Chiến tranh đã kết thúc. Sau bao gian nguy, vất vả ở chiến trường, những người lính đã lần lượt trở về. Trên ba lô bạc màu là chiếc khung xe đạp còn thơm mùi sơn, được gói cẩn thận trong ni long hay con búp bê chớp mắt nằm vắt vẻo trên nắp ba lô.
Mai sốt ruột đi vào, đi ra mong đợi chồng. Ngày thấy dài hơn, đêm thấy vắng thêm. Mẹ chồng thấy con dâu thấp thỏm lòng bà không yên. Bà cũng mong con trai từng ngày. Bà giục Mai khăn gói lên huyện. Người bảo sang hỏi phòng Thương binh – Xã hội, người bảo sang huyện đội. Huyện đội chỉ trả lời vẽn vẹn một câu: “ Không biết! Chị cứ chờ xem sao. Có gì chúng tôi thông báo lại cho gia đình!”.
Mai thấy ruột gan cồn cào. Thắng có làm sao không? Người sống thì cũng đã về hay có thư báo tin. Người hi sinh cũng đã có giấy báo tử để gia đình làm thủ tục cho người quá cố. Thắng vẫn bặt vô âm tín... Hay bị địch bắt, hay bỏ ngũ? Không! Không thể thế được! Thắng là người có bản lĩnh. Ngày nhập ngũ anh rất hào hứng, đầy quyết tâm mà. Những câu hỏi cứ dày vò, những câu trả lời vô nghĩa cứ làm Mai rối bồi không lí giải nỗi!
Mẹ Thắng lòng rối bời. Nỗi mong đứa con trai trở về cứ xốn xang lòng bà. Đất nước thống nhất đã lâu mà con trai cứ biền biệt. Người nói kiểu này, người đồn kiểu nọ mà nao lòng. Thấy con dâu mắt thâm quầng, bà càng thương hơn. Một hôm, gọi con dâu vào bà bảo:
- Con sang xóm bên hỏi xem! Có thằng Ân cùng nhập ngũ với thằng Thắng nhà mình, nghe đâu nó bị thương cũng vừa về mấy hôm.
Mai tìm đến nhà Ân. Không biết có tin lành hay dữ mà bụng cô nóng như lửa đốt, ngực nghèn nghẹt khó thở.
Nghe Ân kể lại. Thắng và Ân cùng ở một tiểu đội. Trong một trận chống càn, hai người bị pháo vùi dập trong đống đất đá. Khi tỉnh dậy, Ân thấy mình nằm trong một trạm xá dã chiến. Không thấy Thắng đâu, nghe đồng đội kể lại Thắng bị thương nặng phải đưa ra tuyến sau, không biết có qua cơn nguy kịch. Hai người mất liên lạc từ đó. Kể xong, Ân vô tình chép miệng một câu: “ Giờ mà chưa có tin, chắc nó…hi sinh rồi! Vì lí do nào đó mà họ chưa báo tử thôi”.
Tin như sét đánh ngang tai. Tuy chưa chính thống nhưng đã làm chết đứng trái tim người vợ thổn thức chờ chồng, làm suy sụp trái tim người mẹ già bao năm đợi con. Nghe tin con đã hi sinh, nước mắt ngắn dài, bà ngất xỉu. Mai nhờ lối xóm đưa mẹ vào bệnh viện. Mấy ngày, bà chẳng ăn uống gì, nằm mê man bất tỉnh. Cơn bệnh huyết áp nặng làm bà đột quị. Bà qua đời. Nhắm mắt rồi, hai giọt lệ còn lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo. Lòng bà còn mang nặng hình ảnh đứa con trai yêu dấu.
Đoạn tang mẹ chồng, Mai gửi nhà cho cô Tám và khăn gói ra đi. Người làng chẳng ai biết Mai đi đâu, làm gì. Họ cứ bàn tán xôn xao. Điều này chỉ có bà Tám – cô ruột chồng Mai – mới biết.
