Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
803
123.135.468
 
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 3/6]
Đỗ Quyên

 

(Tiếp của chương 6: NHT & thỉnh ý bách tính -

Phỏng vấn nhảy dù từ ĐQ tới trăm bạn Phây thân sơ)

 

Mời quý anh/chị/bạn hồi đáp qua 1 trong 4 cách sau về một vấn đề từng được dư luận bàn thảo ngay sau ngày nhà văn vừa qua đời: 

NHT với danh hiệu/danh xưng "văn hào", "thiên tài", "giải Nobel văn chương"...

1. Không/Chưa bàn đến

2. Đặt vấn đề đúng/chưa đúng (đôi lời giải thích, nếu có)

3. Không ý kiến

4. Nhận định riêng (có thể ra không xa vấn đề trên)

 

*

Vũ Trọng Quang

(Nhà thơ, Sài Gòn - 20/5/2021)

“Xin trả lời “Không” cho cả 4 câu hỏi trên.”

*

Nguyễn Khắc Nhượng

(Nhà báo, TP.HCM - 23/5/2021)

“NHT là một tài năng hiếm quí của văn học VN, nhưng gọi là văn hào/thiên tài trên bình diện văn học thế giới thì tôi thấy chưa đủ tầm. Lý do: Toàn bộ tác phẩm của NHT phản ảnh và đóng khung trong không gian của người Việt cùng thời đại với tác giả, chứ không chuyên chở được các vấn đề mang tính nhân loại phổ quát. Vì thế giải Nobel văn chương dành cho NHT cũng là điều khá cao xa.”

*

Võ Thị Như Mai

(Dịch giả, nhà thơ; Úc - 19/4/2021)

“Thực ra với giới chuyên môn (nhà văn) trong nước, nhất là những người viết văn xuôi/truyện ngắn chưa mấy ai nghĩ NHT là 1 trong số 3 danh xưng trên. Điều này là khẳng định. Danh xưng "Vua truyện ngắn" chỉ là câu cửa miệng ở một số người, chưa được nêu/ghi trong bất kỳ văn bản chính thống hay một tờ báo chính thống nào. NHT cũng chỉ được xem là người nổi tiếng, đứng đầu (có thể thế) những người viết truyện ngắn trong một giai đoạn lịch sử. Có thể nói - và không tranh cãi - ông là "văn tài" nhưng nghĩ là 1 trong 3 nhận định trên thì hơi thái quá.”

*

VIP ẩn danh

(VN - 23/5/2021)

"Tôi không thật sự thân nhưng tình cờ biết (chắc chắn) vài chuyện không hay về anh ấy, thành ra cũng không muốn phát biểu.

Về văn chương, anh ấy là cây bút truyện ngắn xuất sắc, và may mắn viết đúng vào giai đoạn chuyển đổi nên vai trò lại càng quan trọng. Nhưng anh ấy là người chỉ hay bằng trải nghiệm cá nhân trực tiếp nên không thành nhà văn lớn được. Càng viết càng nhạt, càng cố gắng sâu sắc càng hoá làm dáng."

*

Trần Ngọc Cư

(Nhà giáo, dịch giả; California - 2/6/2021)

“Rất cảm động được biên khảo hiểu lầm tôi như một “cây viết”. Sinh hoạt văn học không đáng kể, tôi cảm thấy mình không đủ tri kiến, tư thế để bàn về một nhà văn nổi tiếng như NHT.

Tôi nhớ có mua đọc cuốn Tướng Về Hưu, được ấn hành trong nước vào giai đoạn đổi mới. Sách được báo Đất Việt/ Hội Người Việt ở Canada phát hành ở nước ngoài. Hiện tôi còn giữ một bản in bằng giấy hùn, phẩm chất rất tệ, gần như giấy bổi thời xa xưa. Đặt cuốn sách này gần cuốn Thơ Tố Hữu mua cùng một lần từ đó, người ta có thể thấy sự phân biệt đối xử với tầng lớp văn học nghệ thuật của chế độ. Tôi còn giữ cuốn sách như món đồ cổ. Ngoài ra tôi không có gì hơn để phát biểu về NHT.”

*

Lê Anh Hoài

(Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ sắp đặt; Hà Nội - 4/6/2021)

“NHT có thể gọi là một văn hào của nước Việt, với người viết bằng tiếng Việt. Ông đã đưa ra được, bằng văn chương với giọng điệu riêng - sự phản tư với lịch sử và một số thần tượng. Từ đó, cùng một số cây bút nổi bật vào đầu thời kỳ đổi mới, NHT làm lung lay cái gọi là nền văn học hiện thực XHCN đến gốc rễ. Ông cũng có cách tiếp cận mới với đối tượng lớn của văn chương: Con người. Cách tiếp cận này đặc biệt quan trọng với nền văn chương miền Bắc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng văn dĩ tải đạo mang màu sắc hiện thực XHCN.

