Nguyễn Thị Hoàng (còn ký Hoàng Đông Phương) sinh ngày 11-12-1939 tại Huế. Học Đồng Khánh, 1957 và năm 1960 vào Sài-Gòn học Đại học Văn khoa và Luật; bỏ dở, dạy học ở Đà Lạt, khởi viết Vòng Tay Học Trò trong thời gian ở đây và đăng từng kỳ trên Bách Khoa ký Hoàng Đông Phương từ số 171 (15-2-1964), sau về Sài Gòn, cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Vấn-Đề,...
Tác-phẩm: Truyện dài và tiểu-thuyết theo thời-gian xuất-bản: Vòng Tay Học Trò (Kim Anh, 1966), Tuổi Sàigòn (Kim Anh, 1967), Ngày Qua Bóng Tối (Văn, 1967; Hoàng Đông Phương, 1968), Vào Nơi Gió Cát (Hoàng Đông Phương,1967), Về Trong Sương Mù (Thái Phương, 1968; Mây Hồng, 1968?), Cho Đến Khi Chiều Xuống (Gió, 1969), Đất Hứa (Hoàng Đông Phương, 1969), Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về (Sống Mới, 1969; Mây Hồng, 1970), Một Ngày Rồi Thôi (1969), Vực Nước Mắt (Gió, 1969; Mây Hồng, 1970), Vết Sương Trên Ghế Đá Hồng (Hoàng Đông Phương,1970), Tiếng Hát Lên Trời (Xuân Hương, 1970), Trời Xanh Trên Mái Cao (Tân Văn, 1970), Bóng Người Thiên Thu (Hoàng Đông Phương,1971; Nguyễn Đình Vượng, 1971), Bóng Tối Cuối Cùng (Giao Điểm, 1971), Tình Yêu, Địa Ngục (Nguyễn Đình Vượng, 1971), Định Mệnh Còn Gõ Cửa (Đồng Nai, 1972), Bây Giờ và Mãi Mãi (Đời Mới, 1973), Bóng Lá Hồn Hoa (Văn, 1973), Năm Tháng Đìu Hiu (Đời Mới, 1973), Trời Xanh Không Còn Nữa (Đời Mới, 1973), Tuần Trăng Mật Màu Xanh (Đồng Nai, 1973), Buồn Như Đời Người (Đời Mới, 1974), Cuộc Tình Trong Ngục Thất (Nguyễn Đình Vượng, 1974), và Chút Tình Xin Lãng Quên (Trương Vĩnh Ký, 1974).
Tập truyện ngắn: Trên Thiên Đường Ký Ức (Hoàng Đông Phương, 1967), Mảnh Trời Cuối Cùng (Hoàng Đông Phương,1968), Cho Những Mùa Xuân Phai (Văn Uyển, 1968), và Dưới Vầng Hoa Trắng (Sống Mới, 197?) và Đất Hứa (Hoàng Đông Phương, 1969).
Tiểu-thuyết của Nguyễn Thị Hoàng trình bày những mẫu người và đời sống bi quan, nỗi loạn không cần tương lai, mục đích, sống cho-đã cái bản năng và thân xác, đến “bội thực”. Nguyễn Thị Hoàng là bà hoàng của khuynh hướng này, bắt đầu với Vòng Tay Học Trò (1967) hiện sinh hóa tình yêu, không giới hạn không ngưng nghĩ trong những điên loạn bản năng tình dục, vì bà nghĩ "Chúng ta không ai cứu với được ai đâu, ngoài sự thức tỉnh buồn bã và tuyệt vọng. (...) Như cái đích mà con người hướng đến, dù tô điểm để tự phỉnh phờ với bất cứ ý niệm tốt đẹp nào, vẫn là cái chết mà thôi" (Ngày Qua Bóng Tối, tr. 8). Từ đó, có những tư tưởng như “ước gì mình có thể hư hỏng và vui với hư hỏng còn hơn là chết cóng” (Vết Sương Trên Ghế Đá Hồng).
Vòng Tay Học Trò đăng-từng-kỳ trên tạp-chí Bách Khoa từ 1966, ký Hoàng Đông Phương, kể chuyện Cô giáo tên Tôn Nữ QuỳnhTrâm, đã theo học đại học nhiều năm ở Sàigòn trước khi lên Đà lạt dạy một trường trung học nam. Cô thuê một căn nhà quá lớn để chỉ ở một mình, trong một khung cảnh:"Trong những chiều hiu quạnh như chiều hôm nay, chỉ còn có mình Trâm đối diện với chính mình, với niềm cô độc, xót xa giữa tòa nhà hai tầng vắng lạnh. Như chiều hôm qua, chiều hôm kia, bao nhiêu buổi hoàng hôn yên lặng đi qua, Trâm lại thấy cần một cái gì phá tan thế giới im lìm này... Những ngày còn đi học, mỗi khi nhìn mặt biển nối tiếp chân trời, Trâm cũng đã khao khát phiêu du... khước từ những năm tháng đều đặn, nếp sống lầm lì, công thức sáo hủ của cuộc đời". Tòa nhà vắng vẻ “chỉ còn có mình Trâm đối diện với chính mình, với niềm cô độc, xót xa”.
