Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.140.327
 
Tế Hanh trong di sản văn học miền Nam 1954 - 1975
Trần Hoài Anh

          ( Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Tế Hanh, 20-6-1921 - 20-6-2021)

 

       Trong văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, Tế Hanh là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới được quan tâm nghiên cứu khá toàn diện từ quê hương, gia đình, hành trình sáng tác thi ca, chủ yếu qua các tập thơ xuất hiện trong thời tiền chiến như: Nghẹn ngào; Hoa niên, Hoa mùa thi. Thơ Tế Hanh không chỉ được nghiên cứu trong các công trình văn học sử, lý luận - phê bình, mà còn được giới thiệu trong sách giáo khoa Quốc văn các cấp học ở nhà trường. Bài viết tổng thuật lại diễn trình tiếp nhận thơ Tế Hanh trong đời sống văn học miền Nam trước 1975 (qua các tài liệu hiện có) ở ba bình diện:1/ Gia đình quê hương và văn nghiệp; 2/ Hành trình sáng tác và khuynh hướng thi ca; 3/ Trạng thái và cung bậc cảm xúc trong thơ.

 

        1.Dẫn nhập

 

          Nếu nghĩ rằng vận mệnh dân tộc, đất nước bao giờ cũng gắn với những sự kiện lịch sử, thì Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 của thế kỷ XX là một trong những sự kiện lịch sử có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh dân tộc và phận số của mỗi con người, khi vỹ tuyến 17 đã trở thành hiện thân của nỗi đau chia cắt. Song, sự chia cắt ấy chỉ có ý nghĩa về mặt địa chính trị còn trong đời sống của nhân dân Việt Nam thì vẫn còn đó tình dân tộc, nghĩa đồng bào của những người con cháu Lạc Hồng cùng một bọc sinh ra. Và, cho dẫu đất nước bi chia cắt nhưng nền văn học dân tộc vẫn vẹn nguyên. Thế nên, trong văn học miền Nam 1954-1975, nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam dù sống “phía bên kia vĩ tuyến” vẫn hiện hữu trong đời sống văn học, vẫn được quan tâm nghiên cứu, được đưa vào sách giáo khoa Quốc văn giảng dạy trong nhà trường, được tôn vinh như những giá trị cao quí của văn học dân tộc mà không có bất cứ sự kỳ thị nào. Đó là những sáng tác của Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Hoài Thanh, Nguyễn Xuân Sanh, Tú Mỡ, Quang Dũng, Hữu Loan, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu… thậm chí cả thơ của nhà thơ Tố Hữu[1], (một nhà lãnh đạo cao cấp của Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc bấy giờ) và tất nhiên trong đó, có cả Tế Hanh. Vì vậy, trong lời “phi lộ” gởi độc giả viết ngày 1/5/1967, khi tái bản tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận tại Sài Gòn, người biên soạn tập thơ đã chia sẻ: “Gần đây một số thi phẩm của các Thi nhân Tiền chiến được tuyển chọn làm tài liệu tham khảo văn chương cho chương trình Đại học Văn khoa. Trong số những thi phẩm ấy, có một số của các thi nhân mà hiện thời, họ đang sinh sống bên kia giới tuyến, nơi phân nửa của lòng đất mẹ cách ngăn! (…) Đứng trong địa hạt văn chương- đối với thi nhân- chúng tôi quan niệm rằng: Đây là những bông hoa tươi sắc ngát hương của “Vườn Hoa Tiền Chiến” thì, không lý nào chúng tôi lại dang tay ngắt bỏ đôi cành! Mà trái lại, chúng ta còn có cái trách nhiệm vun bồi, và vun bồi mãi mãi để cho Vườn Hoa Đất Nước ngày càng thêm phô Sắc ngát Hương… Có quan niệm và nhận chân được như thế, chúng ta mới có thể hy vọng sẽ làm tròn bổn phận của kẻ “chăn Vườn” hiện đại!”. [1 tr.6,7] Vì vậy, trong đời sống văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, không chỉ có sáng tác của những nhà văn sống ở miền Nam lúc bấy giờ mà còn có cả những sáng tác văn chương của dân tộc ở các bộ phận: văn học dân gian, văn học trung đại, hiện đại được khám phá từ các hệ hình tư duy lý thuyết hiện đại của phương Tây và đem đến cho các hiện tượng văn học nầy những hệ giá trị mới mà nếu tiếp cận từ cái nhìn của các hệ mỹ học truyền thống sẽ không nhận diện hết mỹ cảm văn chương của nó. Đây cũng là điều cần thay đổi trong quan niệm và nhận thức của chúng ta về di sản văn học miền Nam 1954-1975, để có một cái nhìn công bằng, khách quan, khoa học về văn học miền Nam, một bộ phận không thể tách rời của văn học dân tộc.