Giọng điệu và cách tiếp cận độc đáo của ông khiến những tác phẩm riêng có sức sống lâu bền. Điều đó khiến tôi cho rằng ông có thể được định danh là một "văn hào". Tuy nhiên là "thiên tài" e rằng quá sức.

Về giải Nobel: Giải này trao cho các nhà văn có sự nghiệp sáng tạo gây ảnh hưởng lớn trên thế giới theo tinh thần khai phóng mới mẻ (khai phóng nhưng phải mới mẻ); Và nghệ thuật độc đáo, đặc biệt! Sự nghiệp NHT chỉ là khoảng 50 truyện ngắn (ông có viết truyện dài và tiểu thuyết song rất không thành công). Sự khai phóng chỉ dừng lại trong phạm vi quốc gia, và phần nào mang tính thời điểm (điểm rơi đúng lúc tạo chú ý). Nghệ thuật của ông có nét đặc biệt nhưng chưa phải là độc sáng. (Ông sử dụng lối văn cô đọng, lạnh lùng; tiếc thay nó là lối văn kiểu Sử ký Tư Mã Thiên).

Một số ý kiến cho rằng NHT bị rơi vào vùng trũng văn hóa và ngôn ngữ. Chính NHT cũng bị ám ảnh bởi việc này, ông nỗ lực tìm cách dịch tác phẩm ra tiếng Anh. Tuy nhiên nỗ lực của ông là vô vọng. Thế giới có lẽ sẽ cần những tiếng nói khai mở về thân phận con người sống trong chế độ độc tài kiểu châu Á. Cần những phát hiện mới về con người hiện đại dù họ sống ở đâu. Tuy nhiên NHT chưa đạt được như vậy.

Và một vài người lại nhận xét NHT viết truyện ngắn hay hơn cả Alice Munro. Điều này không đúng. Sự nghiệp của Alice Munro rất dày dặn, bà phát hiện nhân tính con người, đặc biệt là người nữ, trong đời sống của họ và mối tương quan với đàn ông. Rồi kể cả những thân phận giống đực của con người cũng được bà soi sáng. Tất nhiên phải tính đến nghệ thuật văn chương của bà; gây rung động sâu sắc trên một phổ rộng với giải tần số lớn. Điều này thì NHT chưa làm được.”

*

Dương Thuấn

(Nhà thơ; VN - 29/5/2021)

Thiệp chưa biết viết tiểu thuyết, tôi chưa bàn đến. Tạ Duy Anh/ Cổ Viên hay hơn nhiều. Lão Tạ rồi sẽ được giải Nobel!”

*

Đỗ Kh.

(Nhà thơ, nhà văn, ký giả; Mỹ & Pháp - 20/5/2021)

“Về NHT với giải Nobel thì tôi chẳng có ý kiến gì. Riêng về giải này hay các giải quốc tế khác, mỗi năm mỗi trao và nếu thế này cũng có thì cũng có thế nọ. Các hội đồng chấm giải không sống lơ lửng lưng trời và giáng giải như sấm sét từ không trung, trúng đâu chết đó. Giải bao giờ cũng có môi trường, có hoàn cảnh; thí dụ anh ấy bước vào quán khi chiều xuống, mắt nhìn đăm đăm, vào lúc đó em vừa duỗi cẳng. Và như vậy mới nên duyên. Nói thành thật, tôi thấy giải bao giờ cũng xứng đáng cả, xứng đáng ít hay xứng đáng nhiều. Còn không được giải thì biết bao nhiêu, làm sao mà nói được. Làm sao bạn chắc được Nobel không vô tâm hay bất công với lại nhà văn nào viết bằng tiếng Nuer hay Luo?

Đêm nay ai đưa em về? Không ai đưa thì em ra ngoài gọi xe ôm thôi, về đến nhà em đun nước sôi nấu mì gói, việc gì mà ta phải trách ủy ban trao giải hay là trách trời gần trời xa?”

*

Nguyễn Thị Liên Tâm

(Giảng viên, nhà thơ; Bình Thuận, VN - 25/5/2021)

“Văn hào/thiên tài là danh xưng dành cho người viết văn xuất chúng, hơn hẳn người viết khác về nhiều góc độ văn chương: đề tài, tư tưởng, phong cách, cách đặt vấn đề độc đáo, ngôn ngữ xuất sắc trong một tác phẩm hay chuỗi tác phẩm. Ngư Ông Và Biển Cả, Truyện Kiều… những kiệt tác cho văn hào/thiên tài E. Hemingway, Nguyễn Du…

Để gọi NHT là văn hào/thiên tài ta phải xét kỹ tác phẩm của ông, theo quan niệm trên; Và theo sức lan tỏa trong-ngoài nước từ đó xứng đáng được đề cử giải Nobel văn học hay không? Bảo Ninh từng được đề cử giải này với tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh, nhưng chưa nghe người đọc xưng tụng là thiên tài!”

