Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.147.724
 
“Khi được thư bạn cũ” – bài thơ không năm tháng
Nguyễn Nguyên Phượng

 

(Tặng nhà thơ Triệu Từ Truyền, nhớ một thời đáng nhớ)

 

1. Bài thơ quà tặng khi gặp lại

 

    Thực ra đây là một lá thư dưới hình thức bài thơ tác giả đã tặng tôi khi gặp lại những năm đầu miền Nam, Sài Gòn giải phóng. Ngày tác giả hoàn thành lá thư là tháng 7/1977, cách đây gần nửa thế kỉ!

    Tác giả ghi cuối bài thơ là Triệu Dạ Trạch, nghe xa lạ nhưng đó là nhà thơ Triệu Cung Tinh vào thập niên 70 thế kỉ trước được bạn đọc yêu mến, giới phê bình đánh giá cao qua tập thơ "Đêm lên cơn dài" (nxb Bộ lạc mới Sài Gòn - 1965). Còn hiện nay anh là nhà thơ Triệu Từ Truyền, Chủ tịch Hội đồng thơ thuộc Hội Nhà Văn Tp.HCM. Một nhà thơ có tầm trong nền thơ đương đại, đắm say thơ, một đời vì thi ca, triết học với giọng riêng, đậm màu siêu thực giàu triết lý. (*) Sự nghiệp sáng tác thơ, văn, biên khảo phong phú. Chỉ riêng lĩnh vực sáng tác thơ, gần đây anh đã gởi đến bạn đọc yêu thơ 8 tác phẩm: Dật dờ trong sương – 1990, Mảnh vỡ hồn nhiên -1994, Va chạm hư không -1999,  Tuyển thơ song ngữ Việt- Anh- Pháp -2001, 2010, Mặt cắt cõi ngoài – 2006, Lục bát Truyền Từ Truyền – 2010, Hạt sứ giả tâm linh – 2015.                              

       “Khi được thư bạn cũ" bài thơ có nhan đề giản dị và tôi vô tình tìm thấy trong hồ sơ cũ, giấy đánh máy ố màu nhưng chữ vẫn còn rõ. Nhưng ngẫm lại bài thơ - lá thư  này, bài thơ không năm tháng thuộc dòng thơ khác trong thế giới nghệ thuật thi ca của anh, dòng thơ đấu tranh cách mạng.(Cũng nói thêm,gọi bài thơ trên của Triệu Dạ Trạch –Triệu Từ Truyền như thế trùng vời tên tập thơ “Bài thơ không năm tháng” – 1983 của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhưng lớp nghĩa có nhiều điểm khác)

 

2. Vì sao tác giả viết bài thơ này?

 

    Nhà thơ Triệu Dạ Trạch  - Triệu Từ Truyền say mê làm thơ từ rất sớm, năm 15 tuổi đã in tập thơ “Tình Phượng” (1962), sau đó là tập “Đêm lên cơn dài” (1965). Anh còn là một thủ lĩnh của phong trào đấu tranh học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Đinh đòi độc lập, tự do cho nước nhà (hai lần anh bị bắt giam ở nhà tù Côn Đảo). Anh kết giao thân thiết với văn nghệ sĩ thời đó như Từ Kế Tường, Trần Hồng Nhan – Nguyễn Tôn Nhan (cùng lập nhóm Bộ lạc mới),  nhà thơ Nguyễn Đạt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... và rất nhiều bạn học, bạn trong giới sinh viên yêu nước. Ở anh con người thơ và con người sống theo lý tưởng cách mạng như không hề có mâu thuẫn. Vì nói cho cùng, cả hai đều vươn tới những gì đẹp nhất cho đời, cho cuộc sống. Bạn hữu, chỉ một số ít biết anh tham gia cách mạng, lãnh đạo biểu tình xuống đường không cản trở còn nhiều lần giúp anh thoát sự lùng tìm, vây bắt của chính quyền cũ.