Và Cô khác người khi cho một nam sinh tên Nguyễn Duy Minh thuê lại phần nhà dưới: "Vô tình, Trâm đã chỉ cho Minh kê giường trong phòng nó song song và ở ngay dưới giường mình. Vô tình Trâm nhận ra điều đó, sự song song của hai chiếc giường qua một không gian đồng lõa, như hai mặt phẳng số kiếp cùng ở trên một bình diện cuộc đời. Và trong đáy im lìm tiềm thức bỗng mơ hồ vang lên một âm thanh bỡ ngỡ. Một tiếng gọi. Một lời nhắc nhở: Trâm là đàn bà, và người mới tới dù sao cũng là đàn ông. Hai cực Bắc Nam của hai thanh nam châm tiến dần vào một môi trường nguy hiểm là tòa lầu hoang vắng, là tâm hồn sa mạc, là trái tim tha ma của người đàn bà đã từ lâu đơn chiếc..."
Chàng học trò và nàng cô giáo của Nguyễn Thị Hoàng yêu nhau như thế này: "Trong mê sảng, Trâm có cảm giác như có một đôi môi nóng bỏng nào chồm lên mái tóc mình xõa dài sông đêm trên mặt gối. Bàn tay Trâm chới với níu lấy tóc mình. Nhưng bàn tay Minh như vòi mực biển khổng lồ đã quấn chặt tay nàng, dìm xuống, dìm xuống đáy nước cảm giác sôi trào ùa ngập, cho khuôn mặt mình phủ lên trên như một phiến san hô nóng ấm. Những ngón tay Trâm bất động thiếp mê một phút trong tay Minh rồi trở mình xoay nhẹ, xoay như tiếng trục đối chiếu của một bánh xe hốt hoảng đuổi theo cái bóng lờ mờ thoát hiện lên ở một ngã ba đời huyền hoặc... Trục bánh xe im tiếng, chợt đứng. Và những ngón tay Trâm quật lên, xoắn lấy những ngón tay Minh siết nhẹ. Siết đau. Rồi siết chặt... Và cuối cùng mười ngón tay buông nhau. Một dòng cảm xúc không tên ào ào ngập lụt trong lòng và Trâm nghe như lưỡi dao bén ngọt nào vừa rạch suốt chiều dài thân thể. Cơn mê sảng đầu tiên kéo dài suốt đêm...".
Tình-yêu ở đây hình như không cùng nhau nhìn về một hướng, mà rõ ra như hai cô đơn tình cờ gặp nhau ở chốn học đường, nhân-vật cô Trâm biện bạch: “tôi ích kỷ và không bao giờ vì ai cả (...) Tôi tìm niềm vui cho tôi, tôi mặc những ảo tưởng hạnh phúc cho tôi, tôi tự mang cho mình những nhãn hiệu… Tôi vì tôi, vì mình tôi (...) Danh dự, thế nào là danh dự, có phải là miếng mồi huy chương giả dán vào vẻ phè phỡn khốn nạn của những đứa thối nát ngầm không. Còn mình, mình đã làm gì, mình đã xúc phạm điều lệ nào của cuộc sống, mình đã cướp phá gì của ai chưa. Nhưng nếu chúng nó cho rằng mình thối nát? Ít ra mình cũng dám thối nát công khai, còn chúng nó vừa đánh trống vừa ăn cướp”.
Tác-giả phân -tâm: “Nàng nhìn Minh. Đăm đăm. Quấn quýt. Dại khờ. Một thoáng Minh cũng nhìn lại nàng như thế, và cả hai cùng cảm thấy có con sóng lớn luồn khắp thân thể mình, Trâm nhìn và Trâm nghĩ hôm nay Minh là người lạ. Tương quan giữa hai người cũng có quyền thay đổi theo. Không còn học trò cô giáo, chủ nhà khách trọ nữa. Người con trai đó đi lạc vào đời sống tôi, tôi có thể tiếp nhận cách này cách khác, với ý nghĩ nào đi nữa cũng không can dự gì đến đời sống bên ngoài. Trường học với những danh từ gán ghép cho khuôn mặt sân khấu giả trá của tôi bên đó, phút này không còn nghĩa lý nữa. Tôi mệt mỏi gắng gượng đã quá lâu rồi, không còn suy tính ngăn ngừa nữa. ”.
