1. Kim, cố nhiên, vẫn nàng ta thôi; và câu chuyện được kể với một hư cấu đồng dẫn dắt câu chuyện như thế này thì thể nào cũng sẽ được gạo cội thơ ca hải ngoại vừa bóng gió vừa trắng tinh bảo đó là tự thuật đời tư (ý nói là tự truyện, khi không biết thuật ngữ đương đại là tiểu thuyết hồi kí; và lùi lại hiện đại chút, người ta gọi là hồi kí. Tất nhiên khái niệm hồi kí trong trường hợp có yếu tố tự truyện cao chắc là phù hợp). Nhưng các cuốn “tự truyện” trường thi, không thể dùng khái niệm hồi kí, vì bản thân nó là tiểu thuyết mất rồi. Các chất kí đã bị xử lí hư cấu, như thi pháp thôi. Trở lại cách dùng từ của thi bá kia, thì vấn đề là ông ấy muốn xéo xắt vào nội dung sự việc được kể chứ không phải cách kể. Kim nhận thấy, qua chuyện này, là: nhà tự sự thường không lẩm cẩm và thiển cận như nhà thơ. Thơ ca và tính đặc thù của kiểu tư duy và tổ chức, nhiều khoảng trống, nhiều khuất nẻo, dẫn đến sẽ tạo ra tính bất định, rủi ro từ khâu nghệ sĩ đến sản phẩm mà anh ta tạo ra.
Bật cười. Cô còn lẩm cẩm và biến thiên gấp mấy do cái tính miên man điên rồ -Kim tự bảo mình, trong lúc cảm giác cảm lạnh đang tăng lên giữa mùa hè. Đang nóng đến 40 độ ban ngày, 35 độ ban đêm, nhưng Kim để nhiệt độ phòng là 25. Không phải cô thích thế. Mà cái máy lạnh này vốn luôn để chế độ ấy từ khi có nó, mười mấy năm. Kim tìm thấy điều khiển nhưng nó đã bị hỏng do chảy pin từ bao giờ. Rồi lơ đãng, nàng lại cất chiếc điều khiển ấy vào ngăn kéo. Có thể năm 2032 cô sẽ lại mở ra. Năm 2052 gì đó, khi ấy cô chết rồi, sẽ đi tìm để bớt lạnh. Người ta bảo ở phía bên cõi chết, nhiệt độ thấp, lại gầy trơ xương, các người chết chịu lạnh kém. Thế đó. Thật ra, chết chỉ là tịnh tiến của mất trí nhớ giao cảm dần dần mà thôi. Nên mà, đâu có đáng sợ và đau đớn gì.
Sợ sốc nhiệt, Kim khoác áo, lấy tay che cổ họng, mở cửa. Trong nhà còn tối om. Vẫn nghe tiếng chiếc quạt điện nhỏ xinh của nàng dưới phòng ăn. Từ hành lang cửa phòng mình, nàng đã thấy bóng lờ mờ của Khoang Thạch và Mây Trắng. Khoang trên chiếc ghế bọc da Kim ngồi ăn cơm và làm việc. Mây nằm trên chiếc khăn tắm, sát với thùng bát đĩa Kim đã xếp gọn cất đi, dành việc làm cơm cúng các dịp. Cũng lạ. Dường như tụi nhỏ này luôn biết các ngã ba của ý nghĩ, của điểm nghẽn trong Kim. Nơi đó sẽ rộng mà chậm, thoáng mà ấm. Và chúng luôn ngủ ở đó, những đêm dài không theo Kim vào các giấc ho và đau của nàng