Bài thơ của hắn có cái tên: “Kim Dao”(*). Hắn bảo đó là tên của một người... Riêng tôi, tôi không muốn tin như thế, mà cứ cố hiểu hai chữ đó là ngược lại với “Cổ Dao”, một thứ “Dao”, tựa như “Ca Dao”; “Đồng Dao”... đại loại là cho vui, là giải trí, là một thú chơi... “Dao” vậy.
Tôi đọc hắn trong lúc rách việc, tôi thường đọc hắn trong những lúc như thế, khi chung quanh chẳng có gì để đọc. Hắn mở đầu (Kim Dao) bằng cái khí tráng ca, nghe có hơi hướng “Kinh Kha” hoặc không khí “Tây tiến” của cố thi sĩ Quang Dũng: “Nhớ lúc rừng cao lên khói lạnh / Dốc chùng trên bước thấy xuân qua / Lẻ loi ta chạnh lòng rơm cỏ / Cười ngất thâm sơn lửa đến nhà.” Thực ảo lẫn lộn mặc dù bốn câu thơ rất chi là ngay ngắn. Chẳng có “rừng cao...”, chẳng có “dốc chùng...” nào lúc hắn viết như thế đâu, hắn nhớ lại cái lúc làm lính đấy. Lúc ấy hắn vừa trèo lên dốc vừa thở hồng hộc, vai khoác ba lô, tay quệt mồ hôi còn chẳng kịp nữa là “chạnh lòng”... cái con khỉ. Bây giờ, hắn chỉ hàng ngày trèo lên tận gác năm, nơi có cái tổ hạnh phúc chuồng cu của hắn với một vợ và bốn bố con, sáng sáng nghe tiếng gà gáy, cứ tưởng đang ở giữa chốn quê. Đến khi lần tìm tới nơi thì chỉ còn thấy chiếc lồng rỗng với mấy cọng lông vũ, té ra đó là quán phở gà. Những tiếng gáy kia chui tuốt vào trong nồi phở mất rồi. Đây là cảm xúc mà hắn viết trong một bài “lảm nhảm” khác có tên là: “Tiếng gà gáy”. Loài gà đâm ra lại có một chí khí lẫm liệt hiếm có. Trước khi bị cắt tiết, biến thành món phở để hiến cho cõi nhân sinh, mà vẫn đường hoàng cất lên tiếng gáy thiên thu vạn kiếp của mình, thì gà qué kia quả thực vĩ đại. Nếu không phải vì chúng giữ bản quyền độc sở hữu một loại cứt nổi tiếng, vừa hăng vừa khó chịu không giống ai gọi là cứt gà tí, thì từ lâu, chúng đã xứng đáng được cả loài người tôn thờ. Nhưng trong bốn câu thơ trên, hắn chỉ tưởng tượng lại mỗi cảnh thôi, còn người thì thực trăm phần trăm. Vì thế cái cảm xúc: “Lẻ loi ta chạnh lòng rơm cỏ / Cười ngất thâm sơn lửa đến nhà” ấy, tuy hơi có chất “anh hùng rơm” của kẻ sĩ một chút, song vẫn có cảm giác vừa được nốc cạn... chăm phần chăm một cái thú nào đấy. Con người ta thường “chạnh lòng” khi bắt gặp người sang hơn mình, hoặc nom thấy vợ người khác đẹp hơn vợ mình... Chứ mấy ai lẻ loi mà “chạnh lòng”, dù chỉ có mỗi cái lòng của “rơm cỏ” đi chăng nữa, có họa là hâm, mà hâm thật, một cái hâm của kẻ cô đơn, cô đơn bẩm sinh... nên mới bịa ra nổi mấy câu hâm thế.
