Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
679
123.134.502
 
Sức sống diệu kỳ và sự nhiệm màu của tình yêu
Hoàng Thị Bích Hà

 

 

Anh sinh ra ở Nha Trang, lúc chào đời cũng mặt mũi khôi ngô, vầng trán cao và đôi mắt lộ vẻ thông minh. Mặc dù tứ chi của anh vẫn đầy đủ nhưng không hiểu sao đến tuổi tập tập đi anh không thể đi đứng được. Càng lớn thì hai chân của anh cứ mềm nhũn ra. Ở hai đầu gối hình như không có khớp mà chỉ được nối liền với nhau bằng lớp da bao bọc bên ngoài nên hai chân anh có thể vắt chéo lên cổ cho khỏi vướng víu khi ngồi, Nhà nghèo! Sự đời đôi khi lại éo le quá thể. Đã nghèo lại thêm eo. Cái ngặt cái nghèo nó đổ vào số phận của con người kém may mắn. Vì nghèo làm sao mà gia đình thuốc thang chạy chữa cho anh. Dẫu biết bệnh khó lành đi chăng nữa nhưng ít ra cũng biết được nguyên nhân để tìm cách khắc phục phần nào để cải thiện cuộc sống.

 

Để kiếm chén cơm đắp đổi qua ngày, không còn cách nào khác, hàng ngày mẹ anh bế anh ra chợ ngồi ( lúc này khoàng 8- 9 tuổi) để trước mặt một cái thau, người đi chợ rủ lòng thương có thể thả vào đó cho anh vài ba đồng bạc lẻ tùy tâm. Ngày tháng trôi đi cuộc sống của anh cũng qua ngày đoạn tháng nhưng chân anh thì vẫn vậy. Khi di chuyển trên tấm ván nhỏ có gắn 4 bánh xe và anh dùng hai tay tự đẩy đi, còn đôi chân vẫn phải vắt chéo lê trên cổ vậy. Lâu ngày đôi chân ít cử động nên nó cứ teo dần chỉ còn da bọc xương. Nhìn chân anh như hai ống sậy bị lỗi. Có một chân sờ vào thấy lạnh ngắt. Anh nói rằng chân này như đã chết vì không có cảm giác. Chỉ có một chân còn ấm. Cơ thể anh đã vào tuổi trưởng thành nhưng chỉ có 25 kg.

 

Thế rồi, anh tìm đến Bình Dương làm nghề bán vé số. Vì anh nói mình phải sống dù tàn nhưng không phế, cũng phải kiếm sống bằng sức lực còn lại của mình chứ không muốn ngửa tay xin người ta hoài. Anh thuê một phòng trong khu nhà trọ dành cho những người thu nhập thấp. Hàng ngày anh thuê mối xe ôm chở đến một nơi thuận tiện có nhiều người qua lại để bán vé số. Ăn uống thì anh nhờ người ta đi mua cơm hộp để dùng và cuộc sống hằng ngày cứ thế trôi đi, anh sống vui vẻ bình yên trong xóm trọ nghèo như thế.

Bỗng một hôm, bên phòng trọ dãy bên kia có người con gái nhìn sang cất tiếng hỏi thăm anh:

- Anh ăn cơm chưa?

- Chưa, chút nữa anh nhờ người ta đi mua cơm.

- Em có nấu cơm, vậy để em bới qua cho anh ăn.

Rồi hàng tuần, cô gái đi làm. Vào thứ bảy, Chủ nhật cuối tuần cô lại đi chợ về cơm nước nấu hai người ăn chung với nhau, chuyện trò vui vẻ và đầm ấm. Chị là thợ may ở một cơ sở may gần đó. Hai người trao đổi số điện thoại để chuyện trò thăm hỏi nhau mỗi khi đi làm vắng nhau…

Sự nhiệm màu của tình yêu đã đến!

Anh đã nhận thấy tình cảm của hai người ngày càng gắn bó hơn, quan tâm nhau nhiều hơn. Một hôm anh mạnh dạn mở lời:

- Anh rất thương em! Mà anh như vầy, em có chịu làm vợ anh không?

- Em cũng thương anh, nhưng giờ chúng ta vầy không biết cuộc sống sẽ ra sao đây?

- Thì em chở anh đi tới chỗ bán vé số, thay vì anh đi xe thồ như mọi bữa rồi em đi làm, chiều đón anh về. Chúng ta sẽ kiếm sống bằng sức lao động của mình.

Và cuộc đời đã mỉm cười với anh khi anh có chị.

Anh chị dọn về sống chung trong một phòng trọ. Không có điều kiện để cưới hỏi gì, chỉ làm mâm cơm mời anh em bạn bè ở công ty may của chị và bà con trong xóm trọ. Gia đình chị thì mẹ chị đã già, còn chị em của chị không chấp nhận vì thấy anh tàn tật như vậy. Họ băn khoăn làm sao có tương lai, làm sao anh có thể trụ cột gia đình cho vợ con? Nhưng thương anh, chị cũng quyết tâm đến với anh.

Anh chị sống với nhau dẫu nghèo nhưng rất hạnh phúc. Thế rồi, niềm vui đến với anh chị- chị đã mang thai là kết quả của tình yêu anh chị dành cho nhau. Bé gái xinh xắn ra đời, mẹ tròn con vuông trong niềm hạnh phúc vô biên của gia đình anh chị. Các cậu dì của bé đã chấp nhận và quan tâm thăm nom đến bé nhiều hơn. Người ta nói con cái là lộc trời cho. Con gái anh sinh ra mặt mũi sáng sủa, đầy đủ chân tay và khỏe mạnh. Bé càng lớn càng xinh. Hai năm sau, chị tiếp tục sinh thêm bé nữa. Hai chị em như hai viên ngọc biết nói. Hai bé lớn lên khỏe mạnh và đáng yêu. Hàng ngày vợ chồng con cái ríu tít bên nhau, hạnh phúc đong đầy. Những người xung quanh ai cũng mừng cho anh, khi tật nguyền vậy mà vẫn có hai đứa con xinh xắn, khỏe mạnh . Khuôn mặt hai đứa đều sáng ngời mang nét dễ thương phúc hậu của chị và nét thông minh của anh.