nữa. Chúng nhìn Kim vẻ biết lỗi khi làm Kim dị ứng và ho suốt mùa xuân. Nhưng chúng lại cũng nhìn nàng bằng con mắt ấy, khi dời Kim, xuống ngủ ở tầng dưới, vừa ấm vừa mát, vừa không thấp thỏm suốt đêm cùng sự đau ốm và khó ngủ của nàng. Lạ thật. Cảm giác mắc lỗi là gì mà trẻ em, loài vật, người ốm đau, người vi phạm và các bậc tình nhân hay trải qua và trở thành ám ảnh nhỉ. Có phải vì chúng (là ví dụ Mây và Thạch) cảm thấy nợ nần áy náy đã lấy của Kim quá nhiều ân cần. Sự ân cần làm dịu và làm mềm, cũng nghĩa là sẽ làm yếu lòng cùng dễ vỡ. Sự đáp trả, trong một diễn biến nào đó, lại chính là cố gắng giành lại quân bình trong trao và nhận. Quân bình ý thức chủ thể cùng siêu tự do. Phải rồi. Mệt mỏi nhất là chịu tác động dồn đẩy ngoại lực. Một loại năng lượng vi phức. Đôi khi làm lai tạp, nhiễu loạn mà lại phải chi trả khó khăn cho rủi ro đó. Kim biết nàng tâm thần rồi. Vì ai kể chuyện giúp người viết truyện, lại để suy tư miên man dẫn mình lạc lối xa nhân vật, biến cố và tình tiết lâu đến thế. Nhưng ai là nhân vật? Hai con mèo kia hay là Kim và Quý và Kiên, hay là cái cô nhà văn? Chà. Ốm thật mất.
Cùng lúc chiếc áo sơ mi phả vào Kim một làn hơi ấm không liên quan đến ai hay đến cái gì cả, người đọc xin chớ đòi hỏi và mường tượng thế. Cô đâu đã gặp Quý, Kiên và vân vân, đâu biết vị mặn hay mùi lá sồi trên vai anh như cô đã kể. Là cô làm hỏng anh, làm nát anh, khiến anh biến dị đi cho vừa ảo giác gấp khúc trong cô thôi. Chiếc áo ấy có làn hơi ấm của chính ý nghĩ Kim phả vào. Kim thấy quý trọng nàng ở cử chỉ mẫn tiệp đó -biết lấy áo mà mặc vào. Để cảm thấy cơ thể và thân nhiệt của mình, để nghe thấy bầy chim ngoài vườn đã thức dậy. Và biết được hai con mèo đã ngủ ngon do ăn đủ no, nhiệt độ phòng vừa tới. Và Mây đã trải qua mà không thất bại đỉnh bệnh chiều qua.
Kim vừa xuống cầu thang vừa nhìn thấy cái đầu thanh tú cùng đôi mắt lúc này rất đen của nó ngước nhìn nàng. Mây một bên mắt màu xa phia. Một bên màu hổ phách. Trong khi mắt Thạch, cả hai, đều màu gạch non. Vậy nên, Mây luôn hiện ra nửa khuôn mặt, nửa kia cứ đi đâu xa vắng và bay bổng. Còn Thạch thì nói rằng cậu ra đang ở đây, đang nhìn cả hai mắt đây, sẵn sàng đây, chờ đợi đây. Không hiểu sao, sự khó nắm bắt và kiến giải của Mây, lại khiến Kim thấy bình an và xao động. Sự rõ ràng minh bạch và vuông vắn trong cái nhìn của Thạch, lại làm Kim thấy ngột ngạt.
