Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
480
123.133.232
 
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 5/6]
Đỗ Quyên

10.

NHT & thơ

 

 

Ba mươi năm trước, một cuộc chuyện “thoải mái” khác của cặp đôi nhân vật khác thường (đâu có tầm thường như chúng tui):

- “Có lần anh đã nói NHT là một nhà văn bất đắc dĩ?”

- “Theo tôi, nhà văn NHT là một nhà thơ – nhà thơ chưa thành. Không tin anh cứ đọc Thương Nhớ Đồng Quê mà xem. Có năm đoạn thơ mà Thiệp phải dùng đến hai trang văn xuôi để "bảo hiểm". NHT không những yêu thơ, mà còn kinh sợ thơ nữa.”

Hoàng Nhuận Cầm - thi sĩ hào hoa “trẻ mãi không già” với các vần thơ tình sinh viên Hà Nội để đời thời chiến tranh. Cầm đi sau Thiệp đúng 1 tháng tròn. Định danh về NHT được thi sĩ phán xét cùng Phạm Xuân Nguyên.

Phê bình gia họ Phạm thuộc dòng “tuần chay (văn chương, báo chí) nào cũng nước mắt”, với những nhận định chuẩn khó thể chỉnh nhất nhì trong giới phê bình, sinh hoạt văn nghệ VN đương đại. Một dạng “ngự sử văn đàn” ở cái vị thế được bán cơ chế hóa. Tài, ở chỗ ngài toàn lao vô các nhân vật, sự kiện, đề tài 3 K: khủng, khó, khan (hiếm), cần chiêu tuyết. (Tài, tài đến Nguyên đầu bạc là cùng. Là chúng tôi, lạm dụng tí tình văn hữu có được liều bút phóng trước một kiểu định vị mà hậu thế sẽ cần đến). Dĩ nhiên, nhà phê bình phải khóc nhà văn quá cố và các bài tin đó đã tham dự những điểm nhấn trong Tiểu truyện NHT.

Cầm đã phán thì tung trời. (Coi các chương trình TV, biết liền). Nhưng trước Nguyên mà bảo Thiệp là “một nhà thơ – nhà thơ chưa thành” khác gì đánh trống qua cửa nhà sấm?

Vì là phỏng vấn nhảy dù, “tay bo” hỏi bốp đáp chát từng chủ điểm vụn, nên kẻ hỏi người đáp không có khoảng trống trao đổi. Bạn đọc nghĩ sao về cái nhìn NHT từ Hoàng thi sĩ? Tin là Phạm phê bình gia sẽ đáp: “Tui chã”. Chúng tôi thì thấy nhìn nhận đó nếu không rất là… sinh viên, thì cũng cực kỳ báo chí.

Vâng, NHT là một nhà văn được-chỉ-định. (Theo cách nói của Nobel văn chương 1987, thi nhân Mỹ gốc Nga Joseph Brodsky). Ai chỉ định, chỉ mình chàng biết: Tự thân Thiệp, hay đời, hay giời? Tiểu truyện NHT mang chở nhiều luận cứ, bằng chứng - vô tình hay hữu ý - của đông đảo tay bút, con mắt cùng cho thấy NHT không phải là một nhà thơ, theo nghĩa chỉn chu của danh nghiệp này, dù là “chưa thành” hay chửa thành, dám thưa Hoàng thi nhân.

Văn NHT nâng nữ tính tót vời, tức là thi tính đấy. Đó là văn của một nhà thơ mang nghĩa bóng, mỹ từ. “Đành lòng vậy…” Gần được như họ Trịnh. Chứ không thể là nhà thơ theo nghĩa tác giả của những bài thơ độc lập. “Cầm lòng vậy…”

Tít mù từ xứ Cờ Hoa văn-thi sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - một tay viết nữ nưng nức lãng mạn và xót xa hiện sinh đến tận nơi nhậy cảm nhất hình hài người nữ và cơ thể đất nước hình chữ S - đã chứng minh cụ thể và tỏ ra thuyết phục hơn Hoàng Nhuận Cầm:

Đặc biệt tôi thích nhất giọng thơ trữ tình ở cuối truyện ngắn, và cách sử dụng ngôn ngữ Thơ quá tài tình, ví dụ: ’… Hôm qua ơi, em đi rồi/ Hôm nay ơi, ta nhớ em’, và ‘… Em mua một gói kẹo nhỏ/ Và liếm chiếc kẹo như liếm vết thương…’

