguyễn Quang Thiều, người xem cần một thao tác hòa đồng vào cái thế giới tạo sinh “ vạn vật hữu cảm” đó. Tất cả phô diễn một hiện thực bên trong, hiện thực tâm trạng ” hòa đồng tác giả và đối tượng!
Chính cái đặc điểm này khiến họa Nguyễn Quang Thiều, theo chúng tôi, rất gần với lối suy cảm nghệ thuật phương Đông, với truyền thống thẩm mỹ dân tộc. Mọi người đều cảm nhận rõ cái quan niệm “vạn vật hữu cảm”: ở các tranh khắc, ở các phù điêu nơi đình chùa cũng như các tranh dân gian vạn vật không chia cách, gần gũi tâm cảm với nhau quây quần xung quanh một thần tượng, có chung một tâm niệm. Và người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật, qua sự biến ảo cảnh vật thiên nhiên tìm vào nguồn tâm thức sinh động chuyển hóa khách thể và chủ thể không có trong và ngoài, chủ quan và khách quan nữa.
Tranh Nguyễn Quang Thiều ít nhiều có yếu tố “ lạ” nên có người thử liên hệ với các trường phái lập thể hay siêu thực mong tiếp cận phương pháp sáng tác của ông. Tuy nhiên chúng đều lạ với phong cách truyền thống nhưng không chung các trường phái nói trên, Ghécnica của Picasso phân mảnh các sự vật trong không gian, Chiếc đồng hồ trong tranh của X. Đa li (Sự dai dẳng của ký ức - The persistence of memory) mềm oặt, nửa ngang nửả dọc biến dị trong thời gian . Bức tranh Thời gian và vài bức tranh khác của Nguyễn Quang Thiều ( Nhà thơ, Cây đời, Đồng hồ ) đều có hình ảnh chiếc đồng hồ và các vật thể khác, chúng không phân mảnh lập thể, cũng không “ bị nung chảy ” biến dạng siêu thực, nó chỉ xáo trộn về kết cấu thứ tự giờ giấc như 9 - 6 – 12 tạo ấn tượng vô thường của đời sống. Bởi vậy rất khó xác định phong cách hội họa Nguyễn Quang Thiều theo trường phái nào và vì ông “ ngang qua cánh đồng hội họa một cách tình cờ” vẽ một cách tùy hứng, trường phái là điều ít nghĩ đến!
Chưa có triển lãm nào gần đây đông người xem như vậy và chưa có tác giả nào trong thời gian ngắn bán tranh nhanh như vậy (ngoài triễn lãm gần sáu chục bức tranh còn in thêm 1000 bản vựng tập )! Nghệ thuật “quí hồ tinh bất quí hồ đa” nhưng thực tế phát hành tranh của Nguyễn Quang Thiều cũng gợi một suy nghĩ về tầm quan trọng của thị hiếu nghệ thuật công chúng, vì nghệ thuật phát triển luôn cần song hành cùng một công chúng tiên tiến, họ vừa hưởng ứng vừa gợi ý cho người nghệ sĩ định hướng sáng tạo của mình. Và trong sự thích thú đó không phải không có người cho rằng tranh Nguyễn Quang Thiều một số bức nặng về tính giải trí hơn giáo dục !