*

Nguyễn Trọng Chức

(Nhà báo, nhà phê bình mỹ thuật; TP.HCM - 6/6/2021)

“So với mỹ thuật, tôi không thuận tay lắm và hiểu biết rành rẽ để nhận định về văn chương, song theo tôi NHT là nhà văn tài năng mà nhiều thập niên nền văn học VN mới có được một người như vậy. Sự xuất hiện của NHT cách nào đó đã góp phần quan trọng để văn học VN bước sang giai đoạn mới về chất.

Một yếu tố quan trọng của văn chương NHT, đó là nó không bị “lỗi nhịp” theo thời gian: Sau nhiều năm đọc lại NHT vẫn thấy không cũ, không nhạt, điều mà nhiều nhà văn các thế hệ trước ông không dễ có được.”

*

Trịnh Sơn

(Nhà thơ; Hoa Kỳ - 30/5/2021)

“Đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần NHT. Thiệp có gì, Sơn đọc hết. Không để tìm kiếm gì mà đọc kỹ vậy. Cũng không phải hay ho hoặc cuốn hút ám ảnh nữa. Đọc. Đọc, đọc nữa, đọc mãi. Mong hiểu ra, sao người ta lại ca tụng văn Thiệp tới nông nỗi vậy. Trong khi, mình thấy bình thường. Hay là cái sự cảm nhận ở mình lệch lạc gì?

Tạm kết (Tạm, nếu ai chỉ ra văn Thiệp hay chỗ nào, thuyết phục được mình, xin sẽ xem xét lại cái tạm): Không phải Thiệp sinh ra đúng giờ lành tháng tốt. Mà, Bắc Kỳ (rất thân thương của Sơn) đã quá thiệt thòi với văn chương XHCN, và Thiệp là món quà trên trời (not thiên đường) rớt xuống. Không chai nước hoa, cục xà bông quý. “Có còn hơn không” (Nguyễn Tất Nhiên & Phạm Duy)

Sơn quý mến những người yêu văn Thiệp. Mà yêu văn chương còn là tính người. Nhưng dồn Thiệp vào chỗ Nobel, hề quá! Trả lời thiệt thà, không cần phân tích thêm.”

*

Nguyễn Anh Tuấn

(Nhà thơ; Nghệ An - 20/5/2021)

“Nguyên lí "cho chộ"/ nhìn thấy rõ (tiếng Nghệ) sẽ hồi đáp thói ảo tưởng của nhà văn VN rằng, Hội đồng hàn lâm Thụy Điển chưa từng để ý đến tác giả này.”  

*

Viet Pham

(Dịch giả, công chức về hưu; Canada - 1/6/2021)

“Tôi không là người đọc truyện nhiều và chỉ biết giới hạn tác phẩm và sự nghiệp của nhà văn NHT. Về văn chương ngoại quốc, tôi có đọc 10-20 tiểu thuyết cổ điển Anh, Pháp (bản dịch Anh)... Thiển ý tôi nếu ông NHT có được trao giải Nobel văn chương thì cũng không phải là điều không thể nghĩ tới. Cả về lượng lẫn phẩm, tôi thấy NHT đủ ngang tầm vóc với các nhà văn quốc tế.

Vấn đề chính, theo tôi, vẫn là ngôn ngữ và tầm quan trọng của ngôn ngữ đó trên thế giới. Ðây là sự nan giải cho các nhà văn VN muốn tác phẩm mang tiếng nói trên trường quốc tế. Có người cho rằng trong thế kỷ này, các nhà văn VN phải làm sao để sáng tác và trình làng tác phẩm bằng ngoại ngữ Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha... Sống ở Canada hơn 2/3 đời tôi thấy đó là ảo tưởng, điều không thể thực hiện.”

*

Lý Đợi

(Nhà thơ, ký giả, giám tuyển; Sài Gòn - 1/6/2021)

“Theo tôi, NHT là tài năng truyện ngắn của thời đổi mới, nhưng so với suốt lịch sử truyện ngắn của VN, ông chưa phải là hạng nhất. Vì vậy, tầm cỡ ông với Nobel văn chương còn một khoảng cách. Ông viết truyện ngắn mới chỉ hay về ý tưởng, về câu chuyện bản địa, chứ chưa mang tầm vóc nhân loại.

Hơn nữa, về nghệ thuật viết truyện ngắn, ông không có nhiều đóng góp về quan niệm, cấu trúc và thẩm mỹ cho lịch sử truyện ngắn. Các truyện của ông khá giống nhau về thủ pháp, cách đặt vấn đề, ít đột biến và đổi mới về nghệ thuật. Nói chung, khi dịch sang các ngôn ngữ khác, chỉ còn lại chất hương xa, chứ không đủ sức gây ngạc nhiên, suy ngẫm.”

