Bài dịch và giới thiệu
Tác giả: Đỗ Quý Dân
Tôi không thích viết bài về một tác giả, vì như thế người viết và người đọc phải tìm hiểu về NHIỀU tác phẩm của tác giả đó và NHIỀU khía cạnh về con người của tác giả đó. Đó là công việc của những học giả, phải đọc nhiều, hiểu nhiều và viết nhiều. Thường thì tất cả những tác giả nổi tiếng, những người có được một hoặc nhiều tác phẩm quan trọng đều đã ĐƯỢC và đã BỊ các nhà phê bình văn học (các học giả) soi mói, và các tác phẩm của họ đã bị đào xới, bàn tán rất nhiều trên các diễn đàn văn học nghệ thuật. Tôi không muốn góp phần vào công việc đó.
Tôi chỉ muốn viết về một bài thơ, một đoạn văn, mà tôi có thể trích ra, ghi lại cho các bạn đọc đối chiếu trong khi đọc những lời … tán láo của tôi. Tôi không có ý định thuyết giảng về con người, về sự nghiệp của tác giả những bài văn, bài thơ tôi chọn làm chủ đề bàn thảo, mà chỉ muốn trình bày một vài khía cạnh về con người, về sự nghiệp của tác giả đó mà bạn đọc có thể nhác thấy qua « vùng sương bóng » (chữ của Bùi Giáng) mà bài thơ, đoạn văn kia tạo nên. Mỗi bài thơ, mỗi đoạn văn là một phần của người sáng tác ra nó. Hy vọng bài viết của tôi sẽ giúp bạn hiểu thêm về tác giả của những bài thơ, đoạn văn tôi giới thiệu, dù bạn ý thức được những điều tôi viết ra chỉ tương đương với những lời … tán láo.
* * * * *
LE PONT MIRABEAU - VƯỢT QUA CẦU ẢO ẢNH
« Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây … »
- Trịnh Công Sơn (Tình Xa)
Trịnh Công Sơn, vô tình hay cố ý, đã dùng ý (lời) của Guillaume Apollinaire trong bài thơ « Le pont Mirabeau » (Cầu Mirabeau) để đưa vào bài nhạc của mình :
«Les jours s'en vont je demeure…
. . .
L'amour s'en va comme cette eau courante »
(Tạm dịch : Ngày ngày ra đi, ta ở lại … Tình yêu ra đi như dòng nước cuốn)
Nhưng Trịnh Công Sơn lại chỉ chú tâm về những cuộc tình, những người tình của mình. Họ Trịnh ngồi không, thụ động, để thời gian trôi qua, để dòng sông chảy ra biển, để những lời tình tự bốc lên thành mây, rồi rơi xuống thành mưa:
« Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa... »
Những cơn mưa rơi xuống trên con người bất lực của nghệ sĩ. Để rồi nghệ sĩ phải than:
« Ôi tiếng buồn rơi đều,
nhìn lại mình đời đã xanh rêu..."
Apollinaire thì không thế. Thi sĩ người Pháp gốc Ba Lan cũng bất lực trước thời gian, trước dòng nước không chịu ngừng trôi. Chàng cũng đã nếm vị đắng của tình yêu, nhưng chàng tích cực hơn, quả quyết sẽ tìm được niềm vui sau cơn đau :
« La joie venait toujours après la peine »
(Tạm dịch : Niềm vui chỉ đến sau cơn đau)
Chàng nhìn ngày tháng trôi, nhìn dòng nước cuốn, và nhìn những cặp tình nhân cố gắng níu giữ tình yêu của mình :
« Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l'onde si lasse »
(Tạm dịch :
Tay trong tay, chúng ta hãy để mặt đối mặt
Trong khi làn sóng của những ánh mắt bất diệt bị lả mệt
Dưới những cánh tay đang nối vào nhau như một chiếc cầu)
Apollinaire quan sát và thấy tình yêu bỏ đi như dòng nước cuốn :
« L'amour s'en va comme cette eau courante »
(Tạm dịch : Tình yêu bỏ đi như dòng nước đang trôi)
Tình yêu bỏ đi vì ta sống … chậm quá (chậm hơn dòng nước), trong khi những Khát Khao, những Ước Vọng của chúng ta bùng lên như một ngọn lửa cuồng bạo :
« L'amour s'en va
Comme la vie est lente
Et comme l'Espérance est violente »
(Tạm dịch :
Tình yêu bỏ đi
Vì đời sống quá chậm
Và vì Ước Vọng bạo cuồng)
Và cứ thế, ngày ngày cứ trôi qua, cuộc tình trở thành quá khứ, quá khứ không trở lại, và tình yêu không trở lại :
« Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé
Ni les amours reviennent »
(Tạm dịch :
Từng ngày từng ngày qua, từng tuần từng tuần qua
Không quá khứ nào
Không tình yêu nào trở lại cả)
Apollinaire đóng vai quan sát viên, nhìn đời, ngắm người, để hồn trôi theo dòng nước, tĩnh lặng như màn đêm :
« Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure »
(Tạm dịch :
Đêm đến, chuông đồng hồ điểm giờ vang lên
Ngày ngày đi, ta ở lại)
Vậy phải chăng Apollinaire cũng giống như Trịnh Công Sơn, ngồi nhìn lại đời mình để thấy rêu xanh che phủ ?
