I.- Vài nét tình hình văn học sau giải phóng :
Sau ngày giải phóng 30-4-1975, tình hình sáng tác văn học thành phố có nhiều thay đổi cơ bản: văn học của bọn xâm lược và văn học nô dịch mà nét tiêu biểu là những sáng tác có nội dung phản động hoặc đồi trụy như chống cộng, cổ vũ hay ủng hộ chiến tranh của đội quân xâm lược và tay sai, khiêu dâm hay trái đạo đức đã chấm dứt. Văn học cách mạng và yêu nước bắt đầu phát huy ảnh hưởng trong đời sống tinh thần của nhân dân vùng mới giải phóng. Lực lượng sáng tác văn học ngày càng phát triển đông đúc và tập hợp lại xung quanh Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, cho đến giữa năm 2004 đã có đến khoảng 300 hội viên, trong đó ngót một nửa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một lực lượng thật hùng hậu, chỉ đứng sau thủ đô Hà Nội. Có thể điểm lại tình hình phát triển của sáng tác văn học thành phố qua mấy thời kỳ:
Thời kỳ đầu sau giải phóng (khoảng 1975 - 1980):
Chiến tranh vừa kết thúc với thắng lợi trọn vẹn và vang dội của cách mạng. Hào quang chiến thắng đang rạng rỡ và những người chiến sĩ giải phóng đang được người dân vùng mới giải phóng dành cho những tình cảm tốt đẹp. Văn học cách mạng cũng được đón nhận khá nồng nhiệt. Nét chủ yếu của thời kỳ này là sách từ miền Bắc và vùng giải phóng cũ được phổ biến rộng rãi. Đó là những sáng tác đã được đánh giá tốt và chọn lọc từ mấy mươi năm giải phóng miền Bắc, nhất là những sáng tác về miền Nam qua hai cuộc kháng chiến; sách hay trong truyền thống dân tộc và sách hay trong văn học thế giới, sách hay của những nhà văn cách mạng và yêu nước trong lòng thành phố cũ. Dạng hình chủ yếu là các sách tái bản. Sáng tác mới cũng có nhưng chưa nhiều, một số sách của các tác giả ở thành phố được in ra ngay sau ngày giải phóng nhưng đã được viết và hoàn thành trước giải phóng. Hầu hết những sách này đều viết về chiến tranh giải phóng miền Nam, có cuốn viết về chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc để chi viện miền Nam, nhân vật chủ yếu là những người nông dân Nam bộ, các chiến sĩ giải phóng và quân du kích Nam bộ, hoặc những công nhân là con em miền Nam trên đất Bắc đánh giặc để giải phóng quê hương mình. Báo chí thành phố lúc đó cũng đăng nhiều sáng tác mới, chủ yếu là các thể loại thơ, ký và truyện ngắn. Thể loại "chủ lực" của văn chương là tiểu thuyết cũng xuất hiện khá sớm và gây được tiếng vang, chứng tỏ đội ngũ sáng tác văn học thành phố khá năng động, nhạy bén với cuộc sống mới… Có thể kể những cuốn tiểu thuyết đã được in ngay sau ngày giải phóng: Đứa con của đất, Anh Đức, Nxb Văn học Giải phóng, 1975, 487 trang; Mùa gió chướng, Nguyễn Quang Sáng, Nxb Văn học Giải phóng, 1975, 288 trang; Đất trong làng, Đinh Quang Nhã, Nxb Văn học Giải phóng, 1976, 293 trang; Cầu sáng, Trần Thanh Giao, Nxb Thanh niên, 1976, 370 trang; Bên lở bên bồi, Lê Văn Thảo, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1978, 570 trang. Những tập ký sự của Võ Trần Nhã như Trên vành đai Bình Đức (1976), Người con gái Nam bộ cầm súng (1983) …; những tập truyện ngắn của Hoài Vũ như Rừng dừa xào xạc (1977), Quê chồng (1978), Bên sông Vàm Cỏ (1980)…; những tập bút ký giàu chất thơ và đậm chất Nam bộ của Mai Văn Tạo. Những tập truyện ngắn Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981) của Trang Thế Hy báo hiệu một tiềm lực sâu sắc của ngòi bút ông trong những năm cuối thế kỷ 20…
Những đề tài mới đã xuất hiện trong truyện phim Giữa hai làn nước của Trần Thanh Giao, viết về công nhân và cán bộ của một nhà máy đóng tàu với những vấn đề mới mẻ sau giải phóng và xây dựng của thành phố, đăng tải trên báo, in ở Nxb Văn hóa, nhất là sau khi Hãng phim Giải phóng dựng thành phim (1978). Tiểu thuyết Đất mới vỡ của Trần Thanh Giao, viết về những tiểu thương và một số người thành phố đi xây dựng vùng kinh tế mới (1979), v.v… Những đề tài mới này chẳng những được bạn đọc vùng mới giải phóng quan tâm, mà còn được bạn đọc cả nước và những người "di tản" chú ý, báo hiệu sự ra đời của những sáng tác theo xu hướng này trong những năm tiếp theo…
Thời kỳ sau (khoảng 1980 đến 1985).
Đây là thời kỳ đất nước đang đứng trước những thử thách lớn lao để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Những cuộc cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa, hợp tác hóa nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người dân vùng mới giải phóng, những chính sách kinh tế mới, đang được đưa ra thử nghiệm…
Đây cũng là thời kỳ đất nước gặp khó khăn về mọi mặt, nhất là trong kinh tế mà nét tiêu biểu là mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu cũ không còn phù hợp nữa. Mâu thuẫn giữa cơ chế quản lý và sự phát triển đất nước trở nên gay gắt. Nói cơ chế quản lý cũng đúng, mà nói cơ chế đó do những nguyên lý của mô hình cũ qui định, tức là có vấn đề về đường lối, chủ trương cũng không sai. Nhưng vấn đề quá lớn, đụng đến những nguyên tắc, đụng đến niềm tin mà vì nó hàng triệu người đã chiến đấu không tiếc máu xương... Đụng đến những vấn đề này trong văn chương không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, với chức năng dự cảm, dự báo, từ địa bàn của vùng đất năng động nhất trong kinh tế cả nước, văn học thành phố cũng đã đi những bước đầu tiên trong xu thế này. Mặt khác, những sáng tác về thời kỳ đầu sau giải phóng đến đây cũng bắt đầu xuất hiện, đem đến những nét mới trong văn chương về những con người mới, những vấn đề mới của vùng mới giải phóng, thiết thực và gần gũi với mọi người, gây được sự chú ý của người đọc cả nước, có tiếng vang và những lời bình luận trên báo chí.