 

Điều ngạc nhiên trong tôi là có lẽ lúc nhỏ anh không thể đến trường nhưng mà anh ăn nói rất lưu loát như người có học, điềm đạm, lịch sự khi giao tiếp, suy nghĩ rất chín chắn. Một lần đi bán vé số, người ta thấy hình hài anh tật nguyền và biết vượt lên số phận nên cảm động đã mua hết vé số cho anh và hỏi thăm gia cảnh của anh, xin tìm hiểu cuộc sống của anh. Anh đã trả lời phòng vấn rất mạch lạc lưu loát, đâu ra đó. Tôi thầm nghĩ ở đời anh mất thứ này, ông trời bù đắp cho anh thứ khác thì phải. Trời cho anh tâm hồn rất đẹp, biết sống tốt và biết vượt lên chính mình để có cuộc sống ổn định như bao người lao động chân chính.

 

Hôm nay, có người mua hết vé số là 200 000 đ, còn biếu thêm 200000đ nữa. Anh nói rằng mấy lâu nay anh đi bán vé số kiếm sống, gặp người hảo tâm họ cho thêm thì anh để dành tiền người ta tặng với một nguyện vọng là chung tay xây cái cầu ( thay thế cho cái cầu khỉ bắc qua một huyện nghèo ở địa phương anh. Anh bộc bạch: Những năm hai vợ chồng anh làm lụng và tích cóp được hơn mấy trăm về huyện Cờ Đỏ mua được hai công ruộng. Thế rồi vợ chồng con cái dắt díu nhàu về cất nhà, làm ruộng sinh sống ở đây. Và cũng để có chỗ ăn ở cho hai cô con gái của anh. Hai đứa ngày càng lớn cần có chổ ở và học hành nữa. Nhưng năm rồi bão lụt, covid khó khăn, mất mùa nên anh để 3 mẹ con ở lại Cần Thơ còn anh lại một mình lên trọ ở Bình Dương tiếp tục bán vé số như ngày nào. Hàng ngày vợ anh và vẫn gọi điện về hỏi han xem hôm nay khỏe không? Bán về chưa? Ăn cơm chưa? …Đầy ắp nghĩa vợ chồng của một gia đình hạnh phúc. Lúc phỏng vấn, anh còn đưa điện thoại gọi video. Hai cô con gái giờ cũng ở độ tuổi 10-15 rất dễ thương, còn vợ anh là một phụ nữ nhân hậu, ăn nói có duyên.

 

Tôi ngưỡng mộ anh - một con người dù khiếm khuyết về thể chất nhưng lành lặn về tâm hồn. Nhưng câu chuyện anh kể thật hồn nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống và còn biết chăm lo cho cộng đồng khi anh nghĩ đến chuyện xây cầu cho người dân đi lại.Thường thì khi người ta nghèo lại khuyết tật, người ta chỉ cần nghĩ đến nồi cơm của họ sao cho có ngày hai bữa là đủ, không ai bắt họ phải gánh vác việc xã hội. Vậy mà anh đã tự nguyện làm. Nghe nói cây cầu ấy khoảng trăm rưỡi triệu mà giờ anh và mọi người đã dồn được hơn trăm triệu rồi, còn thiếu độ bốn –năm chục triệu nữa thôi là cây cầu sẽ khởi công. Mong rằng có sự chung tay của những tấm lòng thiện nguyện, cây cầu sớm được hoàn thành thay thế cho cây cầu khỉ để giao thông đi lại nơi đây thuận lợi hơn. Góp phần cải thiện cuộc sống ở địa phương trong đó có gia đình vợ con anh.Anh xem như quê hương thứ hai - nơi gia đình anh đã chọn làm nơi cư ngụ.

Anh thực sự là một nhân vật truyền cảm hứng cho những mảnh đời kém may mắn nổ lực vươn lên. Trên cuộc đời này không gì là không thể, miễn là cứ sống tốt, cuộc đời sẽ đền bù xứng đáng.

Ngoài kia bầu trời vẫn trong xanh, với những làn gió nhẹ vào xuân báo hiệu một năm mới khởi sắc, đầy hi vọng.

 

Sài Gòn, tháng 2 năm 2021

 

 

 

Hoàng Thị Bích Hà
Số lần đọc: 1021
Ngày đăng: 18.05.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Căn nguyên cũng tại do mình - Lê Hứa Huyền Trân
MADA- Hồi ký của một thiên sứ - Đỗ Quý Dân
Gái lỡ thì - Lê Hứa Huyền Trân
Ở rừng - Vinh Anh
Mộc hương cuối mùa thu - Nguyễn Hải Yến
Ngày về - Nguyễn Đại Duẫn
Trả giá - Lê Hứa Huyền Trân
Những chuyến tàu đêm - Nguyễn Thị Kim Lan
Nhặt trên đường thể dục sớm mai - Phan Văn Thạnh
Ám ảnh một lời nguyện - Nguyên Minh
Cùng một tác giả
Chị Xíu của tôi! (truyện ngắn)
Anh tôi! (truyện ngắn)
Chủ nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Nước tràn ly (truyện ngắn)
Giận kẻ bạc tình (truyện ngắn)
Đời là thoáng chốc (truyện ngắn)
Chú Nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Bông cúc xanh (truyện ngắn)
Nhảy tàu (truyện ngắn)