Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.149.082
 
Về phong độ nam tính qua bài thơ tình “Chia tay” của Nguyễn Trung Hiếu
Nguyễn Thị Kim Lan

 

CHIA TAY

Thơ : Nguyễn Trung Hiếu- từ nguồn facebook Nguyễn Trung Hiếu

 

( Mình ơi cho ta gửi nốt lời yêu

Để mai xin nhạt những chiều nhớ thương)

Có nghĩa là mình phải xa nhau thôi.

Nhưng không thể nào buồn em, vì chẳng bao giờ hờn ghen là thái quá

Có một chiều chênh vênh bên người đàn bà xa lạ

Khóc hờn một người đàn ông

Anh chợt giật mình

Thương em!

Vi đã yêu thật nhiều rồi vẫn muốn yêu thêm

Nên ghen hờn cả với những điều chắc chắn không làm những nhớ thương của anh nghiêng về đó được.

Là đàn bà mà, em vẫn giấu tiếng thở dài rồi khóc

Gửi tủi hờn nơi miền không anh.

Có nghĩa là đi thuận với những lý lẽ đời thường

Vì chúng ta chẳng còn son rỗi

Đêm nay anh như ngọn đèn đường cúi đầu nhận về mình lầm lỗi

Đỏ quạch mắt nhìn em quay mặt dấu tủi buồn.

Rồi em sẽ mạnh mẽ hơn

Chẳng còn khóc về những bài thơ của anh cho một mùa gió nghịch.

Phải thế không em?

Có nghĩa là anh không cấm mình nhung nhớ nhiều thêm

Chỉ là không nghĩ một ngày lại ôm em vào lòng và hôn lên mái tóc

Chỉ là không thể nhổ cho nhau vài sợi thời gian xe mùa điểm bạc

Trên mái đầu nhau.

Có nghĩa là rất rất đau.

Gãy đôi câu ví thương nhau "gừng cay muối mặn"

Em chưa kịp về thăm nơi cha nằm , thăm bà con lối xóm

Mà lời hứa như sợi tơ trời theo gió bay về miền thinh không.

Có nghĩa là lặng câm

Nghe sợi buốt chạy từ tim về từng tế bào riêng rẽ

Chắc em sẽ nghĩ anh không bao giờ thương em nhiều thế.

Nhưng anh biết tự mình sắp xếp những mùa đau

Có lẽ là mình đã đến phút xa nhau.

 

--------

 

Một hôm nào đó, ngang ngổn mắc mớ trong những bện buộc giữ giàng cầu an của đời sống, như một con nhện vướng vào tơ của chính mình, tự ngẩn ngơ hỏi mình làm sao mà gỡ, nước mắt giàn giụa lại tự lau vào vai áo.

Chính lúc ấy, như một điều hên xui kì lạ của thế kỉ công nghệ, facebook hiện ra bài thơ “ Chia tay” của Nguyễn Trung Hiếu.

Tôi đọc một hơi, vì thơ anh Hiếu phải đọc thế, thơ anh ấy là mạch suy nghĩ, là hơi thở, cuồn cuộn, lí lắc, không cho phép sự cản trở của uyển ngữ hay sự làm điệu. Nên người đọc bị cuốn theo anh. Và tôi như được nghe một giãi bày, một tâm tình, một khuyên nhủ, một triết luận của nhân vật trữ tình. Trước một tình huống ngặt nghèo của đời sống tình cảm.

Xin được làm khác sự bình thơ thông thường. Tôi chỉ muốn bàn về phong độ nam nhân độc đáo được thể hiện qua bài thơ. Và xuyên suốt chiều dài thơ Nguyễn Trung Hiếu, mà nếu có dịp, tôi muốn trở lại.

Đầu tiên, người đọc cảm nhận được sự quyết đoán cho cuộc tình éo le của hai người. Ngay nhan đề “ Chia tay ” và hai dòng thơ dề từ đã nói lên rất rõ ràng điều này :

Mình ơi cho ta gửi nốt lời yêu

Để mai xin nhạt những chiều nhớ thương

Anh nói rõ gửi nốt. Có bao nhiều thắm thiết đã trao trọn. Không bớt lại, không giấu diếm cất đi gì hết. Tình thế là cùng. Xong cắt phũ tay quá. Tại sao phải phũ khi tình đến thế, sao không vương tơ lại mà mãi mãi? Dòng thơ sau giải thích luôn. Và thông báo rõ mục đích : “để mai nhạt bớt những chiều nhớ thương”. Là thế. Là để bớt day dứt khổ đau. Vô vọng. Đã phải nhớ thương những chiều, trong thời đại ngày nay, không chiến tranh, chia li, không vướng mắc giao thông; có dịch dã vẫn có công nghệ. Đây là dằng dặc cuộc li tao của định mệnh. Họ không còn cơ hội ( theo một định ước nào đó) để bên nhau nữa. Chống sao được định mệnh, trừ khi là hi sinh cuộc sống. Vậy thì phải chia tay thôi. Tất nhiên là cho cả hai. Cho chính anh phải dứt lòng. Vì nếu bản thân không thấm đau đã không thể viết nổi.

