Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
938
123.366.835
 
1909 Selma Lagerlof (Thụy Điển, 1858 - 1940)
Lê Ký Thương

Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000)

 

 

(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)

 

 

Ngay từ những tác phẩm đầu tay, Selma Lagerlof đã gây sự chú ý trên văn đàn Thụy Điển và trong lòng công chúng. Quyển Truyện kể về giòng họ Gosta Berling - Gosta Berlings Saga - nổi tiếng không chỉ vì nó đánh đổ một cách dứt khoát thuyết duy thực giả dối và không lành mạnh mà còn tính chất độc đáo.

 

Bà sớm bước vào lãnh địa riêng của mình mà đó chính là di sản của tổ tiên: thế giới mầu nhiệm của những truyện thần tiên và cổ tích. Chỉ có một tâm hồn đã được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện cổ tích từ thời thơ ấu và tâm hồn đó hết sức giàu tưởng tượng, luôn luôn nhìn thấy xa hay sâu hơn thế giới vô hình, mới dám chuyển dịch những bí mật của thế giới vô hình. Tài tưởng tượng, tính đặc trưng trong những tác phẩm của Lagerlof, thấm đậm trong máu thịt của bà hơn bất cứ ai khác từ thời đại của Nữ thánh Birgitta (*). Giống như những khúc xạ trong hơi nóng của sa mạc tạo nên những ảo tượng sinh động đối với người lạc bước trong đó, trí tưởng tượng đầy màu sắc và ấm áp tình người của bà đã ban cho bà một khả năng tuyệt vời với cái nhìn về ý nghĩa của thực tế sinh động mà bất cứ ai nghe thơ của bà cũng nhớ lại một cách rõ ràng.

 

Như một họa sĩ chuyên vẽ tranh sinh hoạt nông thôn, bà là người độc nhất vô nhị và có thể tranh đua với những họa sĩ xuất sắc nhất ở các quốc gia khác. Trong tác phẩm Cô gái ở Marsh Croft - Tosen fran Stormytorpet (1908) không ai có thể bắt chước được cách miêu tả hiện thực và trung thực này. Nó chứa đựng một vẻ đẹp mới lạ và thâm sâu mang tính hấp dẫn không thể cưỡng lại được của một tình yêu vị tha làm nền tảng cho toàn bộ tác phẩm. Nhiều tác phẩm của bà cũng mang vẻ đẹp tương tự. Nhưng tài năng của Selma Lagerlof hiển lộ rõ ràng nhất trong tác phẩm nổi tiếng Thánh địa - Jerusalem (1901-02). Những tình cảm thiêng liêng sâu xa thỉnh thoảng khuấy động người dân nông thôn ở đất nước Thụy Điển, hiếm khi được truy nguyên rạch ròi như cách miêu tả cuộc hành hương của người dân Dalekarlia đến thánh địa trong tác phẩm này.

 

Văn phong của Selma Lagerlof xứng đáng với cách đánh giá Viện Hàn lâm Thụy Điển. Như một người con gái trung nghĩa, bà đã cai quản một di sản ngôn ngữ phong phú mà mẹ bà để lại, từ suối nguồn này đưa đến cách chọn từ trong sáng, cách diễn đạt sáng sủa và nhạc điệu êm ái là nét đặc trưng trong toàn bộ tác phẩm của bà. Cách chọn từ đơn giản và trong sáng, nét đẹp văn phong và tài năng tưởng tượng lại được kèm theo tình cảm tôn giáo sâu xa và mạnh mẽ mang tính đạo đức. Thật vậy, về mặt nào đó, nó không tồn tại với bất cứ ai mà cuộc đời họ là “sợi chỉ trong khung dệt của Thượng đế”. Điều khiến cho những tác phẩm của Selma Lagerlof quá đáng yêu là hình như chúng ta luôn luôn nghe trong đó có tiếng vọng của những điều tốt đẹp nhất, sôi nổi nhất và kỳ lạ nhất mà chúng luôn luôn lay động tâm hồn người dân Thụy Điển. Ít người hiểu được tâm can của người dân ở xứ sở này bằng một tình yêu như thế. Điều này biểu hiện trong tác phẩm Cô gái ở Marsh Croft  một cách chính xác, nét đặc trưng khốc liệt của nó sáng bùng lên ở cách nhìn về lòng hy sinh của cô gái trẻ, cuối cùng cô nói bằng một tình cảm sâu xa: “Đó là nhân dân tôi. Tôi sẽ không giận họ vì tình yêu và nỗi sợ trong sâu thẳm tâm hồn nhỏ bé của họ dành cho Thượng đế quá nhiều”. Một cái nhìn thân thiết và sâu xa như vậy chỉ có đối với một người mà tâm hồn họ cắm rễ sâu trong lòng đất Thụy Điển và đã hút chất dinh dưỡng của nó từ những câu chuyện thần thoại, lịch sử, dân ca và thiên nhiên. Thật dễ hiểu tại sao sự thần bí, luyến tiếc quá khứ và bóng tối kỳ diệu là tài sản riêng của thiên nhiên Bắc Âu được phản ánh trong toàn bộ tác phẩm của bà. Nghệ thuật vĩ đại của bà chính xác là ở điểm bà biết dùng trái tim cũng như tài năng thiên phú của mình để đưa ra những hình tượng từ nguyên mẫu mà chúng ta tự nhận ra mình trong đó./

 

 

(*) Nữ thánh Birgitta : (1303 - 1373), góa phụ của một hoàng tử Thụy Điển, nổi tiếng với tác phẩm Revelations – Mặc khải. Hàng năm được nhân dân làm lễ tưởng niệm vào ngày 8-10.