Thời kỳ này, tại thành phố, có một việc nổi lên như là một "hiện tượng văn học" của cả nước. Đó là một loạt tiểu thuyết gây tranh luận khá ồn ào của Nguyễn Mạnh Tuấn, do Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh in. Như: Những khoảng cách còn lại, 1982, 393 trang; Đứng trước biển, 1982, 357 trang; Cù lao Tràm, 1984, 697 trang, … Những khoảng cách còn lại đề cập những vấn đề nóng bỏng lúc đó: cải tạo tư sản công nghiệp, những người vượt biên không thành, cán bộ kháng chiến trở về, cán bộ biến chất, lớp trẻ "không vào khuôn phép"… qui tụ trong một gia đình với những mâu thuẫn và kịch tính được nêu thẳng thắn, dồn dập nên gây được dư luận sôi nổi. Rồi đến Đứng trước biển, cũng những vấn đề mới mẻ về quản lý đất nước, với những nhân vật mới là cán bộ quản lý từ giám đốc đến những người lãnh đạo cao của thành phố… khiến dư luận cũng rất chú ý. Đến Cù lao Tràm cũng nói về việc quản lý trong nông nghiệp thì sự ồn ào càng lớn, nhiều tờ báo đăng bài giới thiệu, nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo, nhiều buổi gặp gỡ, tiếp xúc giữa tác giả và bạn đọc, nhiều bài tranh luận về đúng sai, hay dở của cuốn tiểu thuyết…
Qua những cuộc tranh luận, ngoài những chỗ được và chưa được trong tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Tuấn, còn có thể nhận thấy đây là một ví dụ nổi bật về việc văn học tác động vào đời sống. Tình hình này gợi nghĩ thêm về một vấn đề rất cơ bản trong văn chương, từ lâu đã được nêu ra nhưng chưa có ví dụ cụ thể. Đó là về xu hướng: nghệ thuật - nghệ thuật hay nghệ thuật - nhân sinh; về thi pháp là: "văn chương nhân vật" hay "văn chương luận đề"… Sau đó Nguyễn Mạnh Tuấn vẫn viết đều, viết khỏe, vẫn những đề tài mới, nóng bỏng nhưng sách ra lặng lẽ hơn…
Cùng với những tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Tuấn, nhiều sáng tác văn học khác của các tác giả thành phố cũng ra đời làm thành một hướng sáng tác đề tài mới, nóng bỏng. Những cây bút quen viết về chiến tranh như Đinh Quang Nhã cũng có sáng tác mới về đề tài sau giải phóng: Những trái dừa trên mặt sân, Nxb Văn nghệ Tp HCM, 1984…
Một số tên tuổi những tác giả mới của thành phố cũng bắt đầu xuất hiện với các tiểu thuyết của Nhật Tuấn: Bận rộn, Nxb Văn nghệ Tp HCM, 1985; của Trần Văn Tuấn: Ngõ hẻm bên cầu, Nxb Văn nghệ Tp HCM, 1985; của Triệu Xuân Những người mở đất, Nxb Văn nghệ Tp HCM, 1983; của Dương Trọng Dật, Người đồng hành, Nxb Văn nghệ Tp HCM 1985; của Văn Lê: Chuyện một người du kích, Nxb Phụ nữ, 1983; và nhiều tên tuổi khác… Những tác giả văn xuôi "mới tinh" cũng xuất hiện như Lý Lan, Lưu Thị Lương… Lý Lan có những truyện ngắn như Vườn cổ tích, Trăm con hạc trắng bay về bồng lai, … và sau này, tiểu thuyết Lệ Mai, được dựng thành phim, được nhiều người mến mộ… Bên cạnh đó, những tác giả viết về đề tài chiến tranh vẫn tiếp tục cho ra đời những sáng tác mới, cũng được đánh giá tốt như Nguyễn Quang Sáng với tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu, Nxb Kim Đồng, 1985, cùng rất nhiều kịch bản phim mà nổi nhất là Cánh đồng hoang; Anh Đức với tập truyện ngắn và ký Miền sóng vỗ, Nxb Văn nghệ Tp HCM, 1980; Thanh Giang với tiểu thuyết Vùng tranh chấp, Nxb Quân đội nhân dân, 1982; Viễn Phương với tập truyện ngắn Sắc lụa Trữ La (tập hợp những truyện viết trong lòng địch), tập ký Quê hương địa đạo, Nxb Văn nghệ Tp HCM, 1982, (Giải thưởng Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Tặng thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam); Minh Khoa với Người ven đô, 1975 (Giải thưởng kịch bản Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), Trên lưng ngựa, 1985 (Giải thưởng Hội đồng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam); Trúc Phương với các tiểu thuyết Cây sầu đông sinh đôi, 1985, Bình minh trong đêm, 1986, v.v… Nhiều nhà văn, nhà thơ ở miền Bắc như Nguyễn Khải, Vũ Thị Thường, Trần Thanh Địch, Hoàng Yến, Lê Khánh, Thái Vũ, Phan Vũ, Huy Phương, Trần Công Tấn, Đoàn Minh Tuấn, Thy Ngọc, Cửu Thọ, Trần Hoài Dương…, và sau này là Nguyễn Thị Ngọc Hải…; miền Trung như Thu Bồn và sau này là Lưu Trùng Dương, … và nhiều người khác nữa vào đây làm việc và sinh sống cũng góp phần tăng sức mạnh cho đội ngũ nhà văn thành phố sau giải phóng.
Nhiều tiểu thuyết của Nguyễn Khải lấy ý tứ hoặc bối cảnh của Sài Gòn hay Nam bộ như Gặp gỡ cuối năm (1982), Thời gian của người (1985), Một cõi nhân gian bé tí (1989), v.v… đều gây dư luận, có tiếng vang, hoặc được giải thưởng (Gặp gỡ cuối năm)… Thu Bồn có các tiểu thuyết Em bé trong rừng thốt nốt (1979), Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (1985), Cửa ngõ miền Tây (1986), Vùng pháo sáng (1986), v.v…
Thời gian này, các nhà thơ từ vùng giải phóng hoặc từ Hà Nội trở về như Bảo Định Giang, Viễn Phương, Lê Giang, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Chí Hiếu, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Lam Giang, Hà Phương, Lê Điệp, Vũ Ân Thi…, những nhà thơ từ miền Bắc vào như Chế Lan Viên, Xuân Hoàng, Lương An, Hải Như, Ý Nhi, Hoài Anh, Trần Nhật Thu, Trúc Chi… và sau này là Thanh Tùng, các nhà văn, nhà thơ yêu nước và cách mạng ở thành phố như Vũ Hạnh, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Nguyên, Kiên Giang Hà Huy Hà, Chu Thao, Minh Quân, Phương Đài, Phong Sơn…, và sau này là Thùy An, Kim Hài… và nhiều người khác nữa cũng có nhiều sáng tác mới. Có thể kể những tập thơ gây được sự chú ý của người đọc như: Đường giải phóng (1977), Đêm huyền diệu (1985)… của Bảo Định Giang; Như mây mùa xuân (1978), Phù sa quê mẹ… của Viễn Phương; Sắc trảng (1978), Ơi anh chàng hát rong (1985)… của Lê Giang; Một góc quê hương (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), Những ngả đường (1981)… của Chim Trắng; Đêm châu thổ (1976), Con đường có lá me bay… của Diệp Minh Tuyền; Người quê hương, Mùa thu trong suốt…của Nguyễn Chí Hiếu; Ánh trăng (1984), được tặng thưởng loại A về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (1985) của Nguyễn Duy; Tiếng chim gõ cửa (1976), Hoa vừa đi vừa nở (1981), Mặt trời trong lòng đất (1981, Giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng và An ninh Hội Nhà văn Việt Nam)… của Trần Mạnh Hảo; Bài thơ trên bến Nhà Rồng của Hải Như; Đến với dòng sông (1978), Cây trong phố chờ trăng (1981), Người đàn bà ngồi đan (1985, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam)… của Ý Nhi; Mùa bão và hoa muống biển (1977), Gặp gỡ mùa gió chướng (1980)... của Trần Nhật Thu, v.v… Trong thơ, có những tác giả trẻ của thành phố mới nổi lên, với những đề tài, những cảm xúc mới của "dân Sài Gòn", khiến người đọc cũng chú ý như Thành phố tháng tư (1985) của Lê Thị Kim…
Những nỗ lực sáng tác của các nhà văn thành phố trong mươi năm này tạo tiền đề cho sự ra đời của các sáng tác trong giai đoạn sau 1986 và đóng góp đáng kể vào sự nghiệp sáng tác văn học chung cho cả nước.
II.- Văn học thành phố Hồ Chí Minh sau 1986.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, đất nước ta có một chuyển biến hết sức quan trọng: nền kinh tế theo lối tập trung, quan liêu, bao cấp chuyển dần sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực chất đây là sự đổi mới mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu cũ mà nguy cơ sụp đổ đã được trăn trở và dự báo từ lâu qua không ít tác phẩm văn học lúc đầu ở một số nước xã hội chủ nghĩa, rồi sau đó là những tác phẩm của tác giả trong nước. Thật khó mà nêu ra những dẫn chứng cụ thể vì ở đây cần một sự nghiên cứu đòi hỏi công sức nghiêm túc của rất nhiều người và cần có độ lùi thích hợp về thời gian trong vấn đề lớn lao và rất nhạy cảm này. Tuy nhiên, thay đổi to lớn đó không thể là kết quả của sự suy nghĩ nhất thời, mà phải là sự nghiền ngẫm lâu dài, có cội rễ, nguồn cơn… Đó là một đề tài nghiên cứu lớn và lâu dài, ở đây chỉ xin nói những suy nghĩ và cảm nhận ban đầu trong phạm vi tác phẩm văn học của thành phố, tất nhiên, có sự tác động mạnh mẽ của văn học cả nước…
Xin tạm chia tiến trình đổi mới trong văn học này, hiện đang tiếp tục, thành những bước ngắn để tiện quan sát:
Thời kỳ bắt đầu đổi mới (từ 1986 đến 1990):
Điều dễ nhận thấy nhất trong thời kỳ này là sự hồ hởi của giới sáng tác tiếp nhận chủ trương đổi mới qua "nghị quyết 5" mà tinh thần chủ yếu là tự do sáng tác. Có một từ lúc đó người ta hay dùng: cởi trói. Một câu hỏi đặt ra: ai trói, và trói bằng gì? Khi ấy, chưa ai giải thích cho rành rẽ. Bây giờ ngẫm lại, ta có thể thấy sự "trói buộc" đã hình thành suốt trong mấy mươi năm, kể từ lúc kháng chiến chống Pháp… Vào những năm 1950, ta có chủ trương "văn nghệ phục vụ công nông binh". Đây là một chủ trương rất đúng đắn, rất phù hợp với cuộc kháng chiến, đã thổi một luồng gió mới vào phong trào sáng tác văn nghệ, chuyển cảm thụ thẩm mỹ của toàn xã hội sang hẳn một hướng mới, từ chỗ là cảm thụ của tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông thôn thời bình sang cảm thụ của công nông binh thời chiến. Tư tưởng và quan điểm chủ đạo là "văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó". Cho đến bây giờ và lâu về sau nữa, tư tưởng và quan điểm này vẫn đúng và mọi biến động, chao đảo trong văn nghệ đều do việc vận dụng đúng hay chưa đúng tư tưởng và quan điểm này. Do đó, trong thời gian dài mấy chục năm, việc vận dụng tư tưởng và quan điểm đó chưa thật đúng, chưa thật nhần nhuyễn, có lúc sai lầm nên gây ra cản trở, trói buộc văn nghệ. Một sai lầm, hay gọi cách khác là sự ngộ nhận, trong vận dụng tư tưởng quan điểm đó là sự độc tôn cảm thụ thẩm mỹ một chiều (không phải của công nông binh mà chủ yếu là dựa vào thẩm mỹ bị ngộ nhận là của "bần cố nông"), không đúng với bản chất đa dạng và phong phú của sáng tạo văn chương nghệ thuật. Mặt khác, việc vận dụng phương pháp sáng tác được gọi là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa một cách cứng nhắc cũng là một sự trói buộc. Và cuối cùng, chiến tranh kéo dài và ác liệt suốt ba mươi năm cũng hướng thẩm mỹ xã hội vào "kỷ luật" "thẩm mỹ thời chiến". Những điều đó vô hình trung đã trở thành những dây trói của sáng tác. Người viết do "thẩm mỹ thời chiến" đã tự trói, lại còn thêm những ý kiến khắt khe, thậm chí thiếu hiểu biết sâu về đặc trưng của nghệ thuật trói buộc quá chặt, nên khi có chủ trương "tự do sáng tác" liền hồ hởi đón nhận. Có nhà văn đã viết "lời ai điếu" cho lối sáng tác trói buộc theo kiểu cũ. Nhưng chủ trương đúng đắn đó liền bị vận dụng sai, thậm chí bị lợi dụng. Cũng cần nhắc lại, khi nước ta bước vào mở cửa và đổi mới thì các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó cũng đã bắt đầu đổi mới khá lâu như Trung Quốc hoặc đang ở cao trào "cải tổ" như Liên Xô mà những thành tựu cũng như những nguy cơ chính trị, kinh tế đã bộc lộ khá rõ. Vì vậy, bên cạnh mặt hồ hởi, giới sáng tác cũng đã có nhiều âu lo.
