Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
376
123.195.508
 
Nhật Nguyệt chờ… iêu
Trương Văn Dân

 

 

Người đàn ông đứng một mình, tóc trắng xoã ngang vai. Ánh mắt ông đăm chiêu, nhìn về khoảng không vô tận, có những vầng mây trắng đang lững thững trôi về nơi xa xăm. Có vẻ ông đang chờ đợi một điều gì.  Chắc chắn là thế, chỉ có điều là chính ông… cũng không biết là mình đang chờ điều gì.

 Lơ đãng và tách biệt với đời sống là tính cách của ông.

Mây vẫn bay. Ông còn đứng đó. Thân hình bất động nhưng đầu óc ông vận động không ngừng. Có thể đám mây phía Đông làm ông liên tưởng đến đám mây phía Tây, rồi từ đây hướng về phía Bắc… ông ngắm say mê như thể bầu trời là một tác phẩm mà ông tâm đắc, và những áng mây là những áng văn, những liên văn bản mà ông muốn thổi hồn vào để chúng ngân lên thành giai điệu.

Trong thời đại mà sự lãng mạn và tình yêu dành cho văn chương là một sự hoang phí thì ông vẫn sống với văn chương như bóng theo hình. Văn chương đã ngấm vào máu ông từ thuở nhỏ và ngay từ thơ ấu ông đã trú hồn mình vào thế giới thần tiên trên trang sách. Mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật mà hành động và triết lý sống chính là những người bạn tri kỷ đồng hành cùng ông trong thân phận làm người.

 Có người nói ông là kẻ gọi hồn những con chữ, mời chúng bước ra trang sách để đứng dậy, bước đi, trò chuyện và giao lưu với người đọc để quyển sách trở thành một người bạn cùng độc giả tâm tình chứ không phải chỉ là một tập giấy đóng gáy, vô hồn, khô khốc như những xác lá khô.

Nếu gọi hồn cũng là chiêu hồn thì ông đã đem hồn tác phẩm trộn vào hồn của Chiêu.

Tôi từng nghe các sinh viên của ông nói: “rằng em vốn rất ghét học văn, không thích Truyện Kiều. Em ghét Nguyễn Du, không thích Hồ Xuân Hương. Nói chung nhà văn, nhà thơ gì em cũng ghét hết... Thế nhưng bây giờ em hết ghét rồi vì em nghe thầy nói chuyện.”

 Người đó là nhà văn, nhà giáo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu.

Ông si mê Truyện Kiều nên thích gọi hồn Nguyễn Du, cũng như say mê các kiệt tác thế giới nên vẫn không quên chiêu hồn các văn hào quốc tế để mời thăm các thánh đường văn học Việt Nam, ông chiêu từ  Omero, Dante Alighieri, William Shakesperae, đến Franz Kafka, Fëdor Dostoevskij…

Tôi quen ông từ nhiều năm và ngưỡng mộ ông vì biết ông coi trọng việc tự học chứ không chạy theo bằng cấp. Ông cũng là một trong những số ít giảng viên đại học ở Sài Gòn không có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng đã "dạy" nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học qua các chuyên đề văn học.

 Chính cái cách mà ông hòa mình vào chữ nghĩa bằng một tình yêu vô bờ… là sức mạnh để ông truyền cảm hứng cho những cô cậu sinh viên yêu thích văn chương.

Hãy nghe ông nói về nghệ thuật truyền cảm hứng trong giờ văn: “Dạy văn giống như thuật gọi hồn, gọi linh hồn của tác phẩm sống dậy. Chỉ khi chiêu được hồn của tác phẩm thì ta mới truyền được cảm hứng. Bởi nếu tác phẩm chỉ trên trang giấy thì nó còn khô hơn cả xác lá ”.

Vậy cái tên Nhật Chiêu có liên quan gì đến định mệnh? Hay đã vận vào người?

                                               

 &

             Ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu, về sau Nhật Chiêu còn sáng tác, viết văn và làm thơ.
             Dưới mắt tôi, Nhật Chiêu là con người cô độc, khác thường, là người có một trí nhớ và cảm thụ văn học tuyệt vời, nhưng lại có  một cách đọc và nhất là cách viết rất lạ. Lạ, là nếu so sánh với… tôi: Nếu tôi viết nhiều trang để đào sâu vào một vấn đề, có khi “chẻ sợi tóc làm tư” thì ông lại kiệm lời, cô đọng, nén chữ. Và thú thật có nhiều lần tôi không… “chịu nổi” các sáng tác của ông.