 

           Trong cảm thức này, sự hiện hữu của thơ Tế Hanh ở các công trình nghiên cứu về văn học sử, lý luận phê bình và sách giáo khoa Quốc văn tại miền Nam giai đoạn 1954-1975 là một tất yếu. Thế nên, trong thời kỳ nầy, Tế Hanh và thơ của ông dầu chưa có những công trình nghiên cứu riêng như: Hàn Mặc Tử, Khai Trí Xb., 1968; Chế Lan Viên Thi sĩ tiền chiến, Khai Trí Xb., 1969 của Hoàng Diệp; Đời Bích Khê, Lửa thiêng Xb., 1971 của Quách Tấn...; Hay những số nghiên cứu chuyên đề trên các tạp chí như; “Tưởng nhớ Bích Khê”, Văn  số 64/1966; “Nhà thơ Nguyên Sa”, Văn số  3/1967; “Hoài Cảm Đinh Hùng”, Văn số 91/1967; “Nhà thơ Bùi Giáng”, Văn số 11/1973; “Nguyễn Bính trong trí nhớ”, Văn học số 100/1970; “Hoài niệm nhà thơ Thâm Tâm”, Văn học số 103/1970; “Nhà văn Nguyễn Tuân” Văn học số 105/1970; “Tưởng nhớ Nhất Linh” Văn học số 109 /1970; “Tản Đà: cuộc đời và sự nghiệp văn chương”, Văn học số 110 /1970;  “Tưởng nhớ Vũ Trọng Phụng”, Văn học số 111/1970 … Nhưng Tế Hanh cũng đã xuất hiên trong nhiều công trình nghiên cứu như: Biệt ly qua thi ca Việt Nam, Nam chi Tùng Thư Xb.,1961 của Nguyễn Hữu Chí; Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932-1962), Khai Trí Xb., 1962 của Minh Huy; Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 3 Văn học hiện đại 1862-1945, Quốc học Tùng thư Xb.,1965 của Phạm Thế Ngũ;  Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Q. hạ) Ba thế hệ của nền văn học mới (1862 đến 1945), Nxb. Trình bày, 1967 của Thanh Lãng; Thi ca Việt Nam hiện đại (1880-1965) Khai Trí Xb., 1967 của Trần Tuấn Kiệt; Thi nhân tiền chiến (Q. hạ), Sống mới Xb.,1969 của Nguyễn Tấn Long; Thơ Việt hiện đại 1900 – 1960, Nxb. Hồng Lĩnh, 1969 của Uyên Thao; Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933-1963), Nxb. Sáng, 1969 của Huy Trâm; Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX Sơn Quang Xb., 1970 của Lam Giang và Vũ Tiến Phúc; Việt văn Toàn thư Tú tài I ban ABCD, Á Châu Xb.,1972 của Vũ Ký và Hồ Ngọc Cẩn; Lược sử văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến (1930 -1945), Vàng Son Xb., 1974 của Thế Phong; Văn học từ điển Q. (1), Nxb. Khai Trí, 1974 của Thanh Tùng… Qua những công trình nầy, Tế Hanh hiện lên như một gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới, được quan tâm nghiên cứu khá toàn diện từ quê hương, gia đình, việc học hành cũng như khám phá vẻ đẹp thi giới Tế Hanh, chủ yếu qua các tập thơ xuất hiện trong thời tiền chiến như: Nghẹn ngào; Hoa niên, Hoa mùa thi

 

     2. Những bình diện nghiên cứu thơ Tế Hanh trong văn học miền Nam

 

     2.1. Từ gia đình quê hương và văn nghiệp

         Có thể nói, xét từ hệ hình lý thuyết của khuynh hướng phê bình giáo khoa, hầu hết các công trình nghiên cứu về Tế Hanh trong văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 đều quan tâm đến nguồn gốc xuất thân của Tế Hanh, xem đây như một cơ sở luận lý, để luận giải hành trình sáng tạo thơ của Tế Hanh.

     Trước tiên là công trình Văn học từ điển (Q.1) Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1974, do Thanh Tùng biên soạn đã trình bày tiểu sử thi sĩ Tế Hanh: “Tên thật Trần Tế Hanh, sinh ngày 15/5/1921, tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng chính quán ở làng Giao Thủy, cách làng kia một con sông. Thuở nhỏ ông học ở tỉnh nhà, rồi ra Huế học trường Khải Định. Ông viết cho báo Ngày nay của nhóm Tự Lực văn Đoàn và được giải khuyến khích của nhóm này với thi phẩm “Nghẹn ngào”. Tác phẩm chính: Nghẹn ngào (thơ); Hoa niên (thơ), Hoa mùa thi”. [16, tr. 269]

     Thế Phong trong công trình Lược sử văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến (1930 -1945), Vàng Son Xb., Sài Gòn, 1974 viết: “Tế Hanh tên thật Trần Tế Hanh, sinh ngày 15/5/1921, tại tỉnh Quảng Ngãi, được giải thưởng thơ Khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn, năm 1939, qua tập Nghẹn ngào. Thơ Trần Tế Hanh gần gũi với hình ảnh, cuộc sống người dân quê hương”. [11, tr.289]

       Còn Nguyễn Tấn Long, trong Thi nhân tiền chiến (Q. hạ), Sống mới Xb., Sài Gòn, 1969, cũng cho rằng: “Tế Hanh tên thật Trần Tế Hanh, sinh ngày 15/5/1921, tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn, (Quảng Ngãi – Trung phần), chính quán làng Giao Thủy, cách làng kia một con sông. Thuở nhỏ học ở tỉnh nhà đến sơ học, rồi ra Huế học trường Khải Định; Nơi đây ông quen biết với Huy Cận và được nhà thơ này chỉ dẫn nên sáng tác của ông ảnh hưởng ít nhiều. Ông viết giúp cho báo Ngày nay.