Trong một buổi phổ biến Nghị quyết 5 tại thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh sự phấn khởi từ nay được "cởi trói", nhiều nhà văn thành phố đã thẳng thắn nói lên sự lo lắng: mọi loại xe cùng tự do lưu thông, kể cả những xe "xịt khói đen tùm lum" thì văn chương nước ta sẽ ra sao? Người ta không phải chờ đợi lâu để thấy những tác hại đã được báo trước đó. Trước hết là xu hướng "văn chương sám hối", cho rằng văn chương cách mạng đã phản ánh không đúng, "tô hồng" hiện thực, văn chương cách mạng đã đi lệch hướng, "tội" nhiều "công" ít nên cần "sám hối". Thật ra xu hướng này cũng là sự sao chép, bắt chước xu hướng trong văn chương vài nước nào đó, mượn danh văn chương để nhắm vào mục tiêu khác nhằm xóa bỏ, "cải tổ" một cơ chế chính trị. Bên cạnh đó là xu hướng "phủ nhận sạch trơn", cho rằng văn chương cách mạng chỉ có "tội", cần phải lên án… Không cần thiết phải nêu ra ví dụ cụ thể về một số cuốn sách lý luận cũng như sáng tác văn học (của nhà văn ở thủ đô cũng có, ở thành phố cũng có, và ở một số tỉnh cũng có), vì cuộc đấu tranh trực tiếp với những xu hướng này đã qua, và đúng sai cũng đã rõ, và cũng vì những tác phẩm đó có những điểm về học thuật, về nghệ thuật đáng để tham khảo vào thời điểm thích hợp…
Nhắc lại chỉ để chúng ta nhận thức rõ hơn và nghiền ngẫm sâu thêm quan điểm hết sức quan trọng này trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó. Nhắc lại để vận dụng quan điểm ấy cho sâu sắc, nhuần nhuyễn, tránh ấu trĩ, cứng nhắc, trói buộc, mà phải hợp với qui luật và đặc thù của văn chương… Bởi vì cuộc sống thực tế đã chứng minh trên bình diện toàn thế giới rằng "văn nghệ là một mặt trận", những thể chế chính trị, kinh tế, xã hội… đã sụp đổ cũng bắt đầu từ mặt trận này, và hậu quả của việc đổi mới thể chế mà không chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc thay đổi chệch hướng đều mang lại cho đất nước - như nhận xét của người dân ở các nước đã qua "cải tổ" - những hệ quả hết sức tồi tệ, phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được.
Bên cạnh những xu hướng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đó, còn có xu hướng "văn chương thị trường". Xu hướng này nhân có chủ trương tự do sáng tác đã cho ra đời và bán trên thị trường những loại tiểu thuyết "viết trong vài ngày", phần lớn là loại "trinh thám, hình sự" rẻ tiền, những loại "tình cảm sướt mướt, bịa đặt, éo le, khúc mắc", những "truyện cổ tích nhảm nhí", bán cho trẻ em hoặc những người ít học nhưng "rảnh rỗi" muốn tiêu khiển. Có những "nhà văn" trình độ văn hóa rất thấp nhưng một năm viết cả chục cuốn tiểu thuyết, tự mình in rồi chở đi bán, mà trong giới văn chương không ai biết tên tuổi, đến khi gặp mặt, tự giới thiệu "em đã viết những cuốn đó, cuốn đó…" người trong giới mới "té ngửa"…. Có câu hỏi đặt ra: vậy ở đâu duyệt in những sách này? Phần lớn là ở các nhà xuất bản địa phương, sách "thị trường" lúc đó đang ra như nấm, người duyệt sách có khi chẳng đọc bản thảo, nhưng nội dung sách chưa đến nỗi phản động hay đồi trụy nên rồi cũng qua. Có một vài cuốn phạm luật (có cuốn lệch lạc về tư tưởng, có cuốn nặng về tình dục), bị "thổi còi", bị dư luận chê trách. Một vài nhà văn thiếu bản lĩnh ở thành phố ta cũng mắc phải thiếu sót này hoặc không lường trước phản ứng của bạn đọc, muốn "đổi mới ngòi bút" nhưng đi quá đà, hoặc sách ra vào thời điểm "căng", hoặc không đồng ý một số nhận xét chưa công bằng (thời gian sau này có những tác phẩm mà độ "nhạy cảm" có khi hơn nhưng không bị "thổi còi"), đã để ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác, thật là đáng tiếc… Cũng không cần nêu những ví dụ cụ thể, ở đây nhắc lại chỉ để nhìn bao quát tình hình, và để khẳng định lại một điều: cái có giá trị nhất trong văn chương chính là tư tưởng, mọi thủ pháp nghệ thuật, dù là "nghệ thuật rẻ tiền" hay "nghệ thuật sang trọng", đều chỉ là thủ pháp, phương tiện, nó sẽ bị cuộc sống loại ra nếu không có nội dung tư tưởng, nội dung đó là cái đẹp và cái cao thượng trong văn chương, tức cái thiện (nói theo cách đánh giá ngày xưa chân thiện mỹ), hay theo thuật ngữ bây giờ là chủ nghĩa nhân văn trong văn chương.