Tôi đã từng làm một bài thơ “chân dung” về hắn. Một tờ báo đã nhận lời đăng cho vui. Chẳng hiểu hắn ngượng hay sao mà không bằng lòng. Một kẻ đã làm thơ, lại đang sống ở thời này, thế mà vẫn còn biết ngượng thì lạ thật. Nhưng tôi có cách của tôi. Mở đầu bài “chân dung”, tôi tả về hắn như sau: “Nhẽ ra thì cũng đẹp giai / Chỉ vì mồm rộng, lưng dài, vai xuôi”. Tôi biết gã lưng dài là hắn một cách tình cờ. Khi ấy hắn mới được trao giải ba của một cuộc thi thơ lớn nhất nước. Có người gọi hắn bằng cái danh hiệu: “thám hoa”. Thám hoa nghĩa là người đỗ thứ ba của bậc thi cao nhất (thi Đình) trong chế độ khoa cử thời đêm trường(!) phong kiến. Gọi như thế có tác dụng làm cho người đoạt giải nhất cuộc thi cùng năm với hắn (mặc nhiên) là... Trạng nguyên. Kinh thật, người ta là “đêm trường”, người ta đã “thối nát” từ lâu, vậy mà đến bây giờ vẫn còn khối kẻ thích mê ly những danh hiệu ấy của người ta. Ít ra thì cũng phải tự tìm lấy một cái “danh” (tương tự) nào đấy cho (có vẻ) khác đi chứ. Ví dụ thay “vạn tuế” bằng “muôn năm” chẳng hạn. Đằng này lại cứ bê nguyên xi những cái danh cũ ra mà “tụng” nhau thì quả có hơi trơ trẽn. Hắn thì không đến nỗi như thế, bằng chứng là hắn chẳng khoái hai cái chữ “thám hoa” kia tý nào. Tôi chẳng biết mặt mũi những bài thơ được giải ấy của hắn nó ngang dọc ra làm sao. Và cũng không quan tâm lắm đến cái sự đã gọi là thi, mà lại còn “cử” (thi cử) như thời nay. Chỉ biết rằng hắn được giải một cách đích thực (vì thơ hay), có pha lẫn tình cờ, may mắn, mà (lạy giời) không phải quen biết, hay chạy chọt... mất đồng nào.
Có lần tôi với hắn cùng thoả thuận rằng mỗi bài thơ, thậm chí mỗi câu thơ là một định nghĩa về thơ. Cũng như có bao nhiêu người sinh ra là có bấy nhiêu gương mặt, bấy nhiêu giọng nói, vân tay... Cho nên đừng lẩm cẩm đến mức đi tìm định nghĩa thế nào gọi là thơ làm gì. Thơ cũng giống như người vậy. Ghê gớm như Đức Khổng Tử ngày trước, cũng đã thử định nghĩa thế nào gọi là người (nhân) rồi đấy. Vậy mà suốt mấy nghìn năm nay, cả thế gian hỏi đã có mấy ai nom giống cái định nghĩa về người ấy của Ngài chưa?. Cái môn chữ “nhân”, chữ “lễ” gì gì đó rất công phu của Ngài, rốt cuộc chỉ có tác dụng để cho những hạng lưu manh cao cấp vận dụng trong các công cuộc... bịp thiên hạ mà thôi. Khổ thơ thứ hai của bài Kim Dao là riêng một “định nghĩa” như thế về thơ, một bài tứ tuyệt hẳn hoi: “Từ buổi phố về ôm giấc cũ / Mát nồng lấp khoả chuỗi ngày vui / Có đêm thu lạnh ngàn mưa gõ / Lòng rỗng vang kêu trống đổ hồi”. Buồn nẫu ruột, buồn đến nỗi muốn ra dại giữa phố phường. Hắn chẳng giống ai, kể cả trong nỗi buồn. Mưa gõ vào trời đất, chứ có gõ vào lòng hắn đâu, ai khiến hắn phải buồn? Tôi lại phải trích ra đây hai câu tiếp theo của bài “chân dung”, vẫn đang tả thực về hắn: “Giá trời thêm một khúc đuôi / May ra nhang nhác giống người quê ta”. Người ta ai chẳng có “đuôi”, có điều thỉnh thoảng mới thò ra nên thường hay nói: “Thế là lòi đuôi ra rồi nhé...”. Hắn đang cô đơn, nhưng chưa tệ đến mức biến thành kẻ thật thà. Ai mà chẳng nhận mình là người thật thà. Đến kẻ cướp cũng luôn luôn tự khẳng định như vậy. Nhưng cuộc đời có phải vì thế mà minh bạch ra đâu?. Hắn cô đơn đến nỗi đuôi cũng chẳng có để mà ngoe nguẩy, để mà lòi ra thì quả thực đáng buồn...