     Thi phẩm Nghẹn ngào đã được giải Khuyến khích của Tự lực văn đoàn trao tặng năm 1939. (Thành phần Ban giám khảo giải văn chương này gồm những nhà văn, nhà thơ: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ). Tế Hanh còn tập thơ Hoa niênHoa mùa thi”. [8, tr.677]

    Trần Tuấn Kiệt trong Thi ca Việt Nam hiện đại (1880 -1965), Khai Trí Xb., Sài Gòn, 1967, khi giới thiệu về quê hương và hành trình học hành, làm thơ của Tế Hanh cũng cho rằng: “Tế Hanh, Thi sĩ họ Trần, sinh ngày 15/5/ Tân Dậu,1921, tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn, (Quảng Ngãi), chánh quán làng Giao Thủy, cách làng kia một con sông. Sau khi đậu sơ học, ra Huế học trường Khải Định, quen với Huy Cận, được Huy Cận chỉ bảo về thơ. Tế Hanh đã được giải Khuyến khích của Tự lực văn đoàn năm 1939”. [5, tr.393]

    Như vậy, các thông tin đã nêu về tiểu sử nhà thơ Tế Hanh trong những công trình nghiên cứu ở miền Nam trước 1975 đều thống nhất về ngày tháng năm sinh, quê quán, việc học hành, quan hệ của Tế Hanh với Huy Cận, cũng như việc Tế Hanh nhận giải thưởng của Tự lực văn đoàn. Những thông tin này sát đúng với phần tiểu sử của Tế Hanh được trình bày trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, Nxb. Văn học, 2003 ở tr.149. Và, từ đây, đặt ra cho các nhà nghiên cứu về việc xác định ngày tháng năm sinh trong tiểu sử nhà thơ Tế Hanh như thế nào cho thống nhất? Bởi, ở các công trình nghiên cứu về Tế Hanh tại miền Nam cũng như trong Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân) ghi Tế Hanh sinh ngày 15/5/1921 nhưng, ở Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và Tuyển tập Tế Hanh do Nguyễn Bao (sưu tầm, tuyển chọn), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987 thì xác định Tế Hanh sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921. Vậy, đâu là thông tin chính xác về ngày tháng năm sinh của Tế Hanh cũng là điều cần được minh định khi nghiên cứu về tiểu sử nhà thơ, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông!?

   2.2. Đến hành trình sáng tác và khuynh hướng thi ca

           Nghiên cứu về hành trình sáng tác và khuynh hướng thi ca của Tế Hanh trong các công trình nghiên cứu văn học ở miền Nam hầu hết đều tập trung ở giai đoạn 1932-1945. Đây là thời kỳ hình thành và phát triển của phong trào Thơ mới mà Tế Hanh là một gương mặt được Hoài Thanh giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam với những lời dự báo khá trân trọng: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ […] Nhưng tôi chưa muốn nói nhiều về Tế Hanh. Tế Hanh còn trẻ lắm và cũng mới bước vào làng thơ, chưa có thể biết rõ những con đường người sẽ đi”. [13, tr.149-150] Những dự báo nầy đã được xác tín trong hành trình sáng tạo của đời thơ Tế Hanh từ thuở “hoa niên” cho đến lúc ông đi ra “ngoài cõi sống”. Còn đối với các nhà nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975, họ chỉ nghiên cứu về hành trình sáng tác của nhà thơ Tế Hanh trong chặng đường ông tham gia phong trào Thơ mới mà ở miền Nam quen gọi là các nhà thơ tiền chiến.