Thật ra nghe nói đến cuối đời anh thích làm thơ và hí hoáy vẽ cho qua cơn bạo bệnh, nhưng nếu con trai anh chịu khó ‘tổng hợp’ lại cùng một nhà nghiên cứu nào đó, biết đâu chúng ta sẽ có một tập thơ (cũng như rải rác đâu đó trong toàn bộ kho truyện của NHT) hệt như nhà văn Mai Thảo đến cuối đời mới cho in Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, là tập thơ duy nhất và đặc sắc nhất.”

“Tỏ ra” vì bởi đôi điều chưa trúng hồng tâm: Viết ra (chứ không sáng tác) những khúc văn vần đó, NHT chưa “làm thơ”, từ ý thức đến hiệu quả. Nữa, bì sao được nếu nói về thi trình, thi hứng, thi ngôn... của Mai Thảo. (Xin khỏi thêm một mớ mỹ từ cho siêu VIP ấy). Ngu ý chúng tui dzậy, nữ sĩ à!

Cũng cần minh định một điểm đinh, với nhị vị Nhuận Cầm và Thanh Bình, cùng nhiều quý độc giả: Các đoạn thơ minh họa “hầu bàn” cho truyện ngắn đã làm những điểm son, các nốt ruồi đắc địa trên thân thể văn chương NHT. (Văn xuôi tiếng Việt ít ai được vậy!) Và, theo cách chúng tôi đọc, chưa thấy đoạn thơ nào trong truyện NHT mang tải đầy đủ phẩm chất thi ca như 1 bài thơ bình thường, độc lập. Cứ đọc bình thản hơn, các bạn sẽ thấy những “bài thơ” ấy thường nhàm sáo, dễ dãi… nếu bị bứng ra khỏi văn bản truyện.

So bì tí nữa, với đại tiền bối: Ca từ họ Trịnh trùng trùng điệp điệp thi tính mà cũng chỉ có dăm bài được các ngự sử thi đàn đóng triện. Đáng kể, Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ được “đầu tư” hẳn 1 bài bình nghiêm túc và minh triết đến từ vị Giáo sư “Cái nước mình nó thế”

Cho nên bần tăng thấy hơi khác ý với Xuân Nguyên tiên sanh (hoặc do bạn nhà báo bạn í gỡ băng vội vàng sao đó khi phải làm một bài gom góp nhiều tác giả?):

"Nếu như chúng ta nói rằng lấy ca từ của Trịnh Công Sơn thôi thì đã thành thơ rồi, in ra được thành tập thơ rồi và quả thực đã có tập thơ bằng những ca từ, bài hát của Trịnh Công Sơn.”

Thiển ý, “tập thơ” ấy là một thể thức vinh danh. Đáng làm, và gần như không chính đáng về tính thể loại đâu ạ. Thầy Phạm mần phê bình, dịch thuật tá lả, biết rồi đấy... Loạng quạng động vào thể loại, “tiên ông” Belinski đánh què bút!

"Vậy thì những bài thơ, bài ca mà NHT đưa vào trong những truyện ngắn của mình, một truyền thống có từ văn học Trung đại cho đến đầu thế kỷ XX vẫn còn, đến NHT, ông khôi phục trở lại, nhưng tính chất thơ trong văn của ông khác với thời Trung đại, khác với thế kỷ XX... cũng xứng đáng.”

(Nt)

Đồng ý. Chỉ lăn tăn, ”cũng xứng đáng” “đã thành thơ rồi” để có thể “in ra được thành tập thơ”; hay NHT đã ghép xứng đáng thơ của mình vào văn của mình? Chúng tôi theo ý thứ hai.

Nói tới cùng, thường là vô nghiệm cho “bài toán thể loại” với các tác gia vĩ đại. Vụ Bob Dylan ẵm Nobel văn chương 2017 là ví dụ ấm áp cho vẻ đuề huề thể loại và vĩ nhân.