Còn một xu hướng nữa của sáng tác văn học thành phố trong thời kỳ này là xu hướng đổi mới thật sự. Xu hướng này bị những xu hướng trên ("cải tổ" và "thị trường") lấn át nhưng vẫn mạnh mẽ, đã có những thành tựu mà độ lùi thời gian, độ lắng của những ồn ào "thị trường", "cải tổ" đã qua, cho phép ta khảo sát bình tĩnh hơn. Lớp nhà văn thành phố từ kháng chiến trở về vẫn tiếp tục viết về đề tài chiến tranh nhưng với góc nhìn mới, hoặc đi thẳng vào những vấn đề mới nảy sinh sau chiến tranh. Nguyễn Quang Sáng với các tập tryện ngắn Bàn thờ tổ một cô đào (1985), Tôi thích làm vua (1988)…; Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) với các tiểu thuyết Chân dung một quản đốc (1983), Ván bài lật ngửa (1987); v.v… đã cho thấy nhiều đổi mới trong đề tài và bút pháp, tiếp tục được bạn đọc giành nhiều cảm tình và thích thú. Thời gian này, một số nhà văn từng nung nấu nhiều năm việc cần phải thay đổi cơ chế cũ, nay gặp chủ trương đổi mới nên rất phấn khởi. Nhiều sáng tác ra đời mang nặng tâm tư tình cảm bức xúc đổi mới và cố gắng phản ánh hiện thực bất cập của cơ chế cũ đang đi vào sụp đổ nếu không kịp thời đổi mới. Nhật Tuấn liên tiếp cho ra một loạt những tiểu thuyết Bận rộn (1985), Tín hiệu một con người (1986), Mô hình và thực thể (1986), Biển bờ (1987), Lửa lạnh (1988), và đáng chú ý là Đi về nơi hoang dã (Nxb TpHCM, 1989, 263 trang). Đi về nơi hoang dã "có sức ám ảnh lớn", vấn đề đặt ra lớn và gai góc "có sự lãng phí nào hơn là phí hoài con người" (Nguyễn Thị Thanh Xuân: 25 năm một vùng tiểu thuyết, Nxb Khoa học xã hội, 2002). Trần Văn Tuấn cũng cho ra một loạt tiểu thuyết: Từ một chuyến tàu (1985), Ngõ hẻm bên cầu (1985), Qua tuổi 20 (1986), Ngày không giờ (1986), Nỗi đau của một người cha (1987), Ngày thứ bảy u ám (1988), Cuộc ly hôn cuối cùng (1988), Bài hát cho một người (1988), Mưa tím (1988), Giấc mơ ban ngày (1988), Một trường hợp ra đời (1988), Trái tim han rỉ (1988), Người đàn bà bị săn đuổi (1989)… Tác phẩm của Trần Văn Tuấn phần lớn thể hiện sự khao khát tình yêu, hạnh phúc, tự do…, trong số đó có một vài tác phẩm như Ngày thứ bảy u ám (Nxb Hải Phòng, 165 trang) viết về một người có chức có quyền nhưng không đủ năng lực gánh vác trọng trách nên đã trượt dài trước cái xấu, cái ác, "vạch ra cho người đọc thấy những sai trái một thời, khẳng định đã đến lúc hủy bỏ chúng đi nếu muốn tạo ra một xã hội tốt đẹp" (Nguyễn Thị Kim Anh, 25 năm một vùng tiểu thuyết). Triệu Xuân có các tiểu thuyết Giấy trắng (1985), Trả giá (1988) đều do Nxb Văn nghệ Tp HCM in, dày trên dưới 500 trang, được dư luận chú ý, sau này còn tái bản. Hoàng Lại Giang có Gương mặt cuộc đời (1987), Ký ức tình yêu (1988)…; Trần Công Tấn có Mối tình tan vỡ (1988), v.v… Trần Thanh Giao có các tập bút ký Thị trấn giữa rừng Sác, (Nxb Văn nghệ Tp HCM, 1985), Bầu trời thềm lục địa (Nxb Trẻ, 1986), viết về những thay đổi của thành phố và miền Nam qua 10 năm giải phóng (đường xe xuyên rừng Sác, lớp học tình thương, người lái máy bay lên thẳng phục vụ dàn khoan dầu khí…), và tiểu thuyết Một thời dang dở (Nxb Văn nghệ Tp HCM, 1988), lấy bối cảnh là vùng rừng Sác Cần Giờ qua thời chống Mỹ rồi thời làm "nông trường - trại giam"…, nhìn sâu vào những nguyên nhân tất yếu dẫn đến nguy cơ sụp đổ của cơ chế cũ cùng số phận con người "dang dở" một thời , và dự báo hướng phát triển của công cuộc đổi mới sắp diễn ra; đây là "cuốn tiểu thuyết gây được ấn tượng" (Ngọc Tỉnh, báo Nhân dân), "có một sự 'phá cách' trong lối viết" (Ngô Vĩnh Bình, Văn nghệ Quân đội), "những trang viết công phu, với màu sắc thật là Nam bộ, nhân tố mới được hết sức tìm kiếm, nâng niu, vậy mà trên báo chí văn nghệ chưa nói đến" (Nguyễn Đình Thi, Nhân dân), "xếp vào số những cuốn tiểu thuyết được mong đợi" (Thanh Vân, Văn nghệ Đồng Nai)… Tuy nhiên, phần lớn những tác phẩm này được thai nghén trước Đại hội Đảng VI nên lối viết vẫn còn bị những "dây trói" cũ, muốn thoát ra nhưng chưa thoát được hoàn toàn, còn rào đón, "ẩn dụ"… So với xu hướng "cải tổ" đang chiếm ưu thế trong việc đề cao các tác phẩm mới in đi tìm những "liều thuốc mạnh cho cải tổ", những cố gắng mới này trong "xu hướng đổi mới" của các nhà văn thành phố cũng như nhiều nhà văn khắp cả nước lúc đó, dù có "gây được ấn tượng" vẫn chưa được chú ý, và cùng với thời gian, có thể bị "bỏ quên" nếu không có một cái nhìn thấu đáo.
Nhìn chung thời kỳ này, sáng tác của các nhà văn được "cởi trói" bắt đầu nở rộ nhưng cũng còn ngập ngừng, dè dặt. Đó là dòng chảy chính. Bên cạnh đó, một số tác phẩm có "liều lượng mạnh" lại đi quá đà, có quyển sa vào lệch lạc về tư tưởng, theo xu hướng nguy hiểm của "cải tổ" hoặc chạy theo thị hiếu không lành mạnh, sa đà vào tình dục… Nếu quan sát tình hình trên quan điểm "văn nghệ là một mặt trận" thì thấy thời kỳ này, xu hướng "cải tổ" đang chiếm thế mạnh, tuy nhiên cuộc đấu tranh với xu hướng này trong giới văn chương cũng mạnh mẽ, có người đã có tác phẩm "nổi cộm", có người đã ký tên vào "kiến nghị cải tổ" nhưng đều nhanh chóng nhận ra ngay sai lầm của mình và quay lại đấu tranh rất mạnh mẽ với xu hướng "cải tổ". Cuộc đấu tranh này không chỉ riêng trên "mặt trận văn nghệ" mà trên khắp các "mặt trận", chủ yếu là chính trị tư tưởng, và thắng lợi chủ yếu từ "mặt trận chính trị tư tưởng". Nhờ đó, xu hướng "cải tổ" trong văn học rút lui dần, nhưng nó chưa mất hẳn mà chuyển sang hình thái mới.
Thời kỳ từ 1991 đến 1995:
Trong thời kỳ này, sáng tác văn học của thành phố tiếp tục phát triển, một số tên tuổi mới dần tự khẳng định trên văn đàn. Có thể kể: Nguyễn Đông Thức, Phan Thị Vàng Anh, Hoàng Đình Quang, Đoàn Thạch Biền, Mường Mán, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trầm Hương, Ngô Thị Kim Cúc, Thái Thăng Long, Bùi Chí Vinh, Phạm Sỹ Sáu, Đỗ Trung Quân, Trương Nam Hương, Thanh Nguyên, Nguyễn Thái Dương, Phạm Thị Ngọc Liên, Khánh Chi, Tôn Nữ Thu Thủy, Lê Minh Quốc, Trần Hữu Dũng, Võ Phi Hùng, Nguyễn Trọng Tín, và nhiều cây bút khác nữa, nhiều người đã sống ở thành phố từ trước giải phóng. Phần lớn những cây bút này đã viết trước thập niên 1990, có người còn viết trước ngày giải phóng, đến thời kỳ này họ đã tự khẳng định mình là những nhà văn đang sung sức của thành phố. Nguyễn Đông Thức đã viết hơn chục tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn: Ngọc trong đá (1986), Mưa khuya (1987), Trăm sông đổ về biển (1988), Vĩnh biệt mùa hè (1990), Ngôi sao cô đơn (1992), Vòng tay bè bạn (1997), Trái tim con rắn (1994), Những câu chuyện tình (1994)…, dăm kịch bản phim truyện và vài kịch bản sân khấu, trong vòng mươi lăm năm, và khá "ăn khách". Nguyễn Đông Thức là sinh viên đại học Sài Gòn, sau giải phóng anh tham gia Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam. Ngọc trong đá (Nxb Trẻ) là tiểu thuyết đầu tay của anh có tiếng vang rộng rãi. "Nó đã đến với người đọc nhẹ nhàng và để lại trong lòng họ những cảm xúc sâu lắng… Chất lý tưởng và lãng mạn tràn đầy, bàng bạc như một thứ men say, mãi làm những lớp thanh niên ngày ấy và ngay cả bây giờ vọng tưởng về những chàng trai, những cô gái đã có những tháng ngày tự vượt qua bản ngã để khẳng định cái tôi đích thực của mình: một thực thể của quê hương yêu dấu" (Nguyễn Thị Kim Anh, 25 năm một vùng tiểu thuyết). Những vấn đề Nguyễn Đông Thức đặt ra trong tác phẩm của mình là những vấn đề mà tuổi trẻ mới bước vào đời rất quan tâm, mở ra một hướng đề tài mới mẻ và rất cần thiết cho văn học thành phố mới giải phóng, cách giải quyết nhẹ nhàng, có đạo lý khiến tác phẩm anh được bạn đọc tiếp nhận và mến mộ. Phan Thị Vàng Anh tốt nghiệp Y khoa Tp Hồ Chí Minh 1993, ngay từ những tác phẩm đầu tiên, chị đã thể hiện một phong cách riêng, được bạn đọc mến mộ. Có thể kể những tác phẩm đã xuất bản của chị: Khi người ta trẻ, truyện ngắn (1993), một năm sau được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Ở nhà, truyện vừa (1994), Hội chợ, truyện ngắn (1995)…
Nguyễn Thị Minh Ngọc vừa làm đạo diễn sân khấu vừa viết văn, các tập truyện ngắn Ngọn nến bên kia gương (1992), Một mình bước tới (1994) của chị mang đến những đề tài mới, một giọng văn nữ mới trong văn xuôi thành phố. Truyện dài Trình Tiên (1995) và truyện vừa Năm đêm với bé Su (1995) cũng được dư luận chú ý, riêng cuốn sau được giải A Văn học thiếu nhi của Nxb Kim Đồng. Chị cũng được giải thưởng kịch bản sân khấu toàn quốc với vở Đứng giữa đồi cao, và giải thưởng của Hội Sân khấu và Đài Truyền hình Tp Hồ Chí Minh với kịch bản Một nửa của tôi đâu?
Hoàng Đình Quang từng đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ, đã có một số sáng tác trước đó, sau giải phóng, anh làm báo, thời kỳ này mới viết văn trở lại. Anh có tiểu thuyết Những ngày buồn (1992) được giải thưởng Văn học công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nói về những người lao động bị mất việc sau khi chế độ bao cấp bị xóa, cơ quan xí nghiệp bước đầu chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Anh cũng có tập truyện ngắn Mùa chim ngói (1995), được dư luận chú ý.