          Vì vậy, trong Thi nhân tiền chiến, (Q. hạ), Sống mới Xb.,1969, Nguyễn Tấn Long đã dành 18 trang sách in để giới thiệu khá trân trọng về Tế Hanh như một trong những gương mặt tiêu biểu của Thi ca tiền chiến. Ngoài phần trình bày về quê hương, con người nhà thơ với phần tiểu sử vắn tắt và những nhận định, phẩm bình về hành trình sáng tạo thơ của Tế Hanh, Nguyễn Tấn Long còn trích “thi tuyển” các tập thơ của Tế Hanh. Đó là các bài thơ: Quê hương; Vu vơ (Nghẹn ngào); Lời con đường quê; Nhớ; Thương; Viết lên trên cát; Có những con đường; Tấm lịch đời; Vườn cũ; độc ác; Mua hoa; Những đêm tối (Hoa niên); Người hà tiện; Sống vội (Ngày nay số 220, 10-8-1940) Trao đổi (Ngày nay số 222, 24-8-1940); Chất chứa (Ngày nay số 223, 31-8-1940); Dễ thương (tuần báo Thanh niên số 11, ngày 13-11-1943); Tâm sự (1); Những con chim (2) với lời chú giải: “(1) và (2), chúng tôi trích hai bài thơ trên đây làm tiêu biểu sự chuyển hướng của Tế Hanh từ giai đoạn thơ hồn quê qua lãng mạn trữ tình, và đến đây, ta thấy hồn thơ như bừng sống bởi một sinh khí mới”.[8, tr.694] Và để xác quyết về thi tài của Tế Hanh, Nguyễn Tấn Long đã viết: “Hoài Thanh – Hoài chân trong Thi nhân Việt Nam đã kỳ vọng ở tương lai rực rỡ của Tế Hanh khi hai tác giả viết: “Nhưng tôi chưa muốn nói nhiều về Tế Hanh. Tế Hanh còn trẻ lắm và cũng mới bước vào làng thơ, chưa có thể biết rõ những con đường người sẽ đi.” Nhưng so sánh những sáng tác tiếp nối của Tế Hanh năm 1940, chúng tôi thấy hồn thơ của thi nhân này dường như đã vượt lên tuyệt đỉnh nghệ thuật trong những thi bản mà Tự Lực văn Đoàn đã trao giải khuyến khích năm 1939”. [8, tr.681]

 

         Phạm Thế Ngũ, nhà nghiên cứu văn học có uy tín ở miền Nam trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 3 -Văn học hiện đại 1862-1945 do Quốc học Tùng thư Xb, 1965, ở chương IV: Thơ và các nhà thơ sau 1932, trong phần luận bàn về phong trào Thơ mới, cùng với các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Diêu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bich Khê, Thanh Tịnh…, ông đã giới thiệu về hành trình sáng tạo thơ của Tế Hanh khá trân trọng, đầy yêu mến. Theo Phạm Thế Ngũ, “Tuy thơ (tập Nghẹn ngào) được giải thương văn chương Tự Lực văn Đoàn cuối 1940, nhưng trước đó Tế Hanh đã có thơ đăng trên Ngày nay. Tế Hanh chịu ảnh hưởng rõ rệt của Xuân Diệu, nhất là Huy Cận, thiên về cảm giác chủ nghĩa, ghi nhận những rung động phức tạp của một tâm hồn đa cảm: Chiều chiều đến tựa người bên cửa sổ/ Đợi hồn nào trở lại bến sông. Hay nghe ngóng ý gì trong tiếng gió” (Nghẹn ngào). Tế Hanh cũng lo sống vội, cố chứa chất những cảm giác: “Mắt mở to luôn chứa chan nhiều/ Những hình ẻo lả, sắc xiêu xiêu/ Tai bên thinh thính lo thu góp/ Những điệu ly sầu, tiếng tịch liêu” (Chứa chất). Nhưng ông không hoang phí “gởi hương cho gió” tứ tung như Xuân Diệu mà là Người hà tiện, hướng vào trong nuôi lấy một tâm hồn “triệu phú” cô độc.  Nhất Linh chấm thơ ông khen hai bài Quê hươngNhững ngày nghỉ học “có thể gọi là hai bài thơ hay của thi ca Việt Nam và hai bài đó đủ xác định giá trị của nhà thơ Tế Hanh”. [10, tr. 597, 598]

 

        Ở miền Nam trước 1975, Tế Hanh không chỉ được nghiên cứu trong các công trình văn học sử mà còn được giới thiệu trong sách giáo khoa Quốc văn ở nhà trường. Cuốn Việt văn Toàn thư Tú tài I ban ABCD do Vũ Ký và Hồ Ngọc Cẩn biên soạn, Á Châu Xb. 1972, trong phần giới thiệu các nhà thơ mới đã xác quyết: “Từ khi phong trào Thơ mới xuất hiện đến nay, ta có thể kể một số thi nhân khá nhiều trên Tao đàn Việt Nam, hoặc có thi phẩm in thành thi tập rồi, hoặc có thi phẩm in rải rác trên các báo và tạp chí. Từ lời đến ý, có người bắt nguồn từ dòng thơ Việt, có người lại chịu ảnh hưởng các văn thi phái Âu Tây, nhất là các trường phái thơ Pháp: lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, tả thực, lập thể… Họ là các nhà thơ hiện đại: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Thái Can, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Nhược Pháp, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Vỹ, Nguyễn Bính, Yến Lan, Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Phạm Hầu, Đinh Hùng, J. Leiba, Huyền Kiêu…”.[6, tr. 536, 537]

 

        Bên cạnh tìm hiểu về hành trình sáng tác thơ của Tế Hanh, một vấn đề cũng được các nhà nghiên cứu văn học ở miền Nam trước 1975 quan tâm đó là việc luận giải về khuynh hướng thơ ca của Tế Hanh trong tiến trình vận động của thơ ca dân tộc và vấn đề nầy chưa phải đã có sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu.