Các chương mục như sự nghiệp, quan niệm sáng tác trong Tiểu truyện NHT thêm khẳng định NHT dư tri thức, tâm thức thơ. Kể cả trăn trở. (“Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ”!) Có lẽ ở nhà thơ, ối nhầm, ở nhà văn NHT của chúng ta, thơ thẩn chỉ là lối thoát của tâm tư và của chữ nghĩa mà truyện, kịch không xả hết? Chứ ngài - chưa kể những năm đầu viết lách - không đến với thơ như một sáng tác thể loại. Khác hẳn thơ Mai Thảo là nghệ thuật có chủ định, chủ tâm, chủ đích, chủ thể, vân vân và vân vân. Ừ thì luận bàn thơ thẩn, bao nhiêu lần vân vân mới hết nỗi, hỡi nhà văn đáng yêu!

Nói cho ngay, “thơ” NHT là “chất Thiệp”. Cổ, nền, đạo, tâm, kinh… Nó âm lịch ở thời thời 4.0. Thuộc về vùng sâu vùng xa của tâm linh Đông phương, Việt tính. Tỷ như bài ông viết trong các ngày chút chót:

"Sinh lão bệnh tử/ Luật trời đã ban/ Thì đành chấp nhận/ Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi…"

NHT có độ thẩm thơ và kiến văn thi pháp rất "trình". Cổ điển - dân Sư phạm Sử lại có ý trung nhân trọn đời Sư phạm Văn cơ mà! - mà không cứng nhắc. Nhuần nhụy, súc tích là 2 đặc điểm chúng tôi tạm xướng ra từ vài bài bình thơ của NHT. Và quyết liệt (nên bốc đồng!)

Có thể thêm: NHT thấy hồn vía của tác giả thơ mà ông thích. Trong bài bình thơ Sinh (xin lỗi đại ca cho gọi thô và thân), Thiệp thẳng tưng: Viết bài vì Sinh là bạn. Bộ 3 bài bình thơ Bảo Sinh, Vi Thùy Linh, và nhất là Đồng Đức Bốn, đủ cấp licence phê bình gia NHT. Bài bình Sinh bén như một đường dao găm, nhà nghề, tinh tường có pha màu tinh tướng (mà thật ra ở đâu Thiệp nhà mình chả vậy: Cái tinh tướng dễ thương trong sự tinh tường ngoa ngoắt).

Phàm cứ quấn đến thơ thẩn là chúng tôi quên tiệt bá tánh xung quanh. Phải nhường ngay míc cho họa sĩ Hồng Hưng:

“Chơi với bạn từ ngày bạn chưa nổi tiếng. Ở miền núi về bạn ôm trong lòng mấy tập thơ làm nơi khu trú tâm hồn. Sau này thành công trên văn trường, bạn giấu biến không cho ai biết thủa ban đầu, mọi bức xúc tâm tư bạn trút hết vào thơ.

Ba tập thơ bạn đã đưa tôi giữ một thời gian không ngắn, sau bạn lấy về và  bạn giấu biến. Tôi nghĩ bạn phi tang thì đúng hơn, bởi giao du mới ở thủ đô cho bạn thấy rõ chỉ có “lũ giặc già thơ phú lăng nhăng” mới mần thơ.

Và thi sĩ Vi Thùy Linh:

Còn nhớ, giữa chặng gian nan khốc liệt của tôi trên thi đàn, năm 2003, NHT tung ra bài viết Hiện Tượng Vi Thùy Linh. Ông không báo trước sẽ viết, mà chỉ nói: “Chú 50 rồi, thấy những trận liên hoàn đánh cháu, còn sởn gai, ngán ngại, huống hồ cháu mới 20…”. Bản thân bài này là hiện tượng, bởi “Vua truyện ngắn” rất hiếm khi viết về tiểu luận, phê bình văn học và trước đó chưa từng viết về cây bút trẻ nào. Tôi vẫn tự hào NHT chỉ viết cho tôi.”

Thưa tại đây, ngay và luôn: Vi nữ sĩ chính là tác giả 2 bài báo khóc liền tù tì chú Thiệp của cô - khóc thực sự, không phải khóc trong nháy nháy. Cả 2 bài xuất sắc ở tầm báo chí và “sởn gai” ở mức văn học. Tiểu truyện NHT vốn rất chọn lọc trích dẫn, ở các tác giả “khóc” nhiều, dù hay dù cảm cũng phải cân nhắc dành chỗ cho những tác giả khác cùng chia nước mắt. Thế rồi vẫn chọn cả 2 bài đến từ “hiện tượng Vi Thùy Linh” của thi đàn VN 2 thập niên trước. Hơi tiếc, bản tóm lược này đã không có các chương mục đang ôm ấp nhiều trích dẫn Vi muội.

