(Nguyên tác tiếng Ý: il filtro magico al profumo di cannella)
Bản dịch của Trương Văn Dân
Chuyến về Qui Nhơn của tôi lần này có nhiều điều mới lạ.
Khác với những lần về trước để tham dự đám cưới của các cháu hay gặp các em chồng từ xa về thăm quê, mà chuyến về lần này chúng tôi muốn được dừng lại và suy ngẫm, sau những tháng ngày căng thẳng trong thành phố lớn.
Vì trong mùa Vu Lan nên chúng tôi cũng được tham dự cùng hai em Nga, Tự, Châu và Kim Đức vào chuyến đi làm từ thiện mà từ nhiều năm gia đình chồng thực hiện vào tháng 7 hằng năm. Tiền được các anh em con cháu trong nhà chồng đóng góp và có sự đóng góp của các bạn hữu hay đồng hương từ phương xa như Mỹ, Úc, Na Uy... gửi về.
Lần đầu tiên tôi đến thành phố QN là vào năm 1990, và từ đó đến nay thành phố này đã có nhiều thay đổi lớn, nhất là những năm về sau. Những khách sạn mới, những bãi biển dài, sạch sẽ, xinh đẹp và mời gọi, trên đường phố có nhiều quán ăn đặc sản và nhiều nơi vui chơi... tất cả đều có thể làm thõa mãn những du khách đến từ xa.
Nhưng tôi chưa bao giờ xem mình là du khách vì trong hầu hết những chuyến đi ở VN hay qua các nước khác, đều là những chuyến đi thăm bạn bè, để gặp gỡ và trao đổi tâm tình và kinh nghiệm sống cùng họ.
Với một du khách, chỉ cần một bức hình chụp selfie đứng cạnh một ngôi chùa hay giữa hai hàng cây trước biển, cầm một chiếc nón lên máy bay rồi sau đó bỏ vào kho hay treo lên vách để làm kỷ niệm về một chuyến du lịch sang một nước Đông nam Á xa xôi.
Nhưng với tôi, sống ở VN có nghĩa là xúc cảm, là tìm trong sự khác biệt những điều mà chúng ta giống nhau và xem đó như một kho tàng quý báu, nhận được từ sự tương tác và cảm thông.
Sau khi tắm biển, chúng tôi thường ăn một tô bánh canh nóng rồi cùng chạy xe máy đến sân nhà Châu và Kim Đức. Thật bất ngờ, lần này tôi nhận ra ngay điều mới lạ: Từ chiều đến tối mọi người có thể thoải mái ngồi bên chiếc bàn con để nhấm nháp những ly trà thơm mát, ai có thời gian và muốn thì dừng chân còn nếu vội cũng có thể mua để mang về nhà.
Trên mọi ngả đường ở QN có rất nhiều hàng quán bán thức uống, coca cola hay nước dừa, nước mía, nhưng quan trà thảo mộc của Kim Đức là một điều cá biệt. Chỉ cần nhìn thấy tên bảng hiệu, OM, viết uốn khúc bằng sợi dây dừa và trên một chiếc mâm gỗ nhỏ, trên đó được bày cây lá rễ, những nguyên liệu thiên nhiên cần dùng để chế biến một loại nước uống bí ẩn mà phía sau nó chắc có nhiều suy tưởng và ngẫm nghĩ.
Tất cả những chi tiết chọn lọc và hài hòa này đã biến chiếc quán nhỏ ven đường thành một nơi gặp gỡ của một nhóm người, vì chữ OM là điểm qui chiếu trong thiền định Phật giáo. Chữ OM viết bằng sợi dây dừa, một nguyên liệu thiên nhiên, cũng chính là một thông điệp gửi đến mọi người rằng đây là quán trà đơn giản, không ô nhiễm và thân thiện với môi trường sống của loài người.