Mấy năm sau, Mai về bế theo thằng con trai lên ba kháu khĩnh đang bập bẹ nói cười. Hàng xóm nghe tin sang thăm đầy nhà. Người thương thì mừng cho Mai từ nay có thêm con trẻ vui cửa, vui nhà. Người xấu thì chép miệng: “Cái ngữ có con hoang thì về làng làm gì cho xấu họ tộc, làng xóm”. Mặc những lời đàm tiếu thị phi của người đời, Mai bỏ qua. Mai cố gắng nuôi cu Tèo bằng cả tấm lòng của người mẹ. Cu Tèo cứ thế lớn lên trong sự yêu thương của lối xóm. Lớn lên nhờ củ sắn, củ khoai; con cua, con ốc mà mẹ nó kiếm được.
***
Mấy hôm nay, không khí sắp đến tết càng rộn ràng. Làng xóm vui mừng đã hoàn thành công việc gieo cấy vụ Đông – Xuân. Các ngõ xóm cờ hoa tưng bừng. Loa phóng thanh vang lên những khúc ca mùa Xuân trong trẻo. Nhưng trong lòng Mai như thấy buồn thêm. Hình ảnh về người chồng cứ níu Mai về với những ký ức.
Thấy mẹ buồn, có khi bỏ cả bữa. Nằm ôm lưng mẹ, nghe những tiếng thở dài, cu Tèo cũng lây nỗi buồn:
- Mẹ ơi! Sao con thấy mẹ mệt mõi vậy? Có điều gì làm mẹ không vui à?
- Không có gì đâu con! Ngủ đi mai còn đi học. Nằm một lúc cu Tèo bật dậy hồn nhiên:
- À! Con biết là mẹ nhớ bố Thắng rồi! Mai con sang nhờ bà Tám tìm bố Thắng về cho mẹ nhé!
Mai quay người, ôm con vào lòng. Vỗ về trên tấm lưng mềm mại của thằng bé, một lúc nó chìm vào giấc ngủ. Vuốt nhẹ mái tóc đứa con yêu, thao thức không ngủ được, hình ảnh Thắng hiện về trong tâm trí của Mai.
Ngày đó, Mai là một cô gái thơ ngây, trắng trong như bông nhài. Mai có nước da trắng hồng, mái tóc thoảng thơm hương bồ kết. Nụ cười vô tư để lộ hai cái răng khểnh, cũng có duyên. Mai và Thắng tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ của xã. Hai nhà cùng lối nên buổi tập nào cũng được Thắng đèo trên chiếc xe đạp cà tàng. Những tiếng lộc cộc phát ra nghe cũng “vui tai”. Mai có tiếng hát trong trẻo, hòa quyện ăn nhịp với giọng nam trầm của Thắng khi cùng song ca làm cho giọng hát của Mai bay cao, bay xa trong mỗi lần lên sân khấu.
Đội văn nghệ đang tập luyện, chuẩn bị biểu diễn trong dịp thanh niên lên đường nhập ngũ. Đèo Mai đến gốc đa đầu làng, Thắng đột ngột dừng xe. Mai vội nhảy xuống:
- Sao vậy anh, xe bị hỏng à? Thắng ấp úng:
- À…! Không sao đâu! Thắng nắm tay Mai nói nhỏ:
- Em à! Ngồi xuống đây anh có chuyện muốn nói! Ngại ngùng, Mai rụt tay về:
- Chuyện gì? Anh nói đi! Em sợ lắm. Đứng ở đây nhỡ người ta nhìn thấy thì…! Không chờ Mai nói hết, Thắng kéo Mai ngồi xuống.
Bầu trời như căng ra. Ánh trăng sáng thêm như trêu ngươi. Khuôn mặt Mai ửng đỏ. Im lặng. Chỉ có gió nhẹ thoảng qua. Đợi lâu, sốt ruột Mai giục:
- Có gì anh nói nhanh đi, chúng ta còn đi tập kẻo mọi người đợi!.