       Minh Huy trong Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932-1962), Khai Trí Xb., 1962, trong 4 khuynh hướng cơ bản mà ông lựa chọn gồm Lãng mạn; Tượng trưng; Tả thực và Hiện sinh, ông xếp Tế Hanh vào khuynh hướng lãng mạn cùng với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Huy Thông; Nguyễn Nhược Pháp, Lan Sơn, TTKH; Thanh Tịnh… và ông cho rằng khuynh hướng nầy “chịu ảnh hưởng thi ca Pháp”.[4, tr.64] Ngược lại, Nguyễn Tấn Long – Phan Canh trong Khuynh hướng thi ca tiền chiến – biến cố văn học thế hệ 1932-1945, Nxb. Sống mới, Sài Gòn, 1968 thì “xếp thơ Tế Hanh vào khuynh hướng hiện thực cùng với Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên, Xuân Tâm, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ và trích dẫn bài Vu vơ của Tế Hanh để minh chứng”. [9, tr.520] Và theo Nguyễn Tấn Long – Phan Canh thì vườn thơ của khuynh hướng hiện thực là: “Vườn thơ có đủ màu sắc và rất gần gũi với con mắt chúng ta. Vì mọi tình cảm, mọi hình ảnh được họ trình bày trong tác phẩm là tình cảm và hình ảnh chân thật của chúng ta đang sống ngoài đời. Tuy nhiên, người nghệ sĩ hiện thực có con mắt tinh vi hơn, nhận xét và trình bày những cái có trước mắt chúng ta không trông thấy”. [9, tr. 511] Đây cũng là quan điểm của Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Q. hạ) Ba thế hệ của nền văn học mới (1862 đến 1945), Nxb. Trình bày, 1967, khi ông xếp “Tế Hanh vào khuynh hướng các nhà thơ tả chân cùng với Anh Thơ, Bàng Bá Lân”. [7, tr. 802], vì thực ra, tên gọi “khuynh hướng tả chân” cũng là cách gọi khác của “khuynh hướng hiện thực” mà Nguyễn Tấn Long – Phan Canh đã nêu trong Khuynh hướng thi ca tiền chiến – biến cố văn học thế hệ 1932-1945.

 

            Khác với Minh Huy, Nguyễn Tấn Long - Phan Canh và Thanh Lãng, Uyên Thao trong Thơ Việt hiện đại 1900 – 1960, Nxb. Hồng Lĩnh,1969, khi phân chia khuynh hướng thơ Việt trong giai đoạn 1932-1945 đã xếp Tế Hanh vào “Nhóm hoài vọng dĩ vãng”. Bởi theo Uyên Thao: Nếu: “Người thơ hoài vọng của thế kỷ 19” là sự hoài vọng về sự mất đi của một triều đại như kiểu bà Huyện Thanh Quan hoài niệm về nhà Lê, thì; “Những người thơ hoài vọng của thế kỷ 20, không quá băn khoăn với tâm trạng ấy. Trước mắt họ, không có hình bóng một triều đại nào. Tất cả chỉ là một cuộc sống, một cuộc sống đang lùi vào dĩ vãng để sẽ mất hút sau bức màn thời gian vĩnh viễn, không kéo lên. Họ cảm thấy mất mát, vắng thiếu nên tìm về với kỷ niệm để bù đắp (Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên), hoặc dựng lại những cảnh sống đang thoi thóp, nói về những địa danh còn chứa nhiều hình bóng cũ; Họ ngã về cuộc sống nông thôn (Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ)”.[12, tr.272] Và trên cơ sở phân tích tính tư tưởng và hình thức nghệ thuật của khuynh hướng thơ này, Uyên Thao xác quyết: “Anh Thơ cũng như Tế Hanh không thể ở ngoài hàng ngũ của những người hoài vọng dĩ vãng”[12, tr.276] và: “Tế Hanh, Anh Thơ… hoài vọng dĩ vãng bằng thái độ sống […] Hoài vọng dĩ vãng bằng cách tìm về với những cảnh nay có hình ảnh xưa”. [12, tr.277] Phải chăng, sự hoài vọng ấy là phẩm tính của thi ca lúc bấy giờ và suy rộng ra, cũng là phẩm tính thi ca mọi thời đại. Bởi, điệu hồn của thi nhân bao giờ cũng mang tâm tưởng của hoài vọng, của tiếc thương. Không có những phẩm tính nầy thơ sẽ mất đi đôi cánh của sự thăng hoa.

