Trong carvisite và trong cả tờ program triển lãm tranh mới nhất: THI HỨNG IV, ông Trần Nhương đều giới thiệu mình là: NHÀ THƠ - HỌA SĨ. Có lẽ không ai hiểu ông hơn chính ông. Sau 28 năm cầm cọ, tổ chức triển lãm cá nhân 4 lần, và 3 lần triển lãm nhóm, lần nào ông cũng xuất hiện với tư cách là nhà thơ “nhảy vào sân chơi” hội họa. Tôi thiển nghĩ, đó chính là điều đặc sắc nhất tạo nên phẩm chất tranh của ông Nhà thơ - Họa sĩ này, và đó cũng là con đường ngắn nhất, hữu hiệu nhất để người thưởng thức thâm nhập vào tác phẩm hội họa của một tác giả vô tình đã đạt tới yêu cầu của mỹ học cổ điển Á Đông: “Thi trung hữu họa” - “Họa trung hữu thi”…
Mấy chục bức tranh cỡ lớn trưng bày lần này, với kỹ thuật điêu luyện vẽ sơn dầu nhiều lớp của các bậc thầy cổ điển suốt gần 600 năm qua từ phương Tây tới Việt Nam, với sự thể nghiệm nội tâm về cuộc đời bằng hòa sắc và hình khối một cách khá điệu nghệ, không ít người xem đã phải nghiêng mình kính nể trước sự chuyên nghiệp của người họa sĩ vẫn tuyên ngôn rằng: vẽ chỉ là một cuộc chơi “tay ngang”! Trước những bức mang tên “Phận người”, “Hoa hạ”, “Người ở lại với rừng”, “Tuổi phượng”, “Bể khổ”…, thì lời “tự thú” của ông với báo chí, như “Vẽ có cái thú là được thư giãn, thả lỏng hoàn toàn… Vẽ không đau đớn, không dằn vặt như văn chương” chỉ là cách nói “thả hỏa mù” của một người được mệnh danh/ tự mệnh danh là “Trần Ham vui”! Người ta cảm thấy ngược lại, vẽ mới là sự dằn vặt đau đớn không kém đối với ông - nếu như không muốn nói hơn, so với văn chương!
Có điều, tranh của Trần thi sĩ, hơn bất kỳ một nhà thơ nào khác ở VN vẽ tranh, đã bộc lộ một cách trực cảm thế giới thơ ca của một tâm hồn nghệ sĩ nhìn đâu cũng thấy lấp lánh bụi vàng của Thơ, khiến câu định nghĩa của đạo diễn Pháp René Clair về điện ảnh có thể áp dụng cho chính họa sĩ này: “Bộ phim là một bài thơ được viết bằng Ánh sáng” = “Bức tranh là một bài thơ được viết bằng màu sắc và hình khối”.
Xem loạt tranh lần này của Trần thi sĩ - họa sĩ , tôi chợt nhớ đến những dòng ở một cuốn sách rất thú vị của nhà triết học Pháp F. Jullien viết về hội họa - "Đại tượng vô hình": khi miêu tả đời sống hội họa Trung Hoa cổ, ông đã nhấn mạnh tới cái không gian mà tâm linh được giải thoát khỏi những kiểu cách sự vật để có thể biến hóa mặc sức, ông viết:" Bằng cách kín đáo liên kết lại trong một trực cảm những thứ mà trong cuộc sống thường ngày người ta thấy riêng rẽ, họa sĩ cho ta thấy một sự nhất quán sâu kín hơn, đào sâu vào sự tưởng nhớ đến căn nguyên và giải thoát khỏi phạm trù hóa sự vật... trong nội tâm và bàn tay của họa sĩ "tự nó đáp ứng và hòa đồng"..."đạt đến" cái nhất quán bên trong của cái thấy được và "thâm nhập" vào lĩnh vực tâm linh: lúc đó ý độ biểu đạt không còn tính chật hẹp, riêng biệt, cá thể của một cảm xúc riêng thuộc loại hình nhất định, mà là một cảm xúc tỏa ra tự phát, bất tận của mọi xúc cảm trên thế giới xuyên qua bản thân tôi" (F. Jullien - “Đại tượng vô hình - Bàn về tính phi-khách thể qua hội họa” - NXB Đà Nẵng, 2004 - Chương: Hội họa viết nên cái gì? trang 349)
(Hà Nội, 18/5/2021)