Giựt tít “'Vua truyện ngắn' NHT lúc sinh thời thích đàm đạo về thơ”, Nguyễn Việt Chiến, thi sĩ, ký giả thường xông xáo (đến ngây ngơ) và sắc sảo (tới giản đơn) đã cho Tiểu truyện NHT ở chuyện NHT với thơ tơ lơ mơ nhiều thông tin quý, ít người để tâm cho dù có lưu ý:

"Tôi vẫn nhớ mãi lần trò chuyện cuối với NHT trước khi ông gặp bạo bệnh, về chuyện ông viết tiểu thuyết võ hiệp có thơ (...) Tôi lật qua ít trang bản thảo cuốn Bên Rìa Nước, thấy có nhiều đoạn viết như thơ, bèn hỏi nhà văn. NHT bảo: “Đây không phải là thơ bình thường. Đây là thơ kệ, là tổng hợp của nhiều loại thơ cổ của VN.

[...] Và, người xưa mới đầu học làm thơ 2 chữ: “Vào làng/ Xin thịt/ Ra làng/ Xin xôi”, rồi thơ 3 chữ: “Đi bên sông/ Về bên sông/Trồng cây cải/ Bơi đò ngang/ Một đò ngang/Hai ngang đò”, tiếp đến thể thơ 4 chữ [...] 8 chữ, 9 chữ. Và thơ lục bát VN giống như thể thơ Haiku của Nhật Bản. Nó là quốc hồn, quốc túy...”.

Nhà báo kể, NHT cho xem vài bình gốm sứ được vẽ tranh, đề thơ đời Đường do tự tay chính chủ làm, và xác nhận nhà văn “cũng từng làm thơ nhưng không thành” trước khi thành danh.

Nếu cũng hâm mộ lục bát Đồng thi nhân, ta sẽ thấy rõ gu thơ và tài nhìn nhận thơ của NHT:

Ngồi nói chuyện văn thơ với nhà văn NHT mới biết ông rất quý trọng cố nhà thơ Đồng Đức Bốn. Có thể tình bạn giữa hai ông vừa mang hơi thở mộc mạc bùn đất chốn chân quê vừa mang tính ngang tàng, bất cần của những văn tài một thời “bất đắc chí”. [...] Biết đâu ở thế giới bên kia, cố nhà thơ Đồng Đức Bốn sẽ lại được hầu rượu nhà văn NHT để nghe “vua truyện ngắn” đàm đạo về thơ và những nhà thơ hạ giới.

(Nt)

Mâm giỗ 100 Ngày Thiệp này còn có món độc. Mời làng cùng thi giới tỏ lòng trong tuần đầu nhà văn đi hẳn về cõi mộng… Hiếm hiền tài của trí thức, văn nghệ sĩ VN hiện đại được đồng nghiệp và độc giả trong-ngoài nước khóc bằng thơ như NHT. Hình như đận “vua Trịnh” thăng hà, thương khóc bằng văn xuôi vô kể chứ đâu có mấy thơ? À vì thời đó chưa có siêu thị Phây, chứ số lượng fan truyện Thiệp làm sao sánh nổi với các fan nhạc Trịnh!

Điểm nhanh, chắc sót: Hai bài chúng tôi thích hơn cả là tiếng việt của Quỳnh Iris de Prelle (Bỉ) và Nguyễn Huy Thiệp (Trần Vũ Long (VN). Các tác giả khác là Trần Mộng Tú ở Mỹ với bài thơ Tiễn NHT; Phạm Xuân Nguyên (VN) - Tiễn Biệt NHT; Phạm Xuân Trường (VN) - Hai Mươi Ngày Này Tháng Ba; Nguyễn Hàn Chung (Mỹ) - Tướng Về Hưu Mở Mắt Chúng Ta; Nguyễn Đinh Văn Hiếu (VN) chùm thơ Rồi Anh Kể Chuyện Dân Gian Hua Tát; Đặng Tiến (VN); v.v...