Sự quyết đoán cho cả một cuộc tình, vì bình yên của cả hai, và vì thực tế không có giải pháp. Một quyết định nhìn qua tưởng là phũ phàng. Nhưng đặt vào toàn cục bài thơ, lại là ngược lại. Đây là một người nam đầy trách nhiệm với câu chuyện tình của anh và cô ấy. Người quyết đoán việc lợi cho bản thân thì đương nhiên, động cơ ích kỉ là một lực ép tự nhiên, không thuộc giá trị tình người. Ở đây, anh quyết đoán cho cả hai, và với phần kết, khi anh mang nỗi đau đi, ta hiểu anh nghĩ cho cô ấy. Anh tự gói nỗi đau và mang gánh nó. Nhưng anh nghĩ cho em. Tại sao ? Tại muôn đời đó là trách nhiêm của người quân tử. Chứ để nương vương, anh sẽ lợi chứ. Được yêu, được người ta nghĩ đến mà lại không bị mang tiếng kẻ phụ tình. Anh quyết định cắt đi. Và đây là chân dung người đàn ông vừa đoạn tình :

Có nghĩa là lặng câm

Nghe sợi buốt chạy từ tim về từng tế bào riêng rẽ

Chắc em sẽ nghĩ anh không bao giờ thương em nhiều thế.

Nhưng anh biết tự mình sắp xếp những mùa đau

Như là hình ảnh “Một giã gia đình một dửng dưng” và

“ Ly khách ly khách con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong’’

( Tống biệt hành – Thâm Tâm )

Nhưng ly khách là mô típ thức tỉnh cái tôi nhân văn trong mối xung đột với cái tôi lí tưởng. Vâng, thơ lãng mạn.

Thơ Nguyễn Trung Hiếu là thơ của sự bất toàn, của đổ vỡ. Mà ở đó, anh vừa thức tỉnh nỗi thương người anh lại gọi dậy nỗi thương thân. Hai mối thương vò xé, trĩu nặng. Mà người trai vẫn nén, vẫn giấu , phải gồng… để quay lưng cất bước. Chất trữ tình dày lên, nỗi đau đời thấm thía. Và ngời lên cái khổ lụy mà ấm áp khi yêu thương và vì yêu thương mà làm người đa đoan.

Ai bảo anh phụ nàng? Là anh phụ anh chứ. Nhưng anh sẽ tự mang vết thương. Em không cần phải biết. Em cứ nghĩ xấu về anh cũng được, nếu điều đó làm em nhẹ lòng.

Nam tính đến thế thì còn gì phải bàn nữa. Cô ấy không yêu mới lạ. Cái tính quyết đoán có màu sắc trượng phu phương Đông này lại hòa trộn với văn hóa chịu thiệt, nhường nhịn, tôn trọng và chân thành của người đàn ông phương Tây trong ứng xử với phái nữ, với tình yêu. Mà bộc lộ mộc lắm. Bởi đó là cái cốt cách của con người đời thường, hằng thường rồi.

 

Tiếp theo đó, tràn ngập cõi lòng người đọc là niềm thương anh. Sao lại thương? Những cuộc tình ngang trái chẳng phải do lòng tham của đàn ông tạo nên như chúng ta hằng nghĩ sao? Đọc lại bài thơ đi. Không có một hình ảnh một phiến đoạn nào nhắc đến nhan sắc mĩ nhân, đến mùi hương ân ái, đến diễm tuyệt mộng mơ, chỉ thấy nụ hôn lên mái tóc, là muốn ôm em vào lòng, là xót xa đã không giữ được lời hứa với tình. Cái tình đã đến độ nghiêng hết về em ( người đàn bà đến sau), Cái tình đến độ đau nỗi đau hờn ghen dày vò em. Đau nỗi đau em không được hưởng hạnh phúc bên nhau đến già, nỗi đau không được vu quy, không được làm dâu cha mẹ anh. Được hiếu thảo với cả hương hồn người đã khuất. Chuyện lớn lắm. Đâu phải chuyện trai gái tình ngoài.