*

Vũ Tuấn Hoàng

(Nhà văn, dịch giả; Moskva, Nga - 3/6/2021)

“Một việc làm rất hay và có ý nghĩa để vinh danh một nhà văn VN. Theo thiển ý tôi, các chức danh ở trên chẳng có một tổ chức nào đóng dấu xác nhận cả. Song có lẽ, Thời gian mới là người quan trọng nhất thẩm định giá trị đích thực của một văn tài. Chúng ta cũng chẳng có gì phải hấp tấp vội vàng; nếu chỉ vì những hô danh trên mà làm cho NHT sống lại thì tôi đề nghị tất cả! Thời gian chẳng thiên vị một ai.”

*

Đặng Huy Giang

(Nhà thơ, nhà biên tập; Hà Nội - 5/6/2021)

“Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp là một văn tài hiếm có, có thế xếp chung bảng với Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. Đặt vấn đề đế đánh giá về NHT lúc này là đúng. Ông có khoảng 10 truyện ngắn thật hay, xuất sắc nhất là Không Có Vua. Nhưng NHT chưa phải thiên tài, chỉ là nhân tài. Nhìn chung nhà văn xứ ta chưa nên nghĩ đến Nobel văn chương.”

*

Trọng Khang

(Nhà văn, nhà biên tập; TP.HCM - 4/6/2021)

“Với tôi, dù chỉ viết vài chục truyện ngắn, NHT đã khuấy đảo được một nền văn học trước đó, trong một quãng dài, rơi vào tù đọng. Còn về Nobel, nếu xem như một giá trị tối hậu thì sẽ làm hạn hẹp quá đi ý nghĩa văn chương. Tôi nghĩ nên đánh giá sự nghiệp NHT dựa trên di sản ông để lại cho văn học VN, hơn là cố gắn ông vào một giải thưởng để rồi xem đó như thước đo duy nhất.”

*

Võ Thị Xuân Hà

(Nhà văn, nhà báo, nhà biên tập; Hà Nội - 6/6/2021)

“Quan điểm cá nhân tôi, ở đây, không quan tâm giải Nobel. Vì văn NHT dịch ra tiếng Anh rất khó, các dịch giả bên các nước cho biết. Tôi theo triết lý đạo Phật; cao nhân thường ở ẩn phục vụ thế nhân, danh tiếng không làm nên đức hạnh, tài năng thực sự. Dĩ nhiên, nếu đoạt giài danh giá thì việc phổ biến tác phẩm sẽ được nhân rộng. Nhưng đời luôn thử thách những tài năng và phẩm giá.

Hồi ấy nhắc đến NHT thì thôi rồi… Có bao nhiêu viên kim cương trên đời để đánh dấu những lời tụng ca Thiệp; chắc cái giỏ của ông là to nhất, nhiều kim cương nhất so với tất cả các nhà văn “thơ phú lăng nhăng” xứ Việt suốt mấy chục năm ròng từ chớm và sau đổi mới. Cái ác được đem ra mổ xẻ. Ác chưa từng thấy. Giọng văn thản nhiên mô tả ác một cách lạnh lùng. Vậy mà đọc vẫn như có bùa mê. Hồi chuông cảnh tỉnh Nguyễn Huy Thiệp vang xa và sâu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý thức hệ của tầng lớp trí thức VN thời đó.

Được mệnh danh vua truyện ngắn, sống giữa những tràng vỗ tay, đóa hoa rực rỡ, lời tụng ca ngập báo chí truyền thông, ông không bị điên bị “tẩu hỏa” mới lạ - đó là điều tôi phục ông không kém phục văn ông.

Ở văn phòng Hội Nhà văn VN số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, các nhà văn thường nhắc tới NHT với một sự đáng tiếc, khi vào thời kỳ rực rỡ nhất của sự nghiệp văn chương, khi bao năm đã trôi qua, Hội đã để tuột không hề trao giải nào xứng đáng cho ông. Tôi nghĩ văn ông không để trao giải, vì những ý tưởng luôn đi ngược tư duy đám đông. Dĩ nhiên đám đông không phải khi nào cũng đúng. Tôi tin bản thể linh hồn tài năng văn chương ấy vẫn lưu giữ sự thanh khiết, để chọn cho mình thời khắc hạnh phúc mà từ giã cõi sống đầy mê đắm như văn ông; và sẽ tái sinh ở một đời sống khác với một hình hài khác. Nhưng NHT thì chỉ có một, duy nhất.”

*

Ẩn danh 2

(Nhà nghiên cứu, giảng viên; Huế - 6/6/2021)

“Tôi vốn không có ý kiến gì về NHT. Ổng giỏi, tài, nhưng chưa xứng là một tác gia, một văn hào bởi không có sự nghiệp văn học đồ sộ và bền bỉ. Nên cũng không quan tâm và không đặt vấn đề Nobel hay không.”