Và như cả làng cả nước bất ngờ với mong đợi, điếu văn của Chủ tịch HNVVN được thi sĩ Nguyễn Quang Thiều biến hóa thành một “áng văn” tạo đợt sóng xiển dương cả tháng ròng và dư âm còn lâu dài mà thơ ca dự phần đáng kể:

Cùng với đoạn cuối là một bài thơ, cả bài là một bài thơ. Chưa ai viết điếu văn theo lối tiên tự hậu thi, mà vẫn tự do, khoáng đạt và súc tích như thế này. Gọi áng văn là xứng đáng.” (Văn sĩ Phạm Lưu Vũ)

Chương “NHT & điếu văn” đã trích dẫn nhiều, đủ sóng sánh các lâm ly:

Hãy thanh thản ra đi, Nguyễn Huy Thiệp, hỡi chàng hiệp sỹ

Cùng thanh gươm ngôn từ hắt sáng ban mai

Những cánh đồng đang dâng hương như mùa xuân thứ nhất

Trên mỗi dấu chân chàng một ký tự sinh ra”

(Nguyễn Quang Thiều)

 

11.

NHT & tiền

 

Bàn về tiền với văn nghệ sĩ ta ở thời a còng khó hơn ở thời trước. Nhưng với NHT chúng tôi cảm thấy không khó lắm? Tiền. Nhà văn của chúng ta luôn uýnh bài ngửa, tênh hênh, lắm lúc lột trần. Trong tác phẩm, phát ngôn, tính cách, đời thường... Mà anh giai nom dáng hình là biết: Thông thái trong vẻ ngờ nghệch. Giai ngoại ô cổ mà! Thành thử thiên hạ hiểu sao cũng trúng. Vả, sự sấp ngửa của đồng tiền vốn đã minh triết rồi. Bàn tay nghệ sĩ giỏi là biết búng nó theo chiều quay Ông tạo định hướng.

Ba vị sau đây nói về NHT và tiền.

Chúng tôi chưa được quen biết Phạm Xuân Trường, thi sĩ, nghệ sĩ vang danh thành phố Cảng - người chắc chắn sẽ lưu đời với siêu phẩm chân dung gò đồng văn nghệ sĩ VN hiện đại.

Đến đây, người viết phải xong bài gấp; chỉ kịp ngắm lại trên mạng chừng 20 nhân vật trong khi tìm NHT. Thần thái là những Phan Khôi, Phù Thăng, Ngô Tất Tố, Bùi Ngọc Tấn, Sơn Nam; kiêu hãnh với Nguyên Ngọc qua cái nhoẻn cười khinh bạc tạc vào thế kỷ; dữ dội là các ánh mắt Trần Dần, Phùng Cung. Nhưng mà xin nói thật, điêu khắc gia buồn ít thôi nha: Mai Văn Phấn, Trần Đức Thảo, Kim Lân, Trần Vàng Sao, Nguyễn Hữu Đang, Đỗ Trọng Khơi, và tức cười nhứt là Trần Đăng Khoa - nếu không có tên ở dưới, nhận ra được chết liền! Điểm chung ở các tranh chưa đạt trên là quý tộc hóa đối tượng mà xem ra chẳng ai trong số này quý tộc cả, ngay cả vua triết gia họ Trần.

Chưa thấy NHT? Hy vọng gò đồng Thiệp bởi Phạm Xuân Trường sẽ là thần thái, là kiêu hãnh nhoẻn cười khinh bạc tạc vào thế kỷ, là ánh mắt dữ dội. Chớ, chớ quý tộc hóa cái ông nhà văn mang vẻ nông dân khổ đến chết vì tiền!

Vinh Huỳnh và Nguyễn Văn Thọ là cặp đôi văn hữu vong niên thâm tình mà chúng tôi sở hữu. Nhớ, ba anh em trên một chiếc xe con Huỳnh lái, (Thọ - Quyên đấu hót và lo đi tè hihi), làm vệt du vãn về xứ hoa ban ruộng bậc thang xuân quê hương một đận. Người trẻ hơn, mấy năm nay tụ tập bạn đồng hướng làm báo in sách mộng làm trẻ, làm mới văn đàn Việt; người ít trẻ hơn, văn giới trong-ngoài hình chữ S mấy thập niên qua quá rành danh rẽ tiếng, nổi nhất là tiểu thuyết Quyên kẻ này dính duyên làm bạt. Nhị vị, người trước người sau người đậm người mau đều đánh bạn cùng Thiệp, tâm giao đủ cung bậc chầm bập mổ xẻ... Nhớ, hồi 2008, người ít trẻ hơn từng tính tạo cuộc gặp chơi chơi tay ba cùng nhà văn nhớn mà chả hiểu sao bất đạt.