 

Tôi chưa đọc bài thơ tình nào về tình ngoài mà người nam trọn tình trọn nghĩa tao khang đến như thế này, dù đây là cuộc tình trái ngang. Chưa gặp một người nam nào mà trân quí, thấu hiểu người đàn bà tình nhân ở khát vọng làm vợ, làm dâu con, có mái ấm gia đình, có ông bà nội ngoại, được thừa nhận, chính thống; để yêu thương và gánh vác cùng người đàn ông mình yêu, .. như thơ Nguyễn Trung Hiếu. Bài thơ này, xét ở góc độ đóng góp cho văn hóa nữ quyền, xứng đáng một bài thơ đáng trân trọng. Bởi dường lần đầu tiên, hình ảnh người nữ xuất hiện trong mối tình ngoài luồng, nhân vật thứ ba, được nhìn nhận, đánh giá trọn vẹn, thấu hiểu, trách nhiệm, công bằng, tôn trong. Cái nhìn này của thi sĩ Hiếu mà dành để viết về thân phân phụ nữ trong thế kỉ chiến tranh, khi họ thành mùa hoa cải đợi mãi trai tráng đi không về, họ đánh mất thanh xuân ở các nông trường đàn bà hiu quạnh, mất quyền làm vợ làm mẹ, làm đàn bà trời trao cho họ… cũng đủ hay, và đốn tim chúng ta.

Nhưng anh viết đương đại. Trong biến diễn gay gắt phức tạp của bao nhiêu câu chuyện về tình yêu, chung thủy, hạnh phúc gia đình, sự thiệt thòi của người vợ, của những đứa trẻ, khi có các cuộc tình ngoài tình chồng vợ, thì Nguyễn Trung Hiếu đã đi lối dị độc, nhiều ngúc ngoắc, để chia sẻ với chúng ta cái nhìn của anh với thân phận những người phụ nữ đến sau.

 

Thì ra, nhân vật nam thương cảm. Và anh ghé vai vào bến bờ đàn bà cô quạnh kia. Trao cho cô ấy phút được sống. Anh không đào hoa. Anh không đa tình. Mà anh đa đoan. Thơ Nguyễn Trung Hiếu là thơ tình của một trái tim đa đoan. Người đa tình giăng tình khắp cõi cho thỏa mình, vì mình. Người đa đoan là người tỏa ra cái đẹp, cái tốt, cái lương thiện, cái năng lượng vàng của anh ta /cô ta. Và cố nhiên, theo qui luật của vũ trụ, nó trở thành lực hấp dẫn, nó tự hút về người thương, người cần. Thế đó. Tôi không biết Nguyễn Trung Hiếu. ở ngoài đời. Và thơ và nhà thơ không là một, Thông tin trên fb thì tính xác thực yếu. Nhưng tôi đoán, anh là người mà, cuộc đời này, ai cũng muốn có, cũng rất đỗi cần. Anh là thế anh mơi viết được thấm và thật đến thế. Như nàng Kiều vậy. Quanh thế giới của truyện Kiều, đàn bà đâu có thiếu, họ đều mây thua nước tóc tuyết nhường màu da, rồi danh gia vọng tộc, rồi khôn ngoan nhất mực đàn bà. Nhưng Kiều là ý trung nhân của cả thế giới đàn ông trong đó. Nàng làm nghiêng nước nghiêng thành bởi năng lượng kì diệu mà tạo hóa dồn tụ vào vầng trăng, đóa hoa, tâm hồn ấy. Vâng, Kiều đa đoan là vì ai cũng muốn cũng cần có nàng.

 

Đó chính là lí do đọc thơ Nguyễn Trung Hiếu, tôi cứ tự nhiên trào nước mắt. Thương hệ lụy mà người đa đoan phải chịu trong cõi này.

Thứ ba, thơ Nguyễn Trung Hiếu qua các bài thơ tình éo le, ngang trái thể hiện một nhận thức rất thực tiễn về tình yêu, về hạnh phúc, về tình người. Anh bàn khá kĩ đến hờn ghen. Anh cho rằng hờn ghen là khó tránh khỏi với phụ nữ. Vì họ, dù ghen xuôi hay ghen ngược, cũng đều xuất phát từ điểm nhìn hẹp của trái tim bé nhỏ. Cố nhiên là chính đáng, nhưng không đủ, cần phải thấu trải và trưởng thành. Lí thuyết cho rằng tình yêu là duy nhất. Lí thuyết là beeton, cốt thép. Đời sống là máu thịt. Phụ nữ, và những người hờn ghen, thường đi đến và vượt quá ngưỡng của loại cảm xúc này, và quên mất chuyện, sẽ đẩy cuộc tình và cuộc đời xuống vực thẳm. Bản chất ghen là điểm chết của tình. Là ích kỉ u tối.