Và là tự do lựa chọn, một tiêu điểm của thuyết hiện sinh. Trâm phản kháng và nổi loạn chống cả gia-đình :”Tôi sẽ không về phe với đời. Tôi đối lập. Tôi thuộc về phe phản kháng với tất cả, tất cả”. Cô giáo Trâm hành xử tự do, và đã nghĩ “Dồn tốc độ đam mê trong khoảnh khắc cho tôi sống một lần và chết một đời. Tôi phải làm gì, tôi phải nói gì với em (…) sống cho cùng, cho tột cảm xúc và khả năng của mình, và phải cảm thấy mình đang sống cuộc đời chính mình lựa chọn và điều khiển. Gì cũng được, nhưng phải say mê một thứ gì đó, miễn là biết dứt khoát lúc cần phải nghỉ ngừng, đề sau đó, bắt đầu lại một say mê mới, một tìm kiếm khám phá mới. Tìm gì để làm gì, nàng không biết. Nhưng không thể nguôi nghỉ, buông xuôi dù biết rằng con đường nào rồi cũng dẫn về hư không và tất cả chỉ là vô ích và nhàm chán”. Nhưng Trâm không có cái tự do hoàn toàn, cô bực bội vì “cử chỉ của mình có thể bị người ngoài xuyên tạc” nhưng bất cần, không việc gì phải nghe theo, “chiều theo thứ dư luận ngu xuẩn hẹp hòi” của thứ luân lý giả tạo.
Cuộc đời phi lý, con người vùng lên, phản kháng, vượt hàng rào có sẵn, cần tự do, sống vội sống cuồng, sống theo như ý, thành thử cũng dễ chán chường, rã rời ý chí, mệt mỏi thân xác,... trong cái hữu hạn của thân phận. Cô giáo Trâm nhớ lại “những ngày còn đi học, mỗi khi nhìn mặt biển nối tiếp chân trời, Trâm cũng khao khát phiêu du, cũng ước mơ những chân trời vô định rộng lớn. Để từ khước những tháng năm đều đặn, nếp sống lầm lì, khung cảnh quen thuộc, công thức sáo hư của cuộc đời, lớn lên, ai cũng một lần mơ ước thoát ly. Nhưng con đường sống là một vòng tròn mà tận cùng cũng là khởi điểm. Không thể làm thế nào khác. Cho nên con người đành ở lại trong khuôn khổ nhỏ bé của mình, nhận chịu cái giới hạn cuộc đời phi lý và mơ tưởng, nhớ nhung hoài một quê-hương mù mịt xa vời không bao giờ tìm đến”.
Khi đã đi dạy học và bơi trong một cuộc tình, Trâm vẫn không thoát được những cái hữu hạn đó: “Điều Trâm nuôi dưỡng, bám víu trên đời không phải là một niềm tin, một của cải, một sức mạnh nào cả. Mà một vẻ đẹp nào đó. Tìm kiếm, bắt gặp rồi là chạy trốn. Chạy trốn tức khắc. Nếu dừng lại với một nghiêng mình xao xuyến, một vương tay nhẹ nhàng, một hơi thở phập phồng nao nức, là thôi, ảo ảnh vỡ tan. Hay thoát bay đi như một cánh bướm chập chờn. Chạy trốn bởi tự biết còn ở lại, vẻ đẹp đó một phút giây nào cũng rạn rỡ, được cũng như mất. Không ai đủ can đảm sống cô đơn với một đám tang tình ái cho đến hết đời buồn tủi. Chạy trốn như một tự thú tuyệt vọng. Một hoảng hốt cầu xin để thoát ra khỏi vùng bỏng cháy của tâm tư mình thiêu đốt. Lại đi dạy, soạn bài, chấm bài. Ăn ngủ. Đếm tiền đầu tháng để hết ba mươi ngày không còn gì trên taỵ Như làm cu li cho cuộc đời lì lợm để đổi lấy miếng cơm hằng ngày. Một cu li buồn nản giữa bao nhiêu cu li háo hức giành giựt đua tranh. Để làm gì vậy. Cơn mỏi mệt như thấm vào xương tủy, làm tê điếng cả làn da, và, Trâm rùng mình nhận ra nỗi chán nản vô lý của mình chỉ có thể chữa bằng một thứ độc dược cuối cùng là nỗi đam mê núi lửa nào đó. Để sau đó, buồn nản hơn, chán ngấy hơn, ghê tởm hơn cả mọi người, cả cuộc đời và nhất là chính mình nữa. Cho nên xin nhường chỗ lại cho các người, tôi ra đi. Đi đâu không biết, nhưng tôi ra đi. Vì không muốn ai nhìn thấy mình, một mai kia, còm cõi già nua ở cuối đời trong vai trò giả dối đó, hay trong lốt rã rời ma quỉ của con phù thủy sau phút điên mê… Một nơi nào khác đó, tôi sẽ đổi thay trong những màn thay đổi không ngừng của một sân khấu đời rộng lớn. Có thể thắm tươi hơn mà cũng có thể tàn rủa hơn. Nhưng sẽ mãn nguyện đã chiếm cứ một quãng đời rực rỡ thần tiên ở nơi này. Dồn kỷ niệm đẹp của hôm nay cho những tháng ngày mai sau thiếu vắng...”.