Nhẹ nhàng, Thắng nắm tay Mai. Bàn tay Mai ngoan ngoãn nằm gọn trong tay Thắng.
- Mai này! Anh đã có lệnh nhập ngũ. Tuần sau sẽ lên đường. Mai đừng ngại, anh đã báo cho đội trưởng rồi!
- Ấy chết! Anh xin nghỉ chứ đâu là Mai. Mai đi kẻo chúng nó…! Không đợi nói hết câu, Thắng chen vội qua hơi thở như sợ Mai cướp lời:
- Mai này! Thắng đi rồi, thĩnh thoảng Mai sang nhà chơi với mẹ cho vui nhé. Mẹ ở nhà một mình chắc buồn lắm! Mai vô tư:
- Vâng! Có sao đâu. Mai sang còn kiếm củ khoai nữa chứ. Nhưng Thắng đi, rồi ai đèo Mai đi họp hành, văn nghệ đây?
Được đà, Thắng hỏi luôn:
- Mai này! Thắng đi rồi Mai có nhớ không? Mai nhìn Thắng hồn nhiên:
- Sao lại không! Nhớ vì không được đèo đi văn nghệ thôi! Nhìn vào ánh mắt vô tư của Mai, Thắng rụt rè:
- Ý anh là… nói về chuyện tình cảm cơ! Đôi má Mai vụt ửng đỏ, thẹn thuồng trong hơi thở:
- Em không biết…! Cái đó…! Mai thả lửng, không nói hết câu làm cho trái tim Thắng rộn lên, phấp phỗng. Lồng ngực vỡ căng chờ đợi.
Một đám mây trôi qua. Ánh trăng như dịu hơn. Bất chợt, Thắng ôm chầm Mai trong vòng tay run run, một nụ hôn vội vàng lên má: “ Anh yêu em!”. Mai xấu hổ đứng dậy bỏ đi. Thắng lẻo đẻo theo sau, ngượng ngịu giọng lí nhí: “ Cho anh xin lỗi!”.
Thắng lên đường nhập ngũ được mấy hôm. Mai thấy trống trải. Một nỗi buồn man mác, ray rứt. Mai nhớ Thắng. Hay mình đã yêu? Nghĩ đến đây má cô ửng hồng.
Một hôm, Mai đang cấy lúa dưới chân đê đầu làng. Một anh bộ đội quân phục màu xanh, lấp lánh trên vai quân hàm đỏ chói đang đi tới. Mai ngước lên, thấy quen. Người lính đến gần gọi to:
- Mai…! Nghe tiếng, Mai chạy ù lên đê. Bàn tay Mai nằm gọn trong bàn tay Thắng rất lâu.
Một tuần sau, đám cưới vội vàng của anh lính chuẩn bị ra trận với cô thôn nữ xinh đẹp được tiến hành trong niềm hạnh phúc tràn trề…
Mai trở mình thở dài, sờ tay lên má như còn đó nụ hôn, mọi việc như mới xảy ra hôm qua.
***
Nằm trong trại điều dưỡng, sức khỏe của Thắng có nhiều chuyển biến. Mảnh đạn pháo trong đầu được các Bác sỹ lấy ra. Trí nhớ anh dần hồi phục. Thắng nhớ mẹ, nhớ vợ đến cồn cào. Không biết mọi người mong ngóng mình đến nhường nào? Thắng muốn về nhà quá. Trong lòng anh rối bời. Không về thì nhớ người mẹ già bao năm mong ngóng, nhớ vợ hiền bao năm đợi chờ. Nhưng! Về khi một cánh tay đã cụt, khi không thể còn được làm thằng “đàn ông thực thụ” nữa. Chiến tranh cay nghiệt đã cướp đi cái phần làm đàn ông của Thắng. Sẽ thế nào với sự chờ đợi của mẹ về đứa cháu đích tôn. Sẽ thế nào với vợ khi thấy chồng tàn phế trở về? Có đền đáp lại sự mất mát tuổi xuân chờ đợi của cô ấy? Sao cứ thấy chông chênh quá!