 

 Phụ lục:

NÀNG TIÊN CÁ

(SELMA LAGERLOF – Nobel Văn chương, 1909)

 

    Một hôm anh ngư dân sống trên đảo Liding, cách xa Salt Fiord, chèo thuyền đến hồ Lake Maler, vì mải mê đánh cá quên cả thời gian quay thuyền về nhà. Lúc bấy giờ trời đã tối, điều tốt nhất anh có thể làm là neo thuyền trên một đảo nhỏ và chờ đêm xuống, và ánh trăng sẽ hiện ra.

Cuối hè, khí trời ấm áp. Anh đẩy thuyền lên bờ, nằm cạnh thuyền, đầu kê lên một phiến đá rồi ngủ thiếp. Khi anh thức giấc, trăng đã lên tự lúc nào, sáng rực như ban ngày.

 

    Anh vùng dậy, định đẩy thuyền xuống nước thì thấy trên dòng nước một mảng màu đen lóm đóm trắng đang di chuyển. Một đàn hải cẩu bơi nhanh về phía đảo. Khi thấy chúng trườn lên bờ, anh cuối xuống cầm lấy cái xiên luôn mang theo trên thuyền. Nhưng lúc đứng lên, anh chẳng thấy con hải cẩu nào, thay vào đó, đứng trên bãi cát là một bầy tiên trẻ đẹp mê hồn, mặc váy sa-tanh dài màu xanh lục, đầu đội vương miện ngọc trai. Anh ngư dân hiểu rằng đó là những nàng tiên cá, sống trên các đảo đá xa, đã ngụy trang thành những những con hải cẩu, bơi đến hòn đảo xanh tươi này để thưởng ngoạn ánh trăng đêm.

 

    Anh cẩn thận để cái xiên xuống thuyền, và khi những nàng tiên cá xinh đẹp kia đang vui chơi trên đảo, anh lén theo họ để quan sát. Anh đã nghe kể rằng những nàng tiên cá đẹp và quyến rũ đến nỗi không một ai trông thấy họ mà không bị mê hoặc. Quả điều này không ngoa.

    Anh đứng dưới bóng cây nhìn họ nhảy múa một hồi rồi bước xuống bờ biển, nhặt lấy một tấm da hải cẩu ở gần đó rồi giấu dưới một phiến đá. Sau đó, anh trở lại mạn thuyền và giả vờ ngủ.

 

    Chẳng mấy chốc, anh nhìn thấy những nàng tiên cá xinh đẹp chạy xuống bờ cát để mặc những chiếc áo da hải cẩu của họ. Thoạt đầu, tất cả đều vui đùa ca hát, nhưng đến khi biết một trong những người bạn đồng hội đồng thuyền của họ không tìm thấy chiếc áo da của mình, họ lại khóc lóc than van. Mọi người đều chạy ngược chạy xuôi đi tìm chiếc áo da cho bạn, nhưng chẳng thấy tung tích gì. Lúc bấy giờ, họ nhận ra trời sắp sáng, không thể nán lại lâu hơn, tất cả đều nhảy xuống nước và bơi đi, để lại người đẹp mất áo ngồi trên bờ than khóc.

 

    Anh ngư dân cảm thấy buồn thương cho nàng, dĩ nhiên rồi, nhưng anh ta vẫn ép mình nằm yên chờ sáng. Sau đó, anh đứng lên, đẩy thuyền xuống nước, rồi bước đến chỗ nàng ngồi, giả vờ như tình cờ trông thấy nàng trước khi nâng mái chèo bơi đi.

 

     “Cô là ai?” anh lên tiếng. “Cô bị đắm tàu phải không?”

Nàng chạy đến bên anh và hỏi anh có thấy mảnh áo da của mình ở đâu không. Anh làm bộ chẳng hiểu nàng đang nói gì. Nàng lại ngồi xuống và khóc. Lúc này anh quyết định đưa nàng xuống thuyền. “Hãy về nhà tôi,” anh nói. “Mẹ tôi chăm sóc cô. Cô không thể sống trên hòn đảo này, vì ở đây chẳng có thức ăn mà cũng chẳng có chỗ trú thân!”. Giọng anh thuyết phục đến nỗi nàng phải bước theo anh xuống thuyền.