Nhục dục dồn nén sẽ trở về trong giấc mơ: “Trong mê sảng, Trâm có cảm giác như một đôi môi nóng bỏng nào choom lên mái tóc, mình xõa dài sông đêm trên mặt gối. Bàn tay Trâm chới với níu lấy tóc mình. Nhưng bàn tay Minh như vòi mực biển khổng lồ đã quấn chặt lấy tay nàng, dìm xuống, cho khuôn mặt Minh phủ lên trên như một phiến san hô nồng ấm. Những ngón tay Trâm bất động thiếp mê một phút trong tay Minh rồi trở mình xoay nhẹ, xoay nhẹ như tiếng trục đổi chiều của một bánh xe hốt hoảng đuổi theo cái bóng lờ mờ thoắt hiện lên một ở ngã ba đời huyền hoặc… Trục bánh xe im tiếng, chợt dừng. Và những ngón tay Trâm quật lên, xoắn lấy những ngón tay Minh siết nhẹ.
Và cuối cùng, mười ngón buông nhau. Một dòng cảm xúc không tên ào ào dâng lên ngập lụt trong lòng và Trâm nghe như lưỡi dao bén ngọt nào vừa rạch suốt chiều dài thân thể…Úp mặt xuống gối, hàng răng muốn cắn cho nát ngướu đôi môi, Trâm nén dằn một tiếng kêu thảng thốt. Rồi nước mắt Trâm như dòng suối khuya qua bờ rêu đá chảy xuống âm thầm…Cơn mê sảng đầu tiên kéo dài suốt đêm. Gần đến sáng, Trâm chợp mắt ngủ thiếp đi, mơ thấy mình mọc cánh biến thành con chim đêm bay chập chờn trên những đồi trùng điệp mịt mờ sương phủ.”
Chỉ có chữ nghĩa bóng bẩy, còn về thực chất, hiện thực, cụ thể, thiển nghĩ không thể xếp vào loại khiêu dâm như nhiều nhà phê-bình trước nay. Những chi tiết như khi “Trâm nhìm khoảng cườm chân trắng nõn của Minh hé lên giữa ống quần và tất đen”, hoặc khi Minh nhìn Trâm là cố nhìn “chiếc áo len xanh ngắn rướn lên để hở một khoảng da bụng trắng muốt” chắc không gợi nhục cảm cho nhân-vật nhiều bằng gợi ham muốn nhục-dục cho một số độc giả! Còn 'mặc cảm tính dục' thì Nguyễn Thị Hoàng là nhà văn Việt-Nam đưa lên văn-chương, do đó bị soi mói, phê phán. Nếu Vòng Tay Học Trò đã gây ồn ào dư luận một thời, nguyên nhân nằm ở chỗ khác, là vấn-đề đạo lý giữa cô giáo và học trò, khó được 'phong hóa' bình thường cho đến thời đó chấp nhận hơn là tình-yêu thầy nam-trò nữ, mà tùy hoàn cảnh có thể dư luận cho qua! Chuyện tình ở đây có tính lãng-mạn, tâm lý, còn tính hiện sinh thì hình như chưa hết mình, trọn vẹn. Có điều tác-giả, Nguyễn Thị Hoàng, đã hơi lạm dụng ngôn-ngữ của hiện sinh thời thượng, lập lại cùng ý tưởng nhiều lần ở nhiều chương đoạn, hoặc chỉ riêng trong một đoạn sau: “Vô ích và thừa thãi như cuộc đời của Trâm đã bao nhiêu lần nàng chán ngán chính mình, tự hỏi vì đâu có một hiện hữu tự tại phi lý là thân xác và tâm hồn nàng, chơi vơi giữa khoảng không cùng thẳm của hư vô, giữa vần vụ của vòm trời định mệnh, giữa lao tù ngột ngạt của sự sống đầy rẫy chứng tích cô đơn”. [Mai Tiến Thành sau đó xuất-bản truyện dài Tiếng Nói Học Trò (Kim Anh, 1967) nhận mình là cậu học trò trong truyện của Nguyễn Thị Hoàng].