Không, Apollinaire ngồi ngắm chiếc cầu tên Mirabeau, không phải chỉ để ngắm cầu, mà để từ biệt dòng sông, đi qua cầu để tìm một chân trời mới. Nước có cuốn tình yêu của ta đi, cũng chỉ là nước dưới chân cầu. Apollinaire nhấn mạnh điều đó ở câu đầu và câu cuối bài thơ :
« Sous le pont Mirabeau coule la Seine »
(Tạm dịch : Dòng Seine trôi DƯỚI cầu Mirabeau)
Mirabeau nghe như « Mirage Beau », « Beau mirage » : ảo ảnh đẹp. Nghệ sĩ, thi sĩ luôn đi tìm cái đẹp, dù cái đẹp đó là ảo ảnh.
Apollinaire đã là nhân chứng của những vòng tay lả mệt không giữ nổi tình yêu, của những cuộc đời mâu thuẫn với ước vọng, của những cơn đau tình ái, và của sự bất lực từ những kẻ thụ động, nên mượn chiếc cầu Ảo Ảnh kia để phiêu lưu nơi một vùng trời khác, nơi chàng có thể tìm được sức sống. Một sức sống tích cực hơn.
Nhìn lại cuộc đời của thi sĩ, ta thấy chàng viết bài thơ này lúc đang ngưỡng mộ các phong trào mới trong văn học nghệ thuật như phong trào siêu thực (surrealism/surrealisme) trong văn thơ, phong trào lập thể (cubism/cubisme) và duy thể sắc (orphism/orphisme) trong hội họa. Chính chàng là người đã đặt ra những « danh hiệu » đó : surrealisme, cubisme, orphisme. Chàng đang hăng say với những phong trào MỚI đó nên không thể ngồi yên nhìn đời, ngắm bản thân mình để chỉ thấy rêu xanh. Trịnh Công Sơn ở nửa thế kỷ sau ngồi thụ động nhìn đời. Apollinaire ở nửa thế kỷ trước đã bỏ đời lại ở phía sau để dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới. Chàng bắt đầu cuộc phiêu lưu đó khi vượt qua cây cầu Mirabeau. Vượt qua Ảo Ảnh.
Apollinaire đi nhưng không đoạn tuyệt. Bài thơ « Le pont Mirabeau » của chàng vẫn giữ vần như những bài thơ cổ điển, vẫn còn những nét xưa, dù đã tô bằng màu mới. Trừ phần « điệp khúc », mỗi câu có mười (10) âm tiết (syllables/syllabes) (Câu 2 và câu 3 ở mỗi khổ thơ thật ra là một câu tách đôi như những câu lục bát bị các nhà thơ « cách tân » ở Việt Nam tách ra). Hai câu nối giữa các khổ thơ như một điệp khúc (mỗi câu có bảy (7) âm tiết) nói lên sự tôn trọng của nhà thơ đối với nhạc tính của thơ cổ. Apollinaire bỏ đi, nhưng không đi như dòng sông, như ngày tháng vô tình. Chàng đi với những bước chân nhẹ nhàng và trân trọng. Đủ nhẹ nhàng và trân trọng để không làm tan vỡ trái tim của những mối tình cũ : tình cổ điển và tình lãng mạn.
Noi theo gương chàng, ĐQD cũng trân trọng những mối tình « thơ mới » (thơ tiền chiến) và tình thơ vần, mặc dù hắn đã lộ ra vẻ bội bạc, muốn bỏ rơi các nàng ấy để được tự do. Tự hắn. Do hắn. Bay. Nhảy.
ĐQD
+++++
LE PONT MIRABEAU
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu'il m'en souvienne
La joie venait toujours après la peine
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l'onde si lasse
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
L'amour s'en va comme cette eau courante
L'amour s'en va
Comme la vie est lente
Et comme l'Espérance est violente
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé
Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Guillaume Apollinaire (Alcools – 1913)
* * * * *
CẦU MIRABEAU
Dưới cầu Mirabeau
Dòng Seine trôi lặng lờ
Tình mình cũng trôi theo
Có cần nhắc cho nhau
Rằng niềm vui nào cũng
Chỉ đến sau cơn đau
Giờ vừa điểm đêm về
Tháng ngày đã ra đi
Riêng ta còn ở lại.
Tay trong tay tìm nhau
Mặt hãy nhìn vào mặt
Để sóng mắt thiên thu
Lả mệt dưới nhịp cầu
Của những bờ vai mỏi
Giờ vừa điểm đêm về
Tháng ngày đã ra đi
Riêng ta còn ở lại.
Tình yêu bỏ ra đi
Như dòng sông nước cuốn
Tình yêu bỏ ra đi
Đời người sao hờ hững
Ước vọng sao bạo cuồng
Giờ vừa điểm đêm về
Tháng ngày đã ra đi
Riêng ta còn ở lại.
Từng ngày, từng tuần qua
Thời gian và tình ta
Không thấy quay trở lại
Dưới cầu Mirabeau
Dòng Seine trôi lặng lờ
Giờ vừa điểm đêm về
Tháng ngày đã ra đi
Riêng ta còn ở lại.
ĐQD dịch