 

    Cả hai mẹ con chàng ngư dân đều tử tế với nàng tiên cá đáng thương, và dường như nàng đã tìm thấy hạnh phúc khi sống chung với họ. Càng ngày nàng càng mãn nguyện với cuộc sống ở đây, luôn luôn đỡ đần công việc với mẹ chàng ngư dân, hiếu thảo như những người con gái sống trên đảo, chỉ có điều nàng đẹp hơn họ nhiều. Một hôm, anh ngư dân ngỏ ý kết hôn với nàng. Nàng không từ chối, đồng ý ngay.

 

    Lễ cưới được chuẩn bị. Nàng tiên cá ăn mặc như cô dâu trong bộ váy màu xanh lục và đội chiếc vương miện ngọc trai sáng lung linh giống như lần đầu tiên anh thấy nàng trên đảo. Lúc đó, trên hòn đảo này chẳng có nhà thờ mà cũng không có linh mục, vì vậy họ cùng nhau xuống thuyền chèo đến ngôi nhà thờ gần đó để làm lễ cưới.

    Anh ngư dân cùng nàng tiên cá và mẹ đi trên chiếc thuyền của anh. Anh chèo nhanh đến nỗi bỏ xa những chiếc thuyền khác. Khi anh nhìn ra hòn đảo nhỏ, nơi anh gặp nàng lần đầu, anh không khỏi bật cười.

     “Anh cười gì vậy?” Nàng hỏi.

     “Ồ, anh đang nghĩ đến cái đêm mà anh giấu tấm da hải cẩu của em”, anh ngư dân  trả lời vì anh tin chắc rằng đến lúc này mình không cần dấu diếm điều gì với nàng nữa.

     “Anh nói sao?”, nàng ngạc nhiên hỏi. “Em nghĩ chắc đêm qua anh đã có một giấc mơ khác thường”.

 “Nếu anh cho em thấy tấm da hải cẩu của em có thể em sẽ tin anh”, anh ngư dân cười, nhanh chóng quay mũi thuyền về phía đảo nhỏ.      

    Họ bước lên bờ và anh lấy tấm da giấu dưới phiến đá lên.

    Trong nháy mắt, nàng tiên cá nhìn tấm da hải cẩu rồi chụp lấy và trồng lên đầu. Tấm da bó sát người nàng, như đã tìm lại được sinh khí, và bất thình lình nàng phóng mình xuống dòng nước.

 

    Chú rể thấy nàng bơi ra xa vội lao theo, nhưng không thể đuổi kịp. Khi biết không cách nào để bắt nàng quay lại, trong nỗi thất vọng, anh chụp cây xiên phóng đi. Kết quả nằm ngoài dự tính của anh, nàng tiên cá đáng thương hét lên một tiếng thảm khốc, rồi chìm sâu trong lòng nước.

    Anh ngư dân đứng trên bờ chờ nàng hiện lên lại. Anh nhìn thấy làn nước quanh mình khoác một màu phơn phớt sáng, mang một vẻ đẹp mà trước đó anh chưa từng thấy. Một màu hồng phấn lung linh như màu ruột sò.

    Khi làn nước lấp lánh vỗ vào bờ, anh ngư dân nghĩ rằng nó cũng được biến chuyển, bắt đầu đơm hoa và thoang thoảng hương thơm. Một chút ánh sáng nhẹ nhàng lan tỏa trên những đóa hoa và mang một vẻ đẹp mà trước đó chưa hề có.

    Anh hiểu rằng tất cả những điều này chỉ là lẽ vô thường. Với những nàng tiên cá cũng vậy: kẻ nào đã được ngắm nhìn họ đều phải công nhận rằng họ tuyệt đẹp, và chính dòng máu của nàng tiên cá kia đã hòa quyện trong nước thấm đẫm bãi bờ, đã khiến cho vẻ đẹp được nhân đôi. Tất cả những ai gặp họ, yêu họ, và thương cảm cho họ đều phải biết rằng đây là di sản từ nàng tiên cá để lại.

 

 

(dịch từ Anh ngữ) 

 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 718
Ngày đăng: 27.08.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1908 Rudolf Eucken (Đức, 1846 - 1926) - Lê Ký Thương
1907 Rudyard Kipling (Anh, 1865 – 1936) - Lê Ký Thương
Minh Nguyễn: sống và viết - Trần Dzạ Lữ
NĂM 1906 Giosué Carducci (Ý, 1835-1907) - Lê Ký Thương
NĂM 1905 Henryk Sienkiewicz (Ba Lan, 1846 – 1916) - Lê Ký Thương
Phạm Đức Mạnh – Nhà báo, đời thơ ! (phần 1) - Hoàng Thị Bích Hà
NĂM 1904 2.José De Echegaray (Tây Ban Nha, 1832 - 1916) - Lê Ký Thương
NĂM 1904 1.Frédéric Mistral (Pháp, 1830 - 1914) - Lê Ký Thương
NĂM 1903 – Biornstjerne Bjornson (Na-uy, 1832 - 1910) - Lê Ký Thương
NĂM 1902 – Theodor Mommsen (Đức,1817 - 1903) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)