Tình cô giáo và nam sinh tiếp nối trong Tuổi Sài-Gòn (Kim Anh, 1967) - là chuyện cô giáo tên Lệ Chi và học sinh tên Dũng lồng trong cuộc sống tuổi trẻ sống hết mình, sống cái hôm nay dù có thể là tạm bợ, với những cuộc tình chớp nhoáng, những hưởng thụ cho 'hôm nay'. buông thả,, chỉ biết hưởng thụ, ”, “đã nhày nhụa vì những ẩu đả vô nghĩa, những dày vò nát tan, cào cấu thêm vào sự sống đã đầy rẫy vết thương rồi. Ăn ngủ, bài bạc, rượu trà, đàn bà, hút sách, đánh lộn, lừa bịp, tiêu hủy tài sản cha mẹ và tàn phá hết thì giờ quý báu của tuổi trẻ mình” (tr. 84-5) như Di, Kha, Tấu,... Nhân-vật Chi sinh viên trường Luật từng dạy học rồi nhận làm công cho 'chú' Đôn thương gia góa vợ để tìm quên cái chết của Dũng cậu học trò tự vẫn vì yêu Chi và không muốn Chi dọn đến ở với 'chú' Đôn, cái chết hoài ám ảnh cô: “Làm gì cũng được, miễn quên được là tôi đang phải sống một đời sống chết và đang chết dần trong tháng năm, như một sự rữa mòn, thăng hoa của băng phiến, sự lụi tàn của cây nến cháy. Cho đến một ngày nào không trốn tránh được nơi đâu và những tháng ngày còn lại là con đường trống không hiện hình thi thể nát tan của Dũng. (…) Những ưu phiền sẽ còn suốt tháng suốt năm cho những người ở lại. Nụ cười Chi bây giờ hiu hắt. Đôi mắt Chi bây giờ thăm thẳm con ngươi, đáy linh hồn sâu kín chôn tiếng khóc bi ai của một ngày buồn chủa nhật...” (tr. 69-70).
Sau Dũng là Hà, vì Chi thuộc loại 'mở cửa': “Đúng. Chị si một người chưa đến, cảm thấy sắp tới gần, nhưng cũng còn lâu lắm. Bây giờ đi ra đường dầm mưa với chị không nào. Nhanh lên không trời hết mưa chị về ngay đây...” (tr. 29). Tức tự do sống và hưởng lạc mới, tự do cô đơn, thành lũy hư vô, hợp nhất 2 cô đơn, như của Hà và Lệ Chi, của Chi với Toàn: “Tuổi trẻ bây giờ thật già cỗi, rã rời với những mê say những ngao ngán cùng cực, Để quằn quại thắc mắc không nguôi. Để khắc khoải kiếm tìm vô vọng. Vui chơi buông thả để tự hủy hoại mình, tự đọa đày mình như sống ở đời là chịu đựng hết những hình phạt phi lý. Hình phạt là khoảng trống không yên lặng quạnh hiu giữa mỗi tâm hồn ốc đảo...” (tr. 83-84)
Đến một lúc nào đó, trác táng cũng trở thành “mặc cảm phế tàn, hư hỏng cuộc đời, thân phận” như nhân-vật Toàn khi nhìn lại quãng đường “của con cò con vạc ăn đêm” vừa qua chìm ngập trong “Đàn bà và cảm giác. Rượu và cơn say ngật ngừ xoay tít. Xe và tốc độ điên cuồng. Đêm và giấc ngủ dập vùi, thê thảm sau những giờ miệt mài chán chê. Không còn gì hơn thế” (tr. 123). Toàn cũng yêu Chi nhưng chỉ tìm vui với vũ nữ. “Mỗi người chỉ có thể trông cậy vào chính mình để tự cứu rỗi tâm hồn, đời-sống” (tr. 299), rồi Mai Loan, bà Đốc-phủ-sứ, Antoine Đức, v.v. đưa đến những cái chết như để kết thúc câu chuyện kiếm tìm hạnh-phúc hôm nay, vì “cuộc đuổi bắt trong tình-yêu, trong hạnh-phúc là thảm kịch thân phận” (tr. 294). Phần Chi cũng tự tử vì nghĩ đã hết thứ hạnh-phúc nhục cảm tìm kiếm khi Đôn hỏi cưới: “Bây giờ quá muộn, cháu đã bê tha một quãng đời với một người rồi. Như vậy là vì cháu tự ý hủy hoại và chán bỏ. Và trở về với chú, cháu chỉ còn một tâm hồn tàn phế tối tăm” (tr. 271).
