Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
831
123.135.592
 
Hoàng Cầm Ca, chương khúc của tâm giao
Phan Trang Hy

 

Hoàng Cầm ca, một chương khúc gồm có 6 bài: Tình Cầm, Lá Diêu Bông, Qua Vườn Ổi, Cỗ Bài Tam Cúc, Đạp Lùi Tinh TúTrăm Năm Như Một Chiều như một sự tâm giao giữa nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Hoàng Cầm.

      Trước tiên, khi nghe chương khúc Hoàng Cầm ca, ta thấy giữa Phạm Duy và Hoàng Cầm có sự tâm giao giữa những người từng là bạn của nhau trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giữa những người có lúc từng bị những người cộng sản coi là thành phần “phản cách mạng”, giữa hai trái tim yêu cuồng nhiệt cuộc sống này. Và đặc biệt, Phạm Duy xem Hoàng Cầm là nhà thơ lớn, do đó không thể không phổ nhạc những bài thơ hay của Hoàng Cầm được nhiều người hâm mộ. Điều đó được Phạm Duy chia sẻ trong bài viết Hoàng Cầm Trong Tôi: “… Tôi không có tham vọng đóng vai trò một nhà khảo cứu phê bình có đủ phương tiện, thời gian và không gian để viết về một trong những nhà thơ lớn nhất của nước Việt Nam hiện đại.Tôi chỉ muốn hóa giải một nỗi buồn thương có trong tôi mỗi khi nhớ tới Hoàng Cầm. Người bạn thi sĩ cùng tuổi với tôi, vừa bước vào đời là được cùng tôi thỏa chí tang bồng khi cùng đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.Rồi vì phận nước long đong, với cảnh đất nước và lòng dân bị phân chia bởi chủ nghĩa, chiến tranh và hận thù, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. (……). Thời gian trôi đi, bỗng có lúc tôi khám phá ra một số bài thơ của Hoàng Cầm rồi thấy mình nên viết ra những gì còn nhớ được nơi người bạn vãn niên này để, thêm một lần nữa (sau Nguyễn Chí Thiện), lôi ra từ bóng tối một nhà thơ sáng láng nhất của chúng ta”.

 

      Trong bài ca Cỗ Bài Tam Cúc, khi nghe lời ca, tôi không phân biệt được đâu là cái tôi của Phạm Duy, đâu là cái tôi của Hoàng Cầm. Chỉ có lời ca theo tiếng nhạc đưa người nghe đến chỗ chiêm nghiệm về cuộc đỏ đen của trường đời. Đời người có khác chi canh bạc.Kẻ thắng người thua, kể cả trong tình trường, và cả trong chiến trường. Ẩn trong lời ca của Cỗ Bài Tam Cúc là tiếng lòng của Hoàng Cầm và Phạm Duy buồn day dứt:

          Rút trộm rơm nhà đi trải ổ

          Cỗ bài tam cúc mép cong cong

          Em đi đêm Tướng điều, Sĩ đỏ

          Đổi Xe hồng, đưa chị tới quê em

          Pháo, Mã ra bài, năm sau giặc giã

          Quan Đốc Đồng áo đen nẹp đỏ

          Xua Tốt điều đè lũ Tốt đen

Thả Tịnh vàng đưa chị võng mây trôi.

          Em đứng nhìn theo

          Em gọi: Đôi!

Và tiếng lòng buồn ấy cứ ám ảnh người yêu thơ, yêu nhạc. Bởi cả hai ông, một người làm thơ, một người viết nhạc nêu lên cõi lòng của con người một thuở - “Cái thuở ban đầu” ngây thơ vụng dại khi nghe lời mê hoặc của “người đẹp”. Cứ ngỡ lời hứa của “người đẹp” là thực, ai dè, cái thực ấy cũng chỉ là cái cảnh viễn vông như cái lá diêu bông tưởng tượng.Lá diêu bông nào có thực bao giờ. Chỉ có nỗi buồn và sự tiếc nuối dặt dìu trong câu hát:

          Đứa nào tìm được lá diêu bông

          Thì từ nay tao sẽ gọi là chồng

          Tao sẽ gọi là chồng

          Đứa nào tìm được lá diêu bông…

          ………………………………..