Mường Mán là một cây bút văn xuôi viết rất khỏe, chỉ trong vòng năm, bảy năm đã in ra hơn chục cuốn tiểu thuyết "bán được". Có thể kể: Lá tương tư (1989), Tuần trăng mê hoặc (1990), Mùa thu tóc rối (1990), Chiều vàng hoa cúc (1992), Trộm trái vườn người (1993), Bèo nước long đong (1995)… Phạm Thị Ngọc Liên viết báo, có lúc làm diễn viên điện ảnh, làm thơ, viết văn… Chị có những tập thơ Những vầng trăng chỉ mọc một mình (1989), Biển đã mất (1990), Em muốn giang tay giữa trời mà hét (1992)…
Trầm Hương quê ở Bến Tre, xuất thân là một kỹ sư trồng trọt, rồi làm cán bộ biên tập cho Đài truyền hình Vũng Tàu, sau về làm cán bộ Nhà bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tại thành phố Hồ Chí Minh; chị viết nhiều thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết… có nhiều sáng tác được chú ý như các tiểu thuyết Thị trấn không đèn (1990), Mưa biển (1991), Người đẹp Tây Đô (1996) và nhiều tác phẩm dài hơi, có tiếng vang sau này nữa như Đêm trắng của Đức giáo tông, hay Mẹ, tập ký sự về các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nguyễn Trọng Tín trong kháng chiến chống Mỹ từng làm du kích xã, công tác thanh niên rồi làm văn nghệ ở Cà Mau, về "định cư" ở thành phố Hồ Chí Minh khá muộn; anh lớn lên từ vùng căn cứ nổi tiếng của Nam bộ, với các trường ca Đầu mùa mưa (1980), Chân dung người du kích (1985), các tập thơ Dấu chân trong rừng, Mưa bay trên sông (1990) và tiểu thuyết Bè trầm (1989) báo hiệu một cây bút Nam bộ rất có sắc thái… Những tập truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ… của những tác giả đã kể bên trên, và nhiều tác giả khác nữa của thành phố, làm nên bức tranh màu sắc rộn ràng của những cây bút đang sung sức và càng ngày càng tự khẳng định.
Một nét đặc biệt nữa của thời kỳ này là những "tác phẩm thị trường" ra khá ào ạt, bán được và người viết có tiền, trong khi việc kiếm được tiền trong giai đoạn này đối với người cầm bút là rất vất vả. Hiện tượng này đáng để công quan sát vì đây là một tình hình rất mới của văn chương trong cơ chế thị trường. Vì sao sách bán được, bán chạy, bán có lời trong khi sáng tác văn học đang gặp nhiều khó khăn?
Có một cuốn tiểu thuyết nhan đề Người tình của một nhà xuất bản địa phương in ra năm 1990, bán chạy, và gây được chú ý trong giới văn chương. Tác giả cuốn sách là Trần Thị Vân Thanh, lúc đó ở tại Mỹ Tho, khoảng 30 tuổi. Cuốn sách hai tập, dày 800 trang, vừa lấy bối cảnh của thành phố Sài Gòn lúc đó vừa mở rộng ra các tỉnh lân cận, miền Đông, miền Tây. Người tình kể lại cuộc đời và số phận bi đát của một cô gái mới lớn lên sau ngày giải phóng, chia làm ba phần với ba tựa đề: Người con gái đau khổ, Người vợ bất đắc dĩ, Người tình. Cô gái 19 tuổi đang học ở Sài Gòn bị mẹ gọi về quê gã chồng để đổi lại việc em trai khỏi làm nghĩa vụ quân sự đi chiến trường đang đánh nhau. Cô được những người tốt giúp đỡ thoát khỏi cảnh ép buộc, trở lại với trường, với người yêu. Ở đâu cũng có người tốt người xấu, và cô bị vu cáo là ăn cắp, bị làm nhục, phải bỏ trường đi lang thang và ngất xỉu. Một người tốt cứu cô đem về nhà và bị em trai người đó lập kế lừa cô vào tròng và ép làm vợ. Cô trốn khỏi gia đình chồng và mẹ chồng độc ác, vào làm việc cho một công ty thì lại bị giám đốc lợi dụng, hành hạ. Một họa sĩ tốt cứu cô, dạy cô vẽ và cô bán tranh được tiền, cô yêu và làm người tình của ông ta, nhưng lương tâm dằn vặt vì ông đã có vợ. Cô trốn khỏi mối tình, lao động chân tay kiếm sống, nuôi con, và chết vì kiệt sức. Tóm tắt nội dung cuốn sách như vậy cũng đủ thấy đặc điểm của loại "sách thị trường". Đó là sách đáp ứng thị hiếu, có nhiều "chuyện", "biến cố" dồn dập, số phận nhân vật luôn "chuyển hướng". Bố cục cũng chẳng có gì phải dụng công, như người đan áo cứ kéo sợi chỉ từ cuộn len ra mà đan tới. Người viết không có ý "phê phán" ai, cũng không có "ẩn ý" gì làm người biên tập, hay "đầu nậu" in và bán sách phải lo ngại. Văn chương sống động, không rẻ tiền, nhưng đọc xong, âm vang trong lòng người đọc lại không nhiều và người ta cũng… quên luôn.
"Sách thị trường" đặt ra nhiều băn khoăn cho những ai quan tâm đến văn học. Đây không phải là một ví dụ cá biệt, nó khá tiêu biểu cho loại sách (kể cả sách dịch của các tác giả chẳng tiêu biểu cũng chẳng có tên tuổi gì ở nước ngoài được in ra ào ạt) bán chạy, có thể nuôi sống người viết và làm giàu cho những người in ấn, phát hành, lúc đó gọi là "đầu nậu". Nó có mặt tích cực làm đa dạng, phong phú thị trường sách, nhưng cũng có nhiều mặt tiêu cực, phá hỏng thêm chuẩn mực chất lượng của văn chương đích thực, nhất là trong tình hình văn chương trong nước nhiều chục năm qua chuẩn mực đã bị vận dụng lệch lạc. Hậu quả là sách ra nhiều, thị trường phong phú, nhưng người đọc, lúc đầu được cho là "có quyền lựa chọn món ăn tinh thần", song thực tế bây giờ không còn biết đâu mà lựa chọn nữa.
Người đọc bị "áp đặt" phải đọc những loại sách được in ra, đến mức không còn muốn đọc, nên quay lưng lại với loại sách "thị trường", trong khi sách mang tính văn chương lại khó in, khó bán. Xã hội đã kêu lên: sách văn học in ra quá nhiều nhưng sách hay lại quá ít. Có ý kiến đặt trách nhiệm về phía giới sáng tác, kể cả những ý kiến chính thống. Nhưng nếu hỏi: thế nào là sách hay thì ngay cả những ý kiến chính thống cũng lúng túng hoặc trả lời chung chung: đó là sách có tính tư tưởng và nghệ thuật cao. Nhưng làm sao viết và in ra sách có tính tư tưởng và nghệ thuật cao khi mà người ta đang ào ạt in và bán, thậm chí trao giải thưởng, cho những "sáng tác đời thường", nghệ thuật thì phải phù hợp với cảm xúc thẩm mỹ của những hội đồng trao giải vốn đã bị hướng từ những cảm thụ thẩm mỹ riêng.
Một Việt kiều về nước dự một hội thảo khi được phỏng vấn đã nói rằng cuốn tiểu thuyết A được giải trong nước nhưng nếu dịch và bán ở nước ngoài chắc là khó vì không hợp thị hiếu. Có quá nhiều vấn đề về "sách thị trường" nhưng có lẽ điều đầu tiên cần giải quyết là đánh giá các sáng tác văn học theo đúng chuẩn mực chất lượng đã đề ra tức tác phẩm có tính tư tưởng và tính nghệ thuật cao. Mọi người ai cũng nhất trí với chuẩn mực này, nhưng vấn đề hiện đang mắc ở khâu thực hiện, khâu vận dụng chuẩn mực, vì có khi chuẩn mực chỉ nằm trên giấy, trong nghị quyết của Đảng, của Hội Nhà văn, của sự hướng về chân thiện mỹ trong quần chúng, nhưng khâu thực hiện lại làm khác - có khi làm ngược lại - vì đây là một lĩnh vực hết sức tế nhị và phức tạp, lại không nằm trong sự kiểm soát của đông đảo quần chúng hướng về chân thiện mỹ, cũng không nằm trong sự kiểm soát của các tổ chức đề ra chuẩn mực đã nêu bên trên, (ví dụ như có ý kiến cho rằng xu hướng hiện nay là đang tạo ra thói quen không quan tâm đến những vấn đề tư tưởng mà các tác phẩm văn chương đặt ra cho xã hội - cái có giá trị nhất và cũng là khó nhất trong sáng tác văn chương - mà chỉ quan tâm đến các tác phẩm nói về số phận riêng tư của con người, nói cách khác là xem nhẹ "văn chương tư tưởng" mà xem trọng "văn chương đời thường", chú ý nhiều đến việc thể hiện và thưởng thức cái xấu, cái đốn mạt mà lơ là việc thể hiện và thưởng thức cái đẹp và cái cao thượng). Đây là khâu yếu nhất cần được gấp rút nghiên cứu và có biện pháp giải quyết căn cơ và thấu đáo (tất nhiên là rất phức tạp và khó khăn) nếu muốn đưa văn chương thoát khỏi tình trạng hiện nay.