Mặc cảm 'tàn phế' sẽ rõ hơn trong Ngày Qua Bóng Tối (Văn, 1968), Nguyễn Thị Hoàng nói lên tâm trạng nổi loạn của người nữ mang 'mặc cảm tàn phế' vì bẩm sinh không thể thụ thai (“Cô không thể lấy chồng, hoặc lấy chồng mà bắt buộc không được có con. Mang thai thì cô có thể chết được” lời bác sĩ mà nhân-vật nữ này xem như là một “lời nguyền cay độc cho một con đàn bà bất hạnh” (tr. 10) - bóng gió với 'mặc cảm bị thiến' trong phân tâm học!), trong một xã-hội chiến-tranh và đầy đổ vỡ, “sa đọa”, phi lý, mà tương lai thì có thể nói là hư vô, không tưởng, là đương đầu với bức tường cái Chết như sự lựa chọn hoặc “hiện sinh” cuối cùng: “Chúng ta không cứu vớt được ai đâu, ngoài sự thức tỉnh buồn bã và tuyệt vọng (…) Khi tôi sống – còn đây đã đồng nghĩa với chết đi. Hoặc đi chầm chậm tới gần, mỗi phút giây một gần hơn về cõi chết. Như cái đích của con người hướng đến, dù tô điểm để tự phỉnh phờ với bất cứ ý niệm tốt đẹp nào, vẫn là cái chết mà thôi. Sống chẳng phải là đi đến sự chết đó sao. Nhưng mọi người thì mơ hồ, còn tôi thì đã rõ rệt...” (tr. 8-9).
Đề tài hiện sinh trở lại với truyện dài này khi tác-giả khẳng định và chứng tỏ con người là tự do tuyệt đối: “Một phần nào trong tôi đã chết. Phần còn lại hoàn toàn tự do, tự do và cô đơn, thoát ra ngoài kiềm soát của ý thức và lý trí, phóng mình vào đời như một liều thân phó mặc” (tr. 10).
“Tôi muốn nổi loạn tức thì, đi chơi, phá phách, hát ca, đùa nghịch, khiêu vũ, ăn uống, nói cười thật điên cuồng mê mải, để trong một lúc có thể nhận chìm con người tôi xuống đáy biển quá-khứ tối tăm, cho quên tôi đi, quên tôi đang sống, nghĩa là đang đến gần cái chết” (tr. 14).
Tự do tuyệt đối, sống trên dư luận,...: “nếu cứ phải thường xuyên giải thích, phân bua với các thứ dư luận nọc độc, đến bao giờ tôi sống được đời-sống tôi, một đời-sống tự trách nhiệm lấy chính đời mình trước lương tâm và định mệnh..., “ (tr. 87), vì “Tháng ngày rồi qua đi, tuổi trẻ rồi hao mòn, cho đến lúc mình không còn vốn liếng gì để trao đổi với cuộc đời trong những cuộc vui mới tiếc nuối thì muộn mất rồi” (tr. 121). Một cô giáo!
Bóng tối ở đây dày dặc và đầy ma lực. Với tự do tuyệt đối nhưng số phận đã có phần nên 'tôi' phải trả thù định mệnh, lấy chồng triết gia người này không thể có con, thì lấy người khác vậy, để được mang thai và việc này đưa đến cái Chết, lại tự do, chấp nhận cái Chết, không cần lãng-mạn ban phép bí-tích làm gì! Đối mặt với cuộc đời phi lý và bất toàn, nhân-vật của Nguyễn Thị Hoàng rã rời tự hủy, khác với nhân-vật của F. Sagan trong Un Certain sourire tự hủy hoại với phá phách không ngừng!
Đến một trong những tác-phẩm cuối cùng của bà trước biến cố 30-4-1975, truyện dài Cuộc Tình Trong Ngục Thất (Nguyễn Đình Vượng, ?-1974). Ở đây, nhân-vật không nhiều, chính thức là một người vợ và người chồng nhưng cuộc kiếm tìm hạnh-phúc của họ – chính ra là của người nữ phức tạp hơn và không dễ: “Họ như chuyến tàu và cũng như người giương cung trước kẻ thù sống chết. Mũi tên đã lắp vào cánh cung, kẻ thù đã chờn vờn trước mặt. Không còn một thứ khí giới nào khác, hai vợ chồng, hai người đâu lưng nhau, chỉ còn là một hoà nhập, biến thành một, sắp sửa bắn đi mũi tên cuối cùng, độc nhất. Mũi tên sẽ về trúng đích, và sống, hay mũi tên chếch nhẹ ra ngoài mục tiêu, và chết. Không, nào phải giản dị, dịu dàng như cái chết tức thì, với một viên đạn, một lát dao, một đường tên bay. Mà con đường từ cái sống tới cái chết phải đi qua bao nhiêu hàng rào kẽm gai, bao nhiêu rừng mưa đạn, bao nhiêu sông máu đầy, bao nhiêu đợi chờ và nước mắt, bao nhiêu khổ nhục và mồ hôi, bao nhiêu đoạ đày và thống khổ, ngoài sức chịu đựng có hạn của xác và hồn, kiên nhẫn vô biên của con người đã thách đấu