*

Nguyễn Trương Quý

(Nhà văn, nhà báo, họa sĩ; Hà Nội - 7/6/2021)

"Tôi không thấy những danh xưng được nêu có ý nghĩa lắm với sự tiếp nhận tác phẩm NHT. Tác phẩm của ông đụng chạm đến những mối bận tâm của người đọc VN, cho họ các câu trả lời về những băn khoăn ở đời, theo cách riêng ông. Là người đọc say mê những truyện ngắn của ông khi còn trẻ, tôi thấy tác phẩm của ông là số ít những thứ “khai nhãn” cho tuổi trẻ của mình, trong khi nhiều tác phẩm của các tác giả nhiều giải thưởng lớn không làm được điều đó.

Rất dị ứng nếu người ta dùng từ “văn hào” cho các nhà văn, thú thực tôi rất sợ nhìn thấy những từ như “đại thi hào dân tộc” hay “đại văn hào” - chúng đã bị lạm dụng đến sáo mòn trong những bài viết không mấy gây được cảm tình với tôi. Các danh xưng to tát ấy là sản phẩm của lối tư duy phân loại nằm trong trường thẩm mỹ ưa các đại tự sự, mau chóng khiến chính các tác giả bị xếp vào thư mục khó mà đọc lại, vì nghiễm nhiên thành kinh điển (tôi nghĩ đến khái niệm của Roland Barthes). Mấy từ “một nhà văn Việt Nam” cũng đã chẳng dễ đạt được, mà NHT còn làm được điều rất ít người làm được - đó là không cần danh xưng nghề nghiệp, nêu tên là đã đủ."

*

Trần Lê Hoa Tranh

(Nhà nghiên cứu, giảng viên; TP.HCM) - 6/6/2021)

“NHT có lẽ là một nhân vật nổi bật của VN nửa sau thế kỷ 20, ở vị trí đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp của văn học VN sau đổi mới. Tác phẩm NHT có nhiều thành tựu nghệ thuật và tư tưởng, như con người hậu chiến, cảm thức mất mát (lost generation), sang chấn tâm lý... Tuy nhiên, do vấn đề dịch thuật và giới thiệu chưa được nhiều trên thế giới, nên việc gọi NHT là “văn hào”, “thiên tài” e là hơi thổi phồng. Vì nhận định về một nhân vật bây giờ không phải chỉ dựa vào phê bình nội bộ, con hát mẹ khen hay nữa; phải có những nghiên cứu, đánh giá từ bên ngoài.”

*

Hồ Sĩ Bàng

(Giảng viên IT; Hà Nội - 23/5/2021)

“NHT là một nhà văn lớn của đất nước này. Trong bối cảnh xã hội phức tạp, dòng chảy văn học nghệ thuật có xu hướng xuôi chiều, nhưng NHT bằng con mắt nhìn sâu sắc và bút pháp mạnh mẽ đã chỉ ra được nhiều điều chưa nói được trong hoàn cảnh đó. Ông xứng đáng là người dám phản biện xã hội, mang rất nhiều sinh lực tới người cầm bút cùng thời.”

*

Bùi Văn Phú

(Nhà báo tự do, giảng viên toán học; California - 6/6/2021)

“NHT được biết đến như là một nhà văn có tiếng vào thời kỳ cởi trói văn nghệ, nổi tiếng nhất là truyện Tướng Về Hưu, rồi đến Vàng Lửa, Kiếm Sắc, Con Gái Thuỷ Thần. Những truyện đó có nội dung khá hấp dẫn và phản ánh xã hội VN với những đè nén, bất cập, dối trá qua các nhân vật. Hay nỗi buồn thực tại của nhà văn, nhà thơ trong xã hội qua Chú Hoạt Tôi. Lại có những truyện như Không Khóc Ở California hay Mưa, tôi đọc đi đọc lại mà không nắm bắt được nội dung hay ý tác giả muốn nhắn gửi gì. Vì thế để đặt NHT vào đúng chỗ đứng trong văn học VN cần phải thêm thời gian và có những phê bình nghiêm túc không bị giới hạn.

Còn về việc giải Nobel văn chương thì cũng chỉ là ai đó có thể đề nghị. Được giải hay không, có lẽ xa vời, vì ngay cả trong nước VN, các tác phẩm NHT vẫn có số in giới hạn, quanh 1000 bản. Chưa có nhiều truyện của ông được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp để được thế giới biết nhiều đến. Trong vài thập niên qua, được đề nghị giải Nobel văn chương đã có tác phẩm của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, nhà văn Dương Thu Hương. NHT nổi lên nhờ cởi trói văn nghệ, sau đó buộc lại thì sáng tác của ông cũng không còn mang tính đột phá nữa.”

*

Đỗ Anh Vũ

(Nhà nghiên cứu, nhà biên tập; Hà Nội - 1/6/2021)

“NHT, với tôi, là một văn tài, một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nửa cuối thế 20, người có nhiều đóng góp cho những biểu đạt mới mẻ của thể loại truyện ngắn. Gọi ông là văn hào hay thiên tài thì hơi quá.”