*

Thơ Phạm Xuân Trường:

“Những ngày hấp hối mà trong nhà [NHT] chỉ có 5 triệu đồng”.

Vinh Huỳnh tốc ký ngay trong ngày tang, các lời nhắn sau cùng trước khi NHT trọng bệnh mùa Covid 2020 với mấy chú em làm báo Văn+:

“Tôi cũng viết tạp nhiều thứ kiếm sống, người ta thuê thì tôi viết. Còn nhớ hồi Lương Quốc Dũng (Cái tay làm sân vận động Mỹ Đình hồi đương chức ấy) chỉ ra đầu bài thuê tôi viết truyện Tiểu Long Nữ [...] còn đâu kệ mình viết tất. Hỏi: “Ông trả bao nhiêu?”, “30 triệu...”, “Hơi ít!”, nhưng rồi tôi viết loáng cái có mấy ngày đã xong.”

1987, chiều xuân nọ. Chảy Đi Sông Ơi vừa được in còn nóng báo, tác giả rủ Thọ Muối ăn mừng tại quán thịt chó Hàng Gà - Hàng Phèn cho hết nhuận bút còi 200 đồng tầm 10 bát phở:

Chao ôi người bạn tôi, văn tài ấy - nhà văn viết cả một chuỗi dài 35 năm nay, tạo ra nhiều trước tác như vệt sét xé ngang nền văn học nước Nam này, in khắp nơi trên địa cầu này, vẫn lúng túng đến tận cuối đời về đồng tiền bát gạo.”; [...] lương hưu còm hơn 2 triệu đồng…”

(Nguyễn Văn Thọ)

"Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”

“Tài năng ấy từ bàn tay chai sạn từng làm nhiều nghề để sống. Hết đi buôn giấy lậu lại mở quán ăn”; “nhưng đều thất bại”; “cho tới tận khi bán một phần đất hương hỏa của cha ông xây nhà cho hai con, ông vẫn đăm đắm về tiền chữa bệnh. Tài khoản lúc đột quỵ lần hai chỉ còn 9 triệu đồng.”

(Nt)

Nhà văn Việt Nam khổ như Thiệp!

*

Nhị vị sau, người nữ kẻ nam chúng tôi đều chưa được dịp mần quen, dù chung đụng ít nhiều không gian sinh sống/văn chương.

Một trong những nam doanh nhân thành đạt ở xứ Lá Phong, Nguyễn Hoài Bắc từng là đồng hương Việt cùng thành Tổ Rồng To. Trí nhớ nếu không phản chủ thì kẻ này có lần cùng một văn hữu liền anh ghé thăm tư gia mà không gặp gia chủ? Nhờ dịp NHT qua đời, dạo chợ Phây mới biết doanh nhân thành đạt cũng ham viết lách và viết có duyên đáo để:

Miên man một chữ "tiền" hay "tiên"...

Ăn xong bữa cơm trưa, muốn ngủ lấy sức để chiều cày tiếp, thấy điện thoại kêu tinh tang [...] báo Tuổi Trẻ đăng bài viết về ngày cuối của một người, một nhà văn vang bóng một thời vừa cỡi tiên hạc khuất núi, ông là cố nhà văn NHT.

Câu chuyện kể về gia cảnh của ông, kể về nỗi cơ hàn vất vả của gia đình ông, vợ ông mới mất, con cháu thì không được bằng chị, bằng em, ông bị tai biến, khi ấy trong túi ông, gia tài của ông vẻn vẹn không quá 5 triệu đồng VN. Tệ xá của ông nơi gia đình đang sinh sống là căn nhà bé tý, nằm sâu trong hẻm giữa khu nửa quê, nửa phố trên đất Hà Thành.