với đời, thách đấu với hư vô”. Diễn tiến tâm lý và hồi tưởng cuộc đời, cuộc kiếm tìm hạnh-phúc như việc chờ chuyến bay cuối cùng cũng đến. Và cuối cùng, như một bình an tìm lại được, hai nhân-vật tạ ơn Phật: “Nàng nghe vi vu đâu đây, nhưng xa tít, chập chùng tiếng mõ lẫn tiếng chuông, cùng với tiếng tụng niệm thanh tao, văng vẳng. Vợ lại gần chồng. Chồng quay lại vợ, trước bàn thờ thơm ngát hương khuya, vợ đứng im trong cánh tay chồng đầm đìa nước mắt. Vợ ngước mắt lên nhìn tượng Phật và tạ ơn đời thầm lặng trong im, ơn trời, ơn Phật, ơn đời, ơn người, chúng con đã trở về, đã trở về được với nhau, đã tới nhà nhau. Nhưng nàng lại nghe, vẫn văng vẳng, xa xăm, trong tiếng chuông mõ chập chùng siêu thoát cõi nào cao khiết ngoài đời, tiếng nói mình, van lơn như âm hưởng kinh cầu trùng điệp, đã trở về, đã đến nhà, nhưng còn từ đây, nhưng ngày mai, cuộc phấn đấu gian nan vẫn còn kéo dài, căng thẳng, lặng lẽ…”
*
Triết lý về định mệnh, tình-yêu, tình giữa người với người, muốn sống và phải sống – bất kể sống kiểu gì, thế nào, ở đâu, với ai, đã được tác-giả đề cập hơn một lần trong nhiều tác phẩm: “Trong mỗi mấp máy , bước chân đi vào hay ra khỏi đời sống hỗn tạp mang mang, trong từng thấp thoáng linh cảm hay cỏn con mơ tưởng của con người đều vẩn vơ dấu vết của bước chân định mệnh. Bước chân đó dù ghé dến thềm đời của một người nào, dù dịu dàng hay mãnh liệt, dù thầm kín hay ngang nghiên cũng đều là một ma lực kì dỵ, vừa dẫn dắt ta theo con đường vạch sẵn từ tiềm thức nhưng đồng thời cũng dìu ta lên một cõi sáng láng nào, dù là khoảng cao phải trải qua bao nhiêu vực thẳm của đời sống và tâm hồn. Sự trốn chạy chỉ là một cách để dấn sâu thêm vào vực thẳm. Và sự dấn sâu tâm hồn hay đời sống vào vực thẳm cũng là một cách để cuối cùng bay vút lên cao” (Cho Đến Khi Chiều Xuống).
Bi đát, phi lý có mặt khắp nơi, ở nhiều giai đoạn của cuộc đời, của chính cuộc hiện sinh, nếu theo dõi các tác-phẩm của Nguyễn Thị Hoàng, người đọc sẽ tìm thấy cốt lõi của vấn-đề là hạnh-phúc không hề có đó hoặc vẫn đang được các nhân-vật đi tìm, chưa thấy, chưa đạt được, nên dấn thân mãi – có khi dấn thân theo kiểu buông xuôi, tận hưởng và phá phách, và phản kháng mãi!Thức tỉnh, nhận ra cuộc đời trống rỗng sớm rồi buông thả, sống hết mình, chỉ nghe theo ý mình,càng tỏ ra vô ích; từ đó kết luận cuộc đời mỗi cá nhân đã chỉ là một thừa thãi vô dung!
Với những tác-phẩm sau này, cũng như với Trùng Dương, “tư tưởng” Nguyễn Thị Hoàng đã Hiện sinh không thua gì những bài nhận định gọi là triết lý Hiện sinh về mọi sự, mọi tình huống ở đời như những nhận định, hoàn cảnh, văn-hóa không quá xa hay quá khác với một số tác-phẩm của Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Xuân Hoàng,.. với có thể không cùng kỹ thuật, ngôn-ngữ! Hay phải phân biệt Hiện sinh tháp ngà với Hiện sinh xuống đường?
Trong một số truyện ngắn, Nguyễn Thị Hoàng chìm đắm trong thế-giới của bi đát, hư vô và cuộc đời cứ như là hố thẳm. Thành Lũy Hư Vô (Cho Những Mùa Xuân Phai, 1968), hư vô nên đời-sống buồn phiền, con người tìm đến nhau đã khó, nhưng cũng dễ dàng bỏ nhau (hoặc đến với nhau để bỏ nhau) vì sẽ có lúc cùng nhận ra rằng cảm giác, sự gần gũi rồi ra chỉ là ảo tưởng, giả tạo. Cho nên vợ hay điếm cũng như nhau: “Chân lý mặt trời cũng không sáng tỏ bằngmột miếng ăn ngon, hay một nụ cười chuôi chuốt của gái điếm”. Trong khi đó người vợ bị … hư vô hóa một cách dửng dưng: “Đôi mắt tôi mất hiệu lực từ ngày lấy vợ... Vì Loan, Loan không có một khuyết điểm nào, không làm tôi mất lòng bao giờ, nhưng chính điều đó làm ta dửng dưng khô cạn. Phải thấy người kia sắp sửa bỏ đi để ta tìm kiếm (…) Loan lại hoàn toàn quá cho nên tôi cảm thấy nhẹ nhõm trống không”.