Mây bị tai nạn, chấn thương cột sống. Chuyện này Kim đã cho các bạn biết rồi, trong lúc nàng từ nhà chàng Mun về. Liệt hai chân sau, kiệt sức. Nhìn Mây lạ lắm. Không cảm thấy nó đau hay đói. Chỉ cảm thấy sự bàng hoàng. Có phải cô ấy, cùng với nỗi kinh hoàng khi bị càng xe chèn ngang thân, đã vỡ lẽ về sự cô đơn thân phận. Cô đã chia sẻ tình yêu và hoan mê với Mun, tuần trăng non mềm nhất của đời cô, cùng chiếc đuôi dài và cong như trăng khuyết, hai cặp chân dài và dẻo, thân hình yêu kiều và mãnh liệt, nhất là đôi mắt. Pha lê và hổ phách. Trong suốt và nồng nàn và quét hết ẩn khuất. Và rất thơm mùi nắng. Chàng ấy đã hoàn toàn tan biến và tăng nhiệt cùng cô, anh chàng Mun kiêu ngạo, lực lưỡng và tràn đầy dục vọng của cả quận hạt này. Nhưng khoảnh khắc bất trắc, tan nát, vụn vỡ và sụp đổ Mây trải qua, Mun không biết. Tích tắc bên bờ vực, trong khi đèn pha của cuộc tai nạn quét vào mắt Mây, cùng tiếng la thét, truy hỏi, máu, rên rỉ, tiếng hỏi: có sao không? Là của nhà ai? Có vào đầu không? Lông như tuyết thế kia, máu loang nhìn sợ lắm? Làm sao bây giờ? Ồ, đó là tiếng của lốp xe, khung xe, của vành xe và mặt sân bê tông cuống lên. Chứ còn chủ nhân của chiếc xe máy chèn lên Mây, đâu có biết mình vừa gây tai nạn. Đôi tình nhân trẻ ấy lại cứ nghĩ có sự xóc lên là do hiệu ứng của những nụ hôn ngay khi chạy xe trên cao tốc.
Sao Kim biết chuyện đó? Nhìn vào đôi mắt tối sẫm của Mây, Kim hiểu. Những người con gái đẹp đến với tình, là để mang sắc đẹp phụng hiến tình. Không để mưu sinh, không vì xúc cảm của con tim. Mà họ thể hiện trách nhiệm với sự đẹp. Đẹp ấy là các nàng mang giùm tạo hóa, nàng là sứ giả. Ông Tạo khi muốn khích lệ hay ngợi khen, úy lạo các A đam của ổng, ổng đã sai các sứ giả xuống. Tại sao? Tại ông Tạo cai quản vũ trụ, ổng phải nhận được sự đánh giá tốt trong nhiệm kì không thời hạn của mình. Thế nên Mây mới chọn Mun. Và nhà Mun và nhà Mây ở hai bên đường giao thông. Thế nên Mây mới gặp nạn.
Lúc gặp nạn, cá tính và khí chất kiêu ngạo của công nương khiến trải nghiệm của cô, Kim đoán, khác biệt lắm. Cô cần tri kỉ hơn bất kì lúc nào. Nhưng ai nói rằng Mun là tri kỉ? Mây có hiểu điều này khi đây là mối tình đầu của nàng ấy. Không biết nữa. Nhưng mười mấy tiếng, Mây để đôi mắt đầy tràn nỗi trống rỗng, thất vọng. Nó từ chối sự quanh quẩn lo âu của Thạch. Lết như một đám mây đuối nắng ra khúc quẹo; từ đây có thể nhìn chếch sang mái nhà nơi Mun thường đứng đợi, từ lúc trăng chưa lên khỏi lùm cây xoài. Mây im lìm, không than thở hay đánh mắt cho ai. Nơi đầy gió, nắng và vắng tanh bóng người tình. Cứ thế, 12 giờ trôi qua.
2. Mây và Thạch là hai anh em cùng mẹ khác cha, gia đình Kim mang về nửa năm trước. Mây trắng muốt, đến từ ông bố Phần Lan. Thạch, trắng hơn cả muốt xen lẫn ghi xám, đến từ ông bố Anh quốc. Mẹ của tụi nhỏ là á hậu dòng Thái. Mây trắng, lông mượt, lưng dài võng, hông bó lại. Cô ta giống một công nương hơn là một đàn bà. Còn Thạch lại mặt ngắn, hông nở, lưng thẳng đơ, và ngắn, đuôi cũng ngắn. Hai đứa đứng bên nhau, y như một bộ đầm dạ hội giặt và treo cùng cái legging vậy. Khi còn nhỏ, Thạch hiền, hay bị Mây bắt nạt, cậu ta nhường cả. Thạch dễ ăn, dễ tính. Ăn bất cứ thứ gì Mây chê hoặc ăn thừa còn bỏ lại. Sự chậm chạp và nhu mì của cậu ta, cũng với tính dễ dãi đã khiến cậu ta mau chóng mờ nhạt, nhàm chán. Lạ lắm con người và cả con vật. Luôn dồn nước vào chỗ trũng. Luôn yêu thích sự đậm đà, dù có thể thậm chí là luôn, phải chịu đựng đến phát khùng cái đậm đó. Phải, do thiếu khí chất và cá tính vượt trội nên Thạch mau chóng trở nên cục mịch, nhạt nhòa và thiếu duyên dáng. Ngược lại, là Mây.