          Từ thuở đó, em cầm chiếc lá

          Nơi đầu non cuối bể, em đi

          Lời vi vút gió quê lắng gọi

          Diêu bông hời hỡi diêu bông

          Em đi trăm núi nghìn sông

          Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ…

(Lá Diêu Bông)

Câu hỏi day dứt khôn nguôi về thân phận làm người.Người sao cho ra người, mấy ai có hiểu? Dẫu trăm năm, người cũng chẳng là gì với thời gian của vũ trụ. Có chăng, người tồn tại là nhờ suy nghĩ, tư duy như René Descartes từng phát biểu. Và bất ngờ cho người nghe như thấy hình ảnh của em và anh như hòa chung là một. Không phân biệt đâu là anh, đâu là em. Không phân biệt một chiều với trăm năm. Có chăng chỉ cần một chiều hiểu nhau cũng trở thành trăm năm trong cõi thế gian này:

          Em đứng đây từ bao

Từ bao, em đứng đây từ bao?

          Em từ trong lối hẹn

          Hé cửa về mai sau a á

          Em đứng đây từ lâu

          Từ lâu em đứng đây từ lâu

          Em đứng đây từ lâu

          Từ lâu em đứng đây từ lâu

          Anh tới nơi ước hẹn

          Chiều nay như thuở nào

          Anh nhìn em trong nắng

          Trăm năm như một chiều

          Anh đứng đây là em

          Và em, em đứng đây là anh…

(Trăm Năm Như Một Chiều)

       Cũng trong Hoàng Cầm Trong Tôi, Phạm Duy viết: “Bài Qua vườn ổi thì nói tới chuyện bất công và tham nhũng” và hình ảnh “hai chị em - đại diện cho người dân nghèo, thấp cổ bé miệng – phải lẽo đẽo đi trên đường đời, không bao giờ được ăn một quả ổi nào ở trên cây, bởi vì những quả ổi ngon lành đó, hoặc để dành riêng cho người trên hưởng thụ, hoặc bị trộm cướp đục khoét hết cả rồi! Nếu thèm ăn ổi, hai chị em chỉ còn biết cúi nhặt những quả ổi thối, rụng rơi trên những con đường chiều, có mưa rơi rả rích”:

          Cách xa ba bước qua vườn ổi

          Chị xoạc cành ngang em đứng trông

          Này chị ơi! Xin chị một quả non

          Ổi non, em ơi còn xanh chát a à

Ổi non xanh chát lè.

 

          Cách xa ba bước qua vườn ổi

          Chị xoạc cành ngang em đứng trông

          Này chị ơi! Xin chị một quả ương

          Ổi ương, em ơi bị chim khoét a à

Ổi ương chim khoét rồi.

 

          Này chị ơi! Xin cho một quả chín

          Ổi chín, em ơi tít ngọn cây a à

          Ổi chín quá tầm tay.

          ………………………………

          Cách xa ba bước qua vườn ổi

          Chị xoạc cành ngang em đứng trông

          ……………………………….

          Lẽo đẽo em đi đường mai sau

          Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng…

      Hình ảnh “vườn ổi” với “quả xanh”, “quả ương”, “quả chín”, “quả rụng” khó mà giải thích. Hiểu nghĩa sao cũng được tùy cách cảm nhận của từng người.Đây là bài ca đa tầng nghĩa, mang tính ẩn dụ, như một câu chuyện ngụ ngôn.Đó là cái tài hoa của Hoàng Cầm buộc lòng Phạm Duy phải phổ nhạc.

Vẫn tính đa nghĩa, mang hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng được Hoàng Cầm đem vào thơ và được Phạm Duy biến hóa thành điệu nhạc trong Đạp Lùi Tinh Tú. Nào là hình ảnh “ta” được so sánh như “con bê vàng lạc dáng chiều xanh…”, “con chim cu về gù rặng tre…”, “con chào mào khát nước…”, “cây ổi giơ xương…”. Nào là “ta” được so sánh với “con phù du ao trời lận đận…”, “con chim vành khuyên nhớ nhà nhớ tổ…”. Và đặc biệt khi ta là chính ta, nhìn rõ mặt mình, như sự tỉnh thức trong cơn say ngủ của đôi cá đòng đong:

          Ta là con phù du ao trời lận đận

          Trên cánh bèo đong gió

          Lặn dưới nước tìm sao

          Hứng nước mắt con chim vành khuyên nhớ nhà nhớ tổ

          Vừa rụng chiều nay, làm dềnh mặt nước gương sen

          Ta soi hình vào tận đáy ao đêm

          Chỉ thấy mình đạp lùi tinh tú

          Ngủ say rồi đôi cá đòng đong.