 

     2.3. Và những trạng thái, những cung bậc cảm xúc trong thơ

            Thơ bao giờ cũng là tiếng gọi thê thiết của tình cảm và nhà thơ sáng tạo thơ ca cũng xuất phát từ yêu cầu biểu hiện thế giới tâm cảm của mình để chia sẻ những trạng thái, những cung bậc cảm xúc dồn nén trong tâm hồn. Thơ vì vậy, bao giờ cũng là tiếng lòng kết nối tri âm giữa những tâm hồn đồng điệu. Và điều này ta có thể tìm thấy trong suy tưởng của các nhà nghiên cứu ở miền Nam về những cung bậc xúc cảm trong thơ Tế Hanh mà biểu hiện đầu tiên là những trạng thái cảm xúc của thi nhân đối với quê hương mà Nguyễn Tấn Long rất tinh tế khi cho rằng: “Khác với một Xuân Tâm hay ao ước giao tình ra ngoài nghìn dặm ở những chân trời xa lạ, Tế Hanh tỏ lòng gắn bó với tình quê, nơi mà ấn tượng sinh hoạt của dân làng đã in sâu vào ký ức của tác giả lúc còn trẻ. Ngọn bút và tâm hồn của Tế Hanh đã làm sống lại trong văn thơ những cảnh trí quê nhà”. [8, tr. 678] Còn theo cảm nhận của Thế Phong, qua tập Nghẹn ngào, Tế Hanh đã tạo được một thi giới “gần gũi với hình ảnh, cuộc sống người dân quê hương và nói lên tâm trạng khắc khoải đơn côi của mình”, [11, tr. 289] nếu thi nhân phải sống trong sự thiếu vắng cái hồn quê, tình quê ấy. Vì vậy, quê hương bao giờ cũng hằn sâu trong ký ức, trong hoài niệm của Tế Hanh. Và có lẽ trong thi ca Việt Nam ít có những bài thơ viết về kỷ niệm làng quê hay như các bài thơ: Quê hương, Lời con đường quê thời tiền chiến và những bài thơ sau nầy trong thời kháng chiến như: Nhớ con sông quê hương, Vườn xưa của Tế Hanh ... Vì thế, Trần Tuấn Kiệt rất có lý và tinh tế trong cảm nhận những cung bậc cảm xúc về tình yêu đối với quê hương của Tế Hanh trong Thi ca Việt Nam hiện đại (1880-1965) Khai Trí Xb., 1967, khi ông cho rằng: “Những cánh buồm vôi, những chuyến tàu đi… tất cả những hình ảnh nhỏ nhặt đó làm cho tâm hồn Tế Hanh cảm nghĩ về cuộc đời rất nhiều. Qua hình ảnh nọ, Tế Hanh tượng trưng hóa, nhân cách hóa và đặt chút tình cảm lãng mạn vào đấy quá đổi thành thật. Tình cảm nhỏ nhoi của thời thanh niên ngày còn học hành, còn tươi trẻ, lòng chàng như lòng thi nhân xưa nay, hay cảm, hay hứng, hay đối cảnh sinh tình như tình người thật êm dịu như mây trong, như khói nhẹ bay, như sự nồng mặn của làng quê chài lưới ven biển của người”. [5, tr. 393] Và Trần Tuấn Kiệt đi đến kết luận: “Lòng thi nhân là tấm lòng cảm thông sâu xa. Tấm lòng hòa hiệp với mọi tình cảnh ở đời vì thế khi nhìn những cuộc chia ly, thi nhân cảm thấy nỗi bịn rịn nhớ nhung của người khác để cho lòng thương nhớ lan xa mấy dặm trường”. [5, tr.398] Bởi, theo Nguyễn Tấn Long, thơ Tế Hanh: “thiên về cảm giác chủ nghĩa, ghi nhận những rung động của tâm hồn”. [8, tr.677]

     Ngoài những trạng thái, những cung bậc tình cảm đối với quê hương, một phương diện khác trong cung bậc tình cảm của Tế Hanh cũng được các nhà nghiên cứu văn học ở miền Nam đề cập đến đó là sự cảm nhận về cảnh chia ly trong thơ Tế Hanh mà hình ảnh chuyến tàu trong thi phẩm Vu vơ của Tế Hanh đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức biết bao người, khi đọc bài thơ, bởi ai cũng thấy tâm trạng mình, hình bóng mình trên cái sân ga cuộc đời ấy, nói như Nguyễn Tấn Long trước cảnh chia ly: “Họ cố níu lại đôi chút lòng vấn vương, quyến luyến. Tế Hanh đã để hồn mình ngẫn ngơ theo dõi những sợi tơ tình còn ràng buộc trước cảnh phân ly”. [8, tr.680]