*

Nguyễn Thị Thanh Bình

(Nhà thơ, nhà văn; Hoa Kỳ - 11/6/2021)

"Theo tôi NHT là nhà văn lớn trong ý nghĩa văn chương của anh chứa khá nhiều tư tưởng, và anh xứng đáng nổi lên như một hiện tượng hiếm hoi, độc đáo và độc sáng của thời kỳ văn học XH hiện thực đổi mới.

Tôi rất thích bút pháp và không khí truyện của một số truyện ngắn của anh; và điều này chúng ta phải hiểu là không dễ lọt vào mắt xanh trong cái nhìn của những giám khảo phương Tây như chính anh và nhất là nhà xuất bản ở Pháp mong mỏi. Có lẽ sự ra đi khá sớm của một nhà văn phải gác bút vì bạo bệnh trước đó đã gây xúc động trong lòng giới cầm bút và độc giả, nên họ chợt thấy hụt hẫng tưởng tiếc như thể VN vừa hụt mất giải Nobel văn chương. Tiếc là NHT không thành công và viết quá ít trong lãnh vực tiểu thuyết như Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện..."

*

Vân Nam

(Nhà nghiên cứu luật học, triết học; TP.HCM - 17/6/2021)

"Tôi vốn không đánh giá cao NHT. Ông nói đến những vấn đề xã hội VN thời nhũng nhiễu - bằng những thủ pháp mới so với văn học VN (chứ không phải so với thế giới), và dám dùng ngôn từ tạo ấn tượng mạnh hơn (so với những ngôn từ đương đại vốn đã tự giam mình trong vòng kim cô chính trị). NHT chưa đụng chạm được vào nỗi đau, sự ám ảnh chung của con người khi phải sống trong những hoàn cảnh tương tự VN.

 

Tầm vóc của NHT thật ra cũng giống như Trịnh Công Sơn. Chỉ mức độ phổ biến là kém hơn thôi.”

*

Trần Đức Tiến

(Nhà văn, nhà báo; Vũng Tàu - 4/6/2021)

“Về những điều phỏng vấn đặt ra, tôi xin phép không có ý kiến gì.”

*

Võ Công Liêm

(Nhà nghiên cứu triết học, nhà thơ, nhà văn; Canada - 5/6/2021)

“NHT (1950-2021) là nhà văn tên tuổi cuối thế kỷ thứ 20, một thứ văn chương mới. Những tập truyện của NHT là tiểu thuyết lớn được coi như Thời Của Lý Do / L'Âge de raison (1954) là chủ đề truyện của Jean-Paul Sartre; mà NHT có truyện Tướng Về Hưu (1987). Trước có Sartre và sau có Nguyễn làm những tác phẩm bị gác bỏ hoặc không ‘đụng tới’ sau khi vãn hồi chiến tranh thế giới II và thống nhứt đất nước ở VN (1975).

Truyện mang màu sắc ‘tố cáo’ hơn là ngợi ca trong ‘linh hồn sắt thép /Iron in the Soul’ do đảng và nhà nước đề ra. NHT nhắm tới tiêu đề để dựng truyện là giai đoạn của cuộc đời mà tác giả đã nhận biết qua vai trò của người giã từ vũ khí, là một hàm chứa trên đe dưới búa mà tác giả đã sống và chứng kiến trong cuộc đời.

Bản thân NHT đã nhận ra những cơn biến động chính trị trong nội bộ cũng như ở quần chúng là những dự tính bất ngờ đến với Nguyễn từ một thứ triết lý nhân văn đưa vào văn chương sáng tác; thay thế vào đó để nói lên thảm trạng của chính trị với vô số chịu đựng khác nhau. Những Ngọn Gió Hua Tát, Muối Của Rừng… cho dù đó là lưỡng phân chủ nghĩa (có tốt, có xấu) nó nằm trong tâm lý đời thường qua chuyện cũ, chuyện mới được gán ép vào nhau; những gì đeo đẳng mãi, một ám ảnh của cuộc chiến, Nguyễn lấy văn chương như một gián tiếp chống lại. Tác phẩm NHT trước sau đều sáng giá cả hai mặt tình và lý. Thế nhưng chưa coi đó là một luận đề để bàn tới, hay coi đó là mô thức trong văn chương để xác quyết tác phẩm đáng để đời hay chỉ là bàng quan như những tác phẩm khác.

