Mỗi khi có dịp về trường tôi thường ra ban công ngắm nhìn hai cụ cây (cây bồ đề và cây đại) quấn quýt bên nhau, cùng đỡ nắng che mưa cho nhau trong suốt dặm dài; phủ bóng xanh bao trùm mát rượi cả một khoảng sân trường rộng lớn trước khu nhà hiệu bộ. Và đến bây giờ cũng chẳng ai còn nhớ được hai cụ xuất hiện ở đây từ khi nào nữa. Chỉ nhớ có lần, năm ấy, trường kỷ niệm 60 năm thành lập, tôi về và nghe thấy những cựu học sinh khóa đầu tiên, râu tóc bạc phơ vừa đứng ngắm cụ đề vừa chỉ chỏ bảo nhau rằng khi đến chỗ này học đã thấy có cụ ở đây. Còn thầy hiệu trưởng già, người địa phương bảo với tôi chỗ này xưa kia vốn là khu đất có ngôi đền hay đình, miếu gì đó nên cây đề này được trồng ở đấy từ rất lâu rồi, thiêng lắm. Hóa ra thế. Bảo sao trường học lại có bóng đề, bóng đại cổ thụ như nơi đất Phật.
Nắng nóng lại làm người ta nghĩ nhiều đến cây cối. Cái nắng hầm hập của những ngày cao điểm mùa hạ khiến mặt đường loang loáng như thể đang muốn tan chảy lớp nhựa trên bề mặt. Cái nắng ấy khiến cho cây lá bên đường không héo khô thì cũng gục xuống rũ rượi. Duy chỉ có tán bồ đề trong sân trường vẫn vẫn cứ xanh mướt như thể thách thức tiết trời nắng chảng. Dường như cái nắng như thiêu ấy đành phải chịu bất lực trước những tầng tầng lớp lớp cuống lá xanh mướt mong manh. Nhưng cũng thật kỳ diệu, cái chảo lửa vàng rực, nóng ran ấy rơi qua những cành lá bồ đề, rụng xuống sân trường bỗng trở nên dịu dàng, mát mẻ; tạo thành những mảng màu sáng tối nhìn tựa như mảnh trăng đang bị tan vỡ, vãi ra tung tóe trên nền gạch đỏ, thi thoảng lại bốc lên tung tăng theo những cánh lá bay đi chỗ khác bởi cơn gió thoảng và những cành lá lao xao lay động ở trên tầng cao của cây cổ thụ.
Sân trường ngày hạ yên bình và vắng vẻ. Cái không gian yên ắng ấy dưới gốc bồ đề bỗng gợi lên cái cảm giác tĩnh lặng của một thiền môn làm ta sực nhớ đến một loài cây thiêng quí của Đức Phật. Theo truyền thuyết nhà Phật, bồ đề có nghĩa là thức tỉnh, giác ngộ. Lịch sử Phật giáo có ghi chép và truyền lại cho phật tử rằng cách đây trên 2500 năm, sau bốn mươi chín ngày thiền định dưới cội đề ở Bodh Gaya nằm trên bờ sông Falgu (Ấn Độ), Đức Phật Thích Ca đã giác ngộ và thành chính quả. Cũng từ đây bồ đề đã trở thành một loại cây tiêu biểu của đạo Phật, một cây thiêng của nhà phật. Sau sự tích này phật tử trên toàn cõi nhân gian rất kính trọng bồ đề, không ít người có cả những đức tin thần thánh với với cây lá bồ đề. Chẳng thế nhiều người khi đến đất Phật lúc về chẳng mang theo thứ gì ngoài mấy cánh lá hình trái tim đem ép nhựa để mang theo bên mình, xem nó như một lá bùa hộ mệnh.