Thắng ngồi lặng, nhìn vào mông lung. Trận đánh ngày nào lại hiện về.
Mặt trận Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Không quân Hoa Kì ném bom rải thảm để chuẩn bị các hoạt động của bộ binh. Tướng Ngô Quang Trưởng phát lệnh khởi binh chiến dịch Lam Sơn 72. Từ bờ sông Thạch Hãn nhìn sang phía Thành cổ, đạn pháo của địch bắn vào sáng cả bầu trời. Mặt đất rung chuyển vì những đợt pháo kích của địch. Đơn vị Thắng được lệnh tiến công vào Thành cổ chia cắt địch ra nhiều mảng để dể bề tiêu diệt. Sau khi bộ đội ta chiếm được Thành cổ, địch điên cuồng, huy động lực lượng để chiếm lại. Đại đội Thắng nhận được nhiệm vụ chốt ở ngã ba Long Hưng, phía nam Thành cổ để đánh địch từ xa, đóng chốt không cho địch bước qua ngã ba này vào Thành.
Tiếng súng liên thanh từng hồi rộ lên. Máy bay trên đầu chao liệng trút bom liên tục. Tiểu đội trưởng Ân nói như ra lệnh : “Còn người còn đánh địch đến cùng, không để địch tiến vào Thành cổ”. Nắng chiều hè vẫn còn ray rứt, mồ hôi đầm đìa, nhớp nháp. Mấy anh em trong tiểu đội mặt mũi lấm lem khói súng, đang nghỉ lấy lại sức sau một buổi quần nhau với địch để giành từng tấc đất. Trong lúc hết đạn Thắng lại bò lên để thu súng AR15, kèm theo đồ hộp của quân địch để dùng đánh lại chúng. Trong chiến hào lúc bấy giờ chỉ còn lại Thắng, Ân và ba đồng đội. Một tốp lính hơn chục thằng bất ngờ xuất hiện cự li rất gần. Thắng lấy súng lia một băng đạn, bọn chúng nằm rạp xuống. Lựa thế nhảy ra khỏi chiến hào, Thắng hô: “Xung phong” đồng thời gương lê đâm một thằng gần đó. Bỗng một loạt pháo trút xuống dữ dội, Thắng, Ân vùi lấp trong đống đất đá ngỗn ngang và ngất đi. Khi tỉnh dậy Thắng thấy mình đang nằm trong một trạm quân y. Cô y tá đang truyền thuốc thấy Thắng cử động, mừng quá:
- Sống rồi! Đồng chí bộ đội sống rồi các anh chị ơi!
Mọi người trong trạm chạy vào nhìn Thắng với ánh mắt đầy cảm phục. Trên đầu, trên cánh tay Thắng băng bó trắng toát. Phía dưới bụng thấy đau khó chịu. Muốn đi vệ sinh. Cô hộ lý bê chậu vào cho Thắng. Nhìn xuống, “cái” bộ phận dưới của mình, Thắng chỉ thấy một ống thông tiểu đeo lủng lẳng trong lớp băng trắng...
Giờ nghĩ lại, Thắng rùng mình về cuộc chiến tàn khốc. Hòa bình, đất nước liền một dải. Cuộc sống bình yên. Nhưng mất mát, đau thương quá lớn. Thắng buồn. Buồn cho mình thì ít. Buồn cho đồng đội có người đã ra đi mãi mãi, buồn cho sự lo lắng của mẹ, sự chờ đợi của vợ thì nhiều. Đã đến lúc sức khỏe cũng cho phép về nhà. Nhưng giải quyết như thế nào để cho Mai có một cuộc sống hạnh phúc thì không dễ?. Nói sự thật ư. Bẽ bàng quá! Nói như thế nào để cho Mai đi một lối rẽ khác, không chịu thiệt thòi mà không ai chê trách mình…Rồi như nghĩ ra điều gì, Thắng mĩm cười, một nụ cười méo mó. Cơn gió chiều thoảng qua đưa anh vào giấc ngủ.