 

         Cho nên, ngày 30/4 giải phóng miền Nam, anh từ chiến khu cùng đoàn quân chiến thắng trở về trong sự ngỡ ngàng của bạn bè. Người bạn thơ chí tình từng sẻ chia ngọt bùi từng cùng nhau mê làm thơ, làm báo, trốn quân dịch, biểu tình chống áp bức đòi tự do, dân chủ nay là người chiến thắng, một cán bộ lãnh đạo quận trẻ nhất thành phố lúc đó (anh sinh năm 1947, chưa tới 30 tuổi). Và giờ bạn gởi thư, gọi điện thoại ngại ngùng, mặc cảm thậm chí lo sợ, xa cách. Để giải bày anh mượn thơ làm lá thư và ghi ở đầu bài thơ “Tặng những bạn học ngày xưa trong vùng địch tạm chiếm dù gặp lại hay chưa gặp lại”:  anh, dù hiện nay là một PCT quận 4 phụ trách khối Văn - Xã vẫn là bạn học, bạn văn chương thân thiết, bạn hữu chân tình thuở nào, vẫn là người nặng chữ tình, không quan cách.

         Trong hoàn cảnh trên anh viết lá thư - bài thơ làm rõ ý, tình với bạn cũng là lẽ thường tình. Nhưng giờ 40 năm sau đọc lại từng phần bài thơ tôi cảm nhận ngoài chất tình ấm áp còn có những nhận thức, trăn trở của Triệu Dạ Trạch -Triệu Từ Truyền không hề lạc dấu thời sự!

 

 3. Tâm tình nhà thơ và dấu son nhận thức:

 

Bài thơ có 47 dòng kết cấu 3 phần: (phần1: 23 dòng; phần 2: 17 dòng và phần 3: 7 dòng)

       Phần 1 đầy đủ như sau:                        

                          Sao lại ngập ngừng dòng chữ thân thương

                          trên trang giấy học trò dường như tủi tủi…

                          thư em viết vừa bám chặt như cầu treo

                          dù lơ - lửng giữa hai tâm hồn xa cách

                          nhưng đi thẳng như cuộc đời khí phách

                          như sợi dây căng mới bật tiếng đàn

                          mười mấy năm qua vọng một âm vang

                          rời một chỗ bắt đầu bay về vô tận…

                          với lịch sử cho tôi ngọn cờ xung trận

                           lại cho em một ngỏ hẹp nào đây

                          lại cho ai một nghịch cảnh đắng cay

                           nhưng chỉ có giặc thù mới gãy cờ bại trận

                           dòng sông quê hương chỉ nhận chìm bả cặn

                           em ngỡ là bè vẫn nổi trên sông

                           ai ví là cành khô vẫn biết xuôi dòng

                            không, nào đâu phải thế

                           vì tuổi thơ yêu thiết tha quê mẹ

                       dòng máu bắt nguồn từ truyền thống ông cha

                           có loài cây nào không muốn trổ hoa

                           nhưng chân lý đâu dễ tìm trên trang sách

                           ôi, nàng Kiều chưa lường hết nhịp cầu đâu

                           chưa qua sao biết nông sâu?

                           bờ sông lịch sử phải đâu bến đò      

       Đây là phần thơ chiếm dung lượng nhiều nhất bởi mang chứa nghĩ suy, tâm tình nhân văn của tác giả.

           3.1 Mở đầu bài thơ anh cảm thông nỗi niềm chủ thể ”em” khi viết những dòng thư thân thương, “tủi tủi”. Còn với anh, các bạn học, bạn hữu vẫn là những con người “khí phách” dù đang sống trong “vùng địch tạm chiếm", vẫn âm thầm chất chứa khát vọng dẫu còn mông lung không đích đến. Con đường chọn lựa có khác nhau. Anh đi theo “ngọn cờ xung trận”, còn các bạn rơi vào “ngõ hẹp”, “nghịch cảnh đắng cay”. Nên thực tế, giữa các bạn và  anh, những người theo cách mạng có khoảng cách, xa cách nhưng không hề là hai phía đối đầu không hề có người chiến thắng, kẻ bại trận.

    với lịch sử cho tôi ngọn cờ xung trận

    lại cho em một ngỏ hẹp nào đây

    lại cho ai một nghịch cảnh đắng cay

    nhưng chỉ có giặc thù mới gãy cờ bại trận

        “Chỉ có giặc thù mới gãy cờ bại trận”, tôi cho đây là một dấu son nhận thức. (Nhận thức đúng đắn, tiến bộ này mà phải đến vài thập kỉ sau mới có vài vị lãnh đạo có tầm, văn nghệ sĩ, bậc trí giả có tâm trong nghiên cứu, sáng tạo mới phát ngôn, đề cập đến.) Và tôi và bao người hẳn còn nhớ cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt thời điểm ấy đã thể hiện nhận thức đó về cuộc chiến 30 năm đằng đẵng của dân tộc ta đầy cảm thông, nhân bản khi nói về ngày giải phóng 30 tháng 4 “ngày có triệu người vui những cũng có triệu người buồn”.