Miên man nghĩ về chữ ‘tiền, nghĩ về các mảnh đời trong xã hội ngày nay, người tài ba trên chốn văn đàn trời Nam không nhiều, đạt đỉnh cao, thần tượng trong lòng người hâm mộ như ông NHT quả thực là hiếm có, khó tìm.

Miên man trong chữ "tiền" hay "tiên", ta ngộ ra rằng: có "tiền" vẫn tốt hơn, sướng hơn trở thành "tiên", chắc bạn cũng không mong thành "tiên" bởi nếu thành "tiên" thì bạn cũng thăng thiên rồi.

Hà Nội, 25/3/2021 - HB”

Đoàn Cầm Thi, nữ nghiên cứu gia khoa bảng, dịch giả khá là thành danh trong môi trường hàn lâm và xuất bản văn học bản địa (ý là không tử thủ lô cốt cộng đồng con cháu Vua Hùng) ở kinh thành Ba Lê. Vị nữ giáo sư văn học có em song sinh bút danh Thuận - nữ văn sĩ “đẻ” tiểu thuyết không chỉ cái nào cũng cách tân mà đáng nể là sòn sòn là đô sòn hơn tá sách xuất bản ở VN và Pháp 20 năm qua, và cũng là 1 VIP tham dự Tiểu truyện NHT mà ở bài tóm lược này chưa hiện diện. Cặp Thi - Thuận là một ví dụ hiếm, đẹp ơi là đẹp cho bài toán khó (vô cùng Tổ quốc ta ơi) luôn hành hạ giới văn nghệ sĩ di dân: bằng nghề văn nghiệp nghệ hòa nhập xứ người và gắn bó cố quốc.

Điều mà Đoàn giáo sư đã để lại cho đời, ngu ý chúng tui, là tủ sách truyện văn học VN đương đại in ở Pháp trong hơn thập niên qua. (Tiếc, vắng mặt Thiệp nhà ta trong đó).

“[...] một câu Đoài nói với Khảm trong Không Có Vua: "Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không. Nó là triết học đấy." Có lẽ chỉ NHT mới có một cách định nghĩa vừa bất ngờ vừa cụ thể và giản dị về một khái niệm cực kỳ trừu tượng và phức tạp như vậy. Anh là người của thực tế vật chất, của cơm áo gạo tiền. Cái sâu sắc của NHT là cái tinh thâm của kẻ luôn phải vật lộn với mưu kế sinh nhai.

(Đoàn Cầm Thi)

Nếu hên đận này lọt Giải Nhà nước, tài khoản nhà văn của chúng ta sẽ đẫy đà chun chút?

Vĩ thanh:

“Tiền nhiều mà để làm gì?” - Vua cà phê Trung Nguyên.

“Để gió cuốn đi…” - Vua nhạc Trịnh.

“Để làm nhà văn!” - Vua truyện ngắn Thiệp chắc sẽ ấp úng nói vậy từ nơi chín suối...

 

12.

NHT & tôn vinh

 

Hãy cùng chúng tôi liều phen "gái góa lo chuyện triều đình":

1) Giải thưởng văn học mang tên NHT

2) NHT & tên đường

3) NHT & sách giáo khoa

4) NHT & nhà tưởng niệm    

5) “Thiệp học", chuyên ngành mới  

*

1) Giải thưởng mang tên NHT

Với văn tình và xu hướng xã hội hóa các sinh hoạt văn học nghệ thuật VN hiện nay, không khó lắm để nghĩ đến và đi tìm giải pháp về một giải thưởng văn học tư nhân vinh danh NHT, dù có thể gặp ít nhiều thủ tục cơ chế?

Các đại gia yêu chữ nghĩa văn nghệ văn giềng xứ ta đang ngày một thêm lượng và chất; lúc này chưa nhiều, nhưng cũng chẳng ít. Qua mấy tuần trăng khuất bóng Thiệp, cứ nghĩ là khả thể đi cho sớm chợ, về một giải thưởng tư nhân, ví dụ "Giải thưởng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" (quả này cảm động, kẻ đả tự không nỡ viết tắt!), dành cho các tác giả, tác phẩm chuyên trị truyện ngắn viết bằng tiếng Việt. Có thể hàng năm, hoặc để chất lượng, mỗi 2-3 năm.