****
Thắng về. Chiếc ba lô bạc màu lộn trái như bao gạo cột túm cổ. Bộ quần áo ám mùi khói súng. Không quân hàm, quân hiệu như anh lính về phép ngày nào. Không có búp bê, khung xe đạp. Bàn tay trái còn một ngón cũn cỡn.
Mai chạy ra đón chồng từ đầu ngỏ, sung sướng trong vòng tay, nức nở. Thằng Tèo thấy mẹ đang ôm một người đàn ông lạ, ánh mắt tò mò nhìn không chớp. Bàn chân nó muốn chạy lại để gỡ tay mẹ nó ra nhưng chân nó không bước được. Mai nhìn con, nụ cười rạng rỡ:
- Ba Thắng đó! Con đến chào ba đi.
Thắng lặng im không nói gì, cứ mơ hồ. Đây là con của mình sao? Không! Không thể. Nếu là con mình chắc giờ cũng được mười tuổi. Cu Tèo mới độ bảy, tám tuổi là cùng. Chợt, trong đầu lóe lên một suy tính. Đây rồi! Đây là cái cớ để Thắng có thể giải quyết mọi chuyện êm thấm…
Lẳng lặng bên bàn thờ, Thắng thắp nén nhang cho mẹ. Tay sờ nhè nhẹ lên di ảnh, Thắng thầm thì: “Mẹ ơi! Con đã về đây. Đứa con bất hiếu. Nơi suối vàng, mẹ tha thứ cho con. Chiến tranh mà! Có ai muốn vậy đâu.”
Buổi tối, sau khi bà con đến thăm đã về hết, Mai dọn giường cho chồng nằm nghỉ. Thấy anh cũng đã mệt vì đường xá xa xôi.
Lạnh lùng, Thắng ôm chiếc chiếu ra phòng ngoài. Mai thấy vậy liền đi theo. Thấy có điều gì khác thường đến bên Mai thỏ thẻ:
- Giường, em đã chuẩn bị xong rồi. Anh vào trong mà nghỉ cho đỡ mệt. Có chuyện gì không phải ngày mai hãy nói.
Nhìn vào ánh mắt Mai, Thắng nhát gừng:
- Ngày mai! Còn có ngày mai nữa không? Tôi đã biết hết mọi chuyện rồi. Thằng Tèo là con ai? Nó đâu phải là con tôi! Tôi cứ tưởng cô là người vợ chung thủy. Ai ngờ cô cũng chỉ là người hư đốn vậy thôi. Giờ thì cô đã có thằng Tèo…!
Mai nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng:
- Anh hiểu nhầm rồi. Không có chuyện ấy đâu. Thằng Tèo…! Không đợi Mai nói hết câu, Thắng chen ngang, lớn tiếng khô khốc như quả đạn pháo đã nổ vào trận địa:
- Cô giỏi lắm. Còn biện hộ nữa hả! Đâu còn cô vợ ngoan ngày nào. Chuyện đó như đã là cổ tích. Đơn li hôn tôi đã viết. Ngày mai cô ký. Ra tòa. Tôi sẽ nhường lại ngôi nhà này cho mẹ con cô. Tôi về trại…!
