EM BÁN XOÀI
Nhớ người con gái sống giang hồ đã gặp trên
bãi biển Nha Trang, những ngày sau chiến tranh.
- Anh trai mua xoài cho em đi?
Nha Trang! Ta nhớ Nha Trang!
Em bán xoài đi đêm trên cát trắng
Bãi biển chập chờn, kiếp đời các cô gái lang thang
Dưới hàng dừa se sẽ gió ru êm
Dãy cột đèn đứng đêm côi lạnh.
Xoài em chín. Đêm tàn canh em đón khách…
Giọt thơ buồn như ngọc sương rơi
Em bán xoài thơm! Em bán xoài thơm!
Biển to lớn. Bóng em nhỏ thẫm.
Linh hồn treo ngoài thế giới em đi
Trên những cành dừa hay trong đám mây qua?
Thế giới em đi “vòng thiên la địa võng“
Tóc còn xanh, em bán kiếp đời trôi
Xoài em thơm. Hương toả mát thân người...
Ai mua xoài? Còn ai có mua em?
Các cô gái đi đêm như các cột đèn
Bóng nuốt lẫn vào bờ cát ấy...
Biển ru ta và ta ru em
Dưới hàng dừa xứ sở gió ngàn năm.
Phạm Ngọc Thái
Lời bình: Nhà thơ Tố Hữu cũng có một bài thơ viết về những người con gái sống kiếp giang hồ - Đó là bài "Tiếng hát sông Hương":
Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!
Trời ôi, em biết khi mô
Thân em hết nhục giày vò năm canh
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát còn lành được không?
Đây là bài thơ một thời được đánh giá rất hay của Tố Hữu !? Nó giàu tính nhân văn - Nhưng cái "chủ nghĩa nhân văn" của ông, lại đứng trên thượng tầng của một bậc quyền quý: Lấy đức nhân ái, huấn dụ với những kẻ thấp hèn của chúng sinh:
- Răng không, cô gái trên sông
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Nó không phải là chủ nghĩa nhân văn được hòa đồng trong dân dã. Hơn nữa, qua bao tháng năm, nó phản ảnh cũng chưa đúng với hiện thực chốn cộng đồng:
Ngày mai trong giá trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đầy thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay
Cô ơi tháng rộng ngày dài
Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng…
Hôm nay chủ nghĩa vẫn còn, nhưng bài thơ không còn sự thuyết phục nữa? Mà người ta cũng không muốn nhắc lại nó ! Xin hãy nhớ rằng, sở dĩ Kiều của Nguyễn Du trở thành bất hủ, bởi vì Nguyễn Du đã nói tiếng nói của chúng sinh (dù khi viết thiên truyện Kiều – Cụ cũng là một ông quan lớn trong triều) - Nhưng Người không đứng trên tư cách một ông quan để tỏ lòng thương xót, huấn dụ đời. Nguyễn Du đau với nỗi đau của lớp cần lao, nghèo hèn:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Nỗi lòng nhà thơ hòa quyện với kiếp đời trong chốn trần ai:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Cụ than cùng với những thân phận bất hạnh ở đời, chứ có đứng trong giới thượng lưu mà phán bảo họ đâu? Nên Kiều mới cảm hóa lòng người của mọi thời đại, mà trở thành thiên truyện thơ bất hủ.
Ngay cả tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của văn hào Pháp Victor Hugo - Nhà văn cũng đứng hòa đồng trong lớp bình dân, mà viết nên tác phẩm bất hủ và vĩ đại, đấy chứ!
VỀ BÀI “EM BÁN XOÀI” CỦA PHẠM NGỌC THÁI
Nhà thơ kể rằng: Vào mùa xuân 1975 những ngày sau chiến tranh, tác giả có dịp đi qua thành phố Nha Trang. Một buổi tối, anh cùng một nhóm sĩ quan quân giải phóng ra chơi trên bãi biển và... đã gặp những "cô gái bán xoài". Một em gái trẻ xinh đẹp, dễ thương tới mời anh? Nhưng anh đã từ chối...
Song, hình ảnh người con gái ấy cùng những kiếp đời lang thang trong sương gió cứ đọng mãi, in sâu vào kí ức anh? Để rồi, nhiều năm tháng sau… bài thơ “Em bán xoài” đã ra đời !
Đó chính là người con gái sống giang hồ, nổi trôi trong bể nhân tình thế thái:
Em bán xoài đi đêm trên cát trắng
Bãi biển chập chờn, kiếp đời các cô gái lang thang
Linh hồn gần như không có nơi bám víu? Nhỏ bé, yếu ớt… trong cả biển đời đầy sóng bão:
Biển to lớn. Bóng em nhỏ thẫm.
Linh hồn treo ngoài thế giới em đi
Trên những cành dừa hay trong đám mây qua?
Cái thế giới còn nhiều sự man dã ấy chỉ muốn nuốt chửng lấy chúng:
Thế giới em đi "vòng thiên la địa võng"
Tóc còn xanh em bán kiếp đời trôi....
Đó chính là cái thế giới của chúng ta đang sống, còn bao sự bất công đè nén, vùi dập lên lớp dân dã nghèo khổ, bọt bèo? Bài thơ như những tiếng phản kháng gay gắt, lên án những dã tâm ác độc còn tồn tại trong xã hội con người. Mặc dù sự tồn tại của thế giới đó, chính phải nhờ vào hương thơm của trái xoài và sự tươi mát của những người con gái kia:
Xoài em thơm. Hương tỏa mát thân người
Thế mà:
Ai mua xoài? Còn ai có mua em?
Đây là bài thơ tác giả viết về những nỗi đời bất hạnh sau một cuộc chiến tranh - Nhưng cả trong thế giới và xã hội hiện thời, cũng còn biết bao thân phận chúng sinh bị vùi dập, bởi những bất công?
Bóng những chiếc cột đèn đứng trong đêm thành phố cũng thật côi lạnh, hòa nhập vào những thân phận đáng thương:
Các cô gái đi đêm như các cột đèn
Bóng nuốt lẫn vào bờ cát ấy...
Tất cả vô vi trong cát bụi cuộc đời. Thơ từ những hình ảnh hiện thực chuyển sang siêu thực. Ngôn ngữ nghệ thuật thi ca, nhuốm đầm trong thi pháp của dòng thơ tượng trưng để diễn tả về những thân phận thấp hèn, tội nghiệp chốn dân tình.
Giọt thơ buồn của nhà thơ rơi lên những linh hồn bọt bèo ấy:
Xoài em chín. Đêm tàn canh em đón khách...
Giọt thơ buồn như ngọc sương rơi
Hồn tác giả hòa đồng trong lớp người lao khổ, để tràn ra những dòng thi ca đầy cảm xúc, thấm đầm tính nhân văn. Cuối cùng, nỗi lòng nhà thơ cùng hòa với hàng dừa quê hương, ru quanh người con gái bán xoài:
Biển ru ta và ta ru em
Dưới hàng dừa xứ sở gió ngàn năm
Bài thơ được kết thúc ở đó. Thi ca lai láng chất “thơ tình”, nhưng nửa lại phản ánh của “thơ đời”, thật huyền thẳm và sâu sắc!