     Không chỉ có biểu hiện những trạng thái cảm xúc, những cung bậc tình cảm về quê hương, về sự chia ly như một căn tính của phận số con người, thơ Tế Hanh còn nói đến những cung bậc tình cảm trong tình yêu, mà ở đây là những tình yêu đầu đời của thuở “hoa niên”. Vì thế, suy niệm về tình yêu trong thơ Tế Hanh, Nguyễn Tấn Long đã chia sẻ: “Con người thơ vốn nặng tình quê đến thế, ắt hẳn cũng không hờ hững xem nhẹ tình yêu. Đa tình là bản chất nghìn đời của thi sĩ. Tâm hồn của Tế Hanh đã quyện theo hương tình một cách say sưa đắm đuối đến độ đầu phục ái tình. Đây, ta hãy xem người thơ ngưỡng mộ thần tượng: “Kìa em, lên! rực rỡ bốn phương trời/ Đôi mắt to ném lửa sáng nơi nơi/ Vừng tráng rộng hào quang lòa cháy rực/ Ta thấy sáng! hồn phiêu diêu thoát tục/ Lòng lâng lâng không muốn ước mơ chi/ Mắt lim dim đầu cúi gục chân quỳ…”. [8, tr.680] Còn Lam Giang và Vũ Tiến Phúc trong Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX thì nói đến một cung bậc khác về những trạng thái xúc cảm của Tế Hanh trong thơ đó là Nỗi Buồn. Vì thế, khi luận về nỗi buồn trong Thơ mới nói chung và nỗi buồn trong thơ Tế Hanh nói riêng, Lam Giang và Vũ Tiến Phúc đã có những cảm nhận khá sâu sắc: “Người ưa buồn phải tìm những cảnh buồn thích hợp với lòng mình. Giữa một khung cảnh khách quan rất nhộn nhịp, hoạt động ồn ào như ga xe lửa mà Tế Hanh cũng tìm được những nỗi đau xót rất xao xuyến, tê mê: “Những ngày nghĩ học tôi hay đến/ Đón chuyến tàu đi ở những ga/ Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/ Lòng buồn đau xót nỗi chia xa…”. [3, tr.61] Nỗi buồn, vì thế, đã để lại trong tâm cảm người đọc những dư vị đắng chát, xót xa nhưng ấm áp dài lâu, khi đắm mình trong “thú đau thương” của Yêu  và Nhớ, trước cảnh biệt ly…

  1. Thay lời kết:

         Huy Trâm trong tác phẩm Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933-1963), Nxb. Sáng, 1969, ở chương phụ lục “Đem vào lòng cuộc đời” khi phân tích tấm lòng của thi nhân đối với cuộc đời đã cho rằng: “Dù cõi đời ngắn ngủi, dù vị đời đáng chán, những người thơ trước sau không dấu được cái bản chất yêu tha nhân và xã hội của mình. Họ có giận đời là giận một lúc thôi, chứ người thơ không thể ích kỷ, hay tàn bạo được. (…) Thông thường thi sĩ vẫn là kẻ giàu lòng yêu người, yêu nhân quần xã hội. Không thế mà lại có những phút nhà thơ tần ngần mất thì giờ vì những chuyện đâu đâu, như Huy Cận đứng xem những dấu chân trên đường: Ai biết đường kia dậm mấy lần?/ Gió vừa thổi lạc dấu muôn chân/ làm sao góp lại nàng xem thử/ Những bước vu vơ xa lại gần (…) Hay như Tế Hanh, tuổi còn thơ đã biết buồn vu vơ theo cảnh biệt ly trên sân ga của thiên hạ: Những ngày nghĩ học tôi hay đến/ Đón chuyến tàu đi ở những ga/ Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/ Lòng buồn đau xót nỗi chia xa” (Vu vơ). Tôi nghĩ, một người, thời thơ ấu đã có những giờ phút lang thang lạ lùng như trong “Vu vơ”, lúc trưởng thành rất khó lòng trở nên tàn bạo. Thi sĩ thẩy đều đa sầu, đa cảm và tư chất nầy phát hiện rất sớm ở họ”. [14, tr.211] Và điều dự cảm nầy của Huy Trâm rất đúng với con người Tế Hanh, một thi sĩ mà suốt cuộc đời luôn sống và sáng tạo trong yêu thương. Thơ Tế Hanh, có thể nói là thơ được dệt nên từ tình yêu thương, một tình yêu thương chân thật với con người, với thiên nhiên, với quê hương, đất nước. Tình yêu thương ấy là một thứ ánh sáng diệu kỳ luôn tỏa sáng trong thi giới Tế Hanh và Tế Hanh cũng chỉ thành công trong những bài thơ thiên về biểu hiện thế giới nội cảm chứ không phải là những bài thơ viết theo cảm hứng “đại tự sự” được ra đời từ những chuyến đi “thực tế” sáng tác mà những bài thơ như: Quê hương; Vu vơ; Lời con đường quê… của thưở “hoa niên” đến những bài thơ sau nầy, khi ông tham gia kháng chiến như: Nhớ con sông Quê hương, Vườn xưa, Bão, Hà Nội vắng em, Mùa thu tiễn em, Không đề… đã minh chứng cho điều ấy. Đây là những bài thơ được Tế Hanh viết ra từ sự rung động sâu sắc, thành thực trong trái tim, là tiếng lòng chân thật từ tâm hồn thi nhân nên dễ đi đến trái tim người đọc và ngự trị trong đó như một vương quốc của yêu thương. Đó cũng là vương quốc của thơ, một vương quốc mà quyền lực cao nhất chỉ có thể là tình yêu, là những giá trị nhân bản chứ không phải là những thứ quyền uy hão huyền nào khác! Bởi, nói như P. Reverdy : “Nhà thơ gần như chỉ sống bằng cảm giác, hướng lên ý tưởng, và rốt cuộc, chỉ bày tỏ những tâm tình…”. [15, tr.201] Tế Hanh hiện hữu trong di sản văn học miền Nam giai đoạn 1954 -1975 qua sự tiếp nhận của công chúng văn học là một thi sĩ có trái tim đầy ắp yêu thương đối với quê hương, con người, thiên nhiên. Và đây là một hệ giá trị làm nên sự hằng sống của Thơ Tế Hanh trong tâm thức người đọc cũng như để minh chứng cho sự hiện hữu của Tế Hanh trong cõi thơ và đời với tư cách là một “nhân vị” chứ không phải là một “phóng thể” như quan niệm về giá trị con người trong cõi nhân gian của triết học hiện sinh …