Vì thế mà chuyện kể như một “triết lý” về “chất” hư vô trong “con người hôm nay”: “... Lại nỗi mỏi mệt không đâu ùn ùn như một tảng mây đen kéo đến phủ trùm. Sự mệt mỏi khước từ tất cả những hình thức phức tạp và những vấn-đề rắc rối của đời sống. Người đàn bà ở trên bờ vực, sắp sửa buông tay, như tôi ở trong lòng trời ngày hôm trước, không hiểu vì sao cũng đã muốn buông tay. Nhưng rồi cả nàng, cả tôi, cả mọi người đều biết dừng lại đúng lúc. Và vì thế mà lẩn thẩn, vô nghĩa. Người đàn bà đã tìm đến, sau buổi chiều nhìn thấy tôi ở nhà hàng. Tôi đã cuồng điên muốn kiếm tìm cho thấy áo xanh. Nhưng khi nàng tìm đến, tôi không còn cảm thấy gì hết, ở người đàn bà, ngọn lửa rơi xuống trong tâm hồn bình yên những tàn tro lả tả. Khoảng không gian cách trở chẳng còn, chúng tôi đã nối liền và vì vậy, người ta mất nhau, đúng hơn là không còn cảm thấy thích nhau... Ở mắt nàng nhìn tôi, và tôi nhìn nàng đã tố cáo điều đó. Không còn ánh sáng rực rỡ của sửng sốt ngạc nhiên và nồng nàn của xôn xao rung cảm. Sự quen biết, và tệ hơn, sự gần gũi cố ý đã giết chết ảo tưởng mong manh về người đối diện suốt nhiều năm đeo đuổi không ngừng. Nàng đòi ra phố ngồi với tôi, thật ngang nhiên để thử tìm lại xem cảm giác bồi hồi trong ngăn cách nhìn thấy nhau hôm nào ở nhà hàng còn không. Bây giờ chúng tôi dửng dưng nhìn nhau. Con mắt không còn gì hơn là hàng mi đen dài vây quanh một khối tròn màu đen màu trắng ướt át. Tiếng động bàng hoàng, tiếng kêu thất thanh trong xương tủy đã chìm lắng xuống dần dần. Và chúng tôi đã trở lại là những người lạ, những kẻ phủi tay vô ơn đi ngược chiều nhau xuống con dốc đời bây giờ lạnh lẽo không cùng...”.
Trong phỏng vấn của Mai Ninh năm 2003, Nguyễn Thị Hoàng nói về việc Viết của bà: “Một tác phẩm có mặt từ ba yếu tố: nghĩ (hay cảm), viết, và in. Nghĩ thì như thở, càng bị rượt đuổi vây khổn, càng dập dồn, chồng chất. Viết ra thì khó liên tục nếu ăn ở không yên và chèo chống không ngừng với mọi vấn-đề. Nếu vượt hai điều trên được, lại phải đứng dừng trước bức tường thứ ba: in ra, ngoài khả năng của một tác giả tận cùng đơn độc, trong mọi nghĩa. Khi qua đi một khúc đoạn ở cuộc đời hay nỗi niềm riêng, Nguyễn Thị Hoàng vẫn ngạc nhiên là mình vẫn còn sống và câu hỏi duy nhất là làm sao để in ra, cũ và mới những gì đã ứa ra từ quá trình sống… chín này” (http://amvc.free.fr/Damvc/MaiNinh/LinhTinh/MaiNinhphongvannguyenthihoang.htm).
Trong một phỏng vấn khác trước đó - lúc đang chờ xuất-bản cuốn Nhật Ký Của Im Lặng, Nguyễn Thị Hoàng đã cho biết “Từ 1966 đến 1969, mình viết liên tục theo những “đơn đặt hàng”. Trong khoảng thời-gian này mình viết rất nhanh, có khi viết ba truyện cùng một lúc... Rồi thì lại buồn chán, mệt mỏi, kiệt sức và mất hoàn toàn tinh thần làm việc (…) năm 1970 mình lấy lại được hứng khởi và phần không nhỏ cũng vì năm đứa con, một đòi hởi lớn về kinh tế gia-đình nên phải tiếp tục viết... Do đó mà chưa có quyển nào coi như được viết từ tim óc của mình (…) Có vài cuốn mình ưa thích như: Tuần Trăng Mật Màu Xanh, Cuộc Tình Trong Ngục Thất v.v.” (Đất Mới (Montréal, Canada), 4-1990, tr. 34-35).
(Văn Học Miền Nam 1954-1975. Quyển Hạ: Tác giả. San Jose CA: Nhân Ảnh tb, 2019)