Nhưng anh không kết án, anh rất độ lượng. Anh hiểu nàng và nhận lỗi về mình. Vì nàng không có đủ cơ hội để thay đổi và để trưởng thành. Vấn đề lại vẫn trở về cái mâu thuẫn nguyên ủy của khát vọng và tình thương vô bờ bến mà thực tiễn lại eo hẹp ngặt nghèo. Thế mới là cuộc đời. Cuộc đời đa sự. Không ai có lỗi cả. Phải lựa chọn cách tốt hơn thôi.

Tiếp đó, anh có đề cập đến cách tư duy khác. Đây là một điểm rất mới, rất đời, rất sáng tạo và rất nhạy cảm. Vâng, tình ngang trái, có một cách để không khổ đau, bi kịch, hoặc khổ đau đến giới hạn cho phép, đó là “không nghĩ theo lẽ thường”.

Tôi thích ý này vô cùng. Mai đây có ai đến, yêu tôi, bảo tôi là em cố lên, em tuyệt lắm, anh hôn tôi, khen môi tôi, anh nghe tôi, khen giọng tôi. Anh đọc thơ tôi và đặt nụ hôn lên đó. Rồi anh như dòng sông(gì nhỉ : Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Hồng Hà, Sông Mã, sông Lam), chảy về cánh đồng và biển cả của đời anh, bỏ lại tôi neo mãi bên bến đợi… Vâng, tôi vẫn thấy mình diễm phúc. Thơ anh dạy tôi dám dấn thân và chấp nhận được mất như một sứ mệnh làm người.

Chính sự sáng tạo trong tư duy vì một cuộc sống giàu yêu thương, một năng lực tự hàn gắn đã khiến cho thơ tình éo le của anh có sức cảm hóa sâu sắc thế.

 

Đọc xong thơ Nguyễn Trung Hiếu, tôi cảm thấy mình lấy lại được một niềm khao khát, yêu thương, cảm kích những người đàn ông Việt, trên mọi miền của thế giới này. Một dân tộc phát triển trong một điều kiện vô cùng ngặt nghèo cả về tự nhiên, lịch sử và văn hóa; chịu đựng một nền kinh tế nghèo sâu sắc, một lịch sử đầy chiến tranh, một quá khứ bị nô dịch bởi hủ nho, bị chuyện hận thù giày vò chia rẽ… Mà những người đàn ông của xứ sở này, ông tôi, bố tôi, anh em trai tôi, người đàn ông tôi yêu… vẫn gồng mình để có một phong độ, một cá tính yêu thương vạm vỡ, mặn mòi, trong sạch. Một phong độ nam tính lạ lùng, mãi không hết gây suy nghĩ và vương luyến.

Điều gì đã cho họ? Núi sông đồng bể? Năm tháng thời gian? Hay là những hồn con người từ bao kiếp ?

-------

HP. 17.7.2021.

 

 

 

Nguyễn Thị Kim Lan
Số lần đọc: 989
Ngày đăng: 27.07.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phạm Đức Mạnh – nhà báo, đời thơ (phần tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Hoàng Vũ Thuật & Người câu gió - Yến Nhi
Nhà văn của tình thương - Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Thị Hoàng: ý thức và bản năng nữ phận - Nguyễn Vy Khanh
Hành trình của thơ - Đỗ Quý Dân
Cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố* - Trần Hoài Anh
Từ hình tượng trăng – lan man về phía Hàn Mặc Tử - Phan Văn Thạnh
Trần Nam Phong và viết chờ sen lên - Yến Nhi
Thơ thế sự của người sống trong “Mối,mọt,gián,chuột,bóng tối…” - Nguyễn Anh Tuấn
Tình yêu quê hương trong thơ Trường Hải - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả
Trở lại (truyện ngắn)
Midi&Tidi (truyện ngắn)
Kiếp trước (truyện ngắn)
Tí ta tí tách (truyện ngắn)
Đỉnh trời gió bấc (truyện ngắn)
Thầm lặng (truyện ngắn)
Nhẹ rơi bồ công anh (truyện ngắn)
Mây Cô Ban (truyện ngắn)
Sau mù sương (truyện ngắn)
Dưới hàng gió bách (truyện ngắn)
Thoảng gió tháng Tư (truyện ngắn)
Hồ đào lá vát (truyện ngắn)
Chênh vênh (truyện ngắn)
Đêm tìm em (truyện ngắn)
Phóng xạ (truyện ngắn)