Một điều cũng không nên quên là xu hướng "văn chương cải tổ" chiếm thế áp đảo mấy năm trước, thời kỳ này tạm lui và chuyển sang lặng lẽ hơn, từ trực diện khẳng định xu hướng "cải tổ" sang đề cao những tác phẩm có "xu hướng cải tổ", hoặc những tác phẩm "đời thường"… thỉnh thoảng lại gây những phản ứng trong dư luận…
Thời kỳ từ 1995 đến 2000: Thời kỳ này có mấy đặc điểm đáng chú ý:
Thứ nhất:
Lớp nhà văn thành phố tạm gọi là "lớp sau 1975" dần trưởng thành, viết đều và sung sức, nhiều sáng tác mới ra đời đề cập nhiều đề tài và lĩnh vực mới trong đời sống xã hội. Nhiều người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, như Nguyễn Nhật Ánh, Phan Thị Vàng Anh, Đoàn Thạch Biền, Lê Thành Chơn, Nguyễn Trí Công, Ngô Thị Kim Cúc, Lê Xuân Đố, Đặng Hấn, Đào Chí Hiếu, Tô Hoàng, Trương Nam Hương, Trầm Hương, Phan Triều Hải, Kim Quyên, Lê Minh Quốc, Lê Thị Kim, Phạm Thị Ngọc Liên, Thái Thăng Long, Tạ Nghi Lễ, Trần Hữu Lục, Mường Mán, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phan Tường Niệm, Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Thảo Phương, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Hoàng Đình Quang, Phạm Sĩ Sáu, Cao Xuân Sơn, Lê Quang Sinh, Phùng Thiên Tân, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Vũ Tiềm, Trần Quốc Toàn, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Trường, Tôn Nữ Thu Thủy, Inrasara… Danh sách này mỗi năm lại được bổ sung những tên tuổi mới như Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Ngọc Thường Đoan, Nguyễn Hồ, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Thái Dương, Lê Hoàng Anh, Nguyễn Công Bình, Trần Hữu Dũng, Võ Thị Kim Liên, v.v…
Trong số này, có những nhà văn viết rất khỏe và ngày càng tỏ ra sung sức, có người có thể sống được bằng ngòi bút của mình. Có thể kể trường hợp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nguyễn Nhật Ánh vừa viết văn, vừa làm thơ. Anh có mặt trên văn đàn rất sớm sau ngày thành phố giải phóng. Thơ anh cùng với thơ Lê Thị Kim mang đến cho thơ thành phố hơi thở mới. Anh quê miền Trung, học tiểu học và trung học tại quê nhà, rồi vào Sài Gòn học Đại học sư phạm. Sau ngày giải phóng, anh đi thanh niên xung phong, làm công tác thiếu nhi, dạy học. Mảng sáng tác quan trọng nhất và thành công nhất của anh là viết cho thiếu nhi. Anh cũng được nhiều giải thưởng văn chương trong lĩnh vực này. Anh có sách xuất bản từ những năm 1980 và in sách đều đặn từ đó đến nay, mỗi năm ít nhất cũng có một cuốn. Từ 1995, anh cho xuất bản truyện dài nhiều tập Kính vạn hoa được dư luận đánh giá tốt, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam… Trầm Hương cũng là một nhà văn trẻ, sung sức, gặt hái được nhiều thành công như đã giới thiệu bên trên. Trẻ hơn nữa có Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Châu Giang… mà tên tuổi đã được người trong giới và bạn đọc chú ý…
Thứ hai:
Nhiều nhà văn lớp trước vẫn sáng tác và in sách đều, có những nhà văn in hàng loạt sách hoặc cho ra mắt bạn đọc những sáng tác hay, khác với những giai đoạn sáng tác trước. Đó là trường hợp của các nhà văn đã ngoài bảy mươi tuổi như Trang Thế Hy, Nguyên Hùng, Trần Kim Trắc, Hàn Thế Khương, Phạm Tường Hạnh, v.v…
Nguyên Hùng (sinh năm 1927) có nét đặc sắc về những tiểu thuyết tư liệu rất được bạn đọc mến mộ như Người Bình Xuyên (1985, 1988), Sư thúc Hòa Hảo (1990), Nữ kiệt miền Tây (1992), Qua bến (1995, viết về tướng Huỳnh văn Nghệ), Nguyễn Bình - Huyền thoại và sự thật (1995), v.v… Phạm Tường Hạnh (sinh năm 1920) có bộ ký sự lịch sử phản ánh cuộc đấu tranh cách mạng từ tháng 8-1945 đến 30-4-1975 gồm bốn tập: Giọt mật cho đời (1994), Đất Sài Gòn (1995), Bức thư tìm cha (1995), Muôn nẻo đường đời (1996).
Trần Kim Trắc (sinh năm 1929) được chú ý từ tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện ngắn Ông Thiềm Thừ (1994) sau đó viết thêm nhiều truyện ngắn được bạn đọc thích thú.
Hàn Thế Khương (sinh năm 1930) có hai bộ tiểu thuyết tư liệu lịch sử kháng chiến của miền Tây Nam bộ: thời chống Pháp gồm ba cuốn 1.500 trang là Mùa mưa năm ấy, Tạm biệt quê nhà, Ở lại miền Nam (đều in năm 1996) và thời chống Mỹ gồm ba cuốn 2.000 trang là Xóm làng êm ả (2002), Mai nở đầu phố, Trở lại cố hương (hai cuốn sau đang nằm ở nhà xuất bản, chờ in vào các năm trước mắt).
Trang Thế Hy (sinh năm 1924) lặng lẽ viết và in sách, chủ yếu là truyện ngắn, từ Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981) đến Vết thương thứ mười ba (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993), gần đây đã được nhận Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác.
Thứ ba:
Một số tác giả thành phố có sáng tác hay, được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể kể tiểu thuyết Một ngày và một đời của Lê Văn Thảo và tập thơ Cõi lạ của Nguyễn Thị Thu Nguyệt. Cõi lạ của Nguyễn Thị Thu Nguyệt do Nxb Thanh niên ấn hành năm 2000, được giải B về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Toàn bộ tập thơ man mác một nỗi buồn, nhưng là cái buồn hướng thiện, cái buồn của những người sáng tạo, muốn đóng góp cho đời nhưng luôn cảm thấy mình còn làm được ít quá. Tập thơ mang rung cảm của người dân xứ ruộng đồng mênh mông sông nước của châu thổ Cửu Long, với những câu thơ dễ thuộc, dễ nhớ. Đây là một tập thơ hay. Tiểu thuyết Một ngày và một đời của Lê Văn Thảo do Nxb Trẻ ấn hành năm 1997, năm sau được giải A văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam. Phải nói rằng trước và sau mốc đó mấy năm, tiểu thuyết được giải A của Hội Nhà văn Việt Nam là hiếm. Giải A này quả là một sự "đột khởi" của văn xuôi cả nước. Cuốn sách viết về cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân vào Sài Gòn nhưng không đề cập chính diện mà thông qua cái nhìn của lớp người trẻ hôm nay.
Tóm tắt nội dung quyển sách như sau: Mai Hương, nữ phóng viên, con gái của một nữ chiến sĩ biệt động đã hy sinh, nghe tin công trình liên doanh xây dựng một khách sạn lớn trên nền cũ của một cư xá Mỹ phải ngưng vì công nhân bắt gặp một số hài cốt. Cô đến gặp Ba Hoàng, giám đốc công ty Việt Nam đối tác, cũng là người chỉ huy cũ của đội biệt động còn sống sót, để hỏi về mẹ và đồng đội mẹ mình nhằm viết cho xong thiên ký sự mà cô hy vọng nó sẽ là điểm tựa tinh thần giúp cho cô một mình tiến bước trong cuộc sống côi cút. Từ Ba Hoàng, cô lần tìm ra những người khác. Và sự thật về cuộc đời khổ cực và cuộc chiến đấu không cân sức nhưng anh dũng tuyệt vời của mẹ mình và đồng đội bị mất tích… dần dần được hé mở. Qua đó, cũng hé mở dần tính cách và số phận của từng nhân vật, kể cả Ba Hoàng, người chỉ huy hèn nhát và cũng là người cha đẻ của cô nhà báo mà ông ta lẩn tránh không dám nhận; bây giờ, ông ta lại muốn quay lưng trước hài cốt đồng đội và người tình để không bỏ lỡ "tiến độ xây dựng" và sợ "vi phạm hợp đồng" trị giá hàng triệu đô la… ảnh hưởng đến chức tước và cuộc sống giàu sang, vợ con êm ấm của mình. Cuốn sách hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối theo bước chân đi làm ký sự điều tra của cô nhà báo, tìm nhân chứng, rồi mất đầu mối, từ lần dò tìm gặp bà lão dở người trong xóm nhỏ đến tay anh chị năm xưa… Cả Sài Gòn cũ và vùng nông thôn Nam bộ xưa hiện ra thấp thoáng, khi mờ khi tỏ; cuộc chiến đấu lớn lao vĩ đại được thuật lại qua lăng kính đời thường, giây phút quyết liệt nhất, hào hùng nhất của mẹ cô được thuật lại qua sự chứng kiến tận mắt của một anh chàng đang … đi hôi đồ Mỹ… Cuối cùng thì cô nhà báo cũng hoàn tất thiên ký sự tuyệt đẹp và tuyệt hay về cuộc đời của mẹ mình, cũng là cuộc đời của chính mình mà trước đây cô vẫn mù mờ chưa rõ…
Đây quả thật là một cuốn tiểu thuyết hay, xứng đáng với giải A. Tiếc rằng cuốn tiểu thuyết này - cũng như rất nhiều cuốn sách hay khác - chưa được giới thiệu đúng với giá trị thật sự của nó. Hai cuốn văn và thơ nói trên chỉ là vài ví dụ.