Nhưng điều bất ngờ chính là thứ nước uống dịu mát được làm chế biến hoàn toàn từ cây, trái, lá, trà xanh, và hạt sen. Mùi thơm của các thứ trộn vào nhau, phảng phất hương sả, gừng và quế. Châu nói, chanh, lá và các thứ hạt được phối hợp theo một công thức hài hòa giúp người uống thư giãn, thanh lọc cơ thể và còn có một giấc ngủ ngon.
Tôi ngồi, chú ý quan sát Kim Đức bằng cử chỉ dịu dàng lúc chuẩn bị chiếc ly với ít đá lạnh, múc từng muổng nước đã chế biến đổ vào và sau đó gắp thêm hạt sen, táo tàu bỏ lên trên cùng với một chiếc lá chanh. Động tác của Kim Đức nhẹ nhàng mà chắc nịch, và bằng nụ cười tươi như của một người mẹ, cô mang đến cho mọi người ly nước mát để thanh lọc tinh thần và thể xác.
Một người bạn còn kể với tôi rằng ở thành phố Hội An cũng có một quán nước tương tự, nhiều thanh niên, kể cả người nước ngoài đã phải sắp hàng trước một quán nhỏ để có thể mua nước sả. Nhưng bạn nói là ở nơi đây, nới quán trà thảo mộc OM này thì nước còn độc đáo và thơm ngon hơn nhiều.
Tôi tin điều đó vì trong thứ nước uống thần diệu của Kim Đức luôn có một thành phần không thể định giá, đó là tất cả tấm lòng của cô ấy, một yếu tố quan trọng mà không có gì có thể thay thế.
Những đêm sau tôi nhìn thấy rất nhiều bạn trẻ dừng lại để hỏi Kim Đức về những lời khuyên, nói về mình hay về cuộc sống xung quanh. Tôi hiểu là ly nước ấy không chỉ là ly nước giải khát, thõa mãn nhu cầu cơ thể mà còn mang theo một ý nghĩa cho sự cần thiết của tinh thần.
Trong cái vị ngọt thơm mát còn có sự chuyển tải những giá trị quá khứ, của truyền thống VN từ cổ xưa.
Tôi còn nhớ là hai năm trước khi tôi về QN đón Tết. Cũng ở trên vỉa hè này tôi đã cùng vợ chồng Kim Đức, Ngọc Châu và các bạn trẻ khác ngồi nấu bánh chưng và bánh tét trong một chiếc nồi lớn.
Trong khi Châu ngồi chụm củi và giữ lửa, Kim Đức nói với tôi là nhiều bạn trẻ hôm nay không biết về truyền thống này và vợ chồng anh thường giúp họ hiểu đó một điều quan trọng về văn hóa.
Ngồi ở quán trà OM người ta không thể nào nhàm chán và tôi cũng đã học được rất nhiều điều từ nơi này. Bằng một giọng trầm trầm, Châu, người thông thạo lịch sử và có những phân tích sắc bén, nhiều lần kể những chuyện ngoại sử về vua Quang Trung, nữ tướng Bùi Thị Xuân và đoàn tượng binh dũng mãnh của bà.
Từ bé tôi đã rất thích nghe kể chuyện, lịch sử luôn hấp dẫn vì nó thường cho tôi quay về một thế giới khác, có những chiến binh và công chúa, những cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa những thế lực quan quyền và những mưu mô chiến trận.
Thức uống của một nàng tiên có đôi mắt to và giọng kể của những người vừa hát vừa kể chuyện trong một thời quá khứ. Với tất cả niềm hy vọng tôi nhìn thấy những chiếc ly trà thảo mộc cạn dần trên tay các bạn trẻ, họ là những con người của thế giới mai sau và tất nhiên họ có thể xem và tiếp thu những lời khuyên vàng ngọc của cô chủ cùng với ly nước tinh khiết và mát mẻ, đậm đà hương vị quế.
Agosto 2019
Qui nhon 8-2019