 

     Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 20/5/2021

 

   Chú thích:

 

[1]. Huy Cận (1967), Lửa Thiêng, (tái bản tại miền Nam), Sài Gòn,

[2]. Nguyễn Hữu Chí (1961), Biệt ly qua thi ca Việt Nam, Nam Chi Tùng Thư Xb., Sài Gòn,

[3]. Lam Giang và Vũ Tiến Phúc (1970), Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX, Sơn Quang Xb., Sài Gòn

[4]. Minh Huy (1962), Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932-1962), Khai Trí Xb., Sài Gòn,

[5]. Trần Tuấn Kiệt (1967), Thi ca Việt Nam hiện đại (1880-1965), Khai Trí Xb., Sài Gòn,

[6]. Vũ Ký và Hồ Ngọc Cẩn (1972), Việt văn Toàn thư Tú tài I ban ABCD, Á Châu Xb., Sài Gòn

[7]. Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Q. hạ) Ba thế hệ của nền văn học mới (1862 đến 1945), Nxb. Trình bày, Sài Gòn,

[8]. Nguyễn Tấn Long (1969), Thi nhân tiền chiến (Q. hạ), Sống mới Xb., Sài Gòn,

[9]. Nguyễn Tấn Long – Phan Canh (1968), Khuynh hướng thi ca tiền chiến – biến cố văn học thế hệ 1932-1945, Nxb. Sống mới, Sài Gòn

 [10]. Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tập 3) Văn học hiện đại 1862-1945, Quốc học Tùng thư Xb., Sài Gòn,

  [11]. Thế Phong (1974), Lược sử văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến (1930 -1945) Nhận định văn học, Vàng Son Xb., Sài Gòn

[12]. Uyên Thao (1969), Thơ Việt hiện đại 1900 – 1960, Nxb. Hồng Lĩnh, Sài Gòn,

[13]. Hoài Thanh, Hoài Chân, (2003), Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội,

[14]. Huy Trâm (1969), Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933-1963), Nxb. Sáng, Sài Gòn

[15]. Đoàn Thêm (1962), Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế Xb., Huế      

[16]. Thanh Tùng (1974), Văn học từ điển Q. (1), Nxb. Khai Trí, Sài Gòn  

                         

 

 


[1] Trần Tuần Kiệt, trong Thi ca Việt Nam hiện đại (1880 - 1965), Khai Trí Xb., 1967, trích và phân tích bài Mồ côi và Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu; Lê Văn siêu, trong Văn học sử thời kháng Pháp (1858 -1945), Trí Đăng Xb., Sài Gòn (1974) phân tích bài Tiếng hát sông Hương trong Từ ấy của Tố Hữu; Uyên Thao trong Thơ Việt Nam hiện đại (1900-1960), Hồng Lĩnh Xb. Sài Gòn (1969), trích giảng các bài Cá nước, Phá đường, Bầm ơi trong Việt Bắc của Tố Hữu…

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 994
Ngày đăng: 21.06.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 1/6] - Đỗ Quyên
Tìm hiểu thêm về Phan-Yên báo? - Võ Xuân Quế
Giọt dương cầm thánh thót trong đêm sâu - Nguyên Bình BRVT
Autumn Prayer By Alexandra Huynh - Đỗ Quý Dân
Le Pont Mirabeau – Vượt qua cầu ảo ảnh - Đỗ Quý Dân
Những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đã qua đời năm 2020 - Đỗ Nguyễn
Sách đọc vài quyển trong mùa đại dịch - Nguyễn Vy Khanh
Con Nghê chỉ là linh vật hài hước - Hoàng Xuân Hoạ
Huế - quê hương đi để mà nhớ … - Bùi Hoàng Linh
Dịch và giới thiệu: Thơ và tranh của tác giả Đỗ Quý Dân - Đỗ Quý Dân
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)