Không biết có phải vì ông sử dụng thuật gọi (thần) hồn nên văn ông có phảng phất dáng dấp của những câu… thần chú?

                                                            &

 

Trong bài viết này tôi không có ý định phê bình, mà chỉ xin nhắc lại những gì ông nói hay người ta nhận xét về cái “cõi văn chương” của ông để thử chấm phá vài nét.

            Có người đọc Nhật Chiêu liền cho rằng “Thơ không hẳn là thơ, Văn không hẳn là văn” nhưng trong cái mơ hồ lung linh ấy người đọc cũng có thể cảm nhận một sự thú vị.” Thú thật tôi không biết cái thú vị ấy nó tác động đến người đọc ra sao vì nó mơ hồ hay trừu tượng quá dù có khi vẫn thấy ông hòa mình trong nghìn cây nội cỏ, trong đồ vật, trong sự vật, trong cổ tích, trong huyền thoại, trong câu chuyện đời thường, trong bi kịch nhân gian…

Nhiều người cho rằng bút pháp nén chữ của ông là học từ thơ Haiku của Nhật và tranh thủy mặc phương Đông: “Haiku chữ ít, gợi nhiều. Còn tranh thủy mặc thì chỉ thể hiện ý bút mà loại bỏ bớt các diễn đạt rườm rà.”. Nghe nói vậy thì… biết vậy.

Có người đọc đến truyện Sử thi nàng Sita, một truyện có thể gọi là tuyệt ngắn, thì người đọc ngỡ ngàng vì nội dung và cốt truyện chỉ có vỏn vẹn một chữ: Đất.

Nàng Sita là nhân vật chính trong sử thi Ramayana của Ấn Độ dài đến 50.000 câu. Thế mà trong “truyện” của Nhật Chiêu lại bị ông nén lại chỉ một từ! Và có lẽ để độc giả khỏi bị… hụt hẫng, nên ông đã chọn một tựa đề hơi… dài, những 4 từ, 5 âm, gấp mấy lần nội dung.

Vì “truyện” chỉ có một chữ nên có người đã bảo ông đang “đánh đố” độc giả.

Dĩ nhiên tôi biết Nhật Chiêu không hề có ý định chơi ngông hay tạo scandale… và tin đó là những thử nghiệm của ông đưới góc độ của một người viết văn và nghiên cứu văn học. Thế nhưng cái cảm giác là với năm tháng câu văn của ông càng ngày càng ngắn nên có khi trộm nghĩ, là biết đâu với đà này nay mai ông sẽ cho ra mắt tác phẩm… vô ngôn. Nói điều này tôi không thể không nhớ đến câu chuyện  một nhạc sĩ dương cầm, trong một buổi hòa tấu ở London, nhạc sĩ trịnh trọng bước ra chào thính giả, im lặng mở nắp đàn, ngồi xuống, im lặng, sau vài phút đứng lên, cúi đầu chào khán giả, thính phòng im phăng phắc, rồi ông quay mình  bước vào bên trong sâu khấu. Màn hạ và tiếng vỗ tay rào rào…

            Nói vậy thôi chứ không phải truyện nào của Nhật Chiêu đều “ác” như vậy. Ngoài thủ pháp “liên văn bản”, nhiều truyện khác của ông như truyện “Bầu trời xanh” đã gợi mở một chân trời tưởng tượng cho người đọc: “... Hắn sống trong một cái hộp. Một hôm, hắn thử mở nắp hộp ra. Gặp cái hộp lớn hơn chứa đựng cái hắn vừa mở. Mở tiếp, lại chạm phải cái hộp lớn hơn nữa... Những người nói với ta về bầu trời xanh, hắn tự nhủ, chỉ là bọn nói láo...”. Đọc xong, người đọc không khỏi có cái cảm giác về sự tù túng và gò bó của kiếp người.