        3.2

        Chia sẻ tiếp với bạn, anh không ở thế cao hơn của phía người cách mạng, người chiến thắng khi gặp lại bạn cũ mà sẵn sàng nắm chặt tay thân thiết. Bạn chưa chọn lựa lựa dứt khoát con đường đi, còn nhầm "bã cặn, bè nổi vẫn trôi sông". Nhưng một điều chắc chắn anh và các bạn đều cùng một dân tộc, cùng có Mẹ Quê hương, trong cơ thể có cùng " dòng máu bắt nguồn từ truyền thống ông cha".   

       Chẳng những thế anh còn khẳng định đầy niềm tin với các bạn mình:

  có loài cây nào không muốn trổ hoa

  nhưng chân lý đâu dễ tìm trên trang sách

thể hiện giọng thơ quen thuộc triết lý nêu qui luật trong cách so sánh đầy hình tượng: loài cây nào dù  là cây mọc ven đường đếu muốn hữu ích, "muốn trổ hoa" hương lẫn sắc. Đã là người ai cũng có phần ánh sáng muốn cống hiến cho đời. Và cuộc dấn mình này trước mặt là bao thử thách cần ý chí, bản lĩnh để đi cùng lịch sử dân tộc. Mượn thân phận nàng Kiều của Tố Như tiên sinh để nói về cuộc dấn thân, hành trình mới để kết chặt bạn với mình. Nghĩa là anh đã xóa hẳn khoảng cách với các bạn mà trước đó muốn đến, muốn gặp còn"ngập ngừng, tủi tủi, còn lơ lửng giữa hai tâm hồn xa cách"

ôi, nàng Kiều chưa lường hết nhịp cầu đâu

chưa qua sao biết nông sâu?

 bờ sông lịch sử phải đâu bến đò.

Với những dòng thơ trên, qua nhân vật thi ca (Thúy Kiều) tác giả gởi vào thơ những tâm tình, suy gẫm đầy sáng tạo!

 

     4. Cội nguồn đại nghĩa, triết lý tính người và dự báo thời sự:

 

       Viết tiếp lá thư, nhà thơ còn muốn các bạn thấu hiểu anh, con người mình đã từng kết giao.

Thuyền của Đảng rước tôi ra phía trước

    vượt khỏi sông con nhồi sóng biển bao giờ

   giữa thời đại dạy tôi dạn dày phấn đấu

   chính nghĩa không lớn lên bằng gươm giáo

   vì đại thắng hôm nay do ở tình người

   nên tôi thành người trong tình yêu đồng chí

   và cũng từ tình bạn bé bỏng ngây thơ

\  và cũng từ chút rung động đơn sơ

   nên biết sống không thờ ơ lạnh lẽo…

   làm cách mạng thành công không phải thi đỗ làm quan

   đâu phải nghèo rồi biến thành sang

   nên lòng dạ càng thêm son sắt

    tôi vẫn là tôi người yêu đất nước

    biết làm thơ ca tụng ân tình

     từ thuở ban đầu khắc tình sâu nghĩa rộng

     biết trân trọng những gì gọi lòng mình xúc động

     vì đó là lằn ranh giũa động vật và con người.