Đọc đến bốn câu này, tôi tự nhủ rằng hắn sẽ còn “hâm” nữa cho mà xem. Quả nhiên là bốn câu tiếp theo: “Mộng xám như tàn thân đá trơ / Cười như gánh ế khóc như vờ / Đêm đông người thấy mình như lá / Bước mỏi dừng chân thấy hững hờ”, thì đúng là “hâm” nặng, đúng là ra dại thật rồi. Ra dại nên mới: “Cười như gánh ế khóc như vờ”. Nhưng cái câu: “Đêm đông người thấy mình như lá” mới kinh. Mùa xuân lá xanh mơn mởn, còn đang ở trên cây thì không ví, lại đi ví người với lá mùa đông, những cái lá rụng, héo quay héo quắt vất vưởng dưới chân. Hắn có ý tứ cả đấy. Hắn làm cho người đọc cũng phải lây cái buồn của hắn, cũng “chạnh lòng” như hắn... Về điểm này, hắn quả là tài hoa, vừa tài hoa vừa láu cá. Vì thế bài “chân dung” kia lại tiếp tục tả hắn như sau: “Rõ ràng một kiếp tài hoa / một mình một vợ đẻ ba năm liền”.
Thế rồi hắn quay trở lại với sự cô đơn đến rỗng ruột của mình: “Ta nói cùng ai, yêu mến ai / lưng trưa chừng đổ bóng cây dài / Ngày tan trên nước trường giang ấy / Hút ánh mây vàng bóng vị lai”. Xưa nay hắn là kẻ ít nói giữa đám người, té ra là vì: “Ta nói cùng ai, yêu mến ai”. Chứ không phải hắn không muốn nói. Thì đây, vẫn “chân dung” của hắn: “Có khi trong túi rỗng tiền / Có thèm ăn quỵt, có phiền ai đâu / Có khi thủng thẳng vài câu / Có khi lặng ngắt như lầu bỏ hoang”. Mặc kệ, hắn cứ việc “lặng ngắt như lầu bỏ hoang”, hắn có quyền như thế. Nhưng: “lưng trưa chừng đổ bóng cây dài” thì là một cách nói cho xuôi mồm, nhưng lại ngược ý, ngược qui luật. Lưng trưa (giữa trưa), mặt trời ở đúng đỉnh đầu thì phải tròn bóng (lấy đâu ra bóng nữa mà đổ) chứ. Giá là tôi, tôi sẽ viết: “lưng trưa chừng tuyệt bóng cây dài”. Viết như thế, có phải nó hợp với hai câu sau: “Ngày tan trên nước trường giang ấy / Hút ánh mây vàng...”. Một đằng “tuyệt” mất, một đằng bắt đầu “tan”, cuối cùng mất hút... có phải thích hơn không? Nhưng hắn là thế đấy, cứ thích ngược, cứ thích một mình một kiểu. Chẳng nói trong thơ, trong cuộc đời hắn cũng có cái tính ấy. Sau khi những kẻ rao giảng tuyên ngôn, đạo đức, lý tưởng... tuột mất mặt nạ, té ra là một lũ bịp bợm, thì cuộc đời này hiện nguyên hình là một cuộc đua ma ra tông về tiền, về danh, về địa vị, về các trò ăn chơi nhảy múa... chấm hết! Thế mà hắn thì lại quyết tự hào với cái lòng (bụng) rỗng của mình, y như hai câu tiếp theo đây của bài “chân dung”: “Mặc ai cơ nghiệp vênh vang / Mình ta, ta cứ đàng hoàng... số không”.