Nước mắt giàn giụa, Mai như van lơn:
- Anh Thắng! Đã mấy năm nay, em chịu đựng bao đau buồn, cay đắng. Nước mắt đã cạn chờ đợi anh. Anh còn sống trở về, lòng em ngập tràn niềm vui. Mọi chuyện còn đó. Ngày mai em sẽ trình bày để anh tỏ tường. Giờ anh nghỉ ngơi kẻo đang mệt. Nói xong, đưa vạt áo lau khóe mắt, tiếng nấc bật ra. Mai lặng lẽ lên giường.
Thắng ra ngoài hành lang ngồi hút thuốc. Đêm khuya lành lạnh. Thắng thấy cô đơn. Đáng ra, giờ này Mai đã nằm trọn trong vòng tay của anh, thủ thỉ bao điều để cảm nhận niềm hạnh phúc bao năm đợi chờ. Nhưng giờ đây…! Anh ray rứt những gì xảy ra hôm nay. Không biết những suy tính và việc mình làm đúng hay sai. Giải thoát cho Mai đi tìm hạnh phúc mới bằng cách này có tàn nhẫn không? Cô ấy đã nuôi mẹ, chung thủy chờ chồng bao nhiêu năm nay để đổi lấy kết cục này sao?. Mẹ ơi! Con biết làm gì bây giờ? Chiến tranh tàn ác quá!
Điếu thuốc cháy đến ngón tay nóng bỏng làm anh giật mình. Búng tàn thuốc bay vào màn đêm, một đốm lửa lóe lên như ánh chớp đưa anh trở lại thực tại. Thôi! Quyết định này có tàn nhẫn chăng nữa cũng chỉ mong đem đến hạnh phúc cho người mình yêu. Mệt mõi, Thắng nằm vật xuống chõng tre. Ngọn gió mơn man. Anh thiếp đi.
Nằm trên giường, Mai thao thức không sao ngủ được. Cô thấy hẫng hụt. Không hiểu điều gì khiến Thắng lạnh lùng, thay đổi. Mình có làm gì nên tội. Hay là biết mình không còn khả năng làm mẹ nên anh ấy buồn chán? Ngày mai sẽ nói hết sự thật để anh ấy hiểu và thông cảm. May ra…! Ôm con vào lòng, nước mắt thấm đẫm lên cả mái tóc cu Tèo.
***
Biết không thể thuyết phục được chồng, tay xách va li, tay dắt cu Tèo, nhìn vào mắt Thắng, Mai nghẹn ngào:
- Anh đã quyết rồi thì mẹ con em chấp nhận ra đi. Tờ giấy li hôn còn đó. Không cần phải ra tòa đâu. Anh ở lại cố gắng gìn giữ sức khỏe!
Thắng nhìn chằm chằm hai mẹ con, khẽ gật đầu. Khi bóng hai người dần khuất sau rặng tre đầu ngõ, Thắng uể oải, như cây chuối bị chặt ngang đổ sập xuống giường. Tiếng khóc bật lên. Thắng khóc như chưa bao giờ được khóc.
Thắng sắp đặt lại nhà cửa, xếp gọn áo quần vào ba lô chuẩn bị trở lại trại điều dưỡng. Cô Tám sang chơi thấy vậy ngạc nhiên:
- Cháu chuẩn bị đi đâu. Sao không thấy mẹ con Mai?
- Dạ! Cháu chuẩn bị về trại. Định sang gửi nhà cho cô thì cô đã qua đây. Thắng ấp úng: - Còn mẹ con Mai… đã bỏ đi rồi.
- Sao! Mẹ con nó đi đâu mới được. Mà mày mới về, vợ chồng lâu ngày như trời hạn gặp mưa…Đã có chuyện gì nói cho cô nghe nào!
Nghe Thắng kể hết chuyện, mặt cô tái đi. Cô thương cho thằng cháu số phận nghiệt ngã, thương cho Mai số kiếp bạc bẻo. Ngậm ngùi một lúc, như chợt tỉnh, bà nhìn vào mặt đứa cháu mắng té tát:
- Mày điên rồi, cháu ơi! Sao lại tàn nhẫn với mẹ con Mai vậy? Cháu tưởng giải quyết như thế là mang lại hạnh phúc cho nó sao? Còn chỗ nào để cho mẹ con nó nương thân hỡ…?