Trong 30 năm qua, các tác phẩm thơ văn của thành phố được giải thưởng của Thành phố hoặc của Trung ương phải kể đến hàng trăm, lại còn nhiều cuốn sách hay nữa bị "bỏ quên", nếu được đánh giá và giới thiệu đúng chuẩn mực văn chương là chân, thiện, mỹ thì bức tranh sáng tác văn học của thành phố (cũng như của cả nước) trong mấy chục năm qua sẽ tươi tắn và rực rỡ hơn nhiều… Một nhà thơ đã có lý khi trả lời phỏng vấn của một tờ tạp chí, cũng là trả lời cho câu hỏi "sao ta chưa có sáng tác văn học xứng với tầm vóc lớn lao của cuộc sống và chiến đấu của dân tộc", câu trả lời đó thế này: Sách hay thời nào cũng có, vấn đề là ta đọc nó như thế nào…
Thời kỳ từ 2001 về sau: Thời kỳ này có mấy điểm đáng chú ý:
- Các nhà văn lớp chống Pháp chống Mỹ vẫn tiếp tục viết. Nhiều nhà văn ra tuyển tập: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn… Nhiều nhà văn ra sách mới: Thanh Giang có Khúc chuông chùa (2001) viết về chiến sĩ biệt động thành phố Sài Gòn dài hơn 600 trang; Lê Văn Thảo có tiểu thuyết Cơn dông (2002) được giải B Hội Nhà văn Việt Nam; Trần Thanh Giao có Tuyển tập truyện ngắn (2002), tập ký Ai vượt Cửu Long Giang (2003) và tập phê bình tiểu luận Ai tri âm đó (2003); Minh Khoa có kịch bản văn học Theo bước chân Võ Văn Tần (2003); Lê Văn Duy có tiểu thuyết Thời trốn nắng (2004) dài gần 800 trang, Trần Công Tấn có Người đi từ bến làng Sình (2004) dài 600 trang, v.v…
- Các nhà văn "lớp sau 1975" ngày càng sung sức, dần trở thành lực lượng sáng tác chủ lực của thành phố. Trần Văn Tuấn có tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong (2004); Triệu Xuân có tiểu thuyết Cõi mê (2004) dài gần 600 trang; Trầm Hương có tập truyện Mẹ (2002), viết về các bà mẹ Việt Nam anh hùng; cả hai cuốn đều có dư luận tốt cả trong Nam ngoài Bắc. Kim Quyên có tập truyện ngắn Người dưng khác xứ (2004); Phan Ngọc Thường Đoan có tập thơ Đếm cát (2003); Nguyễn Vũ Tiềm có tập thơ Hoài nghi và tin cậy (2004), v.v… Những nhà văn nhà thơ "lớp sau 1975" đã giới thiệu bên trên như Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thái Dương… cũng có những sáng tác mới, có quyển in rất đẹp, v.v…
- Đặc biệt một lớp người viết văn mới, còn rất trẻ, tạm gọi là "lớp sau 2000"xuất hiện ngày càng đông đảo. Nhiều người có sáng tác tốt, lần lượt trở thành hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh như: Nguyễn Thúy Ái, Trần Gia Bảo, Nguyễn Thị Cẩm Châu, Phan Hoàng, Nguyễn Hồng Lam, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Trọng Nghĩa, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Thu Phương, Bùi Anh Tấn, Phan Trung Thành, Liêm Trinh… Nhiều người vì hoàn cảnh khác nhau chưa vào Hội nhưng cũng có nhiều sáng tác đáng chú ý như: Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Tiến Đạt, Đoàn Tú Anh, Võ Ca Dao, Võ Mạnh Hảo, Thúy Hằng, Trương Gia Hòa, Nguyễn Danh Lam, Thục Linh, Hải Miên, Hà Đình Nguyên, Kim Nhường, Song Phạm, Trần Đình Thọ, Đoàn Diễm Thuyên, Trương Huỳnh Như Trân, Bùi Thanh Tuấn, Nguyễn Phong Việt, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Hồng Dung, Lam Điền, Quân Thiên Kim, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy, Trần Văn Thưởng, Phương Trinh, và nhiều cây bút khác nữa.
Danh sách này ngày càng dài cùng với thời gian. Nguyễn Thúy Ái có các tiểu thuyết Suối nguồn mùa xuân (1999), Người đàn bà trên cánh gió (1999), Lời nguyện cầu của cô gái nhỏ (truyện thiếu nhi, 2001), Những người lãng mạn (tập truyện ngắn, 2002). Nguyễn Thu Phương trong vòng ba bốn năm đã liên tiếp in mấy tập truyện ngắn, có tập đã được tái bản: Cười trong mơ, Cây lẻ bạn, Những mảnh đời không khớp, Ngồi tựa mạn thuyền, Lối nhỏ vào đời… Cô còn có nhiều kịch bản sân khấu như Thời con gái đã xa, Ở trọ, Con yêu, Nhà có ba chị em, Màn kịch vụng về, Một nửa thiên đường, v.v… Nguyễn Thu Phương cũng vừa được giải C của Nhà xuất bản Thanh Niên và báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ năm 2004 với tập truyện ngắn Luân sinh. Bùi Anh Tấn cũng đã có mấy cuốn tiểu thuyết, đáng chú ý là Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (Nxb Văn hóa dân tộc, 2002) dài gần 700 trang với những dòng rất tâm huyết và những lý giải có chiều sâu và khá thuyết phục về thời đại của Nguyễn Trãi. Liêm Trinh ngoài những truyện ngắn được giải thưởng của báo Thanh niên in chung trong các năm 2002, 2003, còn có các truyện vừa Nàng võ sĩ bé bỏng (2002), Vua mộng mơ (2003)… Nguyễn Thị Cẩm Châu, ở thị trấn Cần Giờ, nơi có rừng và biển cũng có các tập truyện ngắn Bất ngờ lưng chừng trời (2003), Điên vì yêu (2003), truyện vừa Bất ngờ của rừng và biển (2004)… Phan Hoàng có các tập thơ Tượng tình (1995), Hộp đen báo bão (2002) và những tập phỏng vấn được chú ý như Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam (ba tập 1997, 1998, 1999), Phỏng vấn người Sài Gòn (hai tập, 1998, 1999), Phỏng vấn người Hà Nội (2000)… Ly Hoàng Ly được chú ý vì có hơi thơ riêng và lạ, có những chùm thơ được giải thưởng của báo Tuổi trẻ. Lê Thiếu Nhơn có các tập thơ Bài ca phía mặt trời (1997), Dốc gió (1999), Mưa khuya rơi tiếng gọi (2004)… Phan Trung Thành có các tập thơ Vọng sông quê (2001), Mang (2004), v.v…
Nhiều cây bút chưa phải hội viên nhưng cũng có sáng tác rất đáng chú ý như Nguyễn Ngọc Thuần, giải nhất cuộc thi Văn học tuổi hai mươi của Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh với tập truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và đứng đầu giải B (không có giải A) cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ của Nhà xuất bản Thanh niên và báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều bạn viết trẻ được Hội Nhà văn thành phố tài trợ một phần hay toàn phần để in sách hoặc tự mình in sách như quyển truyện ngắn Một nắm mưa trên Ngôi nhà Mondrian của Vũ Đình Giang và Phan Hồn Nhiên, in trong năm 2004 rất đẹp (Vũ Đình Giang cùng Trần Nhã Thụy đều được giải khuyến khích của cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ, và Đoàn Hoài Trung cũng được tặng thưởng của cuộc thi này). Nguyễn Danh Lam có tiểu thuyết Bến vô thường (Nxb Hội Nhà văn vừa in xong và nộp lưu chiểu trong quí I-2005) dài 300 trang, mới phát hành đã được chú ý. Trường hợp của Mạc Can khá đặc biệt, anh không còn trẻ tuổi đời, là nghệ sĩ sân khấu xiếc và hài, năm 2004 anh in tiểu thuyết Tấm ván phóng dao ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn và liền được dư luận rất khen, v.v…
Nhiều cây bút trẻ đã có năm, bảy đầu sách, với giọng điệu, đề tài, vấn đề… đặt ra rất mới mẻ. Ở đây chỉ xin điểm qua đôi nét về những cây bút trẻ trong tình hình văn học 30 năm qua của thành phố. Hội Nhà văn thành phố đang rất quan tâm bồi dưỡng lực lượng này bằng cách giúp in sách, mở trại bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ Khóa IV, mời đi tham quan thực tế như đối với các hội viên, và đã tổ chức cuộc gặp mặt những người viết văn trẻ thành phố lần thứ nhất vào cuối năm 2003. Còn nhiều điều cần phải quan sát sâu, theo dõi và giúp đỡ thấu đáo hơn, cũng như còn nhiều dịp để nói kỹ hơn về các cây bút trẻ tạm gọi là "lớp sau 2000" của thành phố…
- Điểm đáng chú ý nữa là ngày càng nhiều người quan tâm đến các trang web văn học trong và ngoài nước. Những năm đầu của thời kỳ này có trang web cinet do Bộ Văn hóa Thông tin quản lý, trụ sở chính đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Trang web này bao gồm mảng văn học Việt Nam rất rộng lớn từ Nguyễn Du cho tới các cây bút trẻ hiện nay, có các nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh đến các nhà văn thời chống Pháp, chống Mỹ, thời đổi mới và những cây bút trẻ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến đầu năm 2004, trang chủ này đã ngừng hoạt động.