 

       4.1

       Đi theo Đảng chiến đấu vì dân, vì nước trui rèn trong gian nan thậm chí bị tù đày từ "sông con" ra "nhồi biển lớn", "dạn dày phấn đấu". Từ lẽ tất nhiên này (như những tấm gương kiên cường chiến đấu/hi sinh mà nhà văn cộng sản thể hiện trong tác phẩm của mình: "Viết dưới giá treo cổ" - Yulius Fucick, Tiệp Khắc, "Thép đã tôi thế đấy" - Nikolai. A.Ostrovsky, Thơ cách mạng của Tố Hữu, cụ thể bài "Từ ấy", Trăng Trối"), anh muốn các bạn thật hiểu anh, hiểu thật đúng bản chất- phẩm chất những người cách mạng đi theo lý tưởng của Đảng không phải là con người sắt máu (Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa – Tố Hữu), vẫn là Con Người, đậm chất Người. Anh đi theo ngọn cờ của Đảng vẫn là con người từng được quê cha, đất mẹ dưỡng nuôi, được bao bọc trong "tình yêu đồng chí", tình bạn "bé bỏng ngây thơ" và từ "chút rung động đơn sơ" có cả niềm đắm đuối thi ca, văn chương. Do vậy anh viết những dòng thơ tự bạch chân thành:

 tôi vẫn là tôi người yêu đất nước

 biết làm thơ ca tụng ân tình

 từ thuở ban đầu khắc tình sâu nghĩa rộng

  biết trân trọng những gì gọi lòng mình xúc động

 cả khi triết lý về lằn ranh tính người vẫn giàu thuyết phục:

   vì đó là lằn ranh giữa động vật và con người

     4.2

       Điểm đặc sắc những dòng thơ này là nhà thơ nối tiếp dấu son nhận thức đã thể hiện trên (phần 1) về cội nguồn của Đại thắng lịch sử giải phóng dân tộc.

       Sức mạnh vô song làm nên Đại thắng mùa xuân 30/4, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối đã được khẳng định huy hoàng, hoành tráng từ lá cờ lộng bay trên  nóc Dinh Độc lập.

     Nhưng cái lõi mạnh mẽ vô biên lại chính là tư tưởng truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt, do các lớp ông cha hun đúc nên:

chính nghĩa không lớn lên bằng gươm giáo

vì đại thắng hôm nay do ở tình người

lại một lần nữa anh đưa vào thơ câu vần cổ điển đã mà các bạn từng đọc, từng ngẫm của đại thi hào Nguyễn Trãi thế kỉ XV. Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân mà thay cường bạo (Đại cáo bình Ngô). Đó mới là bản chất thực sự cao đẹp, đúng đắn của Đảng:  đại thắng thành công là "do ở tình người" sức mạnh của lớp lớp sóng nhân dân. Từ đó tác giả bằng chữ tình - tình người ấy gắn kết tình bạn anh - các bạn luôn sáng trong, đáng trân quý.

4.3

       Những dòng thơ còn sáng lên tính dự báo thời sự. Bởi nhà thơ căn dặn chính mình (vì anh đang đảm đương một chức trách cấp quận):     

  làm cách mạng thành công không phải thi đỗ làm quan

  đâu phải nghèo rồi biến thành sang

  nên lòng dạ càng thêm son sắt

đó là yêu cầu cốt tủy của lý tưởng hi sinh, quên thân mình cho đất nước chứ không phải dấn mình làm cách mạng để tiến lên chức quyền, vị trí  thấp/ cao đổi đời "làm quan", "nghèo biến thành sang". Cho thấy đây không chỉ là ý nghĩ tự răn mình về đạo đức của người cách mạng còn thể hiện một dự báo: người cách mạng cần tu dưỡng đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ phải thực sự là công bộc của nhân dân. Như tuyên truyền, giáo dục của Đảng hiện giờ : cán bộ, đảng viên không tự tròng vào đầu mình vòng kim cô "tự chuyển biến, tự chuyển hóa', đừng tha hóa trước ma kim tiền biệt phủ trăm tỉ, chiếm đoạt chục trăm ngàn tỉ tiền Việt, tiền đô của nhân dân, thao túng cơ chế quyền lực " một người làm quan, mấy lớp tầng dòng tộc thọ lộc được nhờ"; giảm lần thêm củi đốt lò tham nhũng...

5 . Bài thơ không năm tháng:

   Dù em trót ba chìm cũng hết linh đinh

   dù ai khô héo cũng sẽ tươi xinh

   vì cách –mạng là rụng lá úa đâm chồi xanh muôn thuở

   dòng chữ ơi ánh lên màu rạng rỡ

   mực màu xanh hay tím đã vỡ đất khai hoang

    trên trang giấy như cánh đồng hết thời hoang dại

    phải chăng thư chưa tròn ý lại sang hàng.