Trong nan đề liên hoàn giải thưởng - thiện nguyện - vinh danh - v.v… vấn đề đầu tiên không hẳn là “tiền đâu”. Mà ai là chủ thể: Vinh danh ai? Thiệp! Ổn. Thứ đến, ai là khách thể hành động, như người chủ trì. VIP khách thể trông thế thôi lại là chính chủ, nhiều khi tay không bắt giải thưởng. Vị chủ trì này có thể tìm gọi, phát động các vị chủ chi - nhân vật quan trọng thứ 3 trả lời bằng hành động cho câu hỏi “đầu tiên” - tiền đây!

Với dự án Giải thưởng NHT, về vị chủ trì, chúng tui tầm nhìn hạn hẹp, óc nghĩ nông cạn, giao lưu ít ỏi (và chưa một phút dậm chân qua bậc thềm các đại gia!) nghĩ nhanh đến Quang Thiều thi sĩ - người mà dư luận báo giới thi thoảng lại xướng rằng có thể khai mở được trái tim và hầu bao các doanh gia yêu thích văn nghệ, người mà tài hoa văn chương và chức sắc văn nghệ đang ngất ngưởng trên lâu đài văn học VN chính thống, người mà với bài điếu văn khóc Thiệp đang đi vào lịch sử sinh hoạt văn học nghệ thuật VN đương đại (nội cái “người mà” cuối cùng cũng đủ “ăn vạ bắt đền” rồi!)...

Khởi động Giải thưởng Trần Văn Khê: Tôn vinh tài năng âm nhạc truyền thống VN / Nguoidothi.net.vn 18/5/2021

[...] Cuối cùng thì sau gần 6 năm kể từ ngày GS Trần Văn Khê từ giã cõi tạm, mới đây quỹ học bổng mang tên ông đã chính thức được UBND TP.HCM cấp phép thành lập và hoạt động.”

“Sau một thời gian dài tìm kiếm nguồn lực, từ năm 2019, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê [...] đã [...] được Trường Đại học Văn Lang [...] chịu trách nhiệm thành lập Quỹ Học bổng theo di nguyện của cố GS Trần Văn Khê. Sau 4 lần điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tháng 3/2021, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê đã danh chính ngôn thuận ra đời trong sự vui mừng của những người yêu quý ông. Dù muộn nhưng đây là một việc làm rất có ý nghĩa.”

Cung cách trên bài bản, khó làm, lâu đạt. Với “cơ quan chức năng” bác Thiệp sao bì với cụ Khê?

Thôi cho nó lành, cứ làm kiểu tư nhân 100% như Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi (vừa trao lần thứ nhất hồi cuối năm ngoái mà kẻ này cũng được có tham luận):

“Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi: Đặc biệt và nhiều ý nghĩa/ baoquangngai.vn 28/11/2020

“Sau bao ấp ủ [...] đã chính thức được trao tặng giải thưởng Nguyễn Đình Thi. [....] Trong đó, nhà thơ Thanh Thảo được vinh danh ở hạng mục "Thành tựu trọn đời" [...] Ông đã từng được trao nhiều giải thưởng lớn [..] Thế nhưng, khi nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Thanh Thảo rất phấn khởi phát biểu: "Tôi thấy giải thưởng này rất đặc biệt, nhiều ý nghĩa. Tôi cảm thấy vui, tự hào và xứng đáng với giải thưởng, mặc dù đây là giải thưởng không kèm theo tiền thưởng".

[Còn tiếp]

 

Vancouver, 20/3 - - 24/6/2021

[Nhân 100 Ngày Thiệp]

 

 

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 939
Ngày đăng: 08.07.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhất Linh sống mãi - Trần Yên Hòa
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 4/6] - Đỗ Quyên
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 3/6] - Đỗ Quyên
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 2/6] - Đỗ Quyên
Tế Hanh trong di sản văn học miền Nam 1954 - 1975 - Trần Hoài Anh
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 1/6] - Đỗ Quyên
Tìm hiểu thêm về Phan-Yên báo? - Võ Xuân Quế
Giọt dương cầm thánh thót trong đêm sâu - Nguyên Bình BRVT
Autumn Prayer By Alexandra Huynh - Đỗ Quý Dân
Le Pont Mirabeau – Vượt qua cầu ảo ảnh - Đỗ Quý Dân
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)