Khi đưa ra nước ngoài nhất là ở Pháp - người ta, ngay cả tác giả, cũng hy vọng Nobel sẽ để mắt tới; do có một số nhà văn lớn cũng như những nhà báo, nhà xuất bản ở Pháp cố công vận động hoặc ký giao kèo in ấn những tác phẩm của Nguyễn. Nhưng, tất cả chưa đạt yêu cầu trên bình diện thời sự cũng như tâm lý quần chúng. Nhớ cho: với Nobel phải là luận thuyết có tính nhân bản, có tính hoà bình hơn chiến tranh thì may ra để ý đến. Ngay cả với J. P. Sartre từng được bình chọn của hội đồng giải văn chương Nobel 1964 (và Sartre đã từ chối giải thưởng). Hơn thế nữa Nobel nghiêng về truyện dài, truyện lý luận hơn truyện ngắn. Do đó đề xuất truyện ngắn Tướng Về Hưu để chọn vào Nobel là không đúng tiêu chuẩn của hội đồng văn hóa quốc tế Thụy Điển. Đấy là điều đưa tới tuyệt vọng cho NHT. Là vì, mơ ước đó chưa hẳn phải là tuyệt đối của đại đa số hoặc có thể người ta cho đó là tham vọng chủ nghĩa (?). Vấn đề được xác quyết có hay không có nó thuộc về hiện hữu thời gian. Tuy nhiên, không phải lý do đó đã làm cho tác giả mất sáng tác, NHT viết vững hơn xưa qua kinh nghiệm tư tưởng vốn có về sau này.

Nhưng, chúng ta phải có cái nhìn sâu hoáy vào những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn NHT một cách sáng tỏ. Văn chương xưa nay thường là ẩn ngữ hay ẩn dụ cho một bày tỏ kín đáo trong truyện. Truyện của NHT được lồng vào chuyện xưa nay đều có tính cách ‘ví von’ giữa ‘phong kiến quan liêu/ bourgeois morality’ và ‘phép vua thua lệ làng/ decent behaviour’, đặc biệt trong tập truyện ngắn Tướng Về Hưu và Muối Của Rừng. Mổ ra xem thì hẳn nó chống kịch liệt, cái kiểu ‘mượn đầu heo nấu cháo’ ra phết! Độc giả ngày nay khôn ngoan và thông minh thậm tệ. Mượn câu nói này của Sartre trong tác phẩm  Thời Của Lý Do: “Nói gọn, nó có một nửa nhân tính cái đó khó hiện hữu cho tôi - thực ra, nó không phải là từ chối, một nửa khác là trong thế đơn độc của tôi và để tâm theo đuổi nó… Anh bày tỏ một cảm tình trừu tượng với đảng Cọng sản, nhưng, anh để dạ vào đó mà chẳng mấy khi mắc phải lỗi lầm và anh chẳng bao giờ ủng hộ tới nó…’ Tướng Về Hưu và những truyện khác là thứ chính trị đặc sau hậu trường, nó không thể khuấy trộn ở chính tác giả để hành động công khai. Nhà văn NHT có miệng mồm trong chữ nghĩa, một lối hành văn tinh thông ‘dương Đông kích Tây’ rất khéo léo và rất hiếm thấy ở những nhà văn khác. Nguyễn thích đổi cái tự do trống rỗng đó bằng một âm vang đúng nghĩa của nó và, nhờ đó mà Nguyễn thấy được tự do một cách đích thực. Tự do viết lách và hành động như tâm tính người lính già về vườn sau những trận chiến mệt mỏi.

Trong lời nhắn với bạn bè một cách chân tình, văn chương đã chuyên chở những gì tuyệt vời nhất, một tự giác và một ít những gì mà NHT bỏ vào đó như một dự cuộc rộng lớn; hẳn không phải việc làm đó là một hội nhập với thế giới ngay tức khắc, nhất là thế giới văn chương ngày nay.”

(Trích nhận định mang tên Con Đường Đi Tới Tự Do Của Nhà Văn NHT do tác giả viết cho biên khảo Tiểu truyện NHT; toàn bộ bài được giới thiệu trong bản đầy đủ của biên khảo.)

 

7.

NHT & giải thưởng

 

Chuyện văn sĩ và giải thưởng xưa như cục đất. Có điều đây là đất chữ đất nghĩa. Trong đất có vàng! Vàng - danh lợi chói lòa, hút hồn nhất. Vàng - tiền của, ít nhiều tùy giải. Cũng nhân tính, như đàn ông háu gái, như đàn bà dại giai vậy...

Thế nên giải thưởng luôn là đề tài "chuyện dài nhân dân tự vệ" ta bà toàn cầu, nước Nam ta bõ gì. Tất nhiên, ở các quốc gia văn chương gắn bó với chính thể, vấn đề giải thưởng kỳ khu hơn. Liên đới cả văn cách lẫn tư cách chính trị nhà văn trong thể chế.

Chính cái bộ ba Danh - Lợi - Tiền đã bị/được NHT cày đi bừa lại trong trước tác cùng tuyên ngôn. Dao sắc đâu gọt nổi chuôi. Ngài không thoát được hiểm từ vòng kim cô bộ ba đó. Thì cũng phải thôi. Thiệp chứ là Phật đâu, dù chàng có rinh Phật về canh vườn gác ngõ ngóng chữ bàn văn. Chúng tôi, cũng lâu rồi, không hiểu sao lại có thể mạo muội đoan quyết nhà văn quá cố từng mê giải thưởng. Qua chuyện bây giờ mới kể từ "Khuê muội muội", như dẫn phần trên, nhiều bạn đọc, bạn viết bất ngờ về mộng Nobel nơi chàng.