Riêng bài Tình Cầm khi phổ nhạc, Phạm Duy như thể thấu hiểu được tấm lòng của mình với bạn.Trong bài ca này, Phạm Duy đã có thay đổi vài từ trong bài thơ Nếu Anh Còn Trẻ (chỉ có 3 khổ) của Hoàng Cầm và thêm một khổ (khổ thứ 2 trong bài hát). Nghe cả bài ca, tôi nghĩ sao có sự hòa hợp nhịp nhàng giữa Phạm Duy và Hoàng Cầm đến vậy:

          Nếu anh còn trẻ như năm cũ

          Quyết đón em về sống với anh

          Những khi chiều vàng phơ phất đến

          Anh đàn em hát níu xuân xanh

 

          Có mây bàng bạc gây thương nhớ

          Có ánh trăng vàng soi giấc mơ

          Có anh ngồi lại so phím cũ

Mong chờ em hát khúc Xuân xưa.

 

          Nhưng thuyền em buộc trên sông Hận

          Anh chẳng quay về với trúc tơ

          Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt

Mộng héo bên song vẫn đợi chờ.

 

          Nếu có ngày nào em quay gót

          Lui về thăm lại bến Thu xa

          Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa

Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha.

Cả chương khúc Hoàng Cầm ca được cất lên như ngợi ca sự tâm giao của Hoàng Cầm và Phạm Duy. Sự tâm giao ấy là sự hiểu về nhau của cả hai, như Phạm Duy vào năm 1984 đã viết: “Chúng tôi đã trao đổi thư từ, trong đó, hai ông già ngoài 70 tuổi vẫn cứ xưng hô mày tao như trong tuổi 20. Chúng tôi đều cho rằng cả hai thằng bạn, vào lúc gần đất xa trời, rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi! Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu, nhưng cả hai kẻ đãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật làm cho chúng tôi, sau nhiều cơn vật vã, vẫn có thể gạn đục khơi trong rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người. Vâng! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm nói: ton art purifie ton âme và sẽ còn giúp chúng tôi đi nốt con đường đã chọn: CON ĐƯỜNG TÌNH, tình nước, tình người”.

 

 

 

Phan Trang Hy
Số lần đọc: 747
Ngày đăng: 12.05.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Tình khúc” của Nguyễn Đức Tùng: một cánh cửa mở? - Trần Hạ Vi
Tô Thùy Yên, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới - Nguyễn Đức Tùng
Gợi mở một triết học phồn sinh - Hồ Bá Thâm
Tái sinh – Biển vẫn hát cùng anh - Hoàng Thị Thu Thủy
Nén Tâm Hương Cảm Cựu, thương tiếc nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyễn Xuân Sanh – một trong những nhà thơ tượng trưng tiêu biểu của phong trào thơ mới - Chế Diễm Trâm
Trần Mộng Tú, mình em một ngôn ngữ - Nguyễn Đức Tùng
Cảm nhận bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” - Yến Nhi
Nguyễn An Bình – một đời nặng nợ với văn chương - Hoàng Thị Bích Hà
Ấn tượng với bộ phim “Bố già” của Trấn Thành - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả
Khỏa Thân (truyện ngắn)
Bán Chữ (truyện dài)
Phóng Sinh Chữ Nghĩa (truyện ngắn)
Làng cuồng mê (truyện ngắn)
Bao La Tình Mẹ (tạp văn)
VŨ ĐIỆU BIKINI (truyện ngắn)
Blogger sợ chữ (truyện ngắn)
Đau đáu Hoàng Sa (truyện ngắn)
Chuyển kiếp (truyện ngắn)
Hát giữa trần gian (truyện ngắn)
Có hậu (truyện ngắn)
Đảo gọi (truyện ngắn)
Nụ cười xứ Nẫu (truyện ngắn)
Vòng ký ức tháng ba (truyện ngắn)
Ấm áp mùa Noel (truyện ngắn)
Mơ về lại Hoàng Sa (truyện ngắn)
Nghe mưa chờ tết (truyện ngắn)
Vàng mai rực rỡ (truyện ngắn)