Rồi cô kể chuyện Mai cho Thắng nghe: Hết tang mẹ cháu, nó vào miền Nam làm việc cho nông trường tiêu. Âu! Đó cũng giải pháp tạm thời cho nguôi ngoai nỗi buồn. Một ngày nọ, đi hái tiêu, cột trụ gãy, một que nhọn đâm vào bụng. Bác sĩ phẫu thuật ổ bụng và cắt đi một phần tử cung do que đâm xuyên qua. Khi biết mình không còn khả năng làm mẹ, nó đau khổ, chán chường. Nhiều lúc nó muốn quyên sinh. Nhưng vì nó yêu thương cháu mà không nỡ lòng. Nó nhận đứa con bỏ rơi trong bệnh viện về nuôi. Thằng Tèo đó. Kể xong cô thở dài:
- Ngu lắm! Chẳng biết gì thì hỏi cô chứ! Đừng về trại nữa. Đi tìm mẹ con Mai về thôi. Nó khổ nhiều rồi. Nó chăm sóc mẹ chồng còn hơn cả người sinh ra nó, nó chịu bao đàm tiếu của người đời… giờ ra nông nỗi này!.
Thắng ân hận. Đã lỡ trót dại làm điều không phải với Mai. Mấy hôm nay Thắng chạy đôn, chạy đáo nhưng vẫn chưa có tin gì.
Mới sáng sớm, cô Tám tất tưởi chạy sang:
- Mau đi cháu! Lên bệnh viện xem con Mai nó làm sao không? Nghe đâu nó bị tai nạn.
Thắng dắt xe ra sân, đạp vội đi không kịp chào cô. Vừa đi vừa thấy hối hận. Không biết Mai có bị làm sao? Mình phải nói gì với cô ấy đây, Mai có tha lỗi cho mình không? Phanh gấp, chiếc xe loạng choạng suýt đâm vào cổng bệnh viện.
Hai người lặng nhìn nhau trong giây lát. Thắng cất tiếng:
- Em có bị làm sao không? Tại anh, tại anh cả. Tha lỗi cho anh nhé! Mai nhìn Thắng âu yếm, nở nụ cười tươi trên đôi môi khô ráp:
- Không sao đâu anh! May vết thương nhẹ thôi, cũng sắp lành rồi. Chỉ vài hôm là ra viện.
- Ừ! Không sao là mừng rồi. Ra viện, anh sẽ đưa em về. Chúng mình lại sống bên nhau như những ngày tuần trăng mật em nhé! Mai nhìn chồng, lòng đầy niềm vui mãn nguyện: “ Vâng ạ!”
Mai ra viện. Thắng lo xong thủ tục thanh toán. Bàn tay cụt ngón cứ lóng ngóng, dây buộc hành lý cứ tuột lên tuột xuống. Nhìn Thắng, một nỗi yêu thương dạt dào ùa về trong lòng cô. Rồi đây mình sẽ bù đắp những mất mát, thiệt thòi cho anh ấy. Cu Tèo cứ lăng xăng chạy qua, chạy lại như cún con mừng chủ về.
Ba người chậm rãi trên con đê đầu làng. Bên đám cỏ ven đê, một tốp trẻ đang tung tăng thả diều. Những cánh diều lộng gió đang vi vút bay cao trong nắng chiều óng ả. Thắng dựng xe. Cu Tèo buông tay mẹ chạy đi, ngắm những cánh diều trong niềm thích thú. Hai người nhìn theo bóng Cu Tèo rồi đưa mắt nhìn nhau âu yếm. Phía trước, hạnh phúc đang chờ đón họ.
Trại viết Đồ Sơn, tháng 10 năm 2019