Thừa thắng, cho chúng tôi cả nghĩ tiếp? Mong muốn được Giải thưởng Nhà nước của NHT rất chi có tình có lý, cả 3 bên 4 bề: Tác giả, nhà nước, độc giả và nền văn học nước nhà. Thật ra trễ mươi năm. Nhà văn nhớn dư biết mình cống hiến xứng đáng cho văn chương VN, cho chữ nghĩa dân tộc Việt, cho thể chế xã hội hiện hành, dù về mặt xã hội - chính trị ông tự cấp phép đứng ngoài cơ chế. Đóng góp vô địch, khó ai đương thời sánh bằng trong thời kỳ đổi mới của chế độ và của văn học VN, hiển nhiên hơn cả 2 x 2 = 4!

Các dấn thân của NHT về tư tưởng và mỹ học, về phản biện con người và xã hội đều tầm vi mô. Dẫu thế và hơn thế nữa, cũng hiển nhiên nhân thân tác giả cùng một số tác phẩm không thể lọt đôi ba tiêu chuẩn tiên quyết của Giải thưởng Hồ Chí Minh. Khác với giải Nobel, nhà văn của chúng ta không là thi sĩ mộng mị về giải danh giá nhất VN thời nay.

Tiểu truyện NHT trình dẫn các ý kiến - hầu hết vui mừng trong mong đợi - từ văn giới (Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Xuân Thạch, Lý Hoài Thu, Dạ Ngân, Nguyễn Hồng Hưng, Thuận, Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Thiết Cương, Uông Triều…) và cư dân mạng, xung quanh việc NHT (với 2 tác phẩm truyện ngắn Tướng Về Hưu và Những Ngọn Gió Hua Tát) đang trong danh sách 26 văn sĩ, thi sĩ, phê bình gia dịp này được đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước về văn học mà báo chí đăng tải hôm 17/3, trước 3 ngày ông cưỡi mây lên xanh. 

Để dễ so sánh, cũng nên biết một số ứng viên khác trong danh sách trên.  Về văn xuôi, phê bình: Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Phan Hách, Bùi Bình Thi, Văn Linh, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Bảo, Dương Duy Ngữ, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Bắc Sơn, Văn Chinh, Nguyễn Văn Thọ... Về thơ: Việt Phương, Lê Chí, Thanh Tùng, Thạch Quỳ, Nguyễn Xuân Thâm, Vũ Duy Thông, Hoàng Trần Cương, Trần Anh Thái, Trần Hùng… Tức là ngoài NHT với Tướng Về Hưu (tạm coi là) “từng có vấn đề”, có 2 nhị vị tiền bối cùng lừng danh Phương 1 thời với tác phẩm được “chiêu tuyết” dịp này (Nguyễn Thế Phương / Đi Bước Nữa và Việt Phương / Cửa Mở). Và cũng nên biết luôn danh sách 6 VIP ứng viên Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học 2021 là Hoàng Trung Thông, Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Khoa Điềm, Mai Quốc Liên và Thanh Thảo.

Lại cả nghĩ, 2 câu hỏi. “Cá lớn” NHT vượt vũ môn đậu thềm Giải thưởng này âu cũng nhờ Thần chết thậm thà thậm thụt bên số nhà ấy xóm Cò gần năm qua? Và, “tướng không về hưu” Bảo Ninh còn chưa được giải thì NHT chậm lụt cũng phải chăng?

Thật tình, bần tăng nào ăn nhậu gì với các chủ thể, khách thể cùng đủ thức thể ở công án; thế mà chả hiểu sao “bỗng dưng muốn khóc” đọc câu ký giả TTO tường thuật tại hiện trường tang lễ 24/3/2021:

“Nhưng đến nay tác giả Tướng Về Hưu vẫn chưa có giải thưởng trong nước nào. Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Bình Phương nói đây là món nợ lớn của Hội [...] với NHT”.

 

“Ô hô ai tai

Phục duy thượng hưởng…”

 

[Còn tiếp]

 

Vancouver, 20/3 - - 18/6/2021

[Nhân 100 Ngày Thiệp]

 

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 1240
Ngày đăng: 25.06.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 2/6] - Đỗ Quyên
Tế Hanh trong di sản văn học miền Nam 1954 - 1975 - Trần Hoài Anh
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 1/6] - Đỗ Quyên
Tìm hiểu thêm về Phan-Yên báo? - Võ Xuân Quế
Giọt dương cầm thánh thót trong đêm sâu - Nguyên Bình BRVT
Autumn Prayer By Alexandra Huynh - Đỗ Quý Dân
Le Pont Mirabeau – Vượt qua cầu ảo ảnh - Đỗ Quý Dân
Những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đã qua đời năm 2020 - Đỗ Nguyễn
Sách đọc vài quyển trong mùa đại dịch - Nguyễn Vy Khanh
Con Nghê chỉ là linh vật hài hước - Hoàng Xuân Hoạ
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)