Đọc những truyện như vậy không thể không nói là văn chương của ông không những đẹp mà còn ẩn chứa những giá trị mang tính triết luận, vừa hiện thực vừa huyền ảo… Vẻ đẹp thi vị lấp lánh làm người đọc bềnh bồng như vừa nhấp một chút hơi men…

 

 

                                                                &

 

            Như đã nói, trong đời thường Nhật Chiêu là người cô độc. Ông giải thích bằng cách chiết tự tên mình: Chiêu là Chờ… Iêu… Chiêu. Chờ hoài, chả thấy bóng hồng nào. Mà chỉ thấy sách và sách. Ông tìm vui trong văn chương và thích chia sẻ tri thức, tận tụy và hết lòng với sinh viên. Đáp lại, các sinh viên cũng rất quý mến ông, giúp ông nhiều việc xoa dịu các dị ứng về công nghệ, như đánh máy vi tính các bài viết, in và gửi các bài báo, chở ông đi họp hành, bù khú bạn bè…

            Vì sống giữa thời này mà Nhật Chiêu không biết dùng email, không biết dùng máy tính, không biết đi xe máy...  Hình như các phương tiện kỹ thuật chỉ làm ông lạc lõng nên không thích học cách sử dụng. Ông chỉ dùng điện thoại đi động vì bị bạn bè “ép buộc”, vì khi cần không biết tìm ông ở đâu.

            Lơ đãng. Hẹn ông buổi sáng, có khi chiều ông mới đến nên có người đã gọi ông là… Nguyệt… Chiêu.

            Ngoài văn chương, hình như Nhật Chiêu chẳng biết (hay thích) làm gì khác. Thói “hư” này… ông đã có khiếu từ nhỏ: Mồ côi cha  rất sớm, ông được các chị thương yêu, việc gì cũng làm giúp, không để ông mó tay vào. Bà chị nào mà để ông giặt một chiếc khăn tay là bị chị cả la mắng tại sao… tại sao? ngay. Trong nhà đã “hư”vậy, ra xã hội còn “nhờ” tính lơ đãng nên thói hư càng phát triển: Trường tổ chức hội thảo ở thành phố khác, nếu ông muốn đi dạo thì ban tổ chức phải cử một sinh viên đi kèm vì sợ ông đi lạc. Quên đường về.

            Ngay cả việc ăn ông cũng vụng về. Ngồi vào bàn là có người gắp, cuốn cho. Thế nhưng một (cựu) vinh viên của ông là Bảo Trâm kể lại... “Có lần em gắp cho thầy… thầy lại gắp  qua cho cô ngồi bên cạnh”! Chết thật!

             Học trò “cưng” của ông là Thu Hiền còn tiết lộ thêm là Nhật Chiêu rất thích ăn sầu riêng. Khi biết bí mật này tôi liên tưởng ngay đến cõi văn chương của ông: Sầu riêng mà, ai thích thì ghiền. Kẻ không thích thì… tránh xa.

            Nhật Chiêu ơi… cứ chờ. Rồi sẽ được… Iêu.

 

Sài Gòn 11.2017.

 Nguồn Quán Văn số 51

 

 Trương Văn  Dân và Nhật Chiêu trong buổi ra mắt tsvhnt Quán Văn 51 tại Sài Gòn

 

Trương Văn Dân
Số lần đọc: 708
Ngày đăng: 25.06.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thần khúc thời bốn chấm không - Chu Mộng Long
Một cuộc “Phật sự” - Nguyễn Anh Tuấn
Covid 19 và phương pháp đào tạo từ xa - Elena Pucillo Truong
"Trò Chuyện Với Thiên Thần" Tác phẩm một đời của tác giả để người đọc một đời. - Nguyễn Văn Sâm
Một nhà thơ “làm thơ” bằng màu sắc và hình khối - Nguyễn Anh Tuấn
Huyền thoại nước trong tập thơ Dòng Thiêng của Nguyễn Linh Khiếu - Lê Nam Linh
Mịch Quang – một bậc Quốc sĩ của nghệ thuật dân tộc - Nguyễn Anh Tuấn
Trịnh Công Sơn một thời đã qua - Võ Công Liêm
Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, giống và khác - Nguyễn Hoàn
Kinh nghiệm tư tưởng - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Những sợi tóc (truyện ngắn)
Ngã Rẽ (truyện ngắn)
Một áng mây bay (truyện ngắn)
Những gã thợ săn (truyện ngắn)
Colombre (truyện ngắn)
Thời hạn (truyện ngắn)
Chiếc áo dị kỳ (truyện ngắn)
Quyển Sách (truyện ngắn)
Ngọn tháp (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Những người bạn (truyện ngắn)
Tâm lý trị liệu (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Paris, ngày trở lại (truyện ngắn)
Về với hư không (truyện ngắn)
Lỗi kết nối (truyện ngắn)
Tòa soạn Quán Văn (tiểu luận)
Cuộc hội ngộ câm (truyện ngắn)
Quán Văn, số 100 (tiểu luận)