       Tháng 7/1977

         Lá thư - bài thơ của nhà thơ Triệu Dạ Trạch - Triệu Từ Truyền mạch tình là chủ đạo.Với 7 dòng kết, tác giả có cách nói không cao đạo, lý luận xơ cứng mà tươi tắn, gần gũi  mang chất dân gian "ba chìm, bảy nổi, chín linh đinh"

  dù em ba chìm bay nổi cũng hết linh đinh

  dù ai khô héo cũng sẽ tươi xinh

để gởi, truyền niềm vui, niềm tin đến chủ thể "dù em, dù ai" - các bạn của anh và lớp tuổi trẻ như anh. Ngày mới cuộc đời sẽ lên nhiều, thêm nhiều "chồi xanh" do chính mỗi người dấn bước góp phần làm nên.

          Lá thư dừng ở dòng cuối" chưa tròn ý lại sang hàng" đọng lại nhiều ngẫm nghĩ, niềm lạc quan ấy lấp lánh bền lâu không chỉ trên dòng thơ mà còn mãi trong tâm tình bè bạn.

6. Vĩ thanh:

          Bài thơ anh tặng tôi theo thời gian giấy đã ngã vàng. Là bạn thơ thời làm sinh viên Văn Khoa, tôi thành "nhân chứng thi ca bất đắc dĩ". Giờ đọc lại trọn vẹn thi phẩm tôi viết đôi diều cảm nhận về chữ tình, chữ tâm và một vài suy gẫm về tầm, nhận thức, lý tưởng lẽ sống cuộc đời mà anh đã kinh qua tràn nhiệt huyết thời thanh xuân của đời mình.

          Tác phẩm văn học ra đời đều có thời điểm sáng tác tháng, ngày cụ thể. Và rồi như vật thể, cõi tinh anh áng thi ca - văn chương ấy dần dà sẽ chìm, rơi theo cát bụi thời gian! Còn thi phẩm này anh tặng tôi đã trôi qua bốn thập kỷ (1977-2021) mang chứa những điều đáng ngẫm nghĩ, đáng trân quý.

         "Khi được thư bạn cũ", bài thơ của Triệu Dạ Trạch - Triệu Từ Truyền thuộc dòng thơ đấu tranh cách mạng thách thức thời gian là bài - thơ - không - năm-tháng là vậy.

              Xuân Lộc,

              21h20 ngày 8/01/2021

              hoàn thành 10h ngày 14/1/2021

                                    

(*)  Cần đọc thêm các bài viết:

  - Nhà thơ Triệu Từ Truyền với cuộc dấn thân văn chương nhiều va đập...Nhà báo Lương Định – Giáo Dục online

     - Nhà thơ Triệu Từ Truyền : Hồn nhiên những mảnh vỡ thi ca - Bài của Lê Thiếu Nhơn

     - Nhà thơ Triệu Từ Truyền – Võ Quê

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Nguyên Phượng
Số lần đọc: 737
Ngày đăng: 05.09.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về người con gái sống giang hồ trong thơ Phạm Ngọc Thái - Trần Đức
Vài chuyện ngoài lề: bài thơ “đừng đi” - Đặng Xuân Xuyến
Thơ Đạm Thạch, ngôn ngữ miền Nam rặc ròng - Trần Yên Hòa
Đọc “Cây không rễ” của nhà thơ Hồng Thế - Hoàng Thị Thu Thủy
Tập thơ “Đôi hồn” và một thiên diễm tình - Phạm Ngọc Thái
Thành Tôn, với sách, bạn và tình yêu - Trần Yên Hòa
Bài thơ ‘Quê choa’’ của Đinh Sỹ Minh - Đặng Xuân Xuyến
Một thoáng nghĩ về ý thức phái tính - Nguyễn Thị Kim Lan
Bài thơ “Khóc Chồng” của Đồng Thị Chúc - Đặng Xuân Xuyến
Về phong độ nam tính qua bài thơ tình “Chia tay” của Nguyễn Trung Hiếu - Nguyễn Thị Kim Lan
Cùng một tác giả
Bạn cùng thời (truyện ngắn)