Khoan hãy bàn nốt khổ thơ cuối cùng của bài Kim Dao này. Phải nói ngay rằng đây là một bài thơ hiếm hoi của hắn có niêm luật tử tế. Hắn vốn thuộc loại thi sĩ chuyên làm thơ tự do, cực kì tự do, chẳng cần phân biệt thơ với văn xuôi, thậm chí với... lảm nhảm làm gì. Có những bài hắn viết dài mấy chục trang khỗ A4 mà không hề... xuống dòng. Những bài như thế thì cho kẹo hắn cũng không thuộc nổi, đành phải cầm cả xấp giấy mà đọc như chính khách đọc diễn văn. Đã thế, người nghe dù sốt ruột đến mấy cũng phải im thin thít, bởi hễ mất trật tự một tý là hắn lập tức... đọc lại từ đầu. Thật đúng với câu ca dao dị bản: “Trên đời tôi chẳng sợ ai / Chỉ sợ thơ hắn đọc dai... như thừng”. Gần đây, hắn bỗng đốc chứng bằng cách hết “bàn” về văn, lại đi “mổ xẻ” thơ đem ra đăng báo. Hắn “tán” văn, thơ của người ta bằng cái kiểu cũng rất riêng, cũng lý sự dây cà ra dây muống. Nhưng lại chẳng ra khen, chẳng ra chê mà chúng tôi gọi là kiểu phê bình... ái nam ái nữ. Đọc những bài “tán” của hắn, đố ai hiểu hắn định nói cái gì, cứ phải sốt ruột cho đến tận chữ cuối cùng. Đã thế lại có bài hắn kéo ra đến mấy kì báo nữa mới thực là tra tấn chữ in, tra tấn người đọc. Cũng có đôi lần tôi phàn nàn thì hắn bảo: “Không sao, trên... sao Hoả người ta vẫn phê bình kiểu ấy!”. Thế thì chỉ còn cách cầu mong cho NASA (cơ quan hàng không vũ trụ Mĩ) nhanh chóng đưa được người lên ở trên sao Hoả, để xem đến lúc ấy, thực hư nó thế nào. Thật bái phục cái bản lĩnh “hậu hiện đại” của hắn.
Mà xem ra cũng không “đùa” với hắn được thật. Cái câu cuối cùng của khổ thơ trên: “Hút ánh mây vàng bóng vị lai” kia, cứ việc hiểu một cách lãng mạn, khệnh khạng rằng hắn đang “hút” ánh mây vàng như người ta... hút thuốc lào. Có thế mới thấy được “bóng vị lai”. Thế thì rõ là “Kim dao”, thậm chí... là “Tiên Dao”, “Vị lai Dao” rồi nhé. Thực ra đó là mất hút, mất hút con mẹ hàng lươn cái “ánh mây vàng...”, một hoàng hôn đẹp nhưng tiêu cực, lại bắt đầu từ... giữa trưa. Đời vốn như thế đấy, cùng thì tắc biến, cho nên hoàng hôn mà bắt đầu từ giữa trưa là... chính xác. Trong mấy khổ thơ trước, hắn có buồn là buồn với thì hiện tại này đấy thôi, chứ hắn coi cái cõi “tục” đây có ra cái gì đâu. Vì thế khổ thơ kết của bài Kim Dao này bắt đầu có “mùi” thoát tục: “Lại nhớ xuân rừng hoa khuất sương / Đào phai cho thẹn dạ vô thường / Theo người gót biếc trên đường thẳm / Lấp lánh mây vàng lên viễn phương.” Lại thấy “mây vàng”. Nhưng bây giờ thì “lên viễn phương” rồi. Thơ mà có “hậu” như truyện trinh thám vậy. Bốn câu này tưởng không cần phải “bàn” thêm, bởi đây là điểm gặp nhau của “hậu hiện đại” và “cổ điển” theo kiểu: “Mọi con đường đều dẫn tới Rô Ma”. Hắn sử dụng “cổ điển” đấy, mà vẫn trung thành với cái đạo “hậu hiện đại” của mình, có sao đâu. Cái ấy gọi là cảm xúc nó “hạ” mình xuống con đường nào, ừ thì đi theo con đường ấy, rẽ ngang rẽ ngửa không khéo lạc lối, có khi càng đi càng xa cái nơi cần phải tới chưa biết chừng. Cũng như hai câu kết dở hơi mang đầy tính “an ủi” vẫn của bài lục bát “chân dung” kia về hắn như sau: “Thơ hay đâu quản xuống dòng / Kìa như nước chảy giữa lòng đại dương”.
Ăn cơm nhà... 28 -6/2005
(*) Thơ của Nguyễn Chí Hoan