Người ta bảo cây bồ đề thường hấp thụ được các loại khí độc và nhả rất nhiều khí ô xi giúp thanh lọc không khí, nhất là vào ban đêm. Trở lại hơn 2500 năm trước, phải chăng Đức phật Thích Ca nhờ được hít thở cái bầu không khí trong lành của cội đề tỏa ra mà trí tuệ trở nên sáng láng, thông hiểu dẫn đến sự thức tỉnh để giác ngộ và thành chính quả. Và cũng bắt đầu từ đó theo đức tin của phật Thích Ca, bồ đề đi vào đất Việt và tỏa bóng mát che chở cho những mái chùa ẩn mình bên lũy tre xanh. Những cội bồ đề thả rễ vươn cành không chỉ tỏa bóng râm che mát mà còn mở đường, dẫn lối, sáng soi, giác ngộ chúng sinh trở về với cội nguồn an lạc. Đức tin của tâm linh, phật pháp là vậy. Có lẽ cũng bởi niềm tin thần thánh ấy phật tử bao đời nay truyền nhau về sự diệu kỳ của chiếc lá hình trái tim mỏng mảnh với những thớ gân săn chắc của cây bồ đề. Chỉ là chiếc lá lìa cành vàng khô thôi nhưng nó vẫn tiềm tàng một sức sống mới. Chiếc lá mỏng mảnh nhưng đã được Đức phật ký thác vào đó những niềm tin ấm áp, mãnh liệt và dạt dào tình cảm. Lá ấy còn được coi là tâm bồ đề. Nó tượng trưng cho sự yêu thương và lòng từ bi của đức Phật. Ngắm nhìn chiếc lá ta sẽ thấy chót đuôi của nó còn được kéo dài ra như một đường chỉ mảnh mai. Cái đường chỉ mảnh mai ấy tựa như biểu tượng giác ngộ của nhà Phật cho nên lá đề cũng gợi lên trong ta cái ý niệm về sự giác ngộ, tịnh tâm. Chẳng biết có phải vì lẽ đó cánh lá bồ đề còn được xem là một vật phẩm được nhiều người nâng niu với một niềm tin giúp cho con người không chỉ trừ tà ma mà còn làm cho tâm an, sáng suốt, buông bỏ được mọi thứ tham sâm si để giác ngộ.
Trên sân trường, cây đề vẫn đứng đó, vượt qua bão bùng, đội nắng dầm mưa, sừng sững tỏa rễ vươn cành như thể thi gan cùng tuế nguyệt. Nó lặng lẽ ngắm nhìn những vật đổi sao dời của cảnh vật quanh mình, đêm ngày đón gió ngắm trăng hân hoan trong tiếng đùa vui cùng nỗi niềm của những đàn con trẻ, chẳng bận lòng đến buồn vui thế sự. Cây đề không chanh sả, chẳng bon chen, mặc cho ngoài kia bao ồn ào sóng cả. Cây vi vu như thể đang mỉm cười đùa vui, giỡn gió la đà, du dương. Cái cười của bồ đề như thể sự độ lượng và từng trải của người đã vượt qua bao nỗi u mê, ngộ nhận. Nó như thể đang dửng dưng chẳng mảy may vương tơ bụi hồng trần, thanh nhàn dong duổi giữa lạc thú bồng bềnh mây trắng. Cái tâm an nhiên tự tại ấy của cụ đề như thế phàm trần đâu phải ai cũng dễ nhận ra. Người nông cạn thì chẳng bao giờ nghe được những thanh âm nhẹ nhàng, tươi rói của muôn ngàn cánh lá xanh mướt đang nghiêng mình treo lơ lửng giữa thinh đùa vui với nắng xiên, gió luồn. Kẻ mê muội giống như người lạc vào bến mê, luẩn quẩn với những cung đường chẳng thể nào lần được lối ra. Chỉ bậc thức giả mới có thể yên lặng, mỉm cười, ngắm nhìn những lay động, rung ring của lá cành trên cánh gió để bước qua những tầm thường, lạc lối của cõi trần ai. Cứ thế, giữa mênh mông của sân trường cụ đề như một bậc cao nhân hướng ngộ cho bao lớp người. Cái thân đề cổ thụ bình dị ấy trong tôi như thể đã đạt đến đỉnh cao của cảnh giới thức tỉnh, vượt lên những biến ảo khôn lường với bao điều ố ái hỉ nộ cùng vinh nhục, đắng ngọt ở chốn nhân gian ...
Ngẫm ra, tâm nhàn thì bồ đề ở đâu chẳng vậy. Chẳng cứ phải ở chốn thiền môn bồ đề mới là tâm bồ đề. Bồ đề trường học cũng là tâm bồ đề; cũng là chốn an lành cho bao kiếp nhân sinh gửi hồn nương thân. Và giờ đây, có lẽ với không ít người, cụ đề nơi sân trường kia đã trở thành một mảnh tâm hồn, thường trực trong ký ức của bao tuổi hoa niên.