-
- Ngoài nước, có thể kể các trang web Talawas ở Đức và Tiền vệ ở Úc do vài người Việt Nam chủ trì.
-
- Talawas thiên về ủng hộ những quan điểm không chính thống hoặc nói cách khác là ủng hộ việc thay đổi những quan điểm văn học chính thống trong nước (tất nhiên không chỉ trong văn học) và tham gia rất tích cực vào việc thảo luận những vấn đề văn học đang gây tranh cãi trong nước (như cuộc tranh luận và phê phán bài Trò chuyện với hoa thủy tiên của Nguyễn Huy Thiệp). Một số cây bút trong nước viết bài cho trang chủ này, trong đó có người ở thành phố Hồ Chí Minh.
-
- Tiền vệ thường tung lên mạng những sáng tác, những bài thơ có những từ ngữ mà trong văn chương người ta không dám viết thẳng ra, và cũng nói trắng ra quan điểm "không ưa cộng sản" của người viết. Đáng tiếc là một vài cây bút ở thành phố chưa đủ tỉnh táo khi tham gia sân chơi này. Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có một nhóm tự xưng là nhóm "Mở miệng" do một người Việt Nam ở nước ngoài về lôi kéo, dự định tổ chức "lễ ra mắt" tại một quán cà phê có tiếng của thành phố nhưng cơ quan chức năng nhắc rằng cuộc hội họp này không có đủ thủ tục nhóm họp theo đúng luật pháp hiện hành nên nó tự giải tán…
-
- Gần đây, một trang web văn học trong nước mới hình thành lấy tên là Văn nghệ đồng bằng sông Cửu Long do Công ty cổ phần phần mềm ITI có trụ sở chính ở Vũng Tàu và chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Trang chủ này giới thiệu văn nghệ và các tác giả của đồng bằng sông Cửu Long, tất nhiên là bao gồm cả tác giả của khu vực này đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ý định là rộng lớn, không chỉ bó hẹp ở văn nghệ khu vực… Rất mong trang chủ này sống khỏe và làm ăn đúng hướng… (Địa chỉ trang web: http://www.vannghesongcuulong.org ).
Văn chương Việt Nam có tiếng kêu "đoạn trường" của Nguyễn Du, và cũng có "thiên cổ hùng văn" của Nguyễn Trãi… Hai thiên tài ấy là hai đỉnh cao của sự đa dạng và phong phú trong xu hướng và phong cách sáng tác của văn chương Việt Nam. Chúng ta tự hào vì những tác phẩm đa dạng và phong phú của cha ông, không ngừng học tập, nỗ lực sáng tạo làm cho văn học thành phố và cả nước ngày càng có nhiều tác phẩm thật hay. Chúng ta không vì thích thú riêng, cảm thụ thẩm mỹ riêng mà đề cao một xu hướng này lại dè bỉu hoặc loại bỏ một xu hướng khác, luôn có ý thức đâu là xu hướng chủ đạo, cần cổ vũ, khuyến khích, nhất là trong khi chúng ta vẫn thường xuyên nhấn mạnh tác phẩm văn học hay phải có tính tư tưởng và nghệ thuật cao (tính tư tưởng luôn được đặt lên trước), cả hai tính này hòa quyện hữu cơ, không thể tách rời. Bởi vì mối quan hệ biện chứng này luôn luôn phải được xử lý thích đáng giữa "nội dung và hình thức", giữa "mục đích và phương tiện" (nội dung quyết định hình thức, mục đích quyết định phương tiện), thể hiện qua việc đấu tranh không dứt giữa "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh"…
Nếu nhầm lẫn hoặc đặt sai vị trí của các cặp phạm trù này trong lý luận, hoặc giữa "nghệ thuật" và "nhân sinh" trong thực tiễn, hay không hiểu thấu đáo đặc thù của sáng tạo văn chương nghệ thuật mà cứ "trói buộc", hoặc cổ vũ quá mức cho một xu hướng, nhất là xu hướng không chủ đạo, thì đó là nguồn gốc của sự bất ổn trong sáng tác và thưởng thức văn chương (như ta đã thấy trong mấy chục năm qua). Tuy nhiên, nhà văn và nghệ sĩ là những người hoạt động theo những đam mê và sở thích riêng, càng đam mê, họ càng có "đất" để làm nên những sáng tác tuyệt hay của riêng mình; và cũng không loại trừ những đam mê hoặc những thể nghiệm chưa chín chắn, có khi xa rời tính hướng thiện, hoặc có thể gây nguy hiểm hay hiểu lầm về chính trị, nhất là trong văn học, hình thái nghệ thuật gắn rất chặt với tư tưởng…
Nếu đặt các khái niệm sau đây cạnh nhau: "phủ nhận sạch trơn", "sám hối", "đời thường", "thị trường", "không có tác phẩm xứng đáng"… ta sẽ thấy có một "chuỗi" hoặc một "diễn biến" khá "hòa bình", vì "phủ nhận sạch trơn" và "chưa có tác phẩm xứng đáng" về nội hàm có gì là khác nhau…? Vì vậy, vai trò của những người được xã hội giao cho trọng trách "quản lý" văn hóa nghệ thuật cũng như những nhà phê bình lý luận (cả những nhà báo trên lĩnh vực này) là rất lớn, họ phải là những "nghệ sĩ tỉnh táo" nhất để vận dụng, điều hành những mối quan hệ hết sức tế nhị và phức tạp này, trên cái "mặt trận" hết sức nhạy cảm này, và họ cũng có trách nhiệm nếu không phải là lớn nhất thì cũng không nhỏ trong tình hình bất ổn của văn chương thời gian qua.
*
Nhìn chung, 30 năm qua, sáng tác văn học thành phố Hồ Chí Minh phát triển liên tục, lực lượng ngày càng đông, lớp sau nối tiếp lớp trước, có một dòng chảy chính đề cập mọi đề tài của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng sau chiến tranh, nhất là cùng nhịp bước, và có lúc cũng đi đầu trong dòng văn học đổi mới đúng đắn của đất nước, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của văn học cả nước, nhiều tập văn hoặc thơ thực sự là những cuốn sách hay. Nhiều nhà văn của thành phố được giải thưởng Hồ Chí Minh như Chế Lan Viên, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải. Nhiều nhà văn được Giải thưởng Nhà nước như Bảo Định Giang, Viễn Phương, Thu Bồn, Trần Bạch Đằng, Lê Đình Kỵ (và cũng có thể kể thêm Đoàn Giỏi và Lê Anh Xuân nữa vì nếu không hy sinh trong kháng chiến, chắc chắn Lê Anh Xuân sẽ về làm công dân thành phố như các đồng nghiệp Văn nghệ giải phóng của mình)…
Văn học thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận của văn học Việt Nam, ba mươi năm qua nó đã đóng góp nhiều cho văn học cả nước, cần có sự quan sát một cách toàn diện, cơ bản và thấu đáo mà bài viết này chỉ là sự gợi ý, mở đầu... Nguyễn Trãi từng viết: Họa phúc hữu môi phi nhất nhật, họa phúc đều có cơn cớ không phải chỉ trong một ngày. "Phúc" thì rất nhiều nhưng "họa" vẫn chưa thôi rình rập "lĩnh vực văn chương". Mà khi "họa" đã xảy ra thì không chỉ một xu hướng mà mọi xu hướng văn chương nghệ thuật mang bản sắc văn hóa dân tộc đều bị xóa sổ, phải mất biết bao thời gian, công sức mới phục hồi được. Đó không chỉ là giả định, cảnh báo mà là điều các nghị quyết chính trị thường nhắc nhở và thực tế đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới và ngay cả trong thành phố ta.
Hãy để cho văn chương thoát khỏi mọi trói buộc, kể cả trói buộc trong những xu hướng và cảm thụ hẹp hòi, để cho sáng tác ngày càng đa dạng và phong phú, miễn nó nhằm đúng mục đích hướng thiện, tức giữ vững định hướng của chủ nghĩa nhân văn, hướng tới cái đẹp và cái cao thượng. Phải chăng đó là hướng vận động ngày càng được nhận thức rõ của những người sáng tác, phê bình, lý luận cũng như thưởng thức văn chương trong xã hội ta thời gian sắp tới?