Kim nhớ lại. Hồi bé, hai đứa thân với nhau. Mây bày các trò và Thạch hưởng ứng. Mắc treo khăn lụa của Kim là nơi Mây thích giở trò nhất. Nó đứng dưới sàn, hóng lên. Khi nắng mùa đông chiếu vào, màu mắt nó ánh lên thiên thanh, là lúc đám khăn lụa bay như những đọn tơ trời. Nó lấy hơi rất nhanh, xuội vai xuống, khiến chiếc cổ bỗng mảnh như một nhành khuê cách. Rồi phốc một cái, nó phóng lên như một tia chớp, cào khẽ được mép chiếc khăn, và kéo xuống. Thạch đứng sau hưởng ứng bằng ánh nhìn ngưỡng mộ. Kim chợt nghĩ, y như chuyện làm thơ, giữa Kim và thi bá. Thi bá rất nghiêm cẩn, rất tự nghĩ về sự chính chuyên cả trong làm thơ lẫn trong si mê nàng thơ. Nhưng, không hiểu sao, Kim cứ lo lắng. Trước những hoàn thiện tự biết quảng bá thương hiệu bằng ngôn luận, ta luôn ngờ ngợ. Đây đó vài lần, Kim bắt gặp sự buông thả kín đáo những đào hoa sơ đẳng, khi thì trước một khoảng hở kĩ càng, khi thì trước một mai dung còn măng tơ… Cảm giác về một năng lượng tối, tạo nên bởi đồ thị của các điểm mù nguyên và thứ phát về tiến hóa. Nàng nhớ có lần thi bá đến nhà nàng. Vẻ rất cẩn trọng cung nghinh, bảo nàng là chiếc khăn lụa ấy, nếu nàng vấn cao lên để lộ vầng trán, sẽ thùy mị và đài các. Lạ nhỉ. Chuyện đó sao phải để hẳn một cuộc vấn danh riêng tư? Chỉ có thể đó là một cái cớ. Có lần, thật liều lĩnh và kinh khủng, Kim nghĩ, thà thi bá cứ bật cửa, vác thốc nàng lên vai, chạy băng trên tuyết trắng, và phủ lên cả một cơn giống xâm lược. Thà thế còn hơn. Nên cướp. Không nên trộm. Càng không nên trộm lại vào cửa chính bằng kim bài văn hóa và tử tế. Vì sao ? Cướp mà thành thì bị cào nát tay và nát ngực. Cướp không thành, bại lộ thì đi tù. Ít ra, dám làm dám chịu, ắt hẳn còn được tin. Chứ yêu, thì còn xa. Nhưng không sợ hãi. Đó chính là lí do Kim thích cả Quý và Kiên. Quý như kim cương trắng. Kiên như kim cương đen. Họ có làm gì với Kim cũng không ngụy tạo. Không nhân danh bản thân họ. Họ nhân danh tính hấp dẫn và gợi đòn của cái đẹp mang hơi thở. Dám làm người có khiếm khuyết giữa một thế giới cái gì cũng có, trừ sự nguyên bản, Kim cho là hai chàng thật ra là từ thuở xa xưa tái xuất. Khác biệt căn bản, họ là bậc tài hoa giữa đất trời. Họ khoe tài nên mới yêu nàng. Vì sao? Vì nàng là một loại chất kích thích tài năng kiêu hùng trong họ. Đơn giản.
Giật mình vì Thạch lại gần, cọ mặt vào chân mình. Thạch thật lạ. Dù bị gắt, mắng thế nào, cũng mặc kệ, cứ sấn lăn, lầm lũi kêu gọi Kim quan tâm thương xót. Trong lúc đó, Mây chỉ nằm đó, hai chân liệt, đôi mắt lặng im, không, nhất định không hé lộ tâm tình sâu kín nào đang giày vò nó. Kim cho hai đứa ăn. Mây phải được dỗ dành bằng gel dinh dưỡng mới ra khỏi sự biếng sống đến trống rỗng. Gel đã đánh thức sự sung sức của một thiếu nữ. Nó ăn ngon miệng trong chiếc bát nhỏ xíu bóng loáng. Thạch ngồi bên cạnh. Vẫn đợi Mây ăn xong, còn lại cậu ta mới vào ăn tiếp và nốt. Mây, hình như mủi lòng, quay sang liếm lên trán anh, như cảm ơn hay ban phước. Hôm nay đã là ngày thứ tư. Kim xốn xang nhớ lại những ngày trước đó.
3. Cuộc tình của Mây và Mun thì Kim là kẻ thứ hai biết. Hôm đó nàng sang phòng ngủ hướng nam, nơi dành cho khách về nhà Kim ăn Tết, ngày thường Kim cất quần áo mùa hè. Từ trong đám áo lụa của Kim, Mun đẹp trai lao ra, luồn qua cửa sổ, nhảy xuống mái dưới và chạy về bên nhà nó. Kim ngạc nhiên. Thời nay đến người còn chẳng ăn vụng huống hồ mèo. Mà ăn vụng gì ở phòng quần áo. Nhưng nếu không vụng thì sao lại phóng đi và tẩu thoát nhanh thế. Chưa định thần xong thì nàng Mây từ đám lụa đi ra. Má ơi. Chúa ơi. Thánh Ala ơi. Phật ơi. Mặt trận ơi. Hội liên hiệp ơi. Không thể tin vào mắt mình. Mây bước ra. Có chút bối rối chạm giai đẹp rồi. Nhưng Mây không xấu hổ trước Kim. Mây có một vẻ dạn dĩ vừa đủ của đoan chính và từng trải. Trời ơi. Nàng ấy đã tìm thấy tình nhân của mình. Ơ, thế sao Mun phải tẩu thoát như một tội phạm? Phải chăng tâm lí ăn trộm báu vật của tạo hóa đã khiến bọn đàn ông luôn mang mặc cảm tội lỗi và luôn phóng sinh phản ứng tự vệ như thế? Hay là muôn đời, sự trinh trắng nguyên khiết của cái đẹp luôn luôn là một cấm kị ?
Kim chỉ vừa kịp trao cho Mây một cái nhìn hiểu và biểu dương thoáng chốc, thì quay lại, giật mình vì ánh mắt của Thạch. Lạy trời. Nếu bạn là phụ nữ, mong bạn không bao giờ phải gặp ánh mắt ấy ở người đàn ông bạn bỏ lại, người đàn ông bạn không lựa chọn. Và Kim hiểu tại sao Mun phải tẩu thoát. Mun biết, Mun được Mây yêu, nhưng Mun biết Thạch yêu Mây. Trong Mun, trong mọi người đàn ông được yêu, luôn có một quãng rất chùng. Họ không bao giờ biến tình địch thành kẻ thù. Vì họ hiểu diễm tình họ có được là may mắn, thất tình gã kia mang là rủi ro. Đàn ông được yêu là đàn ông rộng lòng và hạnh phúc. Đàn bà được yêu vẫn hẹp bụng và không bao giờ hết ghen tuông với người thua cuộc. Tại sao? Vì, bản chất, phụ nữ vì hiếu thắng mà thành tình nhân. Đàn ông vì khát tình mà thành người tình. Muốn gì thì bằng lòng thứ đó. Đàn bà ham chiến thắng nên họ chiến đấu đến cùng. Tất nhiên là với các bóng ma hoang tưởng. Mây thì không, vì Mây không phải là đàn bà. Mây là kì nữ.
À mà… Nhưng mà... Thạch và Mây là anh em kia mà. Tình cảm loạn luân ra sao với giống vật? Với giống người? Sự khác biệt ở đâu? Khác biệt ở đâu?
4. Hai tháng trước Thạch bị cánh tủ sập xuống lưng. Có lẽ nó bị chấn thương nội tạng. Ít lâu sau nó bình phục. Mây gần như đi suốt đêm với Mun. Ban ngày, nó quan tâm đến Thạch theo giờ giấc, lúc ăn uống, khi Kim tắm cho hai đứa. Đêm, giữ phép một chút, Mây qua cửa sổ, sang nhà Mun. Kim hiểu tại sao. Nó không muốn làm Thạch buồn. Trước đã thế, nên Mây và Mun phải vụng trộm. Giờ càng thế, vì Mây cho rằng chấn thương đã khiến Thạch hoàn toàn thiểu năng tính dục.
Kim cũng ngờ ngợ, vừa yên tâm vừa phấp phỏng. Nhưng thật ra, không hẳn thế.
Ít lâu sau. Cách đây ba ngày, bỗng Thạch cồn cào quay cuồng quanh Kim. Như mách Kim rằng tuần trăng sáng, Mây lại hò hẹn. Kim nghĩ Thạch ghen. Kim định mắng, lại thôi. Sao ta mắng một kẻ bị bỏ lại. Bị bỏ lại mà là gỗ đá còn thương. Huống chi là cả một sinh thể, một dục vọng căng đầy. Thương không đủ.
Tưởng mình nghĩ thế là ổn. Hôm sau, Mây hiện ra, tan nát vì tai nạn. Kim mới hiểu hôm qua tại sao Thạch lại quay cuồng. Nó linh cảm Mây sẽ gặp nạn. Nó kêu Kim cứu giúp Mây. Mà Kim không hiểu ra. Trong lúc Kim chăm sóc Mây, Thạch cứ quanh quẩn ở bên. Kim vừa cho Mây ăn, cho Mây đi giải xong, thể nào Thạch cũng lại gần, liếm lên trán, lên lưng lên vai Mây. Có lần, Mây đi tiểu dầm, ướt cả, Kim phải xả nước nóng rửa, lau nhưng vì Mây đau, nên không thể lau đến khô. Thạch đã làm khô và sưởi ấm Mây bằng cách liếm láp cả nửa tiếng. Mây hai chân sau kéo lên, tì cả cơ thể lên hai chân trước, uy nghi như một nữ hoàng. Kim bỗng hiểu. Một ngày cô ấy là mĩ nhân trong mắt Quý, là kiếp này kiếp khác là thần nhan sắc trong anh. Càng gặp khó khăn, càng khổ lụy, nữ thần sắc đẹp càng diễm lệ thêm bội phần trong con mắt nam nhân si tình. Bí ẩn của tình yêu là thế.
Mây một mực lạnh lùng. Kim hiểu, nàng ấy nhớ Mun, nàng ấy mong Mun. Và có phải chết trẻ, cũng mang theo sự chung tình với Mun, mối tình mà trọn đời Mây sẽ không đem gán nợ cho bất cứ ai có ân nghĩa với mình.
Một lần, cách đây chỉ khoảng 20 ngày, trong lúc ngồi làm vô tình chứng kiến một chuyện chưa từng. Đó là hôm khi Kim rửa ráy cho Mây, Thạch sau một hồi liếm láp cho Mây, cậu ta bỗng chồm lên Mây. Kim choáng váng. Và bỗng cảm thấy ghê tởm và khinh bỉ bản năng dục tính súc vật ấy. Mây đang đau đớn thế kia. Và Mây là của Mun. Nỡ lòng nào. Sự việc nhanh đến nỗi, Mây phóng vào đầu Thạch một cơn sấm sét, ngắn, nhưng quyết liệt. Thạch rời khỏi Mây.
Mây vẫn chống chân trước xuống sàn. Mắt nhìn ra đêm không trăng càng tối hơn bao giờ hết.
Thế đó. Vũ trụ này có đủ thứ để ta muốn biết và nên biết. Nó tối om như bản năng. Nó cuồng điên như bản năng. Nhưng nó mạch lạc như trí tuệ. Và nó kiên định, trong ngần như tình yêu. Mun có thể không xứng. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mây sẽ đổ đốn vì sự không xứng đó. Thạch có thể làm ẩu vì tăm tối. Nhưng làm được hay không còn tùy thuộc Mây đã quyết liệt thế nào. Không phải chỉ bởi Mây chung tình với Mun đâu. Là vì Mây yêu thương Thạch đó.
5. Rồi Kim mang Mây đi hai bác sĩ, tiêm và thủy châm và vật lí trị liệu. Mây vẫn liệt, nhưng tươi tốt, lóng lánh trở lại. Thạch có thói quen nằm trên sô pha của Kim. Không hiểu sao, ban đêm, Mây không bỏ ra chỗ quẹo nhìn sang nhà Mun nữa, mà nàng ấy ở trong phòng ăn, dưới sàn, cách Thạch một quãng. Sau lần ở dưới gầm bàn hôm ấy, Thạch không một lần nào định chiếm đoạt Mây nữa. Mỗi lần Kim mang Mây đi tiêm về, Thạch lại gần, liếm lên trán Mây, khích lệ. Bây giờ lại như này, Mây luôn âu yếm Thạch. Nàng ấy âu yếm, từ mũi lên trán, lên tai, lên vai Thạch. Cử chỉ đầy biết ơn. Ồ. Nàng ấy cảm ơn Thạch đã không bỏ nàng ấy lúc nguy kịch. Nhưng sao lại tha thiết, ân cần và bình tĩnh đến thế, sau khi đã xảy ra chuyện suýt nữa Thạch cưỡng đoạt nàng lúc ốm thập tử nhất sinh. Mẹ Kim nghe Kim kể chuyện dưới gầm bàn, không rõ có gì mà người trữ tình ngoài đề: "Người sao vật vậy nhỉ. Giống đàn ông vẫn thế!" Câu nói ấy nhẹ, mà sao Kim thấy trĩu lòng. Tầng trên ngôi nhà như muốn sập xuống. Bởi, cảm nhận về sự âm u của đời sống là điều làm Kim kiệt sức. Nàng sợ sự xấu xí.
Bây giờ, nhìn thiếu phụ tàn phế Mây dịu dàng với Thạch, Kim bỗng nhìn Thạch bằng ánh mắt pha lê của Mây. Thạch không có văn hóa và kĩ năng yêu và bảo vệ phụ nữ như con người. Thạch đã khích lệ và gọi dậy Mây, đã thay Mun tiếp sức cho Mây vượt qua cái chết. Vì nếu, là bản năng dục tính, Thạch có thể cưỡng đoạt Mây bất cứ lúc nào. Có thể có nhiều em mèo xung quanh để thỏa mãn. Không, Thạch yêu Mây. Mây đẹp. Mây hay. Và Mây thân thiết, gắn bó. Và Mây đang gặp bước ngoặt sinh tử. Kim nhớ Haruki Murakami và cuộc tình của nhân vật tôi với một người phụ nữ cậu gặp trên đường đi từ nơi Naoko chết 20 tuổi về. Chị ấy cho cậu ăn. Cho cậu yêu đương. Để đánh thức tình yêu và khát vọng sống trong cậu. Cuộc làm tình ấy, là hành vi trao gửi gần gũi, nồng ấm. Dục tính nguyên khiết rất đẹp. Dục tính sinh ra làm cứu cánh, cố nhiên, vị tha, cũng đẹp trong sự khổ lụy và kinh dị của nó.
Mây đã cảm thấy điều đó. Nàng ấy ngăn Thạch lại, vì nàng ấy không muốn nhận cứu trợ. Và nhất là, nàng ấy thương yêu Thạch, không muốn Thạch phải hi sinh. Không đáng phải hi sinh.
6. Kim không thấy Mây hướng mắt về cửa sổ phía nam nơi Mun thường xuất hiện nữa. Nàng ấy, cùng với việc phục hồi dần, trở nên bình thản và đẹp hơn. Mun không còn quan trọng và là niềm mong mỏi và điểm tựa nữa. Mây, với những gì mà nàng ấy trải, đủ để là đồng hành với chính mình. Nàng ấy, có thể, sẽ hồi sinh và đến với tình yêu sau, như mùa xuân hoa lại sẽ nở. Không phải để được đính lên trán mình tình yêu. Mà để đem nụ hôn, đính lên nụ hôn.
Thạch gầy và nhẹ nhõm. Cậu ta không còn vẻ u tối trong mắt nữa. Nhìn Thạch, Kim không thấy lo lắng chút nào. Trong ánh sáng một ngày mới, Kim từ hành lang, thấy Thạch kê giấc ngủ lên đôi tay, như một hoàng tử đợi ngày có Lọ Lem hay Bạch Tuyết gọi đến nhờ giúp đỡ và làm đám cưới. Mây nằm dưới đất, trên tấm khăn tắm. Uy nghi như một công nương đã tuyên thệ ngôi vị nữ hoàng. Nữ hoàng của kiếp khổ nạn và bất khả chiến bại. Hai kẻ vào nhà Kim tám tháng. Đưa Kim đi từ nỗi này sang niềm kia. Và cho Kim biết rằng : Không bao giờ có gì ngưng đọng và một lần cả. Luôn là những khoảnh khắc và bước ngoặt tới không cùng. Tạo hóa đã sinh ra loài. Và tạo hóa đã lập trình và cài đặt. Cứ việc tìm nguồn điện, wifi và khởi động máy thôi.
Kim ngủ thiếp trên mặt bàn. Sau khi Quý mất hai tháng nàng chưa ngủ. Trong mơ, nàng gặp Quý. Nhưng lần này, học Mây, nàng không để mình bị lạc vào mối duy tình đau khổ như Mây từng với Mun. Nàng không tự vệ, không bỏ chạy, không chờ mong gì Quý. Hình như nàng có bảo anh, đừng mở ra nhiều cung mệnh. Sẽ tự lạc lối và kiệt sức. Trong mơ, nàng mua một ổ bánh mì lớn, chạy băng qua con đê có những đàn bò của Kiên, mang về cho hai đứa con của anh. Nàng biết ơn Kiên đã mang nàng về từ cuộc mất Quý, biết ơn anh, đã như Thạch, khích lệ nàng trở lại với cuộc sống. Vì thương nàng và bầy bò, bầy trẻ, Kiên đã không quản ngại gì, dù là để bắt nắng, tóc đầy mùi bò; dù là bỏ công danh vào bếp làm món bò kho cho các con. Hay là sấn vào một người đàn bà lạ, cho cô ấy hơi ấm sinh lực cuộc đời, dù làm thế, anh chẳng giống một người chồng gương mẫu trên tivi. Yêu thương tận tụy, không quản gì, thương tổn sẽ lành, thị phi chỉ là con muỗi- Kiên viết thế. Mẹ Kim cũng bảo vậy, khi thấy Kim ôm Mây, váy áo đầy máu và nước tiểu, tay Kim đầy vết thương. Miếng bánh mì Kim ăn đỏ máu chính nàng. Sao có thể sống mà không hệ lụy chứ. Quý đã nói điều này như thế nào nhỉ ? À, là “Tôi chấp nhận tôi -và em- dù như thế là trói buộc”.
Và nàng nghĩ, sẽ ôm gương mặt Quý trong tay. Cảm ơn Quý đã tận tụy với những người thân yêu của anh khi họ ốm bệnh, khó khăn. Điều này, làm một ngày mới sẽ bắt đầu thật nhẹ với Kim, khi nàng nhìn xuống tầng dưới khi ấy còn tĩnh lặng và mờ tối, với bóng trắng của Mây và tiếng gió nhẹ từ chiếc quạt Kim đã nhường cho Mây và Thạch chút gió sớm của mùa hạ. Mùa hạ dịch bệnh thứ hai. Mùa hạ